Điều trị ung thư bằng Hóa trị

Hóa trị

Hóa trị là một kiểu điều trị ung thư sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư. Phương pháp người bệnh tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào loại bệnh ung thư mắc phải và giai đoạn tiến triển của nó.

Một số bệnh nhân bị ung thư sẽ chỉ được điều trị theo một phương pháp. Nhưng hầu hết mọi người sẽ được điều trị kết hợp, ví dụ như phẫu thuật kết hợp với hóa trị và/hoặc xạ trị. Khi cần điều trị ung thư, người bệnh sẽ phải tìm hiểu và cân nhắc rất nhiều điều. Nếu người bệnh, người thân thấy choáng ngợp và hoang mang thì việc đó cũng hết sức bình thường. Nhưng, nếu có thể, hãy nói chuyện với bác sĩ và tìm hiểu kĩ hơn về các phương pháp điều trị để bạn phần nào thấy mình đang kiểm soát tốt tình hình hơn.

Dưới đây là phương pháp điều trị ung thư bằng Hóa trị.

Cách hóa trị hoạt động chống lại ung thư

Điều trị ung thư bằng Hóa trị

Hóa trị hoạt động bằng cách ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư tăng trưởng và phân chia nhanh chóng. Hóa trị được sử dụng để:

  • Điều trị ung thư: hóa trị có thể được áp dụng để chữa trị ung thư, giảm bớt nguy cơ tái phát, hoặc ngăn chặn và làm chậm sự phát triển của nó.
  • Làm dịu các triệu chứng ung thư: hóa trị có thể được sử dụng để thu nhỏ những khối u gây đau đớn hoặc gây ra các vấn đề khác.

Đối tượng tiếp nhận phương pháp hóa trị

Hóa trị được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư. Với một số người, hóa trị có thể là phương pháp điều trị cần thiết duy nhất. Nhưng thường thì người bệnh sẽ phải hóa trị và kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác. Kiểu điều trị mà người bệnh cần sẽ phụ thuộc vào loại ung thư mắc phải, liệu nó đã di căn chưa và di căn vào đâu, hay người bệnh còn những vấn đề sức khỏe nào khác.

Cách hóa trị được kết hợp với các phương pháp điều trị khác

Khi được kết hợp với các phương pháp điều trị khác, hóa trị có thể:

  • Thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị. Đây được gọi là hóa trị tân bổ trợ hay hóa trị trước phẫu thuật (neoadjuvant chemotherapy).
  • Tiêu diệt các tế bào ung thư có thể còn sót lại sau khi điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Đây được gọi là hóa trị bổ trợ hay hóa trị sau phẫu thuật (adjuvant chemotherapy).
  • Giúp các phương pháp điều trị khác hoạt động hiệu quả hơn.
  • Tiêu diệt các tế bào ung thư đã quay trở lại hoặc di căn vào những phần khác của cơ thể người bệnh.

Hóa trị có thể tạo ra tác dụng phụ

Hóa trị không chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư phát triển nhanh, mà còn loại bỏ hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào khỏe mạnh tăng trưởng và phân chia nhanh chóng. Ví dụ như những tế bào lót miệng và ruột của người bệnh, hoặc các tế bào làm mọc tóc. Tế bào khỏe mạnh bị tổn thương có thể tạo ra những tác dụng phụ, chẳng hạn như lở miệng, buôn nôn, và rụng tóc. Các tác dụng phụ thường cải thiện hoặc biến mất sau khi người bệnh đã kết thúc đợt hóa trị.

Tác dụng phụ phổ biến nhất là tình trạng mệt mỏi, khi đó người bệnh sẽ thấy kiệt sức và mỏi rã rời, người bệnh có thể chuẩn bị cho tình trạng này bằng cách:

  • Nhờ ai đó đưa đón đi hóa trị liệu
  • Sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi vào ngày hóa trị và sau khi hóa trị
  • Nhờ ai đó lo ăn uống và trông trẻ vào ngày hóa trị và ít nhất là sau khi hóa trị một ngày

Ngoài ra, còn có nhiều cách giúp người bệnh kiểm soát các tác dụng phụ của hóa trị. Người bệnh có thể chủ động tham khảo, tìm kiếm thêm thông tin về tác dụng phụ cũng như các cách đối phó với chúng.

Chi phí hóa trị

Chi phí hóa trị phụ thuộc vào:

  • Loại và liều lượng hóa trị được sử dụng
  • Thời gian và tần suất tiến hành hóa trị
  • Địa điểm hóa trị: ở nhà, phòng khám hay văn phòng, hoặc trong khi nằm viện
  • Khu vực người bệnh sống

Hãy nói chuyện với công ty bảo hiểm của về những dịch vụ mà họ sẽ chi trả. Đa số các chương trình bảo hiểm đều thanh toán cho phương pháp hóa trị. Để nắm chắc thông tin hơn, hãy nói chuyện với phòng kinh doanh nơi người bệnh điều trị.

Những điều cần lưu ý khi hóa trị

Hóa trị được áp dụng như thế nào?

Hóa trị có thể được áp dụng theo nhiều cách. Trong đó, các cách phổ biến nhất là:

  • Đường miệng: hóa trị ở dạng thuốc viên, viên nang mềm hoặc dạng lỏng mà người bệnh nuốt
  • Tiêm tĩnh mạch: hóa trị thẳng vào tĩnh mạch
  • Tiêm: hóa trị được áp dụng bằng cách tiêm vào cơ trên cánh tay, đùi, hoặc hông, hoặc ngay dưới da ở phần mỡ của cánh tay, chân, hoặc bụng.
  • Tiêm nội tủy mạc (intrathecal): hóa trị được tiêm vào khoảng trống giữa lớp mô bao phủ não bộ và tủy sống
  • Tiêm vào xoang/màng bụng hay tiêm IP (intraperitoneal): hóa trị đi thẳng vào màng bụng (phúc mạc), phần cơ thể chứa các cơ quan như ruột, dạ dày, và gan
  • Tiêm trong động mạch (intra-arterial): Hóa trị tiêm trực tiếp vào động mạch dẫn đến ung thư
  • Thuốc đắp: Hóa trị ở dạng kem mà người bệnh đắp/xoa lên da

Hóa trị thường được tiến hành bằng cách cắm một cây kim mảnh vào tĩnh mạch trên bàn tay hoặc cánh tay dưới. Y tá sẽ cắm kim tiêm khi bắt đầu điều trị và rút ra khi điều trị xong. Hóa trị tiêm tĩnh mạch còn có thể được thực hiện bằng ống thông hoặc buồng tiêm/buồng truyền, đôi khi còn có thêm sự trợ giúp của bơm.

  • Ống thông: là một ống mảnh, mềm. Bác sĩ hoặc y tá đặt một đầu ống thông vào một tĩnh mạch lớn, thường là ở vùng ngực của người bệnh. Đầu kia của ống thông nằm ngoài cơ thể. Đa số ống thông ở nguyên vị trí cho đến khi người bệnh kết thúc đợt điều trị hóa trị. Ống thông có thể được dùng để cung cấp cho người bệnh những loại thuốc khác hoặc để lấy máu. Người bệnh phải đảm bảo theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng quanh ống thông.
  • Buồng tiêm hay cổng tiêm: Buồng tiêm là một đĩa tròn, nhỏ được đặt dưới da của người bệnh trong khi tiểu phẫu. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt nó vào vị trí trước khi người bệnh bắt đầu quá trình điều trị, và nó sẽ ở đó cho đến khi điều trị xong. Một ống thông nối buồng tiêm với một tĩnh mạch lớn, thường là ở ngực của bệnh nhân. Y tá có thể tuồn kim tiêm vào buồng tiêm để hóa trị hoặc lấy máu của người bệnh. Kim tiêm này có thể được để ở vị trí đó cho những phương pháp hóa trị kéo dài hơn 1 ngày. Hãy kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng quanh buồng tiêm của bệnh nhân.
  • Bơm: Bơm thường được gắn với ống thông hoặc buồng tiêm. Chúng kiểm soát lượng và tốc độ hóa trị đi vào ống thông hoặc buồng tiêm, cho phép người bệnh tiếp nhận được hóa trị mà không phải đến bệnh viện. Bơm có thể nằm trong hoặc nằm ngoài. Bơm ở ngoài nằm ngoài cơ thể. Bơm ở trong được đặt dưới da trong quá trình phẫu thuật.

Bác sĩ của dựa vào những yếu tố nào để quyết định loại thuốc hóa trị dành cho người bệnh

Có nhiều loại thuốc hóa trị. Loại nào được bao gồm vào kế hoạch điều trị của người bệnh chủ yếu phụ thuộc vào:

  • Loại ung thư mắc phải và giai đoạn tiến triển của nó
  • Người bệnh đã từng hóa trị trước đó chưa
  • Người bệnh có những vấn đề sức khỏe khác chẳng hạn như tiểu đường hoặc bệnh tim hay không

Địa điểm thực hiện hóa trị

Người bệnh có thể tiếp nhận phương pháp hóa trị trong khi nằm viện, ở nhà, hoặc như một bệnh nhân ngoại trú tại văn phòng của bác sĩ, phòng khám, hoặc bệnh viện. Ngoại trú có nghĩa là người bệnh không cần ở lại qua đêm. Dù người bệnh có hóa trị ở đâu thì bác sĩ và y tá cũng sẽ theo dõi các tác dụng phụ và giúp người bệnh kiểm soát chúng.

Tần suất hóa trị

Lịch trình hóa trị của mỗi người lại một khác. Tần suất và thời gian hóa trị phụ thuộc vào:

  • Loại ung thư mắc phải và giai đoạn tiến triển của nó
  • Hóa trị được dùng để:
    • Chữa trị ung thư
    • Kiểm soát sự phát triển của nó
    • Hay là giảm bớt triệu chứng
  • Kiểu hóa trị được áp dụng
  • Cách cơ thể người bệnh phản ứng với hóa trị

Người bệnh có thể được hóa trị theo chu kỳ. Chu kỳ là một giai đoạn hóa trị theo sau là một giai đoạn nghỉ ngơi. Ví dụ, người bệnh có thể hóa trị hàng ngày trong 1 tuần và 3 tuần sau đó không hóa trị. 4 tuần này tạo thành một chu kỳ. Giai đoạn nghỉ ngơi tạo cơ hội cho cơ thể phục hồi và tạo ra tế bào khỏe mạnh mới.

Bỏ lỡ một đợt hóa trị

Tốt hơn hết là người bệnh không nên bỏ qua một lần điều trị hóa trị nào. Nhưng, đôi khi bác sĩ có thể thay đổi lịch trình hóa trị của người bệnh trong trường hợp người bệnh gặp phải các tác dụng phụ nhất định. Nếu việc này xảy ra, bác sĩ hoặc y tá sẽ giải thích cho người bệnh phải làm gì và khi nào thì bắt đầu điều trị lại.

Hóa trị có thể ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào

Người bệnh sẽ phải thường xuyên gặp bác sĩ. Trong những lần thăm khám này, họ sẽ hỏi xem người bệnh cảm thấy thế nào, tiến hành khám lâm sàng, và các xét nghiệm cũng như chụp chiếu khác. Các xét nghiệm có thể bao gồm xét nghiệm máu. Chụp chiếu có thể là chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).

Người bệnh không thể biết liệu hóa trị có hoạt động dựa trên các tác dụng phụ của nó hay không. Một số người cho rằng tác dụng phụ nghiêm trọng có nghĩa là hóa trị đang phát huy tốt công dụng, hoặc rằng không có tác dụng phụ tức là hóa trị không có hiệu quả. Sự thật là tác dụng phụ không liên quan đến tính hiệu quả của hóa trị trong việc chống lại bệnh ung thư.

Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt

Hóa trị có thể gây tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh lót miệng cùng với ruột, và gây ra các vấn đề liên quan đến ăn uống. Hãy nói chuyện với bác sĩ và y tá nếu người bệnh gặp rắc rối với việc ăn uống trong quá trình hóa trị. Việc xin lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng cũng giúp ích rất nhiều.

Làm việc sau khi hóa trị

Nhiều người có thể làm việc ngay trong giai đoạn hóa trị, miễn là lịch làm việc của họ phù hợp với cảm giác của họ. Việc người bệnh có làm việc được hay không còn phụ thuộc vào tính chất công việc của người bệnh nữa. Nếu công việc cho phép, người bệnh có thể cân nhắc làm bán thời gian hoặc làm ở nhà vào những ngày họ cảm thấy không khỏe.

Nhiều nhà tuyển dụng phải thay đổi lịch làm việc của nhân viên theo yêu cầu của pháp luật để đáp ứng nhu cầu trong quá trình điều trị ung thư. Hãy nói chuyện với cấp trên về những cách để điều chỉnh công việc trong giai đoạn hóa trị. Người bệnh có thể hiểu rõ hơn về những điều luật này bằng cách nói chuyện với nhân viên xã hội.

(Dịch từ bài viết: Chemotherapy to Treat Cancer, Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment