Khám lại sau sinh và những vấn đề cần lưu ý

Út Em chào các mẹ.

Tái khám sau sinh là một trong những việc làm quan trọng. Các mẹ mong chờ những gì từ việc này?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho các mẹ về việc tái khám sau khoảng 6 tuần sau sinh.

Chúng ta sẽ lần lượt trả lời từng câu hỏi dưới đây.

  • Tại sao cần có lần tái khám sau 6 tuần từ khi sinh?
  • Điều gì sẽ xảy ra trong lần tái khám đó?
  • Tại sao không nên trì hoãn việc tái khám sau sinh

Trong khoảng từ 6-8 tuần sau sinh, các mẹ nên sắp xếp một lịch khám với bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ đã từng theo trong suốt quá trình mang thai hoặc tới bệnh viện nơi mình đã sinh em bé.

tái khám sau sinh

Tại sao lại khám hậu sản trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh?

Việc tái khám sau sinh là để chắc chắn sự hồi phục sau sinh của các mẹ vẫn diễn ra tốt đẹp sau khi đã trải qua quá trình mang thai và sinh nở. Đó cũng là cơ hội để các mẹ “khoe” con mình với bác sĩ. Quan trọng nhất, đây là lúc các mẹ có thể hỏi hay thắc mắc bất kỳ vấn đề gì mình cần biết sau sinh.

Một số sản phụ rất ngạc nhiên hoặc thậm chí còn thất vọng về tính chất “quá nhanh gọn” của việc khám hậu sản và không có sự chi tiết, tưởng chừng như hơi qua loa. Vì vậy, để cho buổi tái khám thật sự hữu ích với mình, các mẹ nên chuẩn bị những thắc mắc hay băn khoăn trước khi đi khám để hỏi bác sĩ. Thậm chí nếu sợ quên do bận rộn hoặc quá mệt mỏi với những công việc sau sinh, các mẹ có thể ghi chúng vào tờ giấy và mang theo.

Tái khám sau sinh sẽ không chỉ giúp các mẹ kiểm tra được tình trạng sức khỏe đang hồi phục của mình mà còn giúp giải đáp những thắc mắc cần thiết dựa trên cơ sở khoa học đáng tin cậy từ các bác sĩ. Thời gian 6 tuần sau sinh cũng là khoảng thời gian khá ổn định cho cả mẹ và bé có thể ra ngoài đi khám. Vì vậy các mẹ nên lưu tâm đến giai đoạn này nhé.

Điều gì xảy ra trong lần tái khám sau sinh?

Không có lộ trình chính xác nào cho những việc sẽ được làm trong ngày tái khám của mẹ sau 6 tuần sinh bé. Bởi nó cũng có sự khác nhau giữa tình trạng của mẹ và cách khám của bác sĩ. Nhưng mỗi lần tái khám sau sinh thường bao gồm:

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát: Để biết rằng tình trạng chung trong những tuần đầu tiên của các mẹ là như thế nào? Các mẹ có gặp phải vấn đề gì không? Các mẹ có thấy cần thêm sự trợ giúp về vấn đề gì không?
  • Khám sàn chậu: Để xem vùng đáy chậu có ổn không? Hoặc nếu có vết khâu ở tầng sinh môn thì liệu nó đã lành chưa hoặc có gây khó chịu gì không? Các mẹ cũng có thể yêu cầu kiểm tra các cơ mà hoạt động mạnh trong khi sinh liệu đã trở lại trạng thái bình thường chưa? Nếu mẹ nào thấy biểu hiện của rối loạn chức năng sàn chậu như sự bất thường khi đi tiêu và đi tiểu (có thể có từ trước khi sinh)…
  • Kiểm tra vết mổ sau sinh: Nếu sinh mổ, liệu vết mổ có nhiễm trùng không? Nếu đã lành, bác sĩ có thể tư vấn thêm cho các mẹ cách làm mờ hoặc xóa bỏ vết sẹo hình thành từ vết mổ đó
  • Đo huyết áp: Huyết áp cao sau sinh rất nguy hiểm, các bác sĩ sẽ kiểm tra đề phòng trường hợp tiền sản giật sau sinh.
  • Kiểm tra tình trạng sản dịch sau sinh: Để xem nó có còn không hoặc có bị ra nhiều nữa không? Bao giờ thì bắt đầu có kinh nguyệt trở lại?
  • Kiểm tra những thay đổi về cơ thể sau sinh: Các mẹ sẽ được cân để xem cân nặng của mình có phù hợp với giai đoạn này hay không và nếu thừa cân, các mẹ có thể nhận được những lời khuyên về các bài tập thể dục hoặc chế độ dinh dưỡng giúp giảm cân, lấy lại vóc dáng trước khi mang bầu
  • Việc cho bú: Dù các mẹ cho con ăn sữa công thức hay sữa mẹ thì liệu có cần sự trợ giúp gì nữa không, ví dụ về cách pha sữa, tư thế cho con bú…Hoặc nếu mẹ nào bị thiếu sữa, họ có thể tư vấn cho các mẹ cách để có nhiều sữa hơn
  • Tư vấn biện pháp ngừa thai: Rất nhiều mẹ băn khoăn về việc ngừa thai đúng cách sau khi sinh nên đây là cơ hội tốt để nhận được những lời khuyên có ích, đảm bảo cuộc sống vợ chồng luôn hòa hợp và vui vẻ

Ngoài ra, các mẹ có thể nói bất cứ vấn đề nào của mình, có thể là những vấn đề liên quan đến sức khỏe, các bộ phận trên cơ thể hoặc thậm chí là những việc khiến bản thân mệt mỏi, chán nản, xuống tinh thần do chưa quen với việc chăm sóc trẻ nhỏ…Có thể bác sĩ hoặc người hỗ trợ sẽ giúp các mẹ cởi bỏ được những nút thắt của vấn đề một cách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.

[adinserter block=”12″]

Không nên trì hoãn việc tái khám sau sinh

Có thể các mẹ thấy cơ thể mình khỏe mạnh bình thường, không có triệu chứng bất ổn hoặc do bác sĩ không dặn dò thời gian quay lại khám trước khi xuất viện nên không thực hiện việc tái khám sau sinh. Nhưng các mẹ nên lưu ý rằng, có nhiều bệnh lý không biểu hiện ra bằng triệu chứng cụ thể bên ngoài nên rất khó tự phán xét mình có ổn định không nếu không khám hay kiểm tra. Hơn nữa, việc tái khám không quá tốn kém và không mất nhiều thời gian nên rất dễ dàng thực hiện.

Thông thường, lúc xuất viện, bác sĩ sẽ dặn dò thời gian tái khám nên các mẹ hãy thực hiện theo nó. Nếu không, các mẹ nên đi khám trong khoảng thời gian 6 tuần sau sinh hoặc có thể khám bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian này nếu nhận thấy mình có gì đó bất ổn, không giống như những sản phụ bình thường khác.

(Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu bài viết)

Leave a Comment