Tóm tắt sơ lược
Bối cảnh. Mục đích của nghiên cứu này là giúp mọi người có được cái nhìn tổng quát về quan điểm của người cao tuổi sống-ở-nhà (home-living elderly) đối về tầm quan trọng của thực phẩm cùng với các bữa ăn.
Phương pháp. Các bài phỏng vấn bán cấu trúc (semistructured) với 12 người cao tuổi. Sau đó, những cuộc phỏng vấn được phân tích bằng các phân tích nội dung định tính.
Kết quả. Những người được hỏi đã mô tả cách quá khứ ảnh hưởng đến các trải nghiệm cũng như quan điểm hiện tại của họ về thực phẩm và các bữa ăn. Sự phụ thuộc và nhu cầu cần hỗ trợ ngày một tăng đối với thực phẩm và các bữa ăn thường xuyên nảy sinh trong mối quan hệ với những thay đổi lớn trong cuộc đời họ.
Các sự kiện đột ngột cũng là các thời điểm vượt quá giới hạn chịu đựng của một người, khiến họ thay đổi từ chỗ đang độc lập giờ lại phải phụ thuộc và cần sự hỗ trợ của người thân và/hoặc cộng đồng.
Với khía cạnh từ quá khứ và trong bối cảnh phụ thuộc, những người được hỏi đã mô tả các bữa ăn trong ngày, chất lượng của thức ăn, các công đoạn mua bán, vận chuyển, nấu nướng, và ăn uống thực phẩm.
Kết luận. Đáp ứng nhu cầu cho tình trạng dinh dưỡng tối ưu đối với người cao tuổi sống tại nhà đòi hỏi kiến thức về sở thích cùng với các thói quen cá nhân, từ cả cuộc sống trước đây lẫn cuộc sống hiện tại của họ. Quan trọng là phải chú ý đến các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến khả năng tự kiểm soát chế độ dinh dưỡng của một cá nhân, chẳng hạn như những biến cố lớn trong đời và giai đoạn phải nhập viện. Cần xem xét các nhu cầu cá nhân đối với khả năng tự quyết định và tham gia vào việc lên kế hoạch cũng như những nỗ lực phát triển của người cao tuổi liên quan đến thực phẩm cùng với các bữa ăn.
1. Giới thiệu
Suy dinh dưỡng, bao gồm thiếu dinh dưỡng cũng như thừa cân/béo phì, là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở những người cao tuổi sống ở nhà là 14,5% theo Mini Nutritional Assessment (MNA, Đánh giá Dinh dưỡng Nhỏ). Trong số những người cao tuổi gần đây mới chuyển về sống ở nhà, có khoảng 33-37% là bị suy dinh dưỡng theo báo cáo của MNA.
Tỷ lệ thiếu dinh dưỡng cao hơn ở người cao tuổi sống tại nhà riêng đã nêu bật tầm quan trọng của việc xác định những người cao tuổi sống tại nhà mà có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, để ngăn ngừa sự phát triển cũng như tính chất nghiêm trọng thêm của tình trạng thiếu dinh dưỡng, sau đó là sự phụ thuộc cũng như nhu cầu gia tăng đối với chế độ chăm sóc tập trung (institutional care).
Hơn nữa, trong số những người 70 tuổi ở Thụy Điển, có 20% nam giới và 24% phụ nữ là bị béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI > 30). Tại các viện dưỡng lão ở Thụy Điển, tỷ lệ thừa cân là 22% và 8% khác thì bị béo phì. Do đó, bệnh béo phì cũng là một vấn đề thường xuyên xuất hiện ở người cao tuổi.
Hệ quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người cao tuổi bao gồm suy giảm chức năng hoặc suy nhược, chất lượng cuộc sống sụt giảm, nhu cầu sử dụng cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao, tỷ lệ gặp phải các biến chứng bất lợi từ các bệnh tình khác cao hơn, và nguy cơ tử vong cũng tăng.
Hậu quả của bệnh béo phì bao gồm những tác động tiêu cực đến các chức năng thể chất cũng như chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ sống, hội chứng chuyển hóa, viêm khớp (arthritis), các dấu hiệu bất thường trong phổi, tiểu tiện không tự chủ (urinary incontinence), đục thủy tinh thể, và ung thư.
Vì vậy, từ khía cạnh dinh dưỡng, bệnh béo phì cũng như tình trạng thiếu dinh dưỡng là một vấn nạn giữa những người cao tuổi, vì chúng làm trầm trọng thêm sự suy giảm chức năng thể chất liên quan đến tuổi tác/quá trình lão hóa, và có thể gây suy nhược.
Có vô số yếu tố nguy cơ liên quan đến lượng calo thiếu hụt và tình trạng suy dinh dưỡng. Các yếu tố nguy cơ đối với sự thiếu dinh dưỡng đã được xác định là do tuổi tác cao hơn, sức khỏe tự nhận thức thấp hơn, tình trạng chức năng thấp, bệnh tật, dùng quá nhiều thuốc, và các triệu chứng trầm cảm.
Người ta cũng phát hiện thấy rằng những người phải nhập viện trước khi nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà thường ăn ít hơn những người không bị nhập viện. Việc ăn uống với người khác làm tăng lượng calo tiêu thụ. Quá trình lão hóa liên quan đến sự giảm thiểu tổng năng lượng sử dụng, và nếu việc này xảy ra đồng thời với lượng năng lượng tiêu thụ không đổi hoặc gia tăng, thì tình trạng thừa cân/béo phì có thể phát triển.
Hiện nay ở Thụy Điển, người cao tuổi bị suy giảm chức năng ít chuyển đến các viện dưỡng lão hơn, thay vào đó họ có nhiều lựa chọn khác hoặc vẫn ở nhà riêng của mình hơn.
Trong số này có nhiều người bị tàn tật và phải phụ thuộc vào người khác để mua, chuẩn bị và/hoặc tiêu thụ thực phẩm. Nhu cầu cần giúp đỡ với việc mua thực phẩm thường xảy ra trước khi nhu cầu hỗ trợ chuẩn bị bữa ăn phát sinh.
Một số người cao tuổi nhận được sự trợ giúp với các hoạt động này từ những nhà cung cấp/người chăm sóc không chính thức. Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy rằng việc sống chung với người khác hoặc nhận được sự giúp đỡ từ những người chăm sóc không chính thức là rất có lợi cho việc ăn uống, và rằng việc một cơ quan chính thức cung cấp các bữa ăn thường xuyên có thể giúp cải thiện lượng thực phẩm tiêu thụ, đồng thời giảm bớt nguy cơ thiếu dinh dưỡng.
Hơn nữa, bằng cách nhận các bữa ăn từ một cơ quan chính thức/chính thống, những người nếu không thể kiếm được hay chuẩn bị thức ăn (nếu không được trợ giúp) có thể tiếp tục sống trong căn nhà của mình.
Nếu xét tất cả các tác động tiêu cực của tình trạng suy dinh dưỡng, thì dường như việc quan trọng nhất là phải xác định những người cao tuổi sống ở nhà mà có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, hoặc những người đã phát triển chứng bệnh này, để có thể cung cấp những hành động phòng ngừa và/hoặc biện pháp điều trị thích hợp.
Để làm vậy, chúng ta cần hiểu biết thấu đáo hơn về hoàn cảnh của người cao tuổi sống tại nhà, liên quan đến dinh dưỡng, từ quan điểm của chính họ. Cuộc nghiên cứu này có mục đích đưa ra quan điểm của người cao tuổi về những hoàn cảnh quan trọng liên quan đến thực phẩm cũng như các bữa ăn.
2. Phương pháp
Cuộc nghiên cứu được tiến hành trong một cộng đồng nhỏ ở miền Nam Thụy Điển (khoảng 12.500 dân), bao gồm hai thị trấn nhỏ hơn. Các biện pháp can thiệp chăm sóc người cao tuổi, chẳng hạn như tiếp nhận các bữa ăn từ một cơ quan chính thống (phân phối thực phẩm/cung cấp các bữa ăn lưu động), được cung cấp từ hai nhà bếp khác nhau, trong đó có một nhà bếp hoạt động trong thị trấn.
Các bữa ăn được phân phối cho người cao tuổi bởi nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà. Người cao tuổi phải trả một khoản phí trợ cấp cho bữa ăn và công đoạn vận chuyển bữa ăn. Mặc dù những người được hỏi sống độc lập, nhưng họ vẫn có thể gia nhập các trung tâm hoạt động xã hội dành cho người cao tuổi và ăn uống ngoài hàng.
Nghiên cứu này là một nghiên cưu định tính mô tả dựa vào các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với 12 người cao tuổi sống tại nhà riêng của họ ở một thành phố nhỏ thuộc miền Nam Thụy Điển. Các tiêu chí để tham gia vào nghiên cứu này là người cao tuổi trên 65 tuổi sống tại nhà riêng (có hoặc không có dịch vụ hỗ trợ và/hoặc các bữa ăn từ một cơ quan chính thống) và có thể giao tiếp bằng tiếng Thụy Điển. Các đối tượng tham gia được tuyển mộ bởi các y tá có trách nhiệm về mặt dinh dưỡng cùng với những nhà quản lý đơn vị của thành phố.
Thông tin bằng văn bản về mục đích của cuộc nghiên cứu, rằng sự tham gia là tự nguyện và cần liên lạc với ai để biết thêm thông tin, được cung cấp cho những người tham gia tiềm năng bởi các nhân viên chăm sóc tại nhà. Không rõ đã có bao nhiêu người nhận được thông tin này. Những người đồng ý tham gia đã được tác giả đầu tiên (E. Edfors) liên lạc qua điện thoại; thông tin bổ sung về nghiên cứu được cung cấp và thời gian cũng như địa điểm phỏng vấn đã được thiết lập.
Có 12 người quan tâm và thực sự tham gia vào nghiên cứu, bao gồm 7 cụ ông và 5 cụ bà, từ 82-94 tuổi (tuổi trung bình 87,7). Bốn người trong số họ sống cùng bạn đời, và tất cả đều được bao gồm trong cuộc nghiên cứu. Trong số những người tham gia/người được hỏi thì có 6 người không sử dụng dịch vụ chăm sóc tại nhà và 3 người trong số này thì lại nhận các bữa ăn từ một cơ quan chính thống. Ba trong số 12 người tham gia không nhận dịch vụ phân phối thực phẩm, 9 người còn lại được phân phối thực phẩm với tần suất dao động từ 3-7 ngày/tuần. Một nửa số người được hỏi đã đánh giá bệnh tình của họ với mức độ nghiêm trọng trung bình, và chỉ có một người đánh giá bệnh của họ là nghiêm trọng.
Bảng 1
Đặc điểm của những người được hỏi.
Số hiệu của các cuộc phỏng vấn | Giới tính | Tuổi | Tình trạng chung sống | Sống trong thị trấn (TT) hay nông thôn (NT) | Dịch vụ chăm sóc tại nhà | Phân phối thực phẩm, ngày/tuần | Mức độ nghiêm trọng của bệnh(1) |
1 | Nam | 84 | Một mình | NT | Không | 7 | Trung bình |
2 | Nam | 90 | Sống chung | TT | Có | 7 | Nhẹ |
3 | Nữ | 87 | Sống chung | TT | Có | 7 | Nghiêm trọng |
4 | Nữ | 94 | Một mình | TT | Có | 7 | Trung bình |
5 | Nam | 82 | Một mình | TT | Không | 7 | Không có |
6 | Nam | 89 | Một mình | NT | Có | 3 | Trung bình |
7 | Nữ | 84 | Một mình | TT | Có | 5 | Nhẹ |
8 | Nữ | 85 | Một mình | TT | Không | 0 | Trung bình |
9 | Nam | 89 | Một mình | TT | Có | 7 | Nhẹ |
10 | Nữ | 88 | Sống chung | NT | Không | 0 | Trung bình |
11 | Nam | 94 | Sống chung | NT | Không | 0 | Trung bình |
12 | Nam | 86 | Một mình | TT | Không | 7 | Nhẹ |
(1)Mức độ nghiêm trọng bệnh tự nhận thức được xếp loại từ không có, nhẹ, trung bình đến nghiêm trọng.
Các cuộc phỏng vấn được tiến hành bởi tác giả đầu tiên (EE) tại nhà của những người được hỏi. Trước khi buổi phỏng vấn bắt đầu, người tham gia đã được cung cấp thông tin làm rõ mục đích của cuộc nghiên cứu, quyền rút lui vào bất cứ lúc nào của họ mà không để lại hậu quả cá nhân, và rằng việc họ tham gia vào nghiên cứu này là tự nguyện. Giữa hai bên đã đạt được một văn bản về sự chấp thuận trên cơ sở được thông tin.
Vì tồn tại nguy cơ về việc các cuộc phỏng vấn có thể được coi là xâm phạm quyền riêng tư và gây căng thẳng cảm xúc, nên những người tham gia được cung cấp cơ hội để liên lạc với các tác giả sau đó. Tất cả tài liệu cũng như dữ liệu cá nhân thu thập được mà có liên quan đến người tham gia sẽ được bảo mật.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện tương ứng với Tuyên ngôn Helsinki về các quy tắc đạo đức. Sự phê duyệt chính thức là không cần thiết đối với kiểu nghiên cứu này, theo luật pháp Thụy Điển.
Các cuộc phỏng vấn được tiến hành như những cuộc phỏng vấn bán cấu trúc dựa vào mục đích của cuộc nghiên cứu. Buổi phỏng vấn bắt đầu bằng một câu hỏi mở và người tham gia được thoải mái nói về một ngày bình thường của họ, với trọng tâm là thực phẩm và các bữa ăn, “mô tả một ngày bình thường và cố tập trung vào các loại thức ăn cũng như bữa ăn trong ngày hôm đó.” Sau đó, họ được hỏi những câu hỏi liên quan đến sở thích thực phẩm và lượng thức ăn tiêu thụ, những khó khăn về sinh lý (nuốt, nhai), những khó khăn về mặt chức năng (nấu nướng, mua sắm), và các khía cạnh xã hội về việc ăn uống.
Những câu hỏi này lấy cảm hứng từ các chủ đề trong “Người cao tuổi trong cộng đồng: Đánh giá rủi ro đối với việc ăn uống và dinh dưỡng, phiên bản II” (SCREEN II) mà đo lường nguy cơ suy dinh dưỡng ở người cao tuổi sống tại nhà riêng. Xuyên suốt buổi phỏng vấn, tác giả, sử dụng các câu hỏi tiếp nối (follow-up question), đã cố nắm bắt tầm quan trọng của hoàn cảnh cũng như các yếu tố tác động đến thực phẩm và bữa ăn của người cao tuổi. Các buổi phỏng vấn diễn ra trong khoảng 40-90 phút và được ghi âm lại bằng các thiết bị số và được phiên âm/biên chép nguyên văn.
Các văn bản phỏng vấn được phân tích quy nạp bằng cách sử dụng phương pháp phân tích nội dung định tính. Phân tích nội dung được mô tả theo hai cấp độ: phân tích nội dung rõ ràng/hiển nhiên (manifest content analysis) tập trung vào nội dung của văn bản từ một khía cạnh/quan điểm bên ngoài dựa vào từ ngữ được viết ra, và phân tích nội dung tiềm ẩn (latent content analysis) mà đi sâu vào nội dung và diễn giải ý nghĩa được truyền tải đằng sau văn bản.
Nghiên cứu này chủ yếu áp dụng kiểu phân tích nội dung rõ ràng. Phân tích được thực hiện trong tất cả các giai đoạn bởi hai tác giả, và liên tục được xen kẽ với toàn bộ và các phần tài liệu thu thập được. Ở bước một, văn bản được đọc đi đọc lại một cách tổng quát, hay còn được gọi là kiểu đọc “ngây thơ.” Các tuyên bố sau đó được đưa ra dựa vào ấn tượng và sự phản ánh về tính toàn diện cũng như các yếu tố quan trọng trong văn bản mà đã xuất hiện trong quá trình đọc “ngây thơ.”
Sau đó, tất cả các phần của văn bản liên quan đến mục đích nghiên cứu được chia thành các đơn vị ý nghĩa mà có vẻ nói về cùng một điều. Ở bước tiếp theo, các đơn vị ý nghĩa được mã hóa. Mật mã đã được thảo luận nghiêm túc và một số hạng mục với các danh mục/nhóm phụ đã xuất hiện.
Cuối cùng, tất cả văn bản được đọc lại một lần nữa và so sánh với kết quả phân tích để đảm bảo mọi hạng mục đều đã bao quát hết nội dung của các văn bản cũng như mật mã. “Open Code” (tạm dịch: Mã Mở) là phần mềm miễn phí được sử dụng cho phương pháp phân tích định tính (UMDAC và Dịch tễ học: Đại học Umeå.
3. Kết quả
Ba hạng mục, mỗi hạng mục lại có từ 2-5 danh mục/nhóm phụ, đã được phát triển dựa trên phân tích văn bản: các thói quen phát triển trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại; tiếp nhận sự hỗ trợ từ người khác với thực phẩm và các bữa ăn; thực phẩm và các bữa ăn hiện tại (Bảng 2).
Bảng 2
Các hạng mục và danh mục phụ liên quan đến quan điểm của người cao tuổi sống ở nhà về thực phẩm cũng như các bữa ăn.
Hạng mục | Danh mục phụ/nhóm phụ |
Các thói quen trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại | Thực phẩm và các bữa ăn |
Vai trò | |
Được người khác giúp đỡ với thực phẩm và các bữa ăn | Điểm vượt ngưỡng chịu đựng |
Chuyển đổi từ độc lập sang phụ thuộc | |
Các bữa ăn trong ngày | |
Chất lượng thức ăn | |
Thực phẩm và các bữa ăn trong cuộc sống hiện tại | Mua bán và vận chuyển thực phẩm |
Nấu nướng | |
Ăn uống |
3.1. Ảnh hưởng của những thói quen trong quá khứ đối với cuộc sống hiện tại
3.1.1. Thực phẩm và các bữa ăn
Các cuộc phỏng vấn cho thấy rằng trải nghiệm thời thơ ấu và khi mới trưởng thành có tác động mạnh mẽ đến cảm giác cũng như quan điểm hiện tại của người được hỏi đối với vấn đề thực phẩm và các bữa ăn.
Rõ ràng là nền tảng của các chuẩn mực và giá trị liên quan đến văn hóa ẩm thực, truyền thống cùng với thói quen ăn uống đã sớm được áp đặt và không thay đổi nhiều trong suốt cuộc đời.
Hồi nhỏ, chúng tôi không bao giờ được phép nói: “Tôi không muốn cái đó, tôi sẽ không ăn nó đâu.” Không, điều đó là không thể (bài phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
Tôi vẫn ăn cùng loại thức ăn trong khoảng thời gian tương tự như khi vợ tôi còn sống và như khi tôi vẫn đi làm (bài phỏng vấn số 9, nam, 89 tuổi).
Đa số những người được hỏi đã sống cả đời trong một môi trường mà họ đã quá quen với việc tự nấu ăn cho bản thân, và có một sự khác biệt giữa các bữa ăn thường ngày với những dịp đặc biệt. Thực phẩm và các bữa ăn cũng đóng một vai trò xã hội quan trọng. Ví dụ, hào phóng với “thế giới bên ngoài” là một việc quan trọng.
Rất đông người đã có mặt trong cả căn nhà, mà căn nhà lại có rất nhiều phòng, và có thức ăn nữa, nhiều lắm, đúng là có rất nhiều thức ăn (bài phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
Tôi nghĩ rằng khi ta ra ngoài, hoặc đến một nơi nào đó, ta nên được mời một cốc cà phê, chí ít thì tôi cũng đã quen với điều đó rồi. Ở quê nhà tôi ấy mà, cà phê sẽ được chuẩn bị sẵn sàng từ giây phút bạn bước qua cửa (bài phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
Những người được hỏi đã lớn lên với một chế độ dinh dưỡng bao gồm các món ăn nhà nấu được chế biến từ các nguyên liệu sản xuất tại địa phương. Ví dụ như các bữa ăn bao gồm cháo, bánh mì nguyên cám, khoai tây, thịt lợn, và cá tươi. Tại các buổi lễ và lễ kỉ niệm, họ có thể được mời thịt của các con vật mới bị mổ xẻ và các món ăn sang trọng hơn.
Từ nhỏ tôi đã quen với các món ăn nhà nấu, nhà làm rồi, chứ không phải macaroni (nui) hay mì Ý như bây giờ (cuộc phỏng vấn số 7, nữ, 84 tuổi).
“Khi tôi mới lớn, lúc bấy giờ lũ lợn phải nặng 125kg khi bị làm thịt. Trên lưng chúng có một lớp mỡ dày” (cuộc phỏng vấn số 11, nam, 94 tuổi).
Chế độ dinh dưỡng phải dựa vào những thành phần, nguyên liệu có trong một mùa và quan trọng là phải “tận dụng mọi thứ có thể cả khi không đủ” và nắm bắt mọi cơ hội để tăng nguồn cung thực phẩm, ví dụ như bằng cách săn bắt, câu cá, và hái quả mọng.
Đến giờ tôi vẫn hái quả mọng để làm sirô. Trước đây tôi còn tự trồng rau nữa (buổi phỏng vấn số 10, nữ, 88 tuổi).
Tôi lớn lên bên bờ biển và không biết gì khác nữa. Bấy lâu nay tôi vẫn tự mình câu cá và làm mọi việc (buổi phỏng vấn số 6, nam, 89 tuổi).
3.1.2. Vai trò
Các cuộc phỏng vấn còn cho thấy một sự phân chia trong vai trò giới liên quan đến trách nhiệm với chế độ dinh dưỡng. Thường thì người phụ nữ trong gia đình có trách nhiệm chính đối với thực phẩm và các bữa ăn. “Vợ tôi là một đầu bếp cực kì tài ba” (bài phỏng vấn số 5, nam, 82 tuổi). Đa số nói rằng họ luôn được phục vụ những món ăn nhà làm và những món ăn được chế biến cẩn thận, và rằng họ biết thức ăn ngon và bổ dưỡng có vị như thế nào.
Trước đây tôi là đầu bếp; tôi từng nấu ăn ở nhà trước khi bị đau tim (bài phỏng vấn số 1, nam, 84 tuổi).
Từ trước đến nay tôi vẫn luôn là một đầu bếp giỏi, và tôi luôn đánh giá cao những món ăn ngon. Chồng tôi lúc nào cũng nói là: “Tại bà nấu ăn ngon quá nên tôi mới phát tướng thế này.” Nhưng tôi cũng trân trọng những điều tốt đẹp… tôi đã muốn… ý tôi là nếu bạn đã định ăn uống gì đó thì tốt hơn hết là hãy ăn những món ngon ấy (bài phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
3.2. Tiếp nhận sự trợ giúp của người khác với các vấn đề liên quan đến thực phẩm và bữa ăn
3.2.1. Thời điểm vượt quá giới hạn chịu đựng
Các buổi phỏng vấn tiết lộ rằng trong nhiều trường hợp, những thay đổi lớn trong khả năng tự chịu trách nhiệm với thực phẩm và các bữa ăn đều có liên quan đến một số dạng biến cố đột ngột. Những biến cố như là người vợ vẫn luôn đứng bếp đột ngột qua đời. Ngoài ra còn có thể do các nguyên nhân khác như là té ngã, nhiễm trùng và các chứng bệnh khác, đơn cử như nhồi máu cơ tim (myocardial infarction), những tình trạng mà trong nhiều trường hợp khiến người cao tuổi phải nhập viện. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự độc lập bao gồm suy nhược nói chung và mất khả năng “sử dụng cơ thể già nua của một người,” đó là những yếu tố liên quan đến “quá trình lão hóa thông thường.”
Khoảng 5 năm trước, vợ tôi gặp tai nạn, và bà ấy không thể tiếp tục nấu ăn được nữa. Chúng tôi phải nhận thực phẩm từ các cơ sở dịch vụ (bài phỏng vấn số 1, nam, 84 tuổi).
4.2.2. Chuyển đổi từ độc lập sang phụ thuộc
Việc hàng ngày phải phụ thuộc vào người khác có thể rất khó chấp nhận. Một cụ ông đã bày tỏ ước muốn mãnh liệt về việc muốn khỏe mạnh trở lại để có thể được tự mình lo liệu mọi thứ.
Tôi tin là mọi việc sẽ thay đổi. Tôi mong ước tự mua cho bản thân một chiếc ô tô vào mùa xuân để tôi có thể lái nó đi mua sắm (buổi phỏng vấn số 6, nam, 89 tuổi).
Những người được hỏi khác lại cảm thấy rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải làm quen với sự thật và chấp nhận tình hình hiện tại.
Tôi đã quá quen với việc này đến nỗi tôi còn không nghĩ xem nó có khó khăn hay không nữa, đây chỉ là một điều gì đó mà tôi phải chịu đựng thôi (buổi phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
Một cụ ông có vẻ thoải mái với việc trở nên phụ thuộc và tỏ ra nghi ngờ quyết định của cộng đồng khi ngừng phân phối thực phẩm cho ông.
Người đánh giá viện trợ nói với tôi là vì giờ cũng lâu quá rồi, có lẽ tôi nên cân nhắc việc tự mình quay lại nấu nướng. Tôi nói sao với cô ta là sao cô khó khăn quá vậy thì cô ta trả lời là việc đó khá tốn kém. Họ sẽ mất 5 cái vương miện à? Hay là 10? Tôi có thể trả khoản tiền chênh lệch cơ mà, vì trước nay tôi cũng đâu phải gánh nặng của xã hội (bài phỏng vấn số 12, nam, 86 tuổi).
3.3. Thực phẩm và các bữa ăn trong cuộc sống hiện tại
3.3.1. Các bữa ăn trong ngày
Hiện nay, và trong quá khứ, các bữa ăn thường ngày của những người tham gia được phân phối thành bữa sáng, bữa tối, và bữa khuya, thường được phục vụ vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Đa số những người tham gia đều ăn bữa chính vào buổi trưa, còn bữa phụ lúc khuya chủ yếu bao gồm các món ăn nhẹ hơn như là trà và bánh mì kẹp. Tuy nhiên, một người đàn ông đã trả lời là muốn có một bữa ăn được nấu tươm tất, đúng cách cho bữa phụ lúc khuya.
Từ các cuộc phỏng vấn, có thể nhận thấy rằng hầu hết những người tham gia đều phân bố các bữa ăn của họ để đêm đến chừa ra một khoảng thời gian dài không ăn gì.
Cả đời này tôi luôn ăn trưa vào lúc 12 giờ trưa. Vậy nên tôi dùng bữa vào buổi trưa, sau đó tôi ăn thêm một lần nữa vào buổi tối, thường lúc đó chỉ ăn những món cực nhẹ (bài phỏng vấn số 6, nam, 89 tuổi).
Người cao tuổi thường không hay ăn nhẹ, trừ khi ai đó thỉnh thoảng thấy đói và ăn, ví dụ, một miếng trái cây, một chiếc bánh quy, hoặc một cái bánh kẹp. Mặt khác, đồ ăn nhẹ dưới dạng tiệc cà phê thường được coi là yếu tố tự nhiên và quan trọng trong các buổi gặp mặt xã hội với những người khác, chẳng hạn như khi bạn bè ghé thăm hoặc khi những người được hỏi tham gia vào các hoạt động xã hội.
Tôi không ăn vặt trừ khi diễn ra các buổi học nhóm, như hôm nay, nơi chúng tôi được phục vụ những chiếc bánh quy nhỏ (cuộc phỏng vấn số 8, nữ, 85 tuổi).
Bốn người được hỏi mà chung sống như những cặp vợ chồng đều dùng bữa cùng nhau, trong khi đó thì những người được hỏi độc thân chủ yếu dùng bữa một mình. Hai người phụ nữ cảm thấy đơn độc khi không có người bầu bạn trong các bữa ăn. Mặt khác, bốn người đàn ông, lại thích ăn một mình hơn. Họ thấy dễ dàng hơn khi có thể ngồi một mình và ăn bất cứ lúc nào họ muốn theo tốc độ của riêng họ, mà không phải để ý đến người khác.
Việc đó cũng tốt mà, đâu có vấn đề gì đâu. Tôi thấy thật tuyệt khi được ngồi yên lặng và thưởng thức bữa ăn của mình (buổi phỏng vấn số 1, nam, 84 tuổi).
Mặc dù những người được hỏi sống độc lập, nhưng họ vẫn có thể đến các trung tâm hoạt động xã hội dành cho người cao tuổi, thậm chí là đi ăn hàng.
Tôi thường ăn một mình. Nhiều lần tôi cũng nghĩ mình nên ra ngoài hàng ăn, vì họ có một phòng ăn tối riêng biệt ở XXX (ghi chú, trung tâm người cao tuổi). Nhưng rồi tôi lại thấy thoải mái hơn khi ăn ở nhà (buổi phóng vấn số 5, nam, 82 tuổi).
Một người phụ nữ cũng nói rằng việc ăn uống ở trung tâm người cao tuổi đòi hỏi quần áo phù hợp, cùng với hành vi xã hội và sự hòa đồng. Môi trường ồn ào, do những người trẻ đến đây ăn trưa từ một ngôi trường gần đó gây ra, có thể cũng là một lý do để ăn ở nhà.
… Và rồi thanh thiếu niên từ ngôi trường gần đó cũng đến đó ăn, và khi đó, thật không dễ dàng gì cho những người già như chúng tôi đây khi phải ở quanh chúng, vì chúng cực kì ồn ào mà lại còn không biết cách cư xử (cuộc phỏng vấn số 7, nữ, 84 tuổi).
Nhìn chung, các cuộc phỏng vấn đã tiết lộ rằng những người được hỏi thường không bỏ bữa. Họ thường có cảm giác thèm ăn tốt. Cảm giác thèm ăn kém và tình trạng giảm cân có thể sinh ra do sự bất ổn tâm lý, do các bệnh khác, do đau buồn, do thiếu các hoạt động ngoài trời và do tính khí nóng nảy.
Phải, là do tâm lý và tâm lý ảnh hưởng đến rất nhiều điều. Nó cực kì nhạy cảm… khi những vấn đề này xảy ra (ghi chú, trầm cảm)… thức ăn không còn ngon nữa, không hề. Thế rồi cuối cùng tôi bỏ bữa và chỉ ăn hai đến ba cái bánh quy mặn một ngày (bài phỏng vấn số 11, nam, 94 tuổi).
Những lý do khác dẫn đến khẩu vị/cảm giác thèm ăn kém hoặc bỏ bữa liên quan đến nội dung của món ăn được phân phối, chẳng hạn như món ăn có vẻ ngoài không hấp dẫn, có vị không ngon hoặc chứa những nguyên liệu mà người cao tuổi không thích hoặc không chịu được, chẳng hạn như các loại gia vị cay, hoặc khó nhai và tiêu hóa.
Và nhìn nó chẳng hấp dẫn chút nào khi được phục vụ trong những cái khay này, nhìn hết muốn ăn luôn. Có một khay đựng sốt và một khay để khoai tây và rồi vài miếng thịt nằm chỏng chơ ở đó… nó không, nó không tạo được cảm giác thèm ăn… và bạn sẽ thấy là… trông nó chán tệ… (bài phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
3.3.2. Chất lượng thực phẩm
Các cuộc phỏng vấn cho thấy những nhận thức khác nhau về chất lượng thực phẩm trong số những người tham gia được phân phối thực phẩm. Những người được hỏi nhận thức ăn từ một nhà bếp riêng rất hài lòng với hàm lượng và chất lượng thực phẩm. Họ hiểu rằng không phải lúc nào họ cũng được phục vụ những món mình yêu thích. Nhóm những người tham gia này cảm thấy thức ăn họ nhận được rất đa dạng và ngon lành, và đánh giá cao sự khác biệt/thay đổi trong thực đơn của các ngày trong tuần và cuối tuần.
Tuyệt vời, đúng vậy… Thức ăn rất, rất ngon. Tôi không có gì để phàn nàn… Nó đa dạng và ngon lành. Có một số thứ tôi không thích lắm, nhưng tôi vẫn sẽ không hủy dịch vụ này đâu (bài phỏng vấn số 12, nam, 86 tuổi).
Những người khác, nhận được thức ăn từ một nhà bếp khác, cảm thấy thức ăn quá nghèo nàn, vô vị, và được chế biến một cách tệ hại. Họ cũng nói rằng thức ăn trông không hề ngon mắt một chút nào, chưa kể còn chứa những loại gia vị không quen thuộc với họ, và bị ảnh hưởng bới các xu hướng ẩm thực hiện đại, chẳng hạn như pizza. Họ yêu cầu nhiều món ăn truyền thống đa dạng hơn, được nấu theo cách truyền thống với các loại gia vị phổ biến như muối, hạt tiêu, thì là, và lá nguyệt quế.
Phải nói thẳng là các món ăn tuy đa dạng… nhưng thực phẩm cho người già chúng tôi đáng lẽ phải được nấu nướng cẩn thận, nhưng vì một lí do nào đó mà có một số món lại bị chế biến không đúng cách chút nào. Tùy vào các loại thức ăn mà chúng nên được luộc hoặc chiến rán đúng cách. Và việc đó rất quan trọng. Còn món này lại bị nấu chín quá mức (cuộc phỏng vấn số 5, nam 82 tuổi).
Họ cũng muốn những nguyên liệu nhất định trong món ăn của mình, chẳng hạn như cá tươi, thịt bê, thịt cừu, rau củ, chất béo/mỡ, và kem. Một người được hỏi đã trả lời rằng họ thích dịch vụ nhà hàng hơn, và dường như đã có được nhiều món ăn ngon lành từ nhà hàng đó hơn so với từ dịch vụ phân phối thực phẩm. Một người phụ nữ cũng đã chọn đổ bỏ thức ăn đi khi vị của chúng quá chán hoặc trông không ngon miệng.
Ở tuổi này tôi, tôi nên được ăn… những thứ mà tôi thích, chứ không phải những món khiến tôi phải nghĩ là: Eo, cái gì đây, sao chán thế. Sao tôi lại cần những món như thế chứ? Tôi không muốn thế một chút nào… và thế là tôi phải đổ bỏ hết vào thùng rác… Tôi đã ném cả một đống tiền vào đó rồi đấy (cuộc phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
Thường thì chính nhân viên chăm sóc tại nhà sẽ nhận được những lời phàn nàn về thức ăn, cả khi những người được hỏi đã biết rằng họ không thể tác động đến chất lượng thực phẩm ở bất cứ mức độ đáng kể nào. Một số bài phỏng vấn đã tiết lộ rằng các đối tượng tham gia nhận thức được những thiếu sót trong mối quan tâm của thành phố trong việc lắng nghe ý kiến của họ về việc phân phối thực phẩm.
Tôi đã nói chuyện với những cô gái này. Tôi thấy thật tội nghiệp cho họ. Họ là những người duy nhất tôi có thể nói chuyện cùng. Những người khác, những người đứng đầu đó lúc nào cũng nói rằng tôi không có thời gian để nói chuyện với ông bà, có lẽ tôi sẽ gọi điện lại cho ông bà vào một lúc khác, thế đấy (cuộc phỏng vấn số 6, nam, 89 tuổi).
3.3.3. Mua bán và vận chuyển thực phẩm
Các cuộc phỏng vấn đã chỉ ra rằng những người sống ở khu vực đô thị hài lòng với tính khả dụng/sẵn có của các siêu thị tích trữ đầy đủ hàng hóa. Việc có nhiều hơn một cửa hàng trong cộng đồng được tin là thúc đẩy sự lựa chọn, chất lượng và giá cả hợp lý. Đa số những người được hỏi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận với các khu chợ ngoài trời mà mở cửa một ngày/tuần, việc này cung cấp cho họ cơ hội mua các sản phẩm địa phương cũng như các loại cá tươi chất lượng tốt. Một dịch vụ quan trọng đối với một cặp vợ chồng sống ngoài khu đô thị là các chuyến thăm thường xuyên của một chiếc xe tải chở cá và một nhà cung cấp thực phẩm tư nhân.
Một người đàn ông và một người phụ nữ, những người tự thu xếp đi mua sắm một cách độc lập, đã nói rằng tiền đề cho việc này là họ có thể tự lái xe đến cửa hàng. Những người được hỏi không còn có thể tự mua thực phẩm đã đưa ra nhiều lý do khác nhau cho việc này, chẳng hạn như mất khả năng lái xe và vận động khó khăn. Năm trong số những người tham gia mà không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng trong việc mua sắm lại được con cái, họ hàng và/hoặc bạn bè phụ giúp, thường là một lần/tuần.
Tôi thường giữ một danh sách. Khi tôi nhận thấy một thứ gì đó đang thiếu, tôi sẽ viết nó ra danh sách, và khi thằng bé đến (ghi chú, người con trai) là mọi thứ đã sẵn sàng (cuộc phỏng vấn số 9, nam, 89 tuổi).
Trước kia chúng tôi có đến bốn cửa hàng, giờ thì không còn nữa. Giờ con gái của tôi giúp tôi mua sắm (bài phỏng vấn số 12, nam, 86 tuổi).
Một người tham gia, người có quyền tiếp cận dịch vụ vận chuyển (vận chuyển bằng taxi được trợ cấp) để mua sắm, lại không sử dụng sự trợ giúp này vì ông ấy thường cần nhiều hơn một chuyến đi để đến được cửa hàng và để di chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng khác.
Tôi có dịch vụ vận chuyển, nhưng nó quá phức tạp và khó khăn… Tôi không biết mình còn bao nhiêu thời gian, và đôi khi tôi cần đến hiệu thuốc, sau đó tôi lại phải đi cả một quãng đường dài từ tận siêu thị để đến được hiệu thuốc, sau đó thì ngực tôi đau nhói và tôi lại phải đặt thêm một chuyến đi nữa… (buổi phỏng vấn số 1, nam, 84 tuổi).
Năm trong số những người được hỏi nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng với việc mua bán và vận chuyển thực phẩm, thường là một lần/tuần. Họ có mong muốn mãnh liệt là có thể kiểm soát việc thiết lập kế hoạch thực phẩm, chẳng hạn như lên các danh sách mua sắm và mua bán hàng hóa. Đa số những người này thường viết những thứ cần mua lên danh sách, hoặc những thứ bị mua nhầm bởi nhân viên chăm sóc tại nhà. Khi việc này xảy ra, người được hỏi thường phải đợi mãi đến lần mua sắm tuần sau.
Họ mua nhầm đồ… Đó là lý do vì sao khi tôi đặt mua một thứ gì đó thì việc có được sự trợ giúp từ một người biết phải làm gì lại quan trọng đến thế, nhất là khi họ có gia đình riêng. Và khi họ cử đến một cô gái làm việc tạm thời… thì tôi lâm vào tình cảnh này. Và khi họ về rồi thì chúa ơi… tôi quên mất rồi (cuộc phỏng vấn số 6, nam, 89 tuổi).
Một người phụ nữ đã yêu cầu hơn một tiếng để mua sắm, vì sự phân phối thời gian ngắn của nhân viên dành cho mục đích này khiến bà không thể cùng họ đi đến cửa hàng. Bà muốn có thể so sánh những món hàng hóa mà các cửa hàng khác nhau cung cấp và tự đưa ra quyết định.
Một tiếng là quá ngắn ngủi. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn ở cửa hàng. Hai tiếng là đủ để đến cả XXX và YYY mà không phải vội vàng (ghi chú, hai cửa hàng). Tôi sẽ được tự mình xem những món cần mua chứ không chỉ đưa ra yêu cầu gì đó. Tôi không biết họ bán những món hàng gì và món nào thì tốt (bài phỏng vấn số 4, nữ, 94 tuổi).
3.3.4. Nấu ăn
Nấu ăn đôi khi được coi là một việc ý nghĩa và thú vị. Một người phụ nữ thích nấu tất cả các loại thức ăn, cho cả bà ấy và cho những người khác nữa. Bốn người đàn ông tham gia mà tiếp nhận dịch vụ phân phối thực phẩm cũng đánh giá cao việc nấu nướng, và thấy dễ dàng hơn khi chuẩn bị các bữa ăn sáng và ăn tối, khi họ không phải chịu trách nhiệm cho bữa chính. Một số người được hỏi chọn mua thức ăn đông lạnh chế biến sẵn và các bữa ăn đầy đủ cho bữa chính.
Một lý do cho việc này có thể là vì họ bị suy yếu và không có đủ sức để tự mình nấu bữa ăn chính. Ngoài ra cũng có thể là do việc tự nấu ăn cho chính bản thân họ thì quá nhàm chán. Các món ăn chuẩn bị sẵn cũng được coi là dễ nấu hơn, ví dụ, bằng lò vi sóng, một sự thay thế không tốn kém và đôi khi còn ngon hơn thức ăn được phục vụ tại trung tâm dành cho người cao tuổi của thành phố.
Nấu ăn không còn vui nữa, giờ tôi chỉ còn một mình, nên tôi cứ mua thức ăn nấu sẵn (cuộc phỏng vấn số 7, nữ, 84 tuổi).
Tôi mua thực phẩm chế biến sẵn tại cửa hàng. Tôi nghĩ nó ngon hơn XXX (ghi chú quán ăn trung tâm dành cho người cao tuổi)… (bài phỏng vấn số 7, nữ, 84 tuổi).
Tôi không nhớ việc nấu nướng; chỉ lo bữa sáng và bữa tối là đủ rồi (bải phỏng vấn số 9, nam, 89 tuổi).
3.3.5. Ăn uống
Các vấn đề mà những người được hỏi nêu ra về việc ăn uống, trong hầu hết các trường hợp, đều có liên quan đến sức khỏe răng miệng và tình trạng bộ răng của họ. Răng gãy vỡ và răng giả thích nghi kém có thể là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn khi nhai. Một số người tham gia nghĩ rằng thịt từ dịch vụ phân phối thực phẩm quá dai và khó nhai.
Tôi không ăn những thứ khó tiêu hóa, chẳng hạn như đậu nâu, súp đậu, và tôi cũng không nhai được cả miếng thịt để nguyên (cuộc phỏng vấn số 2, nam, 90 tuổi).
Những vấn đề ăn uống có liên quan đến sự xuất hiện của các triệu chứng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm trong miệng và nôn nao do các vấn đề từ thực quản và dạ dày. Những khó khăn trong việc nuốt thực phẩm cũng liên quan đến sức khỏe răng miệng, tình trạng răng, hàm lượng/chất lượng thực phẩm, và phương pháp nấu ăn. Những người được hỏi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng và thường xuyên đi khám nha sĩ để duy trì sức khỏe răng miệng tối ưu.
… Răng tôi giờ tệ hơn rồi. Thường thì tôi vẫn có thể nhai thức ăn… nhưng một số món lại quá khó nhai (bài phỏng vấn số 2, nam, 90 tuổi).
Hầu hết những người tham gia đều đã có lúc bị hóc nghẹn một thứ gì đó. Trong hai trường hợp, tình hình đã phát triển đến mức đe dọa đến cả tính mạng. Những người được hỏi đề cập là họ từng bị hóc nghẹn những món bao gồm thuốc viên, vụn bánh mì, những miếng thức ăn lớn, và thịt dai.
… Họng tôi hơi hẹp. Tôi từng bị hóc vụn bánh mì và một số thứ khác (buổi phỏng vấn số 10, nữ, 88 tuổi).
4. Thảo luận
Mục đích của nghiên cứu này là mô tả quan điểm của người cao tuổi sống tại nhà về những hoàn cảnh quan trọng liên quan đến thực phẩm cũng như các bữa ăn. Phân tích các cuộc phỏng vấn cho thấy rằng cuộc sống trước đây của những người tham gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm của họ về thực phẩm và các bữa ăn.
Souter và Keller cũng đưa ra các kết quả tương đồng trong một nghiên cứu mô tả cách những thứ mà người cao tuổi ăn phụ thuộc vào những trải nghiệm trong cuộc sống quá khứ và cách tiếp cận tuổi già của họ.
Các nghiên cứu khác liên quan đến thực phẩm và bữa ăn chỉ ra rằng những thói quen và sở thích được hình thành trong thời thơ ấu và giai đoạn thanh thiếu niên là rất khó thay đổi trong cuộc sống trưởng thành và rằng chế độ dinh dưỡng thường giống với những thứ mà người cao tuổi từng ăn khi lớn lên. Điều này cũng đã được ghi nhận ở các nền văn hóa khác.
Các buổi phỏng vấn với người cao tuổi Đài Loan đã chỉ ra những thay đổi nhỏ trong mô hình ăn uống/chế độ ăn uống, và cách những sở thích/sự ưu tiên đối với thói quen truyền thống từ các thế hệ trước đã ảnh hưởng đến thực phẩm và các bữa ăn của họ như thế nào.
Việc phát triển công tác hỗ trợ liên quan đến thực phẩm và các bữa ăn dành cho người cao tuổi đòi hỏi kiến thức về nhu cầu hiện tại của một cá nhân, nhưng các thói quen hình thành trong cuộc sống trước đây cũng phải được cân nhắc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng nhu cầu cần được giúp đỡ trong việc quản lý thực phẩm và các bữa ăn hàng ngày của những người tham gia thường nảy sinh trong mối quan hệ với biến cố bất ngờ trong cuộc đời. Những biến cố cuộc đời căng thẳng cũng góp phần làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng suy dinh dưỡng. Ví dụ như vợ/chồng của một người qua đời hoặc người đó bị lâm bệnh và phải nhập viện. Họ nhận thức việc phải phụ thuộc vào người khác vừa tiêu cực vừa tích cực.
Hầu hết những người được hỏi đều nói rằng người phụ nữ trong gia đình có trọng trách chính trong việc chuẩn bị các bữa ăn. Một số người đàn ông tham gia nghiên cứu đã báo cáo rằng việc vợ họ qua đời là biến cố vượt quá ngưỡng chịu đựng của họ, cũng là nguyên nhân khiến họ phải phụ thuộc vào dịch vụ phân phối thực phẩm, và họ cho rằng dịch vụ này là lựa chọn thay thế hiệu quả để nhận được thực phẩm bổ dưỡng.
Tuy nhiên, những người phụ nữ trước đây tự nấu nướng hết cho bản thân lại đề cập đến những khó khăn trong việc chấp nhận tình hình hiện tại và trong việc tự điều hòa/hòa giải với những điều kiện phân phối thức ăn. Điều này thống nhất với một nghiên cứu mà cho thấy rằng việc phụ thuộc vào người khác là rất khó chấp nhận, nhưng phụ thuộc vào các bữa ăn từ dịch vụ phân phối thực phẩm cũng đồng nghĩa việc chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng phụ nữ cao tuổi sống một mình có xu hướng đơn giản hóa việc nấu nướng và ăn uống, và thường ít ăn những bữa ăn nấu chín cũng như tham gia vào những sự kiện có cà phê và bánh ngọt hơn, và rằng kĩ năng nấu ăn kém ở đàn ông cao tuổi là một rào cản đối với việc cải thiện việc tiêu thụ năng lượng, ăn uống lành mạnh và khẩu vị/cảm giác thèm ăn.
Những biến cố cuộc đời đột ngột thường thay đổi các thói quen liên quan đến thực phẩm và bữa ăn, và nam giới cũng như nữ giới thường thích nghi với những hoàn cảnh mới theo các cách khác nhau phụ thuộc vào vai trò và trải nghiệm trước đó. Những biến cố này rất cần được nắm bắt để làm nổi bật nhu cầu dành cho sự hỗ trợ nhằm đưa ra những hành động cần thiết.
Trong nghiên cứu này, các thói quen được thiết lập trong cuộc sống quá khứ, cùng với những biến cố tiêu cực trong cuộc đời đã ảnh hưởng đến thực phẩm cũng như các bữa ăn trong cuộc sống hiện tại. Cũng có thể là quan điểm tương lai ảnh hưởng đến việc tiêu thụ thực phẩm hiện tại. Shifflet đã nghiên cứu những thay đổi trong thói quen ăn uống/thói quen thực phẩm trong một vài nghiên cứu ở các bệnh nhân cao tuổi hay ghé thăm những địa điểm cung cấp dịch vụ dinh dưỡng. Mặc dù trọng tâm của những nghiên cứu này là về sự thay đổi trong thói quen ăn uống, nhưng vẫn có một số ý nghĩa thú vị đối với vốn hiểu biết về những phát hiện trong nghiên cứu hiện tại.
Trong một nghiên cứu, các khung thời gian mà ở đó những thay đổi trong thói quen ăn uống được đàm phán đã được đi sâu tìm hiểu. Người ta phát hiện thấy là những thay đổi trong thói quen ăn uống được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài (tuân theo chế độ dinh dưỡng do bác sĩ chỉ định, thay đổi lượng thực phẩm tiêu thụ vì thay đổi khẩu vị, cách ly xã hội, và giảm thu nhập) hoặc được thúc đẩy bởi các yếu tố bên trong (chế độ dinh dưỡng tự quy định, duy trì các thói quen ăn uống đã gắn bó suốt một đời người, giảm lượng thực phẩm tiêu thụ do ít hoạt động hơn).
Thêm vào đó, những trải nghiệm trong quá khứ kết hợp với một quan điểm tiêu cực hoặc tích cực về tương lai đã dẫn đến sự khác nhau trong mức độ tuân theo các chế độ dinh dưỡng đặc biệt.
Những người tham gia vào nghiên cứu hiện tại đã bày tỏ mong muốn được duy trì những thói quen ăn uống mà cả đời họ đã quá thân thuộc và một mong muốn như thế có khả năng tác động tiêu cực đến nỗ lực đạt được những thay đổi tích cực trong thói quen ăn uống, nếu điều đó là cần thiết.
Tuy nhiên, những người được hỏi lại không bày tỏ bất cứ mối quan ngại nào về việc tương lai ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của họ ở mức độ nghiêm trọng. Điều này có thể là do thói quen ăn uống của họ đã ít nhiều thay đổi bởi những biến cố tiêu cực trong cuộc sống trước đây.
Trong một nghiên cứu khác do Shifflett và McIntosh thực hiện, họ nhận ra rằng trong số những người với quan điểm tương lai tích cực thì có 9,7% số người được hỏi đã thay đổi thói quen ăn uống một cách tiêu cực. Tuy nhiên, trong số những người có quan điểm tương lai tiêu cực thì có đến 32,4% là đã thực hiện những thay đổi tiêu cực trong thói quen thực phẩm.
Một số kiểu gián đoạn/cản trở và lo ngại có thể liên quan đến quan điểm tiêu cực về tương lai và những thay đổi tiềm năng trong thói quen ăn uống đã được xác định – là phụ nữ, mất bạn đời, sống một mình, nhận thức về tình trạng sức khỏe đang suy giảm, và thu nhập thấp. Cũng trong nghiên cứu hiện tại, các yếu tố như mất bạn đời, sống một mình và sức khỏe suy giảm dường như đều ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng mua bán, chuẩn bị và/hoặc tiêu thụ thực phẩm.
Dựa vào những phát hiện trong nghiên cứu của Shifflet cùng với những phát hiện từ nghiên cứu này, có vẻ như việc quan trọng cần làm không chỉ là xem xét những trải nghiệm quá khứ cũng như các biến cố tiêu cực trong đời, mà còn phải chú trọng vào quan điểm về tương lai của người cao tuổi để đàm phán các mô hình sử dụng thực phẩm phù hợp.
Kết quả nghiên cứu được dẫn dắt bởi mong muốn lựa chọn và đưa ra quyết định về việc mua sắm, nấu nướng và ăn uống của những người tham gia/người được hỏi. Điều này có thể đồng nghĩa với việc truy cập/tiếp cận các loại thực phẩm tươi chất lượng cao, ngồi ăn một mình trong yên bình hoặc cơ hội đi mua sắm với nhân viên chăm sóc tại nhà.
Những phát hiện tương tự cũng đã được nhấn mạnh trong một nghiên cứu của Pajalic cùng cộng sự, trong nghiên cứu này những người cao tuổi nhận dịch vụ phân phối thực phẩm muốn có nhiều món ăn ngon hơn từ các sản phẩm tự nhiên và muốn được nếm “những món ăn nhà nấu.”
Các phát hiện đã cho thấy rằng chất lượng của sự hỗ trợ dành cho người cao tuổi sống tại nhà riêng còn phụ thuộc vào khả năng tham gia vào các quyết định về thực phẩm và bữa ăn, và phụ thuộc vào việc liệu sự trợ giúp đó có được đưa ra theo điều khoản riêng của từng cá nhân và được thiết kế dựa vào thói quen cũng như sở thích cá nhân hay không.
Luật chăm sóc sức khỏe Thụy Điển cùng với các dịch vụ xã hội đã làm rõ là sự chăm sóc và trợ giúp phải dựa trên cơ sở tôn trọng quyền tự chủ (tự do quyết định) và tính toàn vẹn của mỗi cá nhân. Lão hóa và bệnh tật có thể gây ra sự sụt giảm thể chất và tinh thần, điều này có thể khiến một cá nhân không thể tiếp tục đưa ra lựa chọn bản thân họ mong muốn nữa, mà phải làm quen và thích nghi với tình hình mới. Họ vẫn có quyền tự quyết chừng nào họ có thể tự do đưa ra sự lựa chọn của mình, ngay cả khi đó không phải sự lựa chọn được mong muốn nhất.
Với những người tiếp nhận dịch vụ trợ giúp tại nhà chính thống, tất cả nhân viên chăm sóc có thể giúp họ duy trì sự độc lập và tự chủ của họ bằng cách xây dựng những mối quan hệ tin tưởng, nhận thức được nhu cầu của họ để cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.
Quyền tự chủ của người cao tuổi có thể được thúc đẩy và khẳng định thông qua việc trao quyền cùng với những cơ hội để tác động đến tình hình của chính họ. Việc viết ra danh sách mua sắm, có quyền tiếp cận với tờ rơi, đi mua sắm, nấu nướng với nhân viên chăm sóc, được chọn nhiều hơn một món ăn, và có thể tác động đến nội dung thực đơn và các món ăn là những yếu tố có thể giúp khẳng định sự tham gia và trao quyền.
Trong khâu lên kế hoạch và thực hiện nghiên cứu định tính, quan trọng là phải xét đến các yếu tố như là độ tin cậy và khả năng chuyển nhượng (transferability). Một điều kiện tiên quyết để hình thành ý kiến về độ tin cậy là tất cả các bước trong quá trình nghiên cứu đều phải được mô tả kĩ lưỡng. Dữ liệu được thu thập thông qua các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với người cao tuổi sống tại nhà riêng. Những người tham gia được tuyển mộ bởi những người đứng đầu đơn vị cộng đồng, và tồn tại một nguy cơ là chỉ những người cao tuổi với cảm xúc tích cực mới đồng ý tham gia.
Chúng tôi không có cách nào để biết có bao nhiêu người đã từ chối tham gia hay vì sao họ lại từ chối. Tuy nhiên, kết quả của cuộc nghiên cứu đã cho thấy cả khía cạnh tích cực lẫn khía cạnh tiêu cực; và mặc dù số lượng người tham gia tương đối ít, nhưng kết quả thu được vẫn có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc có giá trị về những điều quan trọng cần cân nhắc về thực phẩm cũng như các bữa ăn dành cho người cao tuổi sống tại nhà riêng.
Các văn bản phỏng vấn đã được phân tích bằng phương pháp phân tích nội dung. Để giảm thiểu rủi ro liên quan đến ảnh hưởng của nhà nghiên cứu, hai tác giả đã đọc những văn bản này một cách độc lập vô số lần, sau đó thảo luận cách hiểu, cách diễn giải của họ trong từng bước phân tích. Để đảm bảo rằng không có dữ liệu nào liên quan đến mục đích nghiên cứu bị loại trừ, kết quả cuối cùng được đối chiếu lại với văn bản gốc. Nội dung của kết quả cũng được hỗ trợ bởi các đoạn trích dẫn minh họa cho thấy nguồn gốc/sự trích xuất từ các văn bản phỏng vấn nghiên cứu.
Kết luận
Việc đáp ứng nhu cầu về tình trạng dinh dưỡng tối ưu của người cao tuổi sống tại nhà riêng đòi hỏi kiến thức về sở thích cũng như thói quen cá nhân, từ cả cuộc sống trước đây và cuộc sống hiện tại của họ.
Quan trọng là phải chú ý đến các yếu tố nguy cơ mà có thể ảnh hưởng đến khả năng tự quản lý chế độ dinh dưỡng của một cá nhân, chẳng hạn như những biến cố lớn trong đời và khi phải nhập viện.
Nhu cầu cá nhân về quyền tự quyết và sự tham gia nên được cân nhắc trong các nỗ lực lập kế hoạch và phát triển của người cao tuổi liên quan đến thực phẩm và các bữa ăn.
Những chuyến thăm nom tại nhà dành cho người cao tuổi mà không sử dụng dịch vụ giúp đỡ tại nhà và/hoặc nhận bữa ăn từ một cơ quan chính thống, có thể là một cách để nắm bắt những khó khăn trong việc mua bán, chuẩn bị và/hoặc tiêu thụ thực phẩm.
Điều này có thể được thực hiện để đưa ra lời khuyên và/hoặc đề xuất việc cung cấp sự giúp đỡ chính thống. Một biện pháp can thiệp khác có thể là phát triển một chương trình thúc đẩy việc ăn uống với các cao niên khác. Người cao tuổi có thể được đón tại nhà, sau đó được đưa đến một nhà hàng trung tâm dành cho người cao tuổi mà ở đó họ sẽ được phục vụ những bữa ăn bổ dưỡng, đồng thời còn có cơ hội giao lưu với người khác.
Xung đột lợi ích
Các tác giả tuyên bố rằng họ không có xung đột lợi ích.
Đóng góp của các tác giả
Edfords và A. Westergren đều đã góp công lao to lớn vào nghiên cứu này, cụ thể là trong việc thiết kế và “thai nghén” nghiên cứu, phân tích, điều phối và soạn thảo bài báo. Công tác thu thập dữ liệu được thực hiện bởi E. Edfords. Cả hai tác giả đều đã đọc và phê duyệt bản thảo/bài báo cuối cùng.
Lời cảm ơn
Các tác giả muốn gửi lời cảm ơn đến toàn bộ những người được hỏi vì sự tham gia của họ. Họ cũng cảm ơn Kerstin Ulander (người đã khuất) vì ban đầu đã tham gia vào nghiên cứu này. Cuộc nghiên cứu được hỗ trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Thụy Điển và Quỹ Nghiên cứu và Phát triển của Hội đồng Quận Skåne. Nghiên cứu được tiến hành trong Nhóm Đánh giá, Nghiên cứu, Giáo dục Lâm sàng Kết quả do Bệnh nhân Báo cáo (PRO-CARE), Đại học Kristianstad.
– – –
- Bài viết gốc: Home-Living Elderly People’s Views on Food and Meals
- Tác giả: E. Edfors và A. Westergren
- Doi: 10.1155/2012/761291
- Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến hướng dẫn ăn đúng