Trong cấy ghép tế bào gốc, người bệnh sẽ được tiêm các tế bào gốc hình thành máu khỏe mạnh vào tĩnh mạch. Một khi chúng xâm nhập vào máu, các tế bào gốc di chuyển đến tủy xương, nơi chúng chiếm chỗ của những tế bào bị tiêu diệt bởi quá trình điều trị. Các tế bào gốc tạo máu được dùng trong quá trình cấy ghép có thể đến từ tủy xương, dòng máu, hoặc dây rốn. Cấy ghép có thể là:
- Tự ghép (autologous) tức là các tế bào gốc được lấy từ chính bệnh nhân
- Dị ghép (allogeneic) tức là tế bào gốc được lấy từ người khác. Người hiến tặng có thể là họ hàng của bệnh nhân nhưng cũng có thể là một người nào đó không thân thích
- Đồng ghép (syngeneic) tức là tế bào gốc được lấy từ anh/chị/em song sinh giống hệt bệnh nhân (nếu người bệnh có anh chị em như thế)
Để giảm thiểu các tác dụng phụ tiềm tàng và cải thiện cơ hội thành công của thủ thuật dị ghép, tế bào gốc tạo máu của người hiến tặng phải phù hợp với bệnh nhân theo những cách nhất định.
Cách phương pháp cấy ghép tế bào gốc hoạt động chống lại ung thư
Cấy ghép tế bào gốc thường không có tác dụng chống lại ung thư một cách trực tiếp. Thay vào đó, chúng giúp bệnh nhân phục hồi khả năng tạo ra tế bào gốc nhanh hơn sau khi điều trị liều lượng cao bằng phương pháp xạ trị, hóa trị, hoặc cả hai.
Tuy nhiên, với bệnh ung thư đa u tủy xương (multiple myeloma) và một số dạng bệnh bạch cầu, cấy ghép tế bào gốc có thể hoạt động chống lại ung thư một cách trực tiếp. Điều này xảy ra bởi một hiệu ứng gọi là ghép chống u (graft-versus-tumor effect) có thể xảy ra sau khi dị ghép. Hiệu ứng ghép chống lại khối u xảy ra khi tế bào bạch cầu từ người hiến tặng (ghép) của bệnh nhân tấn công bất cứ tế bào ung thư nào vẫn còn trong cơ thể (khối u) sau khi điều trị liều cao. Hiệu ứng này cải thiện mức độ thành công của phương pháp điều trị.
Áp dụng phương pháp cấy ghép tế bào gốc cho đối tượng nào?
Cấy ghép tế bào gốc thường được sử dụng để giúp bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu và ung thư hạch hay ung thư bạch huyết (lymphoma). Chúng còn có thể được dùng để điều trị bệnh u nguyên bào thần kinh (neuroblastoma) và đa u tủy xương.
Cấy ghép tế bào gốc đối với các loại ung thư khác đang được nghiên cứu trong các thử nghiệm lâm sàng, đó là những nghiên cứu liên quan đến con người.
Cấy ghép tế bào gốc có thể gây ra tác dụng phụ
Liều điều trị ung thư cao mà người bệnh nhận được trước khi cấy ghép tế bào gốc có thể gây ra những vấn đề như là chảy máu và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hãy nói chuyện với bác sĩ và y tá của người bệnh về những tác dụng phụ mà họ có thể gặp phải cũng như mức độ nghiêm trọng của chúng.
Nếu bệnh nhân tiến hành dị ghép, người bệnh có thể phát triển một vấn đề nghiêm trọng gọi là bệnh ghép chống chủ hay ghép phản ứng lại vật chủ (graft-versus-host). Bệnh ghép chống lại vật chủ có thể xảy ra khi tế bào bạch cầu của người hiến tặng (ghép) cho người bệnh không nhận ra những tế bào trong cơ thể người bệnh (vật chủ) và tấn công chúng. Vấn đề này có thể gây tổn hại cho da, gan, ruột, và nhiều cơ quan khác. Nó có thể xảy ra một vài tuần sau khi cấy ghép hoặc lâu hơn thế. Bệnh ghép phản ứng lại vật chủ có thể được điều trị bằng steroid hoặc các loại thuốc khác làm ức chế hệ miễn dịch của người bệnh.
Tế bào gốc hình thành máu của người hiến tặng càng khớp với tế bào của người được nhận (người bệnh) thì bệnh ghép chống lại vật chủ càng ít có khả năng xảy ra. Bác sĩ có thể thử ngăn ngừa nó bằng cách kê cho người bệnh những loại thuốc giúp kìm nén hệ miễn dịch.
Chi phí cho phương pháp cấy ghép tế bào gốc
Quy trình cấy ghép tế bào gốc cực kỳ phức tạp và hết sức tốn kém. Đa phần các chương trình bảo hiểm sẽ chỉ chi trả một số chi phí cấy ghép cho các loại ung thư nhất định. Hãy nói chuyện với chương trình sức khỏe của người bệnh về những dịch vụ mà họ sẽ lo liệu. Ngoài ra thì người bệnh cũng nên nói chuyện với phòng kinh doanh tại nơi điều trị để hiểu rõ hơn về mọi chi phí liên quan.
Những điều cần lưu ý khi cấy ghép tế bào gốc
Người bệnh có thể tìm đến những cơ sở nào để thực hiện phương pháp điều trị này?
Khi bệnh nhân cần cấy ghép tế bào gốc theo kiểu dị ghép, người bệnh sẽ cần đến bệnh viện hoặc trung tâm cấy ghép chuyên biệt. Chương trình Hiến tặng Tủy Quốc gia giữ một danh sách các trung tâm cấy ghép ở Mỹ mà có thể giúp bệnh nhân tìm được trung tâm phù hợp.
Nếu không sống gần một trung tâm cấy ghép, bệnh nhân có thể sẽ phải đi lại từ nhà để đến nơi điều trị. Người bệnh có thể sẽ phải ở lại bệnh viện trong giai đoạn cấy ghép, hoặc cũng có thể tiếp nhận cấy ghép như bệnh nhân ngoại trú, hoặc chỉ cần ở lại bệnh viện bán thời gian. Khi không nhập viện, bệnh nhân sẽ phải ở trong khách sạn hoặc một căn hộ gần nơi điều trị. Nhiều trung tâm cấy ghép có thể hỗ trợ người bệnh tìm chỗ ở gần đó.
Quá trình cấy ghép tế bào gốc kéo dài bao lâu?
Quá trình cấy ghép tế bào gốc có thể mất vài tháng để hoàn thành. Quá trình bắt đầu với việc hóa trị liệu, xạ trị liều cao, hoặc kết hợp cả hai. Đợt điều trị này diễn ra trong vòng 1-2 tuần. Khi kết thúc đợt điều trị này, người bệnh sẽ được nghỉ ngơi vài ngày.
Tiếp theo, bệnh nhân sẽ được nhận tế bào gốc hình thành máu. Tế bào gốc sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân bằng một ống thông tĩnh mạch. Quá trình này cũng giống như khi truyền máu. Phương pháp điều trị này kéo dài 1-2 tuần. Sau đó, người bệnh sẽ có vài ngày để nghỉ ngơi.
Sau khi nhận tế bào gốc, người bệnh bắt đầu giai đoạn hồi phục. Trong giai đoạn này, bệnh nhân chờ tế bào máu vừa được nhận tạo ra các tế bào máu mới.
Ngay cả sau khi lượng huyết cầu (blood count) đã bình thường trở lại, thì hệ miễn dịch của người bệnh vẫn cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn – nhiều tháng sau khi tự ghép và từ 1-2 năm với dị ghép và đồng ghép.
Cấy ghép tế bào gốc có thể ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?
Cấy ghép tế bào gốc ảnh hưởng đến mọi người theo những cách khác nhau. Việc người bệnh cảm thấy thế nào sẽ phụ thuộc vào:
- Kiểu cấy ghép tế bào gốc được áp dụng
- Liều điều trị tiếp nhận trước khi cấy ghép
- Cách bệnh nhân phản ứng với các phương pháp điều trị liều cao
- Loại ung thư mắc phải
- Bệnh ung thư đang ở giai đoạn nào
- Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi cấy ghép
Vì mỗi một người lại phản ứng với phương pháp cấy ghép tế bào gốc theo những cách không giống nhau, nên bác sĩ và y tá không thể biết chắc là quy trình này sẽ khiến người bệnh cảm thấy thế nào.
Làm sao để biết phương pháp cấy ghép tế bào gốc có hiệu quả hay không?
Các bác sĩ sẽ theo dõi sự tiến triển của các tế bào máu mới bằng cách thường xuyên kiểm tra lượng huyết cầu của bệnh nhân. Khi các tế bào gốc mới được cấy ghép tạo ra tế bào máu, lượng huyết cầu của bệnh nhân sẽ tăng.
Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt
Các phương pháp điều trị liều cao mà người bệnh tiếp nhận trước khi cấy ghép tế bào gốc có thể gây ra những tác dụng phụ gây khó khăn cho việc ăn uống, chẳng hạn như sưng lở miệng và buồn nôn. Hãy cho bác sĩ hoặc y tá biết nếu bệnh nhân gặp vấn đề với việc ăn uống trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó thì việc nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng cũng giúp ích rất nhiều.
Làm việc sau khi cấy ghép tế bào gốc
Việc người bệnh có thể làm việc trong quá trình cấy ghép tế bào gốc hay không còn phụ thuộc vào loại công việc của họ. Quá trình cấy ghép tế bào gốc, với các phương pháp điều trị liều cao, cấy ghép, và phục hồi, có thể mất đến vài tuần hoặc vài tháng. Bệnh nhân sẽ phải ra vào bệnh viện luôn trong thời gian này. Ngay cả khi người bệnh không nhập viện, thì có đôi khi bệnh nhân vẫn phải ở một nơi nào đó gần bệnh viện, chứ không thể ở tại nhà mình được. Vì vậy, nếu công việc cho phép, người bệnh có thể sắp xếp làm việc bán thời gian từ xa.
Nhiều nhà tuyển dụng được pháp luật yêu cầu thay đổi lịch làm việc để đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong khi đang được điều trị ung thư. Hãy nói chuyện với cấp trên của người bệnh về những cách điều chỉnh công việc trong quá trình điều trị. Người thân cũng có thể nói chuyện với một nhân viên xã hội để nắm chắc những điều luật này.
(Dịch từ bài viết: Stem Cell Transplants in Cancer Treatment, Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ, người dịch: Tống Hải Anh, nhóm Hạ Mến, hướng dẫn ăn đúng)