Da tiếp da là gì?
Út Em chào các mẹ. Da tiếp da (còn gọi là da kề da) đơn giản giống như tên gọi của nó: ôm trẻ sơ sinh không mặc quần áo trên ngực hoặc trên bụng trần của người mẹ.
Điều đầu tiên bé có thể cảm nhận khi mới ra đời là hơi ấm của người mẹ. Cho bé nằm trên người mẹ để bụng kề lên bụng hoặc kề lên ngực mẹ, bé sẽ cảm nhận mùi cơ thể mẹ, nhịp tim và hơi thở của mẹ. Chắc chắn bé sẽ cảm thấy mình đang được an toàn và che chở.
Vì sao da tiếp da lại là việc làm quan trọng ngay sau khi sinh?
Ôm đứa con mới sinh trên tay lần đầu tiên là trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Mẹ có cảm giác tình yêu thương che chở đang tràn ngập khắp cơ thể. Thậm chí cảm giác đó thực sự giống như những dòng cảm xúc đang chảy trong tĩnh mạch, bởi vì tiếp xúc da tiếp da với bé làm kích thích nội tiết tố mạnh mẽ trong cơ thể người mẹ.
Dĩ nhiên không phải tất cả các bà mẹ đều có cảm nhận đó ngay lập tức, có thể mẹ đang mất sức sau sinh hoặc trải nghiệm khi sinh không như ý muốn. Nếu trường hợp đó có xảy ra thì hãy ôm đứa bé để cho da tiếp da với mẹ sẽ tạo cảm giác yêu thương gần gũi hơn.
Khi mẹ chạm hay vuốt ve bé sẽ kích thích cơ thể mẹ giải phóng oxytocin, chất hóa học tạo cảm xúc tích cực tự nhiên (oxytocin còn là một loại hoocmon kích thích quá trình tiết sữa, tức là nếu mẹ da tiếp da với bé càng sớm thì sữa về càng nhanh và nhiều). Sự kích thích này không chỉ có ở người mẹ mà còn xảy ra tương tự khi người bố cũng tiếp xúc da tiếp da với bé.
Da tiếp da là cách tự nhiên để mẹ gắn kết với bé, nhất là những bé dễ tổn thương và cần sự quan tâm chăm sóc của mẹ để duy trì sự sống và phát triển. Tiếp xúc da tiếp da với đứa con của mình chắc chắn sẽ khiến các ông bố, bà mẹ cảm thấy tự tin hơn với thiên chức mới này.
Da tiếp da sau sinh cũng mang lại lợi ích cho em bé theo nhiều cách. Em bé đang từ nơi tối và ấm áp (trong bụng mẹ) ra một thế giới bên ngoài khác hoàn toàn với những thứ ánh sáng và âm thanh mới. Và thế giới ấy lạnh hơn, giống như trải nghiệm khi vừa bước ra từ bồn tắm nước ấm.
Bế bé để da tiếp da với mẹ ngay sau khi sinh sẽ giúp giữ ấm cho bé. Bé có thể cảm nhận được nhịp tim của mẹ, chính là thứ âm thanh quen thuộc khi chúng còn trong bụng mẹ. Khi mẹ trò chuyện với bé, bé sẽ nhận ra tiếng nói của mẹ, và cũng dần quen với giọng nói của cả bố và mẹ. Những âm thanh này sẽ làm trấn an bé rằng bé đang được bảo vệ.
Hơn nữa, tiếp xúc da tiếp da với trẻ sơ sinh giúp cơ thể bé điều chỉnh hơi thở và nhịp tim, giữ lượng đường trong máu ở mức vừa phải. Điều này cũng giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch chống lại viêm nhiễm.
Khi cho trẻ tiếp xúc da tiếp da trên ngực mẹ, trẻ sẽ trải qua những giai đoạn sau:
- Thư giãn cùng với việc lắng nghe nhịp tim của mẹ
- Mở mắt và nhìn mẹ lần đầu
- Chuyển động tay và miệng
- Nhúc nhích trên ngực mẹ
- Tìm kiếm ngực mẹ
- Bú mẹ lần đầu
Hãy dành nhiều thời gian để bế và ngắm nhìn bé. Có thể sẽ mất một khoảng thời gian hoặc ít nhất là một giờ đồng hồ để bé nằm trên bụng mẹ và hòa nhập trước khi sẵn sàng bú. Nếu bạn không muốn khoảng thời gian đặc biệt này bị gián đoạn thì hãy ghi vào bản kế hoạch sinh nở của mình, người hộ sinh sẽ biết được mong muốn đó và để hai mẹ con tiếp xúc da tiếp da trước khi thực hiện thăm khám cho bé.
[adinserter block=”12″]
Nếu không thể bế bé ngay sau khi sinh thì sao?
Tiếp xúc da tiếp da là bước quan trọng trong chu trình chăm sóc bé sau sinh, vì vậy người mẹ cần ưu tiên dành khoảng thời gian đặc biệt này cho bé. Nếu không có vấn đề gì về sức khỏe, hãy cho bé tiếp xúc da tiếp da trên ngực mẹ càng sớm càng tốt.
Nếu như bạn đẻ mổ, trừ những trường hợp phức tạp khác thì vẫn có thể cho bé tiếp xúc da tiếp da ngay sau sinh. Bé cần được bế cao trên ngực, điều này có thể hạn chế việc tiếp xúc bằng ánh mắt giữa mẹ với bé nhưng bé vẫn có thể cảm nhận được hơi ấm và tiếng nói của mẹ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng người bố cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là khi mẹ không thể bế bé ngay sau khi sinh.
Đối với trẻ sơ sinh, phương án tốt nhất tiếp theo chính là cho bé da tiếp da với bố. Nhưng nếu trẻ có vấn đề về sức khỏe và cần điều trị khẩn cấp thì có thể cả bố và mẹ đều không thể ôm bé ngay được. Sẽ rất đáng buồn khi phải bỏ lỡ trải nghiệm đó.
Bất cứ động tác vuốt vẻ nào cũng đều khiến trẻ dễ chịu, nên nếu không thể ôm tiếp xúc da tiếp da với bé thì bạn cũng có thể nắm tay bé. Hoặc chỉ cần đặt tay lên người bé để bé cảm nhận hơi ấm và mùi cơ thể mẹ.
Người mẹ cũng có thể nắm lấy cơ hội và tận hưởng cảm giác tiếp xúc da tiếp da với bé ngay khi khỏe trở lại. Tiếp xúc da tiếp da (còn được biết đến như phương pháp Kangaroo) là bước quan trọng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh sinh non hoặc trẻ sinh nhẹ cân.
Việc tiếp xúc này có thể giúp trẻ sinh nhẹ cân sống sót vì nó làm giảm nguy cơ viêm nhiễm và mất nhiệt ở trẻ, tăng tốc độ bú sữa và tăng trưởng, rút ngắn thời gian nằm viện. Đối với bé sinh non, những lợi ích của tiếp xúc da tiếp da đối với sức khỏe, sự phát triển và cảm xúc của bé còn kéo dài trong suốt thời thơ ấu. Tiếp xúc da tiếp da cũng giúp bé dễ chịu hơn khi đang cho bé xét nghiệm máu hoặc tiêm.
Bất cứ khi nào thực hiện tiếp xúc da tiếp da đều đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho bé và gắn kết mẹ với bé hơn.
Tiếp xúc da tiếp da có thể giúp gắn kết tình cảm gia đình?
Hoàn toàn đúng. Tiếp xúc da tiếp da là cách tuyệt vời để cả bố và mẹ gắn kết với trẻ. Điều này có thể cải thiện hơn mối quan hệ và sự chia sẻ giữa hai vợ chồng. Việc bố mẹ cùng nhau vuốt ve bé là cách khiến cho cả gia đình gắn kết hơn và thích nghi với cuộc sống mới khi có bé.
Có một số thay đổi xảy ra ở các ông bố, bà mẹ tiếp xúc da tiếp da với trẻ: tăng nồng độ hoóc môn oxytocin tạo cảm xúc tích cực và giảm nồng độ hoóc môn căng thẳng cortisol.
Tiếp xúc da tiếp da với trẻ như thế nào?
Nếu mẹ làm việc này ngay sau khi sinh, người hộ sinh sẽ giúp làm khô người bé, đặt bé lên ngực trần của mẹ và lấy khăn khô sạch hoặc chăn cuốn quanh người bé.
Nếu mẹ không mang mũ cho bé, người hộ sinh sẽ đội cho bé một chiếc mũ nhỏ. Hầu hết nhiệt lượng cơ thể bé sẽ giảm qua phần đầu, và việc giữ ấm giúp cho tiếp xúc da tiếp da giữa mẹ và bé ấm áp hơn, tạo cảm giác dễ chịu cho bé.
Chồng bạn có thể vào gặp bé khi bạn đã sinh, sẽ có loại quần áo riêng dành cho người nhà bệnh nhân. Khi đó, người hộ sinh sẽ hướng dẫn anh ấy cách bế bé.
Nếu mẹ sinh mổ, người chồng cũng sẽ được phát một loại quần áo riêng để vào phòng mổ. Và nếu như chồng bạn chọn mặc loại cỡ to hơn thì có thể ôm em bé bên trong để sát với ngực trần.
Những giờ, những tuần và những tháng tiếp theo, bạn vẫn có thể thực hiện việc tiếp xúc da tiếp da với bé bất cứ khi nào, miễn là bé thích thú với điều đó. Cũng có thể thực hiện điều này để dỗ bé khi bé đói hay khó chịu.
Mẹ có thể nằm xuống và ôm bé nằm trên ngực mình nhưng phải đảm bảo là mẹ không ngủ quên. Hoặc mẹ ngồi bế bé và giữ bé ở tư thế thẳng áp sát ngực bé vào ngực mẹ, cuốn chăn mỏng ở phía lưng bé để giữ ấm. Hoặc nếu bạn có việc cần thiết phải làm thì có thể dùng địu để giữ bé sát bên mình.
Mẹ có thể cởi phanh áo khi cho con bú miễn là thấy thoải mái, không mặc áo lót hoặc dùng loại áo lót riêng dành cho những bà mẹ cho con bú. Đến khoảng ngày thứ 3 sau sinh, bạn sẽ cần đến áo ngực vì khi đó sữa về nhiều và ngực bắt đầu nặng hơn.
Tiếp xúc da tiếp da có thể hữu ích với những mẹ và bé đang gặp rắc rối khi mẹ cho bé bú sữa, việc tiếp xúc này giúp quá trình đó trở nên dễ dàng hơn cho cả mẹ và bé. Theo bản năng, bé sẽ tìm ngực mẹ và bú dễ dàng hơn khi bé đã sẵn sàng, có thể sẽ phải nhiều lần như vậy bé mới quen với việc bú sữa.
Bố mẹ cũng có thể thực hiện tiếp xúc da tiếp da với bé khi cho bé bú bình, trải nghiệm gắn kết đó sẽ mang lại lợi ích cho cả bố mẹ và bé. Lợi ích đó cũng giống như khi cho bú sữa mẹ, nó giúp tạo lập các mối liên kết giữa bố mẹ và bé, bé cảm thấy an toàn hơn khi dần nhận biết được bố mẹ.
Cần phải làm gì nếu thực hiện việc tiếp xúc da tiếp da không hiệu quả?
Có thể thời điểm bạn chọn không thích hợp, và bé không hứng thú với việc tiếp xúc da tiếp da. Nếu bé nhìn đi chỗ khác, vặn vẹo hoặc khóc thì có thể là bé đang mệt hoặc cần khoảng không riêng. Bạn hãy thử thực hiện lại sau.
Bé thích thú với mùi cơ thể tự nhiên của bố mẹ, vì vậy đừng dùng nước hoa, nước thơm cạo râu hay sữa tắm mùi thơm nặng vì sẽ làm giảm đi mùi cơ thể tự nhiên.
Nếu bé vẫn không hợp tác, hãy hỏi ý kiến người hộ sinh hoặc người thăm khám sức khỏe để họ cho bạn những lời khuyên, hoặc tiếp tục theo dõi nếu thấy có bất kỳ lo ngại nào.
Có thể bạn không thích thú với việc tiếp xúc da tiếp da, nhưng hãy cố gắng đừng chán nản. Có thể do bạn đang quá mệt mỏi và cần thời gian để thích nghi với cuộc sống mới này.
Tiếp xúc da tiếp da có thể là khái niệm mới mà bạn cần làm quen. Đúng vậy, bởi vì da tiếp da không nhất thiết cứ phải là áp sát vào người mẹ. Đơn giản hơn, bạn có thể vuốt ve khuôn mặt, cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân và lưng bé. Khi đã thoải mái, có thể bạn còn muốn gắn kết hơn nữa với bé.
Mẹ cũng có thể mát xa cho bé nếu bé thích thú. Việc gần gũi với bé và để bé cảm nhận được da mẹ đang áp sát da bé sẽ khiến bé có cảm giác an toàn, được yêu thương và nâng niu.
Đôi khi mẹ sẽ khó gần gũi với con khi mẹ đang mệt mỏi. Nếu bạn thấy khó khăn khi tiếp xúc da tiếp da, có thể đây là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh. Chứng trầm cảm sau sinh còn phổ biến hơn cả bạn nghĩ, nó có thể ảnh hưởng đến cả bố và mẹ.
Nếu bạn thấy khó khăn khi gắn kết với bé, hãy tâm sự với người hộ sinh hay người thăm khám sức khỏe vì họ hiểu vấn đề này và sẽ giúp bạn giải quyết. Bạn cũng có thể chia sẻ với chồng, gia đình và bạn bè. Hãy tìm kiếm những hỗ trợ sớm để giải quyết vấn đề này.
Tiếp tục tiếp xúc da tiếp da trong thời gian bao lâu là hợp lý?
Có thể tiếp tục việc tiếp xúc da tiếp da miễn là bé vẫn thấy thoải mái. Nếu bạn cho con bú sữa mẹ, bé cũng sẽ có những tiếp xúc trên da với mẹ. Dù sao thì để việc tiếp xúc này kéo dài trong bao lâu cũng tùy thuộc vào mong muốn của bạn.
Tiếp xúc da tiếp da sớm sẽ giúp bé gắn kết chặt chẽ với bạn. Khi đó, tình yêu thương và tin yêu giữa bạn và bé có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác như âu yếm, nắm tay, hay khi tắm cho bé.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ vẫn muốn làm những cử chỉ tiếp xúc da tiếp da với bé thì hãy cứ tiếp tục, bởi vì điều này rất có ích cho bé.
(Theo Babycentre – Nguồn ảnh: Nelson Kwok – Flickr, Tăng Minh Nga dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)