Mùa đông rồi, làm sao để bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Đây là một câu hỏi hay, và hẳn cũng là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ. Các virus gây cảm lạnh và cảm cúm vẫn len lỏi khắp mọi nơi, từ nhà chúng ta đến nhà trẻ nơi con theo học. Là một người mẹ, Út Em vẫn ước giá như có cách nào đó bảo vệ con khỏi sự đe dọa của hàng tỉ loại virus vi khuẩn ngoài kia. Liệu có không?

bảo vệ trẻ sơ sinh

“Tôi e là không”, ông Paul Offit, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Nhi Philadelphia cho hay. Vào mùa đông, rất nhiều loại virus lơ lửng trong không khí, vì vậy nếu có một người đang mang virus ở vị trí cách bé khoảng từ 1.5 -2m, khi hít thở, bé cũng dễ dàng bị lây những loại virus này.

Thêm vào đó, trên thực tế hầu hết những người nhiễm virus vào mùa đông đều bị lây nhiễm trước cả khi họ có những triệu chứng của bệnh. Vì vậy, dù các mẹ có cố gắng tránh để con tiếp xúc với những người đang bị sụt sịt, bị ho hay hắt hơi đi chăng nữa cũng không thể bảo đảm được rằng con sẽ không bị lây bệnh từ những người này.

Ông Offit cũng cho biết: Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cho bé tiếp xúc với không khí lạnh hoặc ẩm ướt hoàn toàn không làm gia tăng nguy cơ cảm lạnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đúng là không có phương pháp nào có thể bảo đảm con sẽ không bị ốm, tuy nhiên các mẹ đừng buông xuôi. Vẫn có một vài mẹo đơn giản các mẹ có thể áp dụng để chống lại mầm bệnh và giúp con khỏe mạnh nhất có thể vào mùa đông này đấy.

Vậy tôi nên làm gì?

Thực tế thì dù các mẹ có làm gì đi chăng nữa, việc con bị cảm lạnh một vài lần trong mùa đông này là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy vậy, để giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ con bị ốm, các mẹ có thể thực hiện những “chiến thuật” chống mầm bệnh sau đây:

Cả mẹ và con – chúng ta cần rửa tay thật sạch

Rửa tay cẩn thận và thường xuyên là cách đơn giản và hiệu quả nhất để “tống khứ” các loại virus, vi khuẩn gây cảm lạnh và cảm cúm. Các mẹ nên rửa tay sạch sau khi thay tã, lau mũi và trước khi chuẩn bị thức ăn cho con.

Tay con cũng cần được vệ sinh thường xuyên – đặc biệt là trước khi ăn (với các bé đang ăn dặm) và khi con ở nhà trẻ hoặc ở ngoài đường về.

Nếu nhà có trẻ lớn, đặc biệt là khi không may trẻ lớn bị ốm, các mẹ cũng nên khuyến khích các con rửa tay thật sạch sẽ nhé. Các mẹ hoàn toàn không cần chi nhiều tiền cho những loại xà bông diệt khuẩn quá đắt đỏ, bất kỳ loại xà bông diệt khuẩn nào cũng có thể loại bỏ vi khuẩn khỏi bề mặt da chúng ta.

Các mẹ cũng cần đảm bảo những người trực tiếp chăm sóc con cũng lưu ý đến vấn đề này. Nếu bé ở nhà trẻ, mẹ có thể tìm hiểu ở đó việc rửa tay cho các bé diễn ra thế nào. Nếu cảm thấy như vậy là chưa đảm bảo sức khỏe cho các con, các mẹ có thể đề nghị thay đổi, đồng thời chia sẻ với những người chăm sóc bé rằng rửa tay thường xuyên cũng là một cách để đảm bảo sức khỏe của chính họ.

Nếu bé đi nhà trẻ, lưu ý các chính sách với trẻ bị ốm

Các mẹ cần đảm bảo nhà trẻ có chính sách cách ly những bé ốm với bé khỏe mạnh. Nếu các bé có các triệu chứng như sốt, cảm cúm, nôn, tiêu chảy, các bệnh về mắt, một số nhà trẻ sẽ yêu cầu bố mẹ cho bé ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi các triệu chứng này biến mất.

Nếu thường xuyên nhận thấy có nhiều bé ốm ở nhà trẻ của con, có lẽ đây chính là lúc trò chuyện với cô giáo hoặc giám đốc trung tâm về việc thực hiện nghiêm ngặt hơn những quy định với trẻ bị ốm. (Tất nhiên, trẻ ốm có thể đã lây virus sang cho các bạn từ trước khi các bé có triệu chứng rõ ràng, tuy vậy chúng ta vẫn không mong muốn những virus từ các bé lây lan rộng hơn)

Tiêm phòng cho con

Các mẹ có thể bảo vệ con khỏi một số loại virus và vi khuẩn một cách đơn giản bằng cách tiêm phòng thường xuyên cho con. Theo đó, con cần được tiêm phòng hằng năm kể từ khi con được sáu tháng tuổi.

Dùng các biện pháp tự nhiên để tăng cường khả năng miễn dịch cho con

Để mang lại cho con khả năng miễn dịch tối ưu, mẹ nên cho con bú sữa mẹ. Khi con chuyển sang giai đoạn ăn dặm, việc cung cấp cho con những bữa ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp con phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên cố gắng lập một thời gian biểu nghỉ ngơi và vui chơi một cách điều độ cho con.

[adinserter block=”12″]

Nếu không may con bị ốm, tôi phải làm gì?

Trung bình các bé có thể bị cảm khoảng từ tám đến mười lần một năm. Vậy nên chắc chắn mùa đông này, bé cũng rất có thể bị virus tấn công dù mẹ có nỗ lực ngăn chặn điều này thế nào đi chăng nữa. Khi con bị ốm, điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho con là giúp con cảm thấy dễ chịu hơn. Và dưới đây là một vài mẹo nhỏ mà các mẹ có thể tham khảo và áp dụng:

Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho con

Nước muối sinh lý làm dịch nhầy trong mũi loãng hơn, giúp mũi con thông thoáng, làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Để có kết quả tốt nhất, các mẹ có thể sử dụng ống nhỏ mũi hình bóng tròn: Nếu bé “hợp tác”, mẹ có thể nghiêng nhẹ đầu con ra phía sau, sau đó nhẹ nhàng bóp ống hút để nước muối đi vào mũi con. Tiếp đó, dùng bóng hút để hút dịch nhầy trong mũi của con ra. Các mẹ nên làm như vậy vài lần trong ngày.

Cho con nghỉ ngơi đầy đủ

Thực sự thì nói luôn dễ hơn làm. Các mẹ có biết, con được nghỉ ngơi càng nhiều, con sẽ càng nhanh khỏe hơn. Ngoài giấc ngủ chính, trong ngày nên để con ngủ thêm một đến hai giấc ngắn. Vào những lúc con không ngủ, bố mẹ có thể đọc sách cho con nghe, cùng con xem một đoạn video hoặc cùng chơi đồ chơi với con.

Tăng độ ẩm

Duy trì độ ẩm thích hợp rất cần thiết, nhất là những lúc con ngủ, khi những cơn ho kéo dài hoặc việc khó thở làm con mệt hơn. Độ ẩm từ máy tạo độ ẩm sẽ giúp làm lỏng dịch nhầy ở mũi và họng con, làm dịu cơn ho và giảm bớt tình trạng nghẹt mũi.

Cho con có đủ nước trong cơ thể

Khi bị ốm, cơ thể con dễ bị mất nước nhanh chóng – đặc biệt là khi con bị sốt hoặc bị tiêu chảy. Để bù đắp lại lượng nước bị mất, mẹ nên cho bé bú hoặc uống sữa thường xuyên (trẻ sơ sinh hạn chế uống nước thông thường, trẻ tiếp nhận nước thông qua sữa mẹ hoặc bú bình). Nếu các mẹ nghĩ con bị mất nước, cũng có thể cho con uống một ít nước hoặc dùng các sản phẩm bù điện giải nếu con được bốn tháng tuổi trở lên.

Nếu con đã ăn dặm, mẹ có thể cho con uống thêm nước ép trái cây (nước dưa hoặc nước cam), nước trái cây pha loãng hoặc nước trái cây đông lạnh đều được.

Cần biết khi nào thì nên đưa con đến bác sỹ

Trong khi hầu hết các loại virus vào mùa đông có thể tự biến mất sau một vài ngày, một số loại lại có thể biến thể thành các loại nguy hiểm hơn, gây ra những loại bệnh nghiêm trọng, cần được điều trị ngay.

Mẹ nên đưa bé đến bác sỹ ngay nếu thấy con giật tai (đây có thể là biểu hiện của nhiễm trùng tai), thở khò khè hoặc khó thở (biểu hiện của bệnh viêm phế quản hoặc viêm phổi), bị nôn hoặc tiêu chảy (dễ dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng)

Mẹ cũng nên đưa con đến bác sỹ nếu con nhỏ hơn ba tháng tuổi và bị sốt từ 38 độ trở lên. Ở độ tuổi này, con cần được kiểm tra một cách cẩn thận về các bệnh lý hoặc các loại nhiễm trùng nguy hiểm.

Nếu con được ba tháng tuổi trở lên, các mẹ có thể xin hướng dẫn của bác sỹ trong trường hợp nào thì nên đưa con đến bệnh viện. Thông thường, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện nếu bé từ 3 đến 6 tháng tuổi và con bị sốt khoảng từ 38.3 độ trở lên, nếu con trên 6 tháng tuổi, cần đưa con đến bác sỹ nếu kết quả đo nhiệt độ từ 39.4 độ trở lên.

Hãy dành thời gian để âu yếm con

Khi bị ốm, con cần sự quan tâm nhiều hơn. Vậy nên ngoài việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể con thường xuyên, bố mẹ hãy dành thời gian quan tâm con nhiều hơn nhé.

Luôn tích cực

Khi chăm sóc con nhỏ bị ốm, bố mẹ cần hiểu rằng những đợt ốm trong mùa đông rồi cũng sẽ hết trong vòng một tuần hoặc lâu hơn chút – và những đợt ốm ấy cũng có những lợi ích riêng – giúp hệ miễn dịch của con sẽ dần phát triển và hoàn thiện hơn.

Khi con lớn lên, hệ miễn dịch đủ mạnh để chống lại rất nhiều trong số 200 loại virus thường gây ra cảm lạnh thông thường, số ngày của mỗi đợt cảm cúm sẽ ít dần đi. Lúc này, hãy tiếp tục giữ thói quen rửa tay thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của con yêu nhé!

(Theo Babycenter – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment