Mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và ung thư

Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều loại thực phẩm cũng như thành phần dinh dưỡng để tìm mối liên hệ tiềm năng giữa sự gia tăng hoặc giảm thiểu nguy cơ ung thư.

mối liên hệ giữa thực phẩm và ung thư

Nhiều nghiên cứu đã xem xét khả năng các thành phần dinh dưỡng hoặc dưỡng chất cụ thể có liên quan đến sự gia tăng và thuyên giảm nguy cơ ung thư. Nghiên cứu về tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm và của mẫu động vật đôi khi cung cấp bằng chứng cho thấy rằng các hợp chất biệt lập có thể gây ung thư (hoặc có hoạt tính chống ung thư).

Nhưng với một vài ngoại lệ, những nghiên cứu ở quần thể người lại chưa cho thấy một cách rõ ràng là thành phần cụ thể nào có khả năng gây ung thư hoặc phòng ngừa nó. Đôi khi, kết quả của các nghiên cứu dịch tễ học mà so sánh những chế độ dinh dưỡng của người bị và không bị ung thư chỉ ra rằng hai nhóm người này khác nhau ở việc tiêu thụ một thành phần dinh dưỡng nhất định.

Tuy nhiên, những kết quả này chỉ cho thấy rằng thành phần dinh dưỡng có liên quan đến sự thay đổi nguy cơ ung thư, chứ không chỉ ra rằng thành phần dinh dưỡng đó chịu trách nhiệm, hoặc tạo ra sự thay đổi trong nguy cơ. Ví dụ, bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì những người tham gia nghiên cứu bị và không bị ung thư có thể khác nhau theo nhiều cách khác nữa, và có thể là chính những sự khác biệt ấy lại góp phần dẫn đến sự khác biệt trong ung thư.

Khi một nghiên cứu dịch tễ học công bố bằng chứng là một thành phần dinh dưỡng có liên hệ với sự giảm thiểu nguy cơ bị ung thư, một thử nghiệm ngẫu nhiên có thể được tiến hành để kiểm tra khả năng này. Việc chỉ định ngẫu nhiên các nhóm dinh dưỡng đảm bảo rằng bất cứ sự khác biệt nào giữa những người có lượng tiêu thụ dưỡng chất cao và thấp cũng là do bản thân chất dinh dưỡng đó chứ không phải do những khác biệt chưa được phát hiện khác. (Vì lý do đạo đức, các nghiên cứu ngẫu nhiên không thường được tiến hành khi có bằng chứng xuất hiện và chỉ ra rằng thành phần dinh dưỡng có thể liên quan đến sự gia tăng nguy cơ bị ung thư).

Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều chất phụ gia, chất dinh dưỡng, cùng các thành phần dinh dưỡng khác để tìm ra mối liên hệ tiềm năng với nguy cơ ung thư, bao gồm:

  • Acrylamide: Acrylamide là một hóa chất được tìm thấy trong khói thuốc lá và một số loại thực phẩm. Nó có thể được tạo ra khi các loại rau củ nhất định, đơn cử như khoai tây, được đun nóng tới nhiệt độ cao. Những nghiên cứu ở mô hình/mẫu động vật đã phát hiện thấy rằng việc tiếp xúc với acrylamide làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Tuy nhiên, không có bằng chứng nhất quán chỉ ra rằng việc tiếp xúc với acrylamide trong chế độ ăn uống là có liên quan đến nguy cơ mắc bất cứ bệnh ung thư nào ở người.
  • Rượu bia: Mặc dù rượu vang được cho là có khả năng làm giảm nguy cơ ung thư, nhưng vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chỉ ra mối liên hệ như thế. Ngoài ra, rượu bia còn được biết như một nguyên nhân dẫn đến ung thư. Việc thường xuyên tiêu thụ quá nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư ở khoang miệng (không bao gồm môi), họng, thanh quản, thực quản, gan, vú, ruột kết, và trực tràng. Nguy cơ bị ung thư tăng cùng với lượng đồ uống có cồn mà một người tiêu thụ.
  • Chất chống ôxy hóa: Chất chống ôxy hóa là những chất hóa học ngăn chặn hoạt động của các hóa chất khác, được biết đến như gốc tự do, mà có thể gây hại cho tế bào. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật đã cho thấy rằng các chất chống ôxy hóa ngoại sinh có thể giúp phòng chống sự gây hại của gốc tự do mà có liên quan đến sự phát triển bệnh ung thư, nhưng nghiên cứu ở người lại chưa chứng minh được một cách thuyết phục là việc dùng thực phẩm bổ sung chất chống ôxy hóa có thể giúp giảm bớt nguy cơ phát triển bệnh ung thư hoặc tử vong vì bệnh này. Nhiều nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra sự gia tăng trong nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
  • Chất làm ngọt nhân tạo: Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để tìm hiểu tính an toàn của một số chất làm ngọt nhân tạo, bao gồm saccharin, aspartame, acesulfame kali, sucralose, neotame, và đường hóa học cyclamate. Hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh được rằng các chất làm ngọt nhân tạo có sẵn trên thị trường ở Mỹ có liên quan đến nguy cơ ung thư ở người.
  • Canxi: Canxi là một khoáng chất dinh dưỡng thiết yếu mà có thể thu được từ thực phẩm và các loại thực phẩm bổ sung. Kết quả nghiên cứu tổng thể hỗ trợ mối quan hệ giữa lượng canxi tiêu thụ cao với sự giảm thiểu nguy cơ bị ung thư kết trực tràng, nhưng kết quả nghiên cứu không phải lúc nào cũng nhất quán. Vấn đề có hay không tồn tại mối quan hệ giữa việc tiêu thụ nhiều canxi với khả năng giảm nguy cơ các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư buồng trứng, đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Bên cạnh đó thì có một số nghiên cứu còn cho rằng lượng canxi tiêu thụ cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
  • Thịt cháy: Những hóa chất nhất định, gọi là HCA và PAH, được hình thành khi thịt cơ, bao gồm thịt bò, thịt lợn, cá, và thịt gia cầm, được nấu bằng các phương pháp sử dụng nhiệt độ cao. Việc tiếp xúc với mức độ HCA và PAH cao có thể gây ra ung thư ở động vật; tuy nhiên, liệu việc tiếp xúc này có gây ung thư ở người hay không thì vẫn còn là một ẩn số. [chú thích của biên tập viên: về mối liên hệ của bệnh ung thư và thịt bạn có thể tham khảo bài viết sau: https://utemshop.com/wp-content/uploads/2018/12/thit-ung-thu.pdf]
  • Fluoride: Fluoride trong nước giúp ngăn ngừa và thậm chí còn đảo ngược được tình trạng sâu răng. Rất nhiều nghiên cứu, ở cả người và động vật, chưa tìm được ra mối liên hệ giữa nước được fluorde hóa và nguy cơ ung thư.
  • Tỏi: Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ tỏi có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các bằng chứng chứng minh lại không rõ ràng.
  • Trà: Trà chứa các hợp chất polyphenol, cụ thể là catechin, mà bản thân là một chất chống ôxy hóa. Kết quả của các nghiên cứu dịch tễ học mà xem xét mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trà với nguy cơ ung thư là không thuyết phục. Một vài thử nghiệm lâm sàng về việc tiêu thụ trà và khả năng phòng ngừa ung thư đã được tiến hành, và kết quả của chúng cũng không đáng tin cậy.
  • Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể sử dụng canxi và phốtpho để tăng cường độ chắc khỏe của xương và răng. Nó được thu nạp chủ yếu thông qua sự tiếp xúc của da với ánh nắng mặt trời, nhưng nó cũng có thể được bổ sung từ một số loại thực phẩm và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Những nghiên cứu dịch tễ học ở người đã chỉ ra rằng lượng vitamin D tiêu thụ cao hơn, hoặc lượng vitamin D trong máu cao hơn có thể liên quan đến sự giảm thiểu nguy cơ bị ung thư kết trực tràng, nhưng kết quả của các nghiên cứu ngẫu nhiên lại không thuyết phục.

Các chú thích của biên tập viên là nội dung bổ sung, không có trong bản gốc.

(Theo Viện Ung thư Hoa Kỳ, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)

Leave a Comment