Cảm giác buồn chán sau khi sinh em bé vài ngày (baby blues)

Việc có em bé có thể khiến bạn vừa phấn khởi nhưng cũng vừa mệt mỏi. Nó mang lại nhiều niềm vui, song đôi khi lại thách thức bạn ở những hoàn cảnh bạn chưa bao giờ nghĩ tới.

Chẳng bao lâu sau khi sinh, nhiều phụ nữ cảm thấy yếu đuối hơn và tâm trạng trở nên ủ rũ. Dù bạn may mắn khi có em bé xinh xắn bên cạnh và một người chồng yêu thương bạn hết mực, bạn vẫn có thể dễ khóc vì những điều vụn vặt xung quanh.

Cảm thấy buồn khi em bé mới chào đời

baby-bule

Bạn còn có thể cảm thấy kiệt sức, không thể chợp mắt, suy nghĩ bế tắc và tràn ngập lo âu.

Cảm giác thèm ăn có thể tăng giảm thất thường, bạn thấy khó chịu, bồn chồn, lo lắng về việc trở thành một người mẹ tốt, hay sợ rằng cảm giác làm mẹ không bao giờ còn được thoải mái như trước.

Hãy yên tâm: Tất cả những cảm giác này được gọi là “baby blues”. Đây là điều bình thường trong vài tuần đầu sau khi bạn sinh em bé. Trên thực tế, có đến 80% phụ nữ mới làm mẹ gặp phải hiện tượng này.

Nguyên nhân và cách điều trị

Sau khi sinh, cơ thể bạn thay đổi nhanh chóng. Lượng hoóc-môn giảm xuống, sữa bắt đầu tiết ra và bầu ngực có thể bị ứ sữa khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Những triệu chứng sinh lý này dễ dẫn đến tâm trạng suy sụp.

Yếu tố cảm xúc cũng là một nhân tố gây ra rối loạn tâm lý. Bạn có thể cảm thấy lo lắng về sức khỏe của bé cũng như bước ngoặt khi được làm mẹ, hay việc phải điều chỉnh thói quen của mình. Tinh thần trách nhiệm đôi khi làm cho bạn cảm thấy nghẹt thở.

Điều may mắn là cảm giác buồn buồn sau sinh (baby blues) không phải là một bệnh, nó sẽ tự biến mất. Không có biện pháp điều trị nào tốt hơn là sự quan tâm an ủi, hỗ trợ từ phía gia đình, bạn bè cũng như dành thêm cho mình thời gian kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Mất ngủ sẽ làm cho hội chứng này trở nên tồi tệ hơn, vì vậy hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể. Chỉ cần chợp mắt khoảng 10 phút thôi cũng đem lại tâm trạng tốt hơn cho bạn.

Khi người bạn biết mắc “baby blues”

Nếu bạn là chồng, bạn bè hoặc người thân, điều tốt nhất bạn có thể làm là hãy trấn an cô ấy rẳng nhiều phụ nữ sau khi sinh đều cảm thấy như vậy. Họ kiệt sức, không tin tưởng vào bản thân, và nếu đó là đứa con đầu lòng, có thể họ chưa bao giờ trải qua những trường hợp như thế.  Do vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có những cảm xúc thái quá so với bình thường.

Chỉ cần lắng nghe. Khuyến khích cô ấy nên khóc nếu cảm thấy cần thiết. Nói với cô ấy rằng cô ấy thật tuyệt vời. Hạn chế tối đa khách đến thăm nom. Hãy nhắn tin cho cô ấy thường xuyên và nói với cô ấy là không cần phải nói những lời cảm ơn trong lúc này. Nấu bữa tối cho cô ấy. Giúp cô ấy lên kế hoạch và đặt ra các ưu tiên – những điều nên thực hiện trước.

Tạo điều kiện tốt nhất cho cô ấy có thể tự chăm sóc bản thân. Nhấn mạnh rằng cô ấy nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, và bạn tình nguyện trông nom em bé trong khi cô ấy ngủ. Trên hết, hãy để cô ấy biết bạn luôn sẵn sàng ở bên cạnh cô ấy và sẽ không thể có vấn đề gì xảy ra.

Baby blues khác gì với bệnh trầm cảm sau sinh?

Mọi người thường nhầm lẫn giữa cảm giác buồn buồn sau khi sinh với bệnh trầm cảm sau sinh, vì chúng có những triệu chứng khá giống nhau. Vì vậy, làm thế nào để bạn biết liệu mình có mắc phải hội chứng đó hay là một căn bệnh trầm cảm lâm sàng?

Nếu bạn đang trong 2 tuần sau khi sinh con, hãy chờ đợi để xem một số biến đổi tâm trạng. Nhưng nếu bạn tiếp tục có cảm giác như vậy trong hơn 2-3 tuần kế tiếp, hãy gọi cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn để được hỗ trợ về mặt chuyên môn. Cũng như vậy, nếu bạn có tiền sử mắc bệnh trầm cảm, hoặc gia đình bạn đã từng có người gặp phải, hay gặp các triệu chứng như suy nghĩ tiêu cực đi kèm cảm giác lo lắng thì sẽ rất phức tạp.

(Nguồn: BabyCenter – Cộng tác viên Lê.T.K.Hà dịch – Út Em Shop sở hữu nội dung tiếng Việt)

Leave a Comment