Bệnh võng mạc do sinh non (còn gọi là ROP) là một bệnh về mắt có ảnh hưởng đến những trẻ sinh non. Trẻ sinh non là những trẻ chào đời trước 37 tuần thai. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non xảy ra khi võng mạc không phát triển hoàn thiện trong vài tuần sau sinh. Võng mạc là mô thần kinh nằm phía sau con ngươi mắt. Tình trạng võng mạc do sinh non thường gây ảnh hưởng đến cả hai mắt.
Ở Mỹ có khoảng 14.000 đến 16.000 trẻ nhỏ bị mắc bệnh võng mạc do sinh non. Phần lớn các bé bị bệnh võng mạc nhẹ và không cần phải chữa trị. Nhưng đối với những trường hợp nghiêm trọng, nó sẽ gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của con người hoặc gây mù. Mỗi năm có khoảng 400 đến 600 trẻ chính thức bị mù do bệnh võng mạc do sinh non.

Nếu con của các mẹ sinh non và bị mắc bệnh võng mạc, việc điều trị ngay từ sớm là rất quan trọng. Bệnh này có thể phát triển nhanh chóng và có thể khiến trẻ bị mù nếu không được bác sĩ khám chữa cẩn thận sau khi ra viện. Vì vậy, các mẹ hãy chắc chắn mình có được kết quả khám tổng quát và cả kết quả kiểm tra mắt của trẻ nữa.
Nếu trẻ bị mắc bệnh võng mạc do sinh non, các mẹ có thể tìm đến với trang web cộng đồng shareyourstory.org ở Mỹ để kết nối với những gia đình khác cũng có con bị võng mạc do sinh non. Các mẹ có thể liên hệ với cộng đồng trên web để tìm kiếm sự hỗ trợ cũng như an tâm trong suốt quá trình điều trị cho con.
Nguyên nhân gây tình trạng võng mạc do sinh non là gì?
Trong suốt 12 tuần cuối của thai kỳ, mắt của trẻ phát triển rất nhanh. Khi bé chào đời, phần lớn các mạch máu ở võng mạc gần như đã hình thành. Võng mạc thường hoàn thiện sự phát triển trong một số tuần đầu sau khi sinh.
Nếu trẻ sinh quá sớm, mạch máu của bé có thể ngừng phát triển hoặc phát triển không như bình thường. Những mạch máu vô cùng mảnh này có thể bị đứt và dẫn đến tình trạng chảy máu trong mắt. Mô sẹo được hình thành và nếu sẹo co lại, nó có thể kéo võng mạc khiến võng mạc không còn bám chặt vào đằng sau mắt được. Tình trạng này gọi là bong võng mạc. Bong võng mạc chính là nguyên nhân chính gây nên những vấn đề về tầm nhìn và tình trạng mù lòa đối với những trẻ bị ROP.
Sẽ có một vài yếu tố khiến trẻ bị mắc ROP cao hơn những trẻ khác. Nó được gọi là những nhân tố rủi ro. Dù gặp phải những nhân tố rủi ro, không có nghĩa là các bé sẽ mắc bệnh võng mạc do sinh non nhưng sẽ làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh.
Mọi người đều biết rằng những trẻ thấp còi và ốm yếu thường có khả năng mắc bệnh võng mạc do sinh non cao hơn trẻ bụ bẫm, khỏe mạnh khác. Những nhân tố rủi ro của bệnh võng mạc ở trẻ thường là:
- Sinh non: Đây là tình trạng trẻ chào đời quá sớm, trước khi thai kỳ được 37 tuần
- Ngưng thở: là tình trạng trẻ ngưng thở trong khoảng 15-20 giây hoặc hơn
- Thiếu máu: Đó là tình trạng cơ thể không đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy đến các bộ phận của cơ thể
- Bệnh tim
- Nhiễm trùng
- Khó thở hoặc suy hô hấp
- Nhịp tim chậm (hay còn gọi là chậm nhịp xoang)
- Gặp vấn đề về máu, gồm cả việc truyền máu. Điều này có nghĩa là bé gặp vấn đề với việc tiếp nhận máu mới vào cơ thể
Làm sao để biết được bé có mắc phải bệnh võng mạc do sinh non?
Các mẹ nên kiểm tra mắt cho bé để xem bé có bị bệnh võng mạc do sinh non hay không nếu như:
- Bé sinh sớm trước 30 tuần
- Cân nặng ít hơn 1,36kg lúc sinh
- Trẻ sinh sau 30 tuần mang thai, cân nặng hơn 1,36kg lúc mới sinh nhưng xuất hiện những nhân tố rủi ro của bệnh ROP
Để khám mắt, các bé cần phải gặp bác sĩ nhãn khoa. Họ là những bác sĩ có thể phát hiện và điều trị các vấn đề về mắt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bé nên kiểm tra mắt lần đầu sau khi sinh được khoảng 4-9 tuần tuổi, phụ thuộc vào thời điểm bé chào đời. Đến thời điểm đó, bé có thể phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) hoặc được trở về nhà.
Những bé sinh ra khi được 27 tuần thai hoặc muộn hơn thường phải khám mắt khi được 4 tuần tuổi. Những bé sinh trước 27 tuần thai thường khám mắt muộn hơn. Bởi vì những trẻ sinh non sớm hơn thường mất nhiều thời gian để bệnh ROP phát triển đến mức nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao quan trọng nhất là các mẹ nên đưa bé khi khám tổng thể cả 2 mắt, thậm chí ngay cả khi đã đưa bé về nhà từ phòng chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh của bệnh viện.
Nếu trong lần khám mắt đầu tiên cho bé phát hiện các mạch máu của cả 2 võng mạc đã phát triển hoàn thiện thì bé không cần khám lần sau nữa. Nếu khám mắt cho bé mà nhận thấy dấu hiệu bé bị bệnh võng mạc do sinh non và bác sĩ cho rằng bé cần phải điều trị thì các mẹ nên quyết định điều trị cho bé trong vòng 72 tiếng đồng hồ. Việc điều trị sớm sẽ giúp bé có cơ hội lấy lại tầm nhìn tốt sau này.
Bệnh võng mạc do sinh non được điều trị như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bé nghiêm trọng như thế nào. Tình trạng bệnh dù ở những giai đoạn đầu cũng đã tồi tệ với bé và sẽ nhanh chóng phát triển thành giai đoạn sau chỉ trong vòng vài tuần. Vì vậy, điều quan trọng là nên đưa bé đi khám tổng quát và kiểm tra mắt để bác sĩ đưa ra được phương pháp điều trị cần thiết cho bé.
- Giai đoạn 1: Mạch máu phát triển bất thường ở mức độ nhẹ: Với tình trạng này, các bé thường không phải điều trị gì và vẫn lấy lại được tầm nhìn tốt về sau
- Giai đoạn 2: Mạch máu phát triển không bình thường ở mức độ trung bình vừa phải: Cũng như giai đoạn 1, ở giai đoạn này, tình trạng của các bé sẽ dần ổn định hơn mà không cần điều trị và sau này vẫn nhìn tốt
- Giai đoạn 3: Mạch máu phát triển bất thường ở mức độ nghiêm trọng: Một số bé bị bệnh ở giai đoạn, tình trạng bệnh sẽ dẫn tốt lên mà không cần điều trị nhưng nhiều bé khác sẽ có nguy cơ phát triển thành bệnh kèm. Điều đó có nghĩa là các mạch máu của võng mạc sẽ to và bị xoắn lại. Bệnh kèm là dấu hiệu cho thấy bệnh võng mạc do sinh non đang dần trở nên tồi tệ hơn nhưng việc điều trị vẫn có thể giúp ngăn chặn tình trạng bong võng mạc
- Giai đoạn 4: Mạch máu phát triển bất tường và một phần võng mạc bị bong: Khi bé mắc bệnh đến giai đoạn này thì cần được điều trị vì một phần của võng mạc đã bị kéo và bong ra khỏi nhãn cầu
- Giai đoạn 5: Võng mạc bị bong hoàn toàn: Tình trạng võng mạc bị bong khỏi cấu trúc nhãn cầu. Nếu không điều trị, các bé sẽ bị gặp vấn đề nghiêm trọng về tầm nhìn hoặc bị mù
Điều trị bệnh võng mạc do sinh non thường bao gồm:
- Phẫu thuật laze (còn được gọi là điều trị bằng laze hay laze quang đông võng mạc): Bác sĩ của bé sử dụng chùm ánh sáng laze để đốt và tạo mô sẹo các phía của võng mạc. Phương pháp này sẽ làm ngưng sự phát triển bất thường của mạch máu và hạn chế việc võng mạc bị bong
- Phương pháp lạnh đông (còn gọi là phương pháp đóng băng): Bác sĩ sẽ dùng một ống kim loại để đóng băng và tạo mô sẹo các phía của võng mạc. Việc này giúp hạn chế sự phát triển của các tế bào máu bất thường và sự bong võng mạc
- Ép củng mạc: Bác sĩ của các bé sẽ đặt một dải silicon quanh lòng trắng mắt của bé (còn gọi là củng mạc). Dải silicon này giúp đẩy mắt vào để võng mạc bám chặt vào thành mắt. Phương pháp ép này sẽ được tháo ra khi mắt phát triển ổn định. Nếu dải silicon không được bỏ ra, nó sẽ khiến bé bị cận thị. Điều đó có nghĩa là các bé sẽ gặp vấn đề với việc nhìn những thứ ở xa
- Lấy bỏ dịch thủy tinh: Bác sĩ sẽ lấy phần dịch trong ở khoang mắt của trẻ (gọi là dịch thủy tinh) và nhỏ nước muối vào trong đó. Sau đó, bác sĩ sẽ loại bỏ những mô sẹo để võng mạc không bị bong ra. Chỉ những trẻ ở giai đoạn 5 của bệnh võng mạc do sinh non mới phải thực hiện phẫu thuật này
Nhiều bé bị bệnh võng mạc do sinh non không cần điều trị gì cả. Thậm chí nếu điều trị lại khiến tầm nhìn của bé trở nên tồi tệ hơn. Và thậm chí nếu phương pháp điều trị có hiệu quả, những bé bị bệnh võng mạc do sinh non vẫn có khả năng mắc phải những vấn đề về mắt cao hơn những bé khác trong cuộc sống sau này, như là:
- Cận thị
- Lé mắt (hay còn gọi là mắt lác)
- Mắt lười (hay còn gọi là suy giảm thị lực)
- Tăng nhãn áp: Đây là nhóm bệnh gây tổn thương đến hệ thần kinh thị giác của mắt. Các dây thần kinh thị giác có tác dụng liên kết võng mạc với não. Bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến tình trạng mất thị lục và mù lòa
Đó là lý do tại sao các mẹ cần phải để bé được khám sức khỏe tổng thể và kiểm tra mắt. Mặc dù nhiều bé có thể tự khỏi khi mắc bệnh võng mạc do sinh non nhưng một số bé vẫn cần phải điều trị để có kết quả tốt hơn.
Nếu bé được kiểm tra tình trạng võng mạc khi sinh non và được điều trị từ sớm thì nó sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc phải những vấn đề về tầm nhìn trong cuộc sống sau này. Thậm chí với các bé không cần phải điều trị bệnh võng mạc do sinh non thì sau này vẫn có nguy cơ mắc phải những vấn đề về mắt cao hơn những bé khác.
Do đó, các mẹ hãy hỏi bác sĩ về việc kiểm tra mắt khi khám tổng thể cho bé để chắc chắn rằng bệnh lý võng mạc hay bất cứ vấn đề nào liên quan đến mắt với trẻ sinh non đều được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.
(Dịch từ bài viết “Retinopathy of prematurity” – website Marchofdimes – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)