Luyện con ngủ ngoan – những điều cơ bản ba mẹ nên biết

Út Em chào các mẹ. Luyện con ngủ ngoan chính là quá trình luyện tập giúp bé yêu đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc.

Thực tế cho thấy một vài bé ngủ rất nhanh và rất ngoan. Nhưng nhiều bé khác lại cực kỳ khó ngủ hoặc khó ngủ lại nếu thức giấc – và đây chính là lúc bé cần sự giúp đỡ từ chúng ta.

Có hai luồng ý kiến lớn liên quan đến phương pháp luyện cho con ngủ ngoan, đó là: Phương pháp “cry it out” (để bé khóc) và phương pháp “no tears” (không nước mắt). Bên cạnh đó, một vài chuyên gia về giấc ngủ khuyến nghị các bậc bố mẹ nên sử dụng kết hợp cả hai phương pháp này.

luyện con ngủ ngoan

Thời điểm nào là thích hợp để luyện tập con ngủ ngoan?

Các chuyên gia cho hay, khoảng từ 4 – 6 tháng tuổi, hầu hết các bé đều đã sẵn sàng cho việc được “đào tạo” và có thể ngủ liền mạch từ 8 – 12 tiếng.

Bố mẹ có thể bắt đầu việc luyện tập bằng cách xây dựng lịch trình ngủ cho con khi bé được khoảng 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, chúng ta cũng không cần phải quá lo lắng nếu bé đã lớn hơn, bởi không bao giờ là quá muộn để bắt đầu mà.

Bố mẹ cần chuẩn bị những gì để luyện con ngủ ngoan?

Vào khoảng 6 tuần tuổi, bố mẹ có thể bắt đầu xây dựng lịch trình ngủ cho con. Ví dụ, vào cùng một khoảng thời gian mỗi tối, bố mẹ sẽ đọc cho bé nghe một cuốn sách, cho bé ăn, và cuối cùng là cho bé đi ngủ…

Bố mẹ cũng nên cố gắng đánh thức trẻ dậy vào cùng một khoảng thời gian mỗi sáng, và tương tự, cho trẻ ngủ trưa vào cùng một khoảng thời gian mỗi ngày.

Trong khoảng ba tháng đầu đời, bé sẽ dần ngủ nhiều hơn vào ban đêm và ít hơn vào ban ngày. Vì vậy, bố mẹ sẽ cần phải điều chỉnh thời gian ngủ sao cho phù hợp với sự phát triển của bé.

Thông thường, khi được ba tháng tuổi trở lên, các bé sẽ bắt đầu phát triển chu trình ngủ/thức và giảm dần những cữ bú ban đêm. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể bé đã sẵn sàng cho việc luyện tập.

Trước khi bắt đầu quá trình luyện tập, bố mẹ cần đảm bảo bé không mắc phải những căn bệnh có ảnh hưởng đến giấc ngủ. Sau đó, điều cần làm là linh hoạt khi chọn lựa phương pháp và cẩn thận quan sát những phản ứng của bé với phương pháp đó.

Nếu con kháng cự hoặc có sự thay đổi mang tính tiêu cực trong tâm trạng và hành vi, bố mẹ nên tạm dừng một vài tuần trước khi áp dụng lại.

Tất nhiên, mỗi bé mỗi khác. Một số bé có thể sẵn sàng luyện tập ngay từ khi còn rất nhỏ, trong khi các bé khác lại muộn hơn. Và một số trẻ dù còn rất bé nhưng đã có thể ngủ 7 tiếng hoặc hơn, trong khi một số bé phải lớn hơn mới ngủ được giấc dài như vậy.

Để chắc chắn bé đã sẵn sàng luyện tập hay chưa, bố mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nhé.

Có những phương pháp luyện tập nào?

Có rất nhiều cách để tạo những thói quen ngủ lành mạnh cho bé. Vậy bố mẹ nên chọn phương pháp nào? Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào việc bố mẹ cảm thấy phương pháp nào là thoải mái và mang lại hiệu quả cao nhất.

Lợi ích mà mỗi phương pháp mang lại vẫn là vấn đề còn nhiều tranh luận, tuy nhiên, có vẻ sự nhất quán trong việc thực hiện thời gian biểu đã xây dựng lại đóng vai trò quan trọng hơn cả phương pháp được lựa chọn.

Khi xem lại 52 nghiên cứu về giấc ngủ được xuất bản trên Tạp chí Sleep, chúng ta có thể thấy rằng tất cả các phương pháp đều sẽ mang lại hiệu quả nếu được tuân thủ một cách nhất quán. Vì vậy, chúng ta có thể chọn phương pháp nào mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, miễn là đảm bảo được tính nhất quán khi thực hiện.

Hầu hết các phương pháp đều tuân theo một trong những hướng tiếp cận cơ bản sau:

Phương pháp “Cry it out” (Để trẻ khóc)

Những phương pháp tuân theo hướng tiếp cận này cho rằng: Sẽ không sao cả nếu bố mẹ cứ để trẻ khóc. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là phương pháp này ủng hộ việc bố mẹ để trẻ khóc hoài không dứt.

Thông thường, phương pháp này khuyến khích bố mẹ cho bé đi ngủ khi bé vẫn còn thức. Nếu bé khóc, bố mẹ có thể dỗ dành để trẻ bình tĩnh lại (nhưng tuyệt đối không bế ru trẻ ngủ).

Phương pháp “Để bé khóc” nổi tiếng nhất hiện nay được phát triển bởi bác sĩ nhi khoa Richard Ferber, Giám đốc Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ Nhi tại Bệnh viện Nhi Boston.

Bác sĩ Ferber cho hay để bé có thể tự mình đi vào giấc ngủ và ngủ ngoan, các bé sẽ cần phải học cách tự làm dịu chính mình, việc này bao gồm cả việc để bé khóc một mình trong một khoảng thời gian nhất định.

Phương pháp “No tears” (Không nước mắt)

Theo cách tiếp cận này, chúng ta hướng đến cách tiếp cận từ từ, từng bước một. Theo đó, bố mẹ có thể dỗ dành trẻ ngay khi trẻ khóc.

Bác sĩ nhi khoa William Sears, tác giả của cuốn sách The Baby Sleep Book (tạm dịch: Cuốn sách về giấc ngủ của bé) được xem là người tiên phong cho phương pháp này.

Tác giả Elizabeth Pantley cũng đã chỉ rõ từng bước thực hiện phương pháp “không nước mắt” trong cuốn The No-Cry Sleep Solution (tạm dịch: Giải pháp cho giấc ngủ không có nước mắt).

Các phương pháp khác

Một số chuyên gia cho rằng nên kết hợp cả hai phương pháp nêu trên để mang lại hiệu quả luyện tập cho bé, trong đó có lẽ được biết đến nhiều nhất là bác sĩ nhi khoa Harvey Karp – tác giả cuốn sách The Happiest baby on the Block (tạm dịch: Đứa bé hạnh phúc nhất trên ô khối).

Ông gợi ý một lịch trình hết sức cụ thể bao gồm 5 chữ S: swaddling (quấn chặt bé lại), side or stomach position (đặt em bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp), shushing (tạo âm thanh shhhh – loại âm thanh giúp bé cảm thấy yên ổn), swinging (đung đưa), và sucking (cho bé bú).

Lưu ý: Phương pháp này nên được áp dụng cho bé trong khoảng thời gian 6 tuần đầu sau sinh – khi còn quấn được bé. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể sử dụng 4 chữ S còn lại miễn là nó mang lại hiệu quả.

[adinserter block=”12″]

Các chuyên gia nói gì?

Richard Ferber, Bác sĩ nhi khoa – tác giả cuốn sách Solve your child’s sleep problems (tạm dịch: Giải pháp cho những vấn đề về giấc ngủ ở trẻ)

Khi bé được 3 tháng tuổi và đã phát triển khá rõ ràng các thói quen ngủ/thức trong một ngày, bố mẹ cần xây dựng một thời gian biểu chặt chẽ hơn để luyện tập cho bé.

Nếu có một thời gian biểu hợp lý, cộng với tính nhất quán và bền bỉ trong việc thực hiện, dần dần bé sẽ hình thành nên những thói quen ngủ lành mạnh. Và ngược lại, nếu thời gian cho bé ăn, bé chơi, tắm và các hoạt động khác thay đổi một cách liên tục, rất có thể giấc ngủ của bé cũng sẽ bị đảo lộn.

Marc Wessbluth, Bác sĩ nhi khoa – tác giả của cuốn sách Healthy Sleep Habits, Happy Child (tạm dịch: Bé hạnh phúc hơn nhờ những thói quen ngủ lành mạnh)

Với các bé dưới 4 tháng tuổi, bố mẹ nên thuận theo nhu cầu về giấc ngủ của bé. Thời điểm này bố mẹ chưa cần xây dựng thời gian biểu cũng như ép buộc con phải tuân theo thời gian biểu này. Tôi cho rằng bố mẹ chỉ nên tác động tới giấc ngủ khi con được 4 tháng tuổi trở lên.

William Sears, bác sĩ nhi khoa – tác giả của cuốn sách The Baby Sleep Book (tạm dịch: Cuốn sách về giấc ngủ của trẻ)

Bố mẹ nên chuẩn bị và thực hiện nhất quán một phương pháp cho mỗi giai đoạn phát triển của bé. Các phương pháp này sẽ chưa cần thay đổi trừ khi bé bước sang một giai đoạn mới. Bố mẹ cũng nên thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để chọn được phương pháp phù hợp.

Hơn hết, chúng ta cần nghe theo lời mách bảo của trái tim người làm cha mẹ hơn là bất kỳ một lời khuyên về việc rèn luyện con ngủ ngoan nào khác. Và rồi bố mẹ và con sẽ cùng tìm ra được phương pháp phù hợp nhất với gia đình mình.

Cathryn Tobin, bác sĩ nhi khoa – tác giả cuốn sách The Lull-A-Baby Sleep Plan
(tạm dịch: Lập kế hoạch giấc ngủ cho con)

Sau khi kết thúc chuyến đi tại Bệnh viện dành cho trẻ ốm ở Toronto, Canada – một trong những trung tâm y tế trẻ em bận rộn nhất trên thế giới, tôi nhận ra rằng những kiến thức mà chúng tôi có được về việc luyện cho bé ngủ ngoan đã hoàn toàn lỗi thời.

Đầu tiên, chúng tôi cho phép những thói quen ngủ không lành mạnh hình thành, sau đó lại nỗ lực để phá bỏ những thói quen ấy. Nhận thức được sai lầm này, giải pháp được đưa ra đó là:

Cố gắng hình thành ở trẻ những thói quen ngủ lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta sẽ không cần phải vật lộn với việc phá bỏ những thói quen xấu xí kia nữa.

Jodi Mindell, nhà tâm lý học – tác giả cuốn sách Sleeping Through the Night (tạm dịch: Ngủ ngoan suốt đêm)

Càng luyện tập để con tự ngủ nhiều, bố mẹ sẽ càng sớm nhận thấy được kết quả. Bé sẽ dễ dàng tự đi vào giấc ngủ và bố mẹ cũng sẽ có được những giấc ngủ thật an lành.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chần chừ, nên luyện tập cho con càng sớm càng tốt. Chúng ta cần hiểu rằng, một khi trẻ đã lớn hơn – khoảng 5-6 tháng tuổi – chặng đường giúp con tự ngủ ngoan sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Tracy Hogg, y tá – tác giả cuốn sách Secrets of the Baby Whisperer (tạm dịch: Bí mật tiếng thầm thì của con)

Thật lạ là nhiều người không nhận ra rằng con cần sự hướng dẫn của bố mẹ để hình thành nên những thói quen ngủ lành mạnh.

Sự thật thì lý do cho cái gọi là những vấn đề về giấc ngủ rất đơn giản, đó chính là bố mẹ không nhận ra là chính họ – chứ không phải con cái – phải quản lý được thời gian ngủ của bé.

Vậy tôi có nhất thiết phải áp dụng phương pháp luyện tập nào đó cho bé không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Các bậc cha mẹ thường quyết định thử một phương pháp nào đó bởi họ đã kiệt sức vì con ngủ khó ngủ, hoặc quá phiền lòng bởi những thói quen ngủ của con, hoặc bất kỳ phương pháp nào thử nghiệm trước đó cũng đều thất bại.

Nếu chúng ta vẫn cảm thấy ổn với thói quen ngủ của con thì không có lý do gì để thay đổi cả, phải không nào?

Mỗi gia đình có một mong muốn và mức độ kiên nhẫn khác nhau. Một đứa bé 9 tháng tuổi thức giấc hai lần trong một tối có thể khiến bố mẹ hết sức lo lắng, nhưng có thể gia đình khác lại không thấy vậy. Nếu thói quen ngủ của con làm bố mẹ quá vất vả – có thể bạn sẽ cần lời khuyên, sự chia sẻ từ các chuyên gia và các bậc cha mẹ khác.

Và dưới đây là một vài điều cần chúng ta cần cân nhắc:

  • Một vài bé vốn dĩ ngủ rất ngoan. Nhưng nhiều bé khác lại rất hay cáu bẳn, dễ thức giấc và có thể cần sự uốn nắn – nói cách khác là sự tác động nhiều hơn để giúp bé ngủ ngoan.
  • Mỗi đứa trẻ lại có một thói quen ngủ khác nhau, thậm chí là những đứa trẻ sinh ra trong cùng một gia đình cũng vậy. Vì vậy nếu chiến lược giúp bé ngủ ngoan đã được áp dụng thành công với bé đầu tiên, nhưng sang bé thứ hai lại thất bại thì điều này cũng dễ hiểu thôi, và có lẽ bố mẹ sẽ cần thử một vài “cao kiến” khác.
  • Bố mẹ có thể sẽ không đủ dũng cảm để theo đuổi phương pháp “cry it out”.
  • Bố mẹ không cần phải nghiêm ngặt tuân theo một phương pháp nào. Chúng ta có thể áp dụng linh hoạt, chọn lọc, miễn sao nó mang lại hiệu quả.
  • Đôi khi những cách thông thường nhất lại là phương pháp tốt nhất. Mỗi gia đình thường cũng có những cách riêng để giúp con ngủ ngoan hơn. Nếu bé vẫn ngủ ngoan, vậy thì không có lý do gì để thay đổi phương pháp luyện tập cả.
  • Thậm chí sau khi đã kết thúc thành công việc luyện ngủ ngoan cho con, bố mẹ có thể sẽ thấy đôi lúc bé con “dở chứng”, nhất là khi bé bị ốm hoặc đang di chuyển.

Các bậc cha mẹ nói gì?

Con gái đầu của mình ngủ rất ngoan (10h tối đến 9h sáng hôm sau) khi được 6 tháng tuổi.

Mình đã xây dựng cho bé một thời gian biểu như sau: tắm rửa, đọc sách cho bé nghe, cho bé ăn, sau đó đi ngủ, một ít âm nhạc trong cũi, và bé ngủ khì trong vòng 10 phút.

Thật tuyệt vời phải không! Nhưng cách này lại chẳng ăn thua với bé gái thứ hai và bé trai thứ ba nhà mình.

Vì vậy với mỗi đứa mình lại thử một cách khác nhau, đôi khi kế hoạch đặt ra không mang lại kết quả gì nhiều. Bản thân mình cho rằng bố mẹ cần phải biết lắng nghe con – bé sẽ cho bố mẹ biết điều bố mẹ cần làm

— Mẹ LaKisha

Còn đây là tâm sự của một mẹ giấu tên:

Bé nhà mình được ba tháng tuổi, và bé không thể ngủ ngoan suốt đêm được. Thực ra điều này với mình cũng ổn thôi. Mình sẽ để bé trong cũi đến khoảng 3h sáng thì cho bé ăn, sau đó thì chồng và mình thay nhau bế con.

Kể cả bố mẹ có âu yếm hay đung đưa, bé vẫn không chịu nằm cũi trừ khi đã buồn ngủ lắm, nhưng bé sẽ lại ngủ thiếp đi gần giường của bố mẹ.

Bé rất vui vẻ và chúng tôi cũng vậy. Dù rằng phương pháp này đi ngược lại với những lời khuyên của chuyên gia nhưng với gia đình mình, đây là phương pháp phù hợp”

– Giấu tên

Không phải phương pháp nào cũng áp dụng thành công cho các bé:

Với bé đầu tiên, mình chọn cho bé phương pháp “cry it out” và mọi chuyện có vẻ êm xuôi. Bé thứ hai cũng vậy, nhưng bé thứ hai mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành việc luyện tập.

Còn bé thứ ba thì nếu mình cứ để bé khóc, bé sẽ khóc hoài không dứt. Bé lăn lộn trong cũi, không thể bình tĩnh lại và ngủ được. Hiếm khi lắm thằng bé mới chịu ngủ, thì chỉ được mấy phút thôi đã thức giấc và khóc toáng lên.

Việc để con khóc ròng như vậy rõ ràng là không hiệu quả, vì vậy mình đã phải thử một phương pháp khác. Điều quan trọng là chúng ta hiểu bé, chúng ta sẽ thành công thôi.

— Mẹ của L.B.

Gạt sang bên lời khuyên của chuyên gia, mẹ này làm theo cảm nhận của trái tim:

Bé con nhà mình được 4 tháng rưỡi, và bé chỉ chịu ngủ ngoan suốt đêm nếu mình đem tất cả những gì các chuyên gia khuyên để áp dụng theo chiều ngược lại.

Nếu không muốn thấy con bé khóc đến tím tái mặt mày trong vòng 45 phút hoặc hơn, bố mẹ sẽ phải dỗ dành, cưng nựng mãi. Ngay từ lúc mới sinh, con bé đã cứ như con búp bê đứng trước gió vậy, không đời nào nằm yên cho đến khi đã cảm thấy thoải mái.

Chúng tôi cần xác định được mong muốn của chúng tôi là gì: Muốn con bé ngủ ngoan hay chỉ đơn giản là làm theo những gì mà những cuốn sách chỉ dạy?

Nếu bé thoải mái và sau đó ngủ ngoan, bé sẽ ngủ được một giấc khoảng 8-10 tiếng. Một điều mình muốn nhắn nhủ với các bậc bố mẹ có bé như nhà mình: Không nên tuyệt vọng – chỉ cần làm những điều phù hợp, mang lại hiệu quả là được rồi

— Mẹ Amanda

(Theo Babycenter – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment