Sàng lọc, đánh giá thính lực của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Út Em chào các mẹ. Trong những năm đầu đời, khả năng thính lực của trẻ nhỏ là một trong những phần quan trọng của sự phát triển nhận thức, tình cảm, xã hội.

Thậm chí nếu thính lực của trẻ chỉ có vấn đề nhẹ hoặc hư hỏng một phần cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện và ngôn ngữ của trẻ.

Thông tin tốt cho các mẹ đó là hoàn toàn có thể điều trị những vấn đề liên quan đến thính lực cho trẻ nhỏ nếu như phát hiện sớm – thời gian lý tưởng nhất là khi trẻ được 3 tháng tuổi. Do đó, các mẹ nên lưu ý về việc cho trẻ sàng lọc khiếm thính từ sớm và thường xuyên kiểm tra.

thính lực của trẻ

Nguyên nhân tình trạng thính lực của trẻ bị kém

Mất khả năng nghe là một dị tật bẩm sinh thường thấy, tỷ lệ mắc phải khoảng 1 đến 3 trẻ trong 1000 trẻ. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng nghe nhưng đôi khi không có nguyên nhân nào được tìm thấy.

Mất khả năng nghe có thể xảy ra với trẻ:

  • Bị sinh non.
  • Cần phải chăm sóc tại trung tâm chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.
  • Bị vàng da lúc mới sinh có lượng bilirubin cao cần phải truyền máu.
  • Bị uống thuốc mà có thể dẫn đến tình trạng giảm thính lực.
  • Trong gia đình có thành viên bị suy giảm thính lực hồi nhỏ.
  • Có biến chứng lúc sinh.
  • Nhiều lần bị nhiễm trùng tai.
  • Bị nhiễm khuẩn viêm màng não hoặc virut cự bào.
  • Bị tiếp xúc với những âm thanh lớn hoặc tiếng ồn dù là trong thời gian ngắn.

Khi nào cần kiểm tra đánh giá thính lực của trẻ nhỏ?

Sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh có thể xác định được phần lớn trẻ mới sinh bị mắc vấn đề về thính lực. Nhưng trong một số trường hợp, nguyên nhân của tình trạng mất thính lực có thể là do nhiễm trùng, chấn thương hoặc ảnh hưởng của tiếng ồn và vấn đề này không phát hiện được cho đến khi hết thời thơ ấu.

Những chuyên gia tin rằng tỷ lệ người bị mất thính lực tăng gấp đôi ở giai đoạn mới sinh đến khi 10 tuổi. Do đó, các mẹ cần lưu tâm đến việc kiểm tra thường xuyên để sàng lọc khiếm thính cho trẻ trong quá trình phát triển.

Trẻ sơ sinh nên được sàng lọc khiếm thính trước khi ra viện để về nhà.

Ở Mỹ, mỗi bang và vùng lãnh thổ đều đã thiết lập chương trình can thiệp và phát hiện thính giác từ sớm (EHDI); chương trình này giúp phát hiện trẻ bị mất thính giác vĩnh viễn trước 3 tháng tuổi và cung cấp dịch vụ ngăn ngừa tình trạng này cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Nếu trẻ không tham gia sàng lọc thính giác, được sinh ra ở nhà hoặc trạm y tế thì nên cho trẻ sàng lọc thính giác trong vòng 3 tuần đầu đời.

Nếu kết quả sàng lọc thính giác của các bé không đạt, điều đó không có nghĩa các bé có nguy cơ bị mất thính lực. Bởi vì cơ địa và dịch trong tai có thể ngăn cản quá trình kiểm tra nên thường các bé sẽ được kiểm tra lại để xác định chẩn đoán trước đó của mình.

Trường hợp trẻ sơ sinh có kết quả sàng lọc thính giác không đạt trong lần đầu thì cần phải cho bé kiểm tra lại trong vòng 3 tháng để có phương án điều trị ngay lập tức. Việc điều trị tình trạng suy giảm hoặc mất thính lực đạt hiệu quả cao nhất nếu bắt đầu điều trị trước khi bé được 6 tháng tuổi.

Những trẻ trông có vẻ không có bất thường gì về thính giác cũng nên tiếp tục kiểm tra thường xuyên với bác sĩ. Kiểm tra thính giác thường được thực hiện khi trẻ được 4, 5, 6, 8, 10 tuổi hoặc bất cứ thời điểm nào nghi ngờ có vấn đề.

Nếu các mẹ nghi ngờ bé có vấn đề về thính giác, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ cũng có sự bất thường hoặc diễn tả khó hiểu thì hãy trao đổi với bác sĩ.

Triệu chứng của việc mất khả năng nghe hoặc thính lực của trẻ bị kém

Cho dù kết quả sàng lọc thính lực của trẻ tốt thì vẫn cần tiếp tục theo dõi để biết liệu khả năng nghe của bé có bình thường không. Giai đoạn phát triển khả năng nghe của trẻ cần đạt được trong 1 năm đầu đời:

  • Phần lớn trẻ sơ sinh có phản xạ giật mình hoặc vung vẩy tay chân khi đột nhiên gặp âm thanh lớn
  • Đến khi 3 tháng tuổi, các bé có thể nhận ra giọng của bố mẹ
  • Đến khi 6 tháng tuổi, các bé có thể đảo mắt hoặc đầu theo âm thanh
  • Đến khi 12 tháng tuổi, các bé bắt chước một số âm thanh và phát âm một số từ như “mama” hoặc “bai-bai”

Khi trẻ đến tuổi tập đi, dấu hiệu của tình trạng suy giảm hoặc mất thính lực có thể là:

  • Hạn chế việc nói năng, khó sử dụng từ ngữ hoặc không nói được
  • Thường xuyên lơ đễnh
  • Khả năng học hỏi chậm
  • Đòi mở âm lượng TV to hơn mức cần thiết
  • Không lanh lẹ trong việc phản ứng giao tiếp hoặc trả lời không liên quan đến câu chuyện đang nói đến
  • Phản ứng chậm khi được gọi tên mình hoặc dễ bị lạc lõng khi ở trong môi trường ồn ào náo nhiệt

Các loại tình trạng thính giác kém

Nghe kém dẫn truyền: Tình trạng này là do sự dẫn truyền âm thanh tai trong bị chặn lại. Nhiễm trùng tai là nguyên nhân phổ biến của loại tình trạng này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vấn đề này thường tương đối nhẹ, là tạm thời và có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Nghe kém thần kinh giác quan: Tình trạng này có thể xảy ra khi phần nhạy cảm của tai trong (ốc tai) bị tổn thương hoặc có vấn đề về cấu trúc, trong một vài tình huống hiếm hoi, nguyên nhân của tình trạng này có thể do gặp vấn đề với vỏ thính giác – phần não điều khiển việc nghe của mỗi người. Tình trạng mất thính giác ốc tai phổ biến nhất thường do một phần đặc biệt của ốc tai như tế bào lông tai trong, tế bào lông tai ngoài hoặc cả hai. Nó thường tồn tại lúc mới sinh và có thể bị ảnh hưởng hoặc nguyên nhân do vấn đề bệnh lý khác dẫn tới, đôi khi những nguyên nhân này cũng chưa được biến đến. Thông thường tình trạng mất thính lực thần kinh giác quan sẽ kéo dài vĩnh viễn.

Các mức độ của tình trạng mất thính lực thần kinh giác quan:

  • Mức độ nhẹ: Không thể nghe được một số âm thanh
  • Mức độ vừa phải: Không thể nghe được nhiều âm thanh
  • Mức độ nghiêm trọng: Không thể nghe được phần lớn các âm thanh
  • Mức độ vô cùng nghiêm trọng: Không thể nghe được bất kỳ âm thanh nào

Đôi khi tình trạng mất thính lực của trẻ này diễn biến theo giai đoạn (ngày càng nặng hơn) và trong một số trường hợp thì chỉ bị một bên tai.

Do tình trạng mất thính lực của trẻ này có thể ngày càng nặng hơn nên việc xét nghiệm thính giác nên được thực hiện nhiều lần. Mặc dù thuốc hoặc phẫu thuật có thể không điều trị được tình trạng này nhưng những thiết bị hỗ trợ thính giác sẽ giúp trẻ nhỏ nghe tốt hơn.

Nghe kém hỗn hợp: Tình trạng này thường xảy ra khi người nào đó bị mắc cả tình trạng nghe kém dẫn truyền và nghe kém thần kinh giác quan.

Nghe kém thần kinh: Tình trạng này diễn ra khi các ốc tai hoạt động bình thường nhưng phần não thì không. Đây là tình trạng hiếm thấy của việc mất thính lực và rất khó để điều trị.

Tình trạng rối loạn trong việc xử lý thính giác (APD) là hiện tượng mà tai và não không thể liên kết với nhau hoàn toàn. Người bị mắc APD thường nghe tốt trong không gian yên tĩnh nhưng không thể nghe tốt ở môi trường ồn ào. Trong phần lớn các trường hợp này, liệu pháp điều trị ngôn ngữ sẽ giúp trẻ cải thiện tình trạng APD.

[adinserter block=”12″]

Thính lực của trẻ được kiểm tra như thế nào?

Một vài phương pháp có thể được thực hiện để kiểm tra thính lực của trẻ, phụ thuộc vào độ tuổi, sự phát triển và tình trạng sức khỏe mỗi bé.

Trong quá trình kiểm tra hành vi, chuyên gia về thính giác sẽ theo dõi cẩn thận các phản ứng với âm thanh của trẻ như đoạn bài nói có hiệu chỉnh (bật đoạn âm thanh với một mức âm lượng và cường độ nào đó) và những đoạn âm thanh thuần khiết. Âm thanh thuần khiết là âm thanh mà có độ trầm bổng cụ thể (có tần số), ví dụ như một nốt nhạc của phím đàn.

Chuyên gia về thính giác có thể biết cách trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi phản ứng với âm thanh thông qua những chuyển động của mắt hoặc đầu. Học sinh tiểu học có thể di chuyển mảnh ghép đồ chơi và trẻ học trung học có thể giơ tay lên trong việc phản ứng với âm thanh. Các bé có thể phản ứng với bài nói bằng những hành động như xác định tranh của từ nào đó hoặc lặp lại những từ đó một cách chậm rãi.

Một số cách kiểm tra khác để đánh giá thính lực của trẻ

Nếu trẻ còn quá bé để kiểm tra thính lực bằng hành vi hoặc gặp vấn đề bệnh lý, vấn đề phát triển nào đó mà hạn chế việc kiểm tra như này thì bác sĩ sẽ kiểm tra thính lực bằng cách soi tai, thần kinh và não để xem tình trạng hoạt động của nó.

Kiểm tra điện thính giác thân não (ABR)

Với phương pháp này, tai nghe siêu nhỏ sẽ được đặt vào trong ốc tai và các điện cực nhỏ (các cảm biến giống như miếng dán nhỏ) sẽ được dán ở sau tai và trán. Sau đó, âm thanh được chọn sẽ gửi qua tai nghe và các điện cực đo phản ứng dây thần kinh với âm thanh.

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có thể ngủ trong thời gian kiểm tra nhưng những bé lớn hơn cần có biện pháp giảm đau khi tiến hành kiểm tra. Những trẻ lớn tuổi hơn biết hợp tác có khả năng sẽ được kiểm tra ở một không gian yên tĩnh bên cạnh việc kiểm soát khả năng nhìn của trẻ.

Khả năng nghe bình thường có hình dáng nhất định khi kết quả kiểm tra hiện lên biểu đồ. Do đó, kiểm tra điện thính giác thân não ABR sẽ cho biết tai trong của bé và phần dưới của hệ thống thính giác có làm việc bình thường trước những âm thanh đặc biệt không. Kết quả ABR bất thường có thể là dấu hiệu của việc mất thính giác nhưng cũng có thể là do một số vấn đề bệnh lý hoặc cách đo lường kiểm tra.

Kiểm tra phản ứng trạng thái ổn định thính giác (ASSR)

Phương pháp kiểm tra ASSR tương tự với ABR dù trẻ sơ sinh cần phải ngủ hoặc giảm đau trong quá trình kiểm tra ASSR.

Âm thanh được truyền qua ốc tai, máy tính sẽ đo phản ứng của não với âm thanh và hiển thị kết quả tự động liệu mức độ mất thính giác là nhẹ, vừa phải, nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng. Phương pháp kiểm tra ASSR phải được thực hiện với phương pháp ABR (không thay thế phương pháp ABR) để kiểm tra thính giác.

Kiểm tra vấn đề tiềm ẩn tác động đến thính giác trung tâm (CAEP)

Phương pháp kiểm tra này cũng tương tự ABR và sử dụng tai nghe siêu nhỏ cũng như điện cực nhỏ tương tự. Phương pháp CAEP giúp cho các chuyên gia thính giác nhận định được liệu đường từ não tới vỏ não thính giác có hoạt động bình thường không. Bác sĩ thường khuyến nghị thực hiện CAEP đối với một số trường hợp đặc biệt của việc mất thính lực. Phương pháp kiểm tra này có thể được thực hiện đối với mọi lứa tuổi và không cần đến sự hợp tác của trẻ.

Đo độ phản xạ của ốc tai (OAE)

Trẻ sơ sinh đang ngủ hoặc trẻ nhiều tuổi hơn có khả năng ngồi yên mới có thể kiểm tra một cách nhanh chóng được. Một máy thăm dò siêu nhỏ sẽ được đặt vào trong ốc tai, sau đó truyền một số xung âm thanh vào và máy thăm dò sẽ ghi lại “tiếng vang” phản ứng từ các tế bào lông ngoài của tai trong. Những âm thanh ghi lại sẽ được máy tính tính toán đưa ra con số trung bình.

Âm thanh ghi lại bình thường cho thấy các tế bào lông ngoài hoạt động tốt. Nhưng trong một số trường hợp, tình trạng mất thính lực có thể vẫn xảy ra nếu như những đường thính giác khác hoạt động không hiệu quả.

Bệnh viện thường sử dụng phương pháp ABR và OAE để sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh. Nếu không qua sàng lọc, các bé sẽ được kiểm tra lại. Trường hợp kết quả vẫn không tốt, trẻ sẽ được đưa đến chỗ các chuyên gia thính giác để kiểm tra đánh giá toàn diện hơn.

Kiểm tra đo màng nhĩ

Đo màng nhĩ không phải là kiểm tra thính lực nhưng là một thủ tục mà có thể cho thấy màng nhĩ hoạt động như thế nào khi truyền âm thanh nhẹ nhàng và áp suất không khí vào trong ốc tai. Nó giúp xác định những vấn đề liên quan đến tai giữa như tiết dịch màng nhĩ.

Đo màng nhĩ sẽ cho ra kết quả dưới dạng đồ thị. Đường “thẳng” trên đồ thị đo màng nhĩ cho thấy rằng màng nhĩ không thể hoạt động còn nếu đường trên đồ thị đạt đến “đỉnh” chứng tỏ màng nhĩ đang hoạt động bình thường. Bác sĩ thực hiện việc kiểm tra này thực hiện kiểm tra tai bằng mắt và xem màng nhĩ.

Phản xạ của cơ tai giữa (MEMR)

Phương pháp kiểm tra MEMR (còn được gọi là kiểm tra phản xạ thính giác) cho biết tai mối người có phản ứng như thế nào với những âm thanh lớn bằng cách tạo ra phản xạ trong tai. Đối với tai người bình thường, phản xạ này sẽ giúp bảo vệ tai chống lại những âm thanh lớn, ồn ào.

Khi thực hiện MEMR, một miếng cao su nhỏ mềm sẽ được đặt bên trong ốc tai. Một loạt âm thanh lớn sẽ được truyền qua miếng cao su này vào trong tai và sẽ có máy ghi lại để xem liệu âm thanh có kích hoạt được phản xạ nào không. Đôi khi việc kiểm tra này được thực hiện lúc các bé ngủ.

 Những người có thể kiểm tra thính lực của trẻ nhỏ?

Chuyên gia thính lực trẻ em sẽ tập trung vào việc kiểm tra và hỗ trợ những trẻ bị mất thính lực, bên cạnh đó cũng sẽ kết hợp chặt chẽ với những bác sĩ khác, giáo viên hoặc chuyên gia về ngôn ngữ để hỗ trợ trẻ tốt hơn.

Chuyên gia thính lực được đào tạo chuyên nghiệp. Họ là những người có kiến thức chuyên sâu hoặc có bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên khoa thính giác đã hoạt động và được chứng nhận bởi Hiệp hội Nghe – Nói – Ngôn ngữ Mỹ (CCC-A) hoặc chí ít cũng là nghiên cứu sinh của Học viện thính học Mỹ (F-AAA).

Máy trợ thính và những thiết bị can thiệp khác

Bên cạnh những phương pháp y học và phẫu thuật có thể giúp mọi người chữa trị các loại mất thính lực thì máy trợ thính là thiết bị hỗ trợ chính cho những người bị mất thính giác.

Loại mất thính lực phổ biến nhất là do tình trạng tế bào lông ngoài của tai hoạt động không đúng cách. Máy trợ thính có thể giúp khuếch đại âm thanh lớn hơn để giải quyết tình trạng này.

Máy trợ thính cấu tạo gồm 3 phần: micro, bộ khuếch đại và phần nhận âm. Có phần cài đặt tùy chỉnh để tạo ra âm thanh lớn hơn.

Một số loại máy trợ thính có thể phải đeo trên người nhưng cũng có một số loại nhỏ phù hợp với việc đeo sau tai hoặc để vào trong tai.

Trường hợp máy trợ thính không thể hỗ trợ như đối với tình trạng mất thính lực dẫn truyền thì sẽ có máy trợ thính chuyên biệt hơn được gắn vào xương có thể gửi các sóng âm trực tiếp đến ốc tai.

Không có loại máy hay cơ sở cung cấp nào tốt bằng việc để bác sĩ lựa chọn máy trợ thính dựa vào nhu cầu sử dụng của bé nhà các mẹ.

Phần lớn các bé bị mất thính lực cả hai tai cần phải đeo máy trợ thính cho 2 tai.

Do máy trợ thính sử dụng những kĩ thuật khó nên nó có giá thành hơi đắt. Một điểm khác không may là những công ty bảo hiểm nhân thọ cũng không chi trả cho việc phải dùng máy trợ thính mặc dù một số bang ở Mỹ hiện nay có yêu cầu bảo hiểm phải chi trả ít nhất một phần nào đó chi phí. Hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra giải pháp hỗ trợ tài chính nếu cần phải sử dụng máy trợ thính.

Một thiết bị khuếch đại được gọi là hệ thống FM (đôi khi được gọi là “máy đào tạo chức năng nghe”). Hệ thống này có micro có thể truyền âm thanh tới tai hoặc truyền trực tiếp đến máy trợ thính để giáo viên có thể nói vào trong và các bé sẽ nhận được âm thanh.

Thiết bị này có thể hoạt động tốt trong lớp học để cải thiện tình hình nghe trong môi trường hội nhóm hoặc ồn ào và cũng có thể phù hợp với từng cá nhân hay ở nhà. Một số thiết bị báo động thính giác hoặc hỗ trợ nghe khác cũng có thể giúp những bé lớn tuổi hơn cải thiện chức năng nghe của mình.

Ngoài máy trợ thính hoặc hệ thống FM. Phục hồi chức năng nghe có thể bao gồm việc điều trị thính giác hay hướng dẫn cách nhìn miệng người khác mà hiểu lời nói.

Công nghệ ngày càng được nâng cao, do đó hãy hỏi bác sĩ về những thiết bị tiên tiến nhất có thể hỗ trợ khả năng giao tiếp cho bé nhà mình các mẹ nhé.

Việc cấy ốc tai là một phương pháp phẫu thuật điều trị cho việc mất thính lực của trẻ; thiết bị này không chữa được tình trạng mất thính lực của trẻ nhưng nó giúp đặt vào bên trong tai và truyền âm thanh trực tiếp âm thanh đến các dây thần kinh thính giác. Nó giúp trẻ cải thiện tình trạng mất thính lực nặng mà không sử dụng được máy trợ thính.

(Dịch từ bài viết “Hearing Evaluation in Children” – website Kidshealth – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment