Chăm sóc Sức khỏe Răng miệng Trẻ em (Mô hình của Anh quốc)

Sơ lược

Nguồn tài liệu này sẽ cung cấp thông tin thu thập từ các chuyên gia y tế mà có thể giúp ngăn ngừa sâu răng ở trẻ em dưới 5 tuổi để góp phần đảm bảo tất cả trẻ em đều có được khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống.

Quy mô của vấn đề

Sâu răng phần lớn là có thể phòng ngừa được, nhưng nó vẫn là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Các phát hiện từ cuộc khảo sát dịch tễ học nha khoa quốc gia ở Anh năm 2015 ở trẻ 5 tuổi của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) đã chỉ ra rằng năm 2015 ở Anh có đến 1/4 (tức 25%) số trẻ em 5 tuổi bị sâu răng, với trung bình 3-4 chiếc răng bị ảnh hưởng. Phần lớn các trường hợp bị sâu răng đều không được điều trị.

thống kê sâu răng ở Anh

Có sự khác nhau trong tỉ lệ hiện hành của bệnh sâu răng. Những khu vực có sức khỏe răng miệng kém hơn thường ở phía Bắc và thường là khu vực thiếu thốn hơn.

Khi so sánh các vùng với nhau, tỷ lệ sâu răng được ước tính dao động từ 33% ở phía Tây Bắc đến 20% ở phía Đông Nam.

Blackburn và Darwen là khu vực có mức độ sâu răng cao nhất với 56% trẻ em 5 tuổi bị sâu răng, so với mức thấp nhất chỉ 4% ở South Gloucester.

Dữ liệu gần đây nhất ở trẻ 5 tuổi chỉ ra rằng 41% sự chênh lệch này có thể được lý giải bằng tình trạng thiếu thốn.

Khảo sát sức khỏe răng miệng năm 2013 ở trẻ em 3 tuổi phát hiện thấy rằng có 12% trẻ ở độ tuổi này bị sâu răng với trung bình 3 chiếc răng bị ảnh hưởng.

Trong giai đoạn 2 năm đến tháng 3/2016, 38% trẻ em từ 0-4 tuổi ở Anh đã đi khám nha sĩ. Tỷ lệ này thay đổi trên khắp cả nước, từ 15% ở London đến 58% ở High Peak (một quận thuộc Derbyshire).

Nhổ răng là phương pháp phẫu thuật phổ biến thứ 6 ở bệnh viện cho trẻ em dưới 5 tuổi, và nó là nguyên nhân nhập viện phổ biến nhất với trẻ em từ 5-9 tuổi.

Sức khỏe răng miệng kém ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và gia đình của các em

Sức khỏe răng miệng kém không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của một cá nhân, mà còn tác động đến hạnh phúc của chính bản thân họ và cả gia đình của họ nữa. Trẻ bị đau răng hoặc cần điều trị có thể phải chịu đau đớn, bị nhiễm trùng và gặp khó khăn với việc ăn uống, ngủ nghỉ và hòa nhập xã hội.

1/4 trẻ 5 tuổi bị sâu răng vào giai đoạn các em bắt đầu đi học. Trẻ bị đau răng hoặc cần điều trị có thể sẽ phải nghỉ học, còn các bậc cha mẹ cũng cần nghỉ làm để đưa các em đi khám nha sĩ hoặc đến bệnh viện.

Do đó, sức khỏe răng miệng là một khía cạnh quan trọng trong tình trạng sức khỏe tổng thể cũng như khả năng sẵn sàng đi học của trẻ.

thiệt hại do sâu răng

Nhiều trẻ em có thể sẽ mất thêm nhiều ngày học nữa khi phải nhập viện và phục hồi vào ngày hôm sau, kết quả là đa số trẻ em đã phải lỡ ít nhất 2 ngày đi học, trong đó một số trẻ còn vắng mặt đến 15 ngày.

Những ngày nghỉ học này không chỉ ảnh hưởng đến đứa trẻ, mà còn tác động đến gia đình chúng nữa. Nhiều ngày làm việc có khả năng bị mất, vì 41% phụ huynh hoặc người chăm sóc của những đứa trẻ này là người đi làm.

Sức khỏe răng miệng được coi là dấu hiệu của các vấn đề chăm sóc sức khỏe và xã hội rộng lớn hơn bao gồm dinh dưỡng nghèo nàn và bệnh béo phì. Mối liên hệ giữa bệnh béo phì, tình trạng thiếu thốn và bệnh sâu răng là không rõ ràng. Mặc dù vậy, những sự can thiệp nhằm giảm lượng đường tiêu thụ có thể tác động đến cả hai bệnh ở cấp dân số, vì sự thiếu thốn và lượng đường tiêu thụ cao được biết đến như yếu tố nguy cơ với cả 2 căn bệnh sâu răng và béo phì.

Bằng chứng đã cho thấy rằng sức khỏe răng miệng kém cũng là dấu hiệu của việc bỏ bê cùng các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn và bảo vệ răng miệng khác. Việc bỏ bê răng miệng được định nghĩa như “sự thất bại kéo dài trong việc đáp ứng nhu cầu răng miệng cơ bản của trẻ, có khả năng làm suy yếu nghiêm trọng sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe tổng thể hay thậm chí là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.”

Trẻ gặp các vấn đề tương đối nghiêm trọng với răng sữa có nhiều nguy cơ mắc bệnh liên quan đến răng vĩnh viễn hơn. Nếu được điều trị, số răng có vấn đề sẽ cần được kiểm tra để duy trì và bảo dưỡng lâu dài trong suốt cuộc đời.

Việc điều trị răng miệng bằng thuốc gây tê tiềm ẩn một nguy cơ tuy nhỏ nhưng vẫn cần được lưu tâm về những biến chứng đe dọa đến tính mạng trẻ nhỏ, và với những trẻ phải trải qua cuộc phẫu thuật này thì bệnh suất (tỷ suất gây bệnh) của nó cũng rất đáng kể.

Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (2010) đã chỉ ra rằng hầu hết các trường hợp khuyết tật ở trẻ từ 5-9 tuổi tại Anh xảy ra là do sức khỏe răng miệng kém. Trung bình đời sống khỏe mạnh của mỗi một đứa trẻ từ 5-9 tuổi lại bị giảm 2,24 giờ do sức khỏe răng miệng kém, vượt quá cả mức độ khuyết tật liên quan đến mất thị lực (1,64 giờ), mất thính lực (1,77 giờ) và tiểu đường tuýp 2 (1,54 giờ).

Vì sao cần đầu tư vào việc cải thiện sức khỏe răng miệng

Mặc dù đa số các bệnh răng miệng đều có thể được phòng ngừa, nhưng chúng vẫn tiêu tốn của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) một khoản đáng kể. Năm 2014, chi phí điều trị răng miệng cho tất cả các nhóm tuổi của NHS là 3,4 tỷ bảng, với một khoản bổ sung khoảng 2,3 tỷ bảng trong khu vực tư.

gánh nặng chăm sóc răng miệng

Trong năm tài chính 2015-2016, chi phí nhổ răng rơi vào khoảng 50,5 triệu bảng đối với nhóm đối tượng nằm trong độ tuổi từ 0-19. Đây là chi phí nhổ răng vì mọi nguyên nhân, nhưng phần lớn vẫn là nhổ răng do sâu răng. Trong nhóm trẻ em dưới 5 tuổi có 9.306 trẻ phải nhập viện để nhổ răng (trong đó có 7.926 trường hợp được xác định là do sâu răng), với chi phí xấp xỉ 7,8 triệu bảng.

Có một số biện pháp can thiệp hiệu quả về mặt chi phí giúp ngăn ngừa sâu răng có thể tiết kiệm tiền trong thời gian dài và giảm số lượng trẻ em cần phải nghỉ học vì sâu răng. Ví dụ, các chương trình véc-ni fluoride (phủ trực tiếp chất véc-ni lên bề mặt răng sâu) hướng tới cộng đồng có thể giúp 5.000 trẻ em có thêm 3.049 ngày học.

Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) ước tính lợi tức đầu tư (ROI) sau 5 năm cho biện pháp can thiệp này là 2,29 bảng cho mỗi 1 bảng chi tiêu, và sau 10 năm sẽ tăng lên 2,74 bảng.

PHE đã thành lập Hội đồng Chương trình Cải thiện Sức khỏe Răng miệng Trẻ em vào năm 2016 với sự tham gia của một loạt đối tác và các bên liên quan nhằm mục đích cải thiện sức khỏe răng miệng của toàn bộ trẻ em và thu hẹp khoảng cách sức khỏe răng miệng đối với những trẻ thiệt thòi và có hoàn cảnh khó khăn.

Tham vọng chung của hội đồng này là mọi trẻ em đều có được một khởi đầu sống tốt nhất, và một phần của tham vọng đó là hy vọng cho mỗi một đứa trẻ có thể lớn lên và phát triển mà không bị sâu răng. Việc ngăn ngừa sâu răng cũng phù hợp với chiến lược (phòng chống) béo phì ở trẻ của chính phủ, và tác động tích cực đến sự bất bình đẳng y tế cũng như công bằng xã hội.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sâu răng

Sâu răng là hệ quả từ quá trình phá hủy các mô cứng của răng bởi axit được tạo ra trong miệng khi vi khuẩn trong cao răng chuyển hóa đường có trong thực phẩm. Các cuộc tấn công dai dẳng và lặp đi lặp lại của axit về sau sẽ làm suy yếu bề mặt răng, và lỗ hổng hoặc hốc sâu sẽ hình thành gây đau đớn và có thể là nhiễm trùng.

Nguy cơ sâu răng gia tăng khi chế độ dinh dưỡng của trẻ bắt đầu bao gồm các loại đồ ăn thức uống khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, tùy thuộc vào hàm lượng đường tự do.

Đứa trẻ nào cũng sẽ phải đứng trước nguy cơ bị sâu răng, nhưng với trẻ em phải sống ở những khu vực thiếu thốn hơn thì nguy cơ này cũng cao hơn, bởi sự mất cân bằng trong thu nhập, giáo dục, việc làm và hoàn cảnh khu vực sống ở những nơi này ảnh hưởng đến mọi cơ hội liên quan đến sự phát triển của trẻ.

Trẻ em dễ bị sâu răng hơn nếu chúng:

  • Ăn theo chế độ dinh dưỡng nghèo nàn
  • Đánh răng ít hơn 2 lần/ngày bằng kem đánh răng chứa fluoride
  • Có hoàn cảnh thiếu thốn

Cách phòng ngừa sâu răng

Việc cải thiện sức khỏe răng miệng trẻ em đòi hỏi một phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống cùng những hoạt động thiết thực của cả khu vực, từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chính sách của quốc gia lẫn địa phương đến từng gia đình và toàn ngành công nghiệp đồ ăn thức uống. Tuy rằng chính quyền của từng địa phương có vai trò chủ chốt trong việc cải thiện sức khỏe răng miệng cho người dân, nhưng bản thân chúng ta cũng phải bắt đầu hành động.

phòng ngừa sâu răng

Lời khuyên cho cha mẹ để có sức khỏe răng miệng tốt

Đối với trẻ sơ sinh:

Các chuyên gia y tế, chẳng hạn như bà đỡ và điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, nên ủng hộ và khuyến khích các bà mẹ cho con bú. Tạo ra môi trường phù hợp để thúc đẩy điều này là việc hết sức cần thiết. Sáng kiến Thân thiện với Trẻ em của UNICEF cung cấp một nền tảng dựa vào các bằng chứng vững chắc để phát triển phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống toàn diện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Chính phủ Anh khuyến nghị việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong khoảng 6 tháng đầu đời. Các loại thực phẩm bổ sung nên được đưa vào chế độ dinh dưỡng của trẻ sơ sinh từ khoảng 6 tháng tuổi song song với việc tiếp tục cho con bú (hoặc các bà mẹ cũng có thể chọn cho con dùng sữa bột công thức).

Trẻ không được bú sữa mẹ sẽ bị tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm (ví dụ như viêm dạ dày ruột hoặc tiêu chảy nhiễm trùng, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm tai giữa) và các bằng chứng hiện nay đã cho thấy rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ đến 12 tháng tuổi có thể làm giảm nguy cơ sâu răng.

PHE khuyến nghị rằng:

  • Sữa mẹ là nguồn thực phẩm duy nhất mà trẻ sơ sinh cần trong khoảng 6 tháng đầu đời. Sữa công thức đầu tiên là sự lựa chọn thay thế phù hợp duy nhất cho sữa mẹ
  • Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa bình nên được bắt đầu dùng loại bình có “dòng chảy tự do” từ 6 tháng tuổi, tuy nhiên đến tháng thứ 12 thì việc cho trẻ bú bình không nên được khuyến khích
  • Chỉ nên cho sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước đun sôi để nguội vào bình bú của trẻ
  • Trẻ chỉ nên uống sữa hoặc nước giữa mỗi bữa ăn, và không nên cho thêm đường vào các loại đồ ăn thức uống

Đối với tất cả trẻ nhỏ:

Thường xuyên đưa ra lời khuyên ăn uống lành mạnh hơn cho bệnh nhân để thúc đẩy sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe tổng thể tốt. Thông điệp chính là giảm hàm lượng đồ ăn thức uống có chứa đường “tự do” – một định nghĩa do Ủy ban Tư vấn Khoa học về Dinh dưỡng (SACN) thiết lập.

Định nghĩa của SACN về đường “tự do” bao gồm mọi loại đường được cho vào thực phẩm bởi nhà sản xuất, đầu bếp hoặc người tiêu dùng, cũng như đường tự nhiên có sẵn trong mật ong, tất cả các loại sirô và nước ép trái cây không đường. Nhưng nó không bao gồm đường tự nhiên được tìm thấy trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa, hay đường có trong cấu trúc tế bào của thực phẩm (cụ thể là trái cây và rau củ).

Phiếu mua hàng Healthy Start có thể được sử dụng để giúp các gia đình có thu nhập thấp mua các loại thực phẩm cơ bản, chẳng hạn như sữa và trái cây tươi hoặc trái cây đông lạnh.

Chương trình Cải thiện Sức khỏe Răng miệng của PHE, một bộ công cụ nhằm mục đích phòng ngừa, đã khuyến nghị tất cả trẻ em:

  • Giảm số lượng và tần suất tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống chứa đường, chỉ ăn đồ ngọt và hoa quả sấy khô vào giờ ăn
  • Các loại nước ép được làm ngọt bằng đường phụ gia, nước ngọt có ga, và nước ép hoa quả không nên xuất hiện trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ
  • Hạn chế lượng nước ép và sinh tố mà trẻ uống xuống tối đa 150ml (1 phần/suất ăn) một ngày, và chỉ cho trẻ uống trong bữa ăn để giảm nguy cơ sâu răng
  • Luôn hỏi mua các loại thuốc không đường

Giảm việc tiêu thụ đường

SACN khuyến cáo rằng lượng đường “tự do” trung bình mà trẻ em từ hai tuổi trở lên tiêu thụ không nên vượt quá 5% tổng lượng năng lượng dinh dưỡng. Tuy nhiên, trẻ em hiện nay lại tiêu thụ nhiều hơn mức đó 2-3 lần, và việc này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các em.

giảm đồ uống có đường giúp ngăn sâu răng

Chương trình cắt giảm đường

Một chương trình cắt giảm đường tầm cỡ, có cấu trúc và được giám sát rõ ràng đang được PHE dẫn dắt để loại bỏ đường từ các sản phẩm mà trẻ em hay ăn nhất.

Bằng chứng chỉ ra rằng việc từ từ thay đổi mức độ cân bằng của những thành phần trong các sản phẩm hàng ngày, hoặc thay đổi kích cỡ sản phẩm, là một cách thành công trong việc cải thiện chế độ ăn uống. Điều này là do những sự thay đổi mang tính phổ quát chứ không phụ thuộc vào sự thay đổi hành vi của từng cá nhân.

Tất cả các bộ phận của ngành công nghiệp đồ ăn và thức uống (nhà bán lẻ, nhà sản xuất và bộ phận khách hàng ăn ngoài) sẽ được yêu cầu giảm lượng đường tổng thể xuống 20% đến năm 2020 khi sử dụng các loại thực phẩm trong danh mục 9 sản phẩm góp phần nhiều nhất vào lượng đường tiêu thụ của trẻ em, bao gồm mức giảm 5% trong năm đầu tiên (tính đến tháng 8/2017).

Danh mục này bao gồm ngũ cốc ăn sáng, sữa chua và phô mai tươi (loại thường cho thêm đường và có vị hoa quả), bánh quy, bánh ngọt, bánh kẹo (các loại kẹo và sôcôla), các loại bánh ăn sáng (chẳng hạn như bánh sừng bò, bánh mì ổ nhỏ và bánh muffin nướng xốp), bánh pudding, kem, cùng các loại sốt và bơ phết ngọt.

Các doanh nghiệp cũng có thể hành động bằng cách:

  • Hạ bớt lượng đường trong sản phẩm của mình
  • Giảm kích cỡ phần ăn
  • Hướng người tiêu dùng chuyển sang mua các sản phẩm có hàm lượng đường thấp hoặc không bổ sung đường phụ gia

PHE sẽ theo dõi tiến độ của tất cả các bộ phận trong ngành công nghiệp để hướng tới việc đạt được mức giảm 20% bằng cách công bố thông tin cập nhật 6 tháng một lần. Thông tin này sẽ bao gồm các báo cáo chi tiết về tiến độ trong tháng 3/2018 và tháng 3/2020.

Đánh thuế ngành công nghiệp nước giải khát

Kế hoạch hành động Béo phì ở trẻ đã vạch ra kế hoạch đánh thuế ngành công nghiệp giải khát một khoản phải trả từ tháng 4/2018 cho những loại đồ uống chứa đường bổ sung với tổng hàm lượng đường lên đến 5g/100ml hoặc nhiều hơn.

Một lon nước ngọt 330ml chứa đường phụ gia (có thể chứa đến 35g đường), có thể ngay lập tức vượt quá lượng đường tiêu thụ được khuyến nghị tối đa của trẻ.

Mục tiêu của việc đánh thuế là thúc đẩy các nhà sản xuất giảm lượng đường trong sản phẩm của họ và hướng người tiêu dùng sang những sự lựa chọn lành mạnh hơn. Từ thời điểm thông báo đầu tiên được đưa ra, các doanh nghiệp có thời gian 2 năm để thực hiện thay đổi – một số nhà sản xuất đã có những động thái nhất định trong việc giảm mức độ đường trong sản phẩm của họ.

Bất kỳ loại đồ uống nào nằm ngoài phạm vi đánh thuế sẽ trở thành một phần trong chương trình giảm đường của PHE.

Các biện pháp can thiệp hiệu quả để cải thiện sức khỏe răng miệng

Đã có một số đánh giá về hiệu quả lâm sàng và hiệu quả chi phí của các biện pháp can thiệp nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng bao gồm Hướng dẫn sức khỏe răng miệng NICE.

PHE đã đưa ra một đánh giá về bằng chứng của hiệu quả chi phí của các biện pháp can thiệp để cải thiện sức khỏe răng miệng ở trẻ em từ 0-5 tuổi và sử dụng công cụ ROI (lợi tức đầu tư hay tỷ lệ lợi nhuận thu được so với chi phí bạn đầu tư). Họ tập trung vào các chương trình sắp được liệt kê sau đây mà vừa đem lại hiệu quả về mặt lâm sàng và giảm được các mức độ sâu răng ở trẻ 5 tuổi.

Chương trình đánh răng có giám sát

Việc chải răng bằng kem đánh răng chứa fluoride hàng ngày làm giảm tỷ lệ bị sâu răng ở trẻ cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh này. Tuy nhiên, trẻ em tại những vùng thiếu thốn hơn lại ít có khả năng chải răng tối thiểu 2 lần/ngày.

Những địa điểm gắn liền với trẻ chẳng hạn như nhà trẻ và trường học có thể cung cấp một môi trường phù hợp khuyến khích trẻ tham gia vào chương trình đánh răng có giám sát, dạy các em cách đánh răng ngay từ lúc bé và hỗ trợ việc đánh răng ở nhà.

chương trình đánh răng có giám sát

Bằng chứng cho thấy rằng để tối đa hóa hoạt động phòng ngừa sâu răng, trẻ em từ 0-6 tuổi nên chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng fluoride của gia đình (chứa khoảng 1.350-1.500 phần triệu (ppm) fluoride). Trẻ dưới 3 tuổi cũng nên dùng một lượng kem đánh răng nhỏ xíu và trẻ trong nhóm tuổi từ 3-6 nên lấy lượng kem đánh răng nhỏ bằng hạt đậu. Sau khi đánh răng xong các em chỉ nên nhổ bọt ra chứ không nên súc miệng lại bằng nước (*), và trong khi trẻ đánh răng thì người lớn phải ở cạnh giám sát.

(*) Chú thích của biên tập viên: Việc không súc lại bằng nước sau khi đánh răng có thể không phù hợp với đa số người dùng ở Việt Nam.

Trong một quần thể, ví dụ như nhóm trẻ đang đi học hoặc đi nhà trẻ, bằng chứng cho thấy rằng việc đánh răng ngay tại trường mỗi ngày trong vòng 2 năm là cách ngăn ngừa sâu răng hiệu quả và có thể hình thành hành vi lâu dài giúp cải thiện sức khỏe răng miệng. Một điều nữa cũng hết sức quan trọng là hoạt động đánh răng dựa trên nền tảng trường học nên thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động đánh răng ở nhà của trẻ cũng như ở môi trường nhà trẻ hoặc trường học.

Hướng dẫn sức khỏe răng miệng NICE và PHE đều khuyến nghị rằng các chương trình đánh răng có giám sát nên được cân nhắc áp dụng tại nhà trẻ và trường tiểu học ở những khu vực mà trẻ em có nguy cơ cao về sức khỏe răng miệng kém. Một nghiên cứu về chương trình chải răng có giám sát tại các môi trường nhà trẻ đã báo cáo rằng chương trình này “có thể được cung cấp hoặc đạt được một cách dễ dàng.”

PHE ước tính rằng sau 5 năm, ROI cho chương trình đánh răng có giám sát sẽ là 3,06 bảng cho mỗi 1 bảng được chi tiêu. Sau 10 năm, con số này sẽ tăng lên 3,66 bảng cho mỗi 1 bảng được chi ra.

Sau 5 năm, chương trình đánh răng có giám sát có thể giúp 5.000 trẻ em có thêm 2.666 ngày học.

Bộ công cụ chương trình đánh răng có giám sát của PHE hỗ trợ các ủy viên cùng những người cung cấp các chương trình tương tự ở Anh, giúp họ đạt được sự đảm bảo rằng họ đang vận hành và cung cấp các chương trình chất lượng.

Nghiên cứu tình huống: Răng khỏe, Cười vui! Hội đồng thành phố Leicester

Chương trình cung cấp bàn chải và kem đánh răng qua đường bưu điện

Việc cung cấp bàn chải và kem đánh răng miễn phí theo mục tiêu và kịp thời bằng đường bưu điện có thể khuyến khích các bậc cha mẹ áp dụng những phương pháp thực hành để có sức khỏe răng miệng tốt và bắt đầu chải răng cho trẻ ngay khi chiếc răng đầu tiên vừa mới nhú.

Chuyển phát bằng đường bưu điện sẽ giảm thiểu được các vấn đề về khả năng tiếp nhận, tác động một cách hứa hẹn hơn lên sự bất bình đẳng (mọi người đều được nhận số bàn chải và kem đánh răng như nhau). Việc phối hợp hành động với điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà có thể hỗ trợ rất nhiều cho chương trình và đảm bảo tính nhất quán của các thông điệp được truyền tải.

Để tăng tính hiệu quả, các chương trình nên xem xét việc hướng đến mục tiêu là những người có mức độ bệnh cao, và cân nhắc sử dụng kem đánh răng chứa 1.350-1.500 ppm fluoride.

Những điều cần cân nhắc khác khi thực hiện một chương trình bao gồm việc đưa ra quyết định về:

  • Độ dài của chương trình
  • Tần suất chuyển phát bàn chải và kem đánh răng qua đường bưu điện
  • Độ tuổi bắt đầu và việc cung cấp thông tin lời khuyên về sức khỏe răng miệng

PHE ước tính là sau 5 năm, ROI của mỗi 1 bảng được chi ra sẽ là 1,03 bảng. Và sau 10 năm, mức này tăng lên 1,54 bảng.

Sau 5 năm, việc cung cấp bàn chải đánh răng qua đường bưu điện có thể tăng thêm 1.025 ngày học cho 5.000 trẻ em.

Việc cung cấp bàn chải và kem đánh răng có mục tiêu qua đường bưu điện và thông qua các điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà làm tăng mức độ hiệu quả về mặt chi phí của chương trình. Sau 5 năm, ROI của mỗi 1 bảng được chi tiêu sẽ là 4,89 bảng, và sau 10 năm con số này sẽ tăng lên thành 7,34 bảng. Việc kết hợp hoạt động cung cấp bàn chải với sự hỗ trợ của các điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe có thể giúp 5.000 đứa trẻ có thêm 2.566 ngày học sau 5 năm.

Chương trình véc-ni fluoride hướng tới cộng đồng

Một đánh giá nhanh về hiệu quả chi phí của các biện pháp can thiệp để cải thiện sức khỏe răng miệng cho trẻ từ 0-5 tuổi đã chỉ ra bằng chứng thuyết phục về tính hiệu quả của các chương trình véc-ni fluoride hướng tới cộng đồng. Với chương trình này, bề mặt răng của trẻ sẽ được phủ một chất véc-ni và việc này sẽ được nhân viên của các phòng khám nha khoa trực tiếp tiến hành.

Những chương trình như thế này có thể tác động tích cực đến việc giảm thiểu sự bất bình đẳng trong sức khỏe vì chúng thường hướng đến các quần thể có nguy cơ cao.

Việc phân phối thành công còn phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Phối hợp với phụ huynh và nhà trường
  • Đảm bảo bao gồm thông điệp cũng như môi trường hỗ trợ cải thiện sức khỏe răng miệng rộng rãi hơn
  • Liên kết hiệu quả với các phòng khám nha khoa để đảm bảo những phòng khám này được thông báo đầy đủ trong trường hợp bệnh nhân của họ đã được véc-ni fluoride răng
  • Trẻ được áp dụng chương trình ít nhất 2 lần/năm

PHE ước tính rằng sau 5 năm, ROI của mỗi 1 bảng được chi ra sẽ là 2,29 bảng và sau 10 năm thì mức này sẽ tăng lên 2,74 bảng.

Sau 5 năm, chương trình véc-ni fluoride hướng tới cộng đồng có thể tăng thêm 3.049 ngày đi học cho 5.000 trẻ em.

Chương trình bổ sung fluoride cho nước (fluoride hóa nước)

Bổ sung fluoride vào nước là biện pháp can thiệp giúp cải thiện sức khỏe răng duy nhất không yêu cầu sự thay đổi hành vi của các cá nhân.

Nước chứa một lượng nhỏ fluoride tự nhiên. Fluoride trong nước ở nồng độ tối ưu (1 ppm hoặc 1mg fluoride trên một lít nước) có thể giúp giảm bớt nguy cơ sâu răng và giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh sâu răng.

Ở những khu vực mà nồng độ fluoride có sẵn trong nước là quá thấp để có thể mang lại những lợi ích này, thì chương trình bổ sung fluoride vào nước sẽ tăng mật độ của nó lên 1 ppm.

Đề án bổ sung fluoride cho nguồn nước của cộng đồng trọng yếu đầu tiên ở Anh được giới thiệu tại Birmingham vào năm 1964. Sau đó, nhiều chương trình nhanh chóng được tiến hành trong cùng một thập kỷ tại các chính quyền địa phương khác, một số ở thành thị, số khác lại ở nông thôn.

Hull, một trong những nơi có mức độ sâu răng cao nhất cả nước, là khu vực được cân nhắc giới thiệu chương trình fluoride hóa nước mới nhất.

chương trình bổ sung fluor

Bổ sung fluoride cho nước là một chương trình phổ quát. Sau 5 năm, ROI của mỗi 1 bảng được chi ra sẽ là 12,71 bảng. Sau 10 năm, mức này tăng lên 21,98 bảng với mỗi 1 bảng được đầu tư.

Tổng cộng sẽ có thêm 1.611 ngày học dành cho 10.000 trẻ em sau 5 năm.

Việc trao trả trách nhiệm fluoride hóa nước cho các chính quyền địa phương tạo ra cơ hội để họ có những hành động mang tính quyết định giúp cải thiện sức khỏe răng miệng của người dân. Một chính quyền đang cân nhắc việc fluoride hóa nước có thể sẽ phải nghe những tuyên bố như là việc này không có tác dụng và nó có thể gây hại. Nhưng cả hai tuyên bố này đều sai sự thật. Báo cáo sức khỏe của Anh trong năm 2014 về chương trình bổ sung fluoride cho nước của PHE đã kết luận rằng đây là một biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng hiệu quả và toàn diện. Bộ công cụ fluoride hóa nguồn nước của cộng đồng dành cho các chính quyền địa phương thuộc kế hoạch cải thiện sức khỏe răng miệng của PHE sẽ cung cấp nhiều lời khuyên hơn về cách tiếp cận với chương trình bổ sung fluoride cho nguồn nước.

Kêu gọi hành động

Để tất cả trẻ em có được sức khỏe răng miệng tốt thì sự hỗ trợ và cam kết đến từ nhiều phía khác nhau là hết sức cần thiết. Cách hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe răng miệng là đưa vấn đề này vào tất cả dịch vụ liên quan tới trẻ em ở các cấp độ chiến lược và hoạt động.

Ủy viên

Ủy viên nha khoa

Các ủy viên nha khoa đang thử nghiệm những cách vận hành sáng tạo để cải thiện sức khỏe răng miệng trẻ em tại 13 khu vực được ưu tiên ở Anh. Việc học hỏi từ quá trình này sẽ cung cấp thêm thông tin hỗ trợ các cuộc vận hành rộng khắp hơn.

Họ cũng hỗ trợ quy trình vận hành của sáng kiến quốc gia Dental Check by One (Dcby1); mục tiêu của sáng kiến này là thúc đẩy trẻ em dưới hai tuổi đi khám nha sĩ thường xuyên hơn từ cấp độ hiện tại.

Tất cả trẻ em từ 3 tuổi trở lên và trẻ em có nguy cơ bị sâu răng nên đăng kí phủ véc-ni fluoride cho răng 2 lần/năm. Chương trình này được giám sát trong khuôn khổ bảo hiểm nha khoa của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh, ủy viên hiện tại của dịch vụ nha khoa NHS, và các phòng khám nha khoa cũng cần được hỗ trợ để năm nào cũng đạt được sự cải thiện trong cấp độ cung cấp.

Ủy viên chính quyền địa phương

Ủy viên chính quyền địa phương về các dịch vụ của trẻ em nên tìm cách hợp nhất sức khỏe răng miệng với Chương trình sức khỏe dành cho trẻ em từ 0-19 tuổi.

Giới chức địa phương cũng nên cân nhắc đến việc vận hành các chương trình cải thiện sức khỏe răng miệng, và sử dụng các bằng chứng hữu ích cũng như liên quan đến lợi tức đầu tư của những chương trình này.

Chính quyền địa phương ở những khu vực có mức độ sâu răng cao có thể muốn xem xét việc áp dụng chương trình fluoride hóa nguồn nước.

Nhân viên y tế

Tất cả nhân viên y tế nên xem xét cách mà họ có thể ảnh hưởng đến hành vi nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng của trẻ như một phần của chiến lược tận dụng mọi mối liên hệ (MECC).

Đội ngũ nhân viên nha khoa

Tất cả thành viên của đội ngũ nha khoa nên được tiếp cận với phương pháp đào tạo dựa vào bộ công cụ phòng ngừa Cải thiện Sức khỏe Răng miệng và phiên bản Cải thiện Sức khỏe Răng miệng mới dưới dạng bảng thông tin hướng dẫn nhanh để răng miệng của trẻ thật chắc khỏe. Mọi thành viên của đội ngũ nha khoa, bao gồm y tá nha khoa, có thể cung cấp lời khuyên về sức khỏe răng miệng, thậm chí những y tá được đào tạo bài bản và có đủ khả năng còn có thể tiến hành phủ véc-ni fluoride cũng như đưa ra những lời khuyên liên quan đến sức khỏe răng miệng. Để thúc đẩy những chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn, đội ngũ nha nhoa có thể hướng dẫn các bậc cha mẹ sử dụng ứng dụng Lựa chọn thực phẩm thông thái của PHE để xác định lượng đường ẩn và khuyến khích việc tiêu thụ các loại thực phẩm cắt giảm đường.

Các đội ngũ nha khoa nên động viên phụ huynh cho con đến gặp nha sĩ khi chiếc răng đầu tiên của trẻ nhú lên từ khoảng 6 tháng tuổi để nhận được những thông điệp mang tính phòng ngừa từ chuyên gia.

Bà đỡ/nữ hộ sinh

Bà đỡ nên có đầy đủ kiến thức được đúc kết từ quá trình đào tạo cũng như thông qua sự phát triển chuyên môn liên tục của họ; những kiến thức này phải bao hàm được các thông điệp chính liên quan đến sức khỏe răng miệng từ phiên bản Cải thiện Sức khỏe Răng miệng mới – bảng thông tin hướng dẫn nhanh để răng miệng của trẻ thật chắc khỏe, và đồ họa thông tin về cải thiện sức khỏe răng miệng ở trẻ em cùng người trẻ tuổi dành cho điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, y tá học đường và y tá được cấp phép.

Bà đỡ có trách nhiệm tư vấn cho các bà mẹ đi khám nha sĩ, và rằng việc chăm sóc sức khỏe răng miệng là hoàn toàn miễn phí trong thời kỳ mang thai và cho đến khi trẻ sơ sinh được 1 tuổi.

Ngoài ra, bà đỡ cũng nên khuyến khích các bậc cha mẹ đưa con đi khám nha sĩ trước khi chiếc răng đầu tiên nhú lên ở khoảng 6 tháng tuổi. Đội ngũ nha khoa cũng có thể cung cấp lời khuyên về cách chăm sóc răng miệng cho trẻ từ lúc mới sinh.

Điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà

Điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lời khuyên cùng sự hỗ trợ như một phần của chương trình sức khỏe trẻ em. Việc này bao gồm:

  • Các biện pháp can thiệp phổ quát trong năm đầu tiên, cung cấp lời khuyên cũng như sự hỗ trợ liên quan đến sức khỏe răng miệng, và chỉ dẫn cho cha mẹ về các dịch vụ nha khoa
  • Xác định các gia đình cần hỗ trợ thêm, ví dụ như anh chị em ruột của đứa trẻ đã phải nhập viện để nhổ răng do sâu răng
  • Khuyến khích việc đến gặp nha sĩ khi chiếc răng đầu tiên nhú lên ở khoảng 6 tháng tuổi để đội ngũ chuyên gia có thể truyền tải những thông điệp phòng ngừa

Các nguồn tài nguyên hỗ trợ sẵn có bao gồm:

  • Mục nha khoa trong sách đỏ (Hồ sơ y tế cá nhân trẻ em)
  • Đào tạo về sức khỏe răng miệng trong Giáo dục trực tuyến vì tài nguyên sức khỏe của Anh thuộc Chương trình Sức khỏe Trẻ em
  • Đồ họa thông tin (thông tin được trình bày với các hình ảnh trực quan) về cải thiện sức khỏe răng miệng ở trẻ em và người trẻ tuổi dành cho điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, y tá học đường và y tá được cấp phép cùng với 10 lời khuyên hàng đầu liên quan đến răng miệng
  • Cải thiện Sức khỏe Răng miệng – bảng thông tin hướng dẫn nhanh để trẻ có răng chắc khỏe
  • Các điểm thực hành hiệu quả đối với sức khỏe răng miệng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dành cho điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe và Lời khuyên dành cho phụ huynh: chăm sóc răng miệng cho con bạn của Viện Thăm khám Sức khỏe (iHV)

Y tá học đường

Giữ vai trò trong việc tư vấn sức khỏe răng miệng của trẻ mà có thể tác động đến sự sẵn sàng đi học của các em.

Các tài nguyên hỗ trợ có sẵn đã được liệt kê ở trên.

Bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình, y tá bệnh nhi, y tá thực hành chung

Có trách nhiệm cung cấp các thông điệp liên quan đến sức khỏe răng miệng cho phụ huynh của trẻ từ 0-5 tuổi và chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ.

Các nguồn tài nguyên hỗ trợ có sẵn bao gồm:

  • Đồ họa thông tin (thông tin được trình bày với các hình ảnh trực quan) về cải thiện sức khỏe răng miệng ở trẻ em và người trẻ tuổi dành cho điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, y tá học đường và y tá được cấp phép cùng với 10 lời khuyên hàng đầu liên quan đến răng miệng
  • Chỉ dẫn phụ huynh đến các dịch vụ nha khoa địa phương
  • Khuyến khích đi khám nha sĩ khi chiếc răng đầu tiên bắt đầu nhú lên từ khoảng 6 tháng tuổi để đội ngũ chuyên gia nha khoa cung cấp các thông điệp phòng ngừa

Dược sĩ

Đưa ra những lời khuyên về sức khỏe răng miệng cho cha mẹ của trẻ nhỏ dựa vào bộ công cụ Cải thiện Sức khỏe Răng miệng – bảng thông tin hướng dẫn nhanh giúp trẻ có răng chắc khỏe và hướng dẫn họ tìm đến các dịch vụ nha khoa.

Môi trường lành mạnh

Môi trường nhà trẻ, mẫu giáo có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho sức khỏe răng miệng bằng cách:

  • Áp dụng những chính sách ăn uống lành mạnh
  • Cung cấp các buổi huấn luyện về sức khỏe răng miệng cho người quản lý và cán bộ công nhân viên qua chương trình giáo dục trực tuyến vì sức khỏe, và dựa vào bộ công cụ Cải thiện Sức khỏe Răng miệng – bảng thông tin hướng dẫn nhanh giúp trẻ có răng chắc khỏe
  • Cung cấp hoạt động đánh răng có giám sát hàng ngày

Tình nguyện viên

Có thể thúc đẩy sự cải thiện sức khỏe răng miệng thông qua các cách như là:

  • Cung cấp các chương trình hỗ trợ nuôi dạy con cùng nội dung liên quan đến sức khỏe răng miệng để thúc đẩy việc phân phối các chương trình chú trọng sức khỏe của trẻ
  • Cung cấp sự phát triển chuyên môn lâu dài trong lĩnh vực sức khỏe răng miệng cho lực lượng lao động của các nhà trẻ hay trường dành cho trẻ ở những năm đầu đời

Hiệp hội chuyên gia

Đảm bảo cho tất cả trẻ em đều nhận được dịch vụ chăm sóc chất lượng cao bằng cách:

  • Gắn kết với công chúng (bao gồm cả việc sản xuất tờ rơi thông tin bệnh nhân)
  • Phát triển hoặc phổ biến các bằng chứng, thông tin hướng dẫn và quy định lâm sàng cho công chúng và các chuyên gia y tế
  • Phát triển và dẫn dắt các sáng kiến thúc đẩy sức khỏe răng miệng
  • Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ

Các trường đại học Hoàng gia

Các trường đại học Hoàng gia có thể hỗ trợ sự cải thiện sức khỏe răng miệng bằng cách:

  • Cung cấp chương trình giáo dục trước và sau đại học cũng cùng sự phát triển chuyên môn và cả nguồn tài nguyên cho các chuyên gia nha khoa cũng như chuyên gia sức khỏe trẻ em
  • Cung cấp thông tin hướng dẫn và báo cáo thường niên cho các chuyên gia và cả cộng đồng
  • Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em

Tư vấn viên trong lĩnh vực sức khỏe răng miệng cộng đồng

Các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực sức khỏe răng miệng cộng đồng tại Trung tâm Y tế Công cộng Anh giữ một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự cải thiện sức khỏe răng miệng trên hệ thống y tế công cộng và hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Họ phối hợp chặt chẽ với các đội ngũ y tế công cộng của chính quyền địa phương, NHS Anh, mạng lưới chuyên gia địa phương, Cơ quan Giáo dục Sức khỏe Anh và các cộng sự khác để góp phần đem đến sự cải thiện trong sức khỏe răng miệng trong suốt quá trình sống, và tạo điều kiện để mọi đứa trẻ đều có được khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống.

(Dịch từ bài viết: Guidance: Health matters: child dental health – GOV, UK – Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment