Trẻ nhỏ bị côn trùng cắn, đốt: Mẹ phải làm sao

Thông thường các mẹ không cần quá lo lắng về vết cắn, đốt của côn trùng. Nhưng một vết đốt cũng có thể khiến trẻ nhỏ sợ hãi vì vậy các mẹ cần điều trị luôn để trẻ được thoải mái và yên tâm.

Vết đốt của ong, ong vàng hoặc ong bắp cày sẽ khiến trẻ ngay lập tức cảm thấy đau và ngứa ngáy. Vùng da xung quanh vết đốt bị đỏ và vết sưng sẽ xuất hiện. Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày.

Vết cắn từ muỗi, muỗi vằn hoặc bọ chét thường gây ra vết ngứa nhỏ, màu đỏ, nhanh chóng phát triển ngay sau khi bé bị côn trùng cắn. Chỗ vết cắn sau đó sẽ bị sưng lên với vết rộp có chất lỏng bên trong. Nó có thể biến mất sau vài giờ hoặc một ngày.

côn trùng cắn

Các mẹ nên làm gì để chữa vết cắn, đốt của côn trùng?

Với vết đốt của ong, các mẹ hãy cố gắng rút nọc độc ra khỏi da bé nếu nhìn thấy. Có thể cạo hoặc gảy nó ra bằng vật dụng gì đó có góc cạnh như thẻ tín dụng hoặc móng tay… Đừng ép nọc độc ra bằng ngón tay hoặc nhíp vì như vậy có khả năng sẽ làm nọc độc chui sâu vào cơ thể bé hơn. Rửa vùng da bị cắn, đốt với xà phòng và nước sạch.

Sau đó, các mẹ có thể xử lý vết đó như sau:

  • Giúp trẻ giảm đau và ngứa bằng cách áp túi đá hoặc miếng gạc lạnh như miếng vải flanen ẩm lạnh
  • Nếu bé thấy đau do vết cắn, đốt đó, các mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau paracetamol hoặc kháng viêm ibuprofen (loại dành cho trẻ sơ sinh). Các mẹ chỉ nên cho trẻ uống giảm đau paracetamol cho trẻ từ 2 tháng tuổi nếu trẻ được sinh sau 37 tuần và nặng ít nhất 4kg. Cho uống ibuprofen với trẻ đã được 3 tháng trở lên và nặng ít nhất 5kg. Hãy kiểm tra thông tin liều lượng sử dụng trong hộp thuốc hoặc hỏi dược sĩ, bác sĩ nếu mẹ nào không chắc chắn nên cho trẻ uống bao nhiêu. [Chú ý: tất cả các thông tin về sử dụng thuốc cần phải được sự cho phép của bác sĩ chuyên môn]
  • Cố gắng đừng để trẻ gãi vào vết cắn, đốt và cắt ngắn móng tay bé trong trường hợp trẻ cứ cố gãi. Việc gãi hay cào vào vết thương đó có thể gây hại cho da và là nguyên nhân của một số bệnh nhiễm trùng như chốc lở
  • Nếu trẻ bị côn trùng cắn, đốt mà cảm thấy rất đau và ngứa (trường hợp trẻ chưa nói được thì các mẹ nên để ý nhận biết thông qua việc trẻ khóc nhiều) thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Họ có thể kê đơn cho loại kem bôi crotamiton hoặc corticosteroid để làm dịu vết đau. Các mẹ có thể yêu cầu thêm kem kháng histamin. Tuy nhiên nếu da của bé bị nứt thì các mẹ không nên bôi bất kì loại kem hay thuốc mỡ nào

Các mẹ cần phải luôn để mắt đến vùng da xung quanh vết cắn vì nó có thể phát triển thành phát ban sau vài giờ. Sự phát ban này sẽ nặng lên, các vết sưng có thể bị ngứa và xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể của bé.

Làm sao để loại bỏ con bét ra khỏi cơ thể bé?

Con bét là loại côn trùng nhỏ, tròn, không có cánh. Con bét thường bám vào cơ thể động vật để hút máu. Đôi khi chúng cũng sống trên cơ thể con người. Nếu trẻ bị con bét bám, các mẹ có thể rất khó nhận ra vì nó quá bé. Khi nó ăn no, nó sẽ phình ra và dài cỡ 1cm, lúc này các mẹ mới dễ dàng nhìn thấy.

Nếu các mẹ để ý thấy có con bét trên người trẻ, cố gắng lôi nó ra sớm nhất có thể. Bảo vệ tay mình bằng khăn giấy hoặc găng tay để tránh dính phải dịch lỏng của con bét và sử dụng nhíp bọc đầu để gắp nó ra. Dưới đây là một số bước thực hiện:

  • Sử dụng nhíp để lấy con bét (đặt càng gần da bé càng tốt để lôi được hoàn toàn con bét ra)
  • Kéo nhẹ nhàng theo phương thẳng đứng đến khi toàn bộ con bét được lôi ra
  • Đừng kẹp nát con bét khi đang lôi nó ra vì các mảnh của con bét bị nát có thể dính lại trên da bé
  • Sau khi lấy được con bét ra, các mẹ hãy rửa tay với xà phòng và nước sạch
  • Lau sạch vết cắn của con bét bằng chất khử trùng hoặc xà phòng và nước lạnh

Đừng cố trị vết bét đốt bằng cách sử dụng dầu đông (dầu chiết xuất từ dầu hỏa được làm đông lại) hoặc cồn. Vì những cách này sẽ không hiệu quả.

Nếu mẹ nào lo lắng về việc tự mình xử lý con bét, các mẹ có thể đưa trẻ đến viện. Bác sĩ và y tá sẽ loại bỏ con bét khỏi da bé cho các mẹ.

Vết cắn này nên được điều trị trong vòng 3 tuần. Để mắt đến trẻ khi vết cắn vẫn đang trong thời gian chữa trị. Thỉnh thoảng, vết cắn của con bét có thể gây ra bệnh Lyme – một loại nhiễm trùng vi khuẩn nghiêm trọng. Nếu bé bị sốt, nổi mẩn xung quanh vết cắn và bắt đầu lan rộng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Bệnh Lyme có thể gây nên biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.

Làm thế nào để nhận biết trẻ bị côn trùng cắn, đốt?

Cần kiểm tra vùng da bị đỏ phát triển xung quanh vết cắn. Với vết đốt, hãy tìm kiếm vết sưng. Một vết cắn hoặc vết đốt bị nhiễm trùng có thể làm cho bé bị sốt. Bị sưng, đau đớn và có vệt đỏ cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng. Ngoài ra, vết thương đó cũng có thể nhiễm trùng nếu trẻ gãi quá nhiều hoặc bị nhiễm bởi vi khuẩn ngay từ ban đầu khi côn trùng cắn, đốt trẻ.

Nếu mẹ nghi ngờ con bị nhiễm trùng thì nên đưa đến gặp bác sĩ kiểm tra. Họ có thể kê loại kháng sinh phù hợp cho trẻ.

Cần làm gì nếu trẻ nhỏ có phản ứng dị ứng với vết cắn của côn trùng?

Nếu trẻ nhỏ nhạy cảm hoặc dị ứng với vết cắn, đốt của côn trùng, trẻ có thể có những phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Nó được gọi là sự mẫn cảm của trẻ nhỏ và có thể gây ra một số vấn đề:

  • Sưng tấy vùng quanh mặt
  • Nôn
  • Tiêu chảy
  • Vấn đề về hô hấp
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Mạch đập nhanh
  • Đổ mồ hôi

Sự mẫn cảm đó có thể là một mối đe dọa rất nguy hiểm. Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến viện nếu trẻ có bất cứ biểu hiện nào phía trên. Trong lúc chờ đợi sự trợ giúp y tế, hãy để trẻ nằm xuống với phần cơ thể bị cắn để phía dưới tim (nếu có thể), giữ trẻ bình tĩnh và đắp chăn cho trẻ.

Nếu gia đình chuẩn bị đi nghỉ ở xa thì có nên lo lắng về côn trùng?

Ở nhiều quốc gia, ruồi, muỗi, bọ chét và những loại côn trùng khác thường mang đến những căn bệnh nguy hiểm như sốt rét và sốt vàng da.

Khoảng 3 tháng trước kỳ nghỉ đó, các gia đình nên hỏi bác sĩ và thực hành cách cứu chữa cần thiết trong trường hợp bị côn trùng tấn công cần tiêm phòng.

Các mẹ cần mang theo thuốc xịt chống côn trùng, kem bôi hoặc khăn lau sạch phù hợp với trẻ nhỏ. Cũng nên mang theo kem và thuốc chống histamin. Kiểm tra chắc chắn với dược sĩ về những loại thuốc để đảm bảo an toàn cho bé.

Làm cách nào để ngăn chặn việc trẻ bị côn trùng cắn, đốt?

Mùa hè và mùa xuân là thời gian côn trùng hoạt động mạnh nhất. Có một số cách để các mẹ có thể giúp bé được an toàn với côn trùng xung quanh:

  • Nếu gia đình sống ở vùng gần ao hồ hoặc ở bên ngoài vào buổi tối, hãy bôi thuốc chống côn trùng vào da bé. Giữ kín chân tay của bé và nếu trẻ lớn có thể đi bộ thì nên đi giày.
  • Tránh xa những vùng có ong và ong bắp cày. Nếu có tiệc ăn ngoài trời, các gia đình nên che đậy thức ăn, đồ uống cẩn thận.
  • Nếu nuôi chó hoặc mèo cần phải diệt bọ chét bám trên chúng thường xuyên (nếu có).

(Theo Babycentre – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment