Những cảm nhận của bé về bố mẹ

Trẻ dưới 6 tháng tuổi: “Thân thiện” với mọi người

Trẻ sơ sinh không thể cảm nhận được thế  giới bên ngoài ngay trong lần đầu tiên. Nhưng việc mẹ ở bên cạnh bé ngày qua ngày là điều rõ ràng nhất với bé, mỗi lần mẹ bế bé sẽ cảm nhận được mùi cơ thể mẹ, cái vuốt ve và tiếng nói của mẹ, bé dần quen với cách bú hoặc nghe mẹ dỗ dành. Theo tự nhiên bé “đã biết” mẹ khi còn ở trong thế giới nhỏ bé là bụng mẹ. Bé có thể nhận biết mẹ với những người đến và đi nhanh chóng.

trẻ sơ sinh

Trong khoảng 3 tháng, bé sẽ nhận ra khuôn mặt mẹ rõ hơn, đó là khuôn mặt quen thuộc duy nhất với bé và bé sẽ phản ứng với mẹ gần gũi hơn so với những người khác. Tuy nhiên, hầu hết trẻ trong suốt 6 tháng đầu đều tỏ ra “thân thiện” và mỉm cười với mọi người, hầu như ai cũng đều có thể bế, và khi đó bố mẹ cũng sẽ rất thích thú với những lời tán dương của mọi người về sự thân thiện của bé. Tuy nhìn chung các bé đều “thân thiện”, nhưng bé cũng sẽ dần hình thành phản ứng đặc biệt mạnh mẽ với người mẹ.

Khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi: Sợ hãi người lạ

Phản ứng của bé sẽ thay đổi đột ngột khi đến 6 tháng tuổi. Bé bám lấy mẹ: chỉ theo mẹ và khóc khi có người lạ. Mẹ là nơi trú an toàn đối với bé, có thể bé không theo bố và ông bà. Có thể khi đó bố sẽ thấy buồn vì bé không theo, ông bà cũng bối rối thậm chí là thiếu kiên nhẫn khi bé không chịu ngồi yên cho bế. Bé sợ hãi khi xa mẹ và khóc nếu không có mẹ bên cạnh. Điều này không thể hiện sự chậm tiến của trẻ hay trẻ hư, mà việc nhận diện người lạ là bước quan trọng trong sự phát triển của trẻ.

Trong suốt những tháng trước đó, mẹ là người chia sẻ niềm vui, lo lắng, chăm sóc bé khi bé ốm, nắm được cơ thể bé, và hiểu những ý muốn của bé khi bé chưa thể nói. Chính điều này và sự gắn kết thể chất giữa hai mẹ con đã khiến người mẹ trở thành người thân thuộc nhất với bé, người mà bé muốn ở bên cạnh.

Khi không có mẹ, bé sẽ biết được điều đó và sợ hãi. Do đó, bé sẽ tìm đến một nơi an toàn là người gần gũi với bé nhất, những người còn lại đôi lúc có thể bé không theo.

Giai đoạn khi bé biết “nhận ra người lạ” có thể khiến bố mẹ thấy khó khăn và mệt mỏi, nhưng đó là giai đoạn bình thường và cần thiết cho sự phát triển cảm xúc xã hội của bé. Đây là bước đầu tiên để hướng tới khả năng nhận biết người lạ và người quen, đó là khả năng để bé hòa nhập trong các mối quan hệ lâu dài sau này.

Trẻ sau 9 tháng tuổi: Hình thành các mối quan hệ

Cảm giác sợ người lạ kéo dài trong khoảng từ 2 đến 8 tuần, thậm chí khi đó bé vẫn còn rụt rè với bố. Nhưng đến tháng thứ 8 hoặc 9, bé sẽ thay đổi điều đó. Mức độ gần gũi với bố cũng thể hiện sự sẵn lòng và gắn bó của bố. Bé biết đến bố và chơi với bố nhưng bố ít có ảnh hưởng hơn, vì người bố đóng vai trò trụ cột đồng nghĩa với việc bố không thể chăm sóc liên tục như mẹ. Tuy nhiên, sự gắn kết với bố sẽ dần tăng lên khi bé lớn hơn.

Dần dần bé hình thành các mối quan hệ khác với những người thân trong gia đình, và có thể là những người khác nữa nhưng điều này cũng tùy vào mức độ thân thiết giữa bé với người đó. Thái độ của bé với những người khác sẽ dè dặt. Khi đó bé đã phân biệt được rõ hơn người thân trong gia đình, người quen và người lạ. Huyết thống không có vai trò quyết định trong việc này, vì sự quen thuộc của bé với người hàng xóm ở gần có khi còn hơn cả người bà ở xa.

Đến tháng thứ 12, bé sẽ bò và có thể là đi, bé tò mò về thế giới xung quanh; mạnh dạn chập chững những bước đi cách xa bố mẹ một khoảng nhưng sẽ nhanh chóng quay lại phía an toàn là bố mẹ nếu bé thấy sợ hãi hay khi mệt mỏi hoặc tổn thương; bé không còn dễ dàng gần gũi với những người quen khác như khi còn 4 hay 5 tháng tuổi.

[adinserter block=”12″]

Trẻ hơn 1 tuổi

Trong giai đoạn năm 2 tuổi và 3 tuổi, ý nghĩa của sự gắn kết giữa bé với bố mẹ sẽ rõ ràng hơn. Bé đã bắt đầu thể hiện những cử chỉ “cho đi” thể hiện yêu thương với bố mẹ. Bé muốn chia sẻ hơn, thậm chí là đưa cho bố mẹ cắn 1 góc miếng bánh của mình; bé thể hiện sự quan tâm nếu cho rằng bố mẹ bị đau hoặc không vui, và muốn thơm bố mẹ nhiều hơn. Bé bắt đầu biết yêu thương.

Khi bé lớn hơn, bố mẹ bắt đầu mong đợi những hành động trưởng thành hơn ở bé, và bé cố gắng làm tất cả những gì bố mẹ yêu cầu vì bố mẹ là những người bé yêu quý. Cũng sẽ có những lúc bé làm sai. Bé cũng sẽ được bố mẹ hướng dẫn đi vệ sinh, thay đổi cách nói của bé khi bé có hành vi không kiểm soát.

Bố mẹ là người gần gũi với bé và bé rất yêu thương, bé cũng thích thú khi được bố mẹ hài lòng về mình nên bé làm theo những yêu cầu của bố mẹ. Bố mẹ sẽ là người thông cảm với những cảm xúc của bé và cho bé có thời gian để thực hiện; họ kiên nhẫn khi bé sai sót và khích lệ những điều bé cố gắng.

Lúc đầu bé sẽ làm theo những điều bố mẹ nói khi có bố mẹ ở ngay đấy nhắc nhở; nhưng những hành vi này sẽ sớm trở thành thói quen của bé và không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình mà phát triển dựa trên hành vi mang tính xã hội.

(Tác giả: James và Joyce Robertson)

(Theo naturalchirld – Tăng Minh Nga dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment