Út Em chào các mẹ. Trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh có sức đề kháng kém hơn rất nhiều so với người lớn nên chỉ cần có chút thay đổi trong môi trường sống cũng có thể bị ốm. Ho là một triệu chứng phổ biến nhất.
Các mẹ cần lưu ý rằng ho là triệu chứng của bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phổi, viêm xoang… chứ không phải bệnh.
Nguyên nhân gây ho ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Dạng ho | Các nguyên nhân có thể gây nên |
Ho khan | Thường là dấu hiệu của dị ứng hoặc cảm lạnh ở trẻ. Dạng ho này giúp bé loại bỏ cảm giác ngứa ở cổ họng. |
Ho có đờm | Thường là dấu hiệu của bệnh về đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn. Loại ho này có kèm theo chất nhầy hoặc đờm trong đường hô hấp. Bạch cầu – tế bào chống vi khuẩn cũng có thể được tìm thấy trong chất nhầy hoặc đờm. |
Ho gà | Ho gà xuất hiện là do vi khuẩn có tên là Bordetella Pertussis. Khi bị ho gà, trẻ sẽ có những tiếng thở rít nhỏ như tiếng gà gáy giữa những lần ho. Bệnh này có thể lây và thường đi kèm với những triệu chứng như hắt hơi, sốt nhẹ và sổ mũi. |
Ho thở khò khè | Ho kèm tiếng khò khè có thể là dấu hiệu đường thở bên dưới cùng của phổi bị sưng lên. Tiếng khò khè được tạo ra khi bé thở trong khi ho. Hen suyễn hoặc viêm phế quản là lý do chính cho dạng ho này. |
Ho về đêm | Ho đêm thường là triệu chứng của bệnh hen suyễn khi các đường dẫn khí bị sưng vào ban đêm. Hơn nữa, không khí lạnh cũng dễ gây ho về đêm vì chất nhầy từ mũi có thể chảy xuống cổ họng trong thời tiết lạnh và gây ho. |
Ho ban ngày | Nguyên nhân có thể là vì các chất kích thích có trong không khí gây ra như khói thuốc lá, chất làm mát không khí hoặc lông vật nuôi… |
Ho kèm sốt | Bị ho do cảm lạnh thường kèm theo sốt nhẹ. Tuy nhiên nếu bị sốt trên 38,8ºC thì đó rõ ràng là dấu hiệu của viêm phổi và cần đưa đến bệnh viện ngay. |
Ho kèm nôn mửa | Nôn mửa đôi khi cũng đi kèm với ho, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong nhiều trường hợp, chất nhầy trong dạ dày gây buồn nôn. Hơn nữa, ho dữ dội quá cũng có thể gây nôn. Việc nôn một chút cũng không vấn đề gì nhưng nếu không có dấu hiệu ngừng thì các mẹ cần xem xét. |
Ho dai dẳng | Ho có thể kéo dài vài tuần nếu là triệu chứng của nhiễm trùng xoang, dị ứng hoặc hen suyễn. Ho do cảm lạnh cũng có thể kéo dài nếu vi-rút không bị loại bỏ hết. Trường hợp trẻ ho kéo dài hơn 3 tuần thì cần phải đưa đến gặp bác sĩ. |
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị ho
- Duy trì quá trình hydrat hóa cho bé tốt bằng cách cho uống nước ép trái cây nhưng tránh nước ép cam vì nó có thể gây kích ứng họng. Tăng lượng sữa cho bú cũng giúp họng bé dễ chịu hơn, đồng thời cũng cung cấp dinh dưỡng mà bé cần để chống lại sự nhiễm trùng
- Để máy tạo độ ẩm trong phòng bé cũng giúp bé ngủ ngon hơn. Để bé vui chơi ngoài trời cũng hữu ích nhưng chỉ nên trong khoảng thời gian ngắn thôi
- Để bé nghỉ ngơi nhiều hơn
- Xông hơi có thể là một biện pháp hữu hiệu để trị ho nhưng đừng để bé bị nóng quá
- Với bệnh hen suyễn, trẻ nên được đi khám để uống thuốc đặc trị và có chế độ chăm sóc riêng
- Cho trẻ uống thuốc ho một cách cẩn thận. Cần đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự mua thuốc cho uống theo mách bảo vì có những loại thuốc chỉ phù hợp với trẻ lớn tuổi hơn, với trẻ nhỏ tuổi hoặc sơ sinh lại gây tác dụng phụ.
Mẹo trị ho bằng các phương pháp dân gian
Trong dân gian có rất nhiều bài thuốc hay, tương truyền để chữa nhiều loại bệnh. Đặc điểm của các bài thuốc này thường rất lành, ít có tác dụng phụ, không hại dạ dày như thuốc tây nhưng phản ứng không nhanh bằng thuốc tây nên các mẹ cần kiên trì điều trị cho con.
Các bài thuốc thường sử dụng đường phèn hoặc mật ong để làm ngọt, giúp trẻ nhỏ dễ uống nhưng các mẹ nên lưu ý không được sử dụng mật ong với trẻ sơ sinh (dưới 18 tháng tuổi). Bên cạnh đó, khi áp dụng những bài thuốc này cho trẻ nhỏ, cần thử một ít trước để xem trẻ có bị dị ứng với thành phần nào không nhé.
Để cẩn thận, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống các bài thuốc dân gian.
Sữa mẹ
Đối với những bé còn trong độ tuổi bú sữa mẹ thì các mẹ có thể dùng sữa để chữa ho cho con vì nó có thể làm dịu cổ họng của bé. Tăng cường cho bé bú mẹ để tăng lượng chất lỏng vào cơ thể và đẩy các vi khuẩn nằm trong phổi của bé ra ngoài.
Lá hẹ hấp đường phèn
Rất nhiều loại thuốc chữa ho cho trẻ đều sử dụng nguyên liệu đường phèn vì nó giúp thuốc có vị ngọt, dễ cho trẻ uống. Đường phèn kết hợp với lá hẹ là một cách chữa ho tuyệt vời cho cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ít người chữa ho cho con mà không nhắc đến lá hẹ vì trong lá hẹ không có độc tính, dễ trồng và dễ làm. Các mẹ chỉ cần chọn khoảng 5-10 lá hẹ (rửa sạch) với lượng đường phèn vừa đủ, cho tất cả vào bát rồi hấp cách thủy, sau đó chắt lấy nước cho bé uống. [6]
Mỗi lần uống khoảng 5ml (~ một thìa cà phê) hoặc nhiều hơn một chút tùy độ tuổi của bé, uống 2 lần/ngày.
Rau diếp cá và nước vo gạo
Rửa sạch rau diếp cá, ngâm trong nước muối khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Xay hoặc cho vào cối giã nhỏ. Lấy một bát nước vo gạo đặc (có thể cho nước lần 1 vào tráng qua gạo và loại bỏ trấu, vo lại gạo và lấy nước lần 2) đổ vào nồi, cho phần rau diếp cá vào đun sôi. Khi nước sôi, vặn lửa nhỏ để đun thêm khoảng 20 phút mới tắt bếp, để nguội, dùng khăn lọc lấy nước ra cốc. [5]
Nước có màu xanh đục, hơi sánh như nước cơm, hơi chua vị diếp cá nhưng vẫn dễ uống. Chỉ cho bé uống trong vòng một ngày, chia 3 – 4 lần/ngày. Các triệu chứng ho sẽ giảm rõ rệt sau hai ngày.
Quất xanh với đường phèn
Quất xanh hấp đường phèn có công dụng chữa ho hiệu quả do nhiễm lạnh. Các mẹ có thể lấy 2 – 3 quả quất xanh, rửa sạch, cắt ngang, giữ nguyên hạt, trộn với đường phèn hoặc mật ong. Cho vào hấp cách thủy. Khi chín mang ra dằm cả vỏ quất, bỏ hạt và để nguội cho bé uống trong ngày. [4]
Các mẹ đừng lo lắng hạt quất đắng mà bỏ đi, nên hấp nguyên cả hạt để đạt hiệu quả cao nhất vì hạt quất có tác dụng làm ấm thanh quản, tiêu đờm.
Trà cam thảo
Trà cam thảo có vị ngọt, thanh mát nên có thể thuận tiện dùng. Loại trà này có chứa thành phần kháng khuẩn, làm dịu mát cổ họng cũng như đường hô hấp. Các mẹ có thể pha trà cam thảo cho bé uống 3 lần/ngày, mỗi lần tùy thuộc vào độ tuổi của bé [1].
Củ nghệ tươi
Mẹ có thể mua nghệ tươi (hoặc theo dân gian gọi là nghệ cái), đem giã nhỏ, thêm nước lọc và đường phèn vào chưng cách thủy rồi để nguội cho uống, 3 lần/ngày, mỗi lần uống nửa thìa cà phê tùy thuộc vào độ tuổi của bé. [3]
Tỏi và mật ong
(Công thức này Không dùng cho trẻ sơ sinh – vì trẻ dưới 18 tháng tuổi không dùng được mật ong): Giã nát hai tép tỏi trộn với hai thìa cà phê mật ong rồi hấp cách thủy. Để ý không hấp chín tỏi, nếm thấy mùi hắc của tỏi là được. Để nguội rồi cho bé uống nửa thìa cà phê, ngày từ 1-2 lần. Trước khi uống nên cho bé uống nước lọc để giảm độ nóng của mật ong. [2]
(Phạm Thị Thủy tổng hợp – Út Em Shop Hà Nội)
Nguồn: [1], [2], [3], [4], [5], [6] – Trẻ bị ho: Mẹo dân gian giúp trị ho dứt điểm, báo Sức Khoẻ & Đời Sống
Uống mỗi ngày bao nhiêu lần 1 lần bao nhiu muỗng cà phê
Cho em hỏi bé em đuoc 2tháng tuoi có dùng duoc tắc chưng đường phèn không ạ. Con em cứ khò khè giống nhu co đờm vậy. Đi khám thì phổi bé bình thường ạ
be dc 4 thang ruoi bi ho so mui 3ngay roi ma so k cho uong thuoc.co the cho uong toi toi chung muoi .duong phen dc k