Những nhân viên của phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh là ai?

Phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) là một nơi lúc nào cũng rất bận rộn. Các bé cần được kiểm tra và theo dõi thường xuyên bởi các nhân viên của phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.

Chức vụ của những nhân viên của phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh

nhân viên của phòng chăm sóc đặc biệt

Dưới đây là danh sách những chức vụ và công việc của họ trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh. Một số hoặc tất cả những nhân viên ở đây có thể thuộc đội ngũ NICU tại bệnh viện các mẹ sinh nở:

  • Nhân viên y tá giao nhận bệnh nhân: Họ là những người giúp cho phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh làm việc một cách suôn sẻ. Họ quản lý nhân sự của NICU và sắp xếp việc nhập viện – xuất viện của các bé
  • Chuyên viên y tế lâm sàng (còn được gọi là CNS): Họ là những người được đào tạo chuyên biệt về việc chăm sóc trẻ nhỏ và gia đình của các bé. Nhân viên CNS sẽ cung cấp những dịch vụ hỗ trợ và hướng dẫn các cặp vợ chồng về những gì nên làm cho bé. Họ thường là những người sẽ tham gia vào việc đào tạo nhân viên điều dưỡng
  • Chuyên viên điều dưỡng sơ sinh (hay còn gọi là NNP): Những y tá này được đào tạo về kiến thức y tế và điều dưỡng đặc biệt trong việc chăm sóc cho những trẻ bị ốm và trẻ sinh non. Kiểu chuyên viên này thường làm việc cùng đội ngũ y bác sĩ nhi khoa và có thể kiêm việc thực hiện các thủ thuật y khoa, kê đơn và chăm sóc các bé
  • Bác sĩ nhi khoa: là người được đào tạo chuyên sâu về y học trong việc điều trị cho những trẻ nhỏ bị ốm yếu. Ở phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh có thể có nhiều hơn một bác sĩ nhi khoa
  • Nghiên cứu sinh nhi khoa: Họ cũng là bác sĩ nhi khoa được đào tạo về y tế đầy đủ để khám chữa cho trẻ sơ sinh
  • Phụ tá bác sĩ (còn được gọi là PA): Những nhân viên phụ tá cũng được đào tạo chuyên về y học để có thể khám cho trẻ sơ sinh và bị bệnh. Họ sẽ làm việc cùng bác sĩ nhi khoa, có thể thực hiện các thủ thuật y khoa và trực tiếp điều trị cho các bé
  • Chuyên gia trị liệu (còn gọi là OT): Họ là bác sĩ chuyên hỗ trợ các mẹ cách cho trẻ bú mẹ và nuốt sữa tốt
  • Nhân viên hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân (còn được gọi là PCA): là thành viên của đội ngũ NICU sẽ hỗ trợ các y tá thực hiện những việc như thay ga giường, cho trẻ ăn và chuẩn bị chai lọ đựng đồ
  • Bác sĩ nhi khoa nội trú: là bác sĩ được đào tạo về y tế liên quan đến sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
  • Dược sĩ: là người được đào tạo chuyên sâu về công dụng và tác dụng phụ có thể xảy ra của từng loại thuốc. Họ cũng là người cấp thuốc cho bệnh nhân
  • Chuyên gia vật lý trị liệu (còn gọi là PT): họ là những người chăm sóc sức khỏe giúp nhận biết cách hoạt động nào của trẻ là tốt. Họ sẽ để ý bất cứ vấn đề gì thông qua hoạt động của trẻ như cách ngồi, lật mình hoặc đi lại
  • Chuyên gia dinh dưỡng an toàn (còn được gọi là RD): Họ là những bác sĩ được đào tạo chuyên sâu như những chuyên gia về dinh dưỡng. Họ thường làm việc với bác sĩ và y tá để đảm bảo chắc chắn trẻ nhận được tất cả những dinh dưỡng cần thiết
  • Y tá: là nhân viên chăm sóc sức khỏe có bằng y tá. Ở NICU, mỗi y tá đều được đào tạo chuyên sâu về về chăm sóc trẻ nhỏ bị ốm
  • Chuyên gia trị liệu phổi (còn được gọi là RT): là những người được đào tạo để chăm sóc những trẻ gặp vấn đề về hô hấp. Họ cũng được huấn luyện sử dụng những thiết bị y tế cần thiết để hỗ trợ việc thở của các bé
  • Nhân viên cộng đồng: là những nhân viên được huấn luyện để hỗ trợ các gia đình đối mặt với việc phải ở lại NICU với các bé. Nhân viên cộng đồng có thể giúp các gia đình nhận thông tin từ bác sĩ của bé, cung cấp thông tin về bệnh lý của bé, hỗ trợ tinh thần, định hướng bảo hiểm và lên kế hoạch cho các mẹ khi nào bé ra viện về nhà được
  • Nhân viên trị liệu ngôn ngữ: là những người được đào tạo để giúp người khác cải thiện những vấn đề về ngôn ngữ. Ở NICU, họ thường hỗ trợ trẻ sơ sinh trong vấn đề ăn uống
  • Kỹ thuật viên: là nhân viên bệnh viện làm những việc như lấy máu hoặc chụp X-quang

Tất cả những nhân viên của phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh ở trên đều là bộ phận của đội ngũ y bác sĩ làm việc để giúp sức khỏe của bé tốt hơn và hỗ trợ các mẹ trong thời gian trẻ phải ở lại NICU. Các mẹ cũng chính là một thành viên quan trọng trong đội ngũ chăm sóc bé. Các mẹ hoàn toàn có thể yêu cầu hay nhận sự giúp đỡ từ phía những nhân viên trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.

(Dịch từ bài viết “Staff in the NICU” – website Marchofdimes – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment