Đọc sách cho trẻ như nào để đạt được lợi ích tối ưu?

Út Em chào các mẹ, đọc sách cho trẻ là một trong những việc quan trọng và hữu ích để giúp các bé phát triển tư duy. Vì vậy, các mẹ nên cho trẻ tiếp xúc và hình thành thói quen đọc sách ngay từ sớm.

Lợi ích của việc đọc sách

Đọc sách là một thói quen mà các bậc làm cha mẹ nên động viên các bé cùng làm trước khi bé tròn 1 tuổi. Theo kinh nghiệm tổng hợp từ Patrica Cowan – điều phối viên chương trình quốc gia về dự án “Reach out and Reading”, đây là dự án kiểm tra việc tiếp cận của trẻ với sách đã cho thấy rằng:

Khi ba mẹ đọc sách cho trẻ nhỏ, các bé sẽ dành hoàn toàn sự chú ý vào đó và đó là điều làm cho chúng thích thú. Không một điều gì khác, kể cả xem chương trình ti vi hay đồ chơi có thể có tác dụng tốt hơn việc đọc sách

Việc đọc sách cho trẻ nghe cũng là một cách vô cùng tốt để cho trẻ ngấm dần âm điệu của từng câu nói mà điều này là vô cùng cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ của mỗi người. Trong nghiên cứu của trường Đại học Y Brown tại Providence, đảo Rhode, trẻ từ 18 đến 25 tháng tuổi được bố mẹ đọc sách cho nghe thường xuyên trong khoảng 1 năm có thể nói và hiểu nhiều từ vựng hơn những trẻ không được ba mẹ cho nghe đọc.

Vẫn còn khó khăn để chứng minh liệu kết quả này có kéo dài hay không nhưng rất nhiều gia đình đã tin rằng việc tiếp xúc với sách sớm cũng đem đến sự khác biệt lâu dài. Nó giúp thúc đẩy khả năng ngôn ngữ và tạo cho trẻ sự háo hức muốn tìm cách đọc.

doc-sach-cho-tre

Bí kíp đọc sách cho trẻ

Từ mới sinh đến 12 tháng tuổi

Từ khi sinh đến 6 tháng tuổi: Từ góc nhìn của trẻ sơ sinh vẫn còn đang phát triển, các mẹ nên chọn những cuốn sách to, chỉ có ít hoặc không có chữ, hình ảnh có tính tương phản cao. Theo khuyến cáo của tiến sĩ Pamela High chuyên nghiên cứu việc đọc sách tại Đại học Brown và giáo sư nhi khoa ở đó, các mẹ cũng có thể lưu ý đến những quyển sách kèm theo những vật dụng tương tác như con rối, gương… Sẽ thật tuyệt vời nếu có sự tham gia cùng của bố mẹ. Nếu muốn, các mẹ có thể đọc những quyển sách dành cho người lớn hơn hoặc tạp chí cũng được. Vì với những trẻ ở độ tuổi này, việc hiểu ý nghĩa của các từ không quan trọng vì chúng còn quá nhỏ, việc đọc sách có nhịp điệu và ôm ấp vỗ về trẻ sẽ tốt hơn các mẹ nhé.

[adinserter block=”12″]

Từ 7 tháng đến 12 tháng tuổi: Sau khi đã trải qua nửa năm đầu đời, các bé có thể nắm bắt một số từ mà người lớn đọc cho chúng nghe – theo bác sĩ Cosby Rogers, chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của con người tại Đại học Bách khoa Virginia. Những từ có ý nghĩa nhất thường là tên hoặc những đồ vật quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như “bố”, “mẹ”, “sữa”, “hộp”….

Sách cho trẻ tốt nhất chỉ nên gắn với một đồ vật hoặc người theo từng độ tuổi; việc nghe tên của một thứ gì đó giúp các bé tăng khả năng ghi nhận thêm vốn từ ngữ và từ từ làm cho bé nhận ra được những hình minh họa trong thực tế. Nên tập trung vào những hình ảnh mà bé tỏ ra thích thú khi nhìn thấy và kèm theo những cử chỉ của mặt, tay, giọng nói khi các mẹ đọc cho bé nghe. Bác sĩ Rogers cho rằng các mẹ nên để những bé đang bi bô tập nói đọc theo những khi mình quay lại nói vì kiểu hội thoại này giúp bé học cách sắp xếp và dạy cho bé cách tập trung vào vấn đề tương tự mà người khác đã làm.

Một bí quyết nữa là: Do những đứa trẻ ở tuổi này có xu hướng lấy sách làm đồ chơi, ngậm sách vào miệng nên chúng có thể xé rách sách hoặc thậm chí là bỏ vào mồm nhai. Sử dụng sách bằng vải hoặc nhựa vinyl có thể là một sự lựa chọn hay dù việc lật sang trang gây khó khăn hơn cho bé.

Trẻ nhỏ từ 13-24 tháng tuổi

Từ 13-18 tháng tuổi: Lúc này, các mẹ có thể bắt đầu mang sách ra và hướng dẫn cho bé khoảng 1 hoặc 2 câu trong mỗi trang sách. Kèm theo những hành động ngộ nghĩnh theo câu chuyện sẽ tốt hơn. Ví dụ, nếu các mẹ đọc sách về động vật, có thể giả tiếng con vật đó. Như vậy, các bé sẽ cảm thấy rất vui và có thể làm giống như mẹ; chắc chắn các mẹ sẽ cảm thấy vô cùng thích thú với những tiếng kêu “moo” hoặc “be be” mà bé nói theo.

Nên thu hút sự tham gia của bé bằng cách đặt những câu hỏi như “Con chó kêu như nào nhỉ?” hoặc “Con nhìn thấy con mèo kia chưa?”. Cũng có thể hỏi những câu hỏi mà có hình ảnh thực tế minh họa như “Mũi của con đâu?”. Ở độ tuổi này, các mẹ có thể trưng ra những bức hình mà bé không nhìn thấy hàng ngày cũng được. Ở giai đoạn từ 15-18 tháng tuổi, các bé đã có thể trả lời những câu hỏi bằng một từ nên các mẹ hãy tạo cơ hội cho bé trả lời với những câu hỏi như “Đây là gì?”. Ví dụ khi chỉ vào một chiếc xe, sau câu hỏi và bé trả lời, các mẹ có thể tăng lượng từ vựng cho bé bằng cách phát triển từ câu trả lời của bé “oh đúng rồi, đây là chiếc xe – một chiếc xe lớn có màu xanh lá cây”.

Từ 19-24 tháng tuổi: Nhiều bé chập chững biết đi ở độ tuổi này đã có thể hình thành thói quen đọc sách một cách điềm tĩnh hơn và biết chọn những quyển sách quen thuộc. Điều này giúp giải thích tại sao, khi bắt đầu được 18 tháng tuổi, trẻ hay đòi hỏi những quyển sách tương tự nhau và tại sao các bé không muốn để mẹ thay đổi cách đọc một từ đơn như tiếng động vật “meo”, “grưm”. Việc lặp lại từ ngắn liền ngay sau người lớn là cách học mang lại lợi ích lớn vì các chuyên gia cho rằng nó giúp trẻ nhớ từ mới và dần hiểu được nghĩa của chúng.

Những bộ sách các mẹ nên tìm đọc cho con nhỏ

Với những trẻ còn quá nhỏ như giai đoạn từ 0-24 tháng tuổi, trẻ chỉ chủ yếu nhận biết từ và tập nói thông qua hình ảnh là chủ yếu nên các mẹ nên lựa chọn những quyển sách có nhiều hình, có màu sắc hình khối rõ nét để não bộ của trẻ dễ dàng nhận diện. Các mẹ có thể tham khảo những bộ sách sau:

Bộ truyện “Ehon” Nhật Bản

Đây là bộ truyện được viết ra phù hợp cho độ tuổi từ 0-3 tuổi với nhiều tác phẩm nhỏ nhưng có ý nghĩa như Chào mặt trăng, Cùng lau cho sạch nào, Tay xinh đâu nhỉ, Giày nhỏ đi thôi… Với ngôn từ và hình ảnh sinh động, kết hợp giữa hình ảnh thiên nhiên như cỏ cây, hoa lá, con vật…cùng những câu chuyện tình cảm gia đình, tình bạn sẽ giúp trẻ được giáo dục tốt hơn.

Bộ sách “Vì sao tớ yêu”

Bộ sách này là tập hợp những lời yêu thương của bé dành tặng cho ông bà, bố mẹ trên khắp thế giới nên có thể dùng cho những trẻ đang tập nói. Bên cạnh đó cũng có những hình ảnh động vật dễ thương để cho các bé khám phá.

Bộ sách “Bé khỏe bé ngoan”

Bộ sách bao gồm nhiều hình ảnh miêu tả về các sinh hoạt thường ngày như tắm rửa, thay quần áo, tập thể dục thể thao, ăn uống…Như vậy sẽ kích thích bé muốn học tập làm theo, tạo thành thói quen tốt hàng ngày.

Bên cạnh đó, các mẹ có thể hỏi kinh nghiệm từ những mẹ xung quanh hoặc tham khảo những bộ sách cho trẻ của nước ngoài để tạo sự tiếp cận đa dạng cho trẻ. Chúc các mẹ nuôi con khỏe mạnh, thông minh!

(Theo Parents – Phạm Thị Thủy dịch và tổng hợp – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment