Bị cảm cúm khi mang thai có sao không – mẹ nên làm gì?

Cảm cúm khi mang thai là mối nguy hiểm lớn với mẹ và bé.

Khi mang thai, hệ miễn dịch của chúng ta yếu đi, vì vậy mà nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Và khi mang thai, cảm cúm có thể trở nên nghiêm trọng một cách nhanh chóng, trở nên phức tạp hơn, dễ dàng gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi.

Cảm cúm khi mang thai cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thai nhi, bao gồm cả sinh non.

Tất nhiên, cũng có nhiều bà mẹ bị cảm cúm khi mang thai nhưng không hề xảy ra biến chứng nào. Dù vậy, theo thống kê, khi mang thai, nguy cơ phát sinh những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sẽ cao hơn bình thường.

cảm cúm khi mang thai

Cảm cúm có những triệu chứng gì?

Thông thường, triệu chứng cảm cúm bao gồm sốt, nhức mỏi, tiếp theo đó là các triệu chứng cảm lạnh như sổ mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho, có cảm giác ớn lạnh. Thậm chí, chúng ta cũng có thể bị tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Đặc biệt, nếu có những triệu chứng sau đây, các mẹ nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức:

  • Khó thở, thở gấp
  • Có lẫn máu trong đờm
  • Cảm thấy đau, tức ngực hoặc bụng
  • Đột ngột chóng mặt, không tỉnh táo
  • Nôn nhiều và dai dẳng
  • Nhận thấy thai nhi giảm chuyển động
  • Vẫn sốt cao dù đã uống thuốc giảm sốt

Mẹ nên làm gì nếu bị cảm cúm khi mang thai?

Nếu có những triệu chứng của cảm cúm, các mẹ nên nghỉ ngơi ở nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người và hỏi ý kiến bác sĩ.

Bác sĩ sẽ xác định liệu các mẹ có cần làm xét nghiệm hay điều trị không. Những xét nghiệm cần thiết có thể bao gồm xét nghiệm mẫu bệnh lấy từ nước mũi (xét nghiệm này nên được tiến hành trong vòng bốn ngày đầu tiên sau khi có triệu chứng cảm cúm).

Nếu ở nhà một mình, hãy nhờ ai đó qua kiểm tra các mẹ thường xuyên để tránh những trường hợp nguy hiểm.

Nếu phải tiếp xúc với người đang mắc cảm cúm, hãy hỏi bác sĩ xem liệu việc điều trị có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm cảm cúm hay không. Và các mẹ cũng cần nhớ rằng,những người bị cảm cúm có thể lây bệnh cho người khác trước cả khi họ có những triệu chứng cảm cúm rõ ràng, và trong vòng một tuần sau khi bị ốm, những vi khuẩn gây cúm vẫn có thể tiếp tục lây lan.

Vậy nếu đang mang thai, tôi nên điều trị cảm cúm như thế nào?

  • Khi mang thai, nếu bị sốt, các mẹ cần điều trị ngay
  • Uống nhiều nước
  • Bác sĩ sẽ quyết định liệu rằng các mẹ có cần điều trị bằng các loại thuốc kháng virus hay không. Thuốc kháng virus bao gồm các loại thuốc kê toa, thuốc nước hoặc thuốc dạng xịt, chống lại cơn cảm cúm theo cơ chế ngăn chặn vi khuẩn phát triển trong cơ thể. Những loại thuốc này có thể khiến mẹ bầu nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời khiến những triệu chứng cảm cúm biến mất nhanh chóng. Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất trong vòng hai ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng cảm cúm
  • Cũng có một vài thông tin cho rằng các loại thuốc kháng virus có ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ có thai, tuy nhiên những tác dụng phụ nghiêm trọng đến nay vẫn chưa được ghi nhận

Phòng cảm cúm ra sao?

  • Nên tiêm phòng cảm cúm càng sớm càng tốt. Sau khi tiêm phòng, cơ thể chúng ta sẽ mất một vài tuần để hệ miễn dịch phát triển. Bằng việc tiêm phòng cảm cúm, chúng ta cũng có thể giúp con tránh khỏi cảm cúm trong vòng sáu tháng đầu sau sinh.
  • Rửa tay thường xuyên, bao gồm trước khi ăn, sau khi hắt hơi và sau khi đi vệ sinh. Cách rửa tay chuẩn là xoa đều bàn tay với nước rửa tay trong vòng ít nhất 20 giây, sau đó rửa sạch với nhiều nước. Sau khi rửa tay sạch sẽ, nên lau tay bằng khăn giấy dùng một lần hoặc những chất sát trùng với nồng độ cồn chiếm ít nhất 60%
  • Không nên dùng bàn tay để che khi bị ho hoặc hắt hơi. Điều này sẽ làm virus lây ra khắp bàn tay, dễ lây lan sang cho người khác. Thay vào đó, hãy che miệng bằng cánh tay và ho hoặc hắt hơi vào phần khuỷu tay. Hoặc các mẹ cũng có thể che mũi và miệng bằng khăn giấy dùng một lần và vứt ngay vào sọt rác sau khi sử dụng. (Nhiều chuyên gia khuyến nghị nên dùng phương pháp đầu tiên thay cho việc dùng khăn giấy vì vi khuẩn trên khăn giấy vẫn có thể lưu lại trên tay và lây lan cho người khác). Trong trường hợp bắt buộc phải dùng tay, các mẹ nhớ rửa tay kĩ ngay sau đó nhé.
  • Không chạm tay lên mắt, mũi và miệng. Có thể các mẹ vẫn nghĩ rằng tay mình sạch, nhưng nếu trước đó chúng ta chạm vào khóa cửa, chiếc cốc, tay cầm tủ lạnh hay bất cứ vật gì đó có chứa vi khuẩn, nghiễm nhiên tay chúng ta cũng sẽ mang vi khuẩn, và chúng có thể tấn công các mẹ bất cứ lúc nào.
  • Các loại virus và vi khuẩn có thể sống từ hai đến tám tiếng trên những bề mặt cứng. Vì vậy, các mẹ nên thường xuyên dùng chất sát trùng để lau những vật dụng trong nhà như đồ chơi của con, bàn cạnh giường, khóa cửa, điện thoại, những đồ dùng trong phòng tắm và nhà bếp.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang bị ốm, kể cả thành viên trong gia đình.

Trên đây Út Em đã cung cấp một số kiến thức cơ bản về cảm cúm khi mang thai. Chuyển mùa là lúc sức để kháng của cơ thể giảm, dễ dàng mắc phải cảm cúm, các mẹ hãy lưu ý nhé. Mẹ khỏe mạnh để con yêu luôn khỏe mạnh.

(Theo Babycenter – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment