Vitamin, thuốc bổ sung và dinh dưỡng trong thai kỳ  

Ăn uống lành mạnh, đa dạng trong thai kỳ sẽ giúp bạn hấp thu được phần lớn các vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần.

Nhưng khi bạn đang có thai, thì bạn sẽ cần uống bổ sung axit folic. Phụ nữ có thai được khuyến nghị uống:

  • 400 microgram (mcg) axit folic mỗi ngày – nên uống từ trước khi mang thai cho đến khi mang thai được 12 tuần.

Bộ Y tế (của Anh quốc) cũng khuyến nghị phụ nữ mang thai nên cân nhắc uống bổ sung vitamin D (xem thêm phần ‘Vitamin D trong thai kỳ’).

Không được uống bổ sung vitamin A, hay bất cứ loại thuốc bổ sung nào có chứa vitamin A (retinol), bởi vì quá nhiều vitamin A có thể gây hại cho em bé trong bụng. Bạn phải nhớ luôn đọc kỹ thông tin sản phẩm trước khi dùng.

Nơi cung cấp thuốc bổ thai kỳ

Bác sĩ chuyên môn có thể kê đơn thuốc bổ sung cho bạn, sau đó hãy mua ở hiệu thuốc tin cậy. Nếu bạn muốn hấp thu axit folic thông qua uống các viên multivitamin, hãy chắc chắn rằng viên thuốc đó không chứa vitamin A (hay retinol).

Axit folic trước và trong thai kỳ

Bạn nên uống viên bổ sung 400 microgram (mcg) axit folic mỗi ngày khi bạn đang cố gắng thụ thai hoặc cho đến khi bạn mang thai được 12 tuần.

Axit folic rất quan trọng trong thai kỳ, vì nó có thể giúp ngăn chặn dị tật bẩm sinh hay còn gọi là dị tật ống thần kinh, bao gồm cả tật nứt đốt sống cổ (spina bifida). Nếu bạn chưa uống axit folic trước khi thụ thai, bạn nên bắt đầu uống ngay khi biết mình mang thai.

Bạn nên ăn các thực phẩm chứa folate (dạng axit folic tự nhiên) như là các loại rau lá xanh. Một số loại ngũ cốc ăn sáng và bơ thực vật như là macgarin có thể được bổ sung axit folic.

Chỉ bằng con đường thực phẩm thì bạn khó mà hấp thu đủ lượng folate khuyến nghị trong thai kỳ, đây là lý do tại sao việc uống bổ sung axit folic lại quan trọng như vậy.

Axit folic liều cao

Một số phụ nữ có nguy cơ cao mang thai bị dị tật ống thần kinh và được khuyến cáo uống axit folic liều cao 5 milligram (mg) mỗi ngày cho đến khi mang thai được 12 tuần. Phụ nữ sẽ tăng nguy cơ mang thai bị dị tật ống thần kinh nếu:

  • Bản thân họ hoặc bố em bé bị dị tật ống thần kinh
  • Bản thân họ trước đây đã từng mang thai bị dị tật ống thần kinh
  • Bản thân họ hoặc bố em bé có tiền sử gia đình bị dị tật ống thần kinh
  • Bản thân họ mắc bệnh tiểu đường

Ngoài ra, phụ nữ đang dùng thuốc trị động kinh nên tư vấn với bác sĩ chuyên môn vì họ có thể cần uống axit folic liều cao.

Nếu bạn thuộc bất cứ trường hợp nào ở trên, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên môn để họ có thể kê đơn axit folic liều cao cho bạn. Bác sĩ chuyên môn hoặc hộ sinh có thể sẽ khuyến nghị bạn nên làm thêm xét nghiệm sàng lọc trong thai kỳ.

Vitamin D trong thai kỳ

Mọi người trưởng thành, bao gồm phụ nữ có thai và đang cho con bú, cần 10 microgram (10mcg) vitamin D một ngày, và nên cân nhắc uống thuốc bổ sung có chứa đủ lượng vitamin D này.

Vitamin D điều tiết lượng canxi và phốt pho trong cơ thể, những chất này cần thiết cho cơ thể để giữ xương, răng và hệ cơ chắc khỏe.

Cơ thể chúng ta tạo ra vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (từ cuối tháng 3/đầu tháng 4 đến cuối tháng 9). Hiện vẫn chưa rõ cần phơi nắng bao lâu để sản xuất đủ nhu cầu vitamin D của cơ thể, nhưng nếu ở dưới nắng thì bạn nên chú ý che chắn bảo vệ da bằng kem chống nắng trước khi da chuyển sang màu đỏ và bị cháy.

Vitamin D cũng có trong một số loại thực phẩm, bao gồm:

Vitamin D được bổ sung vào mọi loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, cũng như là một số loại ngũ cốc ăn sáng, bơ thực vật và các chế phẩm sữa thay thế sữa động vật. Lượng vitamin D bổ sung vào những sản phẩm này có thể khác nhau và có thể chỉ là một lượng nhỏ.

Bởi vì vitamin D chỉ có trong số ít các loại thực phẩm, dù dưới dạng tự nhiên hay bổ sung tăng cường, thế nên bạn khó mà hấp thu đủ chỉ bằng con đường thực phẩm. Vì vậy mọi đối tượng từ 5 tuổi trở lên, kể cả phụ nữ có thai và đang cho con bú, nên cân nhắc uống thuốc bổ sung 10mcg vitamin D hàng ngày.

Hầu hết đối tượng từ 5 tuổi trở lên ở vương quốc Anh có khả năng hấp thu đủ vitamin D bằng cách phơi nắng vào mùa hè, vì vậy bạn có thể chọn không uống thuốc bổ sung vitamin D vào những tháng hè.

Nếu da bạn tối màu hoặc luôn mặc quần áo che kín da

Nếu da bạn tối màu (chẳng hạn như bạn là người gốc Phi, Phi-Ca-ri-bê hoặc Nam Á) hay luôn mặc quần áo che kín da khi đi ra ngoài, có khả năng bạn đang đặc biệt có nguy cơ không hấp thu đủ vitamin D (thiếu hụt vitamin D). Có thể bạn sẽ cần cân nhắc uống bổ sung vitamin D hàng ngày. Hãy trao đổi với hộ sinh hoặc bác sĩ nếu bạn thuộc trường hợp này.

Sắt trong thai kỳ

Nếu bạn thiếu sắt, có khả năng bạn sẽ rất mệt và mắc phải chứng thiếu máu (anaemia). Thịt nạc, rau xanh lá, trái cây khô và các loại quả hạch khô đều chứa sắt. Nếu bạn muốn ăn củ lạc hoặc các loại thực phẩm có chứa lạc (như là bơ lạc) trong thai kỳ, bạn có thể ăn chúng như là một phần trong chế độ ăn uống cân đối lành mạnh trừ trường hợp bạn bị dị ứng lạc, hoặc chuyên gia y tế yêu cầu bạn không nên ăn.

Nhiều loại ngũ cốc ăn sáng được bổ sung thêm sắt. Nếu nồng độ sắt trong máu của bạn thấp, bác sĩ chuyên môn hoặc hộ sinh sẽ khuyến nghị bạn nên uống bổ sung sắt.

Vitamin C trong thai kỳ

Vitamin C bảo vệ tế bào và giúp giữ tế bào khỏe mạnh.

Vitamin C có trong nhiều loại trái cây và rau củ, và một chế độ ăn uống cân đối có thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin C của cơ thể bạn. Các nguồn vitamin dồi dào là:

Canxi trong thai kỳ

Canxi là chất thiết yếu khiến xương và răng của con bạn chắc khỏe. Nguồn thực phẩm giàu canxi gồm có:

  • Sữa tươi, phô ma và sữa chua
  • Các loại rau xanh lá như là xà lách rocket, xà lạch xoong hoặc cải xoăn kale
  • Đậu phụ
  • Thức uống từ đậu nành có bổ sung canxi
  • Bánh mỳ và bất cứ thực phẩm nào chế biến từ bột mỳ tăng cường dưỡng chất
  • Cá ăn được cả xương – như là cá mòi và cá mòi di cư

Bạn cũng cần biết loại thực phẩm nào nên tránh trong thai kỳ.

Ăn chay thường, ăn chay thuần và chế độ ăn uống đặc biệt trong thai kỳ

Chế độ ăn chay thường cân đối và đa dạng sẽ cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ và con trong thai kỳ. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ thấy khó mà hấp thu đủ nhu cầu sắt và vitamin B12 của cơ thể. Hãy trao đổi với hộ sinh hoặc bác sĩ về vấn đề làm sao để đảm bảo bạn hấp thu đủ những dưỡng chất quan trọng này.

Nếu bạn là người ăn chay thuần hoặc đang thực hiện một chế độ ăn uống nghiêm ngặt vì cơ thể bạn không dung nạp được thực phẩm (chẳng hạn như thực hiện chế độ ăn uống phi gluten vì mắc bệnh Celiac – bệnh không dung nạp gluten) hoặc vì những lý do tôn giáo, hãy trao đổi với hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên môn.

Hãy yêu cầu được giới thiệu cho một chuyên gia dinh dưỡng để họ tư vấn cho bạn về làm cách nào để đảm bảo bạn hấp thu đủ mọi dưỡng chất cần thiết cho bạn và em bé trong bụng.

(Theo: NHS, UK – người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment