(Ghi chú H1: Tế bào ung thư phổi đang phân tách – Nguồn: Viện Y tế Quốc gia)
Tổng hợp các bệnh liên quan
Ung thư là tên gọi được đặt cho một tập hợp các bệnh liên quan. Trong tất cả các loại ung thư, một số tế bào cơ thể bắt đầu phân chia không ngừng và lây lan vào các mô xung quanh.
Ung thư có thể bắt đầu ở hầu hết mọi khu vực trên cơ thể người, vốn được hợp thành từ hàng nghìn tỷ tế bào. Thông thường, tế bào của con người phát triển và phân tách để hình thành tế bào mới khi cơ thể cần chúng. Khi tế bào già đi hoặc bị tổn thương, chúng sẽ chết và sẽ có tế bào mới thế chỗ của chúng.
Tuy nhiên, khi bệnh ung thư phát triển, quá trình có trật tự này bị phá vỡ. Khi các tế bào ngày càng trở nên bất thường, những tế bào cũ hoặc bị tổn thương vẫn tồn tại trong khi đáng lý chúng phải chết đi, và tế bào mới lại hình thành khi cơ thể chưa cần đến chúng. Những tế bào bổ sung này có thể phân chia không ngừng và có thể hình thành nên những khối u.
Nhiều bệnh ung thư hình thành nên những khối u rắn, thực chất là các khối mô. Các dạng ung liên quan đến máu, chẳng hạn như ung thư máu (leukemia), thường không hình thành u rắn.
Các khối u ung thư đều ác tính, tức là chúng có thể lan rộng, hoặc xâm lấn, các mô lân cận. Ngoài ra, khi những khối u này phát triển, một số tế bào ung thư có thể vỡ ra và di chuyển đến những vị trí xa xôi trong cơ thể thông qua máu hoặc hệ bạch huyết, rồi hình thành các u mới cách xa vị trí của khối u ban đầu.
Khác với u ác tính, u lành tính không lây lan, hay xâm lấn, vào các mô gần đó. Tuy nhiên, đôi khi u lành tính có thể có kích cỡ tương đối lớn. Khi đã loại bỏ, chúng thường không xuất hiện trở lại, trong khi đó thì u ác tính đôi khi vẫn có thể tái phát. Song, không giống với hầu hết u lành tính ở những nơi khác trong cơ thể, u lành tính ở khu vực não bộ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường
Tế bào ung thư khác tế bào thông thường về rất nhiều mặt mà cho phép chúng phát triển vượt tầm kiểm soát và trở nên xâm lấn. Một khác biệt quan trọng là tế bào ung thư không chuyên biệt bằng tế bào bình thường. Tức là, trong khi tế bào bình thường phát triển thành các loại tế bào khác biệt với những chức năng cụ thể thì tế bào ung thư lại không như vậy. Đây là một lý do khiến tế bào ung thư tiếp tục phân chia không ngừng chứ không như tế bào thông thường.
Hơn nữa, tế bào ung thư có thể bỏ qua các tín hiệu mà thông thường có tác dụng yêu cầu các tế bào ngừng phân chia hoặc có tác dụng bắt đầu một quá trình gọi là chết tế bào được lập trình, hay chết rụng tế bào (apoptosis), mà cơ thể dùng để loại bỏ những tế bào không cần thiết.
Tế bào ung thư có thể ảnh hưởng đến tế bào bình thường, phân tử, và mạch máu bao quanh và khu vực nuôi dưỡng khối u – một khu vực được biết đến như môi trường vi mô. Ví dụ, tế bào ung thư có thể khiến các tế bào bình thường gần đó hình thành nên mạch máu cung cấp ôxy và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của khối u. Những mạch máu này cũng loại bỏ hết phế phẩm từ các khối u.
Tế bào ung thư còn có khả năng trốn tránh hệ miễn dịch, một hệ thống các cơ quan, mô, và tế bào chuyên biệt bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng cùng với các tình trạng khác. Mặc dù hệ miễn dịch thường loại bỏ tế bào bị tổn thương hoặc tế bào bất thường khỏi cơ thể, nhưng một số tế bào ung thư vẫn có thể “ẩn náu” khỏi hệ miễn dịch.
Các khối u cũng có thể tận dụng hệ miễn dịch để sống sót và phát triển. Ví dụ, với sự trợ giúp của các tế bào hệ miễn dịch nhất định mà thường ngăn ngừa phản ứng miễn dịch chạy trốn, các tế bào ung thư thực sự có thể giữ cho hệ miễn dịch không tiêu diệt chúng.
Cách ung thư phát sinh
(Ghi chú H2: Ung thư bị gây ra bởi những sự thay đổi gene nhất định, đơn vị vật lý cơ bản của di truyền. Gene được sắp xếp thành các chuỗi dài của ADN được đóng gói chặt chẽ gọi là các nhiễm sắc thể (chromosome).Nguồn: Terese Winslow)
Ung thư là một bệnh thuộc về gene – tức là, nó bị gây ra bởi những thay đổi nhất định với các gene kiểm soát cách tế bào của chúng ta hoạt động, đặc biệt là cách chúng phát triển và phân chia.
Những thay đổi di truyền dẫn đến ung thư có thể được thừa hưởng từ bố mẹ của chúng ta. Chúng cũng có thể phát sinh trong cả cuộc đời của một người do những lỗi xảy ra khi tế bào phân chia hoặc do sự tổn hại đối với ADN bắt nguồn từ những sự tiếp xúc/phơi nhiễm nhất định với môi trường. Những sự tiếp xúc/phơi nhiễm với môi trường gây ung thư bao gồm các chất, chẳng hạn như hóa chất trong khói thuốc lá, và phóng xạ, ví dụ như tia cực tím từ Mặt trời.
Bệnh ung thư của mỗi người lại có một sự kết hợp độc nhất của những thay đổi về mặt di truyền. Khi ung thư tiếp tục phát triển, những sự thay đổi bổ sung sẽ xảy ra. Ngay cả trong cùng một khối u, các tế bào khác nhau cũng có thể chứa đựng những thay đổi di truyền không giống nhau.
Nhìn chung, tế bào ung thư có nhiều thay đổi di truyền hơn tế bào bình thường, đơn cử như sự đột biết trong ADN. Một số sự thay đổi có thể không liên quan đến ung thư; chúng có thể là kết quả của bệnh ung thư, chứ không phải nguyên nhân của nó.
“Yếu tố tác động” ung thư
Những thay đổi di truyền mà góp phần gây ra ung thư thường tác động đến ba loại gene chính: gen tiền ung thư hay tiền-gen sinh ung (proto-oncogene), gene ức chế khối u (tumor suppressor gene), và gene sửa chữa ADN. Những thay đổi này đôi khi được gọi là “các yếu tố tác động” ung thư.
Các gene tiền ung thư liên quan đến sự phát triển và phân chia của tế bào bình thường. Tuy nhiên, khi những gene này bị thay đổi theo những cách nhất định hoặc hoạt động mạnh hơn bình thường, chúng có thể trở thành các gene gây ung thư (hoặc gene sinh ung), cho phép các tế bào phát triển và tồn tại trong khi chúng không nên như vậy.
Các gene ức chế khối u cũng liên quan đến việc kiểm soát sự phát triển và phân chia của tế bào. Những tế bào với sự biến đổi nhất định trong gene ức chế khối u có thể phân chia theo một cách không được kiểm soát.
Các gene sửa chữa ADN liên quan đến việc khôi phục ADN bị tổn hại. Những tế bào với sự đột biết trong các gene này có xu hướng phát triển những sự đột biến bổ sung trong các gene khác. Cùng với nhau, những sự đột biến này có thể khiến các tế bào trở thành tế bào ung thư.
Trong quá trình tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi phân tử gây ra ung thư, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một số đột biến nhất định thường xảy ra ở nhiều loại ung thư. Vì lý do này, ung thư đôi khi được mô tả đặc trưng bởi các loại biến đổi di truyền mà được tin là đang tác động đến chúng, chứ không chỉ bởi khu vực chúng đang phát triển trong cơ thể và hình ảnh của tế bào ung thư khi được soi dưới kính hiển vi.
Khi ung thư lan rộng/di căn
(Ghi chú H3: Trong di căn, các tế bào ung thư tách khỏi nơi chúng hình thành ban đầu (ung thư nguyên phát), di chuyển qua máu hoặc hệ bạch huyết, và hình thành những khối u mới (khối u di căn) trong các phần khác của cơ thể. Khối u di căn là cùng một loại ung thư với khối u nguyên phát.)
Ung thư di căn cũng có cùng tên gọi và loại tế bào ung thư tương tự với ung thư ban đầu, hay ung thư nguyên phát. Ví dụ, ung thư vú đã lây lan và hình thành một khối u di căn trong phổi vẫn là ung thư vú di căn, chứ không phải ung thư phổi.
Dưới kính hiển vi, tế bào ung thư di căn nhìn chung cũng không khác gì so với tế bào của ung thư nguyên phát. Hơn nữa, tế bào ung thư di căn và tế bào ung thư nguyên phát còn thường có chung một số đặc điểm phân tử, chẳng hạn như sự hiện diện của những thay đổi nhiễm sắc thể cụ thể.
Việc điều trị có thể giúp kéo dài sự sống của một số bệnh nhân ung thư di căn. Nhưng nhìn chung thì mục đích chủ yếu của việc điều trị ung thư di căn vẫn là kiểm soát sự phát triển của ung thư hoặc giảm bớt các triệu chứng do nó gây ra. Các khối u di căn có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến chức năng của cơ thể, và hầu hết những người tử vong vì ung thư thường là do bệnh đã di căn.
Những thay đổi mô mà không phải ung thư
Không phải sự thay đổi nào trong mô của cơ thể cũng là ung thư. Tuy nhiên, một số sự thay đổi mô có thể phát triển thành ung thư nếu chúng không được chữa trị. Dưới đây là một số ví dụ về những thay đổi mô mà không phải ung thư, nhưng trong một số trường hợp vẫn cần được theo dõi:
Sự tăng sản (Hyperplasia: sự gia tăng số lượng mô hữu cơ do sự tăng sinh tế bào – ND) xảy ra khi các tế bào trong một mô phân chia nhanh hơn bình thường và các tế bào phụ tích tụ, hoặc tăng sinh. Tuy nhiên, khi được soi dưới kính hiển vì thì hình ảnh của tế bào và cách mô được tổ chức vẫn rất bình thường. Quá trình tăng sản có thể xảy ra bởi nhiều yếu tố hoặc tình trạng, bao gồm sự kích thích mãn tính.
Chứng loạn sản/đa sản/dị sản (Dysplasia) là tình trạng nghiêm trọng hơn sự tăng sản. Trong quá trình loạn sản cũng có sự tích tụ của các tế bào phụ. Nhưng nhìn các tế bào lại bất thường và xuất hiện những thay đổi trong cách tổ chức mô. Nhìn chung, tế bào và mô nhìn càng bất thường thì khả năng hình thành ung thư càng lớn.
Một số dạng loạn sản có thể cần được theo dõi hoặc điều trị. Một ví dụ về chứng loạn sản là sự hình thành nốt ruồi bất thường (hay còn gọi là nevus loạn sản) ở trên da. Một nevus loạn sản có thể biến thành u hắc tố ác tính (ung thư tế bào hắc tố, mặc dù trường hợp này khá hiếm).
Một tình trạng nghiêm trọng hơn nữa là bướu/ung thư biểu mô tại chỗ. Mặc dù đôi khi được gọi là ung thư, nhưng bướu biểu mô tại chỗ lại không phải ung thư vì các tế bào bất thường không lây lan ra khỏi mô ban đầu. Tức là chúng không xâm lấn vào những mô gần đó theo cái cách mà các tế bào ung thư vẫn làm. Nhưng, vì một số trường hợp bướu biểu mô tại chỗ có thể thực sự trở thành bệnh ung thư, nên chúng thường được điều trị.
(Ghi chú H4: Các tế bào bình thường/Normal có thể trở thành tế bào ung thư. Trước khi tế bào ung thư hình thành trong mô của cơ thể, chúng trải qua những thay đổi bất thường gọi là tăng sản và loạn sản. Trong quá trình tăng sản, có một sự gia tăng trong số lượng tế bào của một cơ quan hoặc mô mà trông vẫn bình thường khi được soi dưới kính hiển vi. Trong chứng loạn sản, các tế bào trông bất thường dưới kính hiển vi nhưng lại không phải ung thư. Tăng sản và loạn sản có thể biến thành ung thư, hoặc cũng có thể là không.)
Các loại ung thư
Có hơn 100 loại ung thư. Các loại ung thư thường được đặt tên theo cơ quan hoặc mô nơi ung thư hình thành. Ví dụ, ung thư phổi bắt đầu từ các tế bào của phổi, còn ung thư não bắt nguồn từ các tế bào não bộ. Các loại ung thư cũng có thể được mô tả bằng loại tế bào hình thành chúng, chẳng hạn như tế bào biểu mô (epithelial cell) hoặc tế bào vảy (squamous cell).
Bạn đọc có thể tìm thêm thông tin trên mạng về các loại ung thư cụ thể dựa vào vị trí hình thành ung thư trong cơ thể; ngoài ra còn có thông tin về các loại ung thư ở trẻ em cũng như ung thư ở độ tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Dưới đây là một số loại ung thư bắt đầu từ các loại tế bào cụ thể:
Ung thư biểu mô
Ung thư biểu mô là loại ung thư phổ biến nhất. Chúng được hình thành bởi tế bào biểu mô bao phủ bề mặt bên trong và bên ngoài cơ thể. Có rất nhiều loại tế bào biểu mô, và nhìn chung thì chúng thường có hình dạng giống hình cột khi được soi dưới kính hiển vi.
Ung thư biểu mô bắt nguồn từ các loại tế bào biểu mô khác nhau cũng có những tên gọi cụ thể:
Ung thư (biểu mô) tuyến (Adenocarcinoma) là một loại ung thư hình thành trong các tế bào biểu mô mà sản sinh ra chất lỏng hoặc dịch nhầy. Các mô với loại tế bào biểu mô này đôi khi được gọi là mô tuyến (glandular cell). Hầu hết các bệnh ung thư vú, ung thư kết trực tràng, và ung thư tuyến tiền liệt đều là ung thư tuyến.
Ung thư biểu mô tế bào đáy (Basal cell carcinoma) hình thành ở lớp dưới hoặc lớp đáy của biểu bì, cũng là lớp da ngoài cùng của một người.
Ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous cell carcinoma) hình thành trong các tế bào vảy, cũng là các tế bào biểu mô nằm dưới bề mặt ngoài của da. Tế bào vảy cũng lót vào nhiều cơ quan khác, bao gồm dạ dày, ruột, phổi, bàng quan, và thận. Tế bào vảy có dạng dẹt, giống vảy cá, khi được soi dưới kính hiển vi. Ung thư biểu mô tế bào vảy đôi khi còn được gọi là ung thư biểu mô dạng biểu bì.
Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (Transitional cell carcinoma) là loại ung thư hình thành trong một loại mô biểu mô gọi là biểu mô chuyển tiếp, hay urothelium. Mô này, được hợp thành từ nhiều lớp tế bào biểu mô mà có thể tăng hoặc giảm kích cỡ, được tìm thấy trong lớp lót của bàng quang, niệu quản, và một phần của thận (bể thận), và một vài cơ quan khác. Một số bệnh ung thư bàng quang, ung thư niệu quản, và ung thư thận thực chất là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.
Sarcoma
(Ghi chú H5: Sarcoma mô mềm hình thành trong các mô mềm của cơ thể, bao gồm cơ, gân/dây chằng, mỡ, mạch máu, mạch bạch huyết, dây thần kinh, và mô quanh khớp.)
Sarcoma là bệnh ung thư hình thành trong xương và mô mềm, bao gồm cơ, mỡ, mạch máu, mạch bạch huyết, và mô xơ (chẳng hạn như gân và dây chằng).
Sarcoma xương (hay ung thư xương tạo xương) là dạng ung thư xương phổ biến nhất. Những loại sarcoma mô mềm phổ biến nhất là sarcoma cơ trơn (khối u ác tính ở cơ trơn), sarcoma Kaposi (ung thư Kaposi), u mô bào xơ ác tính, sarcoma mỡ (u mỡ ác tính), và dermatofibrosarcoma protuberan (DFSP – một dạng ung thư mô dưới da hiếm gặp).
Ung thư/bệnh bạch cầu (Leukemia)
Các bệnh ung thư bắt nguồn trong mô hình thành máu của tủy xương được gọi là ung thư bạch cầu leukemia. Những bệnh ung thư này không hình thành khối u rắn. Thay vào đó, số lượng lớn các tế bào bạch cầu bất thường (tế bào leukemia và tế bào non leukemia) tích tụ trong máu và tủy xương, rồi lấn át dần các tế bào máu bình thường. Lượng tế bào máu bình thường thấp có thể khiến cơ thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bổ sung ôxy cho mô của nó, cũng như kiểm soát máu chảy, hoặc chống nhiễm trùng.
Có bốn loại ung thư bạch cầu phổ biến, được phân nhóm dựa vào tốc độ tiến triển của bệnh (cấp tính và mãn tính) và dựa vào loại tế bào máu mà ở đó ung thư hình thành (dạng nguyên bào lympho hoặc dạng nguyên bào tủy).
Ung thư hạch/ung thư bạch huyết (lymphoma)
Bệnh ung thư này bắt nguồn từ bạch huyết bào (tế bào T hoặc tế bào B). Đây là những tế bào bạch cầu chống lại bệnh tật và là một phần của hệ miễn dịch. Trong ung thư hạch/ung thư bạch huyết, các tế bào bạch huyết bất thường tích tụ trong hạch bạch huyết và mạch bạch huyết, cũng như trong các cơ quan khác của cơ thể.
Có hai loại ung thư hạch/ung thư bạch huyết:
Ung thư hạch Hodgkin – Những người bị bệnh này thường có những tế bào bạch huyết bất thường gọi là tế bào Reed-Sternberg. Những tế bào này thường hình thành từ tế bào B.
Ung thư hạch không Hodgkin – Đây là một nhóm các bệnh ung thư lớn hình thành trong bạch huyết bào. Bệnh ung thư này có thể phát triển nhanh hoặc chậm, và có thể hình thành từ tế bào B hoặc tế bào T.
Đa u tủy xương (Multiple myeloma)
Đa u tủy xương là một dạng bệnh ung thư bắt nguồn từ các tế bào, một loại tế bào miễn dịch khác. Các tế bào plasma bất thường, gọi là tế bào u tủy (myeloma), tích tụ trong tủy xương và hình thành những khối u trong xương khắp cơ thể. Đa u tủy xương còn được gọi là u tủy tế bào plasma và bệnh Kahler.
Ung thư hắc tố (Melanoma)
Ung thư hắc tố là bệnh ung thư bắt đầu trong các tế bào mà trở thành tế bào hắc tố (melanocyte), cũng là những tế bào chuyên biệt tạo nên melanin (sắc tố tạo màu cho da). Hầu hết bệnh ung thư hắc tố hình thành trên da, nhưng nó cũng có thể hình trong các mô sắc tố khác, chẳng hạn như mắt.
U não và u tủy sống
Có nhiều kiểu u não và u tủy sống khác nhau. Những khối u này được đặt tên dựa vào loại tế bào mà ở đó chúng hình thành và nơi khối u lần đầu hình thành trong hệ thần kinh trung ương. Ví dụ, một khối u tế bào hình sao bắt đầu trong tế bào não bộ hình sao được gọi là astrocyte, giúp giữ cho tế bào thần kinh được khỏe mạnh. U não có thể là khối u lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư).
Các loại khối u khác
- Khối u tế bào mầm (Germ cell tumor)
U tế bào mầm là một khối u bắt nguồn từ các tế bào sinh ra tinh trùng hoặc trứng. Những khối u này có thể xảy ra ở gần như mọi khu vực trong cơ thể, và có thể lành tính hoặc ác tính.
- Khối u thần kinh nội tiết (Neuroendocrine tumor)
Khối u thần kinh nội tiết hình thành từ những tế bào giải phóng hormone vào máu để phản ứng lại tín hiệu của hệ thần kinh. Những khối u này, có thể tạo ra lượng hormone cao hơn bình thường, có khả năng gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Khối u thần kinh nội tiết có thể lành tính hoặc ác tính.
- Khối u tế bào ưa crôm (carcnoid tumor)
U tế bào ưa crôm hay u có dạng ung thư bất thường là một kiểu u thần kinh nội tiết. Chúng là những khối u phát triển chậm và thường được tìm thấy trong hệ tiêu hóa (thường là ở trực tràng và ruột non). Khối u ưa tế bào crôm có thể lan rộng tới gan hoặc các khu vực khác trong cơ thể, và chúng có thể tiết ra những chất như là serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh monoamine – ND) hoặc prostaglandin (các axit béo không bão hòa ở mô – ND), gây ra hội chứng carcinoid (nhóm các triệu chứng gây ra bởi các khối u tế bào ưa crôm với những triệu chứng phổ biến như phừng đỏ ở mặt, cổ, trước ngực, tiêu chảy, chuột rút ở chân, đau bụng có thể kèm theo bán tắc ruột, xơ hoá van tim, loét dạ dày tá tràng, các biểu hiện của bệnh thiếu vitamin PP – ND).
(Theo viện ung thư quốc gia của Hoa Kỳ – NIH, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)