Ngộ độc thực phẩm: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Ngộ độc thực phẩm là bệnh gì?

Ngộ độc thực phẩm là nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc đường tiêu hóa bị kích thích do đồ ăn hoặc thức uống chứa vi khuẩn, ký sinh trùng, virut hoặc hóa chất gây hại. Đường tiêu hóa (gastrointestinal) là một loạt các cơ quan rỗng tham gia vào một ống dài xoắn đi từ miệng xuống đến hậu môn. Các triệu chứng phổ biến của ngộ độc thực phẩm là nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt và ớn lạnh.

Đa số ngộ độc thực phẩm là cấp tính, tức là bệnh đột ngột phát sinh và diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và đa số mọi người tự khỏi mà không cần điều trị. Hiếm khi mà ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến những biến chứng nặng hơn. Mỗi năm ước tính có 48 triệu người Mỹ bị ngộ độc thực phẩm. Loại bệnh này gây ra khoảng 3.000 ca tử vong ở Mỹ hàng năm.

Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm?

Đa số các ca ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân là do các vi khuẩn và virut có hại. Một số loại ký sinh trùng và hóa chất cũng có thể dẫn đến bệnh này.

Vi khuẩn

Vi khuẩn là những sinh vật rất nhỏ mà có thể gây ra nhiễm trùng đường tiêu hóa. Không phải mọi loại vi khuẩn đều có hại với con người.

Một số vi khuẩn có hại có thể vốn đã có sẵn trong thực phẩm khi mua về. Các loại thực phẩm sống gồm thịt, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ, trứng, sữa tươi chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa cũng như là nông sản tươi thường chứa những loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn có thể làm thực phẩm nhiễm bẩn – khiến việc ăn thực phẩm đó vào gây hại cho cơ thể – ở bất cứ giai đoạn nào trong giai đoạn sinh trưởng, thu hoặc hoặc giết mổ, chế biến, bảo quản và vận chuyển.

Thực phẩm cũng có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sơ chế thực phẩm tại nhà hàng hoặc trong bếp ở nhà. Nếu người sơ chế thực phẩm không rửa sạch tay, các dụng cụ nhà bếp, thớt và các bề mặt khác trong bếp mà khi tiếp xúc với những thực phẩm sống, tình trạng nhiễm chéo – vi khuẩn lây lan từ thực phẩm bị nhiễm khuẩn đến thực phẩm chưa bị nhiễm – có thể xảy ra.

Nếu đồ ăn nóng không được duy trì đủ nóng hoặc đồ ăn nguội không được giữ đủ lạnh, vi khuẩn có thể sẽ sinh sôi. Vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng khi nhiệt độ thực phẩm nằm vào khoảng 40 đến 140 độ F (từ 4 đến 60 độ C). Đồ ăn nguội nên được bảo quản dưới 40 độ F (khoảng 4 độ C) và đồ ăn nóng nên được bảo quản trên 140 độ F (60 độ C). Vi khuẩn sinh sôi chậm hơn khi thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh, và những thực phẩm được cấp đông có thể làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn hẳn quá trình lây lan vi khuẩn. Tuy nhiên, vi khuẩn có trong những thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông sẽ hoạt động trở lại khi được đưa ra nhiệt độ phòng bên ngoài. Chế biến nấu nướng kỹ thực phẩm làm tiêu diệt vi khuẩn.

Nhiều loại vi khuẩn gây ra bệnh ngộ độc thực phẩm. Ví dụ như:

  • Salmonella, vi khuẩn có trong nhiều loại thực phẩm, gồm thịt, thịt gia cầm, chế phẩm từ sữa và hải sản sống và nấu tái. Salmonella cũng có thể có trên vỏ trứng và bên trong quả trứng.
  • Campylobacter jejuni (C. jejuni), có trong thịt gà sống hoặc nấu chưa chín và sữa tươi chưa tiệt trùng.
  • Shigella, vi khuẩn lây lan giữa người với người. Những vi khuẩn này có trong phân của người bị nhiễm khuẩn. Nếu người bị nhiễm khuẩn không rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh có thể khiến thực phẩm họ tiếp xúc hoặc sơ chế cũng bị nhiễm khuẩn. Nước bị nhiễm bẩn với phân bị nhiễm khuẩn cũng có thể làm nông sản trong ruộng bị nhiễm bẩn.
  • Escherichia coli (E. coli), bao gồm một số chủng khác nhau, chỉ một vài chủng mới gây bệnh ở con người. E. coli O157:H7 là chủng gây ra bệnh ngộ độc nặng nhất. Các nguồn E. coli phổ biến nhất là hamburger sống hoặc nấu chưa chín, nước ép trái cây và sữa tươi chưa tiệt trùng và nông sản tươi.
  • Listeria monocytogenes (L. monocytogenes), có trong các loại thịt sống và nấu chưa chín, sữa tươi chưa tiệt trùng, phô mai mềm và các loại thịt nguội ăn sẵn và bánh mỳ kẹp xúc xích (hot dog).
  • Vibrio, một loại khuẩn có thể nhiễm vào cá hoặc động vật có vỏ.
  • Clostridium botulinum (C. botulinum), một loại khuẩn có thể nhiễm vào những loại thực phẩm đóng hộp không đúng quy cách và cá ướp muối và cá xông khói.

Virut

Virut là những sinh vật có dạng viên nang rất bé, bé hơn rất nhiều so với vi khuẩn, có chứa vật liệu di truyền. Virut gây ra lây nhiễm dẫn đến bệnh. Mọi người có thể truyền virut cho nhau. Virut có mặt trong phân hoặc chất nôn của những người bị nhiễm virut. Những người bị nhiễm virut có thể làm nhiễm bẩn đồ ăn và thức uống, đặc biệt là nếu họ không rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.

Các nguồn virut truyền qua thực phẩm thường thấy là:

  • Thực phẩm do người nhiễm virurt sơ chế
  • Động vật có vỏ có nguồn gốc từ vùng nước nhiễm virut
  • Nông sản được tưới tiêu bằng nước nhiễm virut

Các loại virut truyền qua thực phẩm phổ biến là:

  • norovirus, gây viêm dạ dày và viêm ruột
  • hepatitis A, gây viêm gan

Ký sinh trùng

Ký sinh trùng là những sinh vật rất bé sống trong một sinh vật khác. Ở những nước phát triển như là Mỹ, nhiễm ký sinh trùng tương đối hiếm gặp.

Cryptosporidium parvum và Giardia intestinalis là những ký sinh trùng lây lan qua nước bị nhiễm bẩn do phân của người hoặc động vật bị nhiễm ký sinh trùng. Thực phẩm tiếp xúc với nước nhiễm bẩn trong quá trình sinh trưởng hoặc sơ chế có thể bị nhiễm những ký sinh trùng này. Những người bị nhiễm ký sinh trùng mà sơ chế thực phẩm cũng có thể làm thực phẩm bị nhiễm bẩn nếu họ không rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm.

Trichinella spiralis là một loại ký sinh trùng giun tròn. Mọi người có thể bị nhiễm loại ký sinh trùng này khi ăn thịt lợn hoặc thịt động vật hoang dã còn sống hoặc chưa nấu chín.

Hóa chất

Những hóa chất có hại gây bệnh có thể sẽ nhiễm bẩn thực phẩm như là:

  • Cá hoặc động vật có vỏ, mà có thể ăn phải tảo sản sinh độc tố, dẫn đến nồng độ độc tố cao trong thân. Một số loại cá, gồm cá ngừ và cá mahi mahi (cá heo nục), cũng có thể bị nhiễm khuẩn sản sinh độc tố nếu cá không được trữ đông đúng cách trước khi đem nấu hoặc đem ăn.
  • Những loại nấm dại nhất định.
  • Trái cây và rau củ chưa rửa mà có nồng độ thuốc trừ sâu cao.

Đối tượng bị bệnh ngộ độc thực phẩm?

Ai cũng có thể bị bệnh ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên một số đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm hơn so với những người khác, gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em
  • Phụ nữ mang thai và bào thai
  • Người cao tuổi
  • Người có hệ miễn dịch kém

Những nhóm đối tượng này cũng có nguy cơ cao hơn phát sinh các triệu chứng hoặc các biến chứng nghiêm trọng hơn của bệnh ngộ độc thực phẩm.

Triệu chứng của bệnh ngộ độc thực phẩm?

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm tùy thuộc vào nguyên nhân. Các triệu chứng phổ biến của nhiều loại ngộ độc thực phẩm gồm:

  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy hoặc tiêu chảy ra máu
  • Đau bụng
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

C. botulinum và một số loại hóa chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như là:

  • Đau đầu
  • Đau nhói dây thần kinh hoặc tê bì
  • Mắt mờ đi
  • Suy nhược
  • Chóng mặt
  • Liệt

Bệnh ngộ độc thực phẩm có biến chứng gì?

Ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến mất nước, hội chứng tan huyết tăng ure máu (hemolytic uremic syndrome/HUS), và các biến chứng khác. Ngộ độc thực phẩm cấp tính cũng có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe mãn tính – hay vấn đề diễn ra trong thời gian dài.

Mất nước

Khi không uống đủ chất lỏng để bổ sung cho lượng chất lỏng hao hụt do nôn mửa và tiêu chảy, có thể dẫn đến mất nước. Khi bị mất nước, cơ thể thiếu chất dịch và chất điện giải – các khoáng chất có trong muối, gồm natri, phốt pho và clo – không đủ để vận hành bình thường. Trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém có nhiều nguy cơ bị mất nước nhất.

Các dấu hiệu mất nước là:

  • Khát quá mức
  • Không đi tiểu thường xuyên
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Ngủ lịm, chóng mặt hoặc ngất

Các dấu hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là:

  • Miệng và lưỡi khô
  • Khóc khan không có nước mắt
  • Không làm ướt bỉm trong 3 tiếng trở lên
  • Sốt cao
  • Cáu kỉnh bất thường hoặc hành vi uể oải
  • Mắt má phù thủng hoặc thóp đầu mềm

Tương tự, khi bị mất nước nếp véo da sẽ không biến mất ngay lập tức sau khi bị véo nhẹ.

Mất nước nghiêm trọng có thể sẽ cần truyền dịch và nhập viện. Mất nước nghiêm trọng mà không được điều trị có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như là phá hỏng cơ quan của cơ thể, gây sốc hoặc hôn mê – một trạng thái giống như giấc ngủ bị mất ý thức.

Hội chứng tan huyết tăng ure máu/HUS

Hội chứng tan huyết tăng ure máu là một căn bệnh hiếm gặp mà hầu hết ảnh hưởng đến trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. HUS phát sinh khi vi khuẩn E. coli trú trong đường tiêu hóa sản sinh ra độc tố xâm nhập vào máu. Các độc tố này bắt đầu hủy hoại tế bào hồng cầu, những tế bào giúp máu đông, và phá hủy lớp niêm mạc của các mạch máu.

Ở Mỹ, nhiễm khuẩn E. coli O157:H7 là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra HUS, nhưng nhiễm các chủng E. coli khác, các loại vi khuẩn và virut khác cũng có thể dẫn đến HUS. Một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng khoảng 6% số người nhiễm khuẩn E. coli O157:H7 phát sinh HUS. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều nguy cơ nhất, nhưng nguy cơ mắc phải hội chứng này ở nữ giới và người trên 60 tuổi cũng đang tăng.

Các triệu chứng nhiễm khuẩn E. coli O157:H7 gồm có tiêu chảy, có thể đi ngoài ra máu, và đau bụng, thường đi kèm buồn nôn, nôn mửa và sốt. Đến tận một tuần sau khi có các triệu chứng nhiễm E. coli, thì các triệu chứng của HUS có thể xuất hiện, bao gồm dễ bị kích thích, xanh xao nhợt nhạt và đi tiểu ít. HUS có thể dẫn đến suy thận, một tình trạng mà thận đột ngột và tạm thời mất chức năng. HUS cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác và hệ thần kinh trung ương. Đa số người mắc phải HUS khỏi bệnh bằng điều trị. Nghiên cứu chỉ ra rằng ở Mỹ từ năm 2000 đến 2006, có dưới 5% số người mắc HUS tử vong do loại rối loạn này. Người cao tuổi có tỉ lệ tử vong cao nhất –  khoảng một phần ba những người từ 60 tuổi trở lên mắc HUS đã tử vong.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng một số trẻ khỏi HUS lại phát sinh những biến chứng mãn tính, bao gồm các vấn đề về thận, huyết áp cao và tiểu đường.

Các biến chứng khác

Một số loại ngộ độc thực phẩm dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác. Ví dụ như C. botulinum và những chất hóa học nhất định có trong cá và động vật có vỏ có thể làm liệt các cơ kiểm soát việc hít thở. L. monocytogenes có thể gây sảy thai tự phát hoặc thai chết lưu ở phụ nữ có thai.

Nghiên cứu chỉ ra rằng ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến những rối loạn mãn tính, gồm:

  • Viêm khớp phản ứng (reactive arthritis), một loại viêm khớp thường ảnh hưởng đến đầu gối, mắt cá chân hoặc bàn chân. Một số người mắc phải loại rối loạn này sau khi bị ngộ độc thực phẩm do những vi khuẩn nhất định, gồm C. jejuni và Salmonella. Viêm khớp phản ứng thường kéo dài dưới 6 tháng, nhưng bệnh này có thể tái phát hoặc trở thành bệnh viêm khớp mãn tính.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS), một loại rối loạn chưa rõ nguyên nhân đi kèm với đau bụng, chướng bụng và tiêu chảy hoặc táo bón hoặc cả hai. Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng ruột kích thích.
  • Hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn có đặc trưng là các cơ yếu mỏi hoặc tê liệt bắt đầu từ hạ thân và lan dần lên thân trên. Hội chứng này có thể xảy ra sau khi bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, phổ biến nhất là khuẩn C. jejuni. Đa số mọi người bình phục trong 6 đến 12 tháng.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng những người bình phục sau khi bị nhiễm khuẩn E. coli O157:H7 có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao, gặp các vấn đề về thận và bệnh tim mạch hơn.

Khi nào người bị ngộ độc thực phẩm nên đi khám chuyên gia y tế?

Những người có bất cứ triệu chứng nào dưới đây nên đi khám chuyên gia y tế ngay lập tức:

  • Các dấu hiệu mất nước
  • Nôn mửa kéo dài ngăn cản cơ thể giữ lại chất lỏng
  • Tiêu chảy hơn 2 ngày ở người trưởng thành hoặc hơn 24 tiếng ở trẻ em
  • Đau bụng hoặc đau trực tràng dữ dội
  • Sốt cao hơn 101 độ F (khoảng 38,3 độ C)
  • Phân có máu hoặc mủ
  • Phân đen như mực
  • Các triệu chứng của hệ thần kinh
  • Các dấu hiệu của hội chứng tan huyết tăng ure máu (HUS)

Nếu trẻ bị ngộ độc thực phẩm, cha mẹ hoặc người giám hộ không nên do dự gọi cho chuyên gia y tế để được tư vấn.

Chẩn đoán ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?

Để chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, chuyên gia y tế hỏi về các triệu chứng, những loại đồ ăn và thức uống gần đây tiêu thụ và bệnh sử. Chuyên gia y tế cũng sẽ khám trực tiếp để tìm các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm.

Các xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc thực phẩm có thể bao gồm cấy phân, là loại xét nghiệm phân tích một mẫu phân trong phòng thí nghiệm để kiểm tra xem có các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc nhiễm bệnh không. Nếu có mẫu chất nôn hoặc mẫu thực phẩm nghi ngờ là nguyên nhân thì cũng có thể sẽ được xét nghiệm. Chuyên gia y tế có thể sẽ thực hiện xét nghiệm y tế bổ sung để loại trừ những bệnh và rối loạn mà gây ra các triệu chứng tương tự triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.

Nếu các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có mức độ nhẹ và chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, các xét nghiệm chẩn đoán thường là không cần thiết.

Điều trị ngộ độc thực phẩm bằng cách nào?

Lưu ý của biên tập viên: sử dụng bất cứ loại thuốc nào đều cần được sự đồng ý của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm bệnh tình trầm trọng thêm.

Biện pháp điều trị duy nhất với đa số các loại ngộ độc thực phẩm là bù chất dịch và chất điện giải để ngăn ngừa mất nước.

Các loại thuốc bán không cần kê đơn như là loperamide (Imodium) và bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol and Kaopectate) có thể hỗ trợ dừng tiêu chảy ở những người trưởng thành. Tuy nhiên những người tiêu chảy ra máu – một dấu hiệu của nhiễm ký sinh trùng hoặc nhiễm vi khuẩn – không nên dùng những loại thuốc này. Nếu tiêu chảy là do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, các loại thuốc không kê đơn có thể sẽ làm tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn. Thuốc để điều trị tiêu chảy ở người lớn có thể nguy hiểm nếu dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ em, và chỉ nên được sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Nếu chẩn đoán được nguyên nhân cụ thể gây ra ngộ độc thực phẩm, chuyên gia y tế có thể sẽ kê đơn thuốc, như là thuốc kháng sinh, để điều trị.

Có thể sẽ cần phải nhập viện để điều trị các triệu chứng và dấu hiệu ngộ độc thực phẩm đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như liệt, mất nước nghiêm trọng và HUS.

Ăn uống, ăn kiêng, và dinh dưỡng

Những bước dưới đây có thể hỗ trợ làm thuyên giảm các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và phòng tránh mất nước ở người trưởng thành:

  • Uống nhiều các loại chất lỏng như là nước ép trái cây, đồ uống thể thao, đồ uống nhẹ không chứa cafein và các loại nước dùng nhằm bổ sung bù vào chất dịch và chất điện giải đã bị hao hụt.
  • Nếu vẫn còn nôn mửa thì nhấp từng ngụm nhỏ những loại chất lỏng trong loãng hoặc ngậm đá mảnh.
  • Dần dần ăn lại, bắt đầu từ những thực phẩm nhạt dễ tiêu hóa như gạo, khoai tây, bánh mỳ hoặc bánh mì nướng hai mặt, ngũ cốc ăn liền, thịt nạc, sốt táo và chuối.
  • Tránh những đồ ăn nhiều chất béo, nhiều đường, các chế phẩm từ sữa, cafein và cồn cho đến khi khỏi hoàn toàn.

Trẻ sơ sinh và trẻ em cần được quan tâm đặc biệt. Trẻ sơ sinh và trẻ em dễ bị mất nước nhanh hơn do tiêu chảy và nôn mửa bởi vì kích thước cơ thể của trẻ nhỏ hơn. Những bước dưới đây có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa mất nước ở trẻ sơ sinh và trẻ em:

  • Cho trẻ uống các dung dịch bù điện giải như là Pedialyte, Naturalyte, Infalyte, và CeraLyte để phòng tránh mất nước
  • Cho trẻ ăn ngay khi trẻ đói
  • Cho trẻ sơ sinh ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức nguyên calo (fullstrength formula) như bình thường, cùng với các dung dịch uống bù điện giải

Người lớn tuổi và người trưởng thành có hệ miễn dịch kém cũng nên uống các dung dịch bù điện giải để phòng ngừa mất nước.

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm?

Có thể phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bằng việc bảo quản, chế biến, rửa và tiếp xúc với thực phẩm đúng cách.

  • Những thực phẩm sống và đồ ăn dễ ôi thiu – đồ ăn có thể hỏng – nên được bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông nhanh chóng. Nếu để đồ ăn dễ hỏng ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 tiếng đồng hồ, những đồ ăn đó có thể không an toàn để ăn. Tủ lạnh nên được cài đặt ở mức từ 40 độ F (4 độ C) trở xuống và tủ đông nên được đặt ở 0 độ F (khoảng -18 độ C).
  • Nên chế biến nấu nướng thực phẩm đủ lâu và ở nhiệt độ đủ cao để tiêu diệt vi khuẩn có hại gây ra ngộ độc. Nên dùng nhiệt kế đo thịt nhằm đảm bảo thực phẩm được chế biến đến mức nhiệt độ bên trong thích hợp:
    • 145 độ F (khoảng 63 độ C) với thịt bò, thịt bê, thịt lợn và thịt cừu quay, áp chảo và sườn, cho thịt nghỉ 3 phút sau khi bỏ thịt ra khỏi nguồn nhiệt
    • 160 độ F (khoảng 71 độ C) với thịt bò, thịt bê, thịt lợn và thịt cừu xay
    • 165 độ F (khoảng 74 độ C) với thịt gia cầm
  • Đồ nguội nên được bảo quản mát và đồ nóng nên được giữ nóng
  • Nên rửa trái cây và rau củ dưới vòi nước đang chảy trước khi ăn, cắt hoặc nấu nướng. Có thể dùng chổi cọ nông sản ở dưới vòi nước đang chảy để rửa trái cây và rau củ có vỏ cứng.
  • Thịt, thịt gia cầm, hải sản sống và các nước chảy ra từ những loại thực phẩm sống đó nên được bảo quản riêng với các loại thực phẩm khác.
  • Mọi người nên rửa tay trong ít nhất 20 giây bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi tiếp xúc với thịt, thịt gia cầm, cá, động vật có vỏ, nông sản hoặc trứng sống. Mọi người cũng nên rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc sờ vào động vật.
  • Nên rửa các dụng cụ và bề mặt trong bếp bằng nước nóng có xà phòng trước và sau khi dùng để sơ chế thực phẩm. Cũng có thể dùng chất tẩy rửa pha loãng để vệ sinh dụng cụ và các bề mặt trong bếp — một thìa cà phê chất tẩy cho một lít nước nóng.

Tiêu chảy ở người đi du lịch (Traveler’s Diarrhea)

Những người đi du lịch đến những quốc gia nhất định có nguy cơ mắc phải tiêu chảy ở người đi du lịch, do ăn đồ ăn hoặc uống nước nhiễm khuẩn, virut hoặc ký sinh trùng. Tiêu chảy có thể là một vấn đề đối với những người du lịch đến những nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và đảo Caribe. Du khách đến Canada, đa số các nước châu Âu, Nhật Bản, Úc và New Zealand không gặp nhiều nguy cơ mắc tiêu chảy ở người đi du lịch.

Để ngăn ngừa tiêu chảy, khi đi du lịch từ Mỹ đến những nước đang phát triển, mọi người nên tránh:

  • Uống nước máy, dùng nước máy để đánh răng hoặc dùng đá làm từ nước máy
  • Uống sữa tươi hoặc các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng
  • Ăn rau củ và trái cây sống, kể cả xà lách và salat hoa quả, trừ khi tự bóc vỏ trái cây hoặc rau củ
  • Ăn thịt và cá sống hoặc tái
  • Ăn thịt hoặc động vật có vỏ nguội
  • Ăn đồ bán từ các quán hàng ăn rong

Du khách có thể uống nước đóng chai, đồ uống nhẹ đóng chai và các đồ uống nóng như là cà phê hoặc trà.

Người nào có lo lắng mắc phải tiêu chảy khi đi du lịch thì nên trao đổi với chuyên gia y tế trước khi đi. Chuyên gia y tế có thể sẽ đề nghị người đi du lịch nên mang theo thuốc đề phòng bị tiêu chảy trong chuyến đi. Chuyên gia y tế có thể sẽ tư vấn một số người – đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu – nên uống kháng sinh trước và trong chuyến đi để ngăn ngừa phát sinh tiêu chảy. Điều trị sớm bằng kháng sinh có thể rút ngắn thời gian bị tiêu chảy khi đi du lịch.

Những điểm cần lưu ý

  • Ngộ độc thực phẩm là đường tiêu hóa bị nhiễm trùng hoặc bị kích thích do thức ăn hoặc đồ uống chứa vi khuẩn, ký sinh trùng, virut hoặc hóa chất độc hại.
  • Bất cứ ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ bị ngộ độc hơn những người khác, gồm có trẻ sơ sinh và trẻ em, phụ nữ mang thai và bào thai, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm tùy thuộc vào nguyên nhân. Các triệu chứng phổ biến của nhiều loại ngộ độc thực phẩm là nôn mửa, tiêu chảy hoặc đi ngoài ra máu, đau bụng, sốt và ớn lạnh.
  • Ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến mất nước, hội chứng tan huyết tăng ure máu (HUS), và các biến chứng khác. Ngộ độc thực phẩm cấp tính cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe mãn tính – hay các vấn đề diễn ra trong thời gian dài.
  • Biện pháp điều trị duy nhất đối với đa số các loại ngộ độc thực phẩm là bổ sung bù chất dịch và điện giải bị hao hụt để ngăn ngừa mất nước.
  • Có thể phòng tránh ngộ độc thực phẩm bằng việc bảo quản, chế biến, rửa và tiếp xúc với thực phẩm đúng cách.

(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment