Xuất huyết đường tiêu hóa là như thế nào?
Xuất huyết đường tiêu hóa là bất kỳ kiểu chảy máu nào bắt nguồn từ trong đường tiêu hóa, còn có tên gọi là ống tiêu hóa. Xuất huyết đường tiêu hóa là triệu chứng của một căn bệnh hoặc một tình trạng sức khỏe thay vì tự nó là một bệnh hoặc một tình trạng sức khỏe riêng.
Xuất huyết đường tiêu hóa cấp tính là hiện tượng đột ngột xảy ra và đôi khi có thể trở nên nghiêm trọng.
Xuất huyết đường tiêu hóa mãn tính là hiện tượng chảy máu nhẹ trong khoảng thời gian dài và có thể lúc chảy máu lúc không.
Xuất huyết đường tiêu hóa có tên gọi khác không?
Xuất huyết đường tiêu hóa còn được gọi là chảy máu ống tiêu hóa, chảy máy đường tiêu hóa trên hay chảy máu đường tiêu hóa dưới. Đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới là những khu vực khác nhau trong đường tiêu hóa của bạn.
Mức độ phổ biến của triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa?
Hàng năm, khoảng 100.000 người ở Mỹ đến bệnh viện vì xuất huyết đường tiêu hóa trên. Khoảng 20 đến 33% các đợt chảy máu đường tiêu hóa ở các quốc gia phương Tây diễn ra tại đường tiêu hóa dưới.
Đối tượng nào dễ bị xuất huyết đường tiêu hóa?
Nam giới có gấp đôi khả năng bị xuất huyết đường tiêu hóa trên so với nữ giới.
Triệu chứng & Nguyên nhân
Xuất huyết đường tiêu hóa có các dấu hiệu gì?
Các triệu chứng của xuất huyết đường tiêu hóa có thể là:
- Phân đen hay có màu hắc ín
- Nôn ra máu đỏ tươi
- Bụng bị chuột rút
- Phân có lẫn máu đỏ tươi hoặc đỏ đậm
- Choáng váng hay chóng mặt
- Cảm thấy mệt mỏi
- Xanh xao
- Thở ngắn
- Chất nôn ra trông giống bã cà phê
- Yếu nhược
Dấu hiệu xuất huyết cấp tính
Bạn có thể bị sốc nếu đường tiêu hóa bị xuất huyết cấp tính. Chảy máu cấp tính là một tình trạng cần cấp cứu. Các triệu chứng của tình trạng sốc là:
- Hạ huyết áp
- Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu
- Mạch đập nhanh
- Bất tỉnh nhân sự
Nếu bạn có các triệu chứng bị sốc, bạn hoặc ai đó nên gọi cấp cứu ngay lập tức.
Dấu hiệu xuất huyết mãn tính
Bạn có thể bị thiếu máu nếu đường tiêu hóa của bạn bị xuất huyết mãn tính. Các triệu chứng thiếu máu có thể là cảm thấy mệt mỏi và thở ngắn, những dấu hiệu này có thể tăng dần theo thời gian.
Một số người có thể bị xuất huyết ẩn. Xuất huyết ẩn có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm hay của một căn bệnh ví dụ như ung thư đại trực tràng (colorectal cancer). Một xét nghiệm đơn giản trong phòng thí nghiệm có thể phát hiện được tình trạng chảy máu ẩn trong phân của bạn.
Nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa?
Nhiều tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa. Bác sĩ có thể cố gắng tìm ra nguyên khiến bạn xuất huyết bằng cách tìm hiểu nguồn cơn gây ra triệu chứng này. Những tình trạng sức khỏe sau đây, được liệt kê theo thứ tự trong bảng chữ cái, có thể là nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa:
Loạn sản mạch. Loạn sản mạch là tình trạng xuất hiện các mạch máu bất thường hoặc các mạch máu phình to trong đường tiêu hóa. Những mạch máu này có thể trở nên mảnh yếu và xuất huyết.
Các khối u lành tính và ung thư. Những khối u lành tính và ung thư ở thực quản, dạ dày, đại tràng hay trực tràng có thể gây xuất huyết khi chúng làm yếu đi lớp niêm mạc trong đường tiêu hóa. Khối u lành tính là một khối mô bất thường mà không gây ung thư.
Viêm đại tràng. Các vết loét xuất hiện trong ruột già là một biến chứng của bệnh viêm đại tràng. Viêm loét đại tràng (Ulcerative colitis) là một căn bệnh viêm ruột gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Polyp đại tràng. Polyp đại tràng (Colon polyps) có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Bạn có thể có nhiều hơn một polyp cùng một lúc. Một số loại polyp có thể gây ung thư hay có thể phát triển thành ung thư.
Viêm túi thừa. Viêm túi thừa (Diverticular disease) có thể làm chảy máu đường tiêu hóa khi những túi nhỏ, hay các bao, hình thành và lấn ra ngoài qua các vị trí yếu trên thành đại tràng.
Giãn tính mạch thực quản. Giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa. Giãn tĩnh mạch thực quản thường liên quan đến bệnh gan mãn tính có tên gọi là bệnh xơ gan.
Viêm thực quản. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm thực quản (esophagitis) là do trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux/GER). GER xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới yếu hay thả lỏng khi không nên. Axit dạ dày có thể hủy hoại thực quản và tạo thành các vết thương cũng như là dẫn đến chảy máu.
Viêm dạ dày. Một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm dạ dày (gastritis) là:
- Sử dụng thuốc kháng viêm không chứa steroid NSAID (nonsteroidal anti-inflammatory drugs) và các loại thuốc khác
- Nhiễm trùng
- Bệnh Crohn
- Ốm nặng
- Bị trọng thương
Nếu không được điều trị, bệnh viêm dạ dày có thể tạo ra các vết loét hay các vùng bị xói mòn trong niêm mạc dạ dày mà làm chảy máu đường tiêu hóa của bạn.
Trĩ và nứt hậu môn. Trĩ có thể làm chảy máu đường tiêu hóa. Táo bón và rặn trong khi đại tiện có thể khiến các búi trĩ phình căng lên. Trĩ gây đau đớn ngứa ngáy và đôi khi chảu máu hậu môn hoặc trực tràng dưới. Nứt hậu môn là những vết rách cũng gây ngứa ngáy, xé rách hoặc làm chảy máu trong hậu môn. .
Vết rách Mallory-Weiss (Vết rách dạ dày thực quản). Nôn mửa dữ dội có thể là nguyên nhân tạo thành các vết rách Mallory-Weiss (Mallory-Weiss tears), những vết rách này có thể làm đường tiêu hóa chảy máu. Bạn có thể có nhiều hơn một vết rách Mallory-Weiss cùng một lúc.
Loét dạ dày tá tràng. Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và sử dụng NSAID có thể gây ra bệnh loét dạ dày tá tràng (peptic ulcers). Loét dạ dày tá tràng có thể làm mòn đi lớp màng nhầy và gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Chẩn đoán
Bác sĩ chẩn đoán xuất huyết đường tiêu hóa bằng cách nào?
Để chẩn đoán được tình trạng chảy máu đường tiêu hóa, bác sĩ trước tiên sẽ xác định vị trí xuất huyết dựa trên bệnh sử của bạn – gồm những loại thuốc bạn đang sử dụng – và tiền sử bệnh gia đình của bạn, khám trực tiếp và các xét nghiệm chẩn đoán.
Khám trực tiếp
Trong khi khám, bác sĩ thường:
- Khám thân thể bạn
- Nghe âm thanh trong bụng bạn bằng ống nghe
- Gõ lên những vùng cụ thể trên cơ thể bạn
Xét nghiệm chẩn đoán
Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn mà bác sĩ sẽ yêu cầu làm một hay nhiều xét nghiệm chẩn đoán để kết luận xem bạn có bị chảy máu đường tiêu hóa không, và nếu bị thì các xét nghiệm này cũng để tìm ra nguyên nhân gây xuất huyết.
Bác sĩ dùng những xét nghiệm gì để chẩn đoán xuất huyết đường tiêu hóa?
Bác sĩ có thể tiến hành những xét nghiệm sau để giúp chẩn đoán nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa.
Xét nghiệm phòng thí nghiệm
Xét nghiệm phòng thí nghiệm nhằm giúp chẩn đoán nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa gồm có:
Xét nghiệm phân. Xét nghiệm phân là phân tích một mẫu phân. Bác sĩ sẽ cho bạn ống đựng để hứng và trữ phân. Bạn sẽ được hướng dẫn về địa điểm để lấy bộ dụng cụ xét nghiệm hoặc để gửi mẫu phân về phân tích. Xét nghiệm phân có thể chỉ ra triệu chứng chảy máu ẩn.
Xét nghiệm máu. Chuyên gia y tế lấy mẫu máu của bạn và gửi về phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Xét nghiệm máu có thể hỗ trợ xác định mức độ chảy máu của bạn và xem liệu bạn có bị thiếu máu không.
Rửa dạ dày
Rửa dạ dày (gastric lavage) là phương pháp bác sĩ đưa một ống qua mũi hoặc miệng bạn đi vào dạ dày để loại bỏ các chất có trong dạ dày nhằm xác định được vị trí có khả năng xuất huyết. Bác sĩ có thể dùng phương pháp rửa dạ dày để giúp chuẩn bị cho xét nghiệm chẩn đoán khác, thường thấy nhất là với tình trạng xuất huyết cấp tính nghiêm trọng. Bác sĩ tiến hành rửa dạ dày tại trung tâm ngoại trú hoặc bệnh viện. Họng của bạn thường được gây tê bằng dung dịch thuốc tê.
Nội soi
Phương pháp nội soi bao gồm việc bác sĩ khám lối đi rỗng trong cơ thể bạn bằng một dụng cụ đặc thù. Phương pháp này có thể giúp bác sĩ biết được liệu bạn có bị chảy máu đường tiêu hóa không và chảy máu ở vị trí nào cũng như là nguyên nhân gây chảy máu. Phương pháp bác sĩ thường dùng nhất là nội soi đường tiêu hóa trên và nội soi đại tràng để kiểm tra xem có dấu hiệu xuất huyết ở đường tiêu hóa trên và tiêu hóa dưới không.
Nội soi đường tiêu hóa trên. Trong phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên, bác sĩ đưa ống nội soi đi xuống thực quản và vào dạ dày rồi đến tá tràng. Chuyên viên đã qua đào tạo tiến hành phương pháp kiểm tra này tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Họng bạn thường được gây tê bằng dung dịch gây tê và bạn được cho sử dụng thuốc an thần liều nhẹ để giúp duy trì cơ thể thả lỏng và thoải mái trong khi nội soi.
Nội soi ruột non. Trong phương pháp nội soi ruột non, bác sĩ khám ruột non của bạn bằng một ống nội soi đặc thù dài hơn.
Nội soi viên nang. Trong phương pháp nội soi viên nang (capsule endoscopy), bạn nuốt vào một viên nang chứa một máy quay mini giúp bác sĩ quan sát bên trong đường tiêu hóa của bạn. Với phương pháp này không cần gây tê cho bạn. Quá trình kiểm tra bắt đầu từ trong văn phòng của bác sĩ, nơi bạn nuốt viên nang. Khi viên nang di chuyển qua đường tiêu hóa, máy quay sẽ ghi lại hình ảnh sau đó bác sĩ sẽ tải hình ảnh về và đánh giá đưa ra kết luận. Viên nang chứa máy quay sẽ ra khỏi cơ thể bạn theo đường đại tiện.
Nội soi đại tràng. Nội soi đại tràng (Colonoscopy) là phương pháp mà bác sĩ dùng một ống hẹp mềm dài có gắn đèn và máy quay mini ở một đầu, gọi là ống nội soi đại tràng (colonoscope) hay ống nội soi, để quan sát bên trong trực tràng (rectum) và đại tràng (colon) của bạn. Chuyên viên đã qua đào tạo thực hiện kiểm tra nội soi đại tràng tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Bạn sẽ được cho sử dụng thuốc an thần, thuốc gây tê hoặc thuốc giảm đau trong quá trình nội soi. Bác sĩ có thể quan sát được và chữa trị bất cứ dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa nào trong khi nội soi.
Nội soi trực tràng ống mềm. Nội soi trực tràng ống mềm là phương pháp bác sĩ dùng một ống hẹp mềm có gắn đèn và máy quay mini ở một đầu, gọi là ống nội soi trực tràng hay ống nội soi, để quan sát bên trong trực tràng và đại tràng sigma cũng như là chữa trị bất kỳ tình trạng xuất huyết nào. Chuyên viên đã qua đào tạo tiến hành nội soi trực tràng ống mềm tại văn phòng của bác sĩ, bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Với phương pháp này thì không cần gây tê cho bạn.

(upper endoscopy= nội soi đường tiêu hóa trên; endoscope=ống nội soi; esophagus=thực quản; stomach=dạ dày)
Kiểm tra vật lý chụp hình
Để hỗ trợ tìm nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm một hoặc nhiều kiểm tra vật lý chụp hình dưới đây. Với các phương pháp kiểm tra này, không cần gây tê cho bạn.
Chụp cắt lớp vi tính/CT bụng. Chụp cắt lớp vi tính bụng ((CT) scan) kết hợp dùng tia X quang và công nghệ máy tính để tạo hình ảnh đường tiêu hóa. Kỹ thuật viên chụp X quang tiến hành chụp tại trung tâm ngoại trú hoặc bệnh viện. Bác sĩ X quang đọc giải kết quả hình ảnh và viết báo cáo kết luận.
Chụp X quang đường tiêu hóa dưới. Chụp X quang đường tiêu hóa dưới là phương pháp bác sĩ sử dụng tia X quang (x-rays) và một dung dịch màu phấn trắng có tên là bari (barium) để quan sát ruột già của bạn. Kỹ thuật viên chụp X quang và bác sĩ X quang thực hiện chụp X quang đường tiêu hóa dưới tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú.
Chụp X quang đường tiêu hóa trên. Chụp X quang đường tiêu hóa trên là phương pháp bác sĩ dùng tia X quang, phép soi huỳnh quang (fluoroscopy) và một dung dịch màu phấn trắng có tên là bari để quan sát đường tiêu hóa trên. Kỹ thuật viên chụp X quang và bác sĩ X quang thực hiện chụp X quang đường tiêu hóa trên tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú.
Chụp X quang mạch máu. Chụp X quang mạch máu là một loại phương pháp chụp X quang đặc biệt trong đó bác sĩ chụp X quang đưa một catheter qua các động mạch (arteries) lớn của bạn. Bác sĩ thực hiện chụp và đọc giải kết quả hình ảnh tại bệnh viện hoặc trung tâm ngoại trú. Có thể bạn sẽ được cho sử dụng thuốc an thần liều nhẹ để giúp duy trì cơ thể thả lỏng và thoải mái trong khi chụp.
Xạ hình. Phương pháp xạ hình (radionuclide scan) có thể giúp bác sĩ tìm ra được nguyên nhân khiến bạn bị chảy máu đường tiêu hóa. Kỹ thuật viên được đào tạo đặc biệt tiến hành chụp tại trung tâm ngoại trú hoặc bệnh viện. Kỹ thuật viên đưa một hỗn hợp gồm máu của bạn và chất phóng xạ vào cơ quan đang chảy máu. Chất phóng xạ đưa vào cơ thể có liều lượng nhỏ vì vậy xác suất chất này gây hại cho tế bào trong cơ thể bạn là thấp. Một máy quay đặc biệt chụp lại hình ảnh chất phóng xạ trong cơ quan đó.
Các thủ tục kiểm tra đường tiêu hóa
Nếu không có xét nghiệm kiểm tra nào khác giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân khiến bạn bị xuất huyết đường tiêu hóa, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành một trong những phương pháp sau để kiểm tra đường tiêu hóa:
Phẫu thuật mở bụng. Khi phẫu thuật mở bụng (laparotomy), bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường trên bụng bạn và thông dò ổ bụng. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể điều trị các vấn đề gây xuất huyết. Bạn sẽ được gây mê toàn thân.
Nội soi ổ bụng. Trong phương pháp nội soi ổ bụng (laparoscopy), bác sĩ dùng ống nội soi bụng để rạch vài đường trên bụng bạn. Họ đưa những dụng cụ đặc thù và một máy quay vào để cố gắng định vị và điều trị nguồn gốc gây xuất huyết. Bạn sẽ được gây mê toàn thân.
Điều trị
Bác sĩ điều trị xuất huyết đường tiêu hóa như thế nào?
Điều trị xuất huyết đường tiêu hóa phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí xuất huyết.
Điều trị trong quá trình chẩn đoán
Trong quá trình nội soi đường tiêu hóa trên, nội soi đường tiêu hóa dưới, nội soi đại tràng, nội soi trực tràng ống mềm, hay nội soi ổ bụng, bác sĩ có thể cầm máu trong đường tiêu hóa của bạn. Họ có thể ngăn máu chảy tiếp bằng cách đưa các dụng cụ qua ống nội soi, ống nội soi đại tràng hay ống nội soi trực tràng để:
- Đưa thuốc vào địa điểm xuất huyết
- Điều trị chỗ xuất huyết và các mô bao quanh bằng đầu dò nhiệt, dòng diện hoặc laser
- Khép các mạch máu bị vỡ bằng băng hoặc vòng kẹp
Trong khi chụp X quang mạch máu, bác sĩ X quang có thể đưa thuốc hoặc các vật liệu y tế khác vào các mạch máu để ngăn một số kiểu xuất huyết.

(colonoscopy=nội soi đại tràng; colon=đại tràng; rectrum=trực tràng; colonoscope=ống nội soi đại tràng;anus=hậu môn)
Sử dụng thuốc
Khi nhiễm trùng hay các vết loét gây chảy máu trong đường tiêu hóa, chuyên gia y tế kê thuốc để chữa trị.
Phẫu thuật
Khi một người bị xuất huyết cấp tính nặng hay máu chảy không ngừng, bác sĩ phẫu thuật có thể sẽ cần tiến hành nội soi ổ bụng hay phẫu thuật mở bụng để cầm máu.
Tôi có thể phòng tránh xuất huyết đường tiêu hóa bằng cách nào?
Bác sĩ có thể ngăn ngừa xuất huyết đường tiêu hóa bằng cách điều trị các tình trạng sức khỏe gây ra xuất huyết. Bạn có thể phòng tránh một số nguyên nhân đó bằng cách:
- Hạn chế lượng thuốc kháng viêm không chứa steroid NSAID mà bạn đang sử dụng hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia y tế về các lựa chọn thuốc khác.
- Tuân thủ hướng dẫn điều trị trào ngược dạ dày thực quản của bác sĩ.
Ăn uống, Ăn kiêng, & Dinh dưỡng
Tôi nên ăn gì nếu mình bị chảy máu đường tiêu hóa?
Nếu bạn đã từng bị xuất huyết đường tiêu hóa do bệnh viêm túi thừa, nứt hậu môn hoặc trĩ, bạn nên tuân theo chế độ ăn kiêng được khuyến nghị bởi chuyên gia y tế.
Tôi nên tránh những gì nếu mình bị chảy máu đường tiêu hóa?
Nếu bạn bị chảy máu do loét dạ dày tá tràng hay viêm dạ dày, bạn có thể ngăn ngừa xuất huyết đường tiêu hóa bằng cách tránh các đồ uống có cồn và hút thuốc. Rượu và thuốc là có thể làm tăng axit dạ dày cũng như là tạo ra các vết loét. Không được uống các đồ uống có cồn hoặc hút thuốc lá nếu bạn đang bị chảy máu đường tiêu hóa.
(Theo NIDDK, Hoa Kỳ – Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm dịch: Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)