Sửa đổi nhãn thông tin dinh dưỡng theo quy định mới của FDA

[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]Vào ngày 20/05/2016, Cục Dược Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông báo nhãn Thông tin Dinh dưỡng mới của các thực phẩm đóng gói để phản ánh thông tin khoa học mới, bao gồm mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và các bệnh mãn tính như là béo phì và bệnh tim. Nhãn mới này sẽ khiến người tiêu dùng dễ đưa ra lựa chọn thực phẩm sáng suốt hơn. Cục FDA công bố các quy định cuối cùng trong Công báo Liên Bang (Federal Register) vào ngày 27/05/2016.[/dropshadowbox]

nhãn thông tin dinh dưỡng

Tham khảo thêm: Cách đọc nhãn thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩmĂn vừa đủ cho cơ thể bạn

Tiêu điểm trong Nhãn Thông tin Dinh dưỡng cuối cùng (Final Nutrition Facts Label)

  1. Đặc trưng với thiết kế mới

  • Hình thức “biểu tượng” của nhãn vẫn giữ nguyên, nhưng chúng tôi (FDA) đang tạo thêm những cập nhật quan trọng để đảm bảo người tiêu dùng tiếp cận đến được những thông tin họ cần để đưa ra được những quyết định sáng suốt về những thực phẩm mà họ ăn. Những sửa đổi này bao gồm tăng kích cỡ chữ phần thông tin tuyên bố của “Calories” (Calo), “servings per container,” (khẩu phần trong một gói thực phẩm) và “Serving size” (kích thước khẩu phần), và in đậm số calo và nội dung mục “Serving size” (kích thước khẩu phần) để nêu bật thông tin này.
  • Các nhà sản xuất phải công bố số lượng thực tế, bên cạnh phần trăm Daily Value (Giá trị Dinh dưỡng hàng ngày) của vitamin D, canxi, sắt và kali. Họ có thể tự nguyện công bố lượng gam của những vitamin và khoáng chất khác.
  • Chú thích được sửa đổi để giải thích rõ hơn ý nghĩa của percent Daily Value (phần trăm Giá trị Dinh dưỡng hàng ngày). Chú thích sẽ in như thế này: “*The % Daily Value tells you how much a nutrient in a serving of food contributes to a daily diet. 2,000 calories a day is used for general nutrition advice.” (* % Giá trị Dinh dưỡng hàng ngày cho bạn biết một dưỡng chất trong một khẩu phần thực phẩm đóng góp bao nhiêu vào một chế độ ăn uống 2.000 calo một ngày áp dụng cho khuyến nghị dinh dưỡng tổng quát).
  1. Phản ánh thông tin cập nhật về khoa học dinh dưỡng ( Nutrition Science)

  • Trong nhãn mới sẽ có “Added sugars” (đường bổ sung) tính bằng gam và quy theo %Daily Value (phần trăm giá trị dinh dưỡng hàng ngày). Dữ liệu khoa học chứng minh rằng khó đáp ứng được nhu cầu dưỡng chất cùng lúc với việc duy trì hấp thu trong giới hạn calo nếu bạn tiêu thụ hơn 10% tổng calo hàng ngày từ đường bổ sung, và điều này nhất quán với Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ 2015-2020 (2015-2020 Dietary Guidelines for Americans).
  • Danh sách các dưỡng chất bắt buộc hoặc được phép công bố cũng đang được cập nhật. Bắt buộc phải có thông tin về Vitamin D và Kali trong nhãn. Canxi và sắt sẽ tiếp tục phải xuất hiện trên nhãn. Không còn cần phải in Vitamin A và C nhưng có thể công bố trên cơ sở tự nguyện của nhà sản xuất.
  • Trong khi vẫn tiếp tục cần có “Total Fat,” (Tổng chất béo) “Saturated Fat,” (Chất béo bão hòa) và “Trans Fat” (chất béo chuyển hóa) trên nhãn, thì “Calories from Fat” (Calo từ chất béo) được bỏ ra khỏi nhãn vì nghiên cứu chứng minh rằng loại chất béo quan trọng hơn lượng chất béo.
  • Các giá trị hàng ngày của các dưỡng chất như là natri (sodium), chất xơ thực phẩm (dietary fiber) và vitamin D đang được cập nhật dựa trên bằng chứng khoa học mới hơn từ Viện Y học (Institute of Medicine) và các báo cáo khác như là Báo cáo Ủy Ban Khuyến cáo Hướng dẫn ăn uống 2015 (2015 Dietary Guidelines Advisory Committee Report), được dùng để phát triển Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ 2015-2020 (2015-2020 Dietary Guidelines for Americans). Các giá trị dinh dưỡng hàng ngày là lượng dưỡng chất tham khảo nên tiêu thụ hoặc tối đa tiêu thụ và được dùng để tính percent Daily Value (% DV/Phần trăm giá trị dinh dưỡng hàng ngày) mà nhà sản xuất có đưa vào nhãn. %DV giúp người tiêu dùng hiểu được thông tin dinh dưỡng trong bối cảnh là một chế độ ăn uống tổng thể.
  1. Cập nhật Serving Sizes (kích thước khẩu phần) và các yêu cầu in nhãn với những kích cỡ bao bì nhất định

  • Theo luật thì serving sizes (kích thước khẩu phần) phải căn cứ trên lượng đồ ăn và thức uống mà mọi người thực tế tiêu thụ, chứ không phải là lượng mà họ nên tiêu thụ. Lượng đồ ăn thức uống của mọi người đã thay đổi kể từ những yêu cầu đối với kích thước khẩu phần trước đây công bố năm 1993. Ví dụ, lượng tham khảo được dùng để định ra một serving (khẩu phần) kem trước đó là 1/2 cup (cốc) nhưng giờ chuyển thành 2/3 cup. Lượng tham khảo được dùng để định 1 serving soda đổi từ 8 ounces (~237ml) lên thành 12 ounces (~356ml).
  • Kích cỡ bao bì (package size) cũng ảnh hưởng đến thứ mọi người ăn. Vì thế với những bao bì nằm giữa một và hai serving (khẩu phần), như là 20 ounce (~592ml) soda hoặc một lon súp dung tích 15 ounce (~444ml), nhà sản xuất sẽ phải in calo và các dưỡng chất khác là một serving (khẩu phần) vì mọi người thường tiêu thụ chúng trong một lần (điều này giúp tránh cho người tiêu dùng nhầm lẫn là họ đang tiêu thụ số lượng calo ít, trong khi thực tế lại nạp nhiều – BT).
  • Với những sản phẩm nhất định mà lớn hơn một single serving (khẩu phần đơn) nhưng có thể tiêu thụ trong một lần hoặc trong nhiều lần, thì các nhà sản xuất sẽ phải cung cấp “dual column” label (nhãn cột kép) để đưa ra lượng calo và dưỡng chất trên cả cơ sở “per serving” (trên mỗi khẩu phần) và “per package”(trong mỗi gói)/“per unit”(trên mỗi đơn vị). Ví dụ sẽ là một chai soda dung tích 24 ounce (~710ml) hay một pint (~473ml) kem. Với các nhãn cột kép sẵn có, mọi người sẽ có thể dễ dàng hiểu được mình sẽ hấp thu bao nhiêu calo và dưỡng chất vào cơ thể nếu họ ăn hoặc uống toàn bộ gói sản phẩm (package)/ đơn vị sản phẩm (unit) vào một lần.

kích thước khẩu phần ăn

Ngày tuân thủ

Cục FDA đã kéo dài ngày tuân thủ quy định cuối cùng về nhãn Nutrition Facts (Thông tin Dinh dưỡng) và nhãn Supplement Facts (Thông tin Bổ sung) cùng với quy định cuối cùng về Serving Size (Kích thước khẩu phần), từ 26/07/2018 đến 01/01/2020, với những nhà sản xuất có doanh số thực phẩm hàng năm bán ra từ 10 triệu đô la Mỹ trở lên, những nhà sản xuất có doanh số thực phẩm hàng năm dưới 10 triệu đô la Mỹ sẽ có thêm một năm để tuân thủ – cho đến 01/01/2021.

Vào tháng 5/2016, Cục Quản lý Dược Thực phẩm Hoa Kỳ (the U.S. Food and Drug Administration) đã đưa ra quy định cuối cùng đối với Nutrition Facts (Nhãn thông tin dinh dưỡng) và Supplement Facts Label (Nhãn thông tin bổ sung) cùng với Serving Size (Kích thước khẩu phần) và định ra ngày tuân thủ là 26/07/2018 kèm thêm một năm để các nhà sản xuất có doanh số thực phẩm bán ra hàng năm dưới 10 triệu đô la Mỹ tuân thủ thực hiện. Sau khi hoàn thành những quy định cuối cùng đó, các nhóm ngành công nghiệp và người tiêu dùng cung cấp cho cục FDA phản hồi về ngày tuân thủ. Sau khi cân nhắc kỹ càng, cục FDA quyết định rằng khoảng thời gian kéo dài sẽ cung cấp đủ hướng dẫn cần thiết từ cục FDA cho các nhà sản xuất thuộc diện phải thực hiện quy định, và sẽ giúp họ có khả năng hoàn thành và in ấn những bảng mẫu thông tin dinh dưỡng cập nhật lên sản phẩm của họ trước khi đến ngày họ phải tuân thủ quy định.

Hình thức nhãn cũ với hình thức nhãn mới – Đồ họa thông tin giúp người đọc hiểu được những thay đổi trong nhãn

nhãn cũ và nhãn mới
Nhãn mới/Điểm khác biệt; Servings: kiểu chữ in to và đậm hơn; Điểm mới: đường bổ sung; Sửa đổi những dưỡng chất bắt buộc phải có thông tin được in trên nhãn; Serving sizes đã cập nhật; Calo: kiểu chữ in to hơn. DV (giá trị nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể) đã được cập nhật; Lượng thực tế công bố; Chú thích mới

Hỏi & Đáp

  1. Tại sao cục lại thay đổi Nutrition Facts label (Nhãn thông tin dinh dưỡng)?

Nhãn Thông tin dinh dưỡng hiện giờ đã được dùng trong hơn 20 năm. Để đảm bảo rằng người tiêu dùng tiếp cận được những thông tin chính xác và mới nhất về các loại thực phẩm mà họ ăn, thì đã đến lúc phải sửa đổi nhãn Thông tin Dinh dưỡng (Nutrition Facts label). Những sửa đổi được đưa ra ngày nay căn cứ trên thông tin khoa học cập nhật, nghiên cứu mới về dinh dưỡng và sức khỏe công, những khuyến nghị về ăn uống mới nhất từ các nhóm chuyên gia, và thông tin từ công chúng.

  1. Nhãn sẽ có những thay đổi chính nào?

Những thay đổi chính bao gồm điều chỉnh danh sách những dưỡng chất bắt buộc phải được công bố trên nhãn Thông tin dinh dưỡng, cập nhật những yêu cầu về kích thước khẩu phần (serving size) và đưa ra một thiết kế mới mẻ. Nhãn Thông tin Dinh dưỡng mới sẽ khiến người tiêu dùng dễ dàng đưa ra được những quyết định sáng suốt hơn về thực phẩm mà họ ăn.

  1. Tại sao bây giờ nhãn phải có “added sugars” (đường bổ sung)?

Bằng chứng khoa học mà là cơ sở cho Hướng dẫn ăn uống dành cho người Mỹ 2010 và 2015-2020 ủng hộ cắt giảm lượng calo hấp thu từ đường bổ sung; và các nhóm chuyên gia như là Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association), Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics), Viện Y học (Institute of Medicine) và Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) cũng khuyến cáo nên giảm lượng đường bổ sung nạp vào cơ thể.

Ngoài ra, khó mà đồng thời đáp ứng được nhu cầu dưỡng chất và duy trì hấp thu trong giới hạn calo nếu bạn tiêu thụ hơn 10% tổng calo hàng ngày từ đường bổ sung (nghĩa là nếu bạn tiêu thụ nhiều calo từ đường bổ sung, bạn sẽ bị bớt calo từ các thực phẩm khác và điều này dẫn đến mất dưỡng chất từ các thực phẩm đấy – BT). Trung bình, người Mỹ nạp khoảng 13% trong tổng số calo từ đường bổ sung, với các nguồn đường bổ sung chính là trong các loại đồ uống bổ sung chất tạo ngọt là đường (bao gồm đồ uống nhẹ, nước trái cây, trà và cà phê, thức uống năng lượng và thể thao) cùng với đồ ăn vặt và đồ ngọt (gồm đồ tráng miệng làm từ ngũ cốc, đồ tráng miệng từ sữa, kẹo, đường, mứt, siro và các loại nhân ngọt).

Cục FDA thừa nhận rằng đường bổ sung có thể là một phần trong mô hình ăn uống lành mạnh. Nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều, thì sẽ khó để mà cũng ăn được những thực phẩm có đủ chất xơ thực phẩm và các vitamin cùng với các khoáng chất thiết yếu mà vẫn duy trì trong giới hạn calo cho phép. Những cập nhật trên nhãn cũng giúp gia tăng nhận thức của người tiêu dùng về lượng đường bổ sung có trong các loại thực phẩm. Người tiêu dùng có thể đưa ra hoặc có thể không đưa ra quyết định giảm tiêu thụ những loại thực phẩm nhất định có chứa đường bổ sung, căn cứ theo nhu cầu hoặc sở thích cá nhân của họ.

Quy định cuối cùng bắt buộc phải đưa “Includes X g Added Sugars” (bao gồm X g đường bổ sung) vào dưới mục “Total Sugars” (Tổng lượng đường) để giúp người tiêu dùng biết được lượng đường đã được bổ sung vào sản phẩm đó (và lượng chiếm bao nhiêu – BT).

  1. Cục FDA định nghĩa “added sugars” (đường bổ sung) như thế nào?

Khái niệm đường bổ sung bao gồm các loại đường mà hoặc được cho thêm vào trong giai đoạn chế biến thực phẩm, hoặc được đóng gói nguyên dạng vào cùng sản phẩm, và gồm có các loại đường (đường tự do/free sugar, đường đơn/monosaccharide và đường đôi/disaccharide), đường từ siro và mật ong, và đường từ nước ép trái cây hoặc rau củ cô đặc mà nhiều hơn lượng đường từ cùng một thể tích nước ép 100% từ rau củ hoặc trái cây cùng loại. Định nghĩa này loại trừ nước ép trái cây hoặc rau củ cô đặc từ nước ép 100% từ trái cây mà được bán cho người tiêu dùng (ví dụ cô đặc nước ép trái cây 100% đông lạnh) cũng như là một số loại đường có trong trái cây và rau củ, thạch, mứt, trái cây bảo quản và mứt trái cây.

  1. Cục dùng nhãn mới để hướng dẫn mọi người nên ăn gì đúng không?

Nhãn Thông tin Dinh dưỡng được thiết kế để cung cấp thông tin mà có thể giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt về thực phẩm họ mua và tiêu thụ. Người tiêu dùng tùy ý quyết định xem loại thực phẩm nào là thích hợp với họ và tùy theo nhu cầu cũng như sở thích của gia đình họ.

  1. Tại sao trans fat (chất béo chuyển hóa) vẫn được in trên nhãn nếu cục FDA định dần ngừng sử dụng nó?

Trans fat sẽ được giảm đi những không bị loại bỏ ra khỏi thực phẩm, vì thế cục FDA sẽ tiếp tục yêu cầu in thông tin về chất này trên nhãn thực phẩm. Vào năm 2015, cục FDA đã công bố quyết định cuối cùng là dầu chưa bão hòa một phần (partially hydrogenated oils/PHOs), nguồn chất béo chuyển hóa nhân tạo (artificial trans fat) nhìn chung không được thừa nhận là an toàn, nhưng quyết định này sẽ không ảnh hưởng đến những chất béo chuyển hóa xuất hiện tự nhiên, mà vẫn tồn tại trong thực phẩm. Trans fat (chất béo chuyển hóa) xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm có nguồn gốc từ một số động vật, chủ yếu là những động vật nhai lại như là bò và dê. Tương tự, ngành công nghiệp hiện có thể sử dụng một số loại dầu mà được phê duyệt là các chất phụ gia thực phẩm (food additives) và vẫn có thể kiến nghị với cục FDA để được sử dụng những PHO nhất định.

  1. Tại sao cục lại đưa vitamin D và kali vào trong nhãn Thông tin Dinh dưỡng?

Vitamin D và kali là các dưỡng chất mà người Mỹ luôn không hấp thu đủ, theo khảo sát tiêu thụ thực phẩm toàn quốc (http://www.cdc.gov/nchs/nhanes/), và thiếu những chất này có liên quan đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Vitamin D quan trọng vì có vai trò trong việc duy trì xương khỏe mạnh và kali giúp hạ huyết áp. Canxi và sắt đã và sẽ vẫn tiếp tục bắt buộc phải có trên nhãn.

  1. Tại sao cục không yêu cầu đưa thông tin về vitamin A và C nữa?

Vào đầu những năm 1990, người Mỹ thiếu hụt vitamin A và C, nhưng giờ đây hiếm thấy tình trạng thiếu hụt hai loại vitamin này trong nhóm dân số chung. Các nhà sản xuất vẫn có thể liệt kê các vitamin này trên cơ sở tự nguyện.

  1. Hình thức của nhãn mới trông sẽ khác chứ?

Bạn vẫn sẽ nhận diện được nhãn, nhưng chúng tôi đã cải tiến hình thức của nhãn để người tiêu dùng biết được thêm thông tin y tế công cộng quan trọng. Các sửa đổi gồm có:

  • Làm nổi thông tin các mục “Calories,” “Servings per container,” và “Serving size” bằng cách tăng cỡ chữ và in đậm số calo cùng với thông tin “Serving size”.
  • Yêu cầu các nhà sản xuất công bố lượng thực tế, bên cạnh phần trăm Giá trị Dinh dưỡng Hàng ngày của các vitamin và khoáng chất bắt buộc.
  • Bổ sung “Includes X g Added Sugars” (Gồm X gam đường bổ sung) trực tiếp dưới thông tin liệt kê của mục “Total Sugars” (Tổng lượng đường).
  • Sửa đổi chú thích để giải thích rõ hơn phần trăm Giá trị Dinh dưỡng hàng ngày. Giờ phần chú thích sẽ được in như thế này:(* % Giá trị Dinh dưỡng hàng ngày cho bạn biết một dưỡng chất trong một khẩu phần thực phẩm đóng góp bao nhiêu vào một chế độ ăn uống 2.000 calo một ngày áp dụng cho khuyến nghị dinh dưỡng tổng quát)
  1. Tôi nghe người ta nói rằng một số kích thước khẩu phần thực tế sẽ lớn hơn. Điều đó nghe có vẻ vô lý trong tình trạng nạn dịch béo phì như thế này.

Một số kích thước khẩu phần sẽ gia tăng và những kích thước khác sẽ giảm bởi vì theo luật, kích thước khẩu phần phải căn cứ trên lượng đồ ăn thức uống mọi người điển hình tiêu thụ, chứ không dựa trên lượng đồ ăn thức uống họ nên tiêu thụ. Dữ liệu gần đây về tiêu thụ thực phẩm chỉ ra rằng cần phải chỉnh sửa lại một số kích thước khẩu phần. Ví dụ, lượng tham khảo từng được dùng để định cho một khẩu phần kem trước đây là ½ cup và giờ đổi thành 2/3 cup. Lượng tham khảo được dùng để định cho một kích thước khẩu phần soda trước đây là 8 ounces và giờ thì đổi thành 12 ounces. Lượng tham khảo cho sữa chua đang giảm từ 8 ounces xuống  6 ounces. Thông tin dinh dưỡng trên nhãn mới sẽ được căn cứ trên những kích thước khẩu phần cập nhật này để đúng với những gì mọi người thực tế tiêu thụ.

  1. Các nhà sản xuất sẽ có bao nhiêu thời gian để thực hiện những sữa đổi này?

Cục FDA kéo dài ngày tuân thủ đối với quy định cuối cùng của Nhãn Bổ sung và Nhãn thông tin dinh dưỡng và quy định cuối cùng của Kích thước khẩu phần từ 26/07/2018 đến 01/01/2020 với những nhà sản xuất có doanh số bán thực phẩm hàng năm từ 10 triệu đô la Mỹ trở lên. Những nhà sản xuất có doanh số bán thực phẩm hàng năm dưới 10 triệu đô la Mỹ sẽ được có thêm một năm để tuân thủ các quy định này – cho đến 01/01/2021.

  1. Các quy định mới có áp dụng cho thực phẩm nhập khẩu không?

Có, những thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ sẽ cần phải tuân theo những quy định cuối cùng này.

Ví dụ về hình thức của Nhãn mới

Ví dụ về các nhãn trong hình thức mới:

các nhãn mới

  • Standard Vertical/ Chuẩn dọc
  • Standard Vertical (Side-by-Side Display)/Chuẩn dọc (bố cục liền kề)
  • Standard Vertical (w/ Voluntary)/Chuẩn dọc (có một số dưỡng chất không bắt buộc)
  • Tabular Format/Dạng bảng
  • Aggregate Display/Bố cục tổng hợp
  • Dual Column Display/Bố cục cột kép
  • Simplified Display/Bố cục giản hóa
  • Infants through 12 Months of Age/Trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi
  • Children 1-3 Years/Trẻ từ 1 đến 3 tuổi
  • Tabular Dual Column Display/Bố cục cột kép thành bảng
  • Tabular Display for Small Packages/Bố cục bảng cho bao bì cỡ nhỏ
  • Linear Display for Small Packages/Bố cục liệt kê theo dòng cho bao bì cỡ nhỏ
  • Dual Columns, Two Forms of the Same Food/Cột kép, hai mẫu của cùng loại thực phẩm
  • Dual Columns, Per Serving and Per Unit/Cột kép, trên một khẩu phần và trên một đơn vị

Bilingual Label ( Nhãn song ngữ)

nhãn song ngữ

(Theo FDA, người dịch: Trần Tuyết Lan – Nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment