Vì sao việc này lại quan trọng?
Ngay cả sau khi bạn đã rửa kỹ tay và dọn dẹp sạch các bề mặt, thì thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và trứng vẫn có thể lây lan vi khuẩn gây bệnh vào thực phẩm ăn liền, trừ khi bạn phân chia chúng rành rọt.
Nhưng loại thực phẩm nào cần được để riêng, và bằng cách nào?
Hãy thử làm theo lời khuyên của chúng tôi để giữ an toàn cho gia đình bạn.
Sử dụng thớt cùng đĩa riêng cho rau củ quả và cho thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, và trứng.
Đặt thực phẩm ăn liền lên bề mặt trước đó đã để thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và trứng có thể làm lây lan vi khuẩn và gây bệnh cho bạn (nhóm các thực phẩm liên quan đến ngộ độc). Nhưng ngăn chặn lây nhiễm chéo không phải một việc khó khăn:
- Sử dụng một chiếc thớt cho rau củ quả tươi, và một chiếc khác cho thịt đỏ, thịt gia cầm, hoặc hải sản tươi sống.
- Dùng riêng đĩa và dụng cụ nhà bếp cho thực phẩm đã nấu chín với thực phẩm sống.
- Trước khi sử dụng lại đĩa, dụng cụ nhà bếp, và thớt mà trước đó đã dính thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản sống và trứng, phải rửa thật kỹ.
- Khi thớt đã quá cũ hoặc có nhiều rãnh quá khó vệ sinh thì nên thay thớt mới.
Không để chung thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và trứng với tất cả các loại thực phẩm khác khi mua sắm.
Bạn phải đảm bảo không làm lây nhiễm thực phẩm khi đi chợ mua sắm bằng cách:
- Để riêng thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản sống và trứng với các loại thực phẩm khác ở trong giỏ hàng.
- Tại quầy thu ngân, cho thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và trứng vào túi để nước của chúng không chảy ra và dính vào các loại thực phẩm khác.
Cất riêng thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và trứng với các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
Vi khuẩn có thể lây lan từ bên trong tủ lạnh của bạn nếu nước của thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản và trứng dây ra các loại thực phẩm ăn liền khác. Nhưng việc ngăn chặn sự lây nhiễm này cũng khá đơn giản:
- Cho thịt đỏ, thịt gia cầm, và hải sản sống vào hộp đựng hoặc túi bóng kín để ngăn không cho nước của chúng chảy ra và dính vào các loại thực phẩm khác. Nếu bạn không định dùng những loại thực phẩm này trong mấy ngày sắp tới thì hãy đông lạnh chúng (đọc thêm về cách bảo quản thực phẩm và đồ ăn thừa ở đây).
- Để nguyên trứng trong hộp đựng ban đầu của nó và bảo quản trong ngăn chính của tủ lạnh thay vì để ở cánh tủ.
Mời các bạn xem thêm đoạn phim ngắn sau để biết thêm một số mẹo “phân chia” giúp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. (Mặc dù bằng tiếng Anh nhưng nó vẫn có ích về mặt hình ảnh nên mình vẫn chèn vào đây để mọi người có thể xem khi cần – chú thích của biên tập viên)
(Theo Food Safety, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)