Tập ngồi cho bé yêu như thế nào?

Út Em chào các mẹ. Việc thấy được sự tự lập của bé luôn khiến các bậc cha mẹ vui mừng phấn khởi. Thành quả mà mỗi gia đình thường mong ngóng đó là khi bé có thể tự ngồi. Theo tiến sĩ nhi khoa Kurt Heyrman, có nhiều cách để các mẹ có thể giúp bé có kĩ năng vận động và tự ngồi được. Dưới đây sẽ là những bước và lưu ý giúp các mẹ rèn khả năng tự ngồi cho trẻ.

Trước khi cho trẻ ngồi

Biết được cách chăm sóc và cách giúp trẻ học ngồi là rất quan trọng. Các bé có thể ngồi sớm từ lúc được 4 tháng tuổi hoặc muộn hơn là 9 tháng tuổi. Các mẹ đừng phá vỡ quy luật này. Theo tiến sĩ Kurt Heyrman, các mẹ nên chắc chắn bé đã có một số kỹ năng nhất định như có thể ngẩng đầu lên, cân bằng cơ thể và các cơ.

bé tập ngồi

Sẵn sàng để ngồi

Từ khi sinh ra, trẻ nhỏ thường nằm sấp, đó là thời gian để trẻ vận động phần bụng và giúp phát triển cổ, dạ dày, các cơ ở lưng. Nhìn chung, các cơ của bé trở nên chắc hơn từ đầu tới chân, vì vậy phần cơ cổ của bé sẽ có sức nâng và tiếp đến là phần lưng trên và lưng dưới. Các mẹ nên biết rằng các cơ này sẽ trở nên mạnh mẽ, cứng cáp hơn khi bé nâng đầu lên một khoảng so với bề mặt ngang khi bé nằm sấp. Để giúp trẻ có được những kỹ năng vận động, các mẹ nên thay đổi vị trí của bé thường xuyên. Ví dụ, chuyển bé từ nằm ngửa sang nằm sấp hoặc từ giường cũi xuống sàn nhà.

Tiến sĩ Kurt Heyrman lưu ý rằng chỉ để bé nằm sấp khi bé tỉnh táo và các mẹ luôn ở trong phòng để hỗ trợ trẻ.

Những khó khăn khi nằm sấp

Lúc đầu, các bé thường không thích nằm sấp nhưng đây là khoảng thời gian rất quan trọng với bé. Đó là cách bé khởi động các cơ cần thiết cho việc ngồi và những giai đoạn tiếp theo trong tương lai. Các mẹ thường làm cho bé thấy dễ chịu bằng cách đặt bé nằm sấp trên ngực mình và để cho bé nhìn mình. Sau đó, các mẹ có thể thử đặt một cái gối hình chữ C dưới nách của bé và để đầu của bé hơi nâng lên cao so với mặt đất.

Kiểm soát bé

Khi bé có thể tự nâng đầu (thường trong khoảng 3-4 tháng tuổi), các mẹ có thể để bé ngồi ở ghế tập ngồi cho bé. Lưu ý rằng, các mẹ phải luôn để mắt tới bé trong khi bé ngồi ở ghế đó hoặc chỗ nào khác tương tự. Các mẹ có thể sử dụng gối mềm hoặc đệm lót để hỗ trợ trẻ và giúp bé ngồi vững.

Khi trẻ lớn hơn, bé sẽ có thể ngồi được vài giây. Lúc đầu, bé sẽ nghiêng ngả. Bé có thể giữ đầu cao, thẳng và hơi thăng bằng được một chút nhưng thường chỉ trong một vài giây rất ngắn. Mặc dù các bé có thể bị ngã nhào xuống ở trong giai đoạn này nhưng các mẹ đừng lo lắng vì đó là bé mới đang tập rèn luyện. Nên giữ kiên nhẫn vì theo tiến sĩ Heyrman “Trẻ nhỏ được 6 tháng tuổi thì phần lớn các bé chỉ có thể tự mình ngồi được khoảng 1 hoặc 2 giây”.

Giữ thăng bằng cho bé

Trẻ cần học giữ thăng bằng trước khi có thể tự ngồi một mình. Mặc dù các cơ trên cơ thể có thể giúp bé làm việc này nhưng đó chưa phải là tất cả. Sự cân bằng là sự liên kết thần kinh cơ nên trước khi trẻ sẵn sàng ngồi được, trẻ cần có năng lượng đặc biệt cho não. Để giúp bé làm được việc này, các mẹ nên để trẻ ngồi ở góc ghế dựa để trẻ cảm thấy có động lực muốn ngồi. Nếu các mẹ muốn tham gia cùng bé, hãy ngồi xuống sàn, để hai chân bắt chéo và đặt bé ngồi ở khoảng giữa bắp chân và cổ chân vì nó an toàn cho bé.

[adinserter block=”12″]

Ngồi một mình như kiểu kiềng ba chân

Khi trẻ học ngồi thẳng, thường sẽ đặt một hoặc cả hai cánh tay xuống sàn để giúp ổn định cơ thể. Có thể hiểu là bé đang giúp di chuyển trọng lượng cơ thể vào các cánh tay làm trụ cột. Đây là kiểu ngồi có dáng giống kiềng ba chân. Cho đến khi trẻ phát triển các cơ bên trong chắc chắn hơn, trẻ vẫn cần được giữ thăng bằng khi cố gắng ngồi một mình. Nên để trẻ ngồi ở khu vực nào đó mềm mại trong khoảng những tuần đầu tập ngồi để nếu bé có ngã cũng không bị đau.

Lúc bé được khoảng 4 tháng tuổi, trẻ bắt đầu để ý hơn đến những gì diễn ra xung quanh mình. Trẻ có thể bị thu hút bởi những thứ xung quanh mà mất đi việc giữ thăng bằng cho cơ thể. Cần luôn luôn theo dõi bé và để bé tránh xa những vật dụng cứng như bàn, ghế (đặc biệt là vùng cạnh nhọn) vì bé có thể bị ngã mà va đập vào đó.

Những đồ vật có thể trợ giúp bé

Những cơ ở phần cổ, lưng trên và lưng dưới đều rất cần thiết cho việc bé tự ngồi một mình. Bên cạnh việc dựng bé ngồi lên, các đồ dùng hỗ trợ như gối tựa, ghế tập ngồi có kích thước nhỏ cũng góp phần giúp bé luyện tập kỹ năng ngồi và là cách tốt để kích thích các cơ phát triển.

Các mẹ cần làm gì

Để trẻ nằm ngửa rồi các mẹ hãy từ từ kéo bé lên tới vị trí như ngồi. Tiến sĩ Heyrman cho rằng cách tốt nhất để học là bị rủ rê bắt trước. Trẻ thích nhìn thấy mình trong gương. Hãy đặt gương hơi cao một chút để làm bé có cảm giác muốn nhìn vào đó, như vậy sẽ kích thích khả năng ngồi cho bé. Một ý tưởng hay khác để thúc đẩy các cơ là giữ bên dưới hai cánh tay của bé và để cho bé đứng trên sàn. Trẻ không thể tự đứng nhưng giữ trẻ ở vị trí đó sẽ giúp phát triển các cơ bên trong.

Sự chuẩn bị cần thiết

Một khi bé có thể tự ngồi, các mẹ cần điều chỉnh một số thứ trong phòng của bé. Khi được 6 tháng tuổi, tay của bé đã chắc khỏe hơn và có thể cầm nắm mọi thứ. Hãy kiểm tra những thứ xung quanh giường cũi của bé và chắc chắn để những vật dụng nguy hiểm tránh xa tầm với của bé. Bên cạnh đó cũng nên hạ thấp đệm lót cũi để bé không thể vượt ra khỏi cũi được.

Lưu ý

Mặc dù bé đủ khỏe mạnh để giữ đầu được nâng lên và tự ngồi được nhưng bé vẫn chưa thể ngồi quay mặt về phía trước trong xe ô tô vì vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao khi xe đột ngột phanh gấp. Nên giữ trẻ trong ghế carseat và để ở phía sau.

Giai đoạn tiếp theo – Bò

Sau khi trẻ có khả năng ngồi thẳng, trẻ sẽ tiếp tục phát triển các cơ phần dưới cơ thể. Bé sẽ có đủ lực để xoay hông lúc đó hoặc một thời gian ngắn sau khi đã học ngồi. Không lâu sau trẻ sẽ bò được khi đã biết ngồi.

(Theo Parents – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment