Âm nhạc & Thai nhi – Bạn đâu cần phải tạo ra Mozart, Einstein mới?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi:

  • Liệu âm nhạc có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi?
  • Cho thai nhi nghe nhạc sẽ giúp bé thông minh hơn về sau?
  • Cho con nghe nhạc thế nào mới là đúng?
  • Âm lượng thế nào được xem là quá lớn với bé?
  • Kết luận

nghe nhạc khi mang thai

Liệu âm nhạc có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi?

Chưa ai dám đưa ra câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này. Có một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi chưa chào đời, con đã có thể nghe và phản ứng lại với âm thanh bằng cách “ngọ nguậy” trong bụng mẹ. Tuy nhiên, không có ai thực sự chắc chắn những cử động ấy của bé có nghĩa là gì bởi việc quan sát một đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ không hề dễ dàng như quan sát những đứa trẻ đã được sinh ra.

Cho thai nhi nghe nhạc sẽ giúp bé thông minh hơn về sau?

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh được cho con nghe nhạc khi còn trong bụng mẹ sẽ giúp con thông minh hơn. Một số ý kiến cho rằng tiếp xúc với âm nhạc sẽ giúp trẻ ở tất cả các độ tuổi học toán tốt hơn. Tuy nhiên, Gordon Shaw – một nhà nghiên cứu thần kinh học thuộc trường Đại học California ở Irvine cho hay: thực ra những nghiên cứu này không tập trung vào trẻ còn ở trong bụng mẹ  mà chỉ tập trung vào những trẻ ở độ tuổi lớn hơn mà thôi.

Ví dụ, những bài học piano có thể giúp con nâng cao khả năng lý luận trừu tượng (khả năng có thể hiểu được không gian ba chiều), nhưng đối tượng nghiên cứu ở đây là trẻ từ 3-4 tuổi (vui lòng tham khảo thêm bài viết Âm nhạc với trẻ từ 3-4 tuổi). Một số chuyên gia phỏng đoán rằng, nếu âm nhạc có thể tác động lớn đến trẻ có độ tuổi lớn hơn thì có thể nó cũng có những tác động tích cực lên cả trẻ sơ sinh và trẻ còn nằm trong bụng mẹ nữa.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng trẻ sơ sinh có thể nhận ra những bản nhạc mà cha mẹ đã từng cho trẻ nghe khi còn ở trong bụng mẹ và thậm chí có thể trở nên vui vẻ hơn hoặc dễ chìm vào giấc ngủ khi nghe những bản nhạc tương tự. Tuy nhiên, Janet DiPietro, một nhà tâm lý học phát triển đang nghiên cứu về sự phát triển của thai nhi tại đại học Johns Hopkins cho biết, những kết luận này không hề dựa trên một nghiên cứu có thực nào.

Một vài chuyên gia cho rằng khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ sẽ hít thở cùng lúc với những bản nhạc mà trẻ đang nghe. Bác sĩ sản khoa người California Rene Van de Carr cho biết, ông đã quan sát thấy một bé 33 tuần tuổi thở theo nhịp điệu Bản giao hưởng số năm của Beethoven. Bác sĩ Rene Van de Carr cũng chính là tác giả của cuốn sách While You’re Expecting…Your Own Prenatal Classroom (tạm dịch “Khi mang bầu: Lớp học thai giáo riêng của bạn”). Ông cho rằng bởi khi còn chưa chào đời, trẻ đã cảm nhận được giai điệu của bản giao hưởng, như vậy có thể chắc chắn rằng trẻ rất thích thú và sẽ học được điều gì đó từ những giai điệu mà trẻ được nghe.

Nhưng một số nhà nghiên cứu khác, trong đó có DiPietro lại đặt ra câu hỏi: “Làm sao chúng ta chắc chắn được việc hít thở theo âm nhạc là điều có lợi cho trẻ?”

Vậy cho trẻ nghe nhạc như thế nào là đúng?

Cách tốt nhất là mẹ nên nghe nhạc từ máy stereo, vừa nghe nhạc vừa làm các công việc thường ngày. Có một lưu ý là mẹ không nên đeo trực tiếp headphone lên bụng bầu bởi làm vậy khoảng cách giữa bé và nhạc quá gần, có thể khiến con dễ bị kích động. “Các mẹ thường nghĩ nên cho nhạc lớn lên bởi cho rằng nhạc phải to con mới có thể nghe thấy được”, chuyên gia DiPietro cho biết, “nhưng thực tế các mẹ không cần thiết phải làm vậy bởi bản thân nước ối là một môi trường dẫn âm rất hiệu quả rồi”.

Âm lượng thế nào được xem là quá lớn với bé?

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết vào cuối những năm 1990 một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mang bầu, nếu mẹ phải tiếp xúc với âm thanh quá lớn trong một khoảng thời gian dài thì nguy cơ sinh non, con sinh ra nhẹ cân, giảm thính lực cũng tăng cao. Những nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện với những bà mẹ phải làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn trong thời gian dài (chứ không bao gồm các mẹ chỉ thi thoảng mới đến những nơi ồn ào – một đêm nhạc hơi ầm ĩ chẳng hạn)

Và, một lưu ý nữa là mẹ không nên nghe nhạc với tần số lớn hơn 65 dB – tương đương với độ lớn nhạc nền ở các cửa hàng – bởi nó có thể khiến em bé giật mình hoặc bị tổn thương. Và nếu muốn nghe nhạc trong thời gian lâu một chút, mẹ nên nghe với tần số âm thanh thấp hơn 50dB (tương đương với tần số âm thanh ở hầu hết các trung tâm chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh)

Vâng, nhưng làm sao tôi biết 50dB hay 70dB là to cỡ nào !!!??? OK, chúng tôi hiểu, dưới đây là tần số âm thanh của một số vật dụng trong nhà mà mẹ có thể dùng để so sánh tương quan:

  • 50 – 75 dB: máy giặt
  • 55 – 70 dB : máy rửa bát
  • 60 – 85 dB : máy hút bụi
  • 60 – 95 dB : máy sấy tóc
  • 65 – 80 dB : chuông báo thức
  • 75 – 85 dB : tiếng xả nước của bồn cầu
  • 80 dB : chuông điện thoại

[adinserter block=”8″]

Kết luận

Do những nghiên cứu được nhắc đến trong chủ đề này vẫn còn chưa được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn, và các chuyên gia có vẻ vẫn chưa thống nhất được liệu rằng âm nhạc sẽ làm cho thai nhi thích thú hay ngược lại – làm bé cảm thấy khó chịu, nên các mẹ nên cân nhắc khi quyết định cho con nghe nhạc khi con vẫn còn trong bụng mẹ nhé. Và, các mẹ cần nhớ, sự điều độ chính là chìa khóa vô cùng quan trọng.

Thậm chí bác sĩ Van de Carr, một người ủng hộ việc dạy con khi còn trong bụng mẹ cũng đồng ý với quan điểm trên. Ông nói “Các bà mẹ không nên gắng sức để tạo ra một thiên tài âm nhạc.” Bởi điều này vô tình sẽ tạo ra áp lực cho mẹ và đặt ra một tiêu chuẩn mà con có thể chẳng bao giờ đạt được.

Hãy nghe nhạc bởi niềm yêu thích thực sự, chứ không phải nỗ lực để con sinh ra được thông minh hơn. Với các mẹ đang phải trải qua cảm giác khó chịu khi mang bầu, âm nhạc có thể giúp tinh thần các mẹ được thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ hơn hoặc làm tâm trạng các mẹ trở nên vui tươi hơn.

“Âm nhạc có thể khiến mẹ thoải mái, thư giãn. Điều này sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực tới con. Đó chính là tác động gián tiếp mà âm nhạc có thể mang lại cho thai nhi”, chuyên gia DiPietro cho biết. Mẹ có thể ngân nga một vài giai điệu, kiễng gót chân lên và nhún nhảy theo điệu nhạc một cách vui vẻ thoải mái.

Và sau cùng, nếu sau khi nghe nhạc trong suốt quá trình thai kỳ, các mẹ sinh ra một Adele (Ad hơi bị thích bài Someone like you của chị này nhé) hay Wynton thứ hai thì quá tuyệt vời luôn ấy nhỉ^^

(Nguồn BabyCenter – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment