Tóm tắt sơ lược
Mục tiêu
Chúng tôi đã nghiên cứu mối quan hệ giữa hành vi ăn uống được đo bằng Bảng câu hỏi Hành vi Ăn uống Hà Lan (Dutch Eating Behaviour Questionnaire/DEBQ) và nhận thức về hình thể/vóc dáng (body shape), đồng thời kiểm tra tình trạng thể chất hiện tại cùng với các tham số thể chất “lý tưởng” ở cả nam và nữ.
Phương pháp
Những người tham gia, 548 sinh viên đại học (19,2 ± 0,9 tuổi, trung bình (mean) ± độ lệch chuẩn (SD); 252 nam, 296 nữ), đã hoàn thành bảng câu hỏi với những câu hỏi về tình trạng thể chất hiện tại của họ (ví dụ, chiều cao và cân nặng), thông số thể chất mà họ cho là lý tưởng (ideal physical parameters), nhận thức về hình thể hiện tại của họ, hình thể lý tưởng mà họ mong muốn, cùng với hành vi ăn uống của họ.
Kết quả
Cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng cao hơn đáng kể so với cân nặng và BMI hiện tại ở nam giới, nhưng lại thấp hơn đáng kể ở nữ giới. Với nữ giới, hình thể lý tưởng thường nhỏ hơn nhận thức của họ về hình thể hiện tại. Điểm số DEBQ đối với chế độ ăn uống hạn chế, ăn uống theo cảm xúc, và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động ở nữ giới cao hơn là ở nam giới trong số những người tham gia có cân nặng bình thường, và trong số những đối tượng tham gia thiếu cân thì điểm số ăn uống hạn chế và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động của nữ giới cũng cao hơn của nam giới. Chế độ ăn uống hạn chế có mối liên quan tiêu cực đến sự khác biệt/chênh lệch giữa cân nặng, BMI, và hình thể hiện tại với cân nặng, BMI và hình thể lý tưởng ở cả nam lẫn nữ. Kiểu ăn uống theo cảm xúc cũng liên quan tiêu cực đến sự chênh lệch trong BMI và hình thể hiện tại/lý tưởng nhưng chỉ ở nữ giới.
Kết luận
Chí ít thì với sinh viên đại học Nhật Bản, những khác biệt về giới trong hình thể lý tưởng cũng liên quan đến hành vi ăn uống.
Giới thiệu
Chúng ta đều biết rằng rất nhiều cô gái trẻ cùng bao phụ nữ trên thế giới đều luôn cảm thấy thôi thúc muốn duy trì vóc người thanh mảnh hoặc trở nên thon thả. Nghiên cứu về các quần thể/dân số lớn đã phát hiện thấy rằng chỉ số khối cơ thể trung bình của nhiều phụ nữ trẻ ở các nước châu Âu và ở Mỹ là lớn hơn 25 (thừa cân), và hình thể/vóc dáng lý tưởng tự báo cáo của họ thường nhỏ hơn hình thể hiện tại của họ. Chỉ số khối cơ thể trung bình của phụ nữ trẻ Nhật Bản là khoảng 20. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó vẫn muốn đạt được một vóc dáng lý tưởng thanh mảnh hơn nữa.
Trong các nghiên cứu trước đây, hành vi ăn uống được phát hiện là có liên quan đến hình tượng cơ thể, và với mong muốn sở hữu vóc dáng thon thả. Ví dụ, điểm số cao trong Bài kiểm tra Thái độ Ăn uống 26 (Eating Attitude Test-26/EAT-26) có liên quan tích cực đến vóc dáng thanh mảnh lý tưởng hoặc mong muốn trở nên thon thả. Bài kiểm tra EAT-26 được Garner phát triển để sàng lọc các bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống, trong đó điểm số 20 được cho là giới hạn/ngưỡng lâm sàng (clinical cut-off).
Một biện pháp khác, Bảng câu hỏi Hành vi Ăn uống Hà Lan (DEBQ), đã được Van Strein phát triển để đánh giá hành vi ăn uống, bao gồm hành vi của các đối tượng bình thường, liên quan đến ba mô hình ăn uống, như ăn uống hạn chế, ăn uống do môi trường bên ngoài tác động, và ăn uống theo cảm xúc. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về mối quan hệ giữa DEBQ và hình thể. Ăn uống hạn chế (Restrained eating) trong DEBQ có mối liên hệ tích cực với sự chênh lệch giữa BMI lâm sàng và BMI tự báo cáo, liên quan tích cực đến nhận thức về cân nặng cơ thể, tức là liệu các đối tượng được hỏi có nghĩ mình thừa cân hay thiếu cân hay không, và liên quan tiêu cực đến hình tượng cơ thể lý tưởng. Các báo cáo trên chỉ đề cập đến phạm trù ăn uống hạn chế trong DEBQ. Do đó, vẫn còn rất ít thông tin về mối liên hệ giữa biện pháp DEBQ và hình thể từ quan điểm của ba mô hình ăn uống DEBQ. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây còn phát hiện thấy rằng nam giới cũng rất bận tâm đến hình thể của chính họ, nhưng có rất ít nghiên cứu về nhận thức của nam giới về hình thể của bản thân, hoặc những nghiên cứu so sánh nhận thức về hình thể giữa nam giới và nữ giới. Hơn nữa, ở nam giới, động lực để có một cơ thể vạm vỡ, đó là mong muốn tăng cường hệ thống cơ bắp của họ, đã được báo cáo. Do đó, người ta đặt ra giả thuyết rằng có sự khác biệt trong chiều hướng hình thể lý tưởng giữa nam và nữ, hoặc giữa các đối tượng có cân nặng bình thường và các đối tượng bị thiếu cân. Người ta cũng đưa ra giả thuyết là có sự khác biệt trong mối quan hệ giữa DEBQ và hình thể giữa nam và nữ, hoặc giữa những người có cân nặng bình thường và những người bị thiếu cân.
Trong nghiên cứu hiện tại, để giải quyết vấn đề thiếu hụt tài liệu, chúng tôi đã xem xét mối quan hệ giữa hành vi ăn uống được đo bằng DEBQ và nhận thức về hình thể giữa cân nặng bình thường và tình trạng thiếu cân ở từng giới.
Phương pháp
Đối tượng tham gia
Cuộc khảo sát được tiến hành bằng bảng câu hỏi ẩn danh tự quản lý trong các lớp đại học từ năm 2011-2012. Đối tượng tham gia là 618 sinh viên đại học tham gia vào các lớp học về nghệ thuật tự do (liberal arts). Các đối tượng tham gia không được nhận thù lao. Bảng câu hỏi được cung cấp cho những người tham dự (618 sinh viên), và được thu lại sau khi hoàn thành. Trong tổng số 618 bảng câu hỏi thì có 548 bảng là có câu trả lời hợp lệ. Vì vậy, tỷ lệ trả lời, được tính bằng cách lấy câu trả lời hợp lệ chia cho tổng số bảng câu hỏi được phát ra, là 88,7% (n = 548, 252 nam và 296 nữ, 19,2 ± 0,9 tuổi). Chúng tôi phân loại các đối tượng tham gia thành ba nhóm theo tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): thừa cân (BMI ≥ 25,0 kg/m2), cân nặng bình thường (18,5 ≤ BMI < 25,0 kg/m2), và thiếu cân (BMI <18,5kg/m2). Trong số những người tham gia có 94 sinh viên thiếu cân (33 nam và 61 nữ), 436 sinh viên với cân nặng bình thường (210 nam và 226 nữ), và 18 sinh viên thừa cân (9 nam và 9 nữ). Các đối tượng thừa cân bị loại khỏi phân tích hiện tại vì số lượng quá nhỏ so với nhóm các sinh viên thiếu cân hoặc có cân nặng bình thường.
Sau khi được giải thích cặn kẽ về cuộc nghiên cứu, tất cả các đối tượng đều đồng thuận tham gia. Và cuộc nghiên cứu được phê duyệt bởi Ủy ban Đạo đức Con người của Trường hậu đại học về Phát triển Con người và Môi trường, thuộc Đại học Kobe.
Biện pháp
Bảng câu hỏi đã xác định được tình trạng thể chất, nhận thức về hình thể, cũng như hành vi ăn uống của đối tượng tham gia. Các câu hỏi về tình trạng thể chất bao gồm bốn hạng mục: tuổi tác, chiều cao, cân nặng, “chiều cao lý tưởng,” và “cân nặng lý tưởng” do người tham gia trả lời. Liên quan đến chiều cao và cân nặng, chúng tôi đã yêu cầu các đối tượng viết ra chiều cao và cân nặng tự báo cáo của họ theo như các báo cáo trước đó. Chỉ số BMI (kg/m2) của từng đối tượng tham gia được tính bằng cách lấy cân nặng tính bằng kilogram chia cho bình phương chiều cao tính bằng mét của họ. “BMI lý tưởng” của mỗi một đối tượng cũng được tính theo cách tương tự như khi tính BMI, nhưng trong trường hợp này là sử dụng chiều cao và cân nặng lý tưởng mà họ cung cấp. Sự chênh lệch trong chiều cao, cân nặng, và BMI được tính bằng cách lấy “giá trị lý tưởng” trừ đi “giá trị hiện tại.”
Nhận thức về hình thể của đối tượng tham gia được đánh giá thông qua một thang đo định khoảng (interval scale) 27 hạng mục, sử dụng bốn hình chiếu/hình bóng dựa vào BMI dành riêng cho từng giới tính cụ thể với tính hợp lệ và độ đáng tin cậy đã được đánh giá trong nghiên cứu trước đó. Các đối tượng tham gia được yêu cầu lựa chọn một mục trong thang đo định khoảng 27 hạng mục mà thể hiện sát nhất kích thước có thể thực tế và lý tưởng của họ. Sự chênh lệch về hình thể cũng được tính bằng cách lấy “hình thể lý tưởng” trừ đi “hình thể hiện tại.”
Hành vi ăn uống được đánh giá bằng bảng câu hỏi DEBQ phiên bản tiếng Nhật mà tính xác thực cùng với độ chính xác của nó đã được xác định trong nghiên cứu trước đó. DEBQ là bảng câu hỏi tự đáng giá gồm 33 mục và được chia thành ba phần nhỏ: ăn uống hạn chế (10 mục), ăn uống theo cảm xúc (13 mục), và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động (10 mục). Ăn uống hạn chế tức là kiềm chế/hạn chế ăn uống một cách nghịch lý (ban đầu, lượng thực phẩm tiêu thụ được giảm bớt để giảm hoặc duy trì cân nặng, nhưng sau đó là tăng mức tiêu thụ và ăn uống vô độ). Ăn uống theo cảm xúc tức là ăn để phản ứng lại những cảm xúc tiêu cực. Ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động có nghĩa là ăn để đáp lại hình ảnh hoặc mùi hương của món ăn. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá từng câu hỏi theo thang điểm từ 1 tức là “chưa bao giờ/không bao giờ” đến 5 tức là “rất thường xuyên.” Câu trả lời cho từng câu hỏi được cộng lại trong từng phần nhỏ, sau đó chia cho số câu hỏi được bao gồm trong mỗi một phần nhỏ đó để cho ra điểm số từ 1 đến 5.
Phân tích thống kê
Phương pháp kiểm định t được áp dụng để đánh giá những sự chênh lệch trong tình trạng thể chất hoặc điểm số DEBQ giữa sinh viên có cân nặng bình thường và sinh viên bị thiếu cân ở mỗi giới. Các hệ số tương quan Pearson được tính trên BMI và điểm số DEBQ. Một phân tích hồi quy tuyến tính đa biến (multiple linear regression analysis) đã được sử dụng để nghiên cứu mối liên hệ giữa điểm DEBQ và sự chênh lệch trong chỉ số thể chất, điều chỉnh theo chiều cao. Một phân tích phương sai (ANOVA) lặp lại hai chiều đã được áp dụng để nghiên cứu ảnh hưởng của tình trạng thể chất “hiện tại” và “lý tưởng,” ảnh hưởng của giới tính, và những ảnh hưởng tương tác giữa tình trạng thể chất “hiện tại” và “lý tưởng” cùng giới tính đối với các thông số của tình trạng thể chất. Với một phân tích hậu kiểm hay kiểm định sâu ANOVA (post hoc analysis), chúng tôi sử dụng phương pháp kiểm định Bonferroni. Mức độ thống kê có ý nghĩa/đủ độ tin cậy được thiết lập ở mức 0,05. Tất cả phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm SPSS® phiên bản 19.0 J dành cho hệ điều hành Windows (IBM, Tokyo).
Kết quả
Sau khi loại trừ 18 sinh viên thừa cân, giá trị trung bình cùng độ lệch chuẩn cho chiều cao, cân nặng, và BMI của tất cả các đối tượng tham gia lần lượt là 171,6 ± 5,7 cm, 61,1 ± 8,5 kg, và 20,7 ± 2,4 kg/m2 ở nam giới, và 157,7 ± 5,5 cm, 50,3 ± 6,5 kg, và 20,2 ± 2,5 kg/m2 ở nữ giới. Theo sự phân loại hình thể dựa vào BMI, có 17,7% (n = 94) người tham gia bị thiếu cân, còn 82,3% (n = 436) là có cân nặng bình thường. Ở nam giới, có 13,1% (n = 33) đối tượng tham gia là bị thiếu cân, trong khi đó thì 83,3% (n = 220) là có cân nặng bình thường. Với các đối tượng tham gia nữ giới thì có 20,6% (n = 61) là bị thiếu cân, còn 76,4% (n = 226) là có cân nặng bình thường.
Như đã trình bày ở Bảng 1, cân nặng, BMI, nhận thức về hình thể, cân nặng lý tưởng, và BMI lý tưởng của những đối tượng thiếu cân đều thấp hơn đáng kể so với những người tham gia có cân nặng bình thường, ở cả nam và nữ (cân nặng lý tưởng ở nam giới, p = 0,001; các chỉ số khác, p < 0,001).
Bảng 1: Tình trạng thể chất của các đối tượng thiếu cân và có cân nặng bình thường
Nam giới | Nữ giới | |||
Thiếu cân (n = 33) | Cân nặng bình thường (n = 210) | Thiếu cân (n = 61) | Cân nặng bình thường (n = 226) | |
Chiều cao (cm) | 171,8 ± 5,7b | 171,4 ± 5,6c | 158,5 ± 5,6 | 157,7 ± 5,4 |
Cân nặng (kg) | 51,9 ± 4,5ab | 61,6 ± 6,3c | 44,2 ± 3,7a | 51,3 ± 4,9 |
BMI (kg/m2) | 17,6 ± 0,9a | 20,9 ± 1,6 | 17,6 ± 0,9a | 20,6 ± 1,5 |
Nhận thức về hình thể | 7,1 ± 2,4a | 12,4 ± 3,8 | 7,5 ± 2,8a | 12,3 ± 3,4 |
Chiều cao lý tưởng (cm) | 176,1 ± 5,2b | 176,0 ± 5,1c | 160,1 ± 6,1 | 159,4 ± 4,5 |
Cân nặng lý tưởng (kg) | 60,0 ± 6,1ab | 64,9 ± 7,4c | 44,9 ± 6,5a | 47,3 ± 4,0 |
BMI lý tưởng (kg/m2) | 19,4 ± 1,5ab | 20,9 ± 1,8c | 17,5 ± 1,3a | 18,6 ± 1,2 |
Hình thể lý tưởng | 11,2 ± 3,7b | 12,1 ± 3,0c | 6,5 ± 2,8a | 7,5 ± 2,2 |
Chênh lệch trong chiều cao (cm) | 4,2 ± 4,4b | 4,6 ± 4,7c | 1,6 ± 4,7 | 1,8 ± 3,5 |
Chênh lệch trong cân nặng (kg) | 8,1 ± 5,7ab | 3,3 ± 5,9c | 0,7 ± 7,1a | −3,9 ± 3,4 |
Chênh lệch trong BMI (kg/m2) | 1,8 ± 1,4ab | −0,03 ± 3,8c | −0,1 ± 1,7a | −2,0 ± 1,3 |
Chênh lệch trong hình thể | 4,1 ± 3,5ab | −0,3 ± 3,8c | −1,0 ± 3,9a | −4,8 ± 3,1 |
Chênh lệch: giá trị lý tưởng trừ đi giá trị hiện tại. Giá trị là trung bình ± độ lệch chuẩn
BMI: chỉ số khối cơ thể
aKhác biệt đáng kể so với các đối tượng có cân nặng bình thường ở mỗi giới (Phương pháp kiểm định t với phương pháp hiệu chỉnh Bonferroni)
bKhác biệt đáng kể so với nữ giới thiếu cân (Phương pháp kiểm định t với phương pháp hiệu chỉnh Bonferroni)
cKhác biệt đáng kể so với nữ giới có cân nặng bình thường (Phương pháp kiểm định t với phương pháp hiệu chỉnh Bonferroni)
Ở nữ giới, nhận thức về hình thể lý tưởng của các đối tượng thiếu cân thấp hơn đáng kể so với các đối tượng có cân nặng bình thường (p = 0,004). Trong nhóm những người tham gia là nữ có cân nặng bình thường, sự chênh lệch trong cân nặng, BMI, và hình thể là âm, và thấp hơn đáng kể so với những giá trị chênh lệch của nữ giới thiếu cân (cả ba chỉ số, p < 0,001). Đối với nam giới thiếu cân, những chênh lệch trong cân nặng, BMI, và hình thể là dương, và cao hơn đáng kể so với những đối tượng tham gia là nam có cân nặng bình thường (cả ba chỉ số, p < 0,001). Trong số tất cả những người tham gia thiếu cân, giá trị chiều cao, cân nặng, chiều cao lý tưởng, cân nặng lý tưởng, BMI lý tưởng, hình thể lý tưởng, chênh lệch trong chiều cao, chênh lệch trong cân nặng, chênh lệch trong BMI, và chênh lệch trong hình thể của nam lớn hơn đáng kể so với các giá trị của nữ (p < 0,05). Tương tự, trong số tất cả các đối tượng tham gia với cân nặng bình thường, giá trị chiều cao, cân nặng, chiều cao lý tưởng, cân nặng lý tưởng, BMI lý tưởng, hình thể lý tưởng, chênh lệch trong chiều cao, chênh lệch trong cân nặng, chênh lệch trong BMI, và chênh lệch trong hình thể của nam giới lớn hơn đáng kể so với nữ giới (p < 0,05).
Điểm số ăn uống hạn chế, ăn uống theo cảm xúc, và ăn uống do các yếu tố bên ngoài tác động DEBQ của nữ cao hơn đáng kể điểm số của nam (cả ba điểm số: p < 0,001). Bên cạnh đó, như đã trình bày ở Bảng 2, giá trị ăn uống hạn chế của các đối tượng thiếu cân thấp hơn của các đối tượng có cân nặng bình thường ở cả nam và nữ (nam giới, p = 0,003; nữ giới, p < 0,001). Trong số tất cả những đối tượng tham gia thiếu cân, nữ giới có điểm ăn uống hạn chế và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động cao hơn của nam giới (p < 0,05). Trong số những người tham gia với cân nặng bình thường, điểm số ăn uống hạn chế, ăn uống theo cảm xúc, và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động của nữ giới cũng cao hơn so với của nam giới (p < 0,05). Độ tin cậy/hệ số Cronbach’s alpha là 0,91 với ăn uống hạn chế, 0,95 cho ăn uống theo cảm xúc, và 0,79 đối với ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động.
Bảng 2: Điểm DEBA của các đối tượng thiếu cân và có cân nặng bình thường
Nam giới | Nữ giới | |||
Thiếu cân (n = 33) | Cân nặng bình thường (n = 210) | Thiếu cân (n = 61) | Cân nặng bình thường (n = 226) | |
Ăn uống hạn chế | 1,8 ± 0,6ab | 2,2 ± 0,8c | 2,6 ± 0,9a | 3,0 ± 0,8 |
Ăn uống theo cảm xúc | 1,9 ± 0,9 | 1,8 ± 0,6c | 2,2 ± 0,9 | 2,3 ± 1,0 |
Ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động | 3,0 ± 0,7b | 3,1 ± 0,7c | 3,4 ± 0,7 | 3,4 ± 0,7 |
Các giá trị là trung bình ± độ lệch chuẩn
aKhác biệt đáng kể so với các đối tượng có cân nặng bình thường ở mỗi giới (Phương pháp kiểm định t với phương pháp hiệu chỉnh Bonferroni)
bKhác biệt đáng kể so với nữ giới thiếu cân (Phương pháp kiểm định t với phương pháp hiệu chỉnh Bonferroni)
cKhác biệt đáng kể so với nữ giới với cân nặng bình thường (Phương pháp kiểm định t với phương pháp hiệu chỉnh Bonferroni)
Những sự chênh lệch trong chiều cao, cân nặng, BMI, và hình thể giữa dữ liệu hiện tại và dữ liệu lý tưởng của các đối tượng tham gia được biểu thị trong các biểu đồ ở bên dưới. Phương pháp ANOVA lặp lại hai chiều đã cho thấy rằng có một ảnh hưởng/hiệu ứng tương tác đáng kể giữa giới tính và sự chênh lệch chiều cao (F = 61,7, p < 0,01). Cả giới tính và sự chênh lệch chiều cao đều có ảnh hưởng chính đến chiều cao. Sau khi phân tích hậu kiểm định, cả chiều cao thực tế lẫn chiều cao lý tưởng của nam giới đều cao hơn đáng kể so với nữ giới. Chiều cao lý tưởng của cả nam và nữ lại cao hơn đáng kể so với chiều cao hiện tại của họ.
[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]
Biểu đồ 1: So sánh chiều cao hiện tại và chiều cao lý tưởng. Chiều cao hiện tại và lý tưởng của nam giới được biểu thị bằng hình tròn mở/rỗng/không màu, còn chiều cao hiện tại và lý tưởng của nữ giới thì được biểu thị bằng hình tròn khép kín/đen đặc. Có một ảnh hưởng tương tác đáng kể giữa giá trị hiện tại-lý tưởng và giới tính đối với chiều cao cao (F = 61,7; p < 0,01). Ngoài ra cũng có những ảnh hưởng chính của chiều cao hiện tại-lý tưởng và giới tính đối với chiều cao. Sự chênh lệch đáng kể (p < 0,05) giữa nam và nữ được biểu thị bằng dấu hoa thị. Kí hiệu hình chữ thập (p < 0,05) là chênh lệch đáng kể giữa chiều cao hiện tại và chiều cao lý tưởng.
[/dropshadowbox]
[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]
Biểu đồ 2: So sánh cân nặng hiện tại và cân nặng lý tưởng. Cân nặng hiện tại và cân nặng lý tưởng của nam giới được biểu thị bằng hình tròn mở/rỗng/không màu, còn cân nặng hiện tại và lý tưởng của nữ giới được biểu thị bằng hình tròn khép kín/đen đặc. Có hiệu ứng tương tác đáng kể giữa giá trị hiện tại-lý tưởng và giới tính đối với cân nặng/trọng lượng cơ thể (F = 214,7; p < 0,001). Ngoài ra còn có những ảnh hưởng chính của giá trị hiện tại-lý tưởng và giới tính đối với cân nặng. Dấu hoa thị là sự chênh lệch đáng kể (p < 0,05) giữa nam và nữ. Hình chữ thập là sự chênh lệch đáng kể (p < 0,05) giữa cân nặng hiện tại và cân nặng lý tưởng.
[/dropshadowbox]
[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]
Biểu đồ 3: So sánh chỉ số khối cơ thể hiện tại và chỉ số khối cơ thể lý tưởng. Chỉ số khối cơ thể hiện tại và lý tưởng của nam giới được biểu thị bằng hình tròn mở/rỗng/không màu, còn chỉ số khối cơ thể hiện tại và lý tưởng của nữ giới được biểu thị bằng hình tròn kín đặc. Có một hiệu ứng tương tác đáng kể giữa giá trị hiện tại-lý tưởng và giới tính đối với chỉ số khối cơ thể (F = 158,5; p < 0,001). Ngoài ra còn có những ảnh hưởng chính của giá trị hiện tại-lý tưởng và giới tính đối với chỉ số khối cơ thể. Dấu hoa thị là sự chênh lệch đáng kể (p < 0,05) giữa nam và nữ. Kí hiệu hình chữ thập biểu thị sự chênh lệch đáng kể (p < 0,05) giữa chỉ số khối cơ thể hiện tại và chỉ số khối cơ thể lý tưởng.
[/dropshadowbox]
[dropshadowbox align=”none” effect=”lifted-both” width=”auto” height=”” background_color=”#ffffff” border_width=”1″ border_color=”#dddddd” ]
Biểu đồ 4: So sánh hình thể hiện tại và lý tưởng. Hình thể hiện tại và hình thể lý tưởng của nam giới được biểu thị bằng các hình tròn rỗng/không màu, còn của nữ giới là các hình tròn kín đặc. Tồn tại một hiệu ứng tương tác đáng kể giữa giá trị hiện tại-lý tưởng và giới tính với hình thể (F = 163,2; p < 0,001). Ngoài ra còn có những ảnh hưởng chính của giá trị hiện tại-lý tưởng và giới tính đối với hình thể. Sự chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ (p < 0,05) được biểu thị bằng dấu hoa thị. Còn kí hiệu hình chữ thập đại diện cho sự chênh lệch đáng kể (p < 0,05) giữa hình thể hiện tại và hình thể lý tưởng.
[/dropshadowbox]
Phương pháp kiểm định ANOVA lặp lại hai chiều cũng chỉ ra một ảnh hưởng tương tác đáng kể giữa giới tính và sự chênh lệch cân nặng (F = 214,7; p < 0,001). Cả giới tính và sự chênh lệch cân nặng đều có ảnh hưởng chính đến cân nặng. Sau khi phân tích hậu kiểm định, cân nặng thực tế và cân nặng lý tưởng ở nam giới đều lớn hơn đáng kể so với nữ giới. Giá trị cân nặng lý tưởng lớn hơn giá trị cân nặng hiện tại ở nam giới, trong khi đó thì ở nữ giới, giá trị cân nặng lý tưởng lại nhỏ hơn nhiều so với giá trị cân nặng hiện tại.
Ảnh hưởng tương tác giữa giới tính và sự chênh lệch BMI (F = 158,5; p < 0,001) cũng đã được quan sát. Cả giới tính và sự chênh lệch BMI đều có ảnh hưởng chính đến BMI. Sau một phân tích hậu kiểm định, BMI hiện tại và BMI lý tưởng của nam giới đều lớn hơn đáng kể so với của nữ giới. Ở nam giới, giá trị BMI lý tưởng cao hơn giá trị BMI hiện tại, ngược lại, giá trị BMI lý tưởng của nữ giới lại thấp hơn đáng kể so với giá trị BMI hiện tại.
Giữa giới tính và sự chênh lệch hình thể (F = 163,2; p < 0,001) cũng tồn tại một ảnh hưởng/hiệu ứng đáng kể. Cả giới tính và sự chênh lệch hình thể đều tác động đến hình thể. Sau một phân tích hậu kiểm định, giá trị hình thể lý tưởng được nam giới báo cáo lớn hơn nhiều so với giá trị được báo cáo bởi nữ giới. Ở nữ giới, hình thể lý tưởng nhỏ hơn đáng kể so với hình thể hiện tại.
BMI liên quan tích cực đến điểm số ăn uống hạn chế và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động ở nam giới (ăn uống hạn chế: r = 0,213; p = 0,001; ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động: r = 0,183; p = 0,004). Ở nữ giới, BMI lại có mối tương quan tích cực với điểm ăn uống hạn chế và ăn uống theo cảm xúc (ăn uống hạn chế: r = 0,217; p = 0,001; ăn uống theo cảm xúc: r = 0,148; p = 0,012).
Bảng 3 cho thấy kết quả từ phân tích hồi quy tuyến tính đa biến của chúng tôi giữa điểm DEBQ và sự chênh lệch cân nặng, BMI, và nhận thức về hình thể, điều chỉnh theo chiều cao. Ở nam giới, điểm ăn uống hạn chế liên quan tiêu cực đến sự chênh lệch cân nặng (β = −0,185; p = 0,005), sự chênh lệch BMI (β = −0,363; p < 0,001), và sự chênh lệch hình thể (β = −0,455; p < 0,001). Điểm ăn uống do các yếu tố bên ngoài tác động liên quan tiêu cực đến sự chênh lệch BMI (β = −0,124; p = 0,049).
Bảng 3: Điểm số DEBQ và sự chênh lệch trong các chỉ số thể chất
Chênh lệch cân nặng | Chênh lệch BMI | Chênh lệch hình thể | ||||
β | Giá trị p | β | Giá trị p | β | Giá trị p | |
Nam giới | ||||||
Ăn uống hạn chế | −0,185 | 0,005* | −0,363 | <0,001* | −0,455 | <0,001* |
Ăn uống theo cảm xúc | 0,049 | 0,470 | 0,092 | 0,155 | 0,071 | 0,255 |
Ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động | −0,079 | 0,233 | −0,124 | 0,049* | −0,034 | 0,579 |
Nữ giới | ||||||
Ăn uống hạn chế | −0,159 | 0,007* | −0,236 | <0,001* | −0,276 | <0,001* |
Ăn uống theo cảm xúc | −0,107 | 0,114 | −0,145 | 0,023* | −0,157 | 0,015* |
Ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động | −0,025 | 0,709 | 0,034 | 0,602 | −0,062 | 0,337 |
β: Hệ số chuẩn trong nhiều phân tích hồi quy tuyến tính đa biến, điều chỉnh theo chiều cao
BMI: chỉ số khối cơ thể
* Tương quan đáng kể đến sự chênh lệch các chỉ số thể chất
Ở nữ giới, điểm ăn uống hạn chế liên quan tiêu cực đến sự chênh lệch cân nặng (β = −0,159; p = 0,007), sự chênh lệch BMI (β = −0,236; p < 0,001), và sự chênh lệch hình thể (β = −0,276; p < 0,001). Điểm ăn uống theo cảm xúc lại liên quan tiêu cực đến sự chênh lệch BMI (β = −0,145; p = 0,023), và sự chênh lệch hình thể (β = −0,157; p = 0;015).
Thảo luận
Chúng tôi đã cố gắng làm rõ mối quan hệ giữa hành vì ăn uống và hình tượng cơ thể ở sinh viên đại học Nhật Bản. Các phát hiện chính của chúng tôi cho thấy rằng cân nặng lý tưởng và BMI lý tưởng cao hơn cân nặng cũng như BMI hiện tại ở nam giới, nhưng lại thấp hơn ở nữ giới. Mặt khác, hình thể lý tưởng của nữ giới lại nhỏ hơn hình thể hiện tại trong nhận thức của họ. Điểm DEBQ ăn uống hạn chế, ăn uống theo cảm xúc, và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động của nữ giới cao hơn của nam giới trong số những đối tượng tham gia có cân nặng bình thường, còn điểm ăn uống hạn chế và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động ở nữ giới cao hơn so với nam giới trong số những người tham gia thiếu cân. Ngoài ra, trong các kết quả của phân tích hồi quy tuyến tính đa biến điều chỉnh theo chiều cao, điểm số ăn uống hạn chế cao hơn chỉ ra sự chênh lệch thấp hơn trong cân nặng, BMI, và hình thể ở cả nam lẫn nữ. Điểm ăn uống theo cảm xúc thì liên quan tiêu cực đến sự chênh lệch BMI và hình thể ở nữ giới.
Những khác biệt giới tính trong hình tượng cơ thể lý tưởng
Chúng tôi đã yêu cầu những người tham gia nêu ra chiều cao lý tưởng bên cạnh cân nặng lý tưởng và hình thể lý tưởng của họ. Một vài nghiên cứu đã bao gồm chiều cao lý tưởng như một điểm nghiên cứu, và ở đây chúng tôi phát hiện thấy rằng mục chiều cao lý tưởng trong bảng câu hỏi giúp làm sáng tỏ khác biệt về giới trong hình thể lý tưởng. Cụ thể là chiều cao lý tưởng, cân nặng lý tưởng, BMI lý tưởng, và hình thể lý tưởng đều lớn hơn các giá trị tương đương hiện tại ở nam giới, trong khi đó thì ở nữ giới, cân nặng lý tưởng và vóc dáng lý tưởng lại thấp hơn giá trị hiện tại, còn chiều cao lý tưởng thì lại cao hơn chiều cao hiện tại.
Trong các báo cáo trước đây, nữ giới thường có xu hướng mong muốn một vóc dáng thanh mảnh hơn, điều này cũng nhất quán với những phát hiện hiện tại của chúng tôi. Điều thú vị là phụ nữ trẻ ở Nhật Bản vẫn muốn có một thân hình thon thả mặc dù họ không hề bị béo phì như nữ giới ở châu Âu hay Mỹ. Lý do vì sao phụ nữ Nhật Bản không bị béo phì mà vẫn khao khát một thân hình thon thả, và lý do đằng sau sự khác biệt giới tính trong hình thể lý tưởng vẫn chưa được xác định. Nữ giới có thể thích một vóc dáng thanh mảnh bất kể chiều cao và cân nặng hiện tại của họ. Ở nam giới, McCreary và Sasse đã xác định được động lực để có một vóc dáng vạm vỡ, đó là mong muốn tăng cường hệ cơ bắp, và các nghiên cứu khác có kết quả tương tự cũng đã được công bố. Đây có thể là một trong những lý do tiềm năng cho kết quả hiện tại. Vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để rút ra kết luận về chiều hướng cũng như những khác biệt giới tính trong hình thể.
Hành vi ăn uống và chỉ số nhân trắc và hình tượng cơ thể
Hầu như tất cả các nghiên cứu trước đây mà sử dụng DEBQ đều báo cáo rằng chỉ có chế độ ăn uống hạn chế mới được áp dụng để kiểm tra mối liên hệ giữa DEBQ và hình tượng cơ thể. Trong nghiên cứu hiện tại, chúng tôi không chỉ xem xét chế độ ăn uống hạn chế, mà kiểm tra luôn cả ba chỉ số ăn uống của DEBQ để khám phá sự khác biệt giới tính. Người ta báo cáo rằng điểm số ăn uống hạn chế của nữ giới cao hơn của nam giới, và điều này cũng thống nhất với nghiên cứu hiện tại. Nguyen-Rodriguez cùng cộng sự đã báo cáo rằng không có sự khác nhau trong điểm số ăn uống theo cảm xúc ở nam sinh và nữ sinh trung học, trong khi đó thì điểm số ăn uống theo cảm xúc của phụ nữ lại cao hơn đáng kể so với của nam giới trong nghiên cứu hiện tại. Sự chênh lệch này chỉ ra rằng tuổi tác có thể có một số mối liên quan đến việc ăn uống theo cảm xúc. Quả thực, các nghiên cứu trước đây ở người trưởng thành cho thấy rằng điểm số ăn uống theo cảm xúc ở nữ giới cao hơn đáng kể so với của nam giới.
Hơn nữa, điểm của cả ba chỉ số ăn uống của nữ giới đều cao hơn nam giới trong số những đối tượng tham gia có cân nặng bình thường, và nữ giới cũng có điểm ăn uống hạn chế cùng với điểm ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động cao hơn nam giới trong nhóm những người tham gia bị thiếu cân. Dựa vào những kết quả này, có vẻ như cả nữ giới với cân nặng bình thường lẫn thiếu cân đều có thể trở nên nhạy cảm với việc ăn uống hơn là nam giới.
Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến của chúng tôi cho thấy rằng ở nữ giới, ăn uống hạn chế có liên quan tiêu cực đến những chênh lệch trong cân nặng, BMI, và hình thể. Ăn uống theo cảm xúc ở nữ giới cũng liên quan tiêu cực đến những khác biệt trong BMI và hình thể. Những kết quả này cho thấy rằng ăn uống hạn chế và ăn uống theo cảm xúc có liên quan đến động lực trở nên thon thả ở nữ giới, điều này cũng nhất quán với các báo trước đây. Trong số các đối tượng nam tham gia nghiên cứu hiện tại, việc ăn uống hạn chế liên quan tiêu cực đến những sự chênh lệch trong cân nặng, BMI, và hình thể, tương tự với kết quả hiện tại ở nữ giới. Mặt khác, ăn uống theo cảm xúc lại không liên quan đáng kể dến bất cứ sự chênh lệch nào ở nam giới. Ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động liên quan nhiều đến sự chênh lệch BMI.
Lý do dẫn đến những khác biệt giới tính trong kết quả hiện tại vẫn còn là ẩn số. Việc ăn uống theo cảm xúc vẫn thường được định nghĩa như ăn để đáp ứng lại ảnh hưởng tiêu cực. Nguyen-Rodriguez và đồng nghiệp đã chỉ ra rằng việc ăn uống theo cảm xúc có liên quan tích cực đến tâm trạng tiêu cực, chẳng hạn như căng thẳng nhận thức và lo lắng, chỉ ở phái nữ. Do đó, nữ giới có thể nhạy cảm với việc ăn uống theo cảm xúc hơn là nam giới. Vấn đề này vẫn nên được nghiên cứu một cách chính xác hơn trong tương lai,
Hạn chế
Những hạn chế của nghiên cứu này cần được lưu ý. Thứ nhất, các mẫu được thu thập từ một khu vực hạn chế. Thứ hai, các đối tượng tham gia hiện tại đều là sinh viên Nhật Bản. Liên quan đến những ngưỡng/điểm giới hạn của tình trạng thiếu cân và thừa cân, tiêu chí của WHO cũng được áp dụng cho người Nhật. Tuy nhiên, nhìn chung, các đối tượng Nhật Bản gầy và thấp hơn đáng kể so với những đối tượng ở châu Âu và Bắc Mỹ mà có độ tuổi tương tự. Vì thế, số lượng đối tượng thừa cân không đủ lớn để phân tích, và có thể rất khó để khái quát kết quả hiện tại.
Kết luận
Trong nghiên cứu hiện tại, giá trị cân nặng lý tưởng và BMI lý tưởng cao hơn cân nặng và BMI hiện tại ở nam giới, nhưng thấp hơn ở nữ giới, trong khi đó thì hình thể lý tưởng lại nhỏ hơn đáng kể so với hình thể hiện tại trong nhận thức của nữ giới, nhưng không khác biệt nhiều ở nam giới. Ngoài ra, điểm số ăn uống hạn chế, ăn uống theo cảm xúc, và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động được đo bằng DEBQ của nữ giới cao hơn của nam giới. Trong số các đối tượng tham gia có cân nặng bình thường thì cả ba chỉ số ăn uống này của nữ giới đều cao hơn của nam giới, và trong số những người tham gia thiếu cân, điểm số ăn uống hạn chế và ăn uống do yếu tố bên ngoài tác động của nữ giới cũng cao hơn so với nam giới. Nhìn chung, kết quả của chúng tôi cho thấy rằng chí ít thì ở sinh viên đại học Nhật Bản, những khác biệt giới tính về hình thể lý tưởng cũng liên quan đến hành vi ăn uống.
Lời cảm ơn
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người tham gia vào cuộc nghiên cứu hiện tại.
Xung đột lợi ích
Các tác giả tuyên bố rằng họ không có xung đột lợi ích. Đoạn nghiên cứu được trình bày trong bài báo này được hỗ trợ bởi khoản viện trợ của chính phủ trung ương dành cho Chương trình giao lưu số 13J02216 của Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (JSPS).
—
- Bài viết gốc: Eating behavior and perception of body shape in Japanese university students
- Tác giả: Kumiko Ohara, Yoshiko Kato, Tomoki Mase, Katsuyasu Kouda, Chiemi Miyawaki, Yuki Fujita, Yoshimitsu Okita, và Harunobu Nakamura
- DOI: 10.1007/s40519-014-0130-7
- Người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng
- Biên tập: Nguyễn Đức Anh