Nguồn cung sữa mẹ và nhu cầu của bé

Út Em chào các mẹ. Cho dù mới làm mẹ lần đầu hay đã có nhiều kinh nghiệm chăm sóc con thì việc chăm sóc trẻ nhỏ vẫn luôn có những vấn đề khó khăn.

Dưới đây là một số câu trả lời cho những câu hỏi mà các mẹ dù đã từng hay lần đầu sinh con thường thắc mắc trong quá trình cho con bú, đặc biệt là vấn đề về nguồn cung sữa mẹ và nhu cầu về sữa của trẻ nhỏ.

Làm sao để tăng được nguồn cung sữa mẹ?

nguồn cung sữa mẹ

Nguồn cung sữa mẹ thường phụ thuộc vào sự kích thích do trẻ tạo ra trong thời gian bú mẹ. Nói một cách khác, các mẹ càng cho con bú nhiều thì sữa tiết ra càng nhiều. Do vậy, nếu các mẹ cảm thấy mình tiết ít sữa hơn bình thường thì hãy cố cho trẻ bú nhiều hơn nữa. Ngoài ra, việc hút sữa sau khi cho con bú cũng là cách để kích thích việc tiết sữa được nhiều hơn.

Tình trạng cơ thể căng thẳng, mệt mỏi và việc sử dụng nhiều thuốc cũng là nguyên nhân làm giảm nguồn cung sữa mẹ tạm thời. Các mẹ nên uống nhiều nước, ăn những thực phẩm tươi ngon, giàu dưỡng chất để cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, các mẹ nên dành thời gian chăm sóc bản thân dù chỉ khoảng 15-30 phút mỗi ngày.

Trường hợp trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi nhưng các mẹ không được ở gần bé cả ngày giống như phải đi làm chẳng hạn, các mẹ có thể vắt sữa bằng máy hoặc bằng tay sau khoảng 3 tiếng mỗi lần để duy trì nguồn sữa được tiết ra.

Sữa mẹ được vắt ra có thể được bảo quản trong phòng lạnh khoảng 6-8 tiếng đồng hồ hoặc trong tủ lạnh đến tận 5 ngày mà vẫn tươi ngon cho bé. Nếu các mẹ bảo quản sữa trong tủ lạnh, đừng bao giờ để nó ở vị trí cánh tủ lạnh.

Nếu không dùng sữa cho bé trong vòng 5 ngày thì các mẹ nên để sữa trong ngăn đá. Sữa được vắt ra có thể được bảo quản an toàn ở ngăn đá tủ lạnh (có cửa đóng kín phân tách hẳn với ngăn mát) đến tận 3-6 tháng, thậm chí để được khoảng 6-12 tháng nếu để nhiệt độ lạnh hơn nữa.

Nếu nguồn cung sữa mẹ vẫn ít, khiến các mẹ lo lắng thì các mẹ có thể nói chuyện với bác sĩ, chuyên gia nhi khoa hoặc những người chuyên tư vấn về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Nếu chờ đợi để cho con bú thì nguồn cung sữa mẹ có tăng lên không?

Thực tế thì không đâu mà còn ngược lại các mẹ nhé. Việc chờ đợi để cho bé bú hoặc hút sữa có thể làm giảm nguồn cung sữa mẹ một cách từ từ. Các mẹ càng trì hoãn việc cho con bú hoặc vắt sữa thì sữa mẹ tiết ra càng ít bởi vì khi ngực đầy sữa, cơ chế tín hiệu của cơ thể sẽ cho rằng các mẹ không cần nhiều sữa nữa.

Khi trẻ lấy lại được cân nặng khi mới sinh, các bé sẽ ngủ lâu hơn vào buổi tối nên thời gian cho con bú đêm cũng bị kéo dài hơn. Việc để bé ngủ giấc dài vào buổi tối cũng không ảnh hưởng đến nỗ lực cho con bú của các mẹ. Các bé có thể sẽ bú nhiều hơn trong những lần cho bú nên cứ để bé ngủ nhiều hơn vào buổi đêm. Cơ thể của các mẹ sẽ tự điều chỉnh để đáp ứng khoảng thời gian cho bú dài hơn đó.

Nhiều mẹ bị thức giấc giữa đêm do ngực bị căng sữa nhưng bé lại vẫn đang ngủ. Nếu tình trạng này xảy ra, các mẹ có thể hút sữa ra cho thoải mái và điều này cũng giúp cơ thể điều chỉnh theo lịch trình mới của bé yêu vào ban đêm.

Khoảng thời gian cho con bú thường cách nhau 1-3 tiếng mỗi lần trong vài tháng đầu tiên nhưng sau đó có thể kéo dài hơn 4 tiếng. Nếu các mẹ cắt giảm việc cho con bú trong ngày có thể dẫn đến tình trạng nguồn cung sữa giảm dần theo thời gian.

Nếu các mẹ để ý đến những dấu hiệu của bé và cho bé bú kịp thời, nguồn cung sữa mẹ sẽ được duy trì ổn định đáp ứng được nhu cầu của bé.

Nếu các mẹ tiết quá nhiều sữa thì phải làm sao?

Trong khi một số mẹ thấy rằng nguồn sữa của mình tiết ra quá ít nhưng một số mẹ khác lại tiết quá nhiều sữa. Một số cơ thể của các mẹ lại tiết ra nhiều sữa hơn nhu cầu của bé. Khi đó, các mẹ buộc phải hút sữa bằng máy hoặc dùng tay vắt sữa sau mỗi lần cho bé bú để không bị tức ngực.

Tuy nhiên, nếu các mẹ muốn vắt sữa để làm giảm cảm giác khó chịu thì cũng chỉ nên vắt ra một lượng sữa vừa phải để đỡ tức ngực, không nên hút quá nhiều đến tận khi hết cả sữa bên trong ngực lúc đó.

[adinserter block=”12″]

Các mẹ nên thay đổi bên ngực trong mỗi lần cho bé bú. Hãy để bé bú một bên ngực đến tận khi bên ngực đó mềm hơn hoặc bé cảm thấy no. Nếu bé chưa thực sự no khi bú một bên, hãy để bé bú tiếp bên ngực còn lại.

Một vài mẹ đã thử cách chỉ cho bé bú một bên ngực để giảm nguồn sữa tiết ra. Sau đó, họ nhận thấy rằng nguồn cung sữa và phản xạ xuống sữa (hay còn gọi là phản xạ tiết sữa) dễ dàng được kiểm soát hơn.

Đôi khi sữa của các mẹ tiết ra quá nhiều khiến cho bé bị nghẹn và bỏ ti. Nếu các bé vẫn tiếp tục bú và kiểm soát được lượng sữa thì các mẹ không cần phải làm gì đâu. Trường hợp các bé bỏ ngậm ti và bị ho, các mẹ hãy đặt bé theo tư thế ợ hơi. Vỗ nhẹ vào lưng bé để bé lấy lại bình tĩnh. Các mẹ nên lấy khăn để bịt đầu ti lại tránh sữa chảy ra quá nhiều và cho bé bú lại khi bé đã ổn định và sẵn sàng bú tiếp.

Cho bé bú theo tư thế thẳng người (để đầu ở trên ngực) cũng có thể làm giảm áp lực sữa tiết ra. Tư tế nằm nghiêng về một phía cũng giúp dòng sữa tiết ra ngoài chậm hơn.

Nếu bé chỉ thích bú một bên thì có tốt không?

Một số trẻ chỉ thích bú một bên ngực nào đó của các mẹ. Nếu tình trạng này xảy ra, hãy cứ duy trì khả năng tiết sữa ở cả hai bên ngực (hạn chế sự tức ngực), cố gắng thay đổi bên ngực cho bé bú, có thể để bé bú một bên đến khi bên đó mềm hơn thì chuyển cho bé bú bên kia. Điều này giúp bé nhận được cả nguồn sữa sau (hindmilk) béo ngậy và chứa nhiều năng lượng hơn nguồn sữa trước (foremilk) chảy ra ngay từ lúc đầu mới bú.

Một số bé có thể bú sang cả ngực thứ hai nhưng nhiều bé bú một bên ngực đã no rồi. Sau khi bú xong, nếu cả hai bên ngực đều cảm thấy thoải mái thì các mẹ không cần hút sữa ra. Nếu một bên ngực bị căng sữa khiến các mẹ thấy khó chịu, các mẹ nên vắt sữa ra bằng tay hoặc bằng máy để dễ chịu hơn.

Dĩ nhiên, trường hợp các bé không chịu bú một bên nào đó, các mẹ vẫn nên hút sữa ra để duy trì khả năng tiết sữa cho đến khi bé yêu chịu bú cả hai bên ngực.

(Dịch từ bài viết “Breastfeeding FAQs: Supply and Demand” – website Kidshealth – chuyên gia tư vấn tiến sĩ Elana Pearl Ben-Joseph – Phạm Thị Thủy dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment