Thực hành chăm sóc hậu sản cho phụ nữ sau sinh và những yếu tố ảnh hưởng ở ba khu vực của Hồ Bắc, Trung Quốc

Tóm tắt

Bối cảnh

‘Ở cữ’ là truyền thống về phong tục chăm sóc hậu sản cho phụ nữ Trung Quốc sau sinh. Nghiên cứu hiện tại có mục tiêu là khám phá thực hành ăn uống và chăm sóc y tế hậu sản của phụ nữ sau sinh và xác định những yếu tố ảnh hưởng trong ba khu vực được chọn của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Phương pháp

Một nghiên cứu hồi cứu tiêu biểu tại một thời điểm (cross-sectional retrospective) được tiến hành tại khu vực đô thị, ngoại ô và nông thôn thuộc tỉnh Hồ Bắc từ ngày 1 tháng 3 năm 2003 đến ngày 30 tháng 5 năm 2003. Tổng cộng 2.100 phụ nữ đã sinh một con đủ tháng trong 2 năm qua được chọn làm đối tượng tham gia nghiên cứu. Dữ liệu về thực hành chăm sóc hậu sản và những yếu tố tiềm năng có liên quan được thu thập thông qua bảng câu hỏi do các nhà điều tra đã qua đào tạo phỏng vấn thực hiện.

Kết quả

Trong giai đoạn hậu sản, 18% phụ nữ tham gia chưa từng ăn rau củ, 78,8% chưa từng ăn trái cây và 75,7% chưa từng uống sữa. Ở những người tham gia nghiên cứu vẫn còn phổ biến những hành vi kiêng kị như là không tắm, không gội hay đánh răng. Khoảng một nửa số phụ nữ không rời giường trong hai ngày sau sinh. Thời gian trung bình họ ở trên giường trong giai đoạn này là 18 tiếng. Một phần ba số phụ nữ không hoạt động ngoài trời. Những yếu tố được phát hiện là có ảnh hưởng đến cách chăm sóc sau sinh của phụ nữ bao gồm trình độ học vấn của cả phụ nữ và chồng của họ, địa điểm cư trú, thu nhập gia đình, thăm khám hậu sản, khóa học giáo dục dinh dưỡng và y tế.

Kết luận

Hành vi ăn uống và y tế hậu sản theo truyền thống vẫn còn phổ biến ở phụ nữ tại tỉnh Hồ Bắc. Xác định được những yếu tố liên quan đến thực hành chăm sóc hậu sản truyền thống là công việc trọng yếu để phát triển được những chương trình giáo dục y tế định hướng hiệu quả hơn. Những thông tin cập nhật về cách ăn uống và chăm sóc hậu sản nên được phổ biến đến phụ nữ.

Bối cảnh

Giai đoạn sau sinh, hay hậu sản, bắt đầu từ khoảng một tiếng đồng hồ sau khi sinh con và diễn ra trong sáu tuần kế tiếp. Sau sáu tuần đó, hầu hết những biến đổi do thai kỳ, lâm bồn và sinh con đều đã biến mất cũng như là cơ thể trở về trạng thái như chưa mang thai. Giai đoạn sau sinh là một giai đoạn rất đặc thù trong cuộc đời của người phụ nữ. Cơ thể của cô ấy cần được hàn gắn và phục hồi sau khi mang thai và sinh con. Chăm sóc hậu sản hợp lý và ăn uống cân đối trong giai đoạn này là rất quan trọng đối với sức khỏe của họ.

Theo nhiều truyền thống của người Trung Quốc, 30 hoặc 40 ngày sau sinh được xem như thời gian đặc biệt đi cùng với các hạn chế hành vi và là một dịp để hồi sức. Giai đoạn này được gọi là “tháng ở cữ” hay “tháng kiêng cữ”. Dựa theo Y học cổ truyền Trung Hoa thì, phụ nữ sau sinh sẽ ở vào tình trạng cơ thể “yếu nhược” do thiếu “khí” và mất máu. Cơ thể của họ có thể dễ dàng bị xâm nhập tấn công bởi những thứ có tính hàn hay tính nhiệt, mà có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe như là chóng mặt, đau đầu, đau lưng và đau khớp trong tháng đó hoặc nhiều năm sau. Do đó, phụ nữ Trung Quốc được khuyên là phải ăn theo một tập hợp những loại thức ăn cụ thể và làm theo những cách chăm sóc sức khỏe nhất định. Ví dụ, phụ nữ sau sinh nên ở trong phòng và không được ra ngoài, đóng kín mọi cửa sổ trong phòng ở để tránh gió lùa. Cấm không tắm gội để phòng tránh đau đầu và đau người về sau. Những thực phẩm như là trái cây, rau củ, sản phẩm đậu tương và những đồ uống lạnh mà được xem như có tính hàn, cũng nên tránh. Ngược lại những thực phẩm như là đường đỏ, cá, thịt gà và chân giò lợn mà được xem như có tính nhiệt thì nên ăn nhiệt tình. Người ta tin rằng nếu một người phụ nữ không tuân theo những điều kiêng kị này, cô ta có thể sẽ bị suy kiệt sức khỏe sau này. Phụ nữ lớn tuổi trong gia đình thường truyền lại những niềm tin và cách thức chăm sóc sau sinh truyền thống này cho các thế hệ sau.

Thói quen sinh hoạt và ăn uống sau sinh thay đổi rất nhiều ở những quốc gia và các nền văn hóa khác nhau. Ở các nước phương Tây, thay vì hạn chế thì phụ nữ lại được khuyến khích ăn uống cân đối hợp lý từ mọi nhóm thực phẩm và bắt đầu hoạt động thể chất trong giai đoạn này. Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng kinh tế cũng như là thay đổi văn hóa nhanh chóng. Những cách chăm sóc hậu sản truyền thống đối diện với những thách thức từ văn hóa phương Tây. Bất kể một vài nghiên cứu về thực hành chăm sóc hậu sản đã được tiến hành ở miền Bắc Trung Quốc, vẫn chưa có một nghiên cứu nào như thế ở tỉnh Hồ Bắc. Hơn nữa, không một nghiên cứu nào trước đây đã từng cố gắng xác minh những yếu tố ảnh hưởng đến thực hành chăm sóc hậu sản. Mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu tỉ lệ hiện hành của những cách chăm sóc hậu sản và xác định những yếu tố sinh học cùng với xã hội có liên quan trong giai đoạn hậu sản của phụ nữ ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng nghiên cứu này sẽ cung cấp thông tin tường tận cho các nhà hoạch định chính sách y tế, lao động xã hội và những nhà cung cấp dịch vụ y tế để phát triển những chiến lược hiệu quả hơn về các chương trình giáo dục y tế.

Phương pháp

Đối tượng và địa điểm nghiên cứu

Nghiên cứu hồi cứu tiêu biểu tại một thời điểm về cách chăm sóc hậu sản trong giai đoạn sau sinh đã được thực hiện ở miền trung Trung Quốc từ 1/3/2003 đến 30/05/2003. Nghiên cứu này được tiến hành ở Hồ Bắc, một tỉnh có 60 triệu dân và kinh tế phát triển bậc trung trong toàn bộ các tỉnh ở Trung quốc. Lối sống của người dân nông thôn có nhiều bất đồng với lối sống của người dân đô thị. Khu vực nông thôn vẫn kém phát triển về kinh tế và bảo thủ về văn hóa. Do vậy lần lượt chọn ba vùng đại diện các khu vực đô thị, ngoại ô và nông thôn. Tổng cộng 2.100 phụ nữ đã sinh một con đủ tháng trong hai năm trước được chọn làm đối tượng tham gia nghiên cứu thông qua chọn mẫu phân tầng cụm (cluster-stratified sampling). Đề cương nghiên cứu được phê duyệt bởi Sở y tế địa phương và Hội đồng Đạo đức Thẩm định Cơ sở (Institutional Review Board) của Cao đẳng Y khoa Đồng Tế, Trung Quốc.

Thu thập dữ liệu

Sau khi đạt được thông báo chấp thuận của đối tượng tham gia nghiên cứu, người phỏng vấn thực hiện một bảng câu hỏi đã được thử trước để thu thập dữ liệu theo lịch sử về các đặc điểm nhân khẩu-xã hội, tiền sử sinh sản, hoạt động thể chất, hành vi ăn uống và y tế trong giai đoạn hậu sản. Bảng câu hỏi về tần suất thực phẩm hồi cứu cũng được tiến hành để thu thập thông tin về việc ăn uống trong giai đoạn này. Bảng câu hỏi bao gồm 16 nhóm thực phẩm. Người tham gia được yêu cầu nhớ lại tần suất và lượng thực phẩm xấp xỉ mà họ đã tiêu thụ trong giai đoạn hậu sản. Lượng thực phẩm được ước tính bằng gam và ml. Cốc, bát và thìa được dùng để giúp gợi nhắc và cân đo thực phẩm. Tần suất tiêu thụ một loại thực phẩm cụ thể được lưu lại trên cơ sở hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng (lần/ngày, lần/tuần, lần/tháng). Người phỏng vấn là những chuyên gia y tế đến từ các phòng y tế sản nhi địa phương, những người đã được đào tạo chuyên sâu bởi nhóm nghiên cứu chúng tôi.

Phân tích thống kê

Dùng dữ liệu tần suất thực phẩm, tổng lượng thực phẩm thuộc một loại cụ thể tiêu thụ trong giai đoạn sau sinh để tính toán và chuyển đổi thành trung bình thu nạp thức ăn hàng ngày. Mọi phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm thống kê SAS 8.1. Phân bố tần suất được dùng để miêu tả các đặc điểm của phụ nữ về nhân khẩu, hành vi ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Một loạt các phân tích hồi quy logistic đa biến (multiple logistic regression) được thực hiện để ước tính tác dụng của nhiều yếu tố ảnh hưởng đến những hành vi y tế hoặc ăn uống cụ thể. Trong mô hình hồi quy logistic đa biến, mọi yếu tố tiềm năng có ảnh hưởng được đưa vào mô hình từ đầu. Các phương pháp hồi quy theo bước (stepwise regression) được dùng để xác định những yếu tố nào có tương quan chặt chẽ với kết quả thu hút quan tâm chú ý. Chỉ những biến mà có nhiều quan hệ với biến đáp ứng (response variables) ở mức < 0,05 sau đó được đưa vào làm biến độc lập trong mỗi mô hình hồi quy cuối cùng. Tiêu chí để loại bỏ trong phân tích hồi quy là > 0,1. Những biến sau đây được xem như là các biến tiềm năng độc lập: tuổi (liên tục), số lần sinh nở (0 = con so, 1 = con dạ), trình độ học vấn của phụ nữ (1 = từ tiểu học trở xuống, 2 = trung học cơ sở, 3 = trung học phổ thông, 4 = cao đẳng trở lên), trình độ học vấn của chồng (1 = từ tiểu học trở xuống, 2 = trung học cơ sở, 3 = trung học phổ thông, 4 = cao đẳng trở lên), đô thị (0 = không, 1 = có), ngoại ô (0 = không, 1 = có), nông thôn (0 = không, 1 = có), thu nhập gia đình hàng năm theo đầu người (liên tục), tham gia khóa giáo dục dinh dưỡng (0 = không, 1 = có), niềm tin là rau củ và trái cây có tính hàn (0 = không, 1 = có), cách sinh (0 = sinh thường, 1 = sinh mổ), biến chứng sinh sản nghiêm trọng (0 = không, 1 = có), thu xếp ăn uống (0 = người khác, 1 = mẹ đẻ hoặc mẹ chồng), khám tiền sản (0 = không, 1 = có), khám hậu sản (0 = không, 1 = có), tham gia khóa giáo dục y tế (0 = không, 1 = có).

Kết quả

Đặc điểm của đối tượng tham gia nghiên cứu

Trong 2.100 phụ nữ được tuyển chọn, tổng cộng 1975 người đã hoàn thành bảng câu hỏi (638 người ở đô thị, 627 người ở ngoại ô và 710 người ở nông thôn), với tỉ lệ đáp ứng là (response rate) 94,1%. Khoảng tuổi của mẫu là từ 18 đến 44 tuổi, tuổi trung bình là  26,8 ± 3,6 tuổi. Thu nhập gia đình hàng năm theo đầu người là 5.178,8 Nhân dân tệ/NDT (~17.664.183VND) ở thành phố, 2.623,2 NDT (~8.947.378VND) ở ngoại ô và 1.798,5 NDT (~6.134.439VND) ở nông thôn. Đa số phụ nữ đều sinh con lần đầu. Bảng 1 trình bày các đặc điểm khác của đối tượng tham gia nghiên cứu.

Bảng 1

Đặc điểm của đối tượng tham gia nghiên cứu (n = 1975)

Đô thị (n = 637) Ngoại ô (n = 628) Nông thôn (n = 710) Tổng (n = 1975)
n % n % n % n %
Tuổi
< 25 157 24,7 204 32,5 216 30,4 577 29,2
25–30 364 57,1 329 52,4 291 41,0 984 49,8
> 30 116 18,2 95 15,1 203 28,6 414 21,0
Trình độ học vấn
Tiểu học trở xuống 22 3,5 30 4,8 288 40,6 340 17,2
THCS 214 33,6 365 58,1 400 56,3 979 49,6
THPT 223 35,0 165 26,3 22 3,1 410 20,8
Cao đẳng trở lên 178 27,9 68 10,8 0 0 246 12,5
Trình độ học vấn của chồng
Tiểu học trở xuống 9 1,4 21 3,3 113 15,9 143 7,2
THCS 183 28,7 360 57,3 515 72,5 1058 53,6
THPT 218 34,2 166 26,4 81 11,4 465 23,5
Cao đẳng trở lên 227 35,6 81 12,9 1 0,1 309 15,7
Nghề nghiệp
Công nhân 136 21,4 122 19,4 7 1,0 265 13,4
Nông dân 33 5,2 186 29,6 689 97,0 908 46,0
Kỹ thuật 62 9,8 63 10,0 3 0,4 128 6,5
Viên chức nhà nước 57 8,7 8 1,3 0 0 65 3,3
Buôn bán 69 10,9 18 2,9 1 0,1 88 4,5
Nội trợ 279 43,9 231 36,8 10 1,4 520 26,3
Số lần sinh nở
Lần đầu 591 92,8 567 90,3 482 67,9 1640 83,0
Không phải lần đầu 46 7,22 61 9,71 228 32,12 335 16,96
Cách sinh
Sinh mổ 334 52,4 239 38,1 74 10,4 647 32,8
Sinh thường 303 47,6 389 61,9 636 89,6 1328 67,2

Hành vi ăn uống

Tỉ lệ hiện hành của hành vi ăn uống

Trong giai đoạn hậu sản, những thực phẩm phụ nữ thường tiêu thụ nhất là trứng, đường đỏ, cá diếc (carassius fish), gia cầm, chân giò lợn và rượu gạo, vân vân. Họ đặc biệt bị cấm không được ăn đồ cay, sống và lạnh. 77,9% số người tham gia tin rằng đồ ăn lạnh là bị cấm như là trái cây, đồ uống lạnh, rau củ và đồ ăn làm mát. Bảng 2 tóm tắt các loại thực phẩm được tiêu thụ trong giai đoạn hậu sản của người tham gia nghiên cứu. Họ ăn nhiều trứng, cá, gia cầm và thịt, nhưng không ăn đủ trái cây, rau củ và sữa. Trong toàn bộ số phụ nữ tham gia, 18,0% chưa từng ăn rau củ, 78,8% chưa từng ăn trái cây và 75,7% chưa từng uống sữa. Phụ nữ đô thị tiêu thụ trái cây và sữa nhiều hơn nhiều so với phụ nữ nông thôn. Người tham gia đã tiêu thụ đường (chủ yếu là đường đỏ) quá mức, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn. Phụ nữ nông thôn ăn nhiều rau củ hơn phụ nữ thành phố.

Bảng 2

Trung bình thu nạp thức ăn của phụ nữ trong giai đoạn hậu sản (g/mỗi ngày)

Vùng Ngũ cốc Trứng Sữa Thịt, gia cầm Cá, tôm Đậu nành Rau củ Rau ăn lá Trái cây Quả hạch Đường
Đô thị 321,4 166,7 137,3 369,7 131,0 36,2 193,5 48,5 50,4 9,0 26,2
Ngoại ô 284,2 205,7 42,5 233,1 120,4 13,6 186,2 40,3 31,0 2,4 59,5
Nông thôn 387,8 365,0 4,6 256,0 67,6 46,4 424,2 222,8 7,0 0,1 81,3

74,6% chế độ ăn uống của phụ nữ được thu xếp bởi mẹ đẻ hoặc mẹ chồng. 41,9% số phụ nữ quay về ăn uống bình thường từ tháng thứ hai sau sinh. 55,9% số phụ nữ (73,2% ở đô thị, 61,5% ở ngoại ô và 35,6% ở nông thôn) đã tham gia nhiều loại khóa học dinh dưỡng trong thai kỳ.

Yếu tố ảnh hưởng đến hành vi ăn uống cụ thể

Trong phân tích hồi quy logistic đa biến, các biến đáp ứng là uống sữa (0 = không, 1 = có), ăn trái cây (0 = không, 1 = có) và ăn rau củ (0 = không, 1 = có). Kết quả của những mô hình cuối cùng chỉ ra rằng sống ở nông thôn là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc uống sữa, trong khi đó cư trú tại thành phố thì việc tham gia các khóa đào tạo dinh dưỡng, trình độ học vấn cao hơn và thu nhập gia đình cao hơn là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến việc uống sữa. Giảm ăn uống trái cây tương quan với việc sống ở nông thôn và việc tin rằng trái cây có tính hàn; Sống ở đô thị, trình độ học vấn cao hơn, thu nhập gia đình cao hơn, tham gia khóa đào tạo dinh dưỡng và có kiến thức về việc được ăn trái cây trong khi ‘ở cữ’ làm gia tăng lượng trái cây thu nạp vào trong cơ thể. Bữa ăn do mẹ đẻ hoặc mẹ chồng nấu tương quan nghịch với việc ăn rau củ; cư trú tại nông thôn thì trình độ học vấn của chồng cao hơn và có kiến thức được phép ăn rau củ khi ‘ở cữ’ có tương quan thuận với việc ăn uống rau củ (Bảng 3).

Bảng 3

Yếu tố ảnh hưởng đến thu nạp sữa, trái cây và rau củ

Biến đáp ứng Biến độc lập* Ước tính Sai số chuẩn Giá trị P Ước tính chuẩn Tỉ số chênh Khoảng tin cậy 95%
Uống sữa Vị trí– nông thôn 1,342 0,225 < 0,001 0,358 3,83 2,46~5,95
Vị trí– đô thị -1,052 0,143 < 0,001 -0,270 0,35 0,26~0,46
Trình độ học vấn của người phụ nữ -0,416 0,069 < 0,001 -0,255 0,66 0,58~0,76
Thu nhập gia đình -0,303 0,072 < 0,001 -0,148 0,74 0,64~0,85
Tham gia khóa giáo dục dinh dưỡng -0,467 0,155 0,003 -0,115 0,63 0,46~0,85
Ăn trái câu Tham gia khóa giáo dục dinh dưỡng -0,781 0,161 < 0,001 -0,192 0,46 0,33~0,63
Biết được ăn trái cây khi ‘ở cữ’ -0,685 0,134 < 0,001 -0,188 0,50 0,39~0,66
Vị trí– nông thôn 0,601 0,182 0,001 0,161 1,82 1,28~2,61
Vị trí– đô thị -0,551 0,151 < 0,001 -0,143 0,58 0,43~0,78
Thu nhập gia đình -0,237 0,072 0,001 -0,116 0,79 0,69~0,91
Tin trái câu có tính hàn 0,368 0,127 0,004 0,101 1,45 1,13~1,85
Trình độ học vấn của người phụ nữ -0,141 0,067 0,035 -0,087 0,87 0,76~0,99
Ăn rau củ Vị trí– nông thôn -1,646 0,101 < 0,001 -0,443 0,19 0,16~0,24
Biết là được ăn trái cây khi ‘ở cữ’ -0,520 0,086 < 0,001 -0,143 0,59 0,50~0,70
Mẹ đẻ hoặc mẹ chồng sắp đặt chế độ ăn uống 0,313 0,093 0,001 0,077 1,37 1,14~1,64
Trình độ học vấn của người chồng -0,095 0,046 0,037 -0,054 0,91 0,83~0,99

*Các biến độc lập ở trên được chọn bằng hồi quy theo bước (stepwise regression) để đưa vào các mô hình cuối cùng. Phần phân tích thống kê liệt kê mọi biến độc lập tiềm năng.

Hành vi chăm sóc sức khỏe

Tỉ lệ hiện hành của hành vi chăm sóc sức khỏe

Phụ nữ trong ba khu vực này vẫn gắn bó với những hành vi kiêng cữ sau sinh theo truyền thống ở những cấp độ khác nhau (Bảng 4). 25,2% số phụ nữ tin là họ nên ở trong nhà tránh gió, nếu không thì sẽ bị ốm. Những quan niệm truyền thống này chủ yếu đến từ mẹ chồng (49,4%), mẹ đẻ (34,0%), sách và tạp chí (16,5%), người thân (14,3%), bạn bè hoặc đồng nghiệp (12,6%).

Bảng 4

Kiêng kị hành vi của phụ nữ trong giai đoạn hậu sản

Hành vi kiêng kị Đô thị (n = 637) Ngoại ô (n = 628) Nông thôn (n = 710) Tổng (n = 1975)
n % n % n % n %
Thông khí phòng ở 82 12,9 79 12,6 37 5,2 198 10,0
Tắm nắng 215 33,8 164 26,1 212 29,9 591 29,9
Tắm 205 32,2 164 26,1 114 16,1 483 24,5
Gội đầu 216 33,9 181 28,8 241 33,9 638 32,3
Đánh răng 87 13,7 103 16,4 73 10,3 263 13,3
Cho ăn sữa non 61 9,6 65 10,4 90 12,7 216 10,9

Trong toàn bộ số phụ nữ tham gia, 54,9% không rời giường trong hai ngày sau sinh. Thời gian trung bình họ nằm trên giường trong giai đoạn sau sinh là 18 ± 3,8 h (16,3 ± 4,2h ở thành phố, 18,5 ± 3,3h ở ngoại ô, 19,0 ± 3,0h ở nông thôn). 53,7% số phụ nữ mặc nhiều quần áo hơn bình thường để giữ ấm. 1,8% chưa từng rời giường trừ khi có nhu cầu căn bản. 32,7% chưa từng hoạt động ngoài trời. 80,0% chưa từng tham gia tập thể dục, chỉ 3,8% tập thể dục thường xuyên (hàng ngày hoặc hàng tuần) trong giai đoạn này. 19,1% số phụ nữ quan hệ tình dục trong vòng 30 ngày sau khi sinh. 18,7% bắt đầu quan hệ từ ngày thứ 30 ~ 42 sau sinh. 62,1% bắt đầu quan hệ sau ngày thứ 42 sau sinh. Trường hợp bắt đầu quan hệ tình dục sớm nhất trong số những phụ nữ tham gia nghiên cứu là ở ngày thứ 10 sau sinh.

Yếu tố ảnh hưởng hành vi y tế cụ thể

Trong phân tích hồi quy logistic đa biến, các biến đáp ứng là: ngồi dậy trong vòng 2 ngày sau sinh (0 = không, 1 = có), tập thể dục (0 = không, 1 = có), làm theo những điều kiêng kị hành vi truyền thống (0 = không, 1 = có). Kết quả cho thấy trình độ học vấn của người chồng cao hơn là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến việc người phụ nữ ngồi dậy trong vòng hai ngày sau sinh, trong khi đó, sống ở nông thôn, sinh mổ và có biến chứng sinh sản nghiêm trọng được phát hiện là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực. Sống ở thành phố, được thăm khám hậu sản tại nhà bởi chuyên gia y tế và có trình độ học vấn cao hơn tương quan thuận với việc tập thể dục. Gia tăng nguy cơ tuân thủ các điều kiêng kị hành vi truyền thống (không tắm, không gội, không đánh răng, không tắm nắng hay không thông khí phòng ở) được phát hiện là có liên quan đến sống ở thành phố và có biến chứng sinh sản nghiêm trọng; có trình độ học vấn cao hơn, được thăm khám hậu sản và tham gia các khóa giáo dục y tế hậu sản có thể giảm nguy cơ làm theo những hành vi kiêng kị truyền thống (Bảng 5)

Bảng 5

Yếu tố ảnh hưởng hành vi chăm sóc sức khỏe

Biến đáp ứng Biến độc lập Ước tính Sai số chuẩn Giá trị P Ước tính chuẩn Tỉ số chênh Khoảng tin cậy 95%
Ngồi dậy trong vòng 2 ngày sau sinh Trình độ học vấn của chồng -0,162 0,052 0,002 -0,093 0,85 0,77~0,94
Vị trí – nông thôn 0,614 0,113 < 0,001 0,163 1,85 1,48~2,31
Sinh mổ 1,137 0,113 < 0,001 0,294 3,12 2,50~3,89
Gặp biến chứng nghiêm trọng khi sinh 0,457 0,171 0,007 0,074 1,58 1,13~2,21
Tập thể dục Trình độ học vấn của người phụ nữ -0,332 0,054 < 0,001 -0,206 0,72 0,65~0,80
Vị trí – đô thị -0,873 0,117 < 0,001 -0,225 0,42 0,33~0,53
Được khám hậu sản -0,378 0,150 0,012 -0,076 0,69 0,51~0,92
Hành vi kiêng kị Trình độ học vấn của người phụ nữ 0,297 0,049 < 0,001 0,183 1,35 1,22~1,48
Vị trí – đô thị -0,273 0,114 0,017 -0,071 0,76 0,61~0,95
Gặp biến chứng sản nghiêm trọng -0,408 0,167 0,014 -0,066 0,67 0,48~0,92
Được khám hậu sản 0,336 0,131 0,011 0,067 1,40 1,08~1,81
Tham gia khóa giáo dục y tế 0,826 0,110 < 0,001 0,199 2,28 1,84~2,83

* Các biến độc lập ở trên được chọn bằng hồi quy theo bước (stepwise regression) để đưa vào các mô hình cuối cùng. Phần phân tích thống kê liệt kê mọi biến độc lập tiềm năng

Bàn luận

Mục tiêu của nghiên cứu này là để tìm hiểu những cách chăm sóc hậu sản và những yếu tố ảnh hưởng của chúng trong giai đoạn sau sinh. Trong những báo cáo đã công bố, thực hành chăm sóc hậu sản được nghiên cứu với nhóm mẫu phụ nữ quy mô nhỏ và trong một khu vưc; do đó, kết quả có thể không tiêu biểu. Không giống với những nghiên cứu đi trước, thiết kế của nghiên cứu hiện tại là độc nhất trong đó đối tượng tham gia là phụ nữ sống ở khu vực đô thị, ngoại ô hoặc thành thị; họ đại diện cho tình trạng kinh tế xã hội, trình độ học vấn và hoàn cảnh sinh sống đa dạng của phụ nữ sau sinh.

Kết quả của nghiên cứu ăn uống này chỉ ra rằng phụ nữ tiêu thụ đa dạng các loại thức ăn trong giai đoạn sau sinh. Điều này phù hợp với các nguyên tắc dinh dưỡng đương đại. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều thịt, cá, gia cầm và trứng, đặc biệt ở nông thôn. Tiêu thụ trứng trung bình hàng ngày là 365g một người, và con số này cao khoảng gấp bảy lần so với lượng khuyến cáo hàng ngày dành cho người Trung Quốc. Hơn nữa, trong toàn bộ người tham gia, 18,0% phụ nữ chưa từng ăn rau củ, 78,8% chưa từng ăn trái cây và 75,7% chưa từng uống sữa. Ăn thế này không cung cấp đủ dưỡng chất đáp ứng nhu cầu canxi, vitamin C và chất xơ thực phẩm hàng ngày của phụ nữ sau sinh.

Theo kết quả, hành vi kiêng kị truyền thống vẫn phổ biến ở những người tham gia. Thiếu bằng chứng rõ ràng về việc những hành vi này có lợi hay có hại, như đa phần phụ nữ tham gia đã than phiền rằng họ cực kỳ không thoải mái vì không được tắm, gội hay đánh răng trong thời gian dài như thế. Do vậy chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hơn một nửa số phụ nữ ở trên giường trong 2 ngày sau sinh. Trong tháng hậu sản đầu tiên, họ ở trên giường hầu như cả ngày; gần một phần ba số phụ nữ chưa từng hoạt động ngoài trời. Những hành vi hậu sản truyền thống này sẽ gây ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như là táo bón, tăng thừa cân, vân vân. Nên tiến hành thêm các nghiên cứu tiền cứu để tìm hiểu mối quan hệ giữa thực hành chăm sóc hậu sản truyền thống và hậu quả đối với sức khỏe của phụ nữ.

Những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi ăn uống và chăm sóc sức khỏe sau sinh đã được nghiên cứu. Các quan niệm dưỡng sức sau sinh truyền thống ảnh hưởng nhiều đến hành vi ăn uống và y tế hậu sản của phụ nữ, đặc biệt ở những người sinh sống tại nông thôn hoặc có trình độ học vấn thấp hơn. Trình độ học vấn cao có tương quan thuận với việc uống sữa và ăn trái cây, tập thể dục và không làm theo những kiêng kị hành vi truyền thống. Điều này phù hợp với báo cáo đã công bố. Tại sao trình độ học vấn cao hơn lại có nghĩa là không làm theo một số cách chăm sóc hậu sản truyền thống? Giả định là những phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, hiểu biết đúng đắn hơn và nguồn lực tốt hơn, do đó dễ đón nhận thông tin y tế cập nhật hơn.

Việc sinh sống ở nông thôn có tương quan nghịch với tiêu thụ sữa và trái cây cũng như là việc ngồi dậy trong hai ngày sau sinh. Bất kể các cải cách kinh tế mà đã diễn ra trong những thập kỷ gần đây, phát triển kinh tế ở vùng nông thôn tụt lại đằng sau phát triển kinh tế ở đô thị, và giao thông thì không thuận lợi bằng đi lại ở đô thị. Do đó phụ nữ nông thôn ở trong môi trường tương đối khép kín so với phụ nữ ở đô thị. Họ ít tiếp cận được những quan niệm và thông tin hiện đại. Hơn nữa phụ nữ nông thôn thường có trình độ học vấn thấp hơn. Tuy nhiên, sống ở nông thôn có tương quan thuận với việc ăn uống rau củ. Nguyên nhân phần nhiều có thể là do tỉ lệ cao các gia đình trong khu vực này trồng rau củ tự ăn, rau củ là thực phẩm căn bản hàng ngày của họ bên cạnh gạo. Do vậy, những chiến lược đẩy mạnh ăn uống sữa và trái cây nên được định hướng cụ thể vào phụ nữ có trình độ học vấn thấp và những người sống ở nông thôn.

Khám hậu sản tại nhà giữ vai trò quan trọng trong việc giúp phụ nữ thay đổi hành vi. Nó tương quan thuận với việc tập thể dục và không tuân theo các điều kiêng kị hành vi truyền thống. Do đó, khám hậu sản nên được mở rộng đến mọi phụ nữ sau sinh.

Tham gia vào các khóa giáo dục y tế và dinh dưỡng dẫn đến gia tăng tiêu thụ trái cây và giảm xu hướng làm theo những điêu kiêng kị hành vi. Giáo dục y tế ảnh hưởng đến kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, hành vi và thái độ của một người đối với thực hành chăm sóc hậu sản. Vì thế, khi quảng bá thúc đẩy những cách chăm sóc hậu sản hiện đại, nên khuyến khích các khóa giáo dục y tế.

Trình độ học vấn của người chồng cao hơn có tương quan thuận với tiêu thụ rau củ và ngồi dậy trong vòng hai ngày sau sinh. Chế độ ăn uống sau sinh được thu xếp bởi mẹ đẻ hoặc mẹ chồng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến ăn rau củ. Những kết quả này chỉ ra rằng người chồng cũng như các thành viên khác trong gia đình cũng nên tham gia vào các khóa giáo dục dinh dưỡng nhằm đảm bảo họ hỗ trợ người phụ nữ sau sinh và có thái độ tích cực đối với thực hành chăm sóc hậu sản hiện đại.

Một hạn chế trong nghiên cứu của chúng tôi là ăn uống sau sinh cũng như mọi dữ liệu khác đều là do phụ nữ tự ghi nhận và sau khi hoàn tất giai đoạn hậu sản, vì thế có khả năng xuất hiện sự không chính xác và thiên lệch hồi tưởng. Tuy nhiên, những người tham gia dường như không gặp bất cứ khó khăn nào khi nhớ lại những hành vi ăn uống và y tế cụ thể trong cuộc phỏng vấn bởi vì chính sách một con ở Trung Quốc mà hầu hết những người tham gia nghiên cứu của chúng tôi đều là sinh con lần đầu và ‘ở cữ’ được nhìn nhận như một sự kiện rất quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ ở Trung Quốc. Họ có thể có những ký ức cụ thể chi tiết về giai đoạn hậu sản của bản thân. Trong nhiều trường hợp, qua nhiều năm phụ nữ vẫn có thể nhớ được họ đã ăn bao nhiều quả trứng trong giai đoạn sau sinh. Hạn chế khác của nghiên cứu này là đối tượng tham gia mà chúng tôi tuyển chọn chủ yếu là phụ nữ người Hán, trong khi đó thực hành chăm sóc hậu sản thay đổi giữa những dân tộc thiểu số trên cả nước ở Trung Quốc. Nghiên cứu thêm về những nhóm dân số thiểu số khác nhau sẽ rất thú vị.

Kết luận

Tóm lại, nghiên cứu hiện tại đã điều tra và sau đó đưa ra được hiểu biết rõ ràng hơn về thực hành chăm sóc hậu sản và các yếu tố liên quan ở Hồ Bắc, Trung Quốc. Căn cứ trên kết quả của chúng tôi, chúng tôi khuyến nghị là phòng y tế tiền sản nên phát triển những chương trình giáo dục về dinh dưỡng và y tế hậu sản cho phụ nữ có thai và các thành viên trong gia đình họ. Chúng tôi cũng đề nghị là một số chuyến thăm khám tiền sản nên được mở rộng thành thăm khám đầu hậu sản để theo dõi và hướng dẫn phụ nữ về thực hành chăm sóc hậu sản hiện thời (contemporary postpartum practices), việc này sẽ giúp phụ nữ có thể thực hành những cách làm đó.

Xung đột lợi ích

Nhóm các tác giả tuyên bố rằng họ không có xung đột lợi ích.

Đóng góp của các tác giả

Tác giả 1(NL) tham gia thu thập dữ liệu và phác thảo bài viết. Tác giả 2(LM) đóng góp nhiều vào phần thiết kế nghiên cứu, tham gia thu thập dữ liệu, tiến hành phân tích thống kê và hỗ trợ phác thảo bài viết. Tác giả 3(XS) giám sát thiết kế và việc thực thi nghiên cứu. Tác giả 4(LL) tham gia điều phối nghiên cứu và chỉnh sửa bài viết. Tác giả 5(BC) và Tác giả 6(QD) tiến hành thu thập dữ liệu và phân tích. Mọi tác giả đã đọc và thông qua bài viết cuối cùng.

Lời cảm ơn

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ giáo dục y tế và nghiên cứu dinh dưỡng Danone (Danone Nutrition Research and Health Education Foundation) (Số DIC2002-06). Nhóm các tác giả xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của các nhân viên cán sự tại Phòng khám sản nhi Giang Ngạn, Bệnh viện sản nhi Đông Tây Hồ và Cục Y tế Ma Thành ở Hồ Bắc, Trung Quốc.

– – –

  • Bài viết gốc:Postpartum practices of puerperal women and their influencing factors in three regions of Hubei, China
  • DOI: 10.1186/1471-2458-6-274
  • Tác giả: Nian LiuLimei Mao, Xiufa Sun,L iegang LiuBanghua Chen, và Qiang Ding
  • Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng

Leave a Comment