12 thắc mắc khi nuôi con bằng sữa mẹ

Út Em chào các mẹ.

Dù đây là lần đầu tiên làm mẹ hay đã có những kinh nghiệm dày dạn thì việc nuôi bé bằng nguồn sữa mẹ tự nhiên mát lành luôn là chủ đề lý thú với nhiều điều cần được khám phá.

Để thuận tiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, chúng tôi đã tổng hợp những thắc mắc phổ biến ở các mẹ (dù lần đầu hay đã có nhiều kinh nghiệm kỳ cựu) – đều mong muốn được giải đáp.

1. Khi nào sữa về?

nuôi con bằng sữa mẹ

Vào những ngày đầu sau khi bé con chào đời, cơ thể mẹ sẽ sản xuất sữa non – sữa đầu tiên dồi dào dinh dưỡng.

Sữa non chứa nhiều thành phần bảo vệ gồm các chất kháng khuẩn và tăng cường hệ thống miễn dịch mà trong sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh đều không có.

Đối với một số mẹ, sữa non có thể có kết cấu dày và màu vàng. Ở những mẹ khác, sữa non lỏng và loãng hơn. Dòng chảy của sữa non thường chậm để em bé có thể học cách bú – một tiến trình điều phối của hoạt động mút, thở và nuốt.

Sau khoảng thời gian từ 3 – 4 ngày sữa non được sản xuất, ngực của mẹ bắt đầu trở nên cương lên. Đây là dấu hiệu cho biết nguồn cung sữa đang gia tăng và thay đổi từ sữa non sang sữa thường, giống như sữa bò tách béo vậy.

Đôi khi có thể phải mất nhiều ngày hơn thì sữa mới về. Điều này hết sức bình thường, không có nguyên nhân đặc biệt nào đằng sau đó, song mẹ cũng nên thông tin cho bác sỹ để nắm được tình hình.

Ở thời điểm này bé chỉ cần sữa non trong những ngày đầu tiên và bác sỹ sẽ luôn kiểm tra để biết bé có được cho ăn đủ hay không.

Việc cho con bú rất hữu ích có tác dụng kích thích khả năng sản xuất sữa ở mẹ.

2. Đâu là thời điểm thích hợp để bắt đầu cho em bú?

Nếu có thể, mẹ hãy bắt đầu cho em bú trong vòng một giờ đồng hồ kể từ khi bé chào đời.

Thời điểm này lợi dụng khả năng tỉnh táo tự nhiên của em bé khi đã lọt lòng mẹ. Sau giai đoạn đầu tiên tỉnh thức ấy, bé có thể cần đến 24 tiếng để ngủ. Vậy nên rất khó để em ngậm ti mẹ trong khoảng vài giờ đầu tiên đó.

Một em bé mới sinh khi được đặt lên ngực mẹ sau khi chào đời sẽ hình thành một kiểu “bám rễ” tự nhiên (như ngọ nguậy về phía với ngực mẹ, chuyển đầu sang đó, thực hiện các chuyển động bú bằng miệng).

Lúc bé bú, bé nên ngậm bầu ngực mẹ thật vừa vặn với miệng quanh đầu ti và quầng vú. Thậm chí nếu ở thời điểm này bé không thật sự ngậm ti mẹ mà có vẻ giống như đang tập dượt, thì điều này vẫn tốt cho cả mẹ và bé trong chuyện làm quen với việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Trong những ngày đầu tiên sau sinh, bé sẽ muốn ăn theo nhu cầu, thường từ 1- 3 tiếng mỗi lần trong ngày.

Khi bé lớn hơn và bụng đã phát triển để bú được nhiều sữa hơn, các em sẽ ăn lâu hơn giữa những lần bú mẹ.

3. Sử dụng bình hoặc núm vú giả có ổn ko?

Trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, nếu mẹ có ý định cho con ti thì tốt nhất hãy giúp con có thời gian thực hành việc bú mẹ và không bị bối rối bởi bình sữa hay núm vú giả.

Việc bú bình hay dùng núm vú giả yêu cầu những kỹ năng khác hơn so với với việc ti mẹ.

Do đó cho đến khi kiểu mẫu ti mẹ đã hình thành ở bé (đôi khi trong tháng đầu tiên hoặc lâu hơn), các chuyên gia khuyên mẹ không nên cho bé sử dụng bình sữa hoặc núm vú giả nhằm tránh tình trạng bé “chê” ti mẹ .

Tuy nhiên trong khi một số em bé có thể có những trải nghiệm bối rối này thì số khác lại không có vấn đề gì khi chuyển từ bú bình qua ti mẹ.

Một khả năng nữa là khi mẹ cho em ti bình sớm, bạn ấy lại có vẻ thích nó. Bởi vì sữa chảy ra từ bình đòi hỏi ít nỗ lực hơn, dòng chảy sữa từ bình cũng nhanh hơn so với chảy từ ngực mẹ nên thỉnh thoảng có những bé ngừng ti mẹ hoàn toàn mà chuyển qua bú bình.

Tuy nhiên một số chuyên gia lo ngại chuyện cho em bú bình hoặc dùng ti giả sớm và quá thường xuyên sẽ khiến cho bố mẹ không nhận thấy được các tín hiệu bé đang đói và có thể làm cho em bị lỡ những bữa ăn cần thiết.

Do đó thỉnh thoảng cho bé dùng núm vú giả (ví dụ trong giai đoạn bé trai cắt bao quy đầu và được chỉ định bú nước đường) thì cũng tốt và sẽ không có ảnh hưởng gì to tát đến những nỗ lực ti mẹ ở em.

Trong những hoàn cảnh nhất định, các bác sỹ có thể đề nghị bổ sung sữa mẹ vào sữa công thức. Nếu trường hợp này xảy ra, vẫn có thể kích thích sữa mẹ bằng việc cho trẻ bú thông qua một kênh dẫn chuyển sữa công thức qua một ống nhỏ gắn vào đầu ti mẹ.

4. Làm sao mẹ biết con đang đói?

Có thể khác với những gì mẹ suy nghĩ, khi bé khóc, đó đã là một dấu hiệu muộn cho biết bé đang đói.

Vậy nên mẹ cần thật sự để ý và cố gắng cho con ăn trước khi con cáu và khó vỗ về.

Những dấu hiệu cho biết bé đói bao gồm:

  • Ngọ nguậy đầu từ bên này sang bên kia
  • Mở miệng
  • Cho tay hoặc cả bàn tay vào miệng
  • Chu môi lại như là đang mút
  • Rúc vào ngực mẹ
  • Duỗi người
  • Thể hiện phản ứng tìm kiếm (khi bé chuyển động miệng theo hướng cái gì đó mơn man hoặc chạm vào má bé)

5. “Sữa xuống” là gì?

Trong vài ngày đầu cho đến vài tuần sau sinh, mẹ có thể có cảm giác chinh chích, râm ran ở ngực sau khi bé bú. Ở ngực bên kia, sữa có thể đang rỉ ra. Hiện tượng này được gọi là phản xạ sữa xuống, hoặc là phản xạ trào sữa.

Phản xạ sữa xuống xảy ra khi bé mút (hoặc máy hút sữa mẹ) kích hoạt các dây thần kinh ở đầu ti mẹ. Các dây thần kinh gửi tín hiệu tới não cho biết đã giải phóng sữa. Não giải phóng một loại hooc môn được gọi là oxytocin gây nên những hiện tượng căng nhẹ ở ngực giúp siết, tạo áp lực vắt sữa hoặc “sữa xuống”. Oxytocin cũng có thể làm mẹ cảm thấy hiện tượng co rút ở tử cung khi sữa xuống. Điều này hữu ích trong việc trả lại tử cung của mẹ về kích thước ban đầu.

Phản xạ sữa xuống cũng xảy ra nếu mẹ cho bú lâu quá hoặc mẹ bắt đầu cho bú (một số mẹ có phản xạ sữa xuống đơn giản khi nhìn thấy con hoặc nghe thấy tiếng con khóc), hoặc có thể xảy ra sau khi bé ngâm ti mẹ và mút vài lần. Nhiều mẹ có nhiều lần sữa xuống mỗi lần cho con bú.

Tuy nhiên nếu có mẹ nào không bao giờ cảm thấy sữa đang xuống thì cũng không có gì đáng lo ngại. Trong trường hợp này, mẹ vẫn cứ nên quan sát sữa xuống từ đầu ti rồi lắng nghe, nhìn cách con yêu bú và nuốt sữa mẹ.

6. Cách cho bé ngâm ti chính xác

Hầu hết những người lần đầu làm mẹ đều có vấn đề với việc cho bé ngậm ti ở tư thế nào thì chính xác. Nếu cách cho bú không đúng đắn có thể khiến bé khó chịu và thậm chí làm mẹ đau.

Đây là vài chỉ dẫn để mẹ biết con đang ngậm ti chính xác:

  • Đảm bảo miệng con mở rộng, lưỡi ở phía dưới khi ngậm ti.
  • Mẹ dùng tay đỡ lấy ngực, ngón tay cái bên trên, các ngón khác ở dưới, giữ cho ngón cái và các ngón tay khi ôm lấy đầu vú ở vị trí thích hợp để bé có đủ không gian ngậm đầu ti và quầng vú mẹ.
  • Mẹ nhẹ nhàng lướt đầu ti từ giữa môi dưới của bé tới cằm để khuyến khích bé mở miệng.
  • Khi bé đã mở miệng rộng và để lưỡi ở dưới, hãy nhanh chóng đưa bé lại gần ngực mẹ (không phải đưa ngực mẹ lại miệng bé). Bé càng ngậm nhiều vùng ti mẹ thì càng tốt.
  • Hãy đảm bảo mũi của bé hầu như chạm vào ngực mẹ (nhưng không bị ấn), môi chu lại và mẹ có thể nhìn thấy, nghe thấy tiếng bé nuốt (theo các chuyển động dọc theo hàm dưới, thậm chí ở tai và thái dương của bé). Một số bé có thể tạo nên tiếng động nhẹ khi nuốt với âm thanh đáng yêu như các cú click chuột vậy.
  • Tư thế cho con bú nên được quan sát bởi một người có kiến thức về việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Khi bé đã có kiểu bú phù hợp rồi, mẹ có thể kinh nghiệm cảm giác đau từ 30 – 60 giây (do bé kéo đầu ti và quầng vú mẹ). Rồi cơn đau cũng qua đi và chỉ giống như một cái giật nhanh lúc bé mút.

Nếu tiếp tục cảm thấy đau, mẹ nên dừng lại giây lát, điều chỉnh lại vị trí của con.

Nếu cơn đau không chấm dứt khi cho ăn, thậm chí khi mẹ đã đổi lại tư thế, mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc của tư vấn viên nuôi con bằng sữa mẹ để chắc rằng không có vấn đề gì xảy ra, ví dụ là do viêm nhiễm.

7. Làm sao mẹ biết bé đang bú sai cách?

Nếu bé có xu hướng mút ti mẹ nhưng không ngậm vào cả quầng vú, có nghĩa là cách bé ngậm ti không đúng.

Những em bé bú sai cách sẽ dễ buồn ngủ hơn trên ngực mẹ và thường không được hài lòng vì không ăn đủ. Trong trường hợp này, mẹ hãy dừng việc cho bú lại, chỉnh tư thế cho bé bú phù hợp với bầu ngực mẹ bao gồm cả đầu ti và quầng vú.

Mẹ nên gọi cho bác sỹ hoặc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ nếu:

  • Mẹ không thể cho bé bú mà không thấy đau (mẹ có thể cần giúp đỡ về cách cho bé bú chính xác, hoặc đó là dấu hiệu về đầu ti bị thương hoặc viêm nhiễm ngực).
  • Bé quen với việc ngủ trên ngực mẹ lúc đang bú.
  • Bé ăn nhưng có vẻ không hài lòng sau khi ăn.
  • Bé không tăng cân như mong đợi hoặc không đi vệ sinh bình thường (khoảng 6 tã giấy ướt và 4 lần đi ngoài mỗi ngày trong thời gian đầu).

8. Làm thế nào mẹ biết bé đang bú?

Một khi bé đã ngậm ti đúng cách, bé thường nuốt 5 lần trong khoảng thời gian từ 5-10 giây.

Những lần nuốt của bé sẽ gia tăng khi lượng sữa của mẹ tăng lên. Khi sữa xuống chậm, cách bú của bé sẽ thay đổi giảm xuống từ 3 – 4 lần nuốt và những khoảng dừng cũng lâu hơn khoảng 10 giây mỗi lần.

Hầu hết các bé sẽ tự mình tách ti mẹ. Nếu bé không làm thế mà vẫn mút nhưng chỉ giới hạn ở phía trước miệng bé, hãy đặt ngón tay vào một cạnh của miệng bé (giữa các lợi), quay một vòng 1/4 để bé thôi bú. Sau đó, vỗ về và chuyển em sang ngực kia.

Những em bé sơ sinh thường ngủ trong khi bú mẹ. Nếu điều này xảy ra, mẹ hãy thử đánh thức em dậy bằng cách cù nhẹ vào chân, xoa lưng hoặc nới lỏng quần áo của em ra. Thỉnh thoảng mẹ có thể vỗ về em hoặc thay tã giấy cũng rất hữu ích

9. Có bao nhiêu cách để bế con?

Tất nhiên có hơn một cách để bế những thiên thần này.

Mẹ có thể thử các tư thế cho bú hoặc bế khác nhau và xác định cách nào tốt nhất cho cả mẹ và bé. Các cách cơ bản bao gồm:

  • Tư thế hình nôi: Đây là kiểu truyền thống nhiều mẹ thử khi mới sinh con, bằng cách ôm bé vòng qua ngực, sử dụng cách tay ở cùng một bên ngực để đỡ bé.
  • Tư thế “ấp trứng” hoặc ôm bóng: Mẹ ôm em ở một bên dưới cách tay mẹ. Tư thế này rất phù hợp với mẹ sinh mổ (bởi vì kiểu bế truyển thống có thể tạo áp lực lên bụng mẹ), những mẹ có ngực lớn hoặc sinh đôi.
  • Tư thế hình nôi ngang: Tương tự với tư thế hình nôi, cách bế này sử dụng cánh tay ở bên đối diện so với ngực để đỡ bé. Một số mẹ thấy cách này dễ dàng trong việc kiểm soát cách bé ngậm ti mẹ.
  • Tư thế đặt sang bên cạnh: Mẹ nằm xuống một bên đối diện con. Ở cách cho bú này, mẹ có thể được nghỉ ngơi trong khi cho bú và thường được các mẹ sinh mổ lựa chọn.

[adinserter block=”12″]

10. Làm sao để việc cho con bú trở nên thoải mái hơn?

Câu chuyện về việc nuôi con bằng sữa mẹ hầu hết chỉ xoay quanh việc mẹ tìm ra được một tư thế thoải mái và phù hợp khi cho con bú. Và một khi mẹ đã quen rồi, có thể nói đây là một phần thưởng lớn lao thể hiện tình mẹ con thiêng liêng.

Mẹ có thể tham khảo một vài lời khuyên dưới đây để trải nghiệm cho con bú thật sự thư thái giống như khi mẹ đang tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống vậy:

  • Hãy giữ một cái địu hoặc giỏ thiết kế cho con bú gần tất cả các khu vực mẹ thường cho con ăn (giường, đi văng,…). Hãy lấp đầy không gian đó với nước, một số đồ ăn vặt lành mạnh, tạp chí, điện thoại di động (sẽ giúp bạn không phải dậy để trả lời hay gọi điện), nhiều khăn sơ sinh phục vụ khi bé trớ, khăn cotton khi bé chảy rãi, nước bọt, điều khiển tivi nếu mẹ muốn xem TV, thiết bị đọc DVD, băng đài,…
  • Hãy sắp xếp chỗ ngồi thư thái nhất và thật nhất quán để bé thoải mái với cảm giác mong đợi, háo hức với thói quen đó. Rất nhiều mẹ cho biết thích ngồi trong ghế tựa có tay.
  • Hãy để chân và lưng được thư giãn. Ghế để chân và nhiều gối sẽ hỗ trợ hiệu quả. Loại gối các mẹ thường truyền tai nhau là loại thiết kế hình vòng hở, hoặc loại gối tựa có tay thường được đặt trên giường lúc cho con bú.

11. Mẹ nên lên kế hoạch về việc nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào?

Đó là một sự lựa chọn cá nhân.

Các chuyên gia khuyến nghị các bé nên được bú sữa mẹ toàn phần (không thêm sữa công thức, nước, nước ép, hoặc thực phẩm) trong khoảng 6 tháng đầu tiên, và việc nuôi con bằng sữa mẹ nên tiếp tục khi bé được 12 tháng tuổi và hơn thế nếu điều kiện này hiệu quả với cả mẹ và bé.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp đốt cháy calories, co hẹp dạ con, vì thế nhiều mẹ cho con bú có thể lấy lại được thân hình và cân nặng như thời kỳ chưa mang thai.

Các nghiên cứu cho biết việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng giảm nguy cơ ung thư ngực, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim mạch và thậm chí ung thư tử cung và buồng trứng.

12. Tôi có một giai đoạn khó khăn. Tôi có thể làm gì?

Việc cho con bú dễ dàng với nhiều mẹ nhưng lại có thể là một thách thức về thời gian và kinh nghiệm đối với nhiều mẹ khác.

Trên thực tế, mẹ nên nghĩ rằng trong thách thức luôn có những cơ hội và phần thưởng dành cho thiên chức làm mẹ là vô cùng quý báu.

Khi ở viện, mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của tư vấn viên về việc nuôi con bằng sữa mẹ có liên quan đến những thách thức khi cho con bú.

Nếu viện không có những người tư vấn kiểu này thì y tá, bác sỹ nhi hoặc bác sỹ phụ khoa, sản khoa cũng có thể hướng dẫn mẹ về điều nên làm và không nên làm khi cho con bú.

Các bác sỹ luôn muốn kiểm tra cân nặng của bé và đánh giá việc cho bé bú trong vòng 24 tới 48 tiếng sau khi mẹ và bé xuất viện. Nhưng nếu mẹ có gì lo lắng hoặc còn băn khoăn thì hãy nhanh chóng nói chuyện với bác sỹ mẹ nhé!

Về việc nuôi con bằng sữa mẹ, với bất kì điều gì mẹ làm, hãy cố gắng đừng để rơi vào tình trạng chán nản.

Chỉ cần một chút sự kiên nhẫn và thực hành, sẽ dễ dàng hơn cho cả mẹ và bé trong những tuần tiếp theo, giống như một câu tục ngữ của ông cha ta “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

(Dịch từ bài viết Breastfeeding FAQs: Get started, website Kidshealth, Nguyễn Thị Thu Hằng dịch, Út Em Shop sở hữu nội dung Tiếng Việt)

1 thought on “12 thắc mắc khi nuôi con bằng sữa mẹ”

  1. Chị ơi cho em hỏi. Bé nhà em mới được một tuần tuổi. Luc mới bé đi vệ sinh ngày mấy lần mà tự nhiên hai hôm nay bé lại không đi chỉ đi tiểu. Bé bú sữa mẹ và có pha thêm sữa ngoài. Bé cũng không quấy khóc gì cả

    Reply

Leave a Comment