Làm theo bốn bước đơn giản tại nhà – Rửa dọn, Phân chia, Nấu chín,và Giữ lạnh – có thể giúp bạn cùng những người thân yêu tránh được ngộ độc thực phẩm.
RỬA DỌN: Thường xuyên rửa tay và lau chùi các bề mặt.
- Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể tồn tại ở rất nhiều nơi và lan rộng khắp căn bếp nhà bạn.
- Rửa tay khoảng 20 giây với xà phòng và nước trước khi, trong khi, và sau khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
- Rửa dọn đồ dùng nhà bếp, thớt, và mặt bàn với nước nóng cùng xà phòng.
- Rửa trái cây và rau củ dưới vòi nước đang chảy.
PHÂN CHIA: Đừng lây nhiễm chéo.
Thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng sống có thể lây lan vi khuẩn vào các thực phẩm ăn liền – trừ khi bạn phân chia chúng thật rõ ràng.
- Dùng thớt và đĩa riêng cho thịt sống, thịt gia cầm và hải sản sống.
- Khi đi chợ hay siêu thị, hãy tách biệt hoàn toàn thịt, hải sản sống, và nước của chúng khỏi các thức ăn khác.
- Tách riêng thịt, hải sản sống và trứng với các thực phẩm khác trong tủ lạnh.
NẤU CHÍN: Nấu đúng nhiệt độ.
Thực phẩm được nấu chín đến độ an toàn khi nhiệt độ tâm (nhiệt độ bên trong) đủ cao để tiêu diệt vi khuẩn gây hại. Cách duy nhất để biết liệu thức ăn đã thực sự được nấu chín hay chưa là dùng nhiệt kế thực phẩm. Bạn sẽ không thể chắc chắn thức ăn đã được nấu đến độ an toàn nếu chỉ kiểm tra màu sắc và kết cấu của nó.
Dùng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo thức ăn được nấu chín đến nhiệt độ tâm an toàn. Dưới đây là thông tin của một số loại thực phẩm và nhiệt độ tâm an toàn của chúng:
- Nhiệt độ 63°C với thịt bò, thịt lợn, thịt bê, thịt cừu thái theo miếng lớn (sau đó để thịt nguội khoảng 3 phút trước khi cắt thành miếng nhỏ hoặc ăn);
- Nhiệt độ 71°C với các loại thịt xay, ví dụ như thịt bò và thịt lợn;
- Nhiệt độ 74°C với tất cả các loại thịt gia cầm, bao gồm thịt gà và thịt gà tây xay;
- Nhiệt độ 74°C với thức ăn thừa và thịt hầm;
- Nhiệt độ 63°C với thịt giăm bông tươi sống;
- Nhiệt độ 63°C với cá có vây hoặc nấu đến khi thịt của cá đã chuyển sang màu đục.
GIỮ LẠNH: Ướp lạnh nhanh chóng.
Vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở nhanh chóng nếu ở ngoài nhiệt độ phòng hoặc nằm trong “vùng nguy hiểm” từ 4-60°C. Đừng bao giờ để thức ăn dễ hỏng ở bên ngoài quá 2 tiếng (hoặc 1 tiếng nếu bên ngoài trời nóng hơn 32°C).
- Giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới mức 4°C và nên biết khi nào thì cần vứt bỏ đồ hỏng.
- Giữ lạnh thức ăn dễ hỏng trong vòng 2 giờ. (Nếu nhiệt độ ngoài trời là trên 32°C thì để lạnh trong vòng 1 giờ.)
- Để an toàn thì hãy giã đông thực phẩm đông lạnh trong tủ lạnh, trong nước lạnh, hoặc trong lò vi sóng. Đừng bao giờ giã đông thức ăn ở trên kệ bếp, vì vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh ở những phần thực phẩm đã đạt đến nhiệt độ phòng.
(Theo CDC Hoa Kỳ, người dịch: Tống Hải Anh – nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)