Niềm tin và cách chăm sóc truyền thống trong giai đoạn sau sinh ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc: nghiên cứu định tính

Tóm tắt

Bối cảnh

Zuo yuezi (tháng ở cữ) là tháng sau sinh ở Trung Quốc có liên quan đến nhiều niềm tin và cách chăm sóc theo truyền thống. Chúng tôi tìm hiểu tình trạng ở cữ hiện tại của phụ nữ sau sinh từ góc độ xã hội, văn hóa và y học phương Tây.

Phương pháp

Chúng tôi đã phỏng vấn thành viên gia đình (36) và nhân viên y tế (8) ở tỉnh Phúc Kiến, chọn một thị xã nông thôn và một thành phố đang phát triển nhanh. Chúng tôi hỏi về niềm tin truyền thống và hành vi sau sinh của họ. Chúng tôi dùng một phương pháp tiếp cận theo khung (framework approach) để xác định những chủ đề chính. Chúng tôi đã phân loại hành vi ghi nhận dựa trên ảnh hưởng rất có thể diễn ra đối với sức khỏe, căn cứ vào tiêu chuẩn phương Tây.

Kết quả

Người tham gia ghi nhận rằng zuo yuezi (tháng ở cữ) thường diễn ra tại các gia đình nông thôn và thành thị để giúp người mẹ hồi phục và bảo vệ sức khỏe sau này của cô ấy. Zuo yuezi (ở cữ) bao gồm: các biện pháp ăn uống như là ăn nhiều hơn và tránh đồ ăn lạnh; các biện pháp hành vi như là ở trong nhà, tránh làm việc nhà và hạn chế khách đến thăm; các biện pháp vệ sinh như là cấm tắm và vệ sinh răng miệng và những cách làm liên quan đến em bé mới sinh như là cho ăn bổ sung, cho dùng cây kim ngân. Người tham gia ghi nhận rằng những lý do chính để họ trung thành với những cách làm này là vì tôn trọng truyền thống và làm theo lời khuyên bảo của những người lớn tuổi. Được phân loại đối lập với các tiêu chuẩn y học phương Tây, một số cách làm khi ở cữ (zuo yuezi) có lợi, gồm ăn nhiều hơn, ăn thức ăn giàu đạm, tránh làm việc nhà và vệ sinh âm hộ cùng vùng đáy chậu hàng ngày. Một số phụ nữ cho biết họ có cho trẻ ăn bổ sung mặc dù ở cữ nhấn mạnh cho con bú.

Kết luận

Zuo yuezi (tháng ở cữ) là một tục lệ quan trọng ở tỉnh Phúc Kiến. Về mặt y học, hầu hết các cách chăm sóc sau sinh đều có lợi, và nhân viên y tế có thể áp dụng chúng nhằm tăng cường sức khỏe cho phụ nữ sau sinh trong giai đoạn này. Cần có thêm nghiên cứu về những cách chăm sóc sau sinh tiềm năng có hại mà đã được ghi nhận như là cho trẻ sơ sinh ăn bổ sung.

Bối cảnh

Sinh con là một thời điểm quá độ và kỷ niệm đáng tán dương ở nhiều xã hội, báo hiệu một sự điều chỉnh các trách nhiệm văn hóa. Tiến trình từ sinh đến nuôi con của phụ nữ bị ảnh hưởng bởi kinh tế, tôn giáo, hệ thống họ hàng và sự phức tạp đang gia tăng của truyền thông cùng với công nghệ y học. Trong một số xã hội, có một miền liên tục giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, với một số hộ gia đình làm theo đầu truyền thống và những hộ khác làm theo đầu hiện đại. Trên quốc tế, nhiều nghiên cứu miêu tả những niềm tin và thực hành theo truyền thống xoay quanh việc sinh con. Một số cách làm truyền thống có lợi cho người mẹ và em bé, trong khi đó những cách làm khác thì không.

Ở Trung Quốc, giai đoạn sau sinh trong một tháng được gọi là zuo yuezi. Dịch nghĩa đen là “tháng ở cữ”. Theo truyền thống, người phụ nữ phải ở nhà trong giai đoạn này. Trong đó hành vi của cô ấy liên quan đến ăn uống, hoạt động và vệ sinh phải làm theo truyền thống, lý thuyết đằng sau Y học cổ truyền Trung Hoa (TCM) là cơ sở cho những tín ngưỡng và thực hành này. Sức khỏe được xem như sự hòa hợp giữa âm khí (yin qi) dương khí (yang qi); và khi chúng mất cân bằng thì cơ thể sẽ sinh bệnh. Mang thai là trạng thái dương, nhưng trong khi sinh con, người phụ nữ mất nhiệt và chuyển sang trạng thái âm. Hành vi xoay quanh ăn uống, hoạt động và vệ sinh mà hợp thành tháng ở cữ là để lấy lại sự cân bằng.

Có một số nghiên cứu khác tìm hiểu cách thích ứng với việc ở cữ của những phụ nữ Trung Quốc khi mà họ di dân đến xã hội phương Tây; những nghiên cứu khác lại mô tả giai đoạn sau sinh ở Trung Quốc và Hồng Kông mà ít đánh giá về ý nghĩa của những cách chăm sóc sau sinh truyền thống đối với sức khỏe. Một nghiên cứu phân tích các cách chăm sóc sau sinh từ góc độ người dân, những niềm tin đối với y học phương tây và y học Trung Quốc.

Chúng tôi quan tâm đến những ảnh hưởng của cách chăm sóc sau sinh truyền thống đối với sức khỏe và cách nhân viên y tế nên nhìn nhận những cách chăm sóc này là có lợi, không thích hợp hay có hại, để giúp chỉ dẫn phương thức giúp họ có thể điều chỉnh hành vi của phụ nữ trong giai đoạn này. Trong nghiên cứu này chúng tôi cố gắng tìm hiểu hành vi hiện tại ghi nhận được từ góc độ gia đình, nhân viên y tế và bác sĩ y học cổ truyền, biết được rằng những cách làm này có thể thay đổi do phát triển xã hội và kinh tế nhanh chóng gần đây. Sau đó chúng tôi đánh giá những ảnh hưởng tiềm năng của các cách chăm sóc sau sinh này đối với sức khỏe của người mẹ và em bé từ góc độ y học phương tây.

Phương pháp

Bối cảnh

Nghiên cứu này được thực hiện tại một địa điểm đô thị và một điểm nông thôn từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2004: trung tâm đô thị Phúc Châu và thị xã Phúc Thanh thuộc tỉnh Phúc Kiến. Cải cách kinh tế quốc gia kể từ năm 1978 và những phát triền kinh tế cùng với xã hội nhanh chóng đã dấn đến gia tăng tổng sản lượng quốc dân GDP ở Phúc Kiến từ 8 tỉ Nhân dân tệ (NDT) năm 1980 đến 576 tỉ NDT năm 2004. Ở Phúc Kiến, điều này đã tác động đến y tế và an sinh xã hội của nhân dân trong tỉnh. Tuổi thọ trung bình đã tăng từ 35 tuổi năm 1950 đến 74 tuổi năm 2001 và tỉ lệ mù chữ giảm từ 16% năm 1990 xuống 7% năm 2000. Phúc Châu là thủ phủ của tỉnh và có tổng dân số là 5,7 triệu người. Nguồn việc làm chủ yếu là từ các ngành công nghiệp và kinh doanh tư nhân. Thị xã Phúc Thanh, cách Phúc Châu khoảng 100km có dân số 1,2 triệu người phân tán trong 12 thị trấn và 467 làng xã. Nguồn thu nhập chính là kinh doanh nhỏ, trồng trọt và xuất khẩu lao động. Tỉnh Phúc Kiến là một trong những tỉnh xuất khẩu lao động đi đầu ở Trung Quốc và vào năm 2000, 25% số di dân của tỉnh Phúc Kiến là từ Thị xã Phúc Thanh.

Đối tượng tham gia

Đối tượng tham gia nghiên cứu là các gia đình, nhân viên y tế và bác sĩ y học cổ truyền từ cả hai vùng. Bảng 1 tóm tắt các tiêu chí và căn cứ chọn lựa đối tượng tham gia, phương pháp thu thập dữ liệu và các chủ đề.

Bảng 1

Tóm tắt quy trình chọn lựa và chủ đề phỏng vấn

Phương pháp Đối tượng tham gia Căn cứ và tiêu chí chọn lựa Chủ đề thảo luận
Phỏng vấn bán cấu trúc Gia đình:

  • 12 người mẹ
  • 12 người chồng
  • 12 người bà#
  • Mẹ sinh con còn sống trong 4 tháng qua, nhưng hiện không còn trong giai đoạn sau sinh*.
  • Bà chăm con gái trong giai đoạn sau sinh.
  • Khoảng tuổi của người mẹ.
  • Thực hành, tín ngưỡng & lý do
  • Mức độ thực hiện những cách làm này.
  • Nhận thức về cách làm, tác dụng và tác hại của chúng. Quá trình đưa ra quyết định.
  • Vấn đề sức khỏe liên quan đến cách làm.
Phỏng vấn chuyên sâu 4 nhân viên y tế Cung cấp dịch vụ chăm sóc sau sinh trong bối cảnh nghiên cứu. Kinh nghiệm thực hành. Thực hiện cách làm. Vấn đề sức khỏe đến cách làm.
Phỏng vấn chuyên sâu 4 Bác sỹ cổ truyền Làm việc ở Trung tâm Y tế Sản Nhi trong bối cảnh nghiên cứu
  • Lý do thực hành.
  • Lý thuyết TCM liên quan đến các cách làm.

*Chúng tôi cảm thấy việc phỏng vấn các bà mẹ trong giai đoạn sau sinh là xâm phạm/không phù hợp. Các gia đình sẽ vẫn nhớ lại rõ về các sự kiện giai đoạn sau sinh trong 4 tháng.

Người bà là bà của bé sơ sinh.

Ở Phúc Châu, bác sĩ từ Bệnh Viện Sản Nhi Tỉnh Phúc Kiến tuyển chọn sáu gia đình. Ở Thị xã Phúc Thanh, sáu gia đình được tuyển chọn thông qua Bệnh Viện Sản Nhi Thị xã Phúc Thanh và các trung tâm y tế xã. Chúng tôi đã tìm được các nhân viên y tế để phỏng vấn thông qua các bệnh viện và trung tâm y tế mà các gia đình đến khám. Bác sĩ cổ truyền được chọn từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phúc Kiến và Bệnh viện Y học Cổ truyền Phúc Thanh. Chúng tôi chủ đích chọn những đối tượng phỏng vấn để hỗ trợ tìm hiểu những vấn đề quan trọng đang được nghiên cứu. Chúng tôi cố gắng đạt được quy mô mẫu tuân theo nguyên tắc bão hòa mà nhờ đó các cuộc phỏng vấn sẽ tiếp diễn cho đến khi không tạo ra được dữ liệu mới. Sau khi hoàn thành phỏng vấn với 12 gia đình, đạt được độ bão hòa các chủ đề quan trọng.

Thu thập dữ liệu

Các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc (semi structured interview) và các cuộc phỏng vấn chuyên sâu (key informant interview) được dùng để khám phá khung ý nghĩa giá trị (framework of meanings) của chính những người được phỏng vấn. Những cuộc phỏng vấn này có thể cung cấp dữ liệu phong phú mà có thể dùng để miêu tả và lý giải hành vi liên quan đến bối cảnh văn hóa và xã hội của mọi người. Người phỏng vấn dùng các hướng dẫn chủ đề bao gồm những phương diện sau: chế độ ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi và hoạt động cùng với cho trẻ sơ sinh ăn. Chúng tôi cũng tìm hiểu những niềm tin về cách chăm sóc sau sinh, nhận thức về tác dụng và tác hại của những cách làm đó và quá trình đưa ra quyết định trong các gia đình (Bảng 1).

Các cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Trung Quốc. Kéo dài từ 40 đến 80 phút. Toàn bộ các cuộc phỏng vấn được ghi băng lại dưới sự cho phép của đối tượng được phỏng vấn, để phiên lại thành văn bản và phân tích. Phỏng vấn với các thành viên gia đình diễn ra tại nhà của họ. Phỏng vấn với nhân viên y tế và bác sĩ cổ truyền diễn ra trong phòng riêng ở Bệnh viện Sản nhi Tỉnh Phúc Kiến và Bệnh viện Sản nhi Thị xã Phúc thanh. Người được phỏng vấn đều chấp nhận được mọi địa điểm phỏng vấn trên.

Các cuộc phỏng vấn được phiên lại thành văn bản bằng tiếng Trung Quốc. Để tối thiểu hóa mất dữ liệu, các cuộc phỏng vấn lúc đó cùng được dịch và phiên thành văn bản bởi tác giả chính và biên dịch viên, cùng với một thành viên của nhóm nghiên cứu (QC) kiểm tra các bản phiên sao đã được dịch với bản sao tiếng Trung Quốc.

Phân tích

Dữ liệu được phân tích bằng một phương pháp tiếp cận khung. Khung chủ đề được dùng để phân loại và tổ chức dữ liệu theo các chủ đề, khái niệm quan trọng và các nhóm nổi bật. Khung này trợ giúp phân tích minh bạch và chính xác. Các bản phiên ngữ được đọc và đọc lại riêng biệt bởi những nhà điều tra đề tìm ra những chủ đề nổi bật. Căn cứ trên những chủ đề này tạo ra một khung mã hóa và mọi dữ liệu thu thập được mã hóa bằng khung này. Dùng các đoạn dữ liệu mã hóa để tạo ra biểu đồ cho mỗi chủ đề. Những biểu đồ này được dùng để miêu tả những niềm tin và thực hành tương tự cùng với riêng biệt, phát triển những lý giải và tìm kiếm mối liên hệ giữa chúng. Phép tam giác đạc (triangulation) đối tượng tham gia nghiên cứu và nhà nghiên cứu cho phép kiểm tra chéo dữ liệu và đưa ra những quan điểm khác nhau.

Các vấn đề y đức

Hội đồng Đạo đức của Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (Liverpool School of Tropical Medicine) và Sở Y tế tỉnh Phúc Kiến đã cấp văn bản chấp thuận đạo đức cho nghiên cứu này. Mọi quy trình đạo đức được thực hiện theo văn bản chấp thuận đạo đức của Hội đồng Đạo đức về Nghiên cứu trên người (Human Research Ethics Committee).

Kết quả

Bảng 2 trình bày các đặc điểm nhân khẩu-xã hội của các gia đình và nhân viên y tế cùng với bác sĩ y học cổ truyền. Mọi nhân viên y tế và bác sĩ y học cổ truyền phỏng vấn đều có giới tính nữ.

Bảng 2

Đặc điểm nhân khẩu của các gia đình, nhân viên y tế và bác sĩ cổ truyền

Đặc điểm Mẹ Chồng Nhân viên y tế Bác sĩ cổ truyền
Tuổi:
20–30 11 6 2 1
31–40 1 6 1 1
41–50 2 1 2
>51 10
Nghề nghiệp:
Nội trợ 5 5
Nông dân 4 2
Tự do 2 3
Viên chức nhà nước 5 2 1
Lao động tư nhân 1 6
Kinh nghiệm phụ sản:
<1 năm
1–3 năm 1 1
4–7 năm 1
>8 năm 2 3

Phần tiếp theo minh họa năm chủ đề chính xuất hiện nổi bật từ các cuộc phỏng vấn: lý do ‘ở cữ’, biện pháp ăn uống, vệ sinh, biện pháp hành vi và cho trẻ sơ sinh ăn.

Truyền thống với thay đổi: lý do “ở cữ”

Mọi gia đình tuân theo một phiên bản điều chỉnh thích ứng với tục lệ ở cữ. Mục đích là để giúp người phụ nữ mới lên chức mẹ lấy lại sức lực và sức khỏe để chăm con, tiếp tục các hoạt động đời thường và bảo vệ sức khỏe sau này của cô ấy. Trong hầu hết các gia đình thì tháng ở cữ này kéo dài ba mươi ngày. Theo truyền thống thì bà bé thường chăm nom người mẹ. “Ở cữ” đúng cách sẽ bảo đảm sức khỏe về sau là một quan niệm được đề cao rộng rãi. Người ta thường tin là giai đoạn này là thời điểm yếu ớt nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Như một người chồng đã giải thích:

“Một số phụ nữ có sức khỏe tốt, nhưng chăm sóc giai đoạn sau sinh không hợp lý thì sức khỏe sẽ kém đi. Những phụ nữ khác sức khỏe kém nhưng trong giai đoạn hậu sản được chăm sóc tốt thì sức khỏe sẽ tốt hơn. Đó là giai đoạn diễn ra thay đổi lớn lao, vì thế chúng tôi không muốn mạo hiểm chút nào.” (Người chồng, gia đình thành thị 3).

Tuy nhiên, mâu thuẫn kiến thức trong các gia đình là điều rõ ràng. Một số thông tin là thu được qua sách, mạng Internet và các chuyên viên y tế, mặc dù phần lớn đến từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Một người chồng đã nói thế này:

“Những thành viên lớn tuổi trong gia đình và bạn bè bảo chúng tôi ăn đồ ăn truyền thống trong giai đoạn này. Bọn tôi nghe lời vì cũng chả biết phải làm gì trong giai đoạn này. Nhưng nếu chúng tôi thực sự ăn theo như thế thì cũng chả rõ là liệu sẽ phát sinh vấn đề nào đó không. Bác sĩ cho bọn tôi mấy lời khuyên, nhưng bố mẹ tôi lại cứ cổ động làm theo truyền thống. Khó chọn lựa lắm.” (Người chồng, gia đình thành thị 4).

Đa số các gia đình muốn làm theo niềm tin và kinh nghiệm của cha mẹ và ông bà họ. Một số nhìn nhận niềm tin và cách chăm sóc hậu sản hiện đại là thứ ‘ngoại lai’ đối với hoàn cảnh văn hóa của họ. Họ lưỡng lự mạo hiểm làm theo cách hiện đại và một vấn đề phát sinh.

“Chúng tôi không chắc được liệu có thể làm theo cách của nước ngoài ở đây không nữa. Không phải bọn tôi không tin, mà chỉ là không muốn thử cách đó thôi. Vì thế nếu bọn tôi có thể làm theo cách truyền thống thì cứ làm thôi” (Người chồng, gia đình thành thị 2).

Nhân viên y tế nói về những thay đổi trong cách chăm sóc hậu sản truyền thống mà đã phát sinh trong nhiều năm và những lý do dẫn đến các thay đổi này. Họ chỉ ra phát triển kinh tế và xã hội, đi cùng với tiến bộ giáo dục, truyền thông và gia tăng mức sống. Một nhân viên y tế giải thích:

“Tôi nghĩ là xã hội mình đã phát triển và tư tưởng mọi người cũng thay đổi. Nó cứ tự nhiên thay đổi … mức sống tăng lên; môi trường tốt hơn và vệ sinh hơn. Các tòa nhà sáng sủa hơn và chúng ta có nhiều không gian hơn” (Nhân viên y tế 1, nông thôn).

Biện pháp ăn uống

Những lời lý giải của các gia đình tiết lộ một số biện pháp ăn uống mà được chú trọng trong giai đoạn hậu sản.

Ăn uống nhiều hơn

Người ta tin là phụ nữ sau sinh nên ăn uống nhiều vào. Hai lý do chính là vì: thứ nhất, thời gian này phụ nữ yếu nhược và đồ ăn sẽ giúp họ lấy lại sức, đẩy nhanh quá trình hồi phục và tăng tiết sữa. Thứ hai, kinh nghiệm của chính người chăm nom (thường là mẹ của người phụ nữ), trong một số trường hợp, là có được trong giai đoạn thiếu hụt lương thực. Họ tin là điều này ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân về lâu dài. Như một người chăm nom cho phụ nữ sau sinh đã giải thích:

“Tôi mong là con bé ăn càng nhiều càng tốt. Hồi tôi ở cữ ngày chỉ ăn có ba bữa. Tôi mong là con bé ăn nhiều hơn để nhanh chóng khỏe lại.” (Người bà, gia đình nông thôn 4).

Các bà mẹ thừa nhận là họ ăn nhiều hơn bình thường. Số bữa ăn từ năm đến tám bữa một ngày, bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc bằng bữa đêm trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng thế: một số người không ăn được nhiều đến thế. Họ cho biết mình có khẩu vị kém, chán ăn và sợ bị béo. Với một số phụ nữ, có sự mẫu thuẫn giữa việc hạn chế các loại đồ ăn mà có thể được ăn với việc gia tăng lượng thức ăn. Một bà mẹ giải thích các vấn đề ở chế độ ăn uống như thế này:

“Sau một tháng ăn mãi một loại thức ăn, tôi thấy chán và phát ngán chuyện ăn uống” (Người mẹ, gia đình nông thôn 2).

Nhân viên y tế và bác sĩ cổ truyền nói là họ cho rằng ăn nhiều và đa dạng thức ăn nhìn chung là có lợi, nhưng một số phụ nữ tăng quá nhiều cân vì ít tập thể dục và ăn quá nhiều chất béo.

Ăn uồng đồ “nóng” (nhiều đạm)

Mọi gia đình tin vào việc ăn uống những loại thực phẩm mà được coi như “nóng” theo căn cứ y học cổ truyền Trung Hoa (TCM). Thịt và trứng được xem như thực phẩm “nóng”. Cũng có thể làm ‘ấm lên’ các loại thực phẩm lạnh bằng cách cho gừng và rượu. Người ta cho là loại thức ăn này, mà cũng được xem như chứa nhiều đạm, có tác dụng bồi bổ tăng cường khí huyết, giúp người mẹ hồi phục, đẩy nhanh việc tống khứ sản dịch và kích thích tạo sữa. Bác sĩ y học cổ truyền và nhân viên y tế đều tin là như thế, thừa nhận rằng việc mất máu và mất sức trong khi sinh nở làm suy yếu cả âmdương. Để lấy lại cân bằng thì nên ăn những đồ ấm. Ví dụ, một bà mẹ nói:

“Chúng tôi phải ăn nhiều đồ nóng hơn vì chảy máu khi sinh. Đồ ăn nóng sẽ tăng cường khí huyết và hỗ trợ quá trình hồi phục. Đồ lạnh sẽ chặn đứng việc hồi phục.” (Người mẹ, gia đình nông thôn 4).

Mọi bà mẹ đều ăn đồ nóng hoặc ấm trong tháng ở cữ. Các bà mẹ sống ở thành phố chủ yếu ăn thịt gà, và thường cho thêm rượu, gừng và chà là. Tuy nhiên một số gia đình cho rằng đồ ăn nóng quá có thể làm em bé bồn chồn không yên và làm người mẹ chảy máu mũi. Do đó họ giảm tần suất và lượng rượu cho vào món ăn. Ở nông thôn các bà mẹ ăn uống đa dạng hơn: ăn nhiều cá, thịt thỏ, thịt lợn, thịt gà và thịt vịt, nhưng một ít người cho rượu vào đồ ăn. Bà mẹ dưới đây trình bày một lý do phổ biến cho việc thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt, liên quan đến những lợi ích lâu dài đã thấy được:

“Bà của tôi nói rằng – 30 ngày qua dễ dàng thoải mái nhưng 30 năm sẽ qua khó khăn vất vả hơn. Tôi nghĩ lợi ích của kiểu ăn uống này sẽ kéo dài trong 30 năm” (Người mẹ, gia đình thành thị 2).

Tránh ăn uống đồ “lạnh” (trái cây và rau củ)

Gần như mọi gia đình tin là những đồ ăn xem như đồ “lạnh” theo y học cổ truyền thì nên tránh trong giai đoạn này. Nhiều người bà tin rằng hầu hết trái cây và rau củ đều “lạnh”, và không thể tìm được những loại “ấm hơn”. Gia đình nông thôn đã phát hiện được nhiều ảnh hưởng của việc ăn đồ “lạnh”: mẹ cả con bị tiêu chảy, thân thể sưng phù, bụng khó chịu, đau nhức và ho. Ở đô thị thì họ quan tâm lo lắng hơn là sản dịch sẽ bị tống ra chậm.

“Con bé có ăn rau, nhưng không quá nhiều. Số rau đó có thể gây ra tiêu chảy và đứa bé cũng sẽ bị tiêu chảy thông qua sữa mẹ” (Người bà, gia đình nông thôn 4).

Mọi bà mẹ ở nông thôn và đô thị có thể biết được những rau củ và trái cây được xem là đồ “ấm hơn” và ăn chúng trong giai đoạn hậu sản để tăng cường sức khỏe của chính họ và làm giàu thêm sữa mẹ. Tuy nhiên, đa số các bà mẹ ăn ít loại rau củ và trái cây hơn, tránh những loại được cho là “lạnh”. Ở nông thôn, một nửa các bà mẹ ăn rau củ kém thường xuyên hơn và ít hơn, trong khi đó nửa còn lại cho biết họ ăn lượng rau củ bình thường.

“Con bé ăn rau củ – cải bó xôi, súp lơ, cà rốt, cá và thịt. Nói chung nó ăn các thứ như bình thường, nhưng không ăn quá nhiều rau. Tôi không để con bé ăn một số loại rau củ lạnh, như là bắp cải. Ăn vào là bị ho và có thể lây sang đứa bé thông qua sữa mẹ” (Người bà, gia đình nông thôn 5).

Một vài bà mẹ than phiền bị táo bón nhẹ, tình trạng họ liên tưởng đến việc ăn đồ “nóng” và quá ít rau củ. Một vài người thì lo lắng thiếu vitamin sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Bác sĩ cổ truyền và nhân viên y tế nhất trí là nên tránh đồ ăn lạnh. Tuy nhiên, họ cũng tiến cử một chế độ ăn uống bao gồm trái cây và rau củ. Nhân viên y tế chỉ chứng kiến một sốt ít phụ nữ bị táo bón, trĩ, thiếu máu, chậm khôi phục hoặc nhiễm trùng.

Vệ sinh

Nhận thức và thực hành có thể chia thành ba chủ đề nhỏ riêng biệt: tắm và gội đầu; vệ sinh âm hộ và đáy chậu; vệ sinh răng lợi.

Không tắm hoặc gội đầu

Theo truyền thống, phụ nữ không nên tắm hay gội đầu trong giai đoạn hậu sản và mọi gia đình đều biết điều này. Họ tin là vì da của phụ nữ sau sinh giãn mở và nước có thể xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ chân lông trên da. Điều này sẽ khiến cơ thể bị sưng phù, về sau sẽ bị viêm khớp và thấp khớp hoặc bị cảm lạnh mà có thể truyền cho đứa bé. Tương tự, gội đầu cũng gây đau đầu.

Đa số phụ nữ nông thôn và thành thị khẳng định rằng họ thường tắm bồn hoặc tắm vòi hàng ngày hoặc cách ngày khi họ không trong giai đoạn hậu sản. Đa số bà mẹ nông thôn dường như thích ứng với truyền thống bằng cách tắm nước đun sôi hoặc nước sôi với rượu hoặc thảo dược ích mẫu (loại thảo dược phổ biến có các đặc tính của thuốc) để ngăn ngừa các vấn đề thẩm thấu qua da. Rượu và cây ích mẫu đều được cho là có các đặc tính chống nhiễm trùng và do đó ngăn ngừa nhiễm trùng. Họ tin là vì họ ở cùng với con mọi lúc nên họ cần phải sạch để bảo vệ đứa bé tránh bị bệnh. Việc này cũng làm họ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.

“Tôi cho thêm rượu vào nước vì da lỏng lẻo. Người lớn tuổi nói là bạn không được dùng nước để tắm. Họ nói là da lỏng lẻo và gió có thể xâm nhập cơ thể qua lỗ chân lông khiến bạn bị ốm” (Người mẹ, gia đình nông thôn 3).

Ngược lại, đa số các bà mẹ ở đô thị dùng khăn để lau người, hoặc khăn khô hoặc khăn ẩm nhúng nước đun sôi để nguội. Một số bà mẹ tắm bồn nước nóng. Nhân viên y tế nói rằng đa số phụ nữ dùng khăn để lau người trong giai đoạn này. Một số bà mẹ làm theo cách truyền thống vì họ tin là việc đó quan trọng đối với tương lai của họ. Những người khác đơn giản là muốn nghe theo lời của người lớn trong nhà. Điều này được tiết lộ qua lời của một bà mẹ:

“Người lớn trong nhà chăm sóc cho tôi. Tôi không thể làm mọi thứ mình thích và không nghe lời họ chút nào được. Vì thế tôi cũng làm theo một số lời khuyên của họ.” (Người mẹ, gia đình nông thôn 2).

Một số phụ nữ thừa nhận là chỉ trong ba mươi ngày thôi và họ có thể chịu được sự khó chịu này. Những người khác thì thấy khó mà chấp nhận hơn vì họ đã quen với việc tắm rửa thường xuyên.

Nhân viên y tế phát hiện ra rằng một số ít các bà mẹ bị phát ban trên da do hạn chế vệ sinh. Một số bà mẹ lo lắng là họ không thể tắm. Không phát hiện được các vấn đề sức khỏe nào khác. Bác sĩ cổ truyền và nhân viên y tế không ủng hộ cách làm không tắm theo truyền thống trong giai đoạn hậu sản. Họ cho rằng tắm nước ấm thì không hại gì và dùng cây ích mẫu, rượu hay nước đun sôi là không cần thiết.

Vệ sinh âm hộ và đáy chậu

Vệ sinh cẩn thận để giảm nguy cơ nhiễm trùng dường như là niềm tin quan trọng hơn liên quan đến vùng âm hộ và đáy chậu. Mọi bà mẹ ở nông thôn và thành thị rửa âm hộ hàng ngày. Họ dùng cồn, nước đun sôi hoặc iot đển rửa vết rạch hay chỗ chậm liền. Các nhân viên y tế khuyến khích vệ sinh âm đạo và đáy chậu. Họ cũng khẳng định rằng đa số người mẹ rửa các vết rạch và vết rách của họ khi về nhà. Họ ghi nhận rất ít trường hợp nhiễm trùng hoặc lâu lành.

“Khi tôi ở bệnh viện, y tá rửa vùng chậu cho tôi. Khi về nhà tôi dùng một số loại thuốc từ bệnh viện để rửa vết rạch. Nó nhanh lành. Tôi dùng nước đun sôi và đôi khi dùng iot để rửa.” (Người mẹ, gia đình nông thôn 4).

Không đánh răng

Nhiều người tin rằng đánh răng trong giai đoạn này sẽ làm răng lỏng và lợi chảy máu. Bác sĩ cổ truyền và nhân viên y tế không đồng ý, cho rằng cần phải đánh răng.

Không một bà mẹ nào ở vùng nông thôn và chỉ có hai bà mẹ ở đô thị thực hiện thói quen vệ sinh răng miệng thường lệ là đánh răng ít nhất một lần một ngày. Có nhiều cách được thực hiện: dùng bông để lau răng trong hai tuần sau đó đánh răng; dùng bàn chải mềm và nước nóng để làm bàn chải mềm hơn, súc miệng bằng nước đun sôi trong hai tuần rồi đánh răng; và xúc miệng cả tháng.

Khi các bà mẹ không đánh răng, họ than là có khẩu vị kém và miệng có mùi và vị khó chịu. Một số chỉ có thể làm theo truyền thống trong thời gian ngắn và nhấn mạnh tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng. Nhân viên y tế không thấy vấn đề sức khỏe liên quan đến những điều hạn chế này, ngoại trừ những phụ nữ than có khẩu vị kém.

“Trong 7 ngày đầu tiên, tôi dùng vải để làm sạch miệng. Sau 10 ngày tôi dùng bàn chải mềm. Tôi không thể kiêng đánh răng cả tháng được. Không thể nào.” (Người mẹ, gia đình nông thôn 1).

Biện pháp hành vi

Ở trong nhà, tránh làm việc nhà, nằm trên giường, kiêng hoạt động tình dục và hạn chế khách tới chơi là những chủ đề xoay quanh hành vi nổi lên từ các cuộc trao đổi.

Ở trong nhà

Mọi gia đình tin là khi người phụ nữ đi ra ngoài, gió sẽ xâm nhập vào cơ thể của cô ta khiến bị ốm bệnh, cụ thể là về sau bị viêm khớp và phong thấp mà còn có thể bị đau đầu, khẩu vị kém và bị cảm lạnh.

“Con bé phải tránh gió phả thẳng vào người. Nó có thể bị viêm khớp, đau lưng và đau vai. Điều này rất quan trọng khi ở cữ” (Người bà, gia đình đô thị 4).

Niềm tin này được tuân thủ nghiêm ngặt: mọi bà mẹ ở cả nông thôn lẫn đô thị đều ở nhà. Ngoài ra một số bà mẹ đô thị ở trong phòng trong một phần thời gian tháng ở cữ, không được ra các phần còn lại của ngôi nhà. Đa số các bà mẹ có vẻ chịu được sự hạn chế này và tập trung vào nghỉ ngơi cùng với chăm con.

“Bọn tôi không đi ra khỏi nhà vì trước tiên là muốn làm theo truyền thống và thứ nữa là phải chăm con mà chúng tôi cũng chả có thời gian ra ngoài tận hưởng thời gian của bản thân. Nếu chúng tôi thực sự có chút thời gian để ra ngoài và thư giãn thì sẽ tốt hơn.” (Người mẹ, gia đình thành thị 6).

Mặc dù bác sĩ cổ truyền ủng hộ cách làm này của các bà mẹ ở trong nhà, nhưng không đưa ra căn cứ tương tự. Họ tin là phụ nữ sau sinh dễ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề như là xuất huyết nhiều hơn và cảm lạnh, nhưng không phải viêm khớp và phong thấp như một số thành viên gia đình chỉ ra. Đa số các nhân viên y tế cảm thấy rằng mặc dù ra ngoài không hại gì nhưng người mẹ không cần phải ra khỏi nhà trong giai đoạn này.

Tránh làm việc nhà

Người ta thường tin rằng người phụ nữ nên tránh làm việc nhà trong tháng ở cữ, vì cô ấy yếu nhược và cần được nghỉ ngơi. Cô ấy phải tiếp xúc với gió hoặc nước nếu làm việc nhà, những thứ này sau đó sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây viêm khớp cũng như là khiến cô ấy gặp phải các cơn đau mãn tính.

“Tôi sợ con bé sẽ bị viêm khớp và đau lưng. Tôi làm hết việc giặt giũ rửa dọn hồi tôi sinh con và giờ tôi bị viêm khớp ở bàn chân” (Người bà, gia đình nông thôn 2).

Trong mọi gia đình có những người chăm sóc cho người phụ nữ mới sinh con và làm việc nhà trong giai đoạn này. Tuy nhiên, có hai người phụ nữ mới sinh con vẫn làm một số công việc nhà nhẹ nhàng cho đến cuối tháng cữ. Một người mẹ ở đô thị cho biết cô ấy làm thế để đỡ mệt mỏi hơn và giúp thời gian trôi qua nhanh hơn. Người mẹ nông thôn làm một chút việc nhà vì mẹ của cô ấy bận công việc đồng áng. Bác sĩ cổ truyền và nhân viên y tế đều ủng hộ niềm tin rằng phụ nữ nên nghỉ ngơi trong giai đoạn này.

Nằm trên giường

Niềm tin truyền thống rằng các bà mẹ nên nằm trên giường cả tháng, hồi phục sau khi sinh con và phòng tránh tương lai bị đau ốm bằng cách tránh xa gió. Đa số những người bà đều khuyên thế, nhưng đa số vợ chồng đều cảm thấy thế là không cần thiết.

“Mẹ tôi bảo nghỉ càng nhiều càng tốt. Bà khuyên tôi nằm trên giường. Bà nói hoạt động quá nhiều thì sẽ bị đau chân. Thế là tôi quyết định tập thể dục một chút rồi nghỉ” (Người mẹ, gia đình nông thôn 4).

Hai bà mẹ nằm trên giường cả tháng theo chỉ dẫn của bà đứa bé. Những người còn lại muốn nghỉ, vì họ mệt mỏi do bị quấy rầy giấc ngủ và cần thời gian hồi phục sau sinh con.

“Trong tháng ở cữ này, tôi muốn ngủ nhiều vì cứ hai tiếng đồng hồ tôi lại cho con bú một lần. Đêm tôi cũng phải cho bé bú 2 hay 3 lần.” (Người mẹ, gia đình thành thị 3)

Những người khác cũng muốn đi bộ quanh nhà một lát để tăng tuần hoàn máu và giảm cân cũng như là cho đỡ chán. Những người phụ nữ sau sinh con cảm thấy không thoải mái, ngột ngạt nóng nực và đau lưng khi nằm trên giường trong thời gian dài. Chỉ một phụ nữ ở nông thôn và hai phụ nữ ở thành thị tập một chút thể dục trong giai đoạn ở cữ. Theo các bác sĩ cổ truyền, Y học cổ truyền không ủng hộ niềm tin rằng các bà mẹ nên nằm trên giường và không hoạt động tí nào. Bác sĩ cổ truyền và nhân viên y tế đều khuyên phụ nữ sau sinh nên tập chút thể dục nhưng nghỉ ngơi nhiều trong giai đoạn này để cho cơ thể người phụ nữ hồi phục tốt hơn.

Kiêng quan hệ tình dục

Quan điểm chung là nên cấm quan hệ tình dục trong giai đoạn hậu sản. Có một số lý do: người phụ nữ yếu nhược; cô ấy không có sức và đang tập trung vào chăm con; cô ấy cần nghỉ; sẹo còn chưa lành; cô ấy vẫn còn chảy máu; và quan hệ có thể gây nhiễm trùng. Các nhân viên y tế và bác sĩ cổ truyền ủng hộ điều kiêng khem này. Mọi cặp vợ chồng đều tuân thủ trong giai đoạn từ một đến ba tháng.

“Tôi nghĩ là có những hạn chế trong chuyện vợ chồng giai đoạn hậu sản. Sau sinh tôi yếu lắm. Trong 42 hay 56 ngày không nên phát sinh quan hệ vợ chồng” (Người mẹ, gia đình thành thị 1).

Hạn chế khách khứa

Niềm tin truyền thống áp đặt hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động xã hội và khách khứa tới chơi. Đa số bà cháu bé và chồng người mẹ trong cả hai khu vực nói là họ không hạn chế khách tới chơi nhưng tin là nên có hạn chế khách khứa trong giai đoạn này. Lý do là vì: nếu như thế người phụ nữ có nhiều thời gian nghỉ ngơi và hồi phục hơn; một số vị khách có thể lây nhiễm cho người mẹ hoặc đứa bé; họ có thể quấy rầy đứa bé và ảnh hưởng đến việc tạo sữa. Ở nông thôn, một số gia đình tin là nếu trong ba ngày đầu mà người ta đến chơi thì có thể họ vẫn tiếp tục đến chơi cả tháng. Các gia đình khác làm theo nguyên tắc cho thăm trong ba ngày đầu và sau đó lại đến chơi sau 14 ngày. Các gia đình nói là việc hạn chế này ai cũng biết, và thường không phải do gia đình áp đặt nghiêm.

“Không cấm đoán hạn chế gì đâu nhưng tôi không muốn con bé bị quấy rầy quá thường xuyên. Vì bé thì mới sinh và mẹ thì yếu nên cả hai cần phải nghỉ ngơi và môi trường yên tĩnh. Một số vị khách có thể bị bệnh gì đó mà nhà tôi không biết. Mà hệ miễn dịch của bé thì kém và cu cậu có thể bị lây.” (Người chồng, gia đình thành thị 5).

Ở đô thị, có truyền thống là có thể đến chơi với người mẹ trong khi cô ấy ở bệnh viện nhưng về nhà rồi thì không được. Mặc dù đa số các gia đình không có cấm đoán rõ ràng chuyện này những nhiều bạn bè và người thân của họ đều làm theo niềm tin này.

Các bà mẹ mới sinh con dường như vui vẻ khi đón khách. Một số người còn muốn có nhiều khách đến chơi hơn và có nhiều tương tác xã hội hơn. Những người khác hài lòng với số khách đến thăm họ. Ở đô thị, thành viên gia đình nhận xét rằng khách đến chơi có thể làm tâm trạng người mẹ tốt hơn.

“Tôi thích mọi người đến chơi lắm. Tôi muốn nói chuyện với mọi người. Ở nhà một mình tôi thấy chán lắm.” (Người mẹ, gia đình thành thị 3).

Nhân viên y tế khuyến khích hạn chế thăm chơi vì họ cảm thấy có quá nhiều khách có thể gia tăng nguy cơ mẹ và bé bị bệnh. Bác sĩ cổ truyền không bày tỏ ý kiến gì.

Cho bé sơ sinh ăn

Phỏng vấn với các gia đình hé lộ những chủ đề nhỏ sau: cho con bú là tốt nhất, và cho trẻ dùng cây kim ngân để trị da phát ban.

Cho con bú là tốt nhất

Mọi gia đình tin rằng sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Họ nói rằng sữa mẹ có đủ dưỡng chất cần thiết cho bé đến tận khi bốn tháng tuổi; tăng cường hệ miễn dịch của trẻ; làm dạ con co nhanh hơn; thuận tiện và dễ hấp thu. Họ cũng chỉ ra rằng cho con bú giúp gia tăng quan hệ giữa mẹ và con.

Bất kể những niềm tin được duy trì rộng rãi này, chỉ có hai bà mẹ cho con bú hoàn toàn, trong khi đó những người khác cho bé ăn sữa bột hoặc nước trong ba ngày đầu tiên vì họ cảm thấy mình không có sữa cho bé ăn. Nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục cho bé ăn sữa bột hoặc nước trong cả tháng. Lý do là vì: bé sẽ quen với loại thức ăn khác nếu mẹ không đủ sữa hoặc khi mẹ đi ra ngoài; bột sữa có nhiều dinh dưỡng hơn mà có khả năng không có trong sữa mẹ; người chồng có thể cho con ăn; và cho con bú thời gian dài sẽ bị đau lưng.

“Tôi nghĩ cho ăn kết hợp cũng rất ổn và có thể cung cấp dinh dưỡng cân đối cho bé. Bé có thể thiếu chất nào đó nếu mà chỉ ăn sữa mẹ. Sữa bột có những dưỡng chất khác. Nhưng sữa bột thì không tươi hay tự nhiên bằng sữa mẹ” (Người chồng, gia đình nông thôn 2).

Người tham gia cho biết toàn bộ các bé đều có vẻ khỏe mạnh và phát triển tốt. Bác sĩ cổ truyền ủng hộ cho con bú mẹ hoàn toàn, nhưng cũng cho hay nếu người phụ nữ không có đủ sữa thì có thể dùng sữa bột. Nhân viên y tế không phát hiện chênh lệch nào trong độ tăng trưởng phát sinh nhiễm trùng hoặc vàng da giữa bé ăn sữa mẹ và ăn sữa bột. Tuy nhiên, họ có ghi nhận là có nhiều trẻ ăn sữa bột bị tiêu chảy hơn.

Cho dùng kim ngân để trị phát ban

Khi được hỏi về cách chăm con trong giai đoạn hậu sản, người tham gia đôi khi ghi nhận có cho trẻ uống kim ngân như thuốc để giải nhiệt, trị phát ban da và ghèn mắt. Nó liên quan đến khôi phục cân bằng âm và dương ở đứa bé. Ở vùng đô thị bốn gia đình dùng kim ngân, trong khi đó chỉ một gia đình nông thôn dùng thảo dược này. Đa số đều cảm thấy thảo dược này hiệu quả, nhưng một số lo ngại ảnh hưởng của nó đối với dạ dày và ruột của đứa bé.

“Chúng tôi cũng cho bé ăn chút kim ngân vì bé nóng và bị chàm. Nhưng chúng tôi không để bé ăn nhiều. Tôi cũng không chắc làm thế có tác dụng không, nhưng tôi muốn thử. Tôi cũng sợ là thảo dược này có thể làm hỏng dạ dày của bé. Nhưng nếu chúng tôi không cho bé dùng thì chúng tôi sẽ lo lắng về vấn đề chàm của bé” (Người chồng, gia đình thành thị 4).

Cả nhân viên y tế và bác sĩ cổ truyền khuyên không nên làm theo cách này. Họ nói rằng cây kim ngân có tính hàn và sẽ làm tổn hại đến tính dương của đứa bé và gây hại đến lá lách và dạ dày của bé.

Bàn luận

Đánh giá riêng các cách chăm sóc hậu sản

Khi so sánh với các tiêu chuẩn phương Tây, những niềm tin và cách chăm sóc hậu sản đơn lẻ rơi vào ba nhóm: một số niềm tin được thực hành và hoặc có lợi hoặc không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé; một số niềm tin được thích ứng và hoặc có lợi hoặc không có ảnh hưởng và một vài niềm tin mọi người làm theo là có hại. Bảng 3 tóm tắt đánh giá về niềm tin và cách chăm sóc hậu sản cho phụ nữ sau sinh của các gia đình.

Bảng 3

Niềm tin và cách làm của gia đình so với mô hình y tế phương Tây

Niềm tin và thực hành theo mô hình truyền thống Mô hình y tế phương Tây: ảnh hưởng sức khỏe của hành vi đã ghi nhận& căn cứ cho phán đoán này
Chủ đề Niềm tin Thực tế diễn ra Ảnh hưởng của hành vi thực tế đối với sức khỏe Lý giải những ảnh hưởng này
Biện pháp ăn uống Ăn nhiều hơn Tất cả đều ăn nhiều hơn bình thường. Có lợi Cung cấp đủ dưỡng chất để tiết sữa.
Ăn đồ nóng (nhiều đạm) Tất cả đều ăn những đồ này. Có lợi Cung cấp đủ dưỡng chất để tiết sữa. Cung cấp dưỡng chất làm nhanh lành vết rách và vết rạch.
Tránh đồ ăn lạnh (trái cây và rau củ) Tất cả đều ăn rau củ, nhưng ít lượng và ít loại hơn. Không có tác dụng sức khỏe rõ ràng Nếu hạn chế quá có thể gây táo bón. Tuy nhiên, phụ nữ không ghi nhận táo bón là một vấn đề.
Vệ sinh Không tắm hoặc gội Nông thôn: Đa số có tắm. Đô thị: Đa số dùng khăn khô hoặc ẩm để lau người. Một nửa gội đầu. Không có tác dụng sức khỏe rõ ràng
Vệ sinh âm hộ và đáy chậu quan trọng. Toàn bộ vệ sinh âm hộ và đáy chậu hàng ngày. Có lợi Làm nhanh lành vết rách và vết rạch, ngăn ngừa nhiễm trùng.
Không đánh răng. Đa số không thực hiện thói quen vệ sinh răng lợi như trước khi sinh. Có hại Tạo điều kiện tích tụ mảng bám và vi khuẩn gây sâu răng.
Biện pháp hành vi Ở trong nhà Toàn bộ đều ở nhà Không có tác dụng sức khỏe rõ ràng
Tránh làm việc nhà Đa số không làm việc nhà. Có lợi Để thời gian hồi phục sau sinh và tập trung chăm con
Nghỉ trên giường. Phụ nữ đi quanh phòng hay nhà. Một vài tập các loại thể dục khác. Không có tác dụng sức khỏe rõ ràng Với nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường, có nguy cơ nghẽn mạch nặng nhưng không phụ nữ nào ghi nhận điều này.
Kiêng quan hệ tình dục Tất cả đều tuân thủ. Không có tác dụng sức khỏe rõ ràng Để thời gian hồi phục và chữa lành các mô của ống sinh sản.
Hạn chế khách khứa Đa số gia đình có ít khách hơn. Không có tác dụng sức khỏe rõ ràng
Cho bé sơ sinh ăn Sữa mẹ là tốt nhất Tất cả đều cho con bú, nhưng chỉ hai người cho bú hoàn toàn. Đa số cho ăn bổ sung trong 3 ngày đầu và tiếp diễn trong cả giai đoạn hậu sản. Có hại Gián đoạn sản xuất sữa và hoạt động cho bú, có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Cho uống kim ngân để trị phát ban Nông thôn: không thường xuyên. Thành thị: phổ biến. Chưa xác định

Một số cách làm mà rất có thể có lợi từ góc độ y tế và xã hội đó là ăn thực phẩm nhiều đạm và ăn nhiều; gia đình chăm nom; nghỉ ngơi cùng với tập trung vào hồi phục và vào em bé; và vệ sinh âm hộ.

a) Đồ ăn

Những người phụ nữ nói rằng họ ăn nhiều thực phẩm nóng hay có nhiều đạm. Ăn đủ đạm hỗ trợ làm lành vết thương thích đáng và giúp tiết sữa. Đa số các bà mẹ ghi nhận họ ăn nhiều hơn bình thường. Cách làm này phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO mà khuyến nghị tăng 10 đến 20% lượng calo thu nạp trong suốt giai đoạn tiết sữa.

b) Vệ sinh âm hộ và vùng đáy chậu

Những phụ nữ sau sinh trong nghiên cứu này thực hiện vệ sinh âm hộ và vùng đáy chậu hàng ngày. Đây là một cách làm có lợi mà rất có thể hỗ trợ làm lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng.

c) Nghỉ ngơi tại nhà

Ở nhà mà chỉ có vài người khách đến thăm có thể làm người phụ nữ cảm thấy lẻ loi. Mặt khác đa số phụ nữ dường như đã chuẩn bị tinh thần cho ba mươi ngày này và những hạn chế cấm kị thực tế có thể đem đến môi trường hỗ trợ cho người phụ nữ mới làm mẹ, ở đó cô ấy có thể nghỉ ngơi, tập trung vào chăm con và bắt đầu quá độ sang thời kỳ làm mẹ. Một số nghiên cứu lập luận rằng chính hoàn cảnh nghỉ ngơi như thế này sẽ giúp người mẹ tránh mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.

Phụ nữ sau sinh thích ứng với một số cách chăm sóc hậu sản theo truyền thống và những cách làm này có thể có lợi hoặc rất có thể không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Chúng bao gồm hạn chế tắm rửa và ăn uống trái cây rau củ.

a) Tắm

Giám đốc y tế địa phương lo ngại về tác hại do phụ nữ không tắm rửa trong giai đoạn hậu sản. Tuy nhiên, kết quả từ nghiên cứu này chỉ ra rằng mọi phụ nữ thực hiện một số cách vệ sinh theo truyền thống và không biểu hiện dấu hiệu bệnh tật ốm đau do các thói quen vệ sinh khác nhau. Các nghiên cứu khác hé lộ hành vi tương tự.

b) Ăn trái cây và rau củ

Từ góc độ y học phương tây, việc ăn ít trái cây và rau củ có thể khiến phụ nữ sau sinh bị thiếu các vitamin và góp phần gây táo bón. Tổ chức WHO có chương trình khuyến khích ăn trái cây rau củ “5 phần một ngày” để ngăn ngừa các bệnh không truyền nhiễm. Một tháng hạn chế ăn uống rau củ và trái cây không có vẻ là sẽ ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe về lâu dài, mặc dù táo bón có thể là một vấn đề. Tuy nhiên, phụ nữ có thể ăn đủ trái cây và rau củ ấm hơn để tránh bị táo bón.

Một số cách làm mà rất có thể có hại từ góc độ y tế tây phương bao gồm phụ nữ hạn chế vệ sinh răng miệng, cho con ăn bổ sung và cho con dùng cây kim ngân.

a) Hạn chế vệ sinh răng miệng

Khi ảnh hưởng của các hormone lúc mang thai dần dần giảm đi sau khi sinh con, việc vệ sinh răng miệng có thể có lợi trong việc phòng tránh các vấn đề răng lợi trong giai đoạn hậu sản. Khó mà ước tính được việc thiếu vệ sinh trong giai đoạn một tháng có thể gây hại bao nhiêu. Chế độ ăn uống, thực hành vệ sinh răng lợi bình thường và tình trạng răng lợi trước khi mang thai cũng sẽ có ảnh hưởng. Tuy nhiên, không đánh răng trong giai đoạn này rất có thể là một cách làm có hại và nên luôn khuyến khích vệ sinh răng miệng bao gồm cả trong giai đoạn hậu sản. Tuy nhiên, đa số phụ nữ đã không còn thực hiện cách làm không đánh răng trong một tháng theo truyền thống nữa.

b) Cho trẻ bú mẹ ăn bổ sung

Cách làm phổ biến cho bé ăn sữa bột hoặc nước trong ba ngày đầu tiên và tiếp tục cho trẻ ăn bổ sung sữa bột đồng thời với cho bú mẹ trong suốt giai đoạn hậu sản đúng với các nghiên cứu khác ở Trung Quốc và quan sát của Akre ở các bệnh viện trên thế giới. Như với nghiên cứu của Tarrant và các cộng sự ở Hồng Kông nguyên nhân chính cho bé ăn bổ sung cùng với bú mẹ là nhận thức thiếu sữa. Đây là một cách làm có hại vì vài lý do bao gồm tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng và gián đoạn hoạt động cho con bú và sản xuất sữa. WHO khuyến cáo cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời. Những người phụ nữ và những người ảnh hưởng đến quyết định của người phụ nữ có khả năng thiếu hiểu biết về sữa non, dự trữ chất béo của trẻ sơ sinh, hoạt động cho con bú và sản xuất sữa. Sự trợ giúp chuyên nghiệp từ nhân viên y tế và ủng hộ từ phía gia đình và bạn bè được xác định là có ảnh hưởng đến tỉ lệ và thời gian cho bú hoàn toàn.

c) Cho trẻ sơ sinh dùng cây kim ngân

Cuối cùng, một số gia đình cho bé dùng cây kim ngân. Trẻ mới sinh thông thường sẽ bị mẩn da mà thường tự hết. Vẫn chưa biết những thảo mộc này có ảnh hưởng gì tới ống tiêu hóa và quá trình chế biến chuẩn bị thảo mộc có thể gây nhiễm trùng. Cho đến khi có nhiều bằng chứng hơn về việc sử dụng kim ngân đường uống ở trẻ sơ sinh thì vẫn nên can ngăn cách làm này.

Không chỉ việc tìm hiểu riêng biệt những cách chăm sóc hậu sản truyền thống được mọi người áp dụng mà việc xem xét tổng thể tục lệ ở cữ này cũng quan trọng. Mọi gia đình trong nghiên cứu này làm theo tục lệ ở cữ với một số cách làm được sửa sao cho phù hợp và những cách khác vẫn đúng như trong truyền thống. Những kết quả này tạo ra hai câu hỏi: tại sao phụ nữ tuân theo tục lệ ở cữ và tại sao họ thích ứng được với nhiều cách làm trong số những biện pháp chăm sóc hậu sản truyền thống này.

Lý do trung thành với tục lệ ở cữ

Qua nghiên cứu này đã nhận diện được một số yếu tố ảnh hưởng đến lý do phụ nữ vẫn làm theo những cách chăm sóc hậu sản truyền thống cụ thể trong khi họ có thể đưa ra những mức độ lựa chọn nhất định. Nghiên cứu này ủng hộ quan điểm rằng những nghi lễ tục lệ văn hóa là quan trọng trong việc sinh nở. Nó là một tục lệ truyền thống có ý nghĩa y tế, văn hóa và xã hội mà hỗ trợ người phụ nữ trong thời kỳ quá độ chuyển sang vai trò làm mẹ. Trong khi đó về sinh lý việc sinh con hoàn tất quá trình mang thai, phụ nữ làm theo những tục lệ trong hành trình đi đến thời kỳ làm mẹ của họ để đảm bảo chuyển đổi trơn tru từ một vai trò này đến một vai trò khác trong xã hội. Người ta cũng bắt gặp điều này ở những văn hóa khác như là Thái Lan, Bangladesh và Zambia.

Sự trung thành với những cách chăm sóc hậu sản truyền thống cũng căn cứ trên kinh nghiệm trong quá khứ của những người quan trọng khác, thường thấy nhất là của mẹ đẻ hoặc mẹ chồng của người phụ nữ. Cách họ ở cữ, và cách giai đoạn ở cữ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ có vị trí tối cao trong cách họ khuyên bảo con gái hay con dâu mới lên chức mẹ về việc ở cữ. Một số người lớn tuổi gặp phải các vấn đề sức khỏe mà họ liên tưởng đến hành vi của họ trong khi ở cữ. Họ sợ là sai lầm tương tự sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe cho con gái của họ. Những người lớn tuổi khác không gặp phải vấn đề dù cho không thực hiện nghiêm ngặt cách ở cữ truyền thống. Họ có xu hướng dễ chấp nhận nhiều cách ở cữ khác nhau và cho phép con gái họ có nhiều tự do hơn. Sợ bị thành viên gia đình và cộng đồng lớn hơn trách mắng khi có vấn đề xảy ra, phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề trong việc chăm sóc hậu sản theo truyền thống. Điều này liên quan đến giá trị quan trọng của người Trung Quốc trong việc tuân theo các giá trị xã hội.

Những người phụ nữ khắc khổ chịu đựng quá mức, vì rằng là ‘ở cữ’ chỉ 30 ngày thôi nên có thể chịu được bất cứ khó khăn và bất tiện nào. Mặc dù, họ đều ức chế ở mức độ nhất định nhưng họ vẫn cảm thấy tục lệ này có lợi cho sức khỏe về lâu dài.

Lý do thích ứng với cách chăm sóc hậu sản truyền thống

Mặc dù phụ nữ làm theo tục lệ ‘ở cữ’, họ thực sự thích ứng được với một số cách làm. Một số yếu tố có tác động đến sự điều chỉnh biến đổi này. Có nhiều ảnh hưởng từ phương Tây thông qua truyền thông và các chuyên gia y tế mà có thể gây mâu thuẫn giữa niềm tin thiên về truyền thống của những thế hệ cao tuổi và những niềm tin thiên về hiện đại của những vợ chồng mới lên làm cha mẹ. Mọi phụ nữ sinh con ở bệnh biện và vì thế được chăm sóc bởi các chuyên gia y tế đào tạo theo Tây y. Sự chăm sóc và tư vấn như này sẽ dễ ảnh hưởng đến hành vi sau đó. Những nghiên cứu khác cũng ghi nhận điều này. Trong nhiều gia đình ở Thị xã Phúc Thanh, các thành viên gia đình thường xuất khẩu lao động. Những trải nghiệm khác nhau của họ đối với y tế và tín ngưỡng có thể gây ra một số ảnh hưởng đối với cách các gia đình ở khu vực này ‘ở cữ’.

Mức độ thích ứng với các cách chăm sóc hậu sản truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào vai trò giới tính và việc ra quyết định trong gia đình. Tư tưởng kính trọng người cao tuổi ăn sâu bén rễ vào xã hội Trung Quốc và điều này được thể hiện qua việc họ chấp nhận quyết định của người lớn trong nhà. Phụ nữ có thể thấy khó mà đi ngược lại tín ngưỡng của người lớn trong nhà khi không có hỗ trợ của chồng họ.

Một số người tham gia bày tỏ quan điểm rằng những cách chăm sóc hậu sản như thế này được tạo ra từ nhiều năm về trước khi mà hoàn cảnh của phụ nữ bấy giờ khác xa so với hoàn cảnh với bây giờ. Điều này cũng được bàn luận trong nghiên cứu của Pillsbury. Tục lệ ‘ở cữ’ nghiêm ngặt được tạo ra để giúp phụ nữ trong thời gian khó khăn này. Những phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục và truyền thông diễn ra trong hơn hai thập kỷ qua đã đều giữ vai trò trong việc cải thiện hoàn cảnh của nhiều người phụ nữ, và nói chung là của phụ nữ trong nghiên cứu này. Mặc dù ngạc nhiên là việc thực hành zou yuezi vẫn tiếp diễn, những người tham gia đã coi những thay đổi kinh tế xã hội này là những ảnh hưởng quan trọng tới việc thích ứng với các cách chăm sóc hậu sản truyền thống này.

Kết luận

Nhiều cách chăm sóc hậu sản trong ‘tháng ở cữ’ được phụ nữ thích ứng và khi đánh giá riêng từng cách làm thì hầu hết đều thuộc vào các nhóm có lợi hay không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, tiêu điểm là cách làm tai hại khi cho trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn bú mẹ ăn bổ sung. Có thêm nghiên cứu sẽ giúp vạch rõ mức độ thực hành cách làm này, đánh giá liệu có nguy cơ đối với sức khỏe trong những bối cảnh xã hội này không và tìm hiểu căn cứ kiến thức của các chuyên gia y tế đối với việc cho con bú. Nghiên cứu này cũng tiết lộ rằng ‘ở cữ’ tiếp tục là một tục lệ quan trọng trong đời sống của những gia đình này. Mặc dù họ mong muốn gắn bó với truyền thống và làm theo lời khuyên bảo của người lớn trong nhà, một số cách làm đã được biến đổi cho phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội. Những kết quả này có thể giúp chuyên gia y tế tận dụng và tạo dựng dựa trên những tín ngưỡng truyền thống nhằm tăng cường sức khỏe trong giai đoạn hậu sản cũng như là cung cấp thông tin để can ngăn những niềm tin tiềm năng có hại.

Xung đột lợi ích

Nhóm các tác giả tuyên bố không có xung đột lợi ích.

Đóng góp của các tác giả

JR tạo thiết kế nghiên cứu, tiến hành thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và viết bài. QC tham gia thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và nhận xét về bài viết phác thảo. RJT góp phần diễn giải dữ liệu và nội dung. PG góp phần vào thiết kế, phân tích và diễn giải dữ liệu và nội dung. Toàn bộ các tác giả đều đã đọc và thông qua bài viết cuối cùng.

Lời cảm ơn

Thân gửi tới gia đình, các nhân viên y tế và những bác sĩ y học cổ truyền mà chúng tôi đã phỏng vấn cũng như là nhân viên từ Bệnh viện Thị xã và Bệnh viện Tỉnh Phúc Kiến, những người đã giúp đỡ trong công tác nghiên cứu tại chỗ. Bài viết này được thực hiện dưới tài trợ của quỹ Kenneth Newell Bursary về Y tế Cộng đồng (Community Health).

– – –

  • Bài viết: Traditional beliefs and practices in the postpartum period in Fujian Province, China: a qualitative study –
  • Tác giả: Joanna H Raven, Qiyan Chen, Rachel J Tolhurst, và Paul Garner
  • DOI: 10.1186/1471-2393-7-8
  • Người dịch: Trần Tuyết Lan, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng

Leave a Comment