Đọc bài dưới đây để biết các mẹo bảo quản thực phẩm và thức ăn thừa nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Chuyện gì diễn ra bên trong chiếc tủ lạnh?
Một số loại thực phẩm cần được bảo quản trong tủ lạnh nhằm giúp làm chậm quá trình sinh sôi của vi khuẩn và giữ thực phẩm tươi cũng như an toàn để sử dụng trong thời gian dài hơn.
Những loại này là những thực phẩm có đánh dấu “hạn sử dụng” và ghi chú “bảo quản lạnh” ở trên nhãn ví dụ như sữa tươi, thịt và các món ăn sẵn.
Làm nguội thức ăn thừa càng nhanh càng tốt (trong vòng 2 tiếng), rồi bảo quản chúng trong tủ lạnh và ăn trong vòng 2 ngày.
Tránh để các lon hộp đã mở nắp ở trong tủ lạnh vì thực phẩm bên trong những lon hộp đó có thể ám mùi kim loại.
Làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc đổ thực phẩm bên trong lon vào hộp bảo quản hoặc bát có nắp đậy trước khi cho vào tủ lạnh.
Bảo trì tủ lạnh
Để mức nhiệt của tủ lạnh ở 5 độ C hoặc thấp hơn (một số nơi khác, chẳng hạn Trung tâm phòng chống dịch bệnh CDC, Hoa Kỳ khuyên ở mức thấp hơn một chút, là 4 độ C trở xuống – chú thích của biên tập viên).
Nếu tủ lạnh của bạn có màn hình kỹ thuật số hiển thị nhiệt độ thì bạn có thể sẽ muốn kiểm tra lại bằng nhiệt kế bên trong tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ hiển thị trên màn hình là chính xác.
Thường xuyên lau dọn và kiểm tra tủ lạnh của bạn để đảm bảo nó vẫn vệ sinh và vận hành tốt.
Ngày hạn sử dụng
Không có thực phẩm nào không hỏng, dù nó có được bảo quản tốt đến đâu. Hầu hết những thực phẩm đóng gói đều có in “dùng tốt nhất trước ngày” (best before) hay “chỉ dùng đến ngày” (use by).
- “Chỉ dùng đến ngày” xuất hiện trên những thực phẩm dễ hỏng. Quá ngày này mà còn ăn thì bạn có thể gặp nguy hiểm.
- “Dùng tốt nhất trước ngày” dành cho những thực phẩm dùng được lâu hơn. Ngày này nêu rõ khoảng thời gian mà chất lượng của thực phẩm là tốt nhất.
Thực phẩm có thể trông vẫn ngon và mùi vẫn thơm kể cả khi đã quá “chỉ dùng đến ngày” nhưng điều đó không có nghĩa là ăn chúng vẫn an toàn. Có thể bên trong thực phẩm đã có giòi bọ mà nếu ăn vào bạn sẽ bị ốm.
Ăn thực phẩm đã quá ngày “best before/dùng tốt nhất trước ngày” không nguy hiểm nhưng thực phẩm đó có thể không còn có chất lượng tốt nữa.
Cấp đông thực phẩm
Bạn có thể cấp đông được khá nhiều thứ, gồm có:
- Sữa chua
- Pho mát (ngoại trừ pho mát mềm vì cấp đông ảnh hưởng đến kết cấu của pho mát)
- Sữa tươi
- Thịt
- Cá
- Trứng, kể cả trứng đã luộc
- Chuối: bóc vỏ và bọc chúng hoặc đặt vào trong hộp kín khí trước khi cấp đông
- Những sản phẩm đã nướng chín
- Cơm: đọc mẹo cấp đông cơm an toàn tại đây.
- Bánh mỳ
Bất cứ thực phẩm nào có hàm lượng nước cao như là dâu tây và cà chua sẽ mềm ướt nhưng bạn vẫn nấu cùng được.
Đặt thức ăn vào hộp kín khí hoặc quấn chặt trong túi cấp đông hoặc loại túi tương tự trước khi cho vào tủ đông nếu không thì khí lạnh trong tủ đông sẽ hút khô hàm lượng nước có trong những thực phẩm trên.
Bảo quản trứng
Trứng được bảo quản tốt nhất trong tủ lạnh vì chúng được giữ ở nhiệt độ không đổi.
Trứng cũng có thể được cấp đông. Hai cách để cấp đông trứng là:
- Đập trứng và tách lòng đỏ và lòng trắng riêng vào các hộp nhựa hoặc túi đựng thực phẩm trước khi cấp đông. Làm như này rất tiện lợi cho việc nướng bánh.
- Đập trứng vào ống nhựa và đánh đều trứng trước khi cấp đông – cách làm này rất tiện khi muốn làm món trứng ốp la hoặc trứng chưng.
Bạn có thể bảo quản trứng luộc trong tủ lạnh một cách an toàn trong vài ngày. Có thể bảo quản đông lạnh trứng luộc.
Bảo quản thịt và gia cầm
Bạn cần phải bảo quản thịt an toàn trong tủ lạnh để ngăn vi khuẩn lây lan và tránh ngộ độc thực phẩm.
Bảo quản các loại thịt và thịt gia cầm sống trong các hộp sạch, kín ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh.
- Làm theo bất kỳ hướng dẫn bảo quản nào có in trên nhãn sản phẩm và không ăn thịt đã quá hạn sử dụng.
- Nói chung là bảo quản riêng thịt sống với thịt chín và những thực phẩm ăn sẵn.
Cấp đông và giã đông thịt và cá
Cấp đông thịt và cá cũng an toàn miễn là: bạn cấp đông trong thời gian chưa đến hạn sử dụng của thực phẩm.
Rã đông thịt và cá đủ lâu trước khi nấu – rất nhiều nước sẽ chảy ra khi rã đông thịt, vì thế đựng thịt/cá trong một cái bát để ngăn vi khuẩn trong nước thịt/cá chảy ra lây lan sang các thứ khác.
- Rã đông thịt hoặc cá trong lò vi sóng nếu bạn định nấu luôn, hoặc nếu không thì, rã đông từ từ trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm để thịt cá không bị chênh lệch nhiệt độ quá nhiều.
- Nấu thực phẩm đến khi sôi nóng kỹ.
Hãy đảm bảo là thịt được bọc đúng cách trong tủ đông không thì nó có thể bị cháy đông (freezer burn), làm thịt dai và không ăn được.
Ghi lại ngày và dán nhãn vào thịt cấp đông và ăn trong vòng 24 giờ sau khi rã đông.
Bạn có thể cấp đông thịt trong thời gian dài, và ăn thịt đó vẫn an toàn, nhưng chất lượng sẽ giảm vì thế tốt nhất là ăn trong vòng 3 đến 6 tháng.
Đừng lo lắng nếu đã cấp đông quá lâu – bạn có thể thử ướp thịt trước khi nấu để làm lỏng kết cấu thịt hoặc dùng rau thơm và gia vị để làm tăng hương vị.
Cấp đông thịt và cá lần nữa
Không bao giờ cấp đông lại thịt sống (kể cả gia cầm) hoặc cá được rã đông.
Bạn có thể nấu thịt cá đã cấp đông một khi đã rã đông, và sau đó có thể cấp đông lần nữa.
Bạn có thể cấp đông một lần nữa thịt cá đã nấu chín, miễn là chúng đã nguội trước khi được cho vào tủ đông.
Thực phẩm sống đã cấp đông có thể được rã đông một lần và bảo quản trong tủ lạnh tối đa 24 giờ trước khi đem nấu hoặc đem vứt thùng rác.
Để giảm lãng phí, bạn hãy chia bữa ăn thành các phần trước khi cấp đông và sau đó chỉ cần rã đông đủ phần bạn cần ăn thôi.
Ăn thức ăn thừa
Đừng bỏ thức ăn thừa: chúng có thể thành bữa trưa hôm sau của bạn đấy! Làm theo các mẹo sau để tận dụng tối đa những món ăn thừa này nhé:
- Làm nguội thức ăn thừa càng nhanh càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng 2 tiếng.
- Chia đồ ăn thừa thành các khẩu phần đơn lẻ và cho vào tủ lạnh hoặc cấp đông.
- Dùng đồ ăn thừa đã cho vào tủ lạnh trong vòng hai ngày.
- Khi đun lại thức ăn, đảm bảo là đun đến 70 độ C trong 2 phút, sao cho thức ăn sôi nóng kỹ.
- Luôn rã đông hoàn toàn thức ăn thừa, bằng ngăn mát tủ lạnh hoặc lò vi sóng.
- Khi đã rã đông, thì chỉ nên đun lại thức ăn thừa một lần thôi vì bạn càng làm nguội và đun nóng lại thức ăn nhiều lần thì bạn càng dễ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
- Những thức ăn nấu chín đã được cấp đông và bỏ ra khỏi tủ đông nên được đun lại và ăn trong vòng 24 giờ sau khi rã đông hoàn toàn.
- Thực phẩm bảo quản trong tủ đông như là kem và đồ tráng miệng đông lạnh, không nên cất lại vào tủ đông một khi chúng đã rã đông.
- Để an toàn và giảm thiểu lãng phí, chỉ lấy ra khỏi tủ đông những thực phẩm bạn định dùng trong vòng 24 giờ tiếp theo.
Các loại túi tái sử dụng
Với việc ngày càng nhiều người tái sử dụng những túi nilon chỉ dùng một lần hoặc sử dụng những túi dùng vĩnh viễn, bạn có thể giúp ngăn vi khuẩn lây lan sang những thực phẩm ăn sẵn bằng cách:
- Đóng gói riêng thực phẩm sống và thực phẩm ăn sẵn vào những túi riêng
- Để dành riêng ra một hoặc hai túi có thể tái sử dụng để đựng thực phẩm sống – không được dùng túi đã đựng thực phẩm sống để đựng thực phẩm ăn sẵn
- Kiểm tra xem túi có bị rỉ chảy ra không, ví dụ như nước chảy từ thịt sống hoặc nước cặn bẩn, sau mỗi lần sử dụng.
Nếu loại túi ni-lông dùng vĩnh viễn hoặc loại túi đựng dùng một lần bị rách, bẩn hoặc hỏng, tốt hơn nên vứt chúng đi.
Túi vải hoặc túi cotton dùng vĩnh viễn có thể làm sạch bằng máy giặt.
(Theo NHS, UK – Người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)