Trải nghiệm và bài học làm mẹ lần đầu

Sau đây là tổng hợp kinh nghiệm mình thu được trong quá trình nuôi con lần đầu. Những gì mình chia sẻ đều là trải nghiệm cá nhân, các mẹ cũng chỉ nên coi là nội dung tham khảo, có thể đúng với người này mà không đúng với người khác. Một số mẹ có inbox hỏi kinh nghiệm chăm sóc khi bé ho, sổ mũi, thì đây cũng là một câu trả lời chung cho các mẹ.

PHẦN 1: MANG THAI

Giữa tuổi 27, mình lần đầu tiên mang bầu, với một tâm thế rất thoải mái, bởi lúc này điều kiện tài chính cũng không còn khó khăn. Việc đẻ con đến tự nhiên, vô lo vô nghĩ, tuy rằng trong quá trình mang thai vẫn phải làm việc cả ngày lẫn tối cho tới tháng thứ 8.

Nhưng nhiều khi động viên, thôi thì mình không ngủ trưa, không được chơi, mình làm việc nhiều thì sau này con cũng sẽ năng động :). Bé con chào đời khi thai 38 tuần 5 ngày, sinh mổ, khỏe mạnh, nặng 2800g, thôi cũng hợp lý rồi, vì cả ba lẫn mẹ có to gì đâu. Bác sỹ chăm sóc thai kì còn khéo động viên, ba mẹ bé nhỏ thế này chị tưởng 2500g chứ được 2800g là gần chuẩn quốc tế rồi đấy :))

Suốt thời gian mang bầu, tuy có phải làm việc vất vả nhưng đổi lại, mình không bao giờ để tâm trạng buồn bã, lo lắng hay suy nghĩ vẩn vơ. Mình vẫn giống như chưa mang bầu, vẫn ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ không khác gì cả, trừ khi tới tháng thứ 8 mình có được rảnh rang hơn, nói là rảnh nhưng vẫn làm việc giờ hành chính đến ngày đẻ. Mình khỏe mạnh hoàn toàn suốt thai kỳ, ca mổ diễn ra nhanh chóng và mình cho bú sau 2 tiếng nằm hồi sức. Bé mình bú mẹ hoàn toàn và được bú mẹ lâu, gần 3 tuổi vì bé mè nheo bú mớm suốt ngày nên mình đành cắt bú.

Để có một thai kỳ suôn sẻ mình tổng kết lại một số yếu tố: sức khỏe của cả ba mẹ, tinh thần háo hức sẵn sàng chào đón bé yêu, kinh tế cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi bắt đầu thai kỳ, hai vợ chồng tiết kiệm được một món tiền, tuy không nhiều nhưng cũng cảm thấy ổn vì có thể đủ lo cho hai mẹ con một năm đầu mà không cần làm việc.

Trộm vía là 9 tháng thai kỳ mình vẫn làm việc bình thường nên không cảm thấy nỗi lo về kinh tế. Trước đó, cả hai chúng mình đều quyết định phải có công việc ổn định, có thu nhập đều rồi chúng mình mới cưới nhau và tính chuyện con cái để không phải phiền đến gia đình hai bên và cũng là để cho cuộc sống về sau bớt căng thẳng vì cơm áo gạo tiền.

CHĂM SÓC BÉ SƠ SINH

Một bài học rút ra là mình không để ý tới những tiểu tiết trước khi sinh con, đến nỗi không biết mặc bỉm cho con. Sinh bé tại bệnh viện, mỗi lần thay bỉm đều phải gọi nữ hộ sinh, vài lần nhìn hộ sinh thay bỉm mình mới thạo á hihi.

Tắm cho con, vệ sinh rốn cho con, mình phải nhờ nữ hộ sinh tới nhà làm. Sau khoảng 10 ngày thì cũng biết làm cả, nhưng rõ ràng là mình không nên không biết tí gì như thế.

Khi bé 3 tháng, lần đầu tiên bé sổ mũi, sốt đêm, mình không có kinh nghiệm chăm sóc nên để bé phải tới bệnh viện khám. Bé được chẩn đoán viêm mũi họng và lần đầu tiên dùng kháng sinh.

Trong vòng 1 năm đầu, mình hầu như rất ít kinh nghiệm chăm sóc khi con ốm vặt, nên bác sỹ khi đó là nơi gửi gắm sức khỏe của bà mẹ lần đầu nuôi con. Hệ quả là gì, hơi chút xíu là mếch con đi khám, bao gồm cả vệ sinh mũi họng cũng không biết làm và không dám làm, mệt mẹ mệt con, đã từng 1-2 lần dùng thuốc không cần thiết.

Mình quyết định học thực hành vệ sinh mũi họng tại bệnh viện, trực tiếp rửa mũi trên con trước sự giám sát của y tá. Mình không phải người bạo tay nên dù xem clip hướng dẫn vẫn không dám làm, chỉ khi thực tập trực tiếp trên con mình thì mới tự tin sau đó.

Từ khi biết vệ sinh mũi họng cho con thì mình cũng dần chuyển sang chăm sóc bé ho sổ mũi bằng thảo mộc mẹ làm. Đồng thời, mình bắt đầu có kinh nghiệm chẩn ốm vặt cho bé. Kinh nghiệm của một người mẹ cho mình biết khi nào là viêm hô hấp thông thường, khi nào cần can thiệp y tế. Trộm vía, khi có kinh nghiệm rồi thì tất cả những lần viêm hô hấp nếu bé được mẹ dành thời gian chăm sóc cẩn thận thì đều qua nhanh, không cần khám bác sỹ hay thuốc men gì.

Dần dần, kinh nghiệm dầy lên, cùng với quá trình tự tìm hiểu, tự học rồi thì quyết tâm theo mảng dinh dưỡng, y học cổ truyền, mình đã hiểu nền tảng của sức khỏe là gì. Qúa trình nuôi con đã giúp mình trưởng thành hơn về mọi mặt, từ một bà mẹ lóng ngóng hơi xíu là tìm đến phòng khám, trở thành một bà mẹ vững chãi và bình tĩnh hơn rất nhiều.

Sau đây là những việc mình thường làm để chăm sóc con.

VỆ SINH

  • Nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, tránh bí quá cũng tránh gió lộng quá.
  • Chăn mùng màn gối thường xuyên được giặt giũ tránh nấm mốc.
  • Thi thoảng xông hay sức tinh dầu cho không gian nhà cửa thơm sạch, ức chế virus.
  • Bé được tắm gội bằng muối biển, tắm nước pha tinh dầu, nước thảo mộc mẹ đun sẵn…chứ không dùng dầu gội hay sữa tắm công nghiệp.
  • Luôn rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bé được thay quần áo, rửa chân tay sạch sẽ sau khi chơi ở khu vui chơi công cộng về.
  • Ưu tiên chọn đồ giặt rửa thiên nhiên để giữ an toàn cho bé, cũng là một phần quan trọng góp phần hình thành nền tảng sức khỏe cho bé.

ĂN UỐNG

  • Bé được ăn uống tự nhiên, chọn thực phẩm lành mạnh, ăn rau củ quả tươi.
  • Bé được ăn đều ngày 3 bữa chính, không để thức ăn vặt cản trở khả năng ăn cơm cháo ở bữa chính.
  • Bé uống ngũ cốc, sữa hạt, thay vì sữa bò các loại.
  • Bé ăn bánh truyền thống thay vì bimbim, kẹo bánh công nghiệp.
  • Bé ăn nền thực vật, ăn đa dạng hạt và không ăn quá nhiều thịt, cũng không ăn đồ chế biến sẵn ngoài cửa hàng không đảm bảo như gà rán, xúc xích…

GIẤC NGỦ VUI CHƠI

  • Bé đươc ngủ thỏa thích, tất nhiên không phải ngủ xuyên ngày đêm, thường nếu tối mải chơi ngủ muộn thì sáng bé được ngủ bù no nê.
  • Trưa nào bé cũng có giấc trưa để ngủ dậy khỏe khoắn, vui vẻ, hoạt bát.
  • Bé cần được vui chơi thỏa thích theo đúng tuổi của mình, vận động ngoài trời tắm nắng đầy đủ. Tìm nơi trong lành nhất có thể để bé được vui chơi.

XỬ LÝ KHI BÉ ỐM VẶT (chủ yếu là viêm đường hô hấp)

  • Khi bé có dấu hiệu viêm hô hấp: sổ mũi, ho, viêm họng…
  • Vệ sinh mũi họng cho bé hàng ngày, ngày vài lần tùy vào đờm nhớt nhiều hay ít.
  • Cho bé ăn uống thanh đạm, có thể chia nhỏ nhiều bữa, ăn lỏng hơn moi ngày, đặc biệt nên hạn chế sữa bò nếu bé trước đó có dùng sữa bò, sữa bò tạo nhiều đờm nhớt.
  • Tăng cường ăn thêm rau quả để thêm vitamin.
  • Cho uống một số loại thảo mộc lành tính ví dụ như: diếp cá đun đường phèn, tía tô đun, gừng hấp mật ong, tỏi ngâm mật ong hay là quất chưng đường phèn…vv tất nhiên khi nào cho uống món nào do mẹ lựa chọn. Mẹ tìm hiểu thêm về từng món.
  • Tinh dầu luôn là trợ thủ đắc lực cho bé những ngày này. Tinh dầu có thể dùng để xông phòng, pha loãng xịt phòng, thoa gan bàn chân, bàn tay, nhỏ nước tắm hay là ngâm chân giúp bé nhanh chóng chiến thắng cơn cảm vặt.
  • Những ngày bé viêm hô hấp, phải cố gắng giữ ấm đặc biệt là bàn chân, bụng, cổ. Bé nên được ra ngoài chời vui chơi nhẹ nhàng và tắm nắng để tăng nhanh khỏe.
  • Bé mình khi ngạt mũi khó ngủ mình thường đốt bồ kết để ngửi mùi bồ kết giúp thông mũi nhanh, mình chưa từng dùng tới một loại thuốc nhỏ chữa nghẹt mũi nào, mình có dùng cả tinh dầu thoa vào gối nữa, mình bế cho bé ngủ ở tư thế cao đầu.
  • Nếu có sốt (thường là do viêm họng), mình thường hạ sốt bằng uống lá diếp cá đun lên, lau người bằng nước ấm, sau này còn biết nhỏ tinh dầu khuynh diệp vào nước lau để bé hạ sốt nhanh. Đương nhiên, thuốc hạ sốt có thể cần tới nên mẹ cũng phải trữ sẵn trong nhà để phòng.

Leave a Comment