Út Em chào mẹ. Các bậc phụ huynh thường lo lắng về chiều cao của trẻ khi trưởng thành.
Trẻ ở độ tuổi trung học phổ thông cũng có thể tự hỏi “Liệu mình sẽ cao bao nhiêu khi lớn lên?”
Đây là nỗi băn khoăn chung của cả các bậc phụ huynh và trẻ.
Việc cố gắng dự đoán chiều cao của trẻ khi lớn lên khá thú vị, bên cạnh đó, các bác sĩ nhi khoa cũng cho rằng việc đảm bảo đứa trẻ phát triển theo đúng như mong đợi cũng mang lại nhiều lợi ích.
Không có quả cầu pha lê nào ở đây để đoán trước tương lai, nhưng vẫn có những cách để bố mẹ và các bác sĩ có thể đưa ra dự đoán khá chính xác về chiều cao của trẻ khi lớn lên.
Dự đoán chiều cao khi trưởng thành của trẻ thế nào?
Phương pháp chính xác nhất để dự đoán chiều cao của trẻ là sử dụng “tuổi xương” của trẻ, được xác định bằng cách chụp X-quang bàn tay. Tuy nhiên, cũng có một vài cách khác mà bố mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà để dự đoán chiều cao của trẻ, trong đó phương pháp phổ biến nhất là dựa vào chiều cao của bố mẹ.
Phương pháp nhân đôi chiều cao của trẻ vào năm hai tuổi
Bạn có biết trong quá trình phát triển sớm nhất – từ sơ sinh đến năm ba tuổi – chiều cao của trẻ xấp xỉ bằng một nửa chiều cao lúc trưởng thành?
Có một phương pháp đơn giản để ước lượng chiều cao của trẻ trai khi trưởng thành, đó là nhân đôi chiều cao của trẻ lúc hai tuổi.
Riêng với các bé gái thường phát triển nhanh hơn, vì vậỵ hãy nhân đôi chiều cao của bé khi bé được 18 tháng tuổi.
Mặc dù phương pháp này đã được biết đến khá lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh tính chính xác của nó.
Phương pháp dựa vào chiều cao trung bình của bố mẹ
Một phương pháp khác phức tạp hơn một chút để dự tính chiều cao của trẻ được gọi là “phương pháp dựa vào chiều cao trung bình của bố mẹ”. Bạn cộng chiều cao của bố và mẹ, lấy tổng này chia cho 2, tiếp theo:
Với bé trai: cộng thêm 6.35cm
Với bé gái: trừ đi 6.35cm
Chúng tôi thiết kế chương trình tự động để bạn có thể tính nhanh kết quả dựa vào công thức trên:
Lưu ý: Phương pháp này chỉ là một phương pháp “thô sơ” nhằm ước lượng chiều cao trung bình của trẻ khi trưởng thành, chiều cao thực tế của trẻ có thể cao hơn hoặc thấp hơn 10.16cm. Bố mẹ càng cao, trẻ càng có khả năng cao hơn và ngược lại.
[adinserter block=”12″]
Biểu đồ tăng trưởng của trẻ
Định kỳ đo chiều cao, cân nặng, vòng đầu của trẻ và đánh dấu trên biểu đồ tăng trưởng là một cách hữu ích để theo dõi sự phát triển của trẻ.
Các bác sĩ sẽ dùng những biểu đồ tăng trưởng chiều cao, cân nặng chuẩn để đánh giá vào mỗi lần trẻ đến khám định kỳ. Điều rất nhiều người không nhận ra là biểu đồ tăng trưởng cũng giúp ích trong việc đánh giá sự bắt đầu tuổi dậy thì ở những trẻ lớn hơn.
Như bạn đã biết, ngày nay trẻ dậy thì sớm hơn rất nhiều. Các bé gái có thể thấy xuất hiện lông mu và ngực phát triển khi bé mới sáu tuổi! Thông qua biểu đồ tăng trưởng, các bác sĩ có thể xác định được những dấu hiệu phát triển sớm ở trẻ là bình thường hay bất thường.
Di truyền
Chiều cao và sự phát triển của trẻ thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Bác sĩ có thể hỏi thông tin chiều cao của bố mẹ, bởi di truyền là yếu tố lớn nhất quyết định chiều cao khi trẻ trưởng thành.
Ngoài chiều cao của bố mẹ, bác sĩ cũng có thể sẽ hỏi chiều cao của các thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể muốn biết thông tin về độ tuổi bố/mẹ trẻ bắt đầu phát triển chiều cao, và tốc độ phát triển như thế nào.
Bố/mẹ trẻ có thấp hơn bạn bè bằng tuổi khi còn học phổ thông nhưng lại cao vọt lên khi các bạn đã ngừng phát triển?
Tuổi dậy thì của bố/mẹ đến sớm hay muộn? Đây đều là những thông tin quan trọng để các bác sĩ có thể phán đoán chiều cao của trẻ sau này.
Những yếu tố nào khác tác động đến chiều cao của trẻ?
Bên cạnh yếu tố di truyền – yếu tố có tác động lớn nhất, còn có nhiều yếu tố khác tác động đến việc phát triển chiều cao của trẻ. Những yếu tố này bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng: Trẻ thừa cân thường cao lớn hơn các bạn cùng lớp. Tuy vậy, không hẳn là trẻ vẫn sẽ có chiều cao vượt trội khi lớn lên. Trong khi đó, trẻ thiếu cân sẽ thường thấp hơn các bạn cùng tuổi.
- Hooc-môn: Sự mất cân bằng hooc-môn, ví dụ nồng độ hooc-môn tuyến giáp hoặc hooc-môn tăng trưởng thấp có thể khiến trẻ thấp hơn mong đợi. Sự mất cân bằng hooc-môn có thể khiến trẻ thấp hơn hoặc cao hơn mức bình thường nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bố mẹ có thể tìm hiểu những biểu hiện bất thường trong quá trình phát triển của trẻ để xác định xem trẻ có đang phát triển bình thường và sẽ đạt chiều cao như dự đoán hay không.
- Thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là sử dụng thuốc có chứa corticosteroids (ví dụ prednisone) trong thời gian dài có thể làm trẻ chậm phát triển.
- Điều kiện sức khỏe: Nếu không may bị mắc các căn bệnh mãn tính như viêm khớp nặng, các bệnh đường ruột không được chữa trị trẻ có thể sẽ thấp hơn mong đợi.
- Rối loạn gen: Rối loạn gen có thể khiến trẻ thấp hơn hoặc cao hơn dự tính. Ví dụ, trẻ mắc hội chứng Down, hội chứng Noonan hoặc Turner có chiều hướng thấp hơn những thành viên khác trong gia đình. Trong khi đó, trẻ mắc hội chứng Marfan có thể có chiều cao vượt quá mức bình thường.
Bên cạnh đó, việc luyện tập, tình trạng ô nhiễm, đặc điểm giấc ngủ, khí hậu, thể trạng, chế độ ăn uống và các yếu tố tâm lý cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Nếu quan tâm đến chiều cao của trẻ
Nếu bạn thực sự quan tâm đến chiều cao của trẻ hoặc lo lắng trẻ đang phát triển quá chậm hoặc quá nhanh, hãy chia sẻ với bác sĩ.
Bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm trong trường hợp cần thiết. Một phương pháp kiểm tra đơn giản như chụp X-quang bàn tay và cổ tay trẻ có thể biết được “tuổi xương”, từ đó phán đoán khả năng phát triển chiều cao của trẻ.
Những xét nghiệm này cũng có thể tìm ra nguyên nhân của các vấn đề liên quan đến sự phát triển của trẻ và phương pháp điều trị.
Bố mẹ trẻ có thể tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa nội tiết trẻ em, chuyên gia về di truyền học trẻ em hoặc bất kì chuyên gia Nhi khoa khác để có thêm đánh giá, chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp.
Đừng trì hoãn!
Bố mẹ nên nhớ, khi tuổi dậy thì kết thúc, trẻ sẽ không thể cao thêm được nữa. Khi đã ở độ tuổi trung học phổ thông mà trẻ vẫn thấp, điều này có nghĩa là trẻ có rất ít hoặc thậm chí là không còn cơ hội để phát triển chiều cao nữa. Trong khi đó, trẻ ở độ tuổi thấp hơn vẫn còn thời gian để được điều trị và trở nên cao hơn.
(Nguồn Healthychildren – Dương Thị Giang dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)