Hãy thoải mái
Nếu lần đầu làm mẹ, việc cho con bú có thể hơi phức tạp nhưng hãy cứ yên tâm là mẹ sẽ nhanh chóng bắt nhịp và có kinh nghiệm sớm thôi.
Mẹ chỉ cần một vài sự chuẩn bị để cảm thấy thoải mái hơn.
Trước khi bắt đầu cho bé bú, mẹ nhớ để ý xung quanh mình. Nhiều mẹ lựa chọn ngồi trên ghế chuyên dụng (glider) hoặc trong một chiếc ghế êm ái có tay tựa.
Những chiếc ghế đẩu để chân và gối có thể hỗ trợ thêm cho mẹ (Mẹ có thể tìm các loại gối hình vòng donut (cắn dở) hoặc gối tựa có tay ở mỗi bên rất thuận tiện khi cho bé bú trên giường.
Điều quan trọng là mẹ tìm được một tư thế cho con bú thích hợp, thoải mái cho cả mẹ và con.
Sau đây là một số tư thế cho con bú các mẹ có thể tham khảo:
Tư thế cho con bú theo hình nôi
Đây là cách bế con đầu tiên nhiều mẹ thường áp dụng, không lâu sau khi bé chào đời.
Trước tiên, mẹ đặt đầu bé vào chỗ cong của cánh tay sao cho mũi bé đối diện với đầu ti của mẹ.
Cùng tay đó, mẹ đỡ lấy mông bé và chuyển bé dịch vào để bụng mẹ và bụng bé áp vào nhau.
Tiếp đến, mẹ nâng bé lên, áp vào ngực mẹ, còn tay kia mẹ có thể đỡ ngực để bé ti dễ dàng hơn.
Tư thế cho con bú theo hình nôi ngang
Tư thế cho con bú theo cách này cũng tương tự như kiểu hình nôi nhưng cánh tay mẹ lần này đặt ở vị trí khác.
Thay vì đỡ đầu bé bằng chỗ cong của cánh tay, mẹ sử dụng tay đó để nâng ngực.
Tay kia mẹ nên vòng qua lưng bé, đỡ lấy đầu, cổ và vai bé bằng cách đặt tay ở vùng đầu của bé với ngón cái và ngón trỏ ở khu vực xương tai.
Giống như tư thế cho con bú theo hình nôi, bụng bé và bụng mẹ cũng áp vào nhau. Mẹ có thể sử dụng thêm gối đặt vào lòng để nâng bé lên ở vị trí phù hợp với ti mẹ.
Tư thế bế theo hình nôi ngang cho phép mẹ có nhiều sự kiểm soát hơn với việc bé bú mẹ như thế nào.
Nhiều mẹ cho biết họ có thể cho bé mút ti mẹ sâu hơn theo tư thế này.
Tư thế cho con bú đặt sang một bên
Tư thế này thích hợp với trường hợp mẹ sinh mổ bởi bé sẽ không tạo áp lực lên bụng mẹ. Đây cũng là ý tưởng tốt để mẹ được nghỉ ngơi trong khi bé bú. Tuy nhiên, mẹ nhớ phải đưa bé trở lại nôi hoặc cũi trước khi bé ngủ nhé!
Mẹ hãy bắt đầu bằng việc nằm xuống bên cạnh bé, để bé đối mặt với mẹ và mũi cân đối với đầu ti mẹ.
Hãy để cánh tay mẹ thấp xuống đỡ lấy lưng bé hoặc mẹ có thể cuộn một cái chăn đặt đằng sau bé giúp bé gần hơn với mẹ trong khi sử dụng tay đỡ lấy đầu bé, tay kia mẹ dùng để đỡ lấy ngực .
Tư thế cho con bú theo kiểu “ấp trứng” hoặc ôm bóng
Đây cũng là tư thế tốt đối với các mẹ sinh mổ và các mẹ có ngực lớn hoặc có con nhỏ. Với những mẹ sinh đôi muốn cho hai bé ăn cùng một lúc cũng có thể lựa chọn tư thế này.
Tư thế cho con bú theo kiểu ôm bóng cho phép bé bú sữa mẹ dễ dàng – rất tốt đối với những mẹ có phản xạ sữa xuống mạnh mẽ.
Để có thể ấp bé theo tư thế này, hãy đặt một chiếc gối ở cạnh mẹ. Mẹ ẵm bé trong vòng tay mẹ – mặt hướng lên trên. Sử dụng lòng bàn tay ở cùng tay đó, mẹ nâng cổ bé và nâng bé lên gần với một bên của mẹ.
Chân và bàn chân của bé nên được giữ dưới cánh tay mẹ, sau đó mẹ nâng bé lên và cho bé bú.
Cách bé ngậm ti
Sau khi bé đã được đặt ở tư thế chính xác, mẹ cần chắc rằng bé đã ngậm ti mẹ (với cả ngực mẹ trong miệng bé) một cách đúng đắn:
- Đảm bảo miệng bé mở rộng, lưỡi đẩy xuống khi bú mẹ
- Mẹ dùng tay đỡ ngực, ngón tay cái ở trên, các ngón khác bên dưới, ở vị trí đủ xa để bé có đủ vùng ti mẹ bao gồm đầu ti và phần núm vú (quầng da bao quanh ti mẹ)
- Mẹ nhẹ nhàng lướt ti mẹ từ ở giữa môi dưới của bé xuống cằm để bé nhanh mở miệng
- Khi bé đã mở rộng miệng và lưỡi đẩy xuống dưới, mẹ hãy nhanh chóng mang bé lại với ngực của mẹ (chứ không phải đưa ngực mẹ lại với bé). Khi bú, miệng bé nên được lấp đầy cả bầu vú của mẹ càng nhiều càng tốt, với quầng vú đặt ở môi trên hơn là môi dưới.
- Hãy chắc rằng mũi của bé hầu như chạm vào ngực mẹ (chứ không phải bị ấn vào đó), lưỡi của bé được đưa ra hoặc sang bên mép và mẹ có thể nghe thấy tiếng bé nuốt. (Mẹ có thể nhận biết được khi nhìn thấy sự chuyển động dọc theo hàm dưới của bé và thậm chí ở tai và thái dương của bé nữa).
Khi bé ngậm ti thích hợp rồi, mẹ có thể cảm thấy hơi đau trong vòng 30 tới 60 giây là do ti mẹ và bầu vú bị kéo vào miệng bé, nhưng cơn đau sẽ dần giảm đi. Cảm giác ấy giống như một cái kéo giật lúc bé bú.
Nếu mẹ vẫn cảm thấy đau, hãy ngừng lại trong giây lát và đổi tư thế cho con bú sao cho cân đối với ngực mẹ.
Bé nên có 4 – 5 lần nuốt sữa mẹ, với mỗi lần dừng từ 5 – 10 giây. Những lần bé nuốt sẽ gia tăng số lượng khi lượng sữa của mẹ tăng lên.
Khi sữa chảy chậm, cách bú của bé sẽ thay đổi chuyển sang từ 3 tới 4 lần nuốt và dừng lâu hơn đến 10 giây mỗi lần.
[adinserter block=”12″]
Bé bú xong
Hầu hết các bé sẽ tự động nhả ti mẹ. Nếu bé không làm vậy nhưng việc mút có vẻ chỉ giới hạn ở phía trước miệng, mẹ có thể nhẹ nhàng đặt ngón tay vào một cạnh của miệng bé (giữa các lợi) và chuyển động ¼ vòng để ngưng việc bé mút. Sau đó, hãy vỗ về chút chút và từ từ tách bé ra khỏi ngực mẹ.
Nếu bé có vẻ không hợp tác lắm, cứ mút đầu ti mẹ chứ không ngậm cả miệng vào bầu vú mẹ, mẹ có thể sẽ cảm thấy không thoải mái suốt các lần cho bú. Một số mẹ nói họ cảm thấy đau hoặc cảm giác giống như bị véo khi cho bé bú.
Những bé có xu hướng bú không theo cách thích hợp sẽ thường ngủ khi đang bú và có thể hờn khi không được bú đủ.
Nếu một trong các điều trên xảy ra, hãy dừng lại một chút và đổi lại tư thế cho con bú cân đối với đầu ti và núm vú của mẹ.
Mẹ nên gọi cho bác sỹ nhi hoặc người tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ trong các trường hợp:
- Mẹ cảm thấy đau khi cho con bú.
- Bé của mẹ cứ ngủ khi đang ti mẹ.
- Bé đang ti nhưng lại trông có vẻ không hài lòng khi ăn xong rồi.
Làm sao mẹ có thể biết bé đã ăn đủ rồi?
Tã của bé là dấu hiệu tuyệt vời cho mẹ biết bé đã ăn đủ hay chưa. Sữa non (colostrum) dành cho bé sơ sinh rất đặc nên bé chỉ có thể làm ướt tã giấy một hoặc hai lần cho đến khi sữa mẹ về, thường là 3 hoặc 4 ngày sau khi sinh.
Sau 4 ngày, mẹ hãy để ý những dấu hiệu này nhé:
- Bé thay trên 6 tã giấy mỗi ngày với nước tiểu trong và nhạt màu
- Bé í khoảng hai lần trở lên mỗi ngày với phân vàng, lợn cợn thường mỗi lần sau ăn trong vòng 4 tuần tuổi. Sau khoảng một tháng, bé thường đại tiện ít hơn và có nhiều bé thậm chí còn không đi lần nào trong ngày
Bé ăn đủ thường có những biểu hiện sau:
- Bé tỉnh táo và thoải mái
- Bé tăng cân ổn định
- Bé bú sữa mẹ từ 8 đến 12 lần mỗi ngày
(Đây là những hướng dẫn nên được sử dụng sớm, thường là suốt 1 tháng đầu đời bởi việc cho bé bú thường xuyên có tác dụng kích thích khả năng sản xuất sữa mẹ. Một khi nguồn cung sữa mẹ đã được tạo lập, việc cho bú nên theo nhu cầu, nghĩa là khi bé đói – khoảng 1-4 tiếng mỗi lần. Nhưng hãy nhớ, bé có thể ăn một mạch mỗi giờ, rồi sau đó ngủ ngon lành luôn từ 4 tới 5 tiếng, nếu mẹ may mắn).
Bé mút ti mẹ vì bé thích
Nếu bé có vẻ đã ăn đủ nhưng vẫn tiếp tục ngậm ti mẹ trong khoảng một giờ hoặc lâu hơn, bé con có thể bú mẹ chỉ vì thích chứ không phải vì bé muốn ăn.
Vậy mẹ nhận biết điều này như thế nào? Một khi mẹ đã cho bé ăn rất hiệu quả, thế mà cô, cậu ấy vẫn ngậm ti mẹ nhưng:
- Trông có vẻ rất hài lòng
- Ngừng mút và nuốt
- Chơi với ti mẹ
Nếu bé của mẹ thể hiện những dấu hiệu ngậm ti mà không phải vì đói (hoặc chỉ vì muốn thoải mái), mẹ có thể cho bé ngậm ngón tay hoặc cả bàn tay.
Mẹ cũng có thể xem xét cho bé một cái núm vú giả. Tuy nhiên, bởi vì việc sử dụng núm vú giả có thể ảnh hưởng tới khả năng mẹ tiếp tục cho bé bú, nên mẹ chỉ làm việc này khi kiểu mẫu bé bú đã được hình thành (thường sau 1 tháng tuổi).
Trải nghiệm ý nghĩa khi cho con bú
Việc cho bé bú có thể là một trong những thử thách lớn nhất với mẹ nhưng cũng lại là một kinh nghiệm vô cùng quý giá khi là một người mẹ.
Khi mẹ đã quen hơn với việc cho bú, mẹ có thể thử các tư thế cho con bú khác nhau hoặc điều chỉnh các tư thế cơ bản ở trên cho phù hợp.
Hãy thử nghiệm các tư thế cho đến khi mẹ tìm ra được một tư thế bé vừa bú ngon lành mà mẹ lại thoải mái.
Mẹ và bé sẽ sớm nhận thấy việc cho bú thật là thư thái và là chất keo tuyệt vời gắn kết tình mẫu tử.
(Dịch từ bài viết Nursing Position – Website Kidshealth – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)