Thông tin khuyến nghị về vấn đề bảo quản, rửa và sơ chế trái cây và rau củ nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm, bao gồm đề phòng nhiễm khuẩn E. coli.
Bạn cần phải rửa tất cả các loại trái cây và rau củ trước khi ăn để đảm bảo chúng sạch và an toàn để ăn.
Phần lớn mọi người nhận thức được tầm quan trọng của việc tiếp xúc với thực phẩm thịt một cách an toàn nhưng rất nhiều người cho rằng có ít nguy cơ ngộ độc thực phẩm với rau củ trái cây.
Tuy nhiên nguy cơ này đã được nhấn mạnh vào đợt bùng phát vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) ở vương quốc Anh năm 2011. Nguyên nhân được cho là do đất còn bám trên tỏi tây và khoai tây, đợt bùng phát này có 250 ca nhiễm khuẩn E. coli.
Nên rửa trái cây và rau củ kiểu gì?
Việc rửa rau củ và trái cây sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, bao gồm cả khuẩn E.coli, ra khỏi bề mặt của chúng.
Phần lớn vi khuẩn sẽ nằm trong đất cát bao quanh nông sản. Do đó việc rửa sạch đất cát là đặc biệt quan trọng.
Khi rửa rau, rửa dưới vòi nước đang chảy và chà nhẹ rau trong nước, ví dụ như trong một thau nước sạch. Trước tiên nhúng rửa phần rau dính ít đất nhất rồi các phần khác sau đó xả sạch lại lần cuối.
Rửa các loại nông sản chưa đóng gói đặc biệt quan trọng bởi vì những loại này thường dính nhiều đất hơn các loại trái cây và rau củ đóng gói.
Trái cây và rau củ luôn được khuyến nghị rửa trước khi ăn để đảm bảo chúng đều đã sạch và đã được loại bỏ vi khuẩn bên ngoài.
Gọt vỏ hoặc chế biến trái cây và rau củ cũng có thể giúp loại bỏ vi khuẩn.
Nội dung khuyến nghị quan trọng về an toàn bảo quản, tiếp xúc và chế biến rau củ sống là gì?
- Luôn rửa tay thật sạch trước và sau khi tiếp xúc với các thực phẩm sống, kể cả rau củ sống.
- Bảo quản riêng thực phẩm sống, kể cả rau củ sống, và thực phẩm chín ăn liền.
- Dùng thớt, dao và các dụng cụ khác nhau cho thực phẩm sống và thực phẩm chín ăn liền, hoặc rửa những dụng cụ này thật sạch giữa những lần sử dụng.
- Kiểm tra nhãn thông tin thực phẩm – trừ trường hợp bao bì rau củ ghi rõ “ăn được luôn”, còn lại bạn phải rửa sạch, gọt vỏ hoặc chế biến chúng trước khi ăn.
Làm cách nào để tôi tránh được tình trạng nhiễm khuẩn chéo?
Để đề phòng tình trạng nhiễm chéo:
- Luôn rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống
- Bảo quản riêng thực phẩm sống với thực phẩm chín ăn liền
- Bảo quản thịt sống trong các hộp đóng kín được đặt ở ngăn dưới cùng trong tủ lạnh như vậy nước thịt không thể chảy vào các thực phẩm khác.
- Dùng thớt riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín ăn liền, hoặc rửa sạch thớt giữa những lần sơ chế các loại thực phẩm khác nhau
- Rửa sạch dao và những dụng cụ khác sau khi dùng cho thực phẩm sống.
- không được rửa thịt sống hoặc thịt gia cầm (*đây là lời khuyên có thể không phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam, thịt sống hoặc thịt gia cầm mua ngoài chợ đều chưa đủ đảm bảo vệ sinh để tiến hành nấu ngay lập tức, chúng ta vẫn phải rửa qua trước khi chế biến) – bất cứ vi khuẩn có hại nào đều sẽ bị tiêu diệt trong quá trình nấu nướng, và việc rửa thịt có thể làm bắn vi khuẩn có hại ra khắp bếp
Vi khuẩn bám vào rau củ bằng cách nào?
Vi khuẩn có thể bám vào trái cây và rau củ qua một số con đường. Chúng có thể ở trong nước tưới cây, có trong phân bón hữu cơ, hoặc chất thải từ chim hoặc các động vật khác đi vào khu vực canh tác.
Những người dễ bị lây nhiễm có nên tiếp xúc với rau củ sống không?
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy rau chưa đóng gói thường bị nhiễm khuẩn E.coli hoặc các vi khuẩn có hại khác.
Những người dễ bị lây nhiễm như là phụ nữ có thai, người cao tuổi hoặc bất cứ ai có hệ miễn dịch suy yếu, nên cẩn thận làm theo hướng dẫn sơ chế và giữ vệ sinh. Những đối tượng đó không cần phải tránh sơ chế những loại thực phẩm này.
Nên khuyến khích trẻ rửa tay sau khi tiếp xúc với rau chưa đóng gói như là một phần hoạt động trong quá trình sơ chế thực phẩm, trong khi đi mua sắm hoặc trong các hoạt động thủ công.
Khi đi mua sắm bên ngoài tôi nên tiếp xúc với rau chưa đóng gói kiểu gì?
Nguy cơ lây nhiễm từ việc tiếp xúc với rau củ chưa đóng gói là không cao miễn là bạn giữ vệ sinh tốt.
Rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với rau củ trái cây chưa đóng gói là không cần thiết và không thực tế mỗi lần bạn ra ngoài mua sắm.
Nếu bạn định ăn uống ngay sau khi mua sắm, thì bạn sẽ cần rửa tay và cần rửa tay cho cả những trẻ đã tiếp xúc với rau chưa đóng gói.
Khi chọn rau củ chưa đóng gói, nhớ là rau củ nào dính nhiều đất thì về nhà sẽ tốn nhiều thời gian sơ chế hơn.
Tôi có nên tránh mua rau củ dính đất cát không?
Không nên làm vậy. Một số loại rau củ luôn dính đất. Cách làm hợp lý là rửa càng sạch đất cát càng tốt khi sơ chế rau củ.
Rau củ chưa đóng gói có thể sẽ cần sơ chế kỹ hơn so với loại đã đóng gói, nhưng miễn là bạn sơ chế cẩn thận thì không cần phải tránh những loại rau củ này.
Nhớ là rau củ dính nhiều đất hơn có thể tốn nhiều thời gian sơ chế hơn.
Một điều cần chú ý nữa là mặc dù đất cát có khả năng được xem như là nguyên nhân lây nhiễm E. coli năm 2011, người ta vẫn chưa biết chắc chắn liệu điều này có đúng không.
Tại sao rau củ có thể có vấn đề?
Trước đã có vài đợt bùng phát nhiễm khuẩn liên quan đến rau củ ăn sống trong món salad.
Tuy nhiên, bệnh liên quan đến rau củ ăn cả rễ kém phổ biến hơn nhiều vì đa số các loại rau củ ăn cả rễ đều được nấu trước khi ăn.
Vi khuẩn có hại trên rau củ chưa đóng gói luôn có nguy cơ lây lan sang các thực phẩm khác nếu không bảo quản, rửa và chế biến nông sản đúng cách.
(Theo: NHS – UK, người dịch: Trần Tuyết Lan – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)