Mang thai tháng đầu tiên – mẹ cần lưu ý những gì?

Út Em chào các mẹ, tháng đầu tiên của thai kỳ bắt đầu từ tuần thứ ba sau chu kỳ kinh cuối.

Trong ba tuần này, tế bào trứng được thụ tinh bởi tinh trùng trong ống dẫn trứng. Sau đó, tế bào trứng đã được thụ tinh này sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng để vào tử cung.

Trong quá trình thụ thai, các mẹ có thể bị chảy một chút máu và cũng trong thời gian này, một loại hooc-môn thai kỳ sớm (EPF) được sản sinh. Hooc-môn này sẽ giúp cơ thể nhận biết và không loại bỏ tế bào trứng như kiểu chống lại một loại vật thể lạ xâm nhập vào cơ thể.

mang thai tháng thứ nhất

Khi bắt đầu ở tuần 4, các mẹ sẽ trải qua nhiều triệu chứng về thể chất mà có thể sẽ kéo dài xuyên suốt tam cá nguyệt thứ nhất.

Hooc-môn hCG (hooc-môn thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai) sẽ được sản sinh trong cơ thể trong suốt 12 tuần đầu tiên và nó thường liên quan đến những triệu chứng như thay đổi tâm trạng, buồn nôn và nôn mửa.

Một số triệu chứng khác của thai kỳ bao gồm mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, dễ xúc động, đau ngực hoặc có vị lạ trong miệng. Các mẹ cũng có thể bắt đầu thèm ăn hoặc chán ăn một số loại đồ ăn nhất định nào đó.

Nếu đến tận tuần thứ 5-6, các mẹ mới bắt đầu nhận biết mình có thai thì có thể coi là bị chậm. Sự mệt mỏi và những biểu hiện khác sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Tình trạng buồn nôn có thể tăng lên vì lượng hooc-môn đang tăng dần và nó có xu hướng tồi tệ hơn khi các mẹ để mình bị đói. Vì vậy, các mẹ nên mang theo một ít bánh quy bên mình và ăn thành những bữa nhỏ, thường xuyên để đảm bảo có đủ carbonhydrate trong suốt cả ngày.

Mặc dù việc buồn nôn trong khi mang thai là một kiểu ốm nghén vào buổi sáng (thường được gọi là nghén buổi sáng) nhưng nó vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào trong ngày.

Việc đi tiểu sẽ tăng lên vì tử cung càng ngày càng to ra và chèn vào bàng quang. Các mẹ cũng cảm thấy ngực bị căng và nặng nề hơn. Núm vú trở nên thâm hơn và các mạch trong ngực cũng dễ nhìn thấy hơn. Các mẹ có thể bị đau đầu vì lượng hooc-môn đang dần tăng lên trong cơ thể mình.

Các mẹ đừng băn khoăn hay lo lắng nếu thấy mình không xuất hiện đủ tất cả những triệu chứng của thai kỳ. Ví dụ, một số phụ nữ mang thai không gặp phải bất cứ cơn buồn nôn nào.

A. Sự phát triển của thai nhi trong tháng thứ nhất

Tế bào hình cầu hay còn gọi là phôi thai đang dần hình thành và phát triển bên trong tử cung (dạ con). Trong khi mang thai tháng thứ nhất, nó chỉ có kích thước như hạt cây anh túc. Nó có cấu tạo 3 lớp để sau này hình thành các cơ quan và các mô:

  • Các ống thần kinh mà giúp não, xương sống, tủy sống, dây thần kinh hình thành được phát triển ở lớp trên cùng
  • Tim và hệ tuần hoàn bắt đầu xuất hiện ở lớp giữa
  • Lớp thứ ba là nơi của phổi, ruột và phần đầu của hệ tiết niệu

Túi noãn sản sinh ra tế bào hồng cầu và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Những thành phần cấu tạo đầu tiên của nhau thai và dây rốn cũng đã sẵn sàng và chuẩn bị làm nhiệm vụ của chúng.

Các tế bào của nhau thai dần bám sâu vào thành tử cung. Khi nhau thai đã hoàn thiện chức năng vào tuần cuối của tháng này, nó sẽ sản sinh chất dinh dưỡng cho thai nhi và loại bỏ chất thải. Dây rốn giúp truyền dinh dưỡng, oxy tới thai nhi.

B. Những điều đáng lưu tâm khi mang thai tháng đầu tiên

Thai ngoài tử cung

Một trong những lo lắng chủ yếu của các mẹ ở giai đoạn mang thai tháng thứ nhất là nguy cơ bị thai ngoài tử cung. Trong tuần ba, nếu trứng được thụ tinh bên ngoài tử cung (thường là trong ống dẫn trứng) và khi nó phát triển sẽ có thể gây vỡ ống, gây chảy máu bên trong và xuất hiện những cơn đau nghiêm trọng trong bụng các mẹ.

Nếu mang thai ngoài tử cung được phát hiện sớm, các bác sĩ có thể kê thuốc để bỏ thai. Ngược lại, nếu phát hiện muộn cần phải thực hiện phẫu thuật khẩn cấp để chấm dứt quá trình mang thai. Trong một số trường hợp hiếm, ống dẫn trứng cũng bị cắt bỏ.

Sảy thai

Hiện tượng sảy thai có nguy cơ xảy ra cao nhất trong tam cá nguyệt thứ nhất. Trong suốt quá trình mang thai tháng thứ nhất này, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng sảy thai.

Cho đến nay, lý do phổ biến nhất gây sảy thai là do xảy ra vấn đề với nhiễm sắc thể trong phôi thai. Điều này có thể coi là cách bỏ thai tự nhiên khi thai nhi không có khả năng tồn tại.

Những nguyên nhân khác của việc sảy thai có thể bao gồm những vấn đề về hooc-môn hoặc sự bất thường của tử cung người mẹ.

Chất gây dị tật

Nguyên nhân gây ra dị tật thường là do bệnh lây nhiễm hoặc các chất độc hại như rượu, thuốc phiện, một số loại thuốc và hóa chất nhất định.

Thời gian tam cá nguyệt thứ nhất bao gồm mang thai tháng đầu tiên là thời gian vô cùng quan trọng với sự phát triển của thai nhi. Tất cả những cấu trúc và hệ thống của từng cơ quan, bộ phận đều được hình thành trong giai đoạn này.

Do đó, các mẹ cần tuyệt đối tránh xa những chất có khả năng gây dị tật trong suốt thời gian này và cả quá trình mang thai.

[adinserter block=”11″]

C. Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ nhất

Khi mang thai tháng thứ nhất, các mẹ bắt đầu cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho cả thai nhi nên cần chú trọng hơn đến chế độ ăn uống. Nên hay không nên ăn gì cũng cần phải cẩn thận hơn.

Những thực phẩm bổ sung cần thiết:

  • Giàu axit folic: Ngoài những sản phẩm thuốc bổ sung axit folic do bác sĩ kê đơn, các mẹ nên kết hợp với thức ăn vì axit folic không chỉ giúp duy trì mà còn thúc đẩy thai nhi phát triển. Thực phẩm giàu axit folic bao gồm cam, khoai tây, súp lơ, măng, trứng, rau xa, các loại đậu…
  • Vitamin: Các mẹ có thể ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin, đặc biệt cần chú ý đến bổ sung vitamin B6 vì nó có tác dụng làm giảm các cơn buồn nôn do nghén. Thay vì dùng thuốc để xử lý vấn đề này, các mẹ có thể ăn các loại thực phẩm giàu vitamin B6 như ngũ cốc, chuối, các loại hạt…
  • Ngoài ra còn cần bổ sung các sản phẩm thịt, sữa, giàu sắt và carbonhydrate…

Những thực phẩm nên tránh:

  • Kích thích co thắt tử cung: Theo kinh nghiệm những người đã từng có con thì phụ nữ mang thai tháng thứ nhất nên tránh xa những loại thực phẩm như dứa, cam thảo, đu đủ…Điều này cũng có cơ sở vì chất có trong những thực phẩm này có thể gây co thắt tử cung khiến các mẹ bị đau hoặc nghiêm trọng hơn là co thắt gây sảy thai
  • Hải sản: Do trong hải sản thường chứa một lượng lớn hợp chất metyl thủy ngân có thể cản trở nghiêm trọng sự phát triển não còn non nớt của thai nhi
  • Pho mát mềm: Các mẹ nên tránh những loại pho mát mềm làm từ sữa mà chưa được tiệt trùng vì nó có thể chứa nhiều vi khuẩn, gây ngộ độc hoặc gây đầy hơi
  • Tránh những đồ ăn khó tiêu do nhiều chất béo, chiên xào, quá ngọt hoặc cay vì nó chỉ làm tình trạng ốm nghén thêm tồi tệ hơn

Tuy nhiên, các mẹ cũng nên tự điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp khi mang thai tháng thứ nhất vì đây là thời gian cần tuyệt đối cẩn thận, tránh những đồ mà mình bị dị ứng, chia thành những bữa ăn nhỏ trong ngày và không nên uống nước trong bữa ăn.

(Theo Aboutkidshealth & Babycenter – Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment