Liệu pháp miễn dịch là kiểu điều trị giúp hệ miễn dịch của người bệnh chống lại ung thư.
Các kiểu liệu pháp miễn dịch
Có một số liệu pháp miễn dịch được áp dụng trong điều trị ung thư. Những biện pháp điều trị này có thể giúp hệ thống miễn dịch trực tiếp chống lại ung thư, hoặc kích thích hệ miễn dịch theo một cách tổng quát hơn.
Những liệu pháp miễn dịch giúp hệ miễn dịch trực tiếp chống lại ung thư bao gồm:
- Chất ức chế điểm kiểm soát (checkpoint inhibitor): là các loại thuốc giúp hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ hơn với khối u. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách nhả “phanh” giữ cho tế bào T (một loại tế bào bạch cầu và một phần của hệ miễn dịch) không tiêu diệt tế bào ung thư. Những loại thuốc này không nhắm trực tiếp vào khối u. Thay vào đó, chúng can thiệp vào khả năng của tế bào ung thư để tránh sự tấn công của hệ miễn dịch.
- Chuyển giao tế bào nuôi (adoptive cell transfer): là kiểu điều trị nhằm tăng cường khả năng chống lại ung thư tự nhiên của tế bào T. Với biện pháp điều trị này, tế bào T được lấy ra từ khối u của bạn. Sau đó, những tế bào có hoạt động chống ung thư mạnh nhất sẽ được phát triển theo các nhóm lớn trong phòng thí nghiệm.
Quá trình phát triển tế bào T của người bệnh trong phòng thí nghiệm có thể diễn ra từ 2-8 tuần. Trong thời gian này, người bệnh có thể tiếp nhận những biện pháp điều trị khác chẳng hạn như hóa trị và xạ trị để giảm thiểu tế bào miễn dịch. Sau khi kết thúc những kiểu điều trị này, tế bào T được phát triển trong phòng nghiệm sẽ được trả lại cho người bệnh bằng cách dùng kim tiêm bơm vào tĩnh mạch.
- Kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies): hay còn được biết đến như kháng thể trị liệu, là các protein của hệ miễn dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Những kháng thể này được thiết kế để gắn vào các mục tiêu cụ thể tìm thấy trên tế bào ung thư. Một số kháng thể đơn dòng đánh dấu tế bào ung thư để hệ miễn dịch có thể xác định và tiêu diệt chúng tốt hơn, và đây là một kiểu liệu pháp miễn dịch. Các kháng thể đơn dòng khác được sử dụng trong điều trị ung thư không tạo ra phản ứng từ hệ miễn dịch. Những kháng thể đơn dòng như vậy được coi là liệu pháp nhắm mục tiêu, chứ không phải liệu pháp miễn dịch.
- Vắc-xin điều trị: hoạt động chống lại ung thư bằng cách thúc đẩy phản ứng của hệ miễn dịch đối với các tế bào ung thư. Vắc-xin điều trị khác với những loại vắc-xin giúp ngăn ngừa bệnh tật khác.
Những liệu pháp miễn dịch tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư bao gồm:
- Cytokine: là những protein được tạo ra bởi tế bào cơ thể bạn. Chúng giữ vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể và trong cả khả năng phản ứng với ung thư của hệ miễn dịch. Hai loại cytokine chính được sử dụng để điều trị ung thư được gọi là interferon và interleukin.
- BCG: viết tắt của Bacillus Calmette-Guérin, là một liệu pháp miễn dịch được dùng để điều trị bệnh ung thư bàng quang. Nó là một dạng suy yếu của vi khuẩn gây ra bệnh lao phổi (tuberculosis). Khi được đưa thẳng vào bàng quang bằng ống thông, BCG tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Nó cũng đang được nghiên cứu với những loại ung thư khác.
Đối tượng tiếp nhận liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch vẫn chưa được sử dụng rộng rãi như phẫu thuật, hóa trị, và xạ trị. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch đã được phê duyệt để điều trị cho những người mắc nhiều loại ung thư.
Nhiều liệu pháp miễn dịch khác đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng, đó là những nghiên cứu liên quan đến con người.
Cách liệu pháp miễn dịch hoạt động chống lại ung thư
Một lý do khiến các tế bào ung thư phát triển mạnh là vì chúng có thể trốn tránh được hệ miễn dịch. Một số liệu pháp miễn dịch nhất định có thể đánh dấu tế bào ung thư để hệ miễn dịch dễ dàng phát hiện cũng như tiêu diệt chúng hơn. Các liệu pháp miễn dịch khác lại thúc đẩy hệ miễn dịch của bạn hoạt động chống ung thư tốt hơn.
Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra tác dụng phụ
Liệu pháp miễn dịch có thể gây ra một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải và cách chúng tác động đến cảm giác của người bệnh sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe trước khi điều trị, loại ung thư mắc phải, giai đoạn tiến triển của nó, loại liệu pháp sẽ được nhận, và liều lượng. Bác sĩ và y tá không thể biết chắc chắn bệnh nhân sẽ cảm thấy thế nào trong quá trình điều trị.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất là phản ứng da tại vị trí cắm kim tiêm. Những tác dụng phụ này bao gồm:
- Đau
- Sưng
- Nhức/lở
- Tấy đỏ
- Ngứa
- Phát ban
Bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng giống như cúm, trong đó phải kể đến:
- Sốt
- Rùng mình, ớn lạnh
- Yếu
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau cơ hoặc khớp
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Khó thở
- Huyết áp thấp hoặc cao
Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm:
- Sưng phù hoặc tăng cân do tích nước
- Tim đập nhanh
- Tắc nghẽn xoang
- Tiêu chảy
- Nguy cơ nhiễm trùng
Liệu pháp miễn dịch còn có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên thì những phản ứng này khá hiếm.
Cách áp dụng liệu pháp miễn dịch
Các hình thức khác nhau của liệu pháp miễn dịch có thể được áp dụng theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:
- Tiêm tĩnh mạch (IV): Liệu pháp miễn dịch đi thẳng vào tĩnh mạch.
- Đường miệng: Liệu pháp miễn dịch có dạng thuốc viên hoặc viên nang mềm mà bạn nuốt.
- Xoa đắp: liệu pháp miễn dịch ở dạng kem mà bạn xoa lên da. Kiểu liệu pháp miễn dịch này có thể được dùng cho ung thư da giai đoạn rất sớm.
- Đưa vào bàng quang: liệu pháp miễn dịch đi thẳng vào bàng quang.
Cần đến đâu để nhận được liệu pháp miễn dịch?
Bệnh nhân có thể tiếp nhận liệu pháp miễn dịch tại văn phòng của bác sĩ, phòng khám, hoặc một đơn vị ngoại trú trong bệnh viện. Ngoại trú có nghĩa là người bệnh không phải ở lại qua đêm trong bệnh viện.
Tần suất tiếp nhận liệu pháp miễn dịch
Tần suất và khoảng thời gian bệnh nhân tiếp nhận liệu pháp miễn dịch phụ thuộc vào:
- Loại ung thư cùng với giai đoạn tiến triển của nó
- Kiểu liệu pháp miễn dịch được áp dụng cho bệnh nhân
- Cách cơ thể bệnh nhân phản ứng với biện pháp điều trị
Bệnh nhân có thể điều trị hàng ngày, hàng tuần, hay hàng háng. Một số liệu pháp miễn dịch được tiến hành theo chu kỳ. Chu kỳ là một giai đoạn điều trị theo sau là một giai đoạn nghỉ ngơi. Giai đoạn nghỉ ngơi tạo cơ hội để cơ thể bệnh nhân được phục hồi, phản ứng với liệu pháp miễn dịch, và tạo ra các tế bào khỏe mạnh mới.
Làm sao để biết liệu pháp miễn dịch có hiệu quả hay không?
Bệnh nhân sẽ phải thường xuyên đến gặp bác sĩ. Họ sẽ kiểm tra sức khỏe và hỏi thăm tình trạng của người bệnh. Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm y tế, chẳng hạn như xét nghiệm máu và các hình thức chụp chiếu khác nhau. Những xét nghiệm này sẽ đo kích cỡ khối u của và xác định những thay đổi trong máu của người bệnh.
(Dịch từ bài viết: Immunotherapy to Treat Cancer, Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)