Bắt chước lượng thực phẩm tiêu thụ: sự tương tác năng động giữa những người cùng ăn uống

Tóm tắt sơ lược

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người trực tiếp điều chỉnh lượng thực phẩm tiêu thụ theo lượng tiêu thụ của những người cùng ăn với mình; họ ăn nhiều hơn khi những người khác ăn nhiều hơn, và tiêu thụ ít đi khi những người đó giảm lượng tiêu thụ.

Một cách giải thích tiềm năng cho hiệu ứng mẫu này là lượng thực phẩm tiêu thụ của cả hai người đều đã trở nên đồng bộ thông qua các quá trình bắt chước hành vi (behavioral mimicry).

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào kiểm tra, xác nhận được rằng liệu có đúng là việc bắt chước hành vi có thể phần nào tạo ra hiệu ứng mẫu này hay không.

Để nắm bắt khả năng bắt chước hành vi, các quan sát thời gian thực của những cặp nữ giới dùng chung bữa tối đã được tiến hành.

Người ta đánh giá xem liệu khả năng bắt chước có phụ thuộc vào thời gian tương tác và vào người ăn hay không. Tổng cộng đã có 70 cặp nữ giới trẻ tham gia vào nghiên cứu, và tổng số miếng cắn của những cặp này (N = 3.888) đã được sử dụng như đơn vị phân tích.

Với mỗi một cặp, tổng số miếng cắn và thời gian từng người cắn/ăn một miếng đã được mã hóa. Khả năng bắt chước hành vi được vận hành khi một miếng thức ăn được cắn/ăn trong một khoảng thời gian 5 giây cố định sau khi người còn lại ăn một miếng, trong khi những lần ăn/cắn không bắt chước được định nghĩa là những miếng cắn diễn ra ngoài khoảng thời gian 5 giây.

Người ta phát hiện thấy rằng cả hai đối tượng nữ giới trong mỗi một cặp đều bắt chước hành vi ăn uống của nhau. Họ hay ăn một miếng để phù hợp, tương đồng với người cùng ăn với mình hơn là ăn theo tốc độ của riêng họ. Việc bắt chước hành vi này ở giai đoạn mới bắt đầu tương tác thì nổi bật hơn so với lúc kết thúc tương tác. Nghiên cứu này cho thấy rằng khả năng bắt chước hành vi có thể phần nào giải thích cho khuôn mẫu xã hội về lượng thực phẩm tiêu thụ (social modeling of food intake).

Giới thiệu

Một loạt nghiên cứu đã chứng minh rằng hành vi ăn uống bị tác động sâu sắc bởi những ảnh hưởng xã hội. Nghiên cứu hỗ trợ xã hội cho thấy rằng sự hiện diện của những người khác ảnh hưởng đến lượng thực phẩm được tiêu thụ trong một bữa ăn.

Một số nghiên cứu phát hiện thấy rằng khi có sự có mặt của người khác thì con người ăn nhiều hơn là khi chỉ có một mình.

Tương tự như vậy, việc tiêu thụ của một cá nhân có thể được thay đổi bởi người cùng ăn; con người có xu hướng ăn nhiều hoặc ăn ít ngang bằng người dùng bữa cùng họ.

Quá trình điều chỉnh lượng tiêu thụ của một người theo lượng của người khác thường được gọi là mô hình hóa lượng thực phẩm tiêu thụ (modeling of food intake). Các hiệu ứng/ảnh hưởng này rất mạnh mẽ và lấn át cả những ảnh hưởng sinh lý. Mặc dù những hiệu ứng này đã được ghi nhận, nhưng các cơ chế cơ bản lại chưa được rõ ràng bằng.

Herman và Polivy đã đề xuất một khuôn khổ quy phạm/tiêu chuẩn xã hội giả định rằng con người dựa vào lượng tiêu thụ của người khác như một cách để xác định họ có thể ăn bao nhiêu mà không có vẻ là ăn quá nhiều.

Tuy nhiên, những gì cấu thành nên hoạt động “ăn uống phù hợp” (và không phải ăn quá mức) lại khá mơ hồ và phụ thuộc vào tình huống, do đó con người thường tham gia vào sự so sánh xã hội.

Đó là, họ sử dụng lượng tiêu thụ của người khác để xác định yếu tố cấu thành nên hoạt động “ăn uống phù hợp” và từ đó điều chỉnh mức tiêu thụ của họ sao cho phù hợp.

Mối quan tâm về việc ăn uống phù hợp này không hề sai lầm, lệch lạc, và đặc biệt không dành cho phụ nữ, vì việc ăn uống quá mức thường gợi ra những định kiến tiêu cực.

Mặc dù khuôn khổ quy phạm/tiêu chuẩn cung cấp một cơ chế và lời giải thích đơn giản, thẳng thắn về ảnh hưởng mô hình hóa đối với việc ăn uống, nhưng những quy trình năng động mà hoạt động khi hai người ăn uống cùng nhau vẫn chưa được biết đến.

Tồn tại một khả năng đó là lượng tiêu thụ của cả hai người ăn cùng nhau được đồng bộ hóa trong thời gian thực thông qua sự bắt chước hành vi. Mục đích chính của nghiên cứu hiện tại là để xác định xem liệu khả năng bắt chước hành vi có thể (chí ít là một phần) giải thích cho việc mô hình hóa lượng thực phẩm tiêu thụ hay không.

Bắt chước hành vi đề cập đến một quá trình mà trong đó một người vô tình bắt chước hành vi của người khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng các cá nhân tự động bắt chước nhiều khía cạnh của những người mà họ tương tác cùng, bao gồm tư thế, cử chỉ, cách cư xử, và lời lẽ/lời nói.

Việc bắt chước được cho là xảy ra do mối liên kết thần kinh chặt chẽ giữa nhận thức và hành động. Đó là, việc nhận thức chuyển động của người khác kích hoạt hệ vận động của chính mình với cùng một chuyển động đó, từ đó làm tăng khả năng và sự dễ dàng của việc thực hiện một hành động phù hợp.

Trong lĩnh vực ăn uống, việc thấy một người khác ăn một miếng có thể kích thích phản ứng tương tự ở người nhận thức, tức là cũng cắn một miếng. Theo vốn hiểu biết của chúng tôi, chưa có nghiên cứu nào trong lĩnh vực ảnh hưởng xã hội đối với lượng thực phẩm tiêu thụ kiểm chứng được liệu con người có bắt chước hành vi ăn uống của người khác trong thời gian thực hay không (ví dụ, ăn một miếng khi người khác làm điều đó).

Tuy nhiên, các nghiên cứu về việc tiêu thụ đồ uống có cồn đã điều tra xem mọi người có bắt chước hành vi uống rượu bia của người khác hay không. Ví dụ, Larsen cùng cộng sự đã nghiên cứu xem những người trẻ tuổi có bắt chước hành vi nhấm rượu bia của một người bạn cùng giới trong khoảng thời gian tương tác 30 phút hay không.

Kết quả của họ cho thấy rằng những người trẻ tuổi thường hớp một ngụm ngay sau khi bạn của họ làm việc đó.

Koordeman và đồng nghiệp đã chứng minh rằng người trẻ tuổi thậm chí còn bắt chước hành vi uống rượu bia của các diễn viên điện ảnh trong khi xem một bộ phim dài một tiếng, điều này chỉ ra rằng việc bắt chước hành vi của người khác có thể được kích thích mà không cần đến sự tương tác ngoài đời thực. Những mối liên kết nhận thức-hành vi tương tự này có thể hoạt động trong các bối cảnh ăn uống xã hội.

Mặc dù con người thường vô tình làm theo hành vi của người khác, nhưng không phải lúc nào họ cũng bắt chước.

Tỷ lệ bắt chước tăng trong tình huống mà một người muốn gắn kết với đối tác tương tác của mình. Do đó, khi con người có động lực để hòa hợp với đối tác tương tác của mình thì họ có xu hướng bắt chước người đó.

Tiếp theo, những người được bắt chước báo cáo là họ cảm thấy quý những người bắt chước họ hơn, và nhận thấy sự tương tác của họ với người này diễn ra suôn sẻ hơn.

Những phát hiện này chỉ ra rằng con người có thể “tận dụng” khả năng bắt chước để thiết lập sự quý mến cũng như mối quan hệ với đối tác tương tác của họ.

Để nắm bắt được các quá trình bắt chước hành vi trong những tình huống ăn uống, các quan sát thời gian thực về những tương tác bữa ăn theo cặp đã được tiến hành.

Có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng nữ giới trẻ tuổi điều chỉnh lượng tiêu thụ của họ theo lượng của những người cùng dùng bữa với mình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra xem liệu việc bắt chước có thể (chí ít là một phần) giải thích cho những hiệu ứng mô hình hóa này hay không.

Dựa vào các nghiên cứu về bắt chước việc tiêu thụ rượu bia ở nữ giới và nam giới trẻ tuổi, giả thuyết của chúng tôi là nữ giới có thể bắt chước mô hình ăn uống của người dùng bữa với mình bằng cách ăn/cắn một miếng sau khi người kia làm điều đó.

Hơn nữa, để hiểu rõ hơn về việc các yếu tố tình huống có thể tác động như thế nào đến khả năng bắt chước, chúng tôi đã nghiên cứu xem việc bắt chước có phụ thuộc vào thời gian tương tác và vào người ăn hay không.

Vì có khả năng là việc giành được sự quý mến của đối tác tương tác chưa biết trước đó có thể đặc biệt rõ rệt khi mới bắt đầu tương tác, và vì người ta thấy rằng các mục tiêu gắn kết/liên kết có thể làm gia tăng sự bắt chước hành vi, nên chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng nữ giới trẻ tuổi sẽ có những hành vi ăn uống giống với người dùng bữa với mình vào giai đoạn đầu của một dịp ăn uống hơn là vào giai đoạn cuối.

Phương pháp

Tuyên bố đạo đức

Ủy ban Đạo đức của Khoa Khoa học Xã hội, Đại học Radboud Nijmegen, đã phê duyệt cho nghiên cứu hiện tại. Chúng tôi đã có được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các đối tượng tham gia cuộc nghiên cứu.

Đối tượng tham gia và thiết kế

Mẫu tổng cộng bao gồm 85 cặp nữ giới cùng nhau dùng bữa trong một dịp ăn uống kéo dài 20 phút. Mẫu này là một phần của nghiên cứu trước đó về ảnh hưởng của kích thước khẩu phần và lượng thực phẩm tiêu thụ của các nữ giới trẻ tuổi khác.

Trong nghiên cứu trước đây, các đối tượng tham gia ngây thơ (naive participants) đã được ghép đôi với một người ăn uống cùng/người đồng ăn uống (co-eater) được hướng dẫn mà có mức độ ăn uống (cụ thể là lượng nhỏ, trung bình hoặc lớn) được xác định bởi người thử nghiệm.

Bên cạnh đó, kích thước phần ban đầu cũng được chi phối (cụ thể là khẩu phần kích thước nhỏ hoặc trung bình). Việc này cuối cùng dẫn đến sáu tình hình/tình trạng ăn uống khác nhau.

Vì người ăn uống cùng (co-eater) không được hướng dẫn là khi nào thì phải ăn và ăn bao nhiêu miếng trong bữa ăn đó, cả hai nữ giới trong một cặp đều có thể được coi là các đối tượng tham gia.

Dữ liệu từ 15 cặp không thể được dùng cho các phân tích tiếp theo vì những lý do sau:

(a) thiết bị quay phim bị hỏng trong quá trình nghiên cứu (n = 10),

(b) các bản thu/ghi DVD không đầy đủ, hoàn thiện (n = 3), hoặc

(c) thiếu giá trị BMI (chỉ số khối cơ thể) (n = 2).

Sau đó, mẫu cuối cùng bao gồm 70 cặp cùng giới mà từ đó tổng số miếng cắn (miếng thức ăn được tiêu thụ) (N = 3888) được sử dụng. Độ tuổi trung bình của từng cặp là 21,62 (độ lệch chuẩn = 2,99).

Bối cảnh/thiết lập và thủ tục

Tất cả các phiên ăn uống đều diễn ra trong quán bar thí nghiệm (tái tạo một quán bar thật) tại khuôn viên của trường Đại học Radboud Nijmegen.

Quán bar được bày biện một chiếc bàn dành cho hai người, bên trên đặt một bình nước, hai chiếc cốc, một chiếc bếp điện/bếp hâm và vài chiếc khăn ăn. Ghế ngồi được đặt đối diện nhau để hai người ăn có thể dẽ dàng nhìn nhau.

Cả hai người nữ đều được phục vụ một bữa ăn hoàn chỉnh; những người tham gia (participants) được tự do ăn bao nhiêu thỏa thích, trong khi đó thì lượng tiêu thụ tổng thể của những người dùng bữa cùng/người đồng ăn uống (co-eater) được hướng dẫn đã được xác định bởi người thử nghiệm.

Trong một phiên kéo dài 20 phút, cả hai người nữ đều được người thử nghiệm quan sát từ căn phòng liền kề thông qua máy quay giấu trong chiếc đèn đặt cạnh bàn ăn. Với mỗi một cặp, người thử nghiệm mã hóa tổng số miếng thức ăn và thời gian chính xác mà từng người phụ nữ cắn/ăn một miếng.

Tiêu chuẩn đánh giá

Thời gian/thời điểm và số lần cắn nhai/số miếng thức ăn

Đầu tiên, chúng tôi mã hóa thời gian chính xác khi cả hai đối tượng nữ đều ăn/cắn một miếng. Một miếng cắn được xác định như một lần chạm giữa dĩa với miệng, trong khi thức ăn được cắn đứt bằng răng.

Thứ hai, chúng tôi đếm tổng cộng số lần cắn, nhai của cả hai người nữ. Để nghiên cứu khả năng bắt chước hành vi, chúng tôi phân biệt giữa “những lần cắn bắt chước” và “những lần cắn không bắt chước.”

Kiểu bắt chước được vận hành khi một miếng cắn được thực hiện trong khoảng thời gian cố định 5 giây sau khi người kia đã ăn/cắn một miếng (hay còn được xác định như dấu hiệu ăn uống), trong khi kiểu không bắt chước được xác định như những lần cắn diễn ra bên ngoài khoảng thời gian 5 giây.

Các nghiên cứu trước đây về việc bắt chước hành vi hớp rượu bia đã sử dụng các khung thời gian 10 giây hoặc 15 giây để trả lời những câu hỏi nghiên cứu có thể so sánh được.

Tuy nhiên, với nghiên cứu hiện tại thì một khung thời gian ngắn hơn được áp dụng vì các miếng cắn/lần cắn trong một tình huống ăn uống bình thường dường như có tốc độ cao hơn nhiều so với khi nhấm nháp/hớp rượu bia.

Do đó, để ngăn chặn tình trạng miêu tả quá mức của việc bắt chước, một khung thời gian 5 giây nghiêm ngặt hơn đã được sử dụng.

Chiều cao và cân nặng

Để tính toán chỉ số khối cơ thể BMI của cả hai đối tượng nữ giới, người thử nghiệm đã đánh giá chiều cao và cân nặng theo các quy trình tiêu chuẩn.

Chiều cao được đo đến 0,5cm gần nhất bằng một máy đo độ cao (Seca 206, Seca GmbH & Co, Hamburg, Đức) và cân nặng được đo đến 0,1kg gần nhất bằng một loại cân điện tử (Seca Bella 840, Seca GmbH & Co, Hamburg, Đức).

BMI được tính bằng cách lấy cân nặng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m2).

Chiến lược phân tích

Vì số miếng thức ăn/số lần cắn nhai của cả hai người nữ đều gói gọn trong một cặp, nên một khung đa cấp độ đã được dùng để phân tích.

Biến phụ thuộc là lưỡng phân (tức là bắt chước so với không bắt chước). Mục đích đầu tiên là kiểm tra xem hai người phụ nữ có bắt chước cách ăn/lượng tiêu thụ của nhau hay không.

Đầu tiên, tổng thời gian tương tác (20 phút) được chia thành các chu kỳ/giai đoạn nhạy cảm và không nhạy cảm. Một chu kỳ nhạy cảm là khoảng thời gian 5 giây sau khi một người trong cặp/nhóm hai người ăn một miếng (nhạy cảm về khả năng bắt chước), chu kỳ không nhạy cảm là tất cả các khoảng thời gian còn lại sau khi cắn/ăn một miếng.

Do đó với mỗi một người phụ nữ trong một cặp/nhóm hai người, chúng tôi đã cộng tất cả các khoảng thời gian 5 giây (chu kỳ nhạy cảm), tổng số này tương ứng với số miếng thức ăn mà người dùng chung bữa đã ăn/cắn.

Chu kỳ không nhạy cảm là các giai đoạn còn lại (tổng thời gian tính bằng giây (=1200) trừ đi các chu kỳ nhạy cảm). Sau đó, chúng tôi đã tính toán tỷ lệ cho những lần cắn/miếng ăn bắt chước, tức là tính xem một người đã thực hiện bao nhiêu lần cắn/ăn bao nhiêu miếng trong những chu kỳ nhạy cảm đó.

Tỷ lệ cao hơn tức là bắt chước nhiều hơn. Tỷ lệ cho những lần cắn không bắt chước biểu thị số lần cắn của một người trong các chu kỳ không nhạy cảm (tức là nằm ngoài khoảng thời gian 5 giây sau khi người dùng chung bữa đã ăn/cắn một miếng).

Hai tỷ lệ này được tính toán riêng biệt với cả hai người phụ nữ.

Để kiểm tra xem cả hai người trong một cặp có nhiều khả năng ăn trong chu kỳ nhạy cảm hơn so với chu kỳ không nhạy cảm hay không, các bài kiểm định t mẫu đôi đã được tính toán bằng cách so sánh tỷ lệ của những lần ăn/cắn bắt chước với tỷ lệ của những lần ăn không bắt chước.

Để kiểm tra xem cả hai người nữ trong một cặp có khác nhau về mức độ tương đối bắt chước lần ăn của người kia không, các kiểm định t mẫu cặp được tính toán bằng cách so sánh tỷ lệ ăn/cắn tổng thể của cả hai người nữ (tức là tỷ lệ cắn/ăn bắt chước chia cho tỷ lệ không bắt chước).

Mục đích thứ hai là kiểm tra xem liệu việc bắt chước hành vi có phụ thuộc vào thời gian tương tác và vào người ăn hay không.

Để kiểm tra câu hỏi này, dịp ăn uống 20 phút đã được chia thành hai nửa (tức là 10 phút đầu với 10 phút sau). Bên cạnh đó, mỗi một lần cắn/một miếng thức ăn được ấn định là 0 hoặc 1 để chỉ ra ai là người đã ăn.

Mô hình Rủi ro Tỷ lệ Đa cấp độ (hồi quy Cox)/Multilevel Proportional Hazard Model (Cox regression) trong khung Phân tích Sống còn/Survival Analysis đã được sử dụng để xem xét liệu khả năng bắt chước có phụ thuộc vào thời gian tương tác (bắt đầu hoặc kết thúc tương tác) và vào người ăn hay không.

Ngược lại với tỷ lệ cắn/ăn tổng thể, phân tích này chỉ tính đến những lần cắn bắt chước và vì thế mà kết quả cũng khác với các kiểm định t đã được tiến hành. Dữ liệu được phân tích bằng MPLUS 5.1.

Vì ngoại hình của người dùng chung bữa có thể ảnh hưởng đến mực độ các cá nhân mô hình hóa hành vi ăn uống của người này, nên chúng tôi đã đối chứng/kiểm soát chỉ số khối cơ thể BMI của cả hai người nữ trong các phân tích sâu xa hơn. Tỷ lệ rủi ro và Khoảng tin cậy được biểu thị dưới dạng kích thước ảnh hưởng/hiệu ứng.

Kết quả

Mô tả

Trung bình, những người tham gia (particpants) cắn/ăn 41,11 miếng (Độ lệch chuẩn = 13,34), trong khi những người cùng ăn (co-eater) ăn trung bình 30,13 miếng (Độ lệch chuẩn = 12,98) trong một dịp ăn uống kéo dài 20 phút. Sự chênh lệch rất đáng kể, t (69) = 6,53; p < ,001.

Liên quan đến tổng lượng thực phẩm tiêu thụ, những người tham gia trung bình ăn 452,13g (độ lệch chuẩn = 116,57) và những người cùng ăn (co-eater) tiêu thụ 370,79g thức ăn (độ lệch chuẩn = 211,27). Mối tương quan nội hàm cho thấy rằng lượng thức ăn được ăn (tính theo gram) bởi các thành viên trong mỗi cặp tương quan đáng kể, r (70) = 0,52; p < 0,001.

Tuy nhiên có một điều cần lưu ý rằng tổng lượng thực phẩm tiêu thụ của người cùng ăn (co-eater) được hướng dẫn là do người tiến hành thử nghiệm quyết định. Họ được chỉ dẫn ăn 125, 250, hoặc 375g thức ăn trong các điều kiện phần ăn kích thước nhỏ, còn trong các điều kiện phần ăn kích thước trung bình thì họ được chỉ dẫn ăn 250, 500, hoặc 750g.

Trong suốt dịp ăn uống, lúc mới bắt đầu thì số lần cắn nhai là nhiều hơn đáng kể so với lúc kết thúc (lần lượt là 3068 với 820, p < ,001). Sự khác biệt theo thời gian trong số lần cắn không ảnh hưởng đến kết quả phân tích sống còn, vì khả năng bắt chước ở một thời điểm nhất định được xác định là xác suất có điều kiện của một lần cắn bắt chước với số lần cắn trong một thời gian cụ thể của dịp ăn uống.

Nữ giới trẻ tuổi có bắt chước lượng tiêu thụ của người cùng ăn không?

Mục đích đầu tiên là kiểm tra xem nữ giới trẻ tuổi có bắt chước lượng tiêu thụ của người cùng ăn/dùng chung bữa với mình không.

Cả hai người nữ trong từng cặp đều được phát hiện là ăn/cắn những miếng thức ăn tương đẳng với người kia (cụ thể là trong vòng 5 giây), (người tham gia: t (69) = 6,54; p < ,001; người cùng ăn: t (69) = 8,67; p < ,001). Tức là, họ ăn một miếng khi người dùng chung bữa với họ làm thế thay vì khi người đó không ăn.

Không tìm thấy sự chênh lệch giữa cả hai người nữ trong mức độ tổng thể mà họ bắt chước lần cắn/lần ăn của người cùng ăn với mình, (t (69)  =  1,81, p >,05). Hình 1 và 2 biểu thị những mẫu dữ liệu hành vi của các cặp có tỷ lệ bắt chước cao và thấp.

Cặp bắt chước thấp:

cặp bắt chước thấp

Ghi chú: đây là 2 phút đầu tiên của dịp ăn uống. Tỷ lệ tổng thể đối với người tham gia và người cùng ăn được hướng dẫn trong cặp này lần lượt là 1,72 và 1,33.)

Hình 1: Ví dụ về dữ liệu hành vi của cặp bắt chước thấp.

Cặp bắt chước cao:

cặp bắt chước cao

Ghi chú: đây là 2 phút đầu tiên của dịp ăn uống. Tỷ lệ tổng thể đối với người tham gia và người cùng ăn được chỉ dẫn trong cặp này lần lượt là 3,28 và 6,97.)

Hình 2: Ví dụ về dữ liệu hành vi của cặp bắt chước cao.

Thời gian tương tác có ảnh hưởng đến khả năng bắt chước của nữ giới trẻ tuổi không?

Thứ hai, chúng tôi nghiên cứu xem khả năng bắt chước hành vi có phụ thuộc vào thời gian tương tác và vào người ăn hay không.

Có vẻ như là khi mới bắt đầu tương tác thì phụ nữ bắt chước lượng tiêu thụ của người cùng ăn với mình nhiều hơn gấp 3 lần so với lúc kết thúc tương tác (tỷ lệ rủi ro = 3,57; P < 0,05, khoảng tin cậy 95% = 2,23 – 5,72).

Khả năng bắt chước cao hơn đáng kể khi người cùng ăn (co-eater) ăn/cắn một miếng (Tỷ lệ rủi ro/Hazard Ration = 1,93, p  < 0,001, khoảng tin cậy 95% = 1,20-3,09). Bên cạnh đó, một sự tương tác tương đối đáng kể đã được phát hiện giữa thời điểm ăn uống và người ăn (tỷ lệ rủi ro = 4,39; P = 0,054, khoảng tin cậy 95% = 2,77-6,94).

Để xem xét kĩ hơn tác động/hiệu ứng tương tác, chúng tôi đã tiến hành các phân tích riêng biệt lần lượt dành cho một bên là người tham gia và một bên là những người cùng ăn được hướng dẫn, và nửa đầu với nửa sau của tương tác.

Trong suốt quá trình tương tác, khả năng bắt chước của người tham gia cũng như của người cùng ăn được hướng dẫn đã giảm đáng kể theo thời gian, trong đó thì sự suy giảm khả năng bắt chước của những người cùng ăn được hướng dẫn có phần rõ rệt hơn một chút.

Trong các phân tích bổ sung, chúng tôi cũng đối chứng chỉ số khối cơ thể của cả hai đối tượng nữ. Trong khi đối chứng chỉ số khối cơ thể, ảnh hưởng của thời gian vẫn đáng kể (tỷ lệ rủi ro = 3,52, p < 0,05, khoảng tin cậy 95% = 1,20-3,09). Hơn nữa, khả năng bắt chước vẫn được phát hiện là cao hơn đáng kể khi người cùng ăn được chỉ dẫn cắn/ăn một miếng (tỷ lệ rủi ro  =  1,93, p < 0,001, khoảng tin cậy 95%  =  1,20–3,09). Sự chênh lệch trong chỉ số khối cơ thể cũng không ảnh hưởng đến tương tác giữa thời điểm ăn uống và người ăn (tỷ lệ rủi ro = 4,39; p = 0,06, khoảng tin cậy 95% = 0,04-11,53). Do vậy, trong khi đối chứng/kiểm soát những khác biệt trong chỉ số khối cơ thể của phụ nữ, kết quả vẫn không thay đổi; khả năng bắt chước khi mới bắt đầu tương tác vẫn mạnh hơn và hay xảy ra khi người cùng ăn được chỉ dẫn ăn một miếng hơn.

Cuối cùng, vì trong nghiên cứu ban đầu, sáu điều kiện ăn uống khác nhau được sử dụng, nên chúng tôi cũng đã nghiên cứu xem ảnh hưởng/tác động có giống nhau giữa các điều kiện hay không. Mẫu/mô hình tương tự đã được vận hành riêng rẽ trong tất cả các điều kiện ăn uống khác nhau. Mẫu kết quả tương tự được tìm thấy trong các điều kiện. Những phân tích dành cho các điều kiện riêng biệt có thể được thu thập từ các tác giả tương ứng theo yêu cầu.

Thảo luận

Các nghiên cứu về việc mô hình hóa lượng thực phẩm tiêu thụ đã chỉ ra một cách nhất quán rằng nữ giới trẻ tuổi ăn nhiều hơn khi người cùng ăn với họ ăn nhiều hơn, và ăn ít đi khi những người đó cũng ăn ít.

Mục đích của nghiên cứu hiện tại là để kiểm tra xem khả năng bắt chước hành vi có thể (chí ít là một phần) giải thích cho những ảnh hưởng/hiệu ứng mô hình hóa ăn uống này không.

Bên cạnh đó, để hiểu rõ hơn về cách các yếu tố tình huống có thể tác động đến khả năng bắt chước như thế nào, chúng tôi đã nghiên cứu xem liệu việc bắt chước số lần cắn/ăn có phụ thuộc vào thời gian tương tác và vào người ăn hay không.

Đầu tiên, kết quả cho thấy rằng nữ giới trẻ tuổi thường bắt chước hành vi ăn uống của nhau. Tức là, họ thường ăn tương thích (cụ thể là trong 5 giây) thay vì ăn khác với người dùng chung bữa với mình.

Hành động tương thích/trùng khớp của cả hai người ăn chung với nhau nằm trong định nghĩa điển hình về việc bắt chước hành vi, cụ thể là quá trình một người vô tình bắt chước/làm theo hành vi của người khác.

Các nghiên cứu về việc bắt chước của con người đã lý giải sự trùng khớp hành vi này bằng cách đề xuất một hệ thống phản chiếu mà ở đó việc nhận thức một hành động ảnh hưởng đến sự kích hoạt tương ứng trong hệ vận động của người nhận thức, quá trình này còn được biết đến như là “đường cao tốc nhận thức-hành vi.”

Các phát hiện trong nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra rằng những mối liên kết giữa nhận thức-hành vi tự động tương tự cũng được kích hoạt khi hai người phụ nữ cùng ăn với nhau. Do đó, việc nhận thức người dùng chung bữa với mình ăn một muốn có thể đã kích hoạt hệ vận động của nữ giới trẻ tuổi cho cùng một chuyển động tương tự, từ đó có thể dẫn đến sự gia tăng khả năng cũng ăn một miếng giống người kia.

Một khả năng khác là nữ giới trẻ tuổi quan sát/theo dõi hành vi ăn uống của nhau để duy trì một mô hình ăn uống tương đồng. Nếu hành vi ăn uống của người khác truyền đạt tín hiệu ăn uống “thích hợp,” nhận thức của một người về hành vi của người khác sau đó có thể được sử dụng để dẫn dắt hành vi ăn uống của chính bản thân họ. Kiểu quan sát/giám sát này có thể phù hợp với khuôn khổ tiêu chuẩn/quy phạm của Herman và Polivy mà nêu bật mong muốn ăn uống phù hợp của các cá nhân như một yếu tố quan trọng quyết định hoạt động ăn uống của họ.

Việc điều chỉnh số lần ăn/cắn theo người dùng chung bữa với mình có thể là một giải pháp khác (bên cạnh việc điều chỉnh mức tiêu thụ tổng thể của một người) để ngăn chặn tình trạng ham mê quá mức (overindulgence) và để tránh những khuôn mẫu tiêu cực liên quan đến việc ăn uống không phù hợp. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là nghiên cứu hiện tại không kiểm tra (hoặc loại trừ) yếu tố là liệu nữ giới trẻ tuổi cố tình điều chỉnh hành vi của họ ở một cấp độ vi mô như vậy không hay họ là họ vô tình bắt chước hành vi của người ăn cùng mình.

Tiếp theo, không phải lúc nào cả hai người nữ trong một cặp cũng bắt chước số lần ăn/cắn của người dùng chung bữa với mình. Có vẻ cả hai người phụ nữ đều có khả năng bắt chước việc tiêu thụ của người cùng ăn với mình nhiều hơn ba lần khi mới bắt đầu tương tác (10 phút đầu) so với lúc kết thúc tương tác (10 phút cuối).

Những nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng các mục tiêu liên kết có thể làm tăng khả năng bắt chước hành vi. Có thể là xu hướng lấy lòng người cùng ăn với mình của nữ giới trẻ tuổi là đặc biệt nổi bật ở giai đoạn bắt đầu quá trình tương tác, do đó mà dẫn đến sự gia tăng khả năng bắt chước hành vi. Vì lẽ ấy nên có thể có ít nhu cầu lấy lòng hơn vào giai đoạn cuối của quá trình tương tác, điều này có thể giải thích vì sao khả năng bắt chước lại giảm dần trong quá trình tương tác.

Phát hiện cho rằng sự giảm thiểu này có phần rõ rệt hơn ở những người cùng ăn được chỉ dẫn có thể được lý giải bằng thực tế là những người này đã được làm quen với thủ tục của cuộc nghiên cứu (cụ thể là ăn uống với một người lạ khác), từ đó có thể dẫn đến các mục tiêu liên kết ít nổi bật hơn ở trong số những người cùng ăn.

Mặc dù đúng là mục tiêu liên kết và mối quan hệ giữa hai đối tác tương tác là những yếu tố trung gian/yếu tố điều tiết quan trọng của hiệu ứng/ảnh hưởng bắt chước, nhưng chúng tôi cũng xin nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là việc bắt chước phải cần đến mối quan hệ hay mục tiêu liên kết thì mới có thể xảy ra.

Chúng tôi đã chỉ ra rõ ràng việc khả năng bắt chước giảm dần trong quá trình tương tác có thể là do những lý do được trình bày ở trên. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm vẫn cần được tiến hành để hiểu rõ hơn lý do vì sao cũng như là trong hoàn cảnh nào thì mọi người bắt chước hành vi ăn uống của nhau. Vai trò quan trọng của việc nói chuyện trong khi ăn nên được kiểm nghiệm, ví dụ như trong những nghiên cứu điều tra về việc những người ăn uống cùng nhau lần lượt nói chuyện và ăn hay là có thể đồng thời vừa nói chuyện vừa ăn. Những nghiên cứu như thế này có thể xem xét các hiệu ứng điều tiết của kiểu mối quan hệ (ví dụ như người cùng ăn quen thân hay xa lạ) và ảnh hưởng của thời gian dành cho việc ăn uống và nói chuyện đối với sự đồng bộ hóa hành vi của người tham gia.

Một lần nữa, mặc dù nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng khả năng bắt chước hành vi có thể phần nào giải thích cho sự mô hình hóa việc ăn uống, nhưng chúng tôi không muốn đưa ra tuyên bố rằng tất cả các hiệu ứng/ảnh hưởng mô hình hóa đối với lượng thực phẩm tiêu thụ đều có thể được lý giải bởi các quá trình bắt chước.

Các nghiên cứu mà chỉ đơn giản giúp người tham gia nhận thức được cách những người tham gia trước đã hành xử ra sao (“thiết kế cách biệt-liên minh”) cũng đã phát hiện ra những ảnh hưởng mô hình hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, vốn hiểu biết sâu xa về việc liệu mọi người có bắt chước việc tiêu thụ của nhau hay không lại có thể giúp giải quyết câu hỏi về việc liệu những người dùng chung bữa mà ăn nhiều có cho phép người cùng ăn với họ ăn nhiều hơn không hay là họ ép buộc người cùng ăn với mình ăn nhiều hơn.

Herman cùng cộng sự lập luận rằng, với sự có mặt của các loại thức ăn hấp dẫn, ngon miệng và khi không có những mối ràng buộc khác, mọi người có động lực để ăn bao nhiêu tùy thích nhưng rằng các tiêu chuẩn/chuẩn mực xã hội lại có chức năng như một yếu tố ức chế, tức là ở một mức độ nào đó thì chúng ta phải dừng ăn để tránh việc tiêu thụ quá mức.

Do đó, khi một người dùng chung bữa mà ăn nhiều thì điều đó cũng cho phép những người cùng ăn ăn nhiều hơn (mà không ăn quá mức). Tuy nhiên, cũng có thể là lượng thức ăn lớn được tiêu thụ bởi người dùng chung bữa không chỉ đơn giản là cho phép ăn nhiều, mà còn là buộc người cùng ăn phải ăn nhiều. Leone và đồng nghiệp phát hiện thấy rằng những người ăn tối thiểu không được đặc biệt quý mến bởi những người dùng chung bữa. Vì vậy, nếu một người ăn cực nhiều, thì người còn lại cũng phải ăn nhiều tương tự (hoặc chí ít là không nên ăn ít hơn người kia) để duy trì một mối quan hệ xã hội tích cực.

Có một số hạn chế cần được thảo luận. Mặc dù các phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng mục tiêu liên kết giúp điều tiết khả năng bắt chước lượng thực phẩm tiêu thụ, nhưng điều này vẫn chưa được kiểm nghiệm một cách cụ thể.

Để hiểu rõ hơn về vai trò của nỗ lực lấy lòng trong việc lý giải khả năng bắt chước hành vi, các nghiên cứu tương lai có thể đo lường cụ thể cảm giác của cả hai người cùng ăn dành cho nhau và chất lượng tương tác xã hội.

Việc này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ hai chiều có thể có giữa một bên là khả năng bắt chước lượng thực phẩm tiêu thụ và một bên là mục tiêu liên kết hoặc quý mến. Thật thú vị khi so sánh những người bắt chước với những người không bắt chước để nghiên cứu những ảnh hưởng liên kết xã hội tiềm năng của khả năng bắt chước trong các tình huống ăn uống ngoài đời thực.

Thứ hai, nghiên cứu hiện tại không tìm ra tác động của tình trạng cân nặng đối với việc con người bắt chước hành vi ăn uống của người dùng chung bữa với mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mẫu nghiên cứu chủ yếu bao gồm các đối tượng tham gia có cân nặng bình thường. Tương lai cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để kiểm tra xem những cá nhân với cân nặng bình thường và những người bị thừa cân có khác nhau về khả năng bắt chước hay không. Trong thực tế, sẽ rất thú vị khi điều tra xem liệu sự tương đồng giữa ngoại hình của hai người cùng ăn có tác động đến ảnh hưởng bắt chước hành vi hay không.

Thứ ba, nghiên cứu hiện tại tập trung vào nữ giới trẻ tuổi. Quan trọng là phải nghiên cứu xem liệu những ảnh hưởng bắt chước tương tự có thể được quan sát ở những nhóm khác, chẳng hạn như trẻ em và thanh thiếu niên hay không. Vì một phần quan trọng của quá trình xã hội hóa đạt được thông qua việc quan sát hành vi của người chăm sóc cũng như bạn bè đồng trang lứa, và vì trẻ em cùng với thanh thiếu niên thường ăn các bữa chính và bữa nhẹ khi có mặt các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè ở nhà hoặc ở trường, nên việc kiểm tra xem liệu những ảnh hưởng tương tự có thể được quan sát ở các nhóm tuổi này không là hết sức quan trọng.

Nghiên cứu hiện tại sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu thử nghiệm mà trong đó nữ giới trẻ tuổi tiếp xúc với những người cùng ăn họ chưa từng quen biết. Mặc dù một bối cảnh ăn uống rất tự nhiên, và do đó có thể khái quát hóa, đã được sử dụng, nhưng câu hỏi chưa có lời đáp vẫn là tới mức độ nào thì các thành viên trong gia đình, bạn bè, hoặc người quen sẽ bắt chước hành vi ăn uống của nhau.

Nhìn chung, mọi người nên được thúc đẩy hơn nữa để tạo ấn tượng tốt trong các tương tác ban đầu với một người lạ hơn là với ai đó mà họ đã biết rõ. Nếu khả năng bắt chước hành vi phản ánh nỗ lực lấy lòng người khác, thì chúng ta nên kì vọng ít khả năng bắt chước hành vi giữa những người thân quen hơn là giữa những người lạ. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong tương lai có thể xem xét xem liệu giả định này có căn cứ hay không.

Cuối cùng, người ta có thể lập luận rằng bối cảnh ăn uống cụ thể được sử dụng trong nghiên cứu này (tức là bữa tối) tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng bắt chước hành vi. Sẽ rất thú vị nếu có thể nhân bản nghiên cứu này bằng cách sử dụng một bối cảnh ăn uống khác, ví dụ như một bối cảnh mà trong đó các cá nhân đôi khi tiếp cận với những loại thực phẩm ngon miệng như khoai tây chiên hoặc bánh kẹo. Nếu việc nhận thấy một cá nhân gần đó tiếp cận món ăn vặt dẫn đến một hành động trùng khớp/tương thích, thì điều này có thể cung cấp các lĩnh vực tiềm năng cho những biện pháp can thiệp nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ quá mức đồ ăn vặt.

Nói chung, kết quả của chúng tôi cho thấy rằng khả năng bắt chước hành vi có thể phần nào lý giải quá trình mô hình hóa xã hội lượng thực phẩm tiêu thụ. Tuy nhiên thì mô hình hóa xã hội lượng thực phẩm lại là một quá trình phức tạp, và có thể được giải thích từ nhiều quan điểm lý thuyết khác nhau. Đối với chúng tôi thì dường như quá trình mô hình hóa có thể được giải thích bằng cả các tiêu chuẩn/quy phạm liên quan đến việc tiêu thụ phù hợp và các động cơ xã hội (liên kết/lấy lòng), và rằng khả năng bắt chước hành vi có thể làm nền tảng cho những quá trình này, nhưng nó còn phụ thuộc vào bối cảnh (cụ thể là có sự hiện diện của người cùng ăn hay không), và vào quá trình (tiêu chuẩn hay động cơ xã hội) thích hợp nhất.

Tuy nhiên, cái nhìn sâu sắc về những câu hỏi như là vì sao mọi người ăn nhiều hơn hoặc ít đi chỉ vì có ai đó làm việc thế, hoặc khả năng bắt chước đã phát triển thế nào trong một dịp ăn uống có nhiều ý nghĩa đáng kể cho sức khỏe cũng như phúc lợi của một người. Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng con người điều chỉnh mô hình ăn uống của họ theo người khác. Chừng nào những ảnh hưởng quan trọng đối với việc tiêu thụ như thế chưa được toàn tâm thừa nhận, thì sẽ rất khó để đưa ra những lựa chọn thực phẩm lành mạnh cũng như duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trong những bối cảnh ăn uống mà con người thường xuyên phải tiếp xúc với hành vi ăn uống của người khác.

Xung đột lợi ích/lợi ích cạnh tranh: Tác giả tuyên bố rằng không tồn tại bất cứ lợi ích cạnh tranh nào.

Tài trợ: Nghiên cứu hiện tại được Viện Khoa học Hành vi của trường Đại học Radboud Nijimegen hỗ trợ tài chính. Những người tài trợ không có vai trò trong khâu thiết kế nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu, quyết định công bố, hay chuẩn bị bản thảo.

– – –

  • Bài gốc: Mimicry of Food Intake: The Dynamic Interplay between Eating Companions
  • Các tác giả: Roel C. J. Hermans, * Anna Lichtwarck-Aschoff, Kirsten E. Bevelander, C. Peter Herman, Junilla K. Larsen, và Rutger C. M. E. Engels
  • DOI: 10.1371/journal.pone.0031027
  • Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng