Điều trị ung thư bằng Phẫu thuật

Phẫu thuật

Khi được áp dụng vào điều trị ung thư, phẫu thuật là một quy trình mà ở đó bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ khối u khỏi cơ thể bạn.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư. Phương pháp người bệnh tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào loại bệnh ung thư mắc phải và giai đoạn tiến triển của nó.

Một số bệnh nhân bị ung thư sẽ chỉ được điều trị theo một phương pháp. Nhưng hầu hết mọi người sẽ được điều trị kết hợp, ví dụ như phẫu thuật kết hợp với hóa trị và/hoặc xạ trị. Khi cần điều trị ung thư, người bệnh sẽ phải tìm hiểu và cân nhắc rất nhiều điều. Nếu người bệnh, người thân thấy choáng ngợp và hoang mang thì việc đó cũng hết sức bình thường. Nhưng, nếu có thể, hãy nói chuyện với bác sĩ và tìm hiểu kĩ hơn về các phương pháp điều trị để bạn phần nào thấy mình đang kiểm soát tốt tình hình hơn.

Dưới đây là phương pháp điều trị ung thư bằng phẫu thuật.

Cách tiến hành phẫu thuật

điều trị ung thư bằng phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật thường dùng những con dao nhỏ, mảnh, gọi là dao mổ, và các dụng cụ sắc bén khác để mổ xẻ cơ thể người bệnh trong quá trình giải phẫu. Cuộc phẫu thuật đòi hỏi việc cắt mổ xuyên qua da, cơ, và đôi khi là cả xương. Sau khi phẫu thuật, những vết cắt mổ này có thể gây đau đớn và mất một thời gian để hồi phục.

Phương pháp gây mê/gây tê sẽ giúp người bệnh không cảm thấy đau khi phẫu thuật. Gây mê liên quan đến những loại thuốc hoặc các chất khác mà có thể khiến bệnh nhân mất cảm giác hoặc mất nhận thức. Có ba kiểu gây mê:

  • Gây mê/gây tê cục bộ (gây mê tại chỗ) gây mất cảm giác ở một phần nhỏ của cơ thể.
  • Gây mê/gây tê vùng làm mất cảm giác ở một phần của cơ thể, chẳng hạn như cánh tay hoặc chân.
  • Gây mê/gây tê toàn thân gây mất cảm giác và bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn nhận thức, như đang chìm vào một giấc ngủ sâu.

Có nhiều cách tiến hành phẫu thuật khác mà không cần cắt mổ bằng dao mổ. Trong đó phải kể đến:

  • Phẫu thuật lạnh (cryosurgery): Đây là kiểu điều trị mà ở đó một cực lạnh tạo ra từ nitơ lỏng hoặc khí argon được dùng để tiêu diệt các mô bất thường. Phẫu thuật lạnh có thể được áp dụng để điều trị ung thư da giai đoạn đầu, ung thư nguyên bào võng mạc, và những khối u tiền ung thư trên da và cổ tử cung. Phẫu thuật lạnh còn được gọi là phương pháp áp lạnh.
  • Công nghệ laser: Với kiểu điều trị này, những chùm ánh sáng mạnh được sử dụng để cắt qua mô. Công nghệ laser có thể tập trung cực kỳ chính xác vào những khu vực nhỏ, vì vậy nó có thể được sử dụng cho những ca phẫu thuật chính xác. Laser còn có thể được áp dụng để thu nhỏ hoặc tiêu diệt khối u hay những khối u mà có thể phát triển thành ung thư.

Công nghệ laser thường được áp dụng để điều trị các khối u trên bề mặt cơ thể hoặc trên lớp lót bên trong của các cơ quan nội tạng. Các ví dụ bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, những thay đổi trong cổ tử cung mà có thể biến thành ung thư, cùng với ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư thực quản, và ung thư phổi tế bào không nhỏ.

  • Tăng thân nhiệt (hyperthermia): Tăng thân nhiệt là kiểu điều trị mà trong đó những khu vực khỏ của mô cơ thể được tiếp xúc với nhiệt độ cao. Nhiệt cao có thể làm tổn thương và tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc khiến chúng trở nên nhạy cảm hơn với bức xạ và một số loại thuốc hóa trị nhất định. Bào mòn bằng sóng vô tuyến (Radiofrequency ablation) là một loại tăng thân nhiệt sử dụng sóng vô tuyến năng lượng cao để tạo ra nhiệt. Tăng thân nhiệt không phải phương pháp phổ biến và đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng.
  • Liệu pháp quang động lực (photodynamic therapy): Đây là kiểu điều trị sử dụng các loại thuốc phản ứng với một loại ánh sáng nhất định. Khi khối u tiếp xúc với ánh sáng này, những loại thuốc này sẽ phát huy hoạt tính và tiêu diệt các tế bào ung thư gần đó. Liệu pháp quang động lực thường được sử dụng để điều trị hoặc giảm bớt các triệu chứng do ung thư da, u sùi dạng nấm (mycosis fungoides), và ung thư phổi tế bào không nhỏ gây ra.

Các kiểu điều trị

Hiện nay có nhiều kiểu điều trị. Các kiểu phẫu thuật khác nhau dựa vào mục đích phẫu thuật, bộ phận cơ thể cần phẫu thuật, số lượng mô cần được loại bỏ, và trong một số trường hợp là mong muốn của bệnh nhân.

Các ca phẫu thuật có thể được tiến hành theo phương pháp mở hoặc xâm lấn tối thiểu.

  • Trong phẫu thuật mở, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành rạch một đường lớn để loại bỏ khối u, một số mô khỏe, và có thể là một số hạch bạch huyết (lymph node) gần đó nữa.
  • Trong phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, bác sĩ phẫu thuật cắt một vài đường nhỏ thay vì rạch một vết lớn. Họ luồn một cái ống nhỏ và mỏng có gắn máy quay tí hon vào một trong số những vết cắt nhỏ. Ống này được gọi là nội soi ổ bụng (laparoscope). Máy quay chiếu hình ảnh từ bên trong cơ thể lên màn hình, cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy việc mình đang làm. Họ dùng các công cụ giải phẫu đặc biệt mà được đưa vào qua các vết cắt nhỏ khác để loại bỏ khối u và một số mô khỏe mạnh.

Vì phẫu thuật xâm lấn tối thiểu yêu cầu các vết cắt nhỏ, nên bệnh nhân sẽ mất ít thời gian để bình phục hơn so với phẫu thuật mở.

Đối tượng cần phẫu thuật

Nhiều bệnh nhân bị ung thư được trị bằng cách phẫu thuật. Phương pháp này là hiệu quả nhất đối với các khối u rắn tập trung ở một khu vực. Nó là phương pháp điều trị tại chỗ/cục bộ, tức là nó chỉ điều trị những phần ung thư trong cơ thể bạn. Nó không được áp dụng cho ung thư bạch cầu (leukemia) hoặc với những loại ung thư đã di căn (lan rộng).

Đôi khi, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất mà người bệnh cần. Nhưng thường thì người bệnh cũng sẽ cần đến những phương pháp điều trị khác nữa.

Cách chống ung thư của phương pháp phẫu thuật

Tùy vào loại ung thư người bệnh mắc phải cùng với giai đoạn tiến triển của nó, các ca phẫu thuật có thể được sử dụng để:

  • Loại bỏ toàn bộ khối u: Ca phẫu thuật loại bỏ ung thư có trong một khu vực.
  • Cắt bỏ một phần khối u hoặc công phá khối u (debulking): phẫu thuật loại bỏ một phần, nhưng không phải toàn bộ, khối u ung thư. Biện pháp công phá khổi u được áp dụng khi việc loại bỏ toàn bộ khối u có thể làm tổn thương một cơ quan hoặc cơ thể. Việc loại bỏ một phần khối u có thể hỗ trợ những phương pháp điều trị khác hoạt động hiệu quả hơn.
  • Làm dịu/giảm bớt triệu chứng ung thư: Phẫu thuật để loại bỏ những khối u đang gây đau đớn hoặc tạo áp lực.

Rủi ro của phương pháp phẫu thuật

Các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo chuyên sâu và sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn những vấn đề phát sinh trong khi phẫu thuật. Kể cả vậy thì đôi khi vấn đề sẽ vẫn xảy ra. Những vấn đề phổ biến là:

  • Đau đớn: Sau khi phẫu thuật, hầu hết mọi người sẽ bị đau ở phần cơ thể đã được tiến hành phẫu thuật. Việc người bệnh cảm thấy đau đến mức nào còn phụ thuộc vào mức độ của ca phẫu thuật, phần cơ thể được phẫu thuật, và cách người bệnh cảm nhận cơn đau.

Bác sĩ và y tá có thể giúp người bệnh kiểm soát cơn đau sau khi phẫu thuật. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá của mình trước khi lên bàn mổ về những cách kiểm soát cơn đau. Và sau khi phẫu thuật, hãy cho họ biết nếu cơn đau của bạn/người bệnh vẫn chưa được kiểm soát.

  • Nhiễm trùng: Đây là một vấn đề khác có thể xảy ra sau khi phẫu thuật. Để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, hãy làm theo chỉ dẫn của y tá về việc chăm sóc khu vực được phẫu thuật. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc (thuốc khác sinh) để điều trị.

Những rủi ro khác của phương pháp phẫu thuật bao gồm chảy máu, tổn thương các mô lân cận, và phản ứng với thuốc gây mê. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những nguy cơ có thể xảy ra từ kiểu phẫu thuật sẽ được áp dụng.

Chi phí tiến hành phẫu thuật

Chi phí của phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như:

  • Kiểu phẫu thuật được áp dụng cho người bệnh
  • Có bao nhiêu chuyên gia tham gia vào ca phẫu thuật
  • Người bệnh cần gây mê/gây tê cục bộ, gây mê theo vùng hay toàn thân
  • Nơi tiến hành phẫu thuật – tại một phòng khám ngoại trú, văn phòng của bác sĩ, hay bệnh viện
  • Liệu người bệnh có cần ở lại bệnh viện không, và trong bao lâu
  • Người bệnh sống ở khu vực nào trong nước

Hãy nói chuyện với công ty bảo hiểm y tế của bạn/người bệnh về những dịch vụ sẽ được họ thanh toán chi phí. Hầu hết các chương trình bảo hiểm đều thanh toán cho việc phẫu thuật điều trị ung thư. Để nắm chắc thông tin hơn, hãy nói chuyện với phòng kinh doanh của phòng khám hoặc bệnh viện nơi người bệnh điều trị.

Địa điểm tiến hành phẫu thuật

Nơi cuộc phẫu thuật diễn ra phụ thuộc vào:

  • Kiểu phẫu thuật
  • Mức độ mở rộng của ca phẫu thuật
  • Nơi các bác sĩ phẫu thuật thực hành nghề
  • Kiểu cơ sở, thiết bị mà bảo hiểm của người bệnh sẽ chi trả

Người bệnh có thể được phẫu thuật ngoại trú tại văn phòng của bác sĩ, trung tâm phẫu thuật, hoặc bệnh viện. Ngoại trú có nghĩa là bạn không phải ở lại qua đêm. Hoặc, người bệnh cũng có thể phẫu thuật trong bệnh viện và ở lại qua đêm. Thời gian bạn nội trú còn phụ thuộc vào kiểu phẫu thuật mà người bệnh được tiếp nhận cùng với tốc độ bình phục của người bệnh.

Những điều cần lưu ý trước khi, trong khi, và sau khi phẫu thuật

 

Trước khi phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật, y tá có thể gọi cho người bệnh để dặn người bệnh cách chuẩn bị. Họ có thể cho người bệnh biết về những xét nghiệm và bài kiểm tra mà người bệnh cần làm trước khi phẫu thuật. Các xét nghiệm phổ biến mà người bệnh có thể cần, nếu gân đây người bệnh chưa tiến hành xét nghiệm, là:

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp x-quang ngực
  • Ghi điện tim (ECG)

Người bệnh có thể không được ăn hoặc uống trong một khoảng thời gian nhất định trước khi phẫu thuật. Quan trọng là phải làm theo mọi chỉ dẫn về ăn uống. Nếu không, ca phẫu thuật của người bệnh có thể sẽ phải lên lịch lại.

Người bệnh cũng có thể được yêu cầu chuẩn bị sẵn yếu phẩm để chăm sóc vết thương sau khi phẫu thuật. Các yếu phẩm có thể bao gồm thuốc mỡ sát trùng và băng gạc.

Trong khi phẫu thuật

Một khi người bệnh đã được gây mê, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành loại bỏ ung thư, thường là cùng với một số mô khỏe mạnh xung quanh nó. Việc loại bỏ mô khỏe này giúp cải thiện cơ hội toàn bộ ung thư đã được loại bỏ.

Đôi khi, bác sĩ phẫu thuật còn có thể cắt bỏ cả hạch bạch huyết hoặc các mô khác ở gần khối u. Những mô này sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem liệu ung thư đã lan rộng (di căn) hay chưa. Việc biết được liệu các mô gần đó có chứa ung thư hay không sẽ giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị hợp lý nhất cho bạn sau khi phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật

Khi người bệnh đã sẵn sàng về nhà, y tá sẽ hướng dẫn người bệnh cách tự chăm sóc bản thân. Họ sẽ giải thích:

  • Cách kiểm soát cơn đau
  • Những hoạt động người bệnh nên và không nên làm
  • Cách chăm sóc vết thương
  • Cách nhận biết những dấu hiệu nhiễm trùng và các bước giải quyết nếu người bệnh bị nhiễm trùng
  • Khi nào thì người bệnh có thể đi làm trở lại

Người bệnh sẽ có tối thiểu một lần thăm khám nữa với bác sĩ phẫu thuật sau khi về nhà được 1-2 tuần. Với những ca phẫu thuật phức tạp hơn, người bệnh có thể phải gặp bác sĩ phẫu thuật thường xuyên hơn. Người bệnh có thể phải đi cắt chỉ, và bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra để đảm bảo là vết mổ đang lành lại và người bệnh đang phục hồi như bình thường.

Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt trước và sau phẫu thuật

Phẫu thuật làm tăng nhu cầu hấp thu dinh dưỡng tốt của người bệnh. Nếu người bệnh yếu hoặc bị thiếu cân, người bệnh có thể phải ăn theo một chế độ dinh dưỡng giàu protein và calo trước khi phẫu thuật.

Một số kiểu phẫu thuật có thể thay đổi cách cơ thể người bệnh sử dụng thức ăn. Phẫu thuật cũng có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống nếu người bệnh phẫu thuật ở miệng, dạ dày, ruột, hoặc cổ họng. Nếu người bệnh gặp khó khăn với việc ăn uống sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ phải nhận chất dinh dưỡng thông qua ống dẫn thức ăn hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch IV (bằng cách tiêm/truyền thẳng vào tĩnh mạch).

Hãy nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến ăn uống do ca phẫu thuật gây ra. Bạn đọc cũng có thể chủ động tìm thêm thông tin về việc đối phó với những vấn đề ăn uống.

Làm việc sau khi phẫu thuật

Người bệnh sẽ phải nghỉ làm một thời gian để phẫu thuật và phục hồi sau ca phẫu thuật. Người bệnh có thể chỉ cần 1 ngày hoặc nhiều tuần. Thời gian người bệnh cần để phục hồi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như:

  • Kiểu gây mê được áp dụng cho người bệnh. Nếu gây mê/gây tê cục bộ hoặc theo vùng, có lẽ người bệnh sẽ được quay lại làm việc nhanh hơn là khi gây mê toàn thân.
  • Kiểu phẫu thuật mà bạn được tiếp nhận và mức độ mở rộng của nó.
  • Tính chất công việc của người bệnh. Nếu làm một công việc đòi hỏi phải hoạt động, người bệnh có thể sẽ cần nghỉ ngơi nhiều hơn là khi làm công việc bàn giấy. Nếu công việc cho phép, người bệnh có thể tính đến chuyện làm ở nhà, hoặc bắt đầu đi làm lại ở vị trí bán thời gian, để giúp người bệnh đi làm lại toàn thời gian dễ dàng hơn.

Hãy hỏi bác sĩ xem người bệnh cần bao lâu để bình phục sau ca phẫu thuật. Nếu người bệnh cần thời gian phục hồi lâu hơn thì hãy nói chuyện với nhà tuyển dụng để xem liệu người bệnh có được nghỉ phép vì bệnh hay không. Kiểm tra để đảm bảo là bảo hiểm y tế sẽ chi trả các loại chi phí nếu người bệnh nghỉ phép vì bệnh và không làm việc trong một thời gian.

(Dịch từ bài viết: Surgery to Treat Cancer, Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment