Liệu có gì bất thường nếu bị choáng váng hoặc chóng mặt khi mang thai?
Út Em chào các mẹ. Không có gì bất thường nếu thỉnh thoảng các mẹ cảm thấy bị chóng mặt khi mang thai.
Vì khi có thai, hệ thống tuần hoàn có sự thay đổi đáng kể. Tim đập nhanh và đẩy nhiều máu đi nhanh hơn mỗi phút, lượng máu trong cơ thể các mẹ tăng khoảng 30-50% so với bình thường.
Ngoài ra, trong quá trình mang thai bình thường, mạch máu giãn ra dẫn đến huyết áp giảm, có thể giảm đến mức thấp nhất khi các mẹ đang ở giai đoạn giữa thai kỳ. Sau thời gian này, huyết áp sẽ tăng trở lại mức thông thường khi đến cuối thai kỳ.
Phần lớn trong thời gian mang thai, hệ thống thần kinh và hệ thống tuần hoàn đều có sự điều chỉnh thay đổi để đảm bảo lượng máu lên não vẫn đầy đủ. Nhưng đôi khi lượng máu này không đáp ứng đủ nên dẫn đến tình trạng hoa mắt chóng mặt hoặc đau đầu.
Các mẹ nên làm gì nếu bị chóng mặt khi mang thai?
Điều đầu tiên cần làm là nên nằm ngay xuống chỗ nào đó. Nằm nghiêng về một bên sẽ giúp máu lưu thông tối đa trong cơ thể và lên não. Nó sẽ giúp cho các mẹ tránh khỏi tình trạng bị ngất xỉu và làm giảm tình trạng choáng váng, chóng mặt khi mang thai.
Nếu các mẹ đang ở chỗ nào đó mà không thể nằm được thì hãy ngồi xuống và đặt đầu mình vào giữa hai đầu gối. Dĩ nhiên, vì các mẹ đang mang bầu nên khó thực hiện động tác này. Nhưng ít nhất hãy cứ ngồi xuống để tránh bị ngã. Trong tình trạng các mẹ đang làm gì đó có thể gây nguy hiểm như đang lái xe thì hãy dừng lại ngay lập tức.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường thấy dẫn đến tình trạng choáng váng hay chóng mặt khi mang thai và cách để tránh gặp phải những tình trạng này:
1. Đứng dậy đột ngột
Khi ngồi, máu sẽ tập trung ở bàn chân và bắp chân. Nếu cơ thể các mẹ không kịp thời điều chỉnh khi đứng lên, không đủ máu lên tim. Như vậy huyết áp sẽ giảm đột ngột và khiến các mẹ bị chóng mặt, choáng váng.
Để ngăn ngừa tình trạng này diễn ra, tránh đứng dậy đột ngột khi đang ngồi hoặc nằm. Khi các mẹ đang nằm, chỉ nên ngồi dậy từ từ và giữ tư thế ngồi trong vài phút với hai chân buông thõng xuống dưới giường hoặc ghế. Sau đó đứng dậy từ từ.
Máu của cơ thể cũng tập trung ở bàn chân và bắp chân khi các mẹ đứng lâu ở một chỗ. Nếu các mẹ ở trong tình trạng không thể di chuyển xung quanh thì cũng nên rung lắc chân để thúc đẩy quá trình lưu thông máu.
Băng chân cũng giúp cho nửa dưới của cơ thể lưu thông máu được tốt hơn.
2. Nằm ngửa
Trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, thai nhi phát triển lớn có thể làm chậm quá trình lưu thông máu ở chân do tĩnh mạch chủ (tĩnh mạch lớn giúp lưu thông máu từ nửa dưới cơ thể cho tim) và các mạch máu vùng chậu bị nén.
Khi các mẹ nằm ngửa sẽ khiến tình trạng trên diễn biến tồi tệ hơn.
Thực tế khoảng 8% phụ nữ mang thai ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba thường gặp phải tình trạng gọi là hạ huyết áp nằm ngửa:
Khi các mẹ nằm ngửa, tim chỉ bơm được ít máu nên huyết áp bị giảm và cảm thấy bồn chồn, mê man hoặc buồn nôn cho đến khi thay đổi tư thế.
Để tránh hiện tượng này, các mẹ hãy nằm nghiêng thay vì nằm ngửa. Đặt một cái gối ở đằng sau hoặc dưới hông sẽ giúp các mẹ giữ được tư tế nằm nghiêng hoặc ít nhất cũng hơi nghiêng mình đủ để tử cung không đè nén lên các tĩnh mạch.
3. Ngất do thần kinh phế vị (Vasovagal syncope)
Một số người rất dễ bị chóng mặt khi cố ho, đi tiểu hoặc đi ngoài. Những hành động này có thể làm cho huyết áp và nhịp tim giảm. Dẫn tới tình trạng hoa mắt chóng mặt khi mang thai. (Vasovagal nghĩa là dây thần kinh phế vị có ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn của cơ thể, syncope nghĩa là tình trạng ngất). Một số nguyên nhân của hiện tượng này cũng có thể do mất nước, lo âu hoặc cơn đau nào đó.
Phụ nữ mang bầu thường cũng dễ bị ngất do thần kinh phế vị. Bên cạnh hay có cảm giác lâng lâng, dấu hiệu trước khi xảy ra hiện tượng này thường là cảm giác hơi nóng người, xanh xao, vã mồ hôi, buồn nôn và thở gấp. Các mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu này để nhanh chóng nằm xuống, tránh để bị ngất mà ngã rất nguy hiểm.
4. Thiếu nước và dinh dưỡng
Khi không bổ sung thức ăn đầy đủ, chúng ta có thể bị hạ đường huyết (hypoglycemia) dẫn đến tình trạng choáng váng, chóng mặt. Điều này rất dễ xảy ra với phụ nữ đang mang thai.
Hãy cố duy trì lượng đường trong máu ổn định, không để bị hạ đường huyết bằng cách ăn nhiều bữa ăn nhỏ, thường xuyên trong ngày thay vì ba bữa chính. Các mẹ có thể mang theo đồ ăn nhẹ bên mình để ăn mỗi lúc mình thấy đói.
Mất nước cũng có thể gây nên tình trạng tương tự như trên. Đảm bảo cho cơ thể đủ nước bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày. Theo Viện nghiên cứu y học khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên uống khoảng hơn 3 lít nước hay đồ uống khác mỗi ngày.
Các mẹ thậm chí có thể cần bổ sung nhiều nước hơn nếu tập thể dục hoặc thời tiết quá nắng nóng (nếu nước tiểu có màu vàng hoặc màu đục thì có nghĩa các mẹ đang không uống đủ nước).
5. Thiếu máu
Nếu các mẹ bị thiếu máu, tế bào hồng cầu trong máu mang ít oxy tới não và những cơ quan khác của cơ thể hơn nên cũng dẫn đến tình trạng choáng váng, lâng lâng.
Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng thiếu máu nên các mẹ cần đảm bảo chế độ ăn giàu sắt và uống vitamin chứa sắt dành cho bà bầu, đặc biệt trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Nếu bị thiếu máu, bác sĩ sẽ kê đơn giúp các mẹ bổ sung sắt một cách tốt nhất cho cơ thể.
6. Tiếp xúc với nhiệt độ cao
Ở trong một căn phòng nóng hoặc tắm với nước có nhiệt độ cao có thể làm cho các mạch máu giãn ra, làm hạ huyết áp khiến các mẹ bị chóng mặt.
Nếu các mẹ cảm thấy choáng váng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao thì hãy tránh những nơi đông người ngột ngạt và nên mặc đồ thành nhiều lớp để có thể cởi bỏ khi cần thiết.
Các mẹ nên tắm nước ấm vừa phải thay vì nước hơi nóng (tốt hơn nên hạn chế thời gian tắm trong bồn nước nóng trong quá trình mang thai) và cố gắng giữ cho phòng tắm luôn thoáng mát.
7. Hội chứng thở quá nhanh
Việc lo lắng quá mức hay tập thể dục quá sức đôi khi là nguyên nhân khiến các mẹ bị mắc chứng thở quá nhanh và có cảm giác chóng mặt.
Mặc dù tập thể dục giúp hỗ trợ hệ tuần hoàn nhưng cũng cần cẩn thận đừng tập quá sức. Chỉ nên tập từ từ và dừng lại nếu như thấy mệt mỏi hay có dấu hiệu bất ổn.
[adinserter block=”12″]
Mức độ chóng mặt khi mang thai như nào thì cần gọi bác sĩ?
Nếu thỉnh thoảng các mẹ cảm thấy hơi choáng, chóng mặt khi mang thai lúc gặp không khí nóng nực, đói hoặc ngồi dậy đột ngột thì cũng chưa phải tình trạng đáng báo động và những cảm giác này có khả năng biến mất sau khi các mẹ sinh em bé.
Tuy nhiên, trường hợp áp dụng những biện pháp kể trên không làm giảm tình trạng chóng mặt khi mang thai mà những cơn choáng váng, chóng mặt kéo dài dai dẳng thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, các mẹ cần tìm sự trợ giúp nếu như các mẹ bị ngất hoặc cảm giác chóng mặt khi mang thai là hệ quả của những chấn thương liên quan đến đầu.
Nếu xuất hiện những triệu chứng khác như đau đầu nghiêm trọng, hoa mắt, khó nói nên lời, ngực đập nhanh, tê liệt người, ngứa ngáy, đau ngực, khó thở hoặc chảy máu âm đạo thì ngay lập tức phải gọi người trợ giúp.
Bất kể triệu chứng nào kể trên cũng có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng nào đó gây ảnh hưởng đến thai nhi và chính cơ thể các mẹ.
Nếu các mẹ bị đau bụng kèm theo chóng mặt khi mang thai giai đoạn đầu và mạch đập nhanh, đó có khả năng là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Đây là trường hợp nguy hiểm nên cần gọi cấp cứu ngay các mẹ nhé.
(Dịch từ bài viết “Dizziness and fainting during pregnancy” – website Babycenter – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)