Các loại đồ ăn liên quan đến ngộ độc thực phẩm

một số loại thức ăn có liên quan đến những bệnh về ngộ độc thực phẩm nhiều hơn so với các loại thức ăn khác. Chúng có thể chứa vi khuẩn gây hại khiến bạn bệnh nặng nếu thực phẩm bị nhiễm độc.

  • Các loại thực phẩm sống có nguồn gốc động vật là dễ bị nhiễm khuẩn nhất, đặc biệt là thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu,..) và thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín, trứng sống hoặc tái, sữa không tiệt trùng, và các loại động vật có vỏ sống.
  • Trái cây và rau củ cũng có thể bị nhiễm khuẩn.
  • Tuy rằng một số thực phẩm nhất định dễ khiến bạn ốm và bệnh hơn, nhưng nhìn chung thì bất cứ loại thức ăn nào cũng có thể bị ô nhiễm, dù là trên cánh đồng, trong quá trình xử lý, hay trong các giai đoạn khác của dây chuyền sản xuất thực phẩm, thậm chí là lây nhiễm chéo với thịt sống trong nhà bếp.

Các bước giúp bạn tránh được ngộ độc thực phẩm:

Thịt gà, thịt bò, thịt lợn, và thịt gà tây

nấu chín thịt gà, thịt gia cầm, và thịt đỏ có thể tiêu diệt vi khuẩn
nấu chín thịt gà, thịt gia cầm, và thịt đỏ có thể tiêu diệt vi khuẩn

Thịt đỏ và thịt gia cầm sống hoặc nấu không kỹ có thể khiến bạn mắc bệnh. Đa số thịt gia cầm sống chứa vi khuẩn Campylobacter. Ngoài ra thì nó cũng có thể chứa vi khuẩn Salmonella, Clostridium perfringens, và nhiều loại vi khuẩn khác. Bên cạnh đó thì thịt đỏ sống chứa vi khuẩn Salmonella, E. coli, Yersinia, và các loại vi khuẩn khác.

  • Không nên rửa qua thịt đỏ hoặc thịt gia cầm trước khi chế biến(*). Mặc dù một số công thức trước đây có thể bao gồm bước này, nhưng việc rửa thịt có thể làm lây lan vi khuẩn sang các loại thực phẩm khác, hay thậm chí là đồ dùng nhà bếp, cũng như các bề mặt, chứ không ngăn chặn được dịch bệnh. [(*)Lời khuyên không rửa thịt trước khi chế biến có thể không phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, vì thịt chúng ta mua ngoài chợ thường không đủ đảm bảo vệ sinh để sau khi mua về chúng ta tiến hành nấu được ngay. Có một điều chú ý khi rửa thịt bạn cần tránh để nước bắn sang các thực phẩm khác – bổ sung của biên tập viên]
  • Nấu chín thịt đỏ và thịt gia cầm có thể tiêu diệt vi khuẩn. Bạn có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn bằng cách nấu kỹ thịt tới nhiệt độ tâm an toàn.
  • Sử dụng nhiệt kế nấu nướng để kiểm tra nhiệt độ. Bạn không thể biết chắc thức ăn đã được nấu chín hay chưa chỉ bằng cách nhìn vào màu sắc của chúng hay nước mà chúng tiết ra.
  • Đồ ăn thừa nên được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 4°C hoặc thấp hơn trong vòng 2 giờ sau khi chế biến. Các loại thịt được cắt thành miếng lớn, như thịt quay hay nguyên một con gà tây, nên được chia thành số lượng nhỏ để giữ lạnh nhanh chóng nhằm ngăn chặn vi khuẩn phát triển. Đọc thêm về cách bảo quản đồ ăn thừa ở liên kết này (hướng dẫn của NIH, Anh quốc).

Trái cây và rau củ

Trái cây và rau củ an toàn nhất là khi được nấu chín hoặc rửa sạch. Không nên ăn rau củ quả tươi chưa rửa
Trái cây và rau củ an toàn nhất là khi được nấu chín hoặc rửa sạch. Không nên ăn rau củ quả tươi chưa rửa

Ăn hoa quả và rau củ tươi sẽ cung cấp nhiều lợi ích sức khỏe quan trọng, nhưng đôi khi loại thực phẩm này cũng có thể gây ngộ độc vì sự tấn công của các vi khuẩn có hại như Salmonella, E. coli, và Listeria.

Hoa quả và trái cây tươi có thể bị nhiễm độc ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình được vận chuyển từ nông trại đến bàn ăn, bao gồm cả lây nhiễm chéo trong chính căn bếp của bạn.

Bạn có thể đọc thêm về cách rửa sạch hoa quả ở đây.

Sữa, phô mai thô, và các sản phẩm làm từ sữa không tiệt trùng

Để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm listeriosis do vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra, đừng tiêu thụ sữa thô, phômai mềm, hoặc các sản phẩm làm từ sữa không tiệt trùng khác
Để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm listeriosis do vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra, đừng tiêu thụ sữa thô, phômai mềm, hoặc các sản phẩm làm từ sữa không tiệt trùng khác

Bạn có thể mắc các bệnh nghiêm trọng từ sữa thô (sữa chưa tiệt trùng) và các sản phẩm làm từ sữa thô khác, bao gồm các loại phô mai mềm như phô mai trắng, phô mai vân xanh, phô mai feta, phô mai brie và phô mai camembert, cũng như kem và sữa chua. Chúng có thể chứa các loại vi khuẩn hết sức độc hại, trong đó phải kể đến vi khuẩn Campylobacter, Cryptosporidium, E. coli, Listeria, và Salmonella.

  • Các sản phẩm làm từ sữa thô chỉ an toàn cho sử dụng khi được tiệt trùng, và khâu này cần đủ nhiệt để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
  • Hầu hết các lợi ích dinh dưỡng từ việc uống sữa thô cũng có thể thu được từ sữa tiệt trùng, hơn nữa sữa tiệt trùng còn không tiềm ẩn những rủi ro nói trên.
  • Mặc dù việc nhiễm khuẩn Listeria là rất không phổ biển, nhưng một khi đã nhiễm thì vi khuẩn Listeria có thể tác động nặng nề đến người cao tuổi, thai nhi và trẻ sơ sinh.

Trứng sống và khuẩn Salmonella

Luộc/rán trứng cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng rắn lại
Luộc/rán trứng cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng rắn lại

Trứng có thể chứa vi khuẩn Salmonella gây bệnh, ngay cả khi nhìn quả trứng có vẻ sạch sẽ và không bị nứt vỡ.

Hãy sử dụng trứng cùng các sản phẩm làm từ trứng đã được tiệt trùng khi chuẩn bị những công thức cần đến trứng sống hoặc trứng chưa nấu kỹ. Ngoài ra:

  • Tránh các thức ăn có trứng sống hoặc chưa chín, chẳng hạn như nước sốt salad Caesar nhà làm và cocktail trứng sữa.
  • Chế biến trứng cho đến khi cả lòng trắng lẫn lòng đỏ đều đã rắn lại.
  • Nấu kỹ các món có trứng.
  • Giữ lạnh trứng ở nhiệt độ từ 4°C trở xuống.
  • Không được nếm hoặc ăn các loại bột nhào để làm bánh.

Ngộ độc hải sản và động vật có vỏ sống

Hàu sống hoặc chưa chín có thể chứa vi khuẩn Vibrio gây ra bệnh truyền nhiễm Vibriosis
Hàu sống hoặc chưa chín có thể chứa vi khuẩn Vibrio gây ra bệnh truyền nhiễm Vibriosis

Chế biến hải sản tới mức nhiệt độ ít nhất 63°C, và đun nóng hải sản ăn còn thừa ở nhiệt độ ít nhất 74°C [chú ý đây là nhiệt độ tâm, bên trong thực phẩm, nhiệt độ đun bên ngoài phải lớn hơn con số này – bổ sung của biên tập viên].

Tránh ăn cá, các loại động vật có vỏ sống và chưa chín, hoặc các món làm từ hải sản sống và chưa chín, chẳng hạn như sashimi, một số loại sushi, và ceviche (gỏi hải sản).

Hàu và ngộ độc thực phẩm

  • Hàu và các loại động vật có vỏ ăn-lọc có thể chứa virus và vi khuẩn gây bệnh hoặc thậm chí là gây tử vong.
  • Hàu được thu hoạch từ nguồn nước bị ô nhiễm có thể chứa vi khuẩn norovirus (vi khuẩn gây nôn mửa mùa đông).
  • Để tránh bị ngộ độc thực phẩm, hãy chế biến hàu thật kỹ.

Rau mầm và ngộ độc thực phẩm

Ăn rau mầm sống hoặc chưa chín, ví dụ như rau alfalfa, đậu, hoặc các loại rau mầm khác có thể gây ngộ độc thực phẩm
Ăn rau mầm sống hoặc chưa chín, ví dụ như rau alfalfa, đậu, hoặc các loại rau mầm khác có thể gây ngộ độc thực phẩm

Các điều kiện nóng, ẩm cần cho việc phát triển rau mầm cũng rất lý tưởng cho sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn.

Những người ăn rau mầm sống hoặc chưa chín, ví dụ như rau alfalfa, đậu, hoặc các loại rau mầm khác có thể bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella, E. coli, hoặc Listeria.

Việc nấu chín rau mầm sẽ tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại và giảm nguy cơ bị ngộ độc.

Bột mì sống

Đừng bao giờ nếm hoặc ăn các loại bột sống
Đừng bao giờ nếm hoặc ăn các loại bột sống

Bột mì là sản phẩm nông nghiệp thô chưa được xử lý để tiêu diệt vi khuẩn và mầm bệnh. Vi khuẩn có hại có thể làm nhiễm độc các loại ngũ cốc ngay trên đồng ruộng, hoặc trong các giai đoạn khác của quá trình sản xuất bột mì.

Vi khuẩn chỉ bị tiêu diệt khi thực phẩm làm từ bột mì được nấu chín. Đó là lý do vì sao bạn không nên nếm hoặc ăn các loại bột nhào sống.

(Theo: CDC Hoa Kỳ, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment