Út Em chào các mẹ. Trẻ sơ sinh nhẹ cân là tình trạng trẻ khi sinh ra có cân nặng thấp hơn 2,5 Kg. Tỷ lệ khoảng 1/12 trẻ sinh ra ở Mỹ gặp phải tình trạng bị nhẹ cân sau khi sinh.
Một số trẻ sơ sinh nhẹ cân vẫn có sức khỏe tốt cho dù cơ thể nhỏ hơn những bé khác. Nhưng nếu gặp phải tình trạng sinh ra bị nhẹ cân thì một số trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Nguyên nhân khiến cho trẻ sơ sinh nhẹ cân?
Có 2 nguyên nhân chính gây nên tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân:
- Sinh non: Sinh non là tình trạng trẻ được sinh ra trước 37 tuần. Khoảng 7 trong 10 trẻ sơ sinh nhẹ cân là do sinh non. Trẻ càng sinh sớm hơn thì có thể càng bị nhẹ cân hơn. Khoảng 1/10 trẻ sinh ra ở Mỹ bị sinh non. Các mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ về vấn đề phải làm gì để giảm thiểu nguy cơ sinh non
- Thai nhi phát triển hạn chế (tình trạng này còn được gọi là chậm phát triển hơn so với tuổi thai hoặc ngày thai): Điều này có nghĩa là trẻ không đạt đủ cân nặng bình thường trước khi sinh ra. Thai nhi chậm phát triển có thể bị nhẹ cân khi sinh đơn giản là do bố mẹ có cơ thể thấp còi. Nhiều trẻ sơ sinh nhẹ cân khác đôi khi là do chậm phát triển hoặc dừng phát triển khi còn trong bụng mẹ. Khoảng 10% trẻ gặp phải tình trạng phát triển hạn chế. Bác sĩ sẽ chẩn đoán thai nhi không phát triển bình thường nếu như không thấy tử cung (hay dạ con) của các mẹ có sự phát triển lớn lên. Bác sĩ thường siêu âm và đo nhịp tim để kiểm tra sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Trong một số trường hợp, sự phát triển của trẻ có thể được cải thiện bằng cách điều trị tình trạng sức khỏe của người mẹ, ví dụ tình trạng huyết áp cao.
Trường hợp sinh non và phát triển hạn chế của trẻ có thể xảy ra do một số yếu tố ảnh hưởng đến thai nhi trong tử cung. Những yếu tố này gồm có:
- Dị tật bẩm sinh: Đây là tình trạng sức khỏe của bé khi mới sinh ra. Dị tật bẩm sinh là sự khác biệt hình dáng hay chức năng của một hoặc một số bộ phận trên cơ thể. Chúng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tổng thể, cách cơ thể phát triển hoặc trong cách cơ thể hoạt động hàng ngày. Những dị tật bẩm sinh có thể hạn chế sự phát triển của thai nhi trong tử cung và dẫn đến tình trạng sinh ra bị nhẹ cân. Thai nhi bị dị tật bẩm sinh có nguy cơ sinh sớm hơn những thai nhi không mắc dị tật bẩm sinh
- Nhiễm trùng: Một số tình trạng nhiễm trùng nhất định ở trẻ có thể phát triển chậm trong tử cung và gây dị tật bẩm sinh. Một số tình trạng nhiễm trùng có thể kể đến là virut cytomegalo, rubella, thủy đậu hay toxoplasmosis
Một số phụ nữ dễ sinh con bị nhẹ cân hơn những người khác phải không?
Đúng vậy.
Có nhiều vấn đề còn được gọi là yếu tố rủi ro sẽ khiến một số mẹ có nguy cơ sinh con bị thiếu cân cao hơn người khác.
Khi gặp phải những yếu tố rủi ro này không có nghĩa con của các mẹ sẽ sinh ra bị thiếu cân. Nhưng nó có thể làm tăng khả năng trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Bởi vì nhiều trẻ sinh non bị thiếu cân nên những nguy cơ khiến trẻ sơ sinh bị thiếu cân cũng có thể giống với nguyên nhân khiến trẻ sinh trước ngày dự sinh hay sinh non.
Các mẹ hãy trao đổi với bác sĩ về những việc cần làm để giảm thiểu nguy cơ trẻ sinh ra bị thiếu cân.
Những nguy cơ liên quan đến y tế khiến trẻ sơ sinh nhẹ cân
- Sinh non: Đây là tình trạng sinh quá sớm, trước khi được 37 tuần thai
- Tình trạng bệnh lý mãn tính: Có những bệnh lý kéo dài trong một khoảng thời gian nào đó hoặc xảy ra nhiều lần trong khoảng thời gian dài. Những bệnh lý này cần phải được bác sĩ điều trị. Tình trạng bệnh lý mãn tính có thể dẫn đến khả năng trẻ sinh ra bị thiếu cân, gồm có các vấn đề về huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch, phổi và vấn đề về thận
- Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng, đặc biệt lây nhiễm từ trong tử cung (dạ con) có thể làm tăng khả năng phải sinh non
- Vấn đề về nhau thai: Nhau thai phát triển trong tử cung và cung cấp cho dinh dưỡng và oxy cho trẻ thông qua dây rốn. Khi nhau thai có vấn đề, nó có thể làm giảm khả năng truyền máu và dinh dưỡng cho thai nhi, dẫn đến hạn chế sự phát triển của trẻ
- Không đạt đủ cân nặng khi mang thai: Phụ nữa không đạt đủ cân nặng khi mang thai có nhiều khả năng trẻ sinh ra bị thiếu cân hơn những mẹ đạt chuẩn cân nặng
- Lần trước sinh con cũng bị thiếu cân
Những nguy cơ trong cuộc sống hàng ngày dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị thiếu cân
- Hút thuốc lá, đồ uống có cồn, dùng thuốc kích thích và lạm dụng thuốc theo đơn: Phụ nữ mang thai hút thuốc có nguy cơ sinh ra bé bị thiếu cân cao gấp đôi những mẹ không hút thuốc. Hút thuốc lá, đồ uống có cồn, dùng thuốc kích thích và lạm dụng thuốc theo đơn trong khi mang thai có thể làm chậm quá trình phát triển của thai nhi trong bụng, tăng khả năng sinh non và dị tật bẩm sinh
- Hạn chế về giáo dục, thu nhập thấp hoặc thất nghiệp
Những nguy cơ khác khiến trẻ sơ sinh nhẹ cân: Tuổi tác, chủng tộc/dân tộc
Những phụ nữ ít hơn 17 tuổi hoặc lớn hơn 35 tuổi có nguy cơ sinh con thiếu cân nhiều hơn.
Chủng tộc hoặc dân tộc cũng là một nguyên nhân.
Ở Mỹ, phụ nữ da màu thường dễ sinh con thiếu cân hơn. Gần 13% trẻ da màu được sinh ra bị thiếu cân mỗi năm. Do dân tộc ở mỗi quốc gia, tỷ lệ trẻ sơ sinh thiếu cân tại châu Á là 8,4%; người Mỹ bản địa là 7,6%; Tây Ban Nha và người da trắng khoảng 7%.
Chúng tôi cũng không biết lý do tại sao chủng tộc lại đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để lý giải rõ hơn vấn đề này.
Trẻ sơ sinh nhẹ cân có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe gì cho trẻ?
Trẻ nhỏ bị nhẹ cân có khả năng gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe cao hơn những trẻ có cân nặng bình thường ngay từ khi mới sinh ra.
Một số trẻ cần phải được chăm sóc đặc biệt tại phòng riêng biệt cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện (còn được gọi là NICU) để điều trị một số vấn đề như:
- Hội chứng suy hô hấp (còn gọi là RDS): Vấn đề hô hấp thường xảy ra với trẻ sinh trước 34 tuần. Trẻ bị suy hô hấp không có loại protein gọi là surfactant có tác dụng giữ túi khí trong phổi khỏi bị bịt kín. Điều trị surfactant giúp cho trẻ bị suy hô hấp dễ thở hơn. Trẻ bị RDS có thể sẽ phải thở oxy và thiết bị hỗ trợ việc thở khác để giúp phổi hoạt động bình thường
- Chảy máu não (còn gọi là xuất huyết não hay IVH): Việc chảy máu não có thể ảnh hưởng hưởng đến trẻ sinh non bị thiếu cân, thường trong khoảng 3 ngày đầu sau sinh. Tình trạng chảy máu não thường được siêu âm để chẩn đoán. Phần lớn các tình trạng chảy máu não nhẹ và tự khỏi mà không để lại hậu quả lâu dài hoặc nếu có chỉ có một chút ảnh hưởng nhỏ. Những tình huống chảy máu nghiêm trọng hơn có thể gây áp lực lên não và tạo thành dịch trong não. Dịch não này sẽ làm tổn thương não. Để giảm dịch não, các bé phải dùng thuốc điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ cấy một ống nào đó vào trong não của bé để không bị đọng dịch trong não.
- Còn ống động mạch (PDA): Hiện tượng PDA là một vấn đề liên quan đến tim phổ biến ở trẻ sinh non. Trước khi sinh, động mạch lớn hay còn gọi là ống động mạch sẽ dẫn máu đi qua phổi. Ống động mạch thường đóng lại sau khi sinh để máu có thể chảy đến phổi và đưa oxy đi khắp cơ thể. Khi ống động mạch không đóng lại đúng thời điểm, nó có thể dẫn đến tình trạng suy tim. Bác sĩ có thể sẽ siêu âm để kiểm tra tình trạng còn ống động mạch. Trẻ nhỏ mắc chứng còn ống động mạch cần phải điều trị bằng thuốc để giúp đóng ống động mạch. Nếu thuốc không có hiệu quả, bé sẽ phải phẫu thuật.
- Viêm ruột hoại tử (NEC): Đây là tình trạng liên quan đến đường ruột. Ruột là đường ống dài dưới dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn. Tình trạng NEC thường phát triển khoảng 2-3 tuần hoặc muộn hơn sau sinh. Nó có thể gây nguy hiểm cho bé, dẫn tới những vấn đề về đường ăn uống, trướng bụng hoặc một số biến chứng khác. Trẻ bị viêm ruột hoại tử cũng cần phải điều trị bằng kháng sinh (thuốc giúp tiêu diệt các loại viêm nhiễm) và tiêm qua tĩnh mạch (qua ven) thay vì uống bằng miệng trong thời gian ruột trở lại bình thường. Một số trường hợp, trẻ có thể phải phẫu thuật để cắt bỏ phần ruột bị hỏng chức năng.
- Bệnh võng mạc do sinh non (ROP): Tình trạng bệnh võng mạc do sinh non có tác động đến các mạch máu trong mắt. Bệnh lý này phần lớn xảy ra với trẻ sinh trước 32 tuần. Nhiều trường hợp tự khỏi mà không bị mất khả năng nhìn hoặc chỉ nhìn kém 1 chút. Nhưng cũng có một số bé phải được điều trị để tránh bị mù.
Trẻ sơ sinh nhẹ cân có nguy cơ dẫn đến tình trạng sức khỏe như nào trong tương lai?
Trẻ sơ sinh nhẹ cân có nguy cơ bị mắc một số vấn đề sức khỏe trong cuộc sống sau này cao hơn những trẻ sinh ra đạt cân nặng bình thường:
- Tiểu đường
- Bệnh tim
- Huyết áp cao
- Hội chứng chuyển hóa
- Béo phì
Với hội chứng chuyển hóa, tình trạng này xảy ra khi đồng thời bị huyết áp cao, tiểu đường và bệnh tim.
Còn béo phì, đây là tình trạng cơ thể bị thừa quá nhiều cân. Nếu các bé bị béo phì, chỉ số cơ thể BMI là 30 hoặc cao hơn.
Các mẹ hãy trao đổi với bác sĩ về cách phải làm sao để giúp cho bé đạt chuẩn cân nặng sức khỏe. Khi trẻ nhỏ phát triển, hãy cho trẻ ăn những đồ ăn đủ dưỡng chất, duy trì lối sống năng động và đi đến những nơi chăm sóc sức khỏe để kiểm tra.
Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe ngay từ khi còn nhỏ có thể giúp bác sĩ phát hiện những vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi lớn lên. Những lần kiểm tra sức khỏe cũng giúp trẻ được sử dụng vắc-xin cần thiết để bảo vệ trẻ khỏi một số bệnh nhất định.
(Dịch từ bài viết “Low birthweight” – website Marchofdimes – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)