Hãy ngừng so sánh con bạn với con nhà hàng xóm

Liệu có bao giờ bạn đã từng nói điều này về bé với một ai: “bé nhà mình bé quá”.So sánh là một hiện tượng rất quen thuộc với các cha mẹ người Việt. Các bé VN từ lúc sinh ra thường được đem lên bàn cân hay một chuẩn mực nào đó để được so sánh, mặc dù nhiều cha mẹ VN cũng không hẳn biết mình đang so sánh với điều có phải là đúng chuẩn mực hay không.

Đây là những tâm sự tôi được nghe từ những bà mẹ Việt:

Từ lúc sinh ra: các bé được so sánh với cái cân và thước đo, sao cho phát triển đủ độ “chuẩn”, “sao cho béo tròn- khái niệm béo tròn này cũng có thể được so sánh với 1 bé nào khác”
Khi bé có anh chị em thì lại được so sánh với anh chị em: “sao con không học giỏi như anh con?” hoặc “nó còn nhỏ, ngu ngơ lắm, không làm được như anh nó đâu” hoặc đâu đó lại nghe “sao con không học tập chị con, ăn mặc gì mà dị hợm”.

so-sanh

Khi bé đến trường thì so sánh với các bạn cùng lớp: “sao suốt ngày con đứng hạng thứ 15 trong lớp thế, khi nào mới được ít nhất là hạng 3”–Cha mẹ không biết rằng bé cũng đã nổ lực và giỏi biết bao nhiêu khi biết rằng bé hạng 15/40 (có nghĩa là bé đã hơn 25 bé khác trong lớp).

Khi con bạn bắt đầu có người yêu và dắt về nhà thì lại được so sánh với 1 tiêu chuẩn nào đó: “con nhỏ này không bằng con Lan, quên nó đi, con Lan tốt hơn, học giỏi, nhà khá giả”

Khi con bạn bắt đầu có con thì lại được so sánh với chính cách chăm sóc của bố mẹ ngày xưa: “ngày xưa mẹ làm thế đấy, vẫn nuôi mày khôn lớn đó thôi, trứng sao mà khôn hơn vịt được hả con” hoặc “cho nó ăn mắm muối vào, nhạt nhẽo nó không ăn là phải, ngày xưa mẹ mày nêm gia vị cho, mày ăn ngon lành, giờ bày đặt khoa học này nọ”…

SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ BẤT THƯỜNG VÀ SỰ SO SÁNH

Gs.Bs. Jensen, Trưởng Khoa Tâm lý trẻ nhỏ, ĐH Pennsylvania State, Mỹ đã nhấn mạnh: việc so sánh với anh chị em bé hoặc các bé khác (người khác) là một việc CẦN và NÊN NGỪNG LẠI trước khi bạn làm bé phát triển tâm sinh lý bất thường, và trở nên một người thiếu tự tin và thiếu thành công trong tương lai.

Gs. Jensen nói rõ: Sự phát triển các bé là khác nhau hoàn toàn, không có chuẩn mực nào để so sánh hay đối chiếu; kể các bé sinh đôi cùng trứng hay khác trứng. Do đó, việc so sánh là điều vô nghĩa. Tốt nhất, nên nhận ra thế mạnh của từng bé và phát huy từng thế mạnh đó thì các bé sẽ phát triển toàn diện về sinh lý và tâm lý.Hơn nữa, hiểu rõ và ngưng việc so sánh sẽ làm các bé trong gia đình phát triển đồng đều, mỗi bé có một thế mạnh riêng và sẽ phát huy theo thế mạnh của mỗi bé. Không còn quan niệm “Cá đầu nước thì ngon, con đầu lòng thì dại”- quan niệm này rất thường gặp trong gia đình có 2 anh chị em.

ĐỘ TUỔI NÀO NÊN BẮT ĐẦU NGƯNG SO SÁNH BÉ

Không dừng lại nghiên cứu trên các bé lớn, tâm lý trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng bởi những lời so sánh. Gs.Bs. Darshak, ĐH Y Massachusetts, Mỹ cho biết:

“CÁC BÉ TỪ 5 THÁNG TUỔI là bắt đầu có sự sơ chấn tâm lý nếu cha mẹ hoặc bạn bè của cha mẹ thường xuyên so sánh bé về cân nặng, chiều cao, biếng ăn hoặc sự phát triển thể chất. Các bé thường bị so sánh thì thường ương bướng, biếng ăn, nhút nhát và ít hòa đồng khi các bé bước sang 2 tuổi ” Hơn nữa, Gs. Darshak cũng nhấn mạnh: việc so sánh cũng làm cha mẹ dễ bị stress và áp lực hơn trong nuôi con, điều này cũng góp phần dẫn đến sự kém phát triển não bộ.

CHA MẸ VÀ NGƯỜI XUNG QUANH NÊN LÀM GÌ

* DỪNG NGAY các đánh giá về bé, đặc biệt về cân nặng, chiều cao vì mỗi bé là khác nhau.
* ĐỪNG so sánh bé với anh chị em của bé trong gia đình hoặc bạn bè. Thay vào đó, bạn nên xem xét những thế mạnh của bé, và khuyến khích bé thích nghi. Lắng nghe quan điểm của bé khi đưa ra câu hỏi cho cả hai. Các bé sinh đôi cũng cần được đánh giá khác nhau.
* LUÔN lắng nghe quan điểm của bé trong mọi tình huống. Khi chơi đùa với bé, khuyến khích bé phát triển tính độc lập và tự chọn điều mình thích, đừng áp đặt và so sánh ý kiến bản thân vào những quyết định của bé.
* KHÔNG BAO GIỜ LA MẮNG HOẶC TRÁCH PHẠT bé trước mặt người khác, Gs. Darshak khuyên: cha mẹ nên dẫn bé vào phòng riêng, để bé có thời gian bình tĩnh (và cả bạn) và hãy giải thích, lắng nghe quan điểm của bé, trước khi quyết định có phạt bé hay không.

Notes
Jensen, A. C., & McHale, S. M. (2015). What Makes Siblings Different? The Development of Sibling Differences in Academic Achievement and Interests. Journal of Family Psychology : JFP : Journal of the Division of Family Psychology of the American Psychological Association (Division 43), 29(3), 469–478.
Darshak, S. (2004) A Map of the Child: A Pediatrician’s Tour of the Body.

Theo bác sĩ Anh Nguyễn (fb.com/nghoanganh.nutrition)

Leave a Comment