Béo phì ở trẻ em [dữ liệu tổng hợp trên toàn cầu đến năm 2010]

Quá nhiều trẻ có cơ thể rất nặng nề khi các em còn quá nhỏ tuổi

Béo phì ở trẻ em được mệnh danh là “một trong những khó khăn nghiêm trọng nhất của sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ 21”, và cũng có nguyên nhân hợp lý để bị gọi như vậy.

Tình trạng béo phì có thể gây hại cho gần như toàn bộ hệ thống trong các cơ quan của cơ thể đứa trẻ – tim và phổi, hệ cơ và xương, thận và đường tiêu hóa, cũng như là các hormone (kích thích tố) kiểm soát lượng đường trong máu và quá trình dậy thì – và còn có thể phương hại lớn về khía cạnh xã hội và cảm xúc của trẻ.

Tệ hơn nữa là, những trẻ vị thành niên đang thừa cân hoặc béo phì có xác suất rất cao vẫn bị thừa cân béo phì khi bước vào giai đoạn trưởng thành, về sau họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tật cao hơn.

béo phì ở trẻ em
Nguồn ảnh: Sandra Cohen-Rose an / Flickr

Trên toàn cầu, ước tính có 43 triệu trẻ tuổi mầm non (dưới 5 tuổi) bị thừa cân hoặc béo phì năm 2010, tăng 60% kể từ năm 1990. Vấn đề này ảnh hưởng đến cả các nước giàu và nghèo, và nếu chỉ dựa trên con số tuyệt đối, nó đã đặt gánh nặng lớn nhất trên vai những người nghèo nhất: trong số 43 triệu trẻ tuổi mầm non bị béo phì và thừa cân trên thế giới, 35 triệu trẻ sống ở những nước đang phát triển. Đến năm 2020, nếu nạn dịch hiện thời vẫn cứ không suy giảm, 9% toàn bộ số trẻ tuổi mầm non sẽ bị béo phì hoặc thừa cân – tức gần 60 triệu trẻ.

Tỉ lệ béo phì ở người lớn cao hơn ở trẻ em. Nhưng liên quan đến vấn đề này, Mỹ, Braxin, Trung Quốc và những nước khác lại ghi nhận tỉ lệ béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em hơn là ở người trưởng thành.

Tất nhiên, một số khu vực vẫn đang phải đấu tranh mạnh mẽ với nạn đói ở trẻ em, như là khu vực Đông Nam Á và khu vực Châu Phi lân cận sa mạc Sahara. Tuy vậy, hiện tượng toàn cầu hóa đã khiến cả thế giới trở nên giàu có hơn, và sự giàu có này có mối liên hệ với cân nặng.

Khi thu nhập ở những nước nghèo đang tăng lên và những chế độ ăn uống truyền thống đang chuyển đổi sang cách thức ăn uống của phương Tây, tỉ lệ béo phì tăng lên. Một kết quả của cái được gọi là “thời kỳ quá độ của dinh dưỡng” chính là các nước có thu nhập trung bình và thu nhập thấp thường phải đối mặt với gánh nặng kép:

Các bệnh truyền nhiễm đi kèm tình trạng kém dinh dưỡng, đặc biệt tình trạng thiếu ăn khi còn nhỏ, và ngày càng có nhiều bệnh suy nhược mãn tính liên quan đến tình trạng béo phì và lối sống kiểu phương Tây.

Bất ngờ là rất khó để theo dõi được tỉ lệ béo phì ở trẻ em trên toàn cầu. Nhiều quốc gia không triển khai các cuộc khảo sát tiêu biểu trên toàn quốc gồm việc đo chiều cao cân nặng của trẻ đang trong lứa tuổi đi học, hoặc không kiên trì đo lại theo thời gian.

Những khái niệm nước đôi của tình trạng béo phì ở trẻ em – do Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. Centers for Disease Control and Prevention – CDC), Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization – WHO), và Lực lượng đặc nhiệm về béo phì quốc tế (International Obesity Task Force – IOTF) đưa ra – chỉ càng làm vấn đề thêm phức tạp, khiến việc so sánh dữ liệu giữa các khu vực với nhau trở nên khó khăn.

Bài viết này đưa ra tổng quan ngắn gọn về xu hướng béo phì toàn cầu ở trẻ em. Bài viết liên quan có nội dung về xu hướng béo phì ở người trưởng thành.

Khu vực Bắc Mỹ

Trong ba thập kỷ qua, tỉ lệ béo phì trẻ em đã tăng gấp ba ở Mỹ, và ngày nay, Mỹ đã thành một trong những nước có tỉ lệ béo phì cao nhất trên thế giới: cứ 6 trẻ thì có 1 trẻ bị béo phì, và cứ 3 trẻ thì có một trẻ bị thừa cân hoặc béo phì. Mặc dù tỉ lệ béo phì chung ở trẻ em của Mỹ vẫn đều đều từ năm 2008, một số nhóm lại tiếp tục tăng và vài nhóm có tỉ lệ béo phì cao hơn các nhóm khác:

  • Vào những năm 1970, 5% số trẻ ở Mỹ tuổi từ 2 đến 19 bị béo phì, dựa trên định nghĩa béo phì hiện tại của CDC; đến năm 2008, gần 17% số trẻ bị béo phì, số phần trăm này vẫn giữ vững suốt năm 2010.
  • Béo phì phổ biến ở bé trai hơn là bé gái (tương ứng 19% với 15%).
  • Tỉ lệ béo phì ở bé trai tăng nhiều giai đoạn 1999 đến 2010, đặc biệt là ở những cậu bé da đen không phải gốc Tây Ban Nha; nhưng tỉ lệ béo phì ở bé gái thuộc mọi lứa tuổi và các dân tộc cũng cao như thế.
  • Giới trẻ gốc Tây Ban Nhan (21%) và giới trẻ da đen không phải gốc Tây Ban Nha (24%) có tỉ lệ béo phì cao hơn giới trẻ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha, xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.
  • Gần 10% trẻ sơ sinh của Mỹ có “cân nặng tương ứng chiều dài nằm nghiêng của cơ thể” cao hơn  – một cách đo lường giống chỉ số khối cơ thể BMI nhưng áp dụng cho trẻ sơ sinh đến 2 tuổi.
  • Từ 1999 đến 2010, trẻ sơ sinh Mỹ gốc Mexico có 67% khả năng có cân nặng lớn so với chiều dài cơ thể nằm nghiêng hơn trẻ sơ sinh da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.

Canada cũng đã chứng kiến tình trạng béo phì trẻ em tăng lên kể từ cuối những năm 1970 – nhìn chung, tỉ lệ béo phì tăng hơn hai lần, và trong vài nhóm tuổi còn tăng gấp ba lần. Tuy nhiên tỉ lệ béo phì ở trẻ em vẫn còn thấp hơn chút so với ở Mỹ. Năm 2007-2008, gần 9% giới trẻ người Canada tuổi từ 6 đến 17 bị béo phì, dựa trên những ngưỡng tuổi cụ thể trong IOTF. Béo phì ở trẻ em là một vấn đề lớn hơn ở những nhóm thổ dân (Aboriginal groups) của Canada: Một cuộc khảo sát các nhóm thổ dân sống ngoài các khu bảo tồn chỉ ra rằng năm 2006, gần 33% trẻ tuổi từ 6 đến 8 bị béo phì, ở trẻ tuổi từ 9 đến 14 là 13%.

Châu Mỹ Latinh và biển Ca-ri-bê

Mặc dù khu vực này thiếu hụt dữ liệu, rõ ràng là béo phì và thừa cân ở trẻ em đã trở thành những vấn đề khá lớn – và trên hết, ngày càng có nhiều trẻ bị thừa cân hơn là thiếu cân.

Trẻ tuổi mầm non

Gần 7% số trẻ dưới 5 tuổi ở châu Mỹ Latinh và biển Ca-ri-bê được ước tính bị béo phì hoặc thừa cân trong năm 2010, theo các tiêu chuẩn tăng trưởng của WHO. Trong khi đó, kém dinh dưỡng vẫn là mối lo ngại trong nhóm tuổi này, khu vực này đã ghi nhận số trẻ thiếu cân giảm nhiều trong vòng 2 thập kỷ qua, từ 7% năm 1990 xuống 3% năm 2010.

Trẻ tuổi đi học và trẻ tuổi vị thành niên

Dữ liệu tiêu biểu toàn quốc về những nhóm tuổi này còn hạn chế, nhưng một lần nữa, những dữ liệu sẵn có chuẩn nhất chỉ ra rằng béo phì đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Ở Mexico, lấy ví dụ, một cuộc khảo sát sức khỏe của chính phủ đo chiều cao và cân nặng của trẻ em trên cả nước. Khảo sát này kết luận rằng gần 10% số trẻ 15 tuổi bị béo phì và 33% bị thừa cân hoặc béo phì, áp dụng các mốc thừa cân của người trưởng thành (BMI từ 25 trở lên) và các mốc béo phì (BMI từ 30 trở lên), các điểm mốc này có vẻ ước tính thấp hơn thực tế (underestimate) tỉ lệ béo phì và thừa cân ở trẻ vị thành niên.

Trong khi đó, ở Argentina, các nhà khảo sát đo chiều cao và cân nặng của một nhóm khảo sát mẫu tiêu biểu gồm 1.688 trẻ tuổi từ 10 đến 11 theo học tại các trường công của Buenos Aires. Họ kết luận rằng có 35% số trẻ bị thừa cân hoặc béo phì, áp dụng định nghĩa béo phì của CDC, và khoảng 4% bị thiếu cân. Chú ý là, tình trạng còi cọc và thừa cân tồn tại song song ở nhiều nước đang phát triển, và còi cọc có thể làm tăng nguy cơ béo phì về sau.

Châu Âu

Ngạc nhiên là, khu vực châu Âu có dữ liệu chưa đủ hoàn thiện về các xu hướng béo phì ở trẻ em, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu. Và cho đến gần đây, các dữ liệu vẫn không được thu thập một cách nhất quán trên toàn lục địa này, làm cho việc so sánh số liệu giữa các nước với nhau vẫn rất khó khăn.

Nhưng những con số ước tính sẵn có chuẩn xác nhất kết luận rằng trong vài thập kỷ qua, tỉ lệ béo phì trẻ em đã tăng ở nhiều quốc gia. Mới đây, tỉ lệ này có vẻ đã bình ổn ở vài nước, ở một số nhóm tuổi:

Trẻ tuổi mầm non

Tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 4 tuổi hơi khác một chút ở từng nước, theo một bài đánh giá hệ thống gần đây về các nghiên cứu từ 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (European Union – EU). Tây Ban Nha có tỉ lệ thừa cân béo phì cao nhất – hơn 32% – và Rumani có tỉ lệ thấp nhất, khoảng 12%. Mặc dù thế, hãy nhớ rằng, chỉ 18 trong số 27 nước có sẵn dữ liệu, và thường là nhóm mẫu tham gia nghiên cứu có quy mô nhỏ hoặc dữ liệu có các hạn chế khác. 5 quốc gia đã lặp lại các khảo sát với trẻ tuổi từ 2 đến 5, đưa ra cái nhìn thoáng qua về các xu hướng trong vài thập kỷ qua – Cộng hòa Séc, Anh, Pháp, Hà Lan và Rumani. Trong số 5 nước này, chỉ có Anh ghi nhận tỉ lệ béo phì tăng, từ khoảng 18% năm 1995 đến 23% năm 2002.

Trẻ tuổi đến trường

Khởi xướng giám sát tình trạng béo phì ở châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization European Childhood Obesity Surveillance Initiative) gần đây bắt đầu theo dõi tỉ lệ béo phì trẻ em trên 15 quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn tăng trưởng ở trẻ em của WHO. Bản phân tích đầu tiên, dựa trên dữ liệu 2007-2008 từ 13 nước (Bỉ, Bulgari, Cộng hòa Kypros – Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Ireland, Italy, Latvia, Lithuania, Cộng hòa Malta, Na Uy, Bồ Đào Nha, Slovenia, Thụy Điển), kết luận rằng 24% trẻ em châu Âu từ 6 đến 9 tuổi bị thừa cân. Chương trình thu thập dữ liệu lần thứ hai diễn ra vào năm 2010 vẫn chưa có báo cáo. Theo thời gian, khảo sát này nên trình bày thêm nhiều quan điểm về các xu hướng béo phì của các nước trong khu vực và trên toàn châu Âu.

Trẻ tuổi vị thành niên

Cộng hòa đảo Síp, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Anh có tỉ lệ béo phì cao nhất ở giới trẻ tuổi từ 10 đến 18, theo một bài đánh giá có hệ thống gần đây về các nghiên cứu từ 30 quốc gia (27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu EU cộng thêm Iceland, Na Uy, và Thụy Sĩ). Nhưng dữ liệu lại lần nữa có hạn và chất lượng thì không đồng đều; chỉ 18 trong số 30 nước có dữ liệu tiêu biểu trên cả nước về chiều cao và cân nặng đo được. 14 nước có sẵn dữ liệu biểu thị xu hướng béo phì, mặc dù một số dữ liệu chỉ dựa trên các số liệu tự đo tự cân của một nhóm mẫu tham gia khảo sát với quy mô nhỏ. Phần lớn những nước này đều ghi nhận tỉ lệ béo phì tăng trong vài thập kỷ qua. Tuy thế, tỉ lệ béo phì ở Pháp không thay đổi từ 1998 đến 2007 ở trẻ tuổi từ 3 đến 14, một kết quả gây tiếng vang do một loạt báo cáo tiếp theo. Tỉ lệ béo phì ở trẻ 16 tuổi của Thụy Điển cũng không thay đổi từ 2001 đến 2007, và một bài đánh giá gần đây chỉ ra rằng tỉ lệ béo phì cũng vẫn giữ vững ở các nhóm tuổi khác.

Châu Phi

Nạn đói, thiếu cân và còi cọc vẫn luôn là những mối quan tâm cấp thiết hơn về dinh dưỡng ở trẻ em trên toàn châu Phi, và kể cả đến ngày nay, 20 đến 25% số trẻ tuổi mầm non ở khu vực lân cận sa mạc Sahara bị thiếu cân. Tuy thế cũng chính ở đây, tỉ lệ béo phì trẻ em đang trên đà gia tăng: phần trăm số trẻ tuổi mầm non ở châu Phi bị thừa cân hoặc béo phì đã tăng hơn hai lần trong hai thập kỷ qua, từ 4% năm 1990 đến 8,5% năm 2010. Dù thế, xem xét số liệu kỹ hơn ta sẽ thấy tỉ lệ này ở Bắc Phi cao hơn so với các khu vực còn lại của châu lục này:

Trẻ tuổi mầm non

Ở Bắc Phi, ước tính cứ 6 trẻ tuổi mầm non thì có một bé bị thừa cân hoặc béo phì – tỉ lệ này cao nhất trên thế giới, gấp ba lần so với năm 1990. Tuy nhiên cũng có sự khác biệt chút ít giữa nước này với nước kia: Khoảng 20% trẻ ở độ tuổi mầm non của Ai Cập bị thừa cân hoặc béo phì năm 2008, so với 5% ở Sudan.

Trong khi đó, ở khu vực châu Phi lân cận sa mạc Sahara, tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ tuổi mầm non vẫn chỉ là một chữ số – khoảng 9% ở Trung Phi, 6% ở Tây Phi, 7% ở Đông Phi, và 8% ở Nam Phi. Nhưng với hầu hết các khu vực, tỉ lệ này đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với 2 thập kỷ trước; chỉ có Nam Phi ghi nhận tỉ lệ này giảm nhẹ kể từ năm 1990.

Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên

Chỉ có vừa đủ vài cuộc khảo sát tiêu biểu cả nước về lứa tuổi vị thành niên ở trong khu vực này, nhưng dữ liệu sẵn có chỉ ra rằng béo phì cũng đang tăng lên ở nhóm tuổi này. Ví dụ ở Nam Phi, chỉ khoảng 1% trẻ tuổi từ 8 đến 11 bị thừa cân hoặc béo phì năm 1994, dựa theo các mốc thừa cân béo phì của IOTF. Đến năm 2006, khoảng 17 % số bé gái và 11% số bé trai Nam Phi tuổi từ 6 đến 13 bị thừa cân hoặc béo phì.

Châu Á

Tuy nhiên, tính trạng béo phì cũng có sự đa dạng theo từng khu vực. Trong khi các nước Nam Á như là Bangladesh, Ấn Độ, và Pakistan có tỉ lệ béo phì thấp, dân số đông đúc của những nước này lại góp phần gia tăng tạo thành số lượng lớn trẻ bị thừa cân hoặc béo phì. Kể cả khi nạn đói ở trẻ em vẫn là vấn đề dinh dưỡng cấp thiết nhất ở phần lớn khu vực Nam Á, ví dụ như, cứ 3 trẻ tuổi mầm non thì có một trẻ bị thiếu cân – khu vực này cũng ghi nhận tình trạng béo phì ở trẻ em tăng mạnh. Nói chung ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), ước tính gần 5% trẻ tuổi mầm non bị thừa cân hoặc béo phì năm 2010, độ hiện hành tăng 53% kể từ năm 1990. Tính ra tương ứng với 17,7 triệu trẻ châu Á tuổi mầm non bị thừa cân hoặc béo phì.

Cũng cần chú ý rằng ở những người châu Á trưởng thành, các biến chứng sức khỏe liên quan đến thừa cân và béo phì khởi đầu ở mức chỉ số BMI thấp hơn so với ở Mỹ và châu Âu. Vì thế, rất nhiều số liệu ước tính độ hiện hành béo phì trẻ em ở châu Á có vẻ như đánh giá thấp hơn thực tế mức độ gánh nặng sức khỏe công của bệnh béo phì ở châu Á.

Trẻ tuổi mầm non

Năm 2010, tỉ lệ béo phì của trẻ lứa tuổi mầm non cao hơn nhiều ở Tây Á (bao gồm cả Trung Đông) so với Đông Á, Đông Nam Á hay Trung Nam Á (lần lượt xấp xỉ 15%, 5%, 5%, và 4%). Nhưng Trung Nam Á có nhiều trẻ tuổi mầm non bị thừa cân nhất, cao hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới – ước tính 6,6 triệu trẻ.

Trẻ tuổi đi học và trẻ vị thành niên

Khá hiếm dữ liệu tiêu biểu cả nước về những trẻ vị thành niên ở châu Á, nhưng xem xét tổng hợp, ta hình dung ra được một viễn cảnh đáng quan ngại về các xu hướng béo phì. Ở Trung Quốc, hơn 20 năm qua, những cuộc nghiên cứu tiêu biểu toàn quốc có đối tượng giới trẻ tuổi từ 8 đến 18 đã chỉ ra rằng tình trạng béo phì tăng mạnh mẽ: Năm 1985, chỉ 2% bé trai và 1% bé gái bị thừa cân hoặc béo phì, dựa theo điểm mốc cụ thể của Trung Quốc (ở tuổi 18, chỉ số BMI bằng 24 thì gọi là thừa cân và bằng 28 thì gọi là béo phì). Đến năm 2005, xấp xỉ 14% bé trai và 9% bé gái bị thừa cân hoặc béo phì – tổng cộng 21 triệu trẻ.

Trong khi đó, ở Ấn Độ cuộc nghiên cứu quy mô lớn nhất cho đến giờ thực hiện trên 5 khu vực đô thị và bao gồm gần 40.000 trẻ tuổi từ 8 đến 18. Nghiên cứu này kết luận rằng 14% trong số đó bị thừa cân hoặc béo phì – một con số mà, nếu ngoại suy sang giới trẻ đô thị trên toàn Ấn Độ thì ước tính có 15 triệu trẻ. Ở Tây Á, vành đai các tiểu vương quốc Ả Rập (Arabian Gulf States) có tỉ lệ thừa cân và béo phì đặc biệt cao ở trẻ đang tuổi đi học. Một cuộc khảo sát Kuwaiti tiêu biểu toàn quốc năm 2006 đã chỉ ra rằng khoảng 44% bé trai và 46% bé gái tuổi tử 10 đến 14 bị thừa cân hoặc béo phì, dựa theo định nghĩa thừa cân béo phì giai đoạn trước năm 2000 của CDC.

Châu Đại Dương

Những nước phát triển chủ yếu của châu Đại Dương – Úc và New New Zealand – có tỉ lệ béo phì ở trẻ nhỏ là 2 chữ số, nhưng cũng có bằng chứng cho thấy tỉ lệ này đã bình ổn trong thập kỷ qua.

Ở Úc, một bài đánh giá có hệ thống về 41 cuộc nghiên cứu từ 1985 đến 2008 chỉ ra rằng tỉ lệ béo phì ở trẻ tuổi từ 2 đến 18 tăng suốt giữa những năm 1990, nhưng vẫn duy trì tương đối ổn định kể từ đó đến nay. Năm 2008, 21 đến 25% bé trai và bé gái người Úc bị thừa cân hoặc béo phì, và 5 đến 6% bị béo phì.

Ở New Zealand, dữ liệu tiêu biểu toàn quốc chỉ ra rằng khoảng 28% trẻ tuổi từ 5 đến 14 bị thừa cân hoặc béo phì giai đoạn 2006-2007, tỉ lệ này không thay đổi kể từ năm 2002. Tỉ lệ thừa cân và béo phì cao hơn nhiều ở một số dân tộc của New Zealand (người Maori, 37%, và người dân đảo Thái Bình Dương – Pacific Islanders, 57%), nhưng cũng không thay đổi nhiều kể từ 2002.

Lời kết: Phòng chống béo phì không bao giờ là quá sớm

Kể cả ở những trẻ ít tuổi nhất, tỉ lệ béo phì rõ ràng đang tăng lên trên toàn cầu. Một điều cũng rõ ràng như thế đó là người nào bị thừa cân rồi thì rất rất khó để giảm cân, ở bất cứ lứa tuổi nào. Phòng chống béo phì ở những năm đầu đời của trẻ (và thậm chí trước cả khi sinh, bằng các thói quen lành mạnh trong thai kỳ) sẽ trao cho trẻ những lợi ích sức khỏe suốt đời. Và đó cũng là con đường hứa hẹn nhất để lật ngược bài toán về nạn dịch béo phì toàn cầu này.

(Theo Harvard T.H. Chan, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment