Mẹ đã biết cách cho bé bú chưa?

Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ từ 8 đến 12 lần mỗi ngày trong tháng đầu tiên. Nếu mẹ thấy bé bú thường xuyên hơn bé khác được nuôi bằng sữa công thức thì điều này cũng dễ hiểu.

Lý do vì sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn sữa công thức, nên được chuyển vào hệ tiêu hóa của con nhanh hơn, nên em bé của mẹ cũng dễ đói với mức độ thường xuyên hơn.

Ngoài ra cho bé bú thường xuyên cũng giúp kích thích khả năng sản xuất sữa mẹ trong những tuần đầu tiên.

Tới khi bé được khoảng 1 hoặc 2 tháng tuổi, việc cho bé bú sữa mẹ có thể được thực hiện từ 7 – 9 lần mỗi ngày.

mẹ cho con bú

Trước khi nguồn sữa được tạo ra, hãy cho trẻ bú theo nhu cầu (khi bé đói), thường từ 1,5 tới 3 giờ mỗi lần.

Khi con lớn hơn, mức độ thường xuyên cũng giảm đi và một thời khóa biểu đáng tin cậy được phát triển.

Một số bé có thể bú sau 90 phút một lần, trong khi những bé khác lại từ 2 tới 3 giờ ở mỗi lần cho bú.

Mẹ KHÔNG nên để các bé sơ sinh bị đói trong khoảng thời gian 4 tiếng, thậm chí là qua đêm.

Thời điểm cho em bé bú được tính từ lúc bé bắt đầu ti hay kết thúc?

Mẹ có thể tính khoảng thời gian giữa những lần cho em bé bú từ khi bắt đầu ti – hơn là khi kết thúc – tới khi em bé bắt đầu bú tiếp.

Nói cách khác, khi bác sỹ hỏi em bé bú thường xuyên như thế nào, mẹ có thể trả lời “khoảng 2 tiếng một lần”, nghĩa là nếu mẹ cho em bé bú bắt đầu từ 6h thì lần cho bú tiếp theo là khoảng 8h, rồi lại tiếp đến 10h,…

Thời gian đầu mẹ có thể cảm thấy mình phải căn đồng hồ tới giờ cho em bé bú và điều này là hết sức bình thường. Nhưng rất nhanh sau đó, cả mẹ và bé sẽ tạo lập được một thói quen hay một lịch trình có thể đoán trước được.

Làm thế nào mẹ biết được bé đã sẵn sàng bú mẹ?

Thông thường các mẹ được khuyên nên cho con bú bất cứ khi nào con đói. Khi con khóc, đó cũng là một dấu hiệu thể hiện con đói rồi.

Hãy cố gắng cho bé ăn trước khi bé đói quá đến mức khó chịu và không dễ dỗ dành.

Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý một điểm quan trọng là không phải lần nào bé khóc cũng có nghĩa là bé đói. Đôi khi bé chỉ cần được ôm ấp hoặc trở mình một chút. Hoặc có khi do bé bị kích thích thái quá, bé chán nản, hoặc đang bị quá nóng hoặc quá lạnh.

Những dấu hiệu em bé đói bao gồm:

  • Di chuyển đầu từ bên này sang bên kia
  • Bé cứ há miệng suốt
  • Ngọ nguậy lưỡi
  • Cho tay hoặc cả bàn tay vào miệng
  • Chu miệng lại như là đang bú
  • Rúc vào ngực mẹ
  • Phản xạ căn bản (khi em bé chuyển động miệng theo hướng có vật gì đó chạm vào má)

Mẹ nên cho em bé bú trong vòng bao lâu?

Điều này còn phụ thuộc vào cả mẹ và bé cũng như các yếu tố liên quan khác như:

  • Sữa của mẹ đã về hoàn toàn chưa?
  • “Phản xạ sữa xuống” (khiến sữa chảy xuống từ núm vú) có ngay lập tức không hay cần vài phút rồi mới cho bú được?
  • Mẹ có đặt em bé ở tư thế đúng với ngực của mình không?
  • Em bé có xu hướng bú luôn hay lừng chừng một chút rồi mới bú?
  • Em bé có ngủ ngon không hay dễ bị đánh động (đặc biệt có thể xảy ra ở những em bé lớn hơn)?

Cho em bé bú bao lâu cũng phụ thuộc vào độ tuổi của bé. Đối với các bé lớn hơn, bé bú thành thạo rồi, vì thế có thể chỉ cần 5 đến 10 phút cho bé bú mỗi bên, trong khi những em bé sơ sinh lại cần cho bú tới 20 phút ở mỗi bên ngực của mẹ.

Phải chắc rằng em bé được bế chính xác ngay từ đầu để đảm bảo việc bé bú năng suất nhất có thể.

Quan trọng là bé được cho ăn với chiếc miệng mở rộng, cả miệng lấp đầy bầu vú mẹ (chứ không phải chỉ ngậm ở mỗi đầu ti mẹ).

Hãy nhớ gọi bác sỹ nếu mẹ lo lắng về khoảng thời gian cho bé bú – để xem xét liệu chúng có quá dài hay quá ngắn hay không.

Hãy duy trì sữa mẹ ở cả hai bên ngực – và tránh tình trạng ứ sữa ở một bên sẽ gây đau – mẹ cần lưu ý luân phiên giữa các bên ngực và cố gắng để cả hai đều được bú trong ngày.

Lại một lần nữa, khoảng thời gian là khác nhau ở mỗi bé và ở cả bản thân các mẹ nữa – một số sẽ hài lòng sau 5 phút ở mỗi bên ngực, số khác lại cần tới 10 hoặc 15 phút.

Một số chuyên gia đề nghị:

Nên chuyển ngực giữa mỗi lần cho bú và luân phiên đổi ngực ở mỗi lần này.

Sẽ thế nào nếu mẹ không thể nhớ ngực nào đã cho bé bú trước đó? Một số phụ nữ cảm thấy hữu ích khi theo dõi một loại nhắc nhở tế nhị – bằng cách gài một chiếc ghim an toàn hoặc dải dây nhỏ – vào quai áo ngực cho biết ngực nào mẹ vừa cho ăn, và sẽ biết bắt đầu với ngực bên kia cho lần bú tiếp theo.

Hoặc, các mẹ có thể giữ một cuốn sổ chép tay theo dõi tình hình bé bú mẹ như thế nào.

Em bé của mẹ dường như thích bú cả hai bên với mỗi lần cho bú và có thể bú rất ngon lành. Hoặc, cũng có những bé chỉ thích bú ở một bên ngực mẹ.

Dù mẹ chọn cách nào thì điều quan trọng là phải hiệu quả và phù hợp nhất với cả mẹ và bé.

Út Em có bức ảnh hài hước bày tỏ nỗi niềm của các mẹ sau một thời gian cho con bú:

Sau một thời gian cho con bú

Tôi có nên thường xuyên vỗ về khi cho em bé bú không?

Hãy để cho bé bú ở một bên ngực và rồi chuyển sang bên kia. Cố gắng vỗ bé khi chuyển ngực và vào lúc bé thôi bú. Thông thường thì chỉ mỗi việc dịch chuyển như vậy cũng có thể khiến bé bị trớ.

Khi sữa về và em bé đã hình thành một kiểu mẫu tốt, mẹ có thể thử vỗ về nhiều một chút nếu mẹ nghĩ điều đó tốt cho em bé.

Một số bé sơ sinh cần được vỗ về nhiều, số khác thì ít hơn và điều này có thể khác nhau giữa những lần cho ăn và phụ thuộc vào cả thực phẩm mẹ ăn nữa.

Nếu bé nhà mẹ trớ nhiều, mẹ có thể cần vỗ về nhiều hơn. Trong khi hiện tượng trớ là bình thường ở trẻ sơ sinh với một lượng nhỏ sau ăn hoặc trong quá trình vỗ, thì bé không nên bị nôn sau khi bú xong.

Nôn sau mỗi lần như vậy có thể là một vấn đề cần đến những sự can thiệp y tế. Nếu mẹ quan ngại rằng em bé trớ nhiều quá, hãy liên hệ ngay với bác sỹ.

[adinserter block=”12″]

Làm sao mẹ có thể biết em bé đã bú đủ rồi?

Những người làm mẹ lần đầu, đặc biệt là những người nuôi con bằng sữa mẹ thường lo lắng em bé của mìnhcó thể ăn chưa đủ. Mẹ có thể chắc rằng em bé đã ăn đủ nếu:

  • Trông có vẻ hài lòng sau khi ăn
  • Bé “sản xuất” 4 – 6 tã giấy mỗi ngày
  • Đều đặn đi ngoài
  • Ngủ ngon
  • Tỉnh táo khi thức dậy
  • Tăng cân

Em bé có thể ăn chưa đủ nếu:

  • Nhìn có vẻ không được hài lòng sau ăn
  • Nhanh đói thường xuyên
  • Không tiểu tiện, đại tiện vài lần trong ngày
  • Cáu kỉnh hoặc quấy khóc nhiều
  • Không tăng cân

Nếu mẹ lo em bé chưa ăn đủ, hãy gọi cho bác sỹ. Những em bé bú sữa mẹ thường được bác sỹ theo dõi từ 24 tới 48 giờ sau khi em bé và mẹ ra viện.

Suốt lần thăm khám này, em bé sẽ tăng cân và được kiểm tra, và có thể đánh giá được kỹ thuật cho bú của mẹ có ổn không. Đây cũng là cơ hội tốt để mẹ hỏi bác sỹ những nghi vấn và lo ngại của mình.

Thậm chí nếu em bé được cho là bú tốt, bác sỹ vẫn có thể đặt lịch thăm khám khác khi em bé được 2 tuần tuổi. Những kiểm tra đối với trẻ sơ sinh có thể giúp mẹ yên tâm là bé sẽ tăng cân và được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Để yên tâm hơn, mẹ nên có 1 cuốn sổ tay và viết xuống tuần đầu tiên của việc nuôi con bằng sữa mẹ mỗi khi cho em bé bú, bé bú ở mỗi bên bao lâu và từng lần bé đi ngoài hoặc làm ẩm tã giấy.

Nếu còn lo hoặc để ý thấy bé không đủ dinh dưỡng, hãy gọi bác sỹ nhi kiểm tra thêm nhé!

Tã giấy của em bé nên trông như thế nào?

Tã giấy của em bé là một bằng chứng tuyệt vời cho biết việc em bé bú sữa mẹ có nhận được đầy đủ thứ bé cần hay không.

Bởi vì sữa non (sữa đầu tiên mà em bé mới sinh được bú) rất đặc, em bé có thể chỉ phải thay từ 1 tới 2 tã giấy trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh.

Phân của bé sơ sinh lúc đó sẽ chặt và có màu hắc ín như nhựa đường và trở nên vàng ngả xanh khi sữa về, thường khoảng từ 3 tới 4 ngày sau sinh.

Bé càng được cho bú nhiều, thì tã giấy càng dơ, nhanh mủn hơn; nhưng có thể chỉ diễn ra trong 1 ngày đầu sau sinh.

Từ 3 đến 4 ngày sau, mẹ nên để ý những dấu hiệu sau:

– Em bé sẽ thay từ 6 tã giấy trở lên với nước tiểu sạch và nhạt màu. Ít tã hoặc nước tiểu tối màu hơn có nghĩa là bé đã không uống đủ.

Nếu thấy các tinh thể màu cam ở tã ẩm, hãy liên lạc ngay với bác sỹ. Điều này là bình thường ở những em bé khỏe mạnh, ăn uống tốt và không có gì đáng ngại nhưng đôi khi đây lại là dấu hiệu cho biết bé không được nạp đủ chất lỏng.

– Em bé sẽ đi ngoài khoảng 4 lần với màu phân vàng, hơi lợn cợn, thường là sau khi bú. Dẫu vậy, sau khoảng 1 tháng, những em bé bú sữa mẹ thường đi ngoài với ít phân hơn và nhiều bé có thể mất mấy ngày không hề đi ngoài.

Nếu em bé của tôi muốn bú thêm vì thích thì có được không?

Nếu em bé có vẻ như đã ăn đủ nhưng lại tiếp tục ngậm ti mẹ lâu hơn bình thường nghĩa là em bé muốn bú vì thích thú hơn là vì đói.

Làm sao mẹ biết được? Đó là khi bé đã bú một cách ngon lành trước đó, rồi vẫn cứ ngậm ti mẹ hoài nhưng lại thể hiện những dấu hiệu mút khan (không có sữa) như:

  • Trông có vẻ rất hài lòng
  • Di chuyển hàm mà không bú và nuốt
  • Chơi với ti mẹ

Lúc đầu việc cho bé ngậm ti mẹ vì bé thích cũng tốt nhưng sẽ trở thành vấn đề khi bé lớn hơn bởi vì bé có thể cần bú để chợp mắt hoặc đi ngủ vào buổi tối. Do vậy, ở từng thời điểm mẹ có thể muốn cho bé cai sữa để tránh việc này và tạo thành các lần cho bé bú chỉ để cho bé ăn thôi.

Thay vì cho bé bú, mẹ có thể cho bé mút tay nhé. Mẹ cũng có thể đưa em bé ngậm núm vú giả nếu em bé không thật sự đói.

Các núm vú giả được nhận định là có rủi ro thấp đối với hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh nên các chuyên gia đề nghị cho em bé đi ngủ với một núm vú giả. Nhưng mẹ chỉ nên làm việc này sau khi em bé đã được bú đầy đủ (thường là sau 1 tháng tuổi).

Ngoài ra mẹ cũng có thể cho bé bú bình cho đến khi bé đã làm quen được với việc bú sữa. Một số em bé có hiện tượng bối rối với ti mẹ, mặc dù khả năng này này xảy ra ít hơn sau từ 4 tới 6 tuần tuổi.

Em bé của tôi đói hơn bình thường. Điều này có bất ổn không?

Khi em bé tăng cân, chúng có thể bắt đầu ăn nhiều hơn ở mỗi lần cho bú và lâu hơn giữa các lần cho ăn. Tuy nhiên, có nhiều lần khi bé con dường như đói nhanh hơn bình thường.

Em bé có thể đang trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng (hay còn gọi là tăng trưởng nhảy vọt – growth spurt).

Những điều này có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, nhưng thường sự tăng trưởng nhảy vọt ở những tháng đầu tiên rơi vào các khoảng:

  • 7 tới 14 ngày tuổi
  • 2 tháng
  • 4 tháng
  • 6 tháng

Suốt giai đoạn này và bất cứ khi nào bé có vẻ đặc biệt đói, hãy theo dõi các trạng thái của bé. Mẹ có thể xem xét gia tăng tạm thời việc cho bé bú thêm.

(Dịch từ bài viết Breasfeeding FAQs: How much and How often – website kidshealth – Nguyễn Thị Thu Hằng dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

Leave a Comment