Sự phát triển của hành vi ăn uống – Sinh học và bối cảnh

Tóm tắt sơ lược

Ăn uống là một hoạt động hết sức cần thiết cho sự sinh tồn, mang lại niềm vui cùng sự thỏa mãn, và nó cũng có thể bị xáo trộn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và rối loạn ăn uống. Sự phát triển của việc cho ăn ở người dựa vào sự tương tác phức tạp giữa các cơ chế cân bằng nội môi; hệ thống tự thưởng/khen thưởng/củng cố thần kinh (hệ thống tự thưởng thần kinh); và năng lực vận động, giác quan và cảm xúc-xã hội của trẻ. Hơn nữa, việc nuôi dạy con cái, ảnh hưởng xã hội và môi trường thực phẩm đều tác động đến sự phát triển của hành vi ăn uống. Sự phát triển nhanh chóng của kiến thức mới trong lĩnh vực này, từ khoa học cơ bản cho đến nghiên cứu lâm sàng và nghiên cứu dựa vào cộng đồng, được kì vọng dẫn đến những nghiên cứu cấp thiết để hỗ trợ cho biện pháp can thiệp hiệu quả, dựa vào bằng chứng và các chiến lược cho tình trạng suy dinh dưỡng, thừa dinh dưỡng và rối loạn ăn uống trong giai đoạn thơ ấu. Áp dụng phương pháp tiếp cận sinh thiết xã hội, bài đánh giá này tập trung vào kiến thức hiện tại của sự phát triển hành vi ăn uống từ não bộ đến đối tượng trẻ nhỏ, đồng thời xem xét những ảnh hưởng bối cảnh quan trọng.

Giới thiệu

Hành vi ăn uống của con người phát triển nhanh chóng từ lúc còn ẵm ngửa cho đến độ tuổi đi học. Sự phát triển bình thường nên làm tăng cân đẩy đủ, chứ không phải dẫn đến tình trạng tăng cân quá mức trong giai đoạn thơ ấu và các hành vi ăn uống lành mạnh trong suốt cuộc đời. Chúng tôi đánh giá những ảnh hưởng đa cấp độ đối với hành vi ăn uống bao gồm các cơ chế thần kinh, sự phát triển của trẻ, tương tác giữa bố mẹ-con cái và ảnh hưởng xã hội. Bài đánh giá này tập hợp các cơ sở sinh học của việc điều chỉnh năng lượng; vốn hiểu biết hiện tại về các yếu tố quyết định giác quan; những nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng xã hội; và các quá trình hành vi ăn uống tác động đến sự phát triển khả năng tiếp nhận thực phẩm và điều chỉnh cảm giác thèm ăn. Những tiến bộ thú vị trong khoa học thần kinh giúp chúng ta hiểu về tính phức tạp của việc ăn uống để cân bằng năng lượng và ăn để có niềm vui. Trọng tâm phát triển của bài viết này là về giai đoạn trước khi sinh đến độ tuổi đi học và không bao gồm các chứng rối loạn ăn uống ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành hoặc những phương pháp điều trị đối với các vấn đề ăn uống của trẻ sơ sinh, trẻ mới chập chững biết đi và trẻ em ở độ tuổi đi học.

Điều chỉnh năng lượng

Cơ sở sinh học

Các dấu hiệu/tín hiệu sinh lý có thể thúc đẩy hoặc ức chế việc cho ăn. Sinh lý học thần kinh của việc điều chỉnh ăn uống liên quan đến vùng dưới đồi (hypothalamus) và thân não (brain stem), hệ tiêu hóa, tuyến tụy, và mô mỡ trắng (adipose tissue) thông qua các vòng phản hồi thần kinh nội tiết (Biểu đồ 1). Trong các giai đoạn/thời kì thiếu hụt năng lượng, ghrelin – một loại peptide (những hợp chất chứa từ 2 đến 50 gốc alpha – axit amin liên kết với nhau bằng các liên kết peptide – ND) – được giải phòng từ dạ dày và báo hiệu hạt nhân vòng cung vùng dưới đồi để sản sinh ra peptide liên quan đến agouti, neuropeptide Y (một neuropeptide 36 axit amin có liên quan đến các quá trình sinh lý và cân bằng nội môi khác nhau ở cả hệ thần kinh trung ương và ngoại biên – ND) và orexin (một chất dẫn truyền thần kinh, kiểm soát sự tỉnh táo lẫn cảm giác thèm ăn – ND), nhằm kích thích sự thèm ăn. Sau khi ăn, insulin tuyến tụy, peptide YY đường ruột, và leptin (hormone chỉ tiêu năng lượng) từ các tế bào mỡ làm giảm sự giải phóng các của các peptide kích thích cảm giác thèm ăn và orexin từ hạt nhân vòng cung (nhân cung), và gây ức chế quá trình kích thích sự thèm ăn. Mặc dù phải đối mặt với sự dư thừa năng lượng, cholecystokinin (một hormone peptide của hệ tiêu hóa chịu trách nhiệm kích thích quá trình tiêu hóa chất béo và protein – ND) và leptin ảnh hưởng đến việc sản sinh ra pro-opiomelanocortin (tiền thân polypeptide với 241 dư lượng axit amin) và các tế bào thần kinh bản sao được điều chỉnh theo cocaine-amphetamine từ nhân vòng cung để gây ức chế sự thèm ăn. Leptin làm tăng ham muốn ăn khi các cấp độ ở mức thấp và làm giảm cơn đói khi cấp độ ở mức cao. Các tế bào mỡ cũng giải phóng adiponectin (một hormone protein có liên quan đến việc điều chỉnh nồng độ glucose cũng như phân hủy axit béo – ND) với mức độ tăng dần nhằm phản ứng với việc nhịn ăn, và giải phóng nó ở mức độ giảm dần trong trường hợp bị béo phì.

kiểm soát sự thèm ăn

Chú thích ảnh:

Appetite inhibition: Ức chế/ngăn chặn sự thèm ăn

Appetite stimulation: Kích thích sự thèm ăn

POMC: pro-opiomelanocortin

PYY: peptide YY

CART: các tế bào thần kinh bản sao được điều chỉnh theo cocaine-amphetamine

CCK: cholecystokinin

NPY: neuropeptide Y

AgRP: peptide liên quan đến agouti

ARC: Nhân vòng cung/nhân cung)

Biểu đồ 1: Kiểm soát cảm giác thèm ăn

Tồn tại các hệ thống sinh học tinh vi giúp thúc đẩy sự cân bằng năng lượng, tránh chết đói bất cứ khi nào có thể và làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì. Nghiên cứu gần đây xác nhận sự tồn tại của những khác biệt cá nhân trong độ nhạy cảm với việc cân bằng năng lượng, và chỉ ra rằng những tương tác gen-môi trường có thể ảnh hưởng đến cân bằng nội môi trọng lượng cơ thể.

Hơn nữa, con người có thể ghi đè lên những hệ thống này. Ví dụ, trong thời kì diễn ra nạn đói, con người có thể tập trung vào một loạt hoạt động cho đến khi họ bị đuối sức/suy nhược. Ở thái cực ngược lại, khi thực phẩm có sẵn một cách dư thừa, nhiều người lại tiêu thụ nhiều hơn mức họ thực sự cần.

Hàng ngày, hành vi ăn uống của con người bị tác động mạnh mẽ bởi các đặc điểm không phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng, đặc biệt là những đặc tính về thực phẩm có sẵn và môi trường. Hương vị, mùi, kết cấu, nhiệt độ và trình bày thực phẩm là những yếu tố quyết định quan trọng. Ngoài ra, các yếu tố xã hội có thể còn quan trọng hơn những tín hiệu giác quan của chính các loại thực phẩm trong việc ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi ăn uống.

Khả năng điều chỉnh lượng năng lượng tiêu thụ của trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ hưởng lợi từ một vòng phản hồi tích cực liên quan đến việc bú sữa. Trong những tháng đầu đời, trẻ được nuôi bằng sữa công thức cũng có thể tự điều chỉnh lượng sữa tiêu thụ. Trong điều kiện thí nghiệm, trẻ sơ sinh 3 ngày tuổi phản hồi tiêu cực với mùi sữa công thực trong vài giờ diễn ra việc cho ăn, nhưng nếu nhiều thời gian trôi qua hơn thì lại không như vậy. Việc này cho thấy rằng trẻ sơ sinh ít hứng thú với việc ăn/bú hơn khi đã no.

Trong một nghiên cứu với đối tượng tham gia là trẻ sơ sinh từ 7-14 tuần tuổi, lượng sữa tiêu thụ liên quan đến thời gian kể từ lần ăn cuối. Mối liên hệ giữa thời gian trôi qua và lượng sữa tiêu thụ là tương đối bất ngờ, vì các loài động vật thí nghiệm sơ sinh lại tối đa hóa lượng sữa có sẵn. Đến giờ vẫn chưa có thông tin chính xác về thứ mà trẻ sơ sinh cảm nhận như là mối tương quan về thời gian kể từ lần ăn cuối, nhưng nó có thể bao gồm năng lượng tiêu hao, cảm giác lấp đầy dạ dày, hoặc ham muốn bú sữa.

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ giảm lượng sữa tiêu thụ với việc sử dụng núm vú giả, điều này chỉ ra vai trò của việc cho con bú trong khả năng tự điều chỉnh lượng tiêu thụ. Cũng có thể các cơ chế hormone làm tăng khoái cảm liên quan đến việc cho ăn sau khi một thời gian đã trôi qua. Việc trẻ sơ sinh tự điều chỉnh được lượng tiêu thụ để cân bằng năng lượng hay làm dư thừa năng lượng vẫn là một ẩn số, nhưng cũng là một trong những câu hỏi khoa học quan trọng nhất liên quan đến việc cho trẻ ăn sớm và nguy cơ mắc bệnh béo phì.

Ngay cả ở người trưởng thành, cũng không có thông tin về việc liệu năng lượng được điều chỉnh quanh điểm đặt/điểm đã cho, điểm ổn định, hay một mô hình khác mà có thể giải thích rõ hơn về mối tương tác giữa gen-môi trường. Các nghiên cứu hành vi và nghiên cứu cơ bản mà thử nghiệm những yếu tố kích thích cảm giác no và sự thỏa mãn của trẻ sơ sinh, đồng thời tập hợp các nghiên cứu theo thời gian về những chiến lược cho ăn khác nhau với sự đo lương cẩn thận của các bộ điều chỉnh tiềm năng hứa hẹn sẽ giải được câu đố quan trọng này.

Các cơ chế khen thưởng liên quan đến ăn uống

Những tiến bộ gần đây trong khoa học thần kinh liên quan đến hành vi ăn uống đối với các hệ thống khen thưởng/tự thưởng não bộ hứa hẹn cung cấp sự hiểu biết về các rối loạn do ăn quá ít và ăn quá nhiều (Biểu đồ 2). Các hệ thống khen thưởng dựa vào não bộ phối hợp với các bộ điều chỉnh hormone cân bằng năng lượng.

Mặc dù sự phát triển ban đầu của các hệ thống khen thưởng vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng có vẻ như niềm vui thú và sự mãn nguyện sẽ xuất hiện ở trẻ nhỏ. Con người không có khả năng ăn quá nhiều thức ăn nhạt, nhưng những loại thực phẩm ngon miệng lại thường được ăn nhiều hơn nhu cầu năng lượng. Các loại thực phẩm hấp dẫn được biết là có thể cải thiện tâm trạng bằng cách kích hoạt hệ thống khen thưởng.

Các vùng vân, vùng thùy đảo (insula), vùng vành cung vỏ não trước trán và vùng não giữa bao gồm vùng chỏm não VTA (ventral tegmental area) và vùng chất đen (substantia nigra) có hiệu lực trong việc thể hiện sự mãn nguyện/tự thưởng nhằm phản ứng với thực phẩm. Chất dẫn truyền thần kinh dopamine liên quan đến phản ứng tự thưởng đối với việc tiêu thụ thực phẩm ngon miệng. Ngoài ra, vùng vỏ não trán ổ mắt (orbitofrontal cortex) mã hóa các loại kích thích tự thưởng cụ thể bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của thực phẩm: mùi; đầu vào trực quan; nhiệt độ, độ nhớt/tính sệt, tính chất làm se và kết cấu chất béo; và vị.

Các tế bào thần kinh phản ứng mạnh mẽ khi bắt đầu một giai đoạn ăn uống và trở nên ít phản ứng hơn khi đã được cảm giác no đối với một loại thực phẩm cụ thể. Nghiên cứu hành vi chỉ ra rằng hiện tượng này đã xuất hiện ở trẻ em từ 2,5-5 tuổi. Khi sự quan tâm, hứng thú giảm dần đối với một loại thực phẩm, tế bào thần kinh vẫn có thể phản ứng tự thưởng với các loại thực phẩm khác. Việc có sẵn nhiều loại thực phẩm có thể làm tăng việc tiêu thụ. Điều này có thể mang lợi thế tiến hóa trong việc đảm bảo lượng tiêu thụ nhiều loại dưỡng chất. Trong thời đại hiện nay, nó có thể là một yếu tố liên quan đến nguy cơ bị béo phì.

Những điểm tương đồng giữa việc ăn quá nhiều trong bệnh béo phì và lạm dụng chất gây nghiện quá mức trong tình trạng nghiện thuốc cho thấy rằng cả hai có thể liên quan đến sự thay đổi từ “thích đến muốn.” Các chiến lược nghiên cứu mới lạ đang tập trung kết hợp cân bằng nội môi năng lượng và cân bằng nội môi tự thưởng trong những mẫu/mô hình điều chỉnh khẩu vị/cảm giác thèm ăn mới để giải quyết vấn đề từ “thích” mà chuyển sang “muốn.”

vùng não liên quan đến việc tự khen thưởng

 

Ghi chú hình:

Lateral hypothalamus: vùng dưới đồi bên

Ventral tegmental area: vùng chỏm não, vùng VTA

Substantia nigra: vùng chất đen

Amygdala: hạch hạnh nhân

Nucleus accumbens: vùng nhân não

Dorsal striatum: vùng vân lưng

Insula: thùy đảo

Orbitofrontal cortex: vỏ não trán ổ mắt

Biểu đồ 2: Các vùng não hoạt động để phản ứng với thực phẩm hợp khẩu vị hoặc các tín hiệu liên quan đến thực phẩm

Sự phát triển của các sở thích giác quan – gen và sự tiếp xúc

Khả năng nhận thức vị và mùi phát triển trước khi sinh với sự tiếp xúc của thai nhi, vì thai nhi sẽ nuốt/uống nước ối có lẫn hương vị từ chế độ dinh dưỡng của người mẹ bao gồm các hợp chất thơm từ tỏi, cây hồi và hành tây. Trẻ sơ sinh được tiếp xúc với nước ép cà rốt từ chế độ ăn uống của người mẹ trong tam cá nguyện thứ ba hoặc trong giai đoạn cho bú có khả năng thích các loại ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh mà được làm từ nước cà rốt hơn là những đứa trẻ thiếu đi trải nghiệm tiếp xúc đầu đời.

Có một mối quan tâm đáng kể về việc lập trình sở thích vị trước khi sinh vì nó có thể dẫn đến những biện pháp can thiệp ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận sớm các loại thực phẩm bổ dưỡng. Các nghiên cứu theo thời gian/nghiên cứu theo chiều dọc về sở thích vị của trẻ sơ sinh có thể được thiết kế bằng cách tập trung vào đối tượng tham gia là những đứa trẻ sơ sinh có mẹ tham gia vào các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng mà thử nghiệm các biện pháp can thiệp để thúc đẩy những chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn trong thời kì mang thai.

Sau khi sinh, trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ vẫn tiếp xúc với những hương vị từ chế độ dinh dưỡng của mẹ chúng. Nhiều tháng trước khi được nếm những hương vị đầu tiên của thức ăn trẻ em hoặc các loại đồ uống không phải là sữa, những trải nghiệm tiếp xúc này đã thiết lập và sửa đổi sở thích vị ở trẻ sơ sinh, chí ít là trong một thời gian ngắn.

Vào những năm tháng đầu đời, hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều thích vị ngọt và vị mặn, các sở thích được tăng cường bằng việc tiếp xúc ngày càng nhiều và giảm nhẹ trong giai đoạn trưởng thành. Vị đắng chát, như của một số loại rau củ, thường bị từ chối vào lần trải nghiệm đầu tiên, nhưng càng tiếp xúc nhiều với vị này thì sự ưa thích đối với nó càng tăng. Ví dụ, quá trình tiếp xúc với đậu nành và các công thức protein thủy phân vào giai đoạn còn ẵm ngửa có liên quan đến việc chấp nhận những công thức này vào 4 năm sau.

Trong giai đoạn thơ ấu, việc tiếp xúc lặp lại với nhiều loại thực phẩm khác nhau có liên quan đến những thực phẩm không được yêu thích lúc đầu. Ở một số nền văn hóa, trẻ em được cố tình cho tiếp xúc với các hương vị mạnh. Ví dụ ở Mexico, chúng được cho ăn các món ăn thêm ớt với độ cay tăng dần. Việc học cách thích những thực phẩm ban đầu không hợp khẩu vị có thể là một phần của quá trình xã hội hóa.

Sở thích vị liên quan đến trải nghiệm trước đó, giai đoạn phát triển, và các gen ảnh hưởng đến nhận thức về hương vị. Một ví dụ đã được nghiên cứu kĩ lưỡng là khả năng nếm hợp chất đắng, 6-n-propylthiouracil (PROP), được trung hòa một phần bởi gen TAS2R38. Trẻ em không nếm được PROP có khả năng dễ tiếp nhận các loại rau củ hơn. Sự thiếu nhạy cảm với PROP xuất hiện ở khoảng 30% dân châu Âu và khác biệt trên toàn thế giới. Khả năng nếm PROP có liên quan đến việc cảm nhận các loại thực phẩm đắng là ít ngon miệng hơn, tiêu thụ ít rau hơn, ghét/không muốn ăn nhiều loại thức ăn hơn, và liên quan đến cả nguy cơ mắc bệnh béo phì ở trẻ em.

Sự phát triển sớm

Trong vòng 2 năm đầu tiên, trẻ sơ sinh tiến triển qua ba giai đoạn cho ăn/nuôi dưỡng phát triển: giai đoạn cho bú, giai đoạn cho ăn chuyển tiếp, và giai đoạn cho ăn theo chế độ dinh dưỡng của người trưởng thành nhưng đã điều chỉnh. Sự phát triển trong việc cho ăn thường diễn ra dựa vào các mốc phát triển thần kinh được mô tả hiệu quả (Bảng 1).

Bảng 1

Các mốc phát triển thần kinh được chọn lọc liên quan đến việc cho ăn

Tuổi thai (tuần)
16–20 Nuốt/uống nước ối
18–24
34–37 Kết hợp mút và nuốt
Tuổi sau sinh (tháng)
2–4 Mất phản xạ đùn (phản xạ đẩy thức ăn ra khỏi miệng)
10–12 Dùng ngón trỏ và ngón cái để nắm lấy vật nhỏ
8–18 Khả năng tự ăn phát triển
9–12 Bú/uống từ cốc
18–24 Chuyển động lưỡi lên xuống chính xác
24–26 Xoay hàm tuần hoàn

Giai đoạn cho bú

Sự phụ thuộc vào việc nuôi con bằng sữa là đặc trưng của giai đoạn cho bú (từ lúc sinh đến 6 tháng tuổi). Trẻ sơ sinh sinh đủ tháng sở hữu những phản xạ nguyên thủy, bao gồm phản xạ bú mút và phản xạ tìm vú mẹ/phản xạ lùng sục, cho phép ăn trong những giờ đầu tiên của cuộc đời.

Một phản xạ nguyên thủy khác, phản xạ họng/phản xạ co thắt thanh quản (gagging), bảo vệ đường khí/đường thở và đôi khi cản trở việc bú mút. Lượng sữa non nhỏ làm giảm bớt nguy cơ bị nghẹn và nôn trớ. Khi phản xạ mút và nuốt phối hợp cải thiện nhanh chóng, lượng sữa chuyển tiếp sẽ tăng dần dần trong vòng 4-10 ngày đầu tiên.

Hầu hết trẻ sơ sinh sinh đủ tháng đều có thể bú sữa thuần thục trong vòng 2 tuần. Việc trẻ sơ sinh có đủ khả năng bú mút là rất cần thiết cho quá trình đôi/hai chiều (dyadic process) của việc cho con bú. Do đó, việc cho con bú thường bị nhiễu loạn khi trẻ sơ sinh buồn ngủ hoặc suy nhược thần kinh.

Các bà mẹ cho con bú trải qua những thay đổi sinh lý quan trọng liên quan đến việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh/cho trẻ sơ sinh ăn, bao gồm sự gia tăng trong việc sản sinh ra oxytocin (còn gọi là hormone tình yêu hay hormone âu yếm, được sản sinh ở vùng dưới đồi não và được bài tiết vào máu nhờ tuyến yên – ND) và prolactin (một hormone được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên, một cơ quan có kích thước nhỏ được tìm thấy ở sàn não thất ba, trong hố yên của thân xương bướm với vai trò chính là kích thính bài tiết sữa (sản xuất sữa mẹ) – ND) vào ngày thứ tư sau khi sinh.

Oxytocin thúc đẩy sự gắn kết giữa người mẹ và đứa trẻ, còn prolactin lại gây ức chế sự quan tâm, hứng thú đối với tình dục. Cả hai hormone đều ở mức cao trong giai đoạn cho bú và là cao nhất trong giai đoạn chỉ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Oxytocin và prolactin góp phần vào khả năng phản ứng của người mẹ-trẻ sơ sinh và làm giảm sự chú ý đối với những lợi ích khác. Quá trình đối ứng của việc cho con bú là nguyên mẫu của việc nuôi dưỡng của người mẹ-trẻ sơ sinh. Các hành vi ăn uống xã hội, hoạt động ôm bế, lắc lư, vuốt ve, và giao tiếp trực quan xảy ra trong quá trình cho bú sữa mẹ hoặc bú bình. Sự mệt mỏi, mất tập trung, căng thẳng, và trầm cảm có thể phá vỡ tương tác cho ăn thích nghi.

Cho ăn bổ sung

Các loại thực phẩm bổ sung, kém dinh dưỡng hơn so với sữa mẹ hoặc sữa công thức tăng cường sắt, thường được cung cấp cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Ở những nước đang phát triển, thói quen này có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Đến 6 tháng tuổi, nhu cầu calo và sắt của trẻ sơ sinh thường vượt quá khả năng của việc nuôi con bằng sữa mẹ, và từ đó bắt đầu “giai đoạn cho ăn chuyển tiếp.” Từ 6-12 tháng tuổi, trẻ sơ sinh tăng dần mức tiêu thụ thực phẩm bổ sung vì calo chủ yếu vẫn tiếp tục đến từ sữa.

Các khuyến nghị hiện tại của Mỹ đối với việc cho trẻ sơ sinh ăn bao gồm: nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; sử dụng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh để bổ sung cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, nếu cần thiết; và cho ăn kết hợp thực phẩm bổ sung ở giai đoạn từ 4-6 tháng tuổi, đồng thời vẫn cho con bú và tiếp tục bổ sung thực phẩm đến tháng thứ 12. Khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó bổ sung thực phẩm và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ được 2 tuổi.

Các thực hành, thói quen nuôi dưỡng/cho ăn trong giai đoạn này đã thay đổi rất nhiều bởi lịch sử, văn hóa và phong tục. Ở Mỹ, các thói quen cho ăn đã thay đổi hoàn toàn từ đầu những năm 1900 cho đến những năm 1960. Vào khoảng thời gian chuyển giao của thế kỷ trước, thực phẩm bổ sung không được cung cấp thường xuyên mãi cho đến cuối năm đầu tiên.

Mối quan tâm về tình trạng suy dinh dưỡng bao gồm còi xương đã dẫn đến sự phát triển của các loại ngũ cốc nấu sẵn dành cho trẻ sơ sinh. Sản phẩm đầu tiên, được ra mắt vào năm 1930, được làm từ lúa mì, bột yến mạch, bột ngô, bột xương, nấm men bia khô, và lá cỏ linh lăng nghiền thành bột, tăng cường chất sắt, cung cấp khoáng chất và các loại vitamin A, B1, B2, D, và E.

Đến năm 1950, hầu như tất cả các bác sĩ nhi đều khuyến nghị bắt đầu dùng thực phẩm bổ sung cho trẻ sơ sinh từ 3-8 tuần tuổi. Xu hướng cho ăn cực sớm này bị đảo ngược trong 2 thập kỷ tiếp theo. Việc hầu hết trẻ sơ sinh thích nghi được với các mô hình cho ăn thay đổi theo văn hóa và lịch sử và để rồi sau đó vẫn đạt được sự tăng trưởng đầy đủ là một minh chứng cho thấy khả năng thích ứng cũng như chống chịu của trẻ sơ sinh.

Sự phát triển

Các khuyến nghị về việc bắt đầu cho trẻ em ăn thực phẩm bổ sung ở tháng thứ 6 được dựa vào vốn hiểu biết hiện tại về nhu cầu dinh dưỡng cũng như khả năng phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh (Bảng 1).

Những sự cân nhắc quan trọng bao gồm khả năng trẻ sơ sinh tiếp nhận các loại thực phẩm không phải chất lỏng mà không bị nghẹn, hóc hoặc đùn lưỡi. Một phản xạ nguyên thủy, phản xạ đùn thức ăn, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nghẹn bằng cách đẩy/đùn lưỡi để phản ứng lại thức ăn đặt trên lưỡi. Phản xạ này sẽ giảm dần trong 2-4 tháng đầu.

Sự phát triển của độ ổn định của cổ, của việc ngồi và khả năng tóm với cũng là những mốc quan trọng liên quan đến việc cho ăn. Trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi có thể ngồi với sự hỗ trợ và thể hiện sự hứng thú hay không quan tâm đến việc cho ăn.

Gần cuối năm đầu tiên, trẻ sơ sinh có khả năng xử lý nhiều thực phẩm có kết cấu hơn và có khả năng tự ăn một phần. Thời gian cho trẻ ăn bằng cốc khác biệt theo bối cảnh. Ví dụ, ở Úc, các thông điệp y tế công cộng khuyến khích cho trẻ ăn bằng cốc từ 6 tháng tuổi, vì việc này có liên quan đến tình trạng sâu răng.

Chế độ dinh dưỡng của người lớn đã được điều chỉnh

Trong năm thứ hai, trẻ mới chập chững biết đi đã có thể tiêu thụ một chế độ dinh dưỡng giống với sở thích của gia đình chúng. Việc giới thiệu nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng cũng như hương vị khác nhau là cực kì quan trọng trong cả giai đoạn chuyển tiếp lẫn giai đoạn ăn theo chế độ của người trưởng thành đã được điều chỉnh vì trẻ mới biết đi ban đầu thường dễ tiếp nhận các loại thực phẩm mới lạ hơn là trẻ trước độ tuổi đi học, những đối tượng có thể tỏ ra ngần ngại không muốn thử các món mới.

Sự do dự trong việc thử đồ ăn mới mới chỉ ở mức thấp trong giai đoạn cai sữa, nhưng nó nhanh chóng tăng lên đỉnh điểm khi trẻ được khoảng 2-6 tuổi, với sự thay đổi đáng kể. Hội chứng sợ những điều mới lạ (neophobia) thường thể hiện rõ rệt trong việc ăn uống hơn là ở các lĩnh vực phát triển khác. Có thể là hội chứng sợ thực phẩm mới lạ đã cung cấp lợi thế chọn lọc, và bảo vệ các cá nhân khỏi việc ăn các loại thực vật xa lạ và có thể có độc. Trẻ em mắc hội chứng này thường ăn ít rau củ, trái cây, và thịt hơn so với những đối tượng khác. Một số trẻ, chẳng hạn như trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, có nguy cơ gặp phải các vấn đề về dinh dưỡng hơn do ăn uống kén chọn.

Ảnh hưởng về văn hóa

Các chuẩn mực văn hóa trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi cũng ảnh hưởng đến những thực hành, thói quen nuôi dưỡng/cho ăn. Các phong tục liên quan đến việc mặc quần áo, ẵm bế, ngủ, ôm ấp và đặt cố định trẻ sơ sinh khi chúng không được bố mẹ ôm bế, đóng một vai trò tương đối quan trọng trong việc cho ăn.

Ở một số nền văn hóa, những người mẹ được kì vọng là sẽ nhai thức ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ mới chập chững biết đi, trong khi ở các nền văn hóa khác thì việc này lại được coi là mất vệ sinh và có thể gây hại cho trẻ.

Trẻ mới biết đi có thể được đặt ngồi vào ghế cho ăn, được cho ăn trong vòng tay ôm, giữ của bố mẹ, hoặc được phép đi quanh chỗ ngồi của mọi người tại bàn ăn của gia đình.

Các thực hành cho ăn văn hóa thường duy trì từ thế hệ những người nhập cư đầu tiên, và có lẽ phổ biến hơn khi ông bà từ nước sinh ra thói quen, thực hành đó tham gia vào việc cho ăn. Hơn nữa, các thực hành cho ăn kiểu độc đoán (authoritarian feeding practices) đã được ghi nhận là gia tăng ở những người nhập cư thế hệ thứ nhất và giảm dần trong thế hệ thứ hai.

Sự đa dạng của các thực hành, thói quen nuôi dưỡng/cho ăn theo văn hóa giúp củng cố khái niệm cho rằng trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, như một nhóm, có thể thích nghi với những phương pháp tiếp cận cho ăn chênh lệch nhau rất nhiều. Tuy nhiên, các điểm yếu/lỗ hổng cá nhân/riêng lẻ có thể dẫn đến những sự nhiễu loạn trong quá trình cho ăn ngay cả khi các thực hành cho ăn có thể được chấp nhận về mặt văn hóa.

Nhiều gia đình không làm theo các khuyến nghị cho ăn của chuyên gia. Dựa vào bối cảnh lịch sử, các bác sĩ lâm sàng có thể chấp nhận một số biến thể với trẻ sơ sinh tăng cân phù hợp với ảnh hưởng tích cực trong quá trình cho ăn. Tuy nhiên, các chiến lược cho ăn phù hợp với văn hóa nhất định có thể làm tăng nguy cơ tăng cân quá mức, tăng cân không đủ, hay các vấn đề cho ăn khác.

Mối quan ngại hiện tại, đó là sự gia tăng đáng kể tỷ lệ bị béo phì ở trẻ em trong vòng 40 năm qua, đã xảy ra trong giai đoạn xuất hiện các khuyến nghị ổn định liên quan đến việc cho trẻ sơ sinh ăn. Vì việc nuôi trẻ bằng sữa công thức và cho trẻ ăn thực phẩm bổ sung sớm có liên quan đến việc trẻ sơ sinh tăng trưởng nhanh và liên quan đến cả nguy cơ mắc bệnh béo phì, nên việc các tiêu chuẩn văn hóa xung đột với những khuyến nghị hiện tại về việc cho trẻ sơ sinh ăn có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến nguy cơ béo phì.

Những ảnh hưởng về văn hóa đối với thực hành cho trẻ sơ sinh ăn đã được ghi chép lại trong các văn bản y khoa trong hơn 35 năm và có một khối lượng tài liệu lớn liên quan đến các biện pháp can thiệp phù hợp với văn hóa để thúc đẩy việc bắt đầu cho con bú và thời gian cho con bú lâu hơn. Những cuộc nghiên cứu nhằm phát triển các phương pháp tiếp cận phù hợp với văn hóa để tối ưu hóa sự tăng trưởng đầu đời cũng như sự phát triển trong việc cho ăn là hết sức cần thiết. Những biện pháp can thiệp phù hợp với văn hóa giúp thúc đẩy các thói quen cho ăn lành mạnh hơn đối với trẻ mới biết đi cũng không kém phần quan trọng.

Số lượng trẻ mới biết đi được phép hoặc được khuyến khích ăn độc lập khác nhau rõ rệt theo văn hóa và thường liên quan đến việc sự độc lập và sự tương quan lẫn nhau được đánh giá như thế nào. Ở Mỹ, trẻ mới biết đi được kì vọng là có thể tự ăn từ sớm, nhưng ở một số nền văn hóa thì chúng có thể vẫn được người lớn cho ăn mãi đến sau này.

Trẻ sơ sinh phụ thuộc vào khả năng của người chăm sóc để hiểu được những dấu hiệu liên quan đến cảm giác đói và no của chúng. Bản chất hai chiều của việc cho ăn vẫn tiếp diễn trong giai đoạn chuyển tiếp. Đến cuối năm đầu tiên, trẻ sơ sinh ngày càng có khả năng thể hiện mong muốn và nhu cầu của mình, và dần dần cũng bộc lộ được mong muốn độc lập ngày một tăng trong nhiều hoạt động, bao gồm cả việc ăn uống. Các chiến lược cho phép tăng hoạt động tự ăn khi khả năng này phát triển có thể ngăn ngừa tình trạng khó chịu trong bữa ăn và trong một số trường hợp là tình trạng rối loạn ăn uống.

Sự tương tác giữa bố mẹ – trẻ

Tính khí

Tính khí của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến chiến lược nuôi dưỡng/cho ăn của bố mẹ và thậm chí trong một số trường hợp còn có thể trở thành yếu tố độc lập liên quan đến hành vi ăn uống. Những khó khăn trong việc tương tác giữa trẻ-người chăm sóc hoặc sự không hợp nhau có thể khiến trẻ không thể phát triển mạnh.

Người chăm sóc có thể không hiểu được dấu hiệu/tín hiệu của trẻ sơ sinh và trẻ sơ sinh cũng không thể biểu lộ mong muốn và nhu cầu của chúng một cách trọn vẹn, đầy đủ. Trẻ sơ sinh khó khăn thường dễ phát triển các vấn đề về ăn uống hơn. Việc từ chối thức ăn từ sớm có thể dẫn đến những vấn đề về cai sữa, và nhận thức kém tích cực hơn của người mẹ về việc nuôi dạy con cái.

Trong một số nghiên cứu quan sát, trẻ sơ sinh được nhận thấy là có tính khí khó khăn hơn thì thường không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và có khả năng được ăn thực phẩm bổ sung từ sớm. Đối với trẻ ở độ tuổi đi học, một số nghiên cứu đã được công bố lại không tìm ra mối quan hệ cắt ngang giữa tính khí và hành vi ăn uống.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Canada với 81 cặp anh chị em tham gia đã kết luận rằng sự nhút nhát, xấu hổ có tương quan với sự tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ thức ăn mới lạ. Một nghiên cứu khác từ Úc, phát hiện thấy rằng các đặc điểm tính khí của trẻ sơ sinh có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ phát triển các hội chứng rối loạn ăn uống ở trẻ từ 12-13 tuổi.

Nhìn chung, mặc dù các nghiên cứu này không hỗ trợ tính khí của trẻ sơ sinh như một yếu tố dự đoán mạnh mẽ về các hành vi ăn uống ngắn hạn và dài hạn, nhưng chúng vẫn cho thấy rằng nó đóng một vai trò trong sự tương tác giữa bố mẹ-trẻ liên quan đến việc cho ăn. Việc bao gồm các biện pháp quan sát lặp đi lặp lại về tính khí của trẻ sơ sinh và sự tương tác giữa người chăm sóc-trẻ sơ sinh trong các nghiên cứu theo thời gian có thể làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tính khí của trẻ, các thực hành/thói quen nuôi dạy con cái cũng như những hành vi ăn uống trong suốt thời thơ ấu.

Phong cách/kiểu cách nuôi dạy con

Phong cách hay kiểu nuôi dạy con, được định nghĩa bằng mức độ đòi hỏi khắt khe và đáp ứng nhiệt tình của cha mẹ trong mối quan hệ với hành vi của trẻ, là các yếu tố quyết định môi trường quan trọng đối với sự trưởng thành về cảm xúc, khả năng tự điều chỉnh và ức chế hành vi của trẻ. Các nghiên cứu về tầm ảnh hưởng của cách nuôi dạy con đối với kết quả của đứa trẻ dựa vào 4 nguyên mẫu cha mẹ – được mô tả như là quyết đoán (authoritative), độc đoán (authoritarian), cho phép hay tùy ý (permissive), từ chối/bỏ mặc (rejecting/neglecting) – do Baumrind phát triển gần bốn thập kỷ trước.

Theo giản đồ này, các bậc cha mẹ được phân loại dựa vào cách họ điều hòa/chấp nhận nhu cầu chung của trẻ đối với việc nuôi dưỡng và thiết lập giới hạn. Nhóm cha mẹ quyết đoán là những người có thẩm quyền và đáp ứng đầy đủ, và đặc trưng của nhóm cha mẹ này là mức độ kiểm soát và nhiệt tình/nồng hậu cao. Họ giám sát hành vi của con mình và truyền đạt những tiêu chuẩn rõ ràng mà không phải dùng đến các phương pháp tiếp cận xâm phạm hoặc hạn chế.

Các bậc cha mẹ được phân loại vào nhóm độc đoán thường đòi hỏi khắt khe và đưa ra chỉ thị mà mức độ đáp ứng lại thấp. Họ thể hiện mức độ kiểm soát cao (tương tự với cha mẹ quyết đoán), nhưng ngược lại lại cho thấy mức độ nhiệt tình thấp hơn.

Phụ huynh trong nhóm cho phép thường không hay đòi hỏi hay yêu cầu hành vi trưởng thành, nhưng lại thể hiện mức độ đáp ứng cao. Họ có xu hướng khoan dung và tránh việc đối đầu/đối chất.

Nguyên mẫu thứ tư, những người làm cha làm mẹ thể hiện phong cách nuôi dạy con từ chối/bỏ mặc, thường không đòi hỏi cũng chẳng đáp ứng.

Sử dụng cấu trúc này, trẻ em tiếp xúc với cách nuôi dạy quyết đoán thường cho thấy mức độ tự tin vào năng lực bản thân, mức độ kỷ luật tự giác, và mức độ trưởng thành về cảm xúc cao nhất.

Các nghiên cứu gần đây về hành vi ăn uống đã xem xét kiểu nuôi dạy con như một yếu tố quyết định môi trường tiềm năng đối với hành vi ăn uống của trẻ. Kiểu nuôi dạy con dễ dãi/nuông chiều hay là cho phép/tùy ý có liên quan tích cực đến chỉ số khối cơ thể của trẻ em trước tuổi đi học từ các mẫu thu nhập thấp ở Mỹ và Úc và ở học sinh lớp một từ các gia đình trung lưu ở Mỹ.

Phong cách nuôi con theo nguyên mẫu cho phép/tùy ý này cũng được chứng minh là có mối liên hệ với việc giám sát không sát sao việc ăn uống kém lành mạnh ở trẻ em thuộc độ tuổi đi học ở Mỹ.

Kiểu nuôi dạy con đặc trưng bởi mức độ đáp ứng thấp cũng là một nguy cơ gây ra bệnh béo phì và dẫn đến tình trạng ăn theo cảm xúc (liên quan đến việc ăn uống không điều độ và nguy cơ mắc bệnh béo phì) ở học sinh lớp một tại Mỹ, được lấy mẫu từ một nghiên cứu theo thời gian của NICHD, cụ thể là Nghiên cứu Chăm sóc Trẻ Sớm. Trong cả hai mẫu Mỹ và Anh – được lần lượt lấy mẫu từ một nghiên cứu theo thời gian quy mô lớn và một nghiên cứu quan sát thuần tập quy mô nhỏ – cách nuôi dạy con quyết đoán và sự nhiệt tình/nồng hậu giúp bảo vệ trẻ khỏi tình trạng ăn uống theo cảm xúc cũng như nguy cơ bị béo phì.

Hạn chế, kiểm soát và giám sát

Việc bố mẹ kiểm soát việc ăn uống của con trẻ đã được nghiên cứu rộng rãi so với kiểu cho ăn mang tính chỉ thị cao, bao gồm việc hạn chế. Điều quan trọng là phải phân biệt rõ ràng việc kiểm soát công khai và kiểm soát che đậy của cha mẹ đối với hành vi ăn uống và lựa chọn thực phẩm của trẻ.

Kiểm soát công khai bao gồm cả việc hạn chế và tạo áp lực trong việc ăn uống. Kiểm soát che đậy bao gồm những chiến lược như là chỉ mua thực phẩm tốt cho sức khỏe cho cả gia đình và tránh các cửa hiệu cũng như hàng quán bán các món ăn không lành mạnh.

Kiểm soát công khai có thể bị phát hiện bởi trẻ, trong khi kiểm soát che đậy lại liên quan đến việc kiểm soát mà đứa trẻ có thể không nhận ra. Các hành vi ăn uống của bố mẹ cũng giữ một vai trò quan trọng trong kiểm soát che đậy, vì bố mẹ làm mẫu các hành vi ăn uống lành mạnh cho con của họ.

Hầu hết các bậc làm cha mẹ thường áp dụng một số chiến lược kiểm soát công khai cùng một số chiến lược che đậy. Hơn nữa, họ có thể kiểm soát trong một số tình huống nhất định này mà không phải những tình huống khác.

Cha mẹ có báo cáo là họ thay đổi chiến lược khi nhu cầu của con họ phát triển. Vì việc cho trẻ ăn liên quan đến quá trình hai chiều, nên tính cách của cả cha mẹ và đứa trẻ đều là công cụ trong việc xác định chiến lược kiểm soát của cha mẹ đối với hành vi ăn uống của trẻ. Chiến lược kiểm soát của cha mẹ cũng bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực gia đình và văn hóa liên quan đến chế độ dinh dưỡng và đến hành vi ăn uống của trẻ.

Các thói quen cho ăn kiểm soát hoặc hạn chế đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hành vi cho ăn. Một khối lượng nghiên cứu đồ sộ đã cho thấy rằng việc hạn chế quá mức khả năng tiếp cận những loại thực phẩm nhất định hay hạn chế ăn một số lượng thực phẩm mong muốn có thể phản tác dụng, và liên quan đến sự gia tăng lượng calo tiêu thụ và ăn uống thiếu kiềm chế hay ăn uống mất phản xạ, ăn uống thất thường.

Ví dụ, những bé gái bị cha mẹ hạn chế gắt gao trong 5 năm, thường dễ ăn uống thiếu kiềm chế hơn, được đo một cách thực nghiệm trong phòng thí nghiệm như là “ăn khi không đói” ở độ tuổi 7 và 9. Mối quan hệ này mạnh mẽ hơn nếu các bé bị thừa cân. Các nhà nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết rằng việc hạn chế và kiểm soát công khai có thể làm giảm đến khả năng tự điều chỉnh cân bằng calo và nhu cầu năng lượng, dẫn đến các mức độ khác nhau của việc ăn không kiểm soát, tăng cân, béo phì, và nguy cơ bị rối loạn ăn uống.

Trong nghiên cứu theo thời gian này, tình trạng béo phì ở trẻ em không phải một điều kiện trước hết của sự hạn chế. Trong các nghiên cứu khác, sự hạn chế của cha mẹ đã được chứng minh là phát triển trong mối quan hệ với việc nhận thức trẻ bị thừa cân hoặc với xu hướng ăn quá nhiều, hoặc với hình ảnh cơ thể của người mẹ.

Nghiên cứu quan trọng của Birch chủ yếu được dựa vào một nghiên cứu thuần tập theo thời gian với sự tham gia của khoảng 200 bé gái da trắng thuộc tầng lớp trung lưu đến từ vùng ngoại ô Pennsylvania, và được hiểu rõ nhất trong bối cảnh đó. Birch cùng đội nghiên cứu đã tiếp tục nghiên cứu những mối quan hệ này khi các đối tượng tham gia lớn tuổi hơn bằng cách sử dụng cả thiết lập dựa trên phòng thí nghiệm lẫn thiết lập tự nhiên. Mô hình ăn uống khi không đói đã được sử dụng trong nghiên cứu cho nhiều bối cảnh khác nhau, bao gồm thanh thiếu niên người Latino và các mẫu đô thị.

Những khía cạnh khác trong việc kiểm soát của cha mẹ mà đáng được nhắc tới bao gồm phần thưởng, nhắc nhở/hối thúc ăn uống, sự xâm phạm và giám sát. Hơn 20 năm trước, Birch đã chỉ ra rằng việc sử dụng phần thưởng để thúc đẩy trẻ tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, hoặc để “ăn hết thức ăn trong đĩa” cuối cùng đã làm giảm sự yêu thích đối với chính những loại thực phẩm đó.

Trong một nghiên cứu khác, những người mẹ có trình độ học vấn thấp hơn lại hay nhắc nhở/hối thúc con cái từ 3-6 tuổi của họ ăn hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu đứa trẻ ít tuổi hơn và loại thực phẩm đó mới lạ. Mặc dù những bà mẹ béo phì không hối thúc con mình ăn nhiều như những bà mẹ không bị béo phì, nhưng một khi được nhắc nhở thì con của họ lại có nhiều khả năng tiếp nhận món ăn đó (một cách tuân thủ) hơn là con cái của những người mẹ không bị béo phì.

Nghiên cứu này đã nhấn mạnh sự phức tạp của sự tương tác hai chiều liên quan đến việc cho ăn và chỉ ra rằng các biến không đo lường được (cụ thể là mối quan hệ giữa mẹ-con, gen) có thể thúc đẩy đứa trẻ ăn nhiều hơn trong những thiết lập nhất định.

Ngược lại, việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ cũng đã được ghi nhận là ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng ở trẻ sơ sinh không phát triển mạnh, trong một số cài đặt nhất định. Những hành vi nuôi dạy con cái khác thường/sai lệch hơn, bao gồm xâm phạm, đã được chứng minh là có liên quan đến các rối loạn ăn uống ở trẻ sơ sinh.

Các mô hình cho ăn xâm phạm biểu hiện khi cha mẹ không đáp ứng tín hiệu ăn uống của trẻ, để có lợi cho chính nhận thức hoặc nhu cầu của chúng. Các ví dụ bao gồm việc khăng khăng bắt trẻ ăn miếng cuối, thúc ăn, và cực đoan nhất là cho ăn theo kiểu ép buộc. Cho đến nay, các nghiên cứu liên quan đến việc gây áp lực và xâm phạm khi cho trẻ ăn chủ yếu là các nghiên cứu cắt ngang, gây khó khăn cho việc suy ra ưu tiên tạm thời (temporal precedence).

Việc giám sát của cha mẹ đối với lượng tiêu thụ của trẻ, một trong ba yếu tố đánh giá thái độ và thực hành kiểm soát của phụ huynh trong công tác xác nhận của Birch từ Bảng câu hỏi Nuôi dưỡng trẻ, đã được bao gồm trong cấu trúc kiểm soát của cha mẹ mà liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ăn uống thiếu kiềm chế/ăn uống thất thường.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây, đánh giá hoạt động giám sát như một cấu trúc riêng biệt, lại chỉ ra rằng hoạt động này của cha mẹ thực chất có thể ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng cũng như hành vi ăn uống của trẻ.

Hoạt động giám sát đã được chứng minh là không chỉ liên quan đến việc tăng cân phù hợp mà còn có mối liên hệ với khả năng giảm cân trong trường hợp béo phì.

Ba năm sau, các nghiên cứu mà vận dụng Nghiên cứu Chăm sóc Trẻ Sớm của NICHD đã cho thấy rằng việc giám sát ăn uống của cha mẹ có con gái học lớp 3 không liên quan đến sự giảm thiểu nguy cơ mắc các chứng rối loạn ăn uống, và xác nhận sự khác biệt rõ ràng việc hạn chế và giám sát. Hơn nữa, các chương trình giảm cân dựa vào bằng chứng bao gồm việc giám sát và kiểm soát, và những chương trình này không thúc đẩy các chứng rối loạn ăn uống ở trẻ em béo phì (những đối tượng được biết là có nguy cơ gia tăng).

Tóm lại, một khối lượng nghiên cứu lớn về hành vi nuôi dạy con cái liên quan đến việc ăn uống của trẻ đã chỉ ra rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều áp dụng một số chiến lược công khai hoặc che đậy liên quan đến việc thúc đẩy những gì mà họ nhận thức là hành vi ăn uống và chế độ dinh dưỡng tối ưu.

Trong môi trường dễ gây béo phì như hiện nay thì việc kiểm soát và giám sát môi trường thực phẩm của trẻ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số chiến lược có thể phản tác dụng, chẳng hạn như việc khen thưởng khi trẻ tiêu thụ các loại thực phẩm nhất định, một số thói quen kiểm soát công khai và các chiến lược cho ăn theo kiểu xâm phạm.

Ảnh hưởng về mặt xã hội đối với năng lượng tiêu thụ và hành vi ăn uống

Ăn uống là một trong những hoạt động mang tính xã hội nhất của con người. Các bằng chứng thực nghiệm đã cho thấy những ảnh hưởng về mặt xã hội đối với khả năng điều chỉnh năng lượng ở trẻ sơ sinh.

Trong một thử nghiệm với trẻ sơ sinh từ 7-14 tuần tuổi, lượng tiêu thụ có liên quan đến tương tác xã hội. Trẻ sơ sinh được bế/giữ, so với trẻ được cho ăn trong ghế dành cho trẻ sơ sinh, có lượng tiêu thụ liên quan tuyến tính với thời gian kể từ lần cho ăn cuối. Tuy nhiên, khi một người cho ăn mới giao tiếp trực quan với trẻ sơ sinh, thì mức độ liên quan giữa khối lượng và thời gian kể từ lần cho ăn cuối lại thấp hơn.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng “những ảnh hưởng xã hội đã ngay lập tức tác động mạnh mẽ đến việc bú/mút sữa.” Việc bú sữa cung cấp dinh dưỡng và cơ hội để có được thông tin xã hội về người cho ăn. Tình trạng rối loạn khối lượng từ lần cho ăn cuối không xảy ra nếu người mẹ là người cho ăn và tham gia xã hội với trẻ sơ sinh trong suốt quá trình cho ăn.

Việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt xã hội, hành vi gia tăng dựa vào thị giác và âm thanh của những người khác có cùng hành vi, đã được chứng minh là yếu tố quyết định hành vi ăn uống của bộ Linh trưởng, và trẻ em cũng như người trưởng thành. Việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt xã hội được tin là dựa trên sự gia tăng cảm giác kích thích hoặc kéo dài thời gian. Trong một nghiên cứu thực nghiệm, trẻ em trước độ tuổi đi học đã cho thấy mức tiêu thụ tăng, khi các nhóm có quy mô lớn và thời gian ăn nhẹ dài hơn (≥11 phút). Trẻ em trong các nhóm lớn hơn bắt đầu bữa ăn nhẹ nhanh hơn và ăn cũng khẩn trương hơn một chút. Mức tiêu thụ tăng chỉ có ý nghĩa khi có đủ thời gian, vì tốc độ ăn uống chỉ khác nhau một chút. Khi trẻ xã hội hóa trong bữa ăn, mức tiêu thụ cùa chúng sẽ thấp hơn. Việc nhắc nhở và thúc giục của cha mẹ không ảnh hưởng đến lượng thực phẩm được tiêu thụ.

Sự chứng nhận và hoạt động làm mẫu của cha mẹ giúp thúc đẩy khả năng tiếp nhận và sở thích của trẻ đối với các món ăn mới lạ. Trẻ em từ 18 tháng tuổi đã nhận ra rằng chúng có thể không hứng thú với những loại thực phẩm mà người lớn thích, nhưng có nhiều khả năng vẫn thử những loại thực phẩm mà người lớn giới thiệu.

Đến năm lên 3 tuổi, trẻ hiểu được rằng sự chứng nhận của người lớn không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, thế nhưng chúng vẫn có xu hướng thử các món ăn dựa vào lời giới thiệu/khuyến nghị của người lớn.

Về sau, trẻ có khả năng nhớ những hương vị này, và trẻ em trên 4 tuổi đã tăng tỷ lệ thích hương vị đó. Sự chứng nhận liên quan đến vị ngon thường được trẻ từ 3-6 tuổi tin tưởng, nhất là khi những lời lẽ mang tính tuyệt đối (ví dụ như “tuyệt vời,” “ngon lành”) thay vì lời lẽ tương đối (cụ thể là “ngon hơn,” “nhiều hơn”) được sử dụng.

Hoạt động làm mẫu/ăn mẫu của người lớn là một phương pháp cực hiệu quả trong việc thuyết phục trẻ trước tuổi đi học thử những món ăn mới. Khả năng tiếp nhận thực phẩm mới lạ được tăng cường nếu thức ăn được một người lớn thân quen cung cấp, người cũng đang ăn món ăn có cùng hình dạng, kích thước và màu sắc. Việc này phân biệt trẻ em với các loài linh trưởng chưa trưởng thành mà chỉ đơn thuần tiếp nhận các loại thực phẩm mới lạ dựa vào sự tạo thuận lợi xã hội.

Những đề xuất xã hội cũng có thể thay đổi sở thích/ưu tiên thực phẩm của trẻ em. Vào năm 1938, nhà tâm lý học xã hội, Karl Duncker, đã nghiên cứu hiệu quả của đề xuất xã hội trong việc tác động đến hành vi ăn uống và sở thích được xác nhận của trẻ em trước tuổi đi học tại Anh Quốc. Trẻ em nếm thử và xếp hạng theo thứ tự ưu tiên 6 loại thực phẩm khác nhau. Một tuần sau, chúng được tiếp xúc với sở thích của bạn học cùng lớp. Hầu hết trẻ em đã thay đổi thứ hạng để khớp với các bạn cùng lớp, nhất là nếu những người bạn đó lớn hơn chúng một chút, hoặc được đặc biệt ngưỡng mộ. Sự thay đổi trong sở thích thực phẩm có khả năng tồn tại trong 2 tháng liền nếu giai đoạn đó diễn ra nhiều lần tiếp xúc trong vòng vài tuần.

Trong một thử nghiệm khác, những đứa trẻ được nghe câu chuyện xã hội về một người anh hùng “giải cứu dân thường” bằng cách cung cấp một loại thực phẩm không ngon miệng, thường chọn ăn loại thực phẩm không ngon miệng đó thay vì sôcôla. (Chúng đã thử cả hai loại thực phẩm trước đó). Sở thích được kéo dài bằng cách nghe lại câu chuyện.

Có vẻ như đề xuất xã hội là một công cụ sửa đổi mạnh mẽ đối với sở thích/ưu tiên thực phẩm của trẻ em. Điều này trở nên quan trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của bạn bè đồng trang lứa trong giai đoạn thanh thiếu niên và giai đoạn mới trưởng thành, và thường dẫn đến những sở thích/ưu tiên dành cho các loại thực phẩm kém lành mạnh hơn.

Hơn nữa, sức mạnh của đề xuất xã hội không hề bị mất trong các ngành công nghiệp mà đã thành công trong việc tác động đến sở thích và lựa chọn thực phẩm của trẻ, những tác động mạnh mẽ nhất đối với các loại thực phẩm kém lành mạnh nhất. Tóm lại, nghiên cứu hành vi chỉ ra rằng các yếu tố xác hội từ gia đình, bạn bè đồng trang lứa cùng các nhóm xã hội lớn hơn có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự lựa chọn và phát triển sở thích thực phẩm.

Kết luận

Mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi chưa tìm được lời đáp liên quan đến sự phát triển của hành vi ăn uống, nhưng chúng ta vẫn đang trong giai đoạn mở rộng nhanh chóng vốn hiểu biết của mình về các quy trình phức tạp và tinh vi của khả năng điều chỉnh/điều tiết năng lượng và điều chỉnh khen thưởng/phần thưởng.

Những tiến bộ trong khoa học thần kinh và bộ gen/hệ gen hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ những khác biệt cá nhân trong khả năng điều tiết năng lượng, sở thích vị, và hành vi tìm kiếm phần thường liên quan đến thực phẩm.

Các nghiên cứu tương lai hứa hẹn sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và suy nghĩ về việc điều chỉnh năng lượng cũng như khen thưởng bằng cách giải quyết nhiều câu hỏi, bao gồm những câu hỏi sau: Làm thế nào mà việc tiếp xúc có thể làm tăng sở thích? Ở mức độ nào thì các tín hiệu giác quan cụ thể cùng với những ảnh hưởng xã hội có thể lý được giải khả năng tiếp nhận và sở thích thực phẩm? Liệu thức ăn có phải một chất gây nghiện với một số người không?

Ngoài ra, các nghiên cứu hành vi cũng đang giải thích cách các trải nghiệm nuôi dưỡng/cho ăn, sự tương tác giữa cha mẹ-con cái và những ảnh hưởng xã hội rộng lớn hơn thay đổi hành vi ăn uống.

Việc hiểu rõ sự phát triển của hành vi ăn uống là rất quan trọng vì nhiều vấn đề y tế công cộng cũng như các vấn đề lâm sàng, bao gồm tình trạng kém phát triển, rối loạn ăn uống cùng với bệnh béo phì, sẽ được hiểu thấu đáo hơn khi khía cạnh phát triển được xem xét kĩ càng.

Các hệ thống sinh học, phát triển, tâm lý và xã hội phức tạp thúc đẩy sự phát triển cũng như duy trì các hành vi ăn uống. Việc tăng sự hiểu biết về từng cấp độ sẽ giúp cung cấp thông tin về việc phòng ngừa, can thiệp, và điều trị các tình trạng/bệnh chứng liên quan đến hành vi ăn uống.

Lời cảm ơn

Sự hỗ trợ được cung cấp bởi Quyết định số R01HL088530 (PI: Gahagan) từ Viện Tim, Phổi, và Máu Quốc gia. Nội dung hoàn toàn là trách nhiệm của tác giả và không nhất thiết thể hiện quan điểm chính thức của Viện Tim, Phổi, và Máu Quốc gia hay Viện Y tế Quốc gia.

– – –

  • Bản gốc: The Development of Eating Behavior – Biology and Context
  • Tác giả: Sheila Gahagan, M.D., M.P.H.
  • Doi: 10.1097/DBP.0b013e31824a7baa
  • Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng

Leave a Comment