Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích IBS (Irritable Bowel Syndrome) là một tập hợp các triệu chứng xảy ra đồng thời, bao gồm bụng đau đi đau lại và đại tiện thay đổi, có thể là bị tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai.
Đối với Hội chứng ruột kích thích, bạn gặp phải những triệu chứng của bệnh này mà không nhìn thấy được bất kỳ dấu hiệu tổn thương hoặc dấu hiệu mắc bệnh đường tiêu hóa nào hết.
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn chức năng tiêu hóa (functional gastrointestinal disorder). Những rối loạn chức năng tiêu hóa, giờ được bác sĩ gọi là rối loạn tương tác não-ruột, liên quan đến những vấn đề xảy ra với cách thức não bộ và ruột hợp tác với nhau.
Những vấn đề này có thể làm ruột bạn trở nên mẫn cảm hơn và thay đổi cách cơ co rút trong ruột. Nếu ruột trở nên mẫn cảm hơn, có thể bạn sẽ cảm thấy đau bụng và chướng bụng hơn. Thay đổi ở cách thức co rút của cơ trong ruột bạn dẫn đến tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai.
Hội chứng ruột kích thích có tên gọi khác không?
Trong quá khứ, bác sĩ gọi Hội chứng ruột kích thích là viêm kết tràng (colitis), viêm kết tràng niêm dịch (mucous colitis), co thắt kết tràng (spastic colon), kết tràng bị kích thích (nervous colon), và co thắt ruột (spastic bowel).
Có những dạng khác nhau của Hội chứng ruột kích thích (IBS) không?
Ba loại hội chứng IBS dựa trên những kiểu thay đổi khác nhau trong việc đại tiện của bạn hoặc dựa vào việc bạn đại tiện bất thường. Đôi khi, bác sĩ cần phải biết bạn mắc phải loại Hội chứng ruột kích thích nào.
Một số loại thuốc chỉ có tác dụng với một số loại IBS hoặc làm tình trạng những loại IBS khác chuyển biến xấu hơn. Bác sĩ có thể chẩn đoán ra IBS kể cả khi kiểu đại tiện của bạn không đúng với một loại IBS cụ thể nào đấy.
Nhiều người mắc Hội chứng ruột kích thích có ngày đi đại tiện bình thường rồi có ngày lại đại tiện bất thường.
IBS với táo bón (IBS-C)
Với IBS-C, có những ngày ít nhất một lần bạn đại tiện bất thường với:
- Hơn một phần tư chỗ phân cứng hoặc thành cục, và
- Dưới một phần tư chỗ phân có dạng lỏng hoặc nhiều nước
IBS với tiêu chảy (IBS-D)
Trong IBS-D, có những ngày ít nhất một lần bạn đại tiện bất thường với:
- Hơn một phần tư chỗ phân có dạng lỏng hoặc nhiều nước
- Dưới một phần tư chỗ phân có dạng cứng hoặc thành cục
IBS với thói quen đại tiện hỗn hợp (IBS-M)
Trong IBS-M, có những ngày ít nhất một lần bạn đại tiện bất thường với:
- Hơn một phần tư chỗ phân có dạng cứng hoặc thành cục, và
- Hơn một phần tư chỗ phân có dạng lỏng hoặc nhiều nước
Mức độ phổ biến của Hội chứng ruột kích thích?
Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 12% dân số Mỹ mắc phải hội chứng ruột kích thích IBS.
Đối tượng nào dễ mắc phải Hội chứng ruột kích thích?
Nữ giới có khả năng mắc phải Hội chứng ruột kích thích cao hơn gấp hai lần so với nam giới. Những người dưới 50 tuổi dễ mắc Hội chứng ruột kích thích hơn những người trên 50 tuổi.
Những yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc Hội chứng ruột kích thích là:
- Có thành viên trong gia đình mắc phải Hội chứng ruột kích thích
- Từng gặp các biến cố khó khăn hoặc căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn như thời thơ ấu bị lạm dụng
- Đường tiêu hóa bị nhiễm trùng nặng
Những người bị Hội chứng ruột kích thích còn gặp phải những vấn đề sức khỏe nào khác?
Những người bị Hội chứng ruột kích thích thường gặp phải những vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:
- Những tình trạng bệnh nhất định gồm có đau kinh niên như là đau xơ cơ (fibromyalgia), hội chứng mệt mỏi mãn tính và đau vùng chậu mãn tính
- Những bệnh tiêu hóa nhất định như là chứng khó tiêu và bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Những rối loạn tâm thần như là chứng lo lắng, chứng trầm cảm và rối loạn triệu chứng cơ thể (somatic symptom disorder)
Triệu chứng và nguyên nhân
Triệu chứng của IBS là gì?
Những dấu hiệu thường thấy nhất của hội chứng ruột kích thích là đau đớn vùng bụng thường liên quan đến phương diện đại tiện của bạn, và những thay đổi diễn ra trong phương diện này. Những thay đổi này có thể là tiêu chảy, táo bón, hoặc cả hai, tùy thuộc vào bạn mắc phải loại IBS nào.
Những triệu chứng IBS khác có thể bao gồm:
- Chướng bụng
- Có cảm giác đi đại tiện mãi không xong
- Xuất hiện chất nhầy màu trắng trong phân của bạn
Nữ giới bị IBS thường có nhiều triệu chứng hơn trong giai đoạn hành kinh.
Hội chứng ruột kích thích có thể gây đau đớn nhưng không gây ra những vấn đề sức khỏe khác hoặc không làm tổn thương đường tiêu hóa của bạn.
Để chẩn đoán Hội chứng ruột kích thích, theo thời gian bác sĩ sẽ tìm kiếm kiểu mẫu nhất định của các triệu chứng bạn có. IBS là một chứng rối loạn mãn tính, có nghĩa là nó diễn ra trong thời gian dài, thường là kéo dài hàng năm trời. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh này lại có thể xảy ra rồi biến mất.
Nguyên nhân gây ra Hội chứng ruột kích thích (IBS)?
Hiện bác sĩ vẫn chưa biết chắc chắn được nguyên nhân gây ra Hội chứng ruột kích thích là gì. Các chuyên gia cho rằng Hội chứng ruột kích thích là do tổng hợp nhiều vấn đề gây nên. Những yếu tố khác nhau có khả năng gây ra Hội chứng ruột kích thích ở những đối tượng khác nhau.
Những rối loạn chức năng tiêu hóa chẳng hạn như hội chứng IBS là những vấn đề phát sinh quá trình tương tác giữa não với ruột – cách thức não bộ và ruột hợp tác hoạt động với nhau. Các chuyên gia cho rằng những vấn đề phát sinh ở sự tương tác não-ruột có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể vận hành và tạo ra những triệu chứng IBS. Chẳng hạn như, ở một số người bị IBS, thức ăn có thể di chuyển quá chậm hoặc quá nhanh qua đường tiêu hóa, dẫn đến việc đại tiện bị thay đổi. Một số người bị IBS có thể cảm thấy đau đớn khi xuất hiện một lượng khí hoặc phân bình thường trong ruột.
Những vấn đề nhất định thường dễ thấy hơn ở những người bị IBS. Các chuyên gia nghĩ rằng những vấn đề này có thể góp phần gây ra IBS. Những vấn đề này gồm có:
- Trải qua những biến cố khó khăn hoặc căng thẳng khi còn nhỏ, như là lạm dụng tình dục hoặc bạo hành thể xác
- Những rối loạn tâm thần nhất định như là chứng lo lắng, chứng trầm cảm và rối loạn triệu chứng cơ thể
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
- Tăng sinh vi khuẩn trong ruột non, tăng số lượng vi khuẩn hoặc thay đổi chủng loại vi khuẩn cư trú trong ruột non
- Mẫn cảm hoặc không dung nạp thực phẩm, khi đó những thực phẩm nhất định gây ra các triệu chứng tiêu hóa
Nghiên cứu cho rằng gen di truyền có thể là nguyên nhân làm một người dễ mắc phải IBS hơn.
Chẩn đoán
Bác sĩ chẩn đoán Hội chứng ruột kích thích bằng cách nào?
Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, tiền sử bệnh và tiền sử bệnh gia đình của bạn cùng với thực hiện khám trực tiếp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra nhằm loại trừ những vấn đề sức khỏe khác.
Đánh giá những triệu chứng bệnh của bạn
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và tìm ra được một kiểu mẫu nhất định của những triệu chứng bạn mắc phải để chẩn đoán IBS. Bác sĩ có thể chẩn đoán IBS nếu bạn bị đau bụng kèm theo với hai dấu hiệu trở lên trong số triệu chứng dưới đây:
- Cơn đau của bạn liên quan tới việc đi đại tiện. Ví dụ như, sau khi đi đại tiện, bạn có thể thấy đỡ đau hơn hoặc đau nhiều hơn.
- Bạn nhận thấy tần suất đại tiện của mình thay đổi.
- Bạn nhận thấy hình dáng phân thay đổi.
Bác sĩ sẽ hỏi bạn gặp phải những triệu chứng này trong bao lâu rồi. Bác sĩ có thể chẩn đoán được Hội chứng ruột kích thích nếu:
- Bạn có những triệu chứng này ít nhất một lần một tuần trong vòng ba tháng và
- Những triệu chứng đầu tiên xuất hiện từ ít nhất 6 tháng trước
Bác sĩ có thể chẩn đoán được IBS kể cả nếu bạn có những triệu chứng này trong khoảng thời gian ngắn hơn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu mình có các dấu hiệu giống với triệu chứng của IBS.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về những triệu chứng khác. Những triệu chứng nhất định có thể báo hiệu rằng bạn đang gặp phải một vấn đề sức khỏe khác thay vì là Hội chứng ruột kích thích. Chúng bao gồm:
- Thiếu máu
- Chảy máu trực tràng
- Phân dính máu hoặc phân đen như mực (giống hắc ín)
- Sút cân
Bệnh sử và tiền sử bệnh gia đình
Bác sĩ sẽ hỏi về:
- Gia đình bạn có tiền sử mắc các bệnh tiêu hóa không, chẳng hạn như bệnh celia, ung thư kết trực tràng (colon cancer) hoặc bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease)
- Loại thuốc bạn sử dụng
- Những lần bị nhiễm trùng gần đây
- Những sự việc căng thẳng liên quan đến sự xuất hiện các triệu chứng ở bạn
- Những thứ bạn ăn
- Bạn có từng mắc phải những vấn đề sức khỏe khác mà thường thấy ở những người bị IBS không
Khám sức khỏe trực tiếp
Trong khi khám, bác sĩ thường:
- Kiểm tra xem bạn có bị chướng vùng bụng không
- Dùng ống nghe để nghe bên trong bụng bạn
- Gõ lên bụng bạn để kiểm tra độ mềm cũng như mức độ đau bụng
Bác sĩ dùng những loại xét nghiệm nào để chẩn đoán IBS?
Trong đa số trường hợp, bác sĩ không dùng các xét nghiệm để chẩn đoán IBS. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và các xét nghiệm khác để kiểm tra xem có những vấn đề sức khỏe khác không.
Xét nghiệm máu
Chuyên viên y tế sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi mẫu đến phòng thí nghiệm. Bác sĩ dùng xét nghiệm máu để kiểm tra xem bạn có mắc phải những bệnh nào khác ngoài IBS không, bao gồm bệnh thiếu máu, nhiễm trùng và các bệnh tiêu hóa.
Xét nghiệm phân
Bác sĩ sẽ cho bạn một ống đựng để hứng và trữ mẫu phân. Bạn sẽ được hướng dẫn về nơi lấy bộ dụng cụ xét nghiệm và nơi gửi mẫu phân để xét nghiệm. Bác sĩ dùng xét nghiệm phân để kiếm tra xem có máu trong phân bạn hoặc có những dấu hiệu nhiễm trùng hoặc dấu hiệu của các bệnh khác không. Bác sĩ có thể cũng kiểm tra xem có máu trong phân bạn không bằng cách khám trực tràng của bạn trong quá trình khám sức khỏe trực tiếp.
Các xét nghiệm khác
Bác sĩ có thể thực hiện những xét nghiệm khác nhằm loại trừ những vấn đề sức khỏe gây ra các triệu chứng tương tự triệu chứng của IBS. Bác sĩ sẽ quyết định bạn có cần làm thêm các xét nghiệm khác không dưạ trên:
- Kết quả xét nghiệm máu và xét nghiệm phân của bạn
- Liệu bạn có tiền sử gia đình mắc các bệnh tiêu hóa không, chẳng hạn như bệnh celia, ung thư kết trực tràng hoặc bệnh viêm ruột
- Liệu bạn có những triệu chứng báo hiệu một tình trạng sức khỏe hoặc một loại bệnh khác không
Các xét nghiệm khác có thể là
- Xét nghiệm lượng hydrogen trong hơi thở để kiểm tra xem có diễn ra tình trạng tăng sinh vi khuẩn trong ruột non của bạn không hoặc các vấn đề tiêu hóa carbohydrates, chẳng hạn như không dung nạp đường lactose
- Nội soi đường tiêu hóa trên kèm sinh thiết để kiểm tra xem bạn có mắc bệnh celia không
- Nội soi đại tràng (colonoscopy) để kiểm tra xem bạn có mắc các bệnh như là ung thư kết trực tràng hay bệnh viêm ruột
Điều trị
Bác sĩ điều trị IBS bằng cách nào?
Bác sĩ có thể điều trị hội chứng ruột kích thích bằng cách khuyến nghị bạn thay đổi thức ăn và lối sống, dùng thuốc, dùng probiotics, và các liệu pháp tâm lý. Bạn có thể sẽ phải thử một số biện pháp điều trị để xem phương pháp nào có tác dụng với mình nhất.
Thay đổi thức ăn và lối sống
Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn điều trị các triệu chứng của IBS. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn nên thử thực hiện một trong những thay đổi sau:
- Ăn nhiều chất xơ
- Tránh ăn gluten
- thực hiện một kế hoạch ăn kiêng đặc biệt gọi là chế độ ăn kiêng có FODMAP thấp (low FODMAP diet)
Đọc thêm về Ăn uống, ăn kiêng và dinh dưỡng dành cho IBS ở phần bên dưới bài viết này.
Nghiên cứu đề xuất rằng những thay đổi trong lối sống có thể hỗ trợ làm thuyên giảm các triệu chứng IBS, bao gồm:
- Tăng hoạt động thể chất
- Giảm tối đa các tình huống gây cây thẳng trong cuộc sống
- Ngủ đủ giấc
Thuốc
Bác sĩ có thể đề xuất bạn nên dùng thuốc để giảm các triệu chứng IBS. [Lưu ý: bạn không tự ý mua thuộc. Đơn thuốc phải có sự chỉ định của bác sĩ – chú thích của biên tập viên]
Để điều trị IBS với tiêu chảy, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng:
- Thuốc trị tiêu chảy loperamide
- Rifaximin (Xifaxan), một loại kháng sinh (antibiotic)
- Eluxadoline (Viberzi)
- Alosetron (Lotronex), chỉ được kê đơn cho phụ nữ và kê đơn phải có kèm theo cảnh báo và đặc biệt thận trọng khi dùng
Để điều trị IBS với táo bón (constipation), bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng
- Thuốc bổ sung chất xơ, trong trường hợp đã gia tăng hấp thu chất xơ từ chế độ ăn uống nhưng không có tác dụng
- Thuốc nhuận tràng laxatives
- Lubiprostone (Amitiza)
- Linaclotide (Linzess)
- Plecanatide (Trulance)
Những loại thuốc khác có thể hỗ trợ điều trị đau bụng, gồm:
- Thuốc trị co thắt
- Thuốc chống trầm cảm, như là thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc
- Thuốc viên con nhộng bọc tinh dầu bạc hà (coated peppermint oil capsules)
Phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc điều trị IBS. Hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra và bạn nên làm gì nếu gặp phải.
Probiotics
Bác sĩ có thể sẽ đề xuất bạn dùng probiotics. Probiotics là các vi sinh vật (microorganisms) sống, đa số thường là vi khuẩn (bacteria), tương tự với những vi sinh vật thường trú trong đường tiêu hóa của bạn. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu cách ứng dụng probiotics vào điều trị IBS.
Để an toàn, bạn hãy tư vấn với bác sĩ trước khi sử dụng probiotics hay bất cứ loại thuốc bổ sung hay thuốc thay thế hoặc các phương pháp nào khác. Nếu bác sĩ khuyến nghị bạn dùng probiotics, thì bạn hãy hỏi xem mình nên dùng bao nhiêu và trong bao lâu.
Các liệu pháp tâm lý
Bác sĩ có thể sẽ khuyến nghị bạn dùng các liệu pháp tâm lý để giúp làm thuyên giảm các triệu chứng của IBS. Những liệu pháp được áp dụng để điều trị IBS gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy) tập trung vào giúp bạn thay đổi suy nghĩ và các kiểu hành vi để cải thiện các triệu chứng IBS
- Thôi miên trị liệu ruột (gut-directed hypnotherapy), trong đó một nhà trị liệu dùng thuật thôi miên – làm bạn rơi vào một tình trạng giống như trạng thái xuất thần hoàn toàn thư giãn và tập trung – nhằm giúp cải thiện các triệu chứng IBS
- Luyện thư giãn, giúp bạn thả lỏng cơ và giảm căng thẳng
Ăn uống, Ăn kiêng và Dinh dưỡng
Chế độ ăn uống có thể giúp tôi điều trị các triệu chứng của IBS bằng cách nào?
Bác sĩ có thể khuyến nghị bạn thay đổi chế độ ăn uống để giúp điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS). Bác sĩ có thể đề xuất bạn nên:
- Ăn nhiều chất xơ (fiber)
- Tránh ăn gluten
- Thực hiện một chế độ ăn kiêng đặc biệt tên là chế độ ăn kiêng FODMAP thấp (low FODMAP diet)
Những cách thay đổi khác nhau có thể hỗ trợ những đối tượng mắc phải IBS khác nhau. Có thể bạn sẽ cần thay đổi thức ăn trong vài tuần để xem liệu các triệu chứng có thuyên giảm không. Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn nên tư vấn với một chuyên gia dinh dưỡng.
Ăn nhiều chất xơ
Chất xơ có thể cải thiện tình trạng táo bón của IBS bởi vì chúng làm phân mềm hơn và dễ tống ra khỏi cơ thể hơn. Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ 2015-2020 (2015-2020 Dietary Guidelines for Americans) khuyến cáo rằng người trưởng thành nên nạp 22 đến 34g chất xơ vào cơ thể trong một ngày.
Có hai loại chất xơ là:
- Chất xơ hòa tan, có trong các loại đậu hạt, trái cây và các sản phẩm yến mạch
- Chất xơ không hòa tan, có trong các sản phẩm nguyên cám và rau củ
Nghiên cứu chỉ ra rằng chất xơ hòa tan có tác dụng tốt hơn trong việc giảm các triệu chứng IBS.
Để giúp cơ thể quen với việc nạp vào nhiều chất xơ, bổ sung những thực phẩm chứa chất xơ từng chút một. Bổ sung quá nhiều chất xơ trong một lần có thể tạo ra khí đường ruột, làm kích phát các triệu chứng IBS. Từ từ bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống của bạn, 2 đến 3g một ngày có thể hỗ trợ phòng tránh khí đường ruột và chướng bụng.
Tránh ăn gluten
Bác sĩ có thể sẽ khuyến nghị bạn nên tránh ăn những thực phẩm chứa gluten – một loại protein có trong lúa mỳ, lúa mạch đen và đại mạch – để quan sát xem liệu các triệu chứng IBS của bạn có thuyên giảm không. Những thực phẩm chứa gluten gồm có hầu hết các loại món ăn từ ngũ cốc, hạt ngũ cốc và mỳ ống, cùng với nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Một số người bị IBS xuất hiện nhiều triệu chứng hơn sau khi ăn phải gluten, kể cả khi họ không mắc bệnh celia.
Chế độ ăn kiêng FODMAP thấp
Bác sĩ có thể khuyến cáo bạn thử áp dụng một chế độ ăn kiêng đặc biệt – gọi là chế độ ăn kiêng FODMAP thấp — để giảm hoặc tránh những loại thực phẩm nhất định có chứa những hợp chất carbohydrates khó tiêu hóa. Những hợp chất carbohydrates khó tiêu hóa này gọi là các FODMAP.
Ví dụ về những thực phẩm chứa FODMAP gồm:
- Những loại trái cây như là táo, mơ, mâm xôi, anh đào, xoài, xuân đào, lê, mận và dưa hấu, hoặc nước ép có thành phần của bất cứ loại trái cây nào vừa được liệt kê
- Trái cây đóng hộp ngâm nước ép trái cây tự nhiên hoặc nhiều nước ép trái cây hoặc hoa quả khô
- Rau củ như là a-ti-sô, măng tây, đậu hạt, bắp cải, súp lơ trắng, tỏi và muối tỏi, đậu lăng, nấm, hành tây và quả đậu Hà Lan ngọt (sugar snap peas – ăn được cả vỏ) hoặc đậu Trung Quốc (snow peas/Chinese peas – hạt đậu nhỏ xếp thành một hàng ở một bên của vỏ, ăn cả quả)
- Các chế phẩm từ sữa như là sữa tươi, sản phẩm sữa, phô mai mềm, sữa chưa, bánh trứng và kem lạnh
- Các sản phẩm lúa mỳ và lúa mạch đen
- Mật ong và các thực phẩm chứa siro bắp nhiều fructose
- Các sản phẩm, bao gồm kẹo cứng và kẹo cao su, có chứa chất tạo ngọt đuôi “–ol,” như là sorbitol, mannitol, xylitol, và maltitol
Bác sĩ có thể sẽ đề xuất bạn thử áp dụng chế độ ăn kiêng FODMAP thấp trong vài tuần để xem liệu nó có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh của bạn không. Nếu có tác dụng, bác sĩ có thể sẽ khuyến nghị bạn từ từ bổ sung lại những thực phẩm chứa FODMAP vào trong chế độ ăn uống. Bạn cũng có thể ăn một số loại thực phẩm có chứa FODMAP mà không gặp phải những triệu chứng IBS.
(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)