Cholesterol là gì? Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn như thế nào?

  • Ảnh hưởng lớn nhất đối với nồng độ cholesterol trong máu là sự kết hợp của các chất béocarbohydrate trong chế độ dinh dưỡng của bạn – chứ không phải lượng cholesterol mà bạn hấp thụ từ thực phẩm.
  • Mặc dù hạn chế lượng cholesterol mà bạn ăn vẫn là một việc hết sức quan trọng, nhất là nếu bạn bị bệnh tiểu đường, nhưng với hầu hết mọi người thì cholesterol không còn là vấn đề đáng lo ngại như trước đây nữa.
  • Cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol có lipoprotein tỷ trọng thấp (cholesteorl xấu), là yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định nguy cơ sức khỏe.

Cách chất béo chuyển từ thực phẩm sang máu

Chất béo và cholesterol không thể hòa tan trong nước hay máu. Thay vào đó, cơ thể “đóng gói” chất béo và cholesterol thành các hạt nhỏ được protein bao phủ gọi là các lipoprotein. Lipoprotein có thể chuyên chở rất nhiều chất béo; chúng dễ dàng hòa lẫn vào với máu và chảy theo dòng máu. Một số hạt này lớn và mịn, trong khi số khác thì nhỏ và dày đặc. Quan trọng nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), và chất béo trung tính.

  • Lipoprotein tỷ trọng thấp

Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) mang cholesterol từ gan đến với các phần còn lại của cơ thể. Các tế bào bám vào những hạt này và chiết xuất chất béo và cholesterol ra khỏi chúng. Khi có quá nhiều cholesterol LDL trong máu, những hạt này có thể hình thành các phần cáu cặn trên thành động mạch vành cũng như các động mạch khác trong cơ thể. Những phần cáu cặn này, được gọi là mảng bám, có thể làm hẹp động mạch và hạn chế lưu lượng máu. Khi mảng bám vỡ ra, nó có thể gây đau tim hoặc đột quỵ. Chính vì lý do này mà cholesterol LDL thường được coi là cholesterol xấu, hoặc có hại.

  • Lipoprotein tỷ trọng cao

Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) lấy cholesterol từ máu, từ LDL, và từ các thành động mạch rồi đưa nó trở lại gan để giải quyết. Bạn có thể nghĩ về HDL như xe tải chở rác của dòng máu. Cholesterol HDL thường được gọi là cholesterol tốt, hoặc bảo vệ.

  • Chất béo trung tính

Chất béo trung tính tạo nên phần lớn chất béo mà bạn ăn và chúng sẽ di chuyển qua dòng máu. Vì là phương tiện chính để vận chuyển chất béo đến tế bào của cơ thể, nên chất béo trung tính là thành phần cực kỳ quan trọng cho một sức khỏe tốt, tuy vậy thì hàm lượng chất béo trung tính cao lại có thể không có lợi cho sức khỏe.

Nhìn chung, nồng độ LDL càng thấp và HDL càng cao thì cơ hội ngăn ngừa các bệnh về tim cũng như những bệnh mãn tính khác của bạn càng cao.

Cách chất béo và cholesterol trong thực phẩm ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong máu

Các loại chất béo trong chế độ dinh dưỡng quyết định hàm lượng cholesterol toàn phần, cholesterol HDL, và cholesterol LDL trong máu. Loại và hàm lượng carbohydrate trong chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra thì bạn cũng nên lưu ý đến cholesterol trong thực phẩm, mặc dù nó không quan trọng bằng hai yếu tố trên.

  • Nửa thế kỷ trước có một phát hiện chỉ ra rằng nồng độ cholesterol trong máu cao có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, và chính từ phát hiện này mà những lời cảnh báo về việc tránh các loại thực phẩm chứa cholesterol, nhất là trứng và gan, đã ra đời. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học lại cho thấy mối liên kết rời rạc giữa hàm lượng cholesterol mà một người tiêu thụ với nồng độ cholesterol trong máu của người đó.
  • Trong các cuộc nghiên cứu sự tham gia của hơn 80.000 nữ y tá, các nhà nghiên cứu đến từ Harvard đã phát hiện thấy rằng việc mỗi ngày tiêu thụ một quả trứng không liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim. Tuy nhiên, những người đang bị bệnh tim hoặc tiểu đường thì vẫn nên theo dõi lượng trứng mà mình tiêu thụ.

Đối với hầu hết mọi người thì hàm lượng cholesterol hấp thụ chỉ tạo ra tác động nhỏ đến hàm lượng cholesterol lưu thông trong máu. Tuy nhiên với một số người, nồng độ cholesterol trong máu lại tăng cao và hạ thấp một cách mạnh mẽ trong mối quan hệ với lượng cholesterol ăn vào. Với những người bị gặp những phản ứng này, việc tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol có thể ảnh hưởng đáng kể đến nồng độ cholesterol trong máu. Thật không may là vào thời điểm này, chúng ta không có cách nào khác ngoài áp dụng phương pháp thử-và-sai hay còn gọi là phương pháp đúng dần (thử nghiệm đi thử nghiệm lại cho đến khi thành công) để có thể xác định cũng như phân biệt những người có phản ứng và những người không có phản ứng với cholesterol dinh dưỡng (cholesterol có trong thực phẩm).

(Theo: Harvard T.H. Chan, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment